Những giọt ký ức đẹp lấp lánh bỗng biến mất khó hiểu trong tuổi thơ của tôi (2): Nhà văn Thụy An (Lưu Thị Yến, 1916-1989)

Nguyễn Thị Hiền

Tôi muốn ghi lại những kỷ niệm vô cùng khó hiểu, không bao giờ quên trong tuổi thơ của mình.

Tôi không viết về sự nghiệp văn chương và cuộc đời của họ. Tôi chỉ muốn nhớ tới những giọt ký ức lấp lánh tuyệt đẹp mà họ đã dành cho tôi trong những năm thơ ấu của đời mình.

clip_image001

Một hôm bố tôi nói hôm nay Thầy cho con đi xem phim ở rạp Majestic (tức rạp Tháng Tám bây giờ).

Tôi mừng quá. Vì mọi khi may lắm tôi mới được ra hồ Hoàn Kiếm xem phim thùng. Đó là một thùng gỗ có một bác đứng cầm một cần gỗ quay xè xè. Tôi và bọn trẻ hớn hở rúc vào một lỗ khoét tròn ở thùng gỗ, chui đầu vào và phủ vải kín mít, tối om. Mỗi khi bác chủ quay thì trên màn hình hiện lên các hình ảnh biết cử động, biết phi ngựa, múa kiếm, rồi công chúa, hoàng tử. Hấp dẫn vô cùng. Nhưng phim rất ngắn. xem một tý là hết phim. Chui đầu ra hít một hơi dài vì chui đầu vào trong vừa mỏi cổ vừa khó thở. Nhưng vẫn cứ thích mê tơi.

Hôm nay được bố nói cho đi xem phim ở rạp Majestic! Ôi sướng quá. Diện quần áo xúng xính xong hai bố con đi. Bố dắt tôi đến một ngôi nhà ở phố Trần Quốc Toản! Tôi nghĩ thầm sao lại đến đây mà không phải đến rạp chiếu phim là sao?

Vào trong nhà tôi thấy bác Trần Duy (họa sỹ Trần Duy) đang ngồi ở bộ salông. Nhìn thấy bố dắt tôi vào, bác nói anh và cháu ngồi đợi chị Thụy An sắp xuống.

Ngồi một lát. Bỗng một mùi thơm thoang thoảng phảng phất. Và từ trên gác cô Thụy An đi xuống.

Cô mặc áo dài nhung the màu đen, quần trắng, trên cổ đeo chuỗi ngọc trai màu trắng. Tóc phidê uốn cao, môi son đỏ thắm. Cô người cao dong dỏng, thanh mảnh. Tôi nhìn cô không chớp mắt. Cô đẹp quá và thơm ơi là thơm. Cô chào bố tôi và chào cả tôi nữa. Xong cô nói bây giờ cả nhà ra xe cô đưa đến rạp Majestic xem phim. Đó là phim Othello và nàng Desdemona, dựa theo kịch của nhà văn William Shakespeare.

Rồi một hôm khác tôi lại được bố cho đến nhà ở Trần Quốc Toản. Lại thấy bác Trần Duy đã ngồi ở bộ salông. Bố tôi và bác ngồi uống trà đợi cô Thụy An xuống. Một lúc sau lại một mùi thơm thoang thoảng dịu ngọt phảng phất. Cô Thụy An từ trên gác đi xuống. Lần này cô mặc áo dài nhung the màu huyết dụ, quần đen, trên cổ cô vẫn đeo chuỗi ngọc trai trắng sáng lấp lánh. Môi son đỏ thắm. Tóc xoăn cuốn lọn rất đẹp. Cô lại chào mọi người, chào tôi, rồi dắt tay tôi cùng mọi người ra xe đến rạp Majestic xem phim. Lần này là phim King Lear (Vua Lear) cũng dựa theo kịch của nhà văn người Anh William Shakespeare.

Đây là hai bộ phim lần đầu tôi tiên tôi được xem trong đời, đều là do cô Thụy An dắt tay tôi đi xem.

Nhưng tôi còn nhớ lần mẹ tôi ốm nặng. Bố tôi khi đó đang phải đi họp chống "Nhân văn Giai phẩm". Không hiểu sao khi đó cô Thuỵ An lại có mặt ớ nhà tôi. Cô đã cùng tôi đưa mẹ tôi đi cấp cứu. Mẹ tôi phải mổ khẩn cấp. Bố tôi cấp tốc bỏ họp chạy vào bệnh viện ký giấy cho chú Trần Quán Anh mổ cho mẹ tôi. Tôi sợ và lo lắm. Nước mắt rơm rớm. Thấy vậy, cô đã đứng cùng tôi. Tay cô nắm chặt tay tôi. Cô ôm tôi sát vào người cô. Mùi thơm thoang thoảng tỏa ra bao phủ tôi, một mùi thơm mà mỗi khi trong nhà tôi ngửi thấy là tôi biết cô vừa đến. Tôi nói với bố đó là chữ ký trong không gian của cô. Hai cô cháu đã đứng cùng nhau như vậy cho đến khi xe đẩy mẹ tôi ra khỏi phòng mổ. Cô còn vào tận giường mẹ tôi nằm, dặn dò bố tôi chăm sóc mẹ tôi. Ôm hôn tôi rồi cô chào chúng tôi ra về. Đó là lần cuối cùng tôi gặp cô, cũng như chú Phùng Cung.

Cô biến mất hoàn toàn. Không bao giờ tôi gặp lại cô nữa.

Mãi sau này tôi mới được nghe nói cô đã bị kết án đi tù 15 năm cùng bác Nguyễn Hữu Đang.

Cô không tham gia Nhân văn Giai phẩm, không viết một bài nào cho Nhân văn Giai phẩm nhưng cô bị quy kết là gián điệp phản động trong vụ Nhân văn Giai phẩm.

Cô là người đầu tiên thực hiện đòi Nữ quyền và chủ trương giải phóng phụ nữ, xác định vị trí người phụ nữ như một công dân tự do với tinh thần dân chủ.

Cho đến nay mọi việc của cô vẫn chưa được kết luận lại.

Mặc dù những nhân vật chủ chốt trong vụ Nhân văn Giai phẩm, nhiều người được giải thưởng nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, những tác phẩm sáng tác trong thời kỳ Nhân văn Giai phẩm đã được xuất bản trở lại, riêng đối với cô Thụy An vẫn hoàn toàn chưa được giải tỏa.

Người ta nói bà là số phận bi thảm nhất của phong trào Nhân văn Giai phẩm.

Tôi nghe nói trong tù cô đã phản đối bằng cách móc một con mắt của mình. Cô nói:

Mặc bao cuộc hưng tàn phế đổi

Vẫn đăm đăm một đợi một chờ

Mẹ con hóa đá trơ trơ

Mẹ là Tin Tưởng, con là Tương Lai.

Đó là tâm trạng Tô Thị hóa đá, mà cũng là tâm trạng của tôi suốt 15 năm cho đến mãi mãi.”

Tôi khi đó còn bé quá. Không hiểu nổi những biến động thăng trầm gió bão của đất nước và không hiểu nổi những gì thực hư trong vụ án của cô.

Nhưng không bao giờ tôi quên được bàn tay cô dắt tôi vào rạp xem phim đầu tiên trong đời. Không bao giờ quên được dáng vẻ thanh cao của cô. Lại càng không bao giờ quên được cô đã cùng tôi đưa mẹ tôi đi bệnh viện cấp cứu kịp thời. Và bàn tay cô nắm chặt tay tôi, ôm tôi sát vào lòng. Đứng cùng tôi. Chia sẻ nỗi lo cùng tôi. Chờ đợi mẹ tôi mổ xong mới yên tâm ra về.

Dù bất kỳ họ nói cô thế nào, sau này lịch sử kết luận ra sao, tôi vẫn không thể quên được những kỷ niệm đẹp đẽ nhân ái cô đã làm cho tuổi thơ của tôi. Tôi vẫn muốn thắp nén nhang cho cô, cầu mong cô thoát khỏi mọi khổ đau, thanh thản bay về nơi bình yên an lạc.

Comments are closed.