Câu chuyện Thơ Sửa-Tạo

Ngu Yên

image

Một bài thơ được sáng tác lần đầu tiên cho đến khi tác giả hài lòng, sẽ rơi vào một trong bốn trường hợp:

1- Giữ nguyên bản không sửa chữa.

2- Sửa ít, giữ cấu trúc chỉ thay đổi từ ngữ, cú pháp, hoặc đôi điều tiểu tiết.

3- Tái xét toàn bộ bài thơ, sửa đổi, di chuyển vị trí câu thơ, hoặc thêm bớt tứ thơ.

4- Viết lại bài thơ khác từ bài nguyên bản. Có thể thay đổi quan điểm, lập luận, hoặc ý thơ. Chuyển hứng khởi từ nguyên bản qua văn bản nháp.

Nếu không được một trong bốn trường hợp trên, trường hợp thứ năm là hủy bỏ.

Trường hợp 2 và 3 là sửa đổi, cải thiện bài thơ (revision). Một số trường hợp 3 và trường hợp 4 là tái tạo, tức là sáng tác lại từ bài thơ đã có (recreation). Trước đây, tác giả quan tâm vấn đề sửa đổi thơ. Vào thế kỷ 21, một số tác giả bắt đầu lập luận về tái tạo thơ. Nhất là những người viết đã chôn nhiều công phu vào tác phẩm mà không vừa ý nhưng không muốn hủy bỏ.

Việc sửa đổi hoặc tái tạo bài thơ hoặc văn bản nguyên thủy tùy thuộc vào sở học, niềm tin giá trị, cá tính tác giả và thể loại. Ví dụ, thơ Hài Cú hoặc thơ cảm xúc cao, thường được giữ nguyên bản hoặc ít sửa đổi. Trong khi thơ trí tuệ hoặc trường ca, thường phải sửa chữa nhiều lần trong một thời gian phù hợp.

Suốt lịch sử thi ca, người nổi tiếng làm thơ hay, viết không sửa chữa là Vương Bột thời Sơ Đường. Sáu tuổi biết viết văn. Mười sáu tuổi nổi danh xuất khẩu thành thơ. Ông có thói quen mài mực trước khi lên giường ngủ. Lúc vừa thức dậy cầm bút viết ngay. Vương Bột để lại bài phú Đằng Vương Các trong kho tàng văn chương Trung Quốc. Tuy vậy, vị trí của ông chưa sánh bằng Lý Bạch, Đỗ Phủ, và Bạch Cư Dị… Phần còn lại hầu hết nhà thơ nào cũng có bài nguyên bản và có bài phải sửa chữa. Đa số thơ cần tái xét (edit).

Tôi nghĩ, thế kỷ 21 mang đến nhịp sống: nhanh, rối loạn, và vô cùng phức tạp. Những loại thơ nặng cảm tính, nhẹ tư duy sẽ khó thuyết phục hoặc thỏa mãn tâm trí, dù số người đọc thơ ở mức độ đó có thể còn rất ít. Để giải trí, thơ sẽ không sánh bằng những phương tiện truyền đạt khác có hình ảnh đính kèm, như phim ảnh, video, âm nhạc, trò chơi điện tử… Tuy vậy, đọc văn chương vẫn khác với xem phim ảnh. Đọc là chủ động, xem bị/thụ động. Chủ động tư duy luôn luôn sáng tạo hơn bị lôi cuốn suy nghĩ theo “thủ thuật”, kỹ thuật và ý định của người khác.

Đồng thời đa số người thế kỷ 21 sẽ chen chân vào phạm vi “Chủ nghĩa Vật Chất Tự Nguyện và Tự Trị.” Nghĩa là họ tích cực đua nhau vào niềm tin “thất vọng.” Nơi cuối đường, có lẽ tinh túy thơ sẽ giúp cho tâm trạng “thành công mà trống rỗng” giảm bớt căng thẳng. Chủ thuyết Hư Vô mà Nietzsche bàn thảo báo động hơn trăm năm trước đã biến dạng. Người đọc nên tìm hiểu Tính Hư Vô là gì? Vì sao người ta tình nguyện thỏa thuận với trống rỗng? Chủ thuyết Tân Hư Vô tranh luận về tâm linh trong xã hội mới nhưng chưa có giải pháp tích cực và thuyết phục. Theo tôi, cách mạng tôn giáo không phải là giải pháp hậu chủ mà chỉ là tiên phát. Ngược lại với luật pháp chỉ kềm chế răn đe trừng phạt kẻ cướp nhưng không cảm hóa “tính cướp” trước khi hành động. Tân Hư Vô cần những giải pháp thực tế phù hợp với chính trị-kinh tế hơn là triết học và siêu hình. Một giải pháp trực tiếp thực hành trên xã hội và nhân tính.

Niềm tin “thất vọng” là gì? Thế giới điện tử và kỹ thuật khoa học ngấm ngầm thuần hóa con người theo con đường thỏa mãn, sung sướng với tiện nghi vật chất và vật chất lý tưởng. Hơn lúc nào hết, thế kỷ này con người đặt lòng tin vào khoa học và những sản phẩm của kỹ thuật tiên tiến. Mức độ lý tưởng của vật chất càng ngày càng cao và sự thỏa mãn không bao giờ có giới hạn. Con người dù thất bại hoặc thành công đều mỏi mệt và “cháy” ở mức độ khác nhau. Nhất là tình trạng cháy ngầm, căng thẳng, làm tổn thương tâm trí và nội phủ. Cho dù đạt được thành công như sở nguyện vẫn sẽ phát giác sự vô nghĩa khi phải đánh đổi, phải trả giá cao một phần lớn của cuộc sống ngắn ngủi. Sự ám ảnh sẽ đeo đuổi, tác dụng trên tư duy và cảm xúc. Thất vọng về thành công tai hại hơn thất vọng vì thất bại. (Mời đọc Cultural Materialism ‘Thuyết Duy Vật Văn Hóa’ của Scott Wilson. Cambridge, Mass.: Blackwell, 1995.)

Tôi nghĩ, thơ cần phải thay đổi theo nhịp sống thế kỷ 21 và làm thơ cần: mở rộng, hiện đại, thâm trầm và chú trọng những gì đang tổn thương con người, nhất là con người cùng tộc. (Ở quan điểm này, nhà thơ trong nước được nhiều ưu điểm và cơ hội thực tế phục vụ quê hương một cách cụ thể hơn nhà thơ hải ngoại.)

Về diện văn học thế giới, tôi nghĩ, thơ cần xuất hiện trong một chân dung, hình thể, thái độ, phong thái mới, khác với thơ đã quen thuộc, e chừng lỗi thời, không còn khả năng thu hút người đọc. Nhưng thơ mới như thế nào? Câu trả lời còn nằm trong vòng thử nghiệm. Không phải như những thời đại cũ, thơ thay đổi theo văn hóa và nhân văn. Tác dụng của khoa học kỹ thuật thời nay sẽ mang đến một số động lực và lý do để thơ thay đổi thích nghi với xã hội, nhịp sống đương thời và khuynh hướng tương lai. Thơ không thể chỉ biến dạng qua diễn trình văn hóa mà e rằng sẽ phải tái cấu trúc bằng dữ liệu mới, bao gồm chất hợp chủng văn hóa và tác dụng khoa học kỹ thuật.

Tuy chưa nhìn thấy thơ tương lai một cách rõ rệt, nhưng trong khí hậu sống đương đại, tôi nghĩ vai trò tái tạo cần thiết cho thơ thế kỷ 21. Thuật ngữ “tái tạo” bao gồm luôn phần căn bản sửa chữa và sửa đổi.

Phải chăng Tái Tạo

là sáng tạo khi tái xét?

Tái tạo là hành trình chủ yếu do ý thức điều khiển. Ý thức được trang bị kinh nghiệm và kiến thức về văn học, sáng tác, và đời sống sẽ tác dụng hữu hiệu khi tái xét văn bản. Ý thức càng sâu rộng càng kinh nghiệm sự hữu hiệu càng hữu hiệu hơn, đóng góp vào sự thành đạt của bài thơ. Những khám phá vào cuối thế kỷ 20 cho thấy phần trí nhớ “ngẫu nhiên” của người viết cần được kiểm duyệt bởi “bộ nhớ dài hạn.” Nghĩa là, “ngẫu nhiên” từ vô thức cần được tái xét. Trong tiểu luận: New Directions in Writing Theory (Phương Hướng Mời Trong Lý Thuyết Sáng Tác), John R. Hayes, trình bày những nghiên cứu về vai trò “working memory” (phần trí nhớ hiện hành) tác dụng như thế nào khi sáng tạo thành hình. (Mời đọc: Handbook of Writing Research của Charles A. MacArthur, Steve Graham, Jill Fitzgerald (eds.), New York: Guilford Press, 2006)

Một quan điểm nữa cần lưu ý, hình ảnh trong trí nhớ luôn luôn bị tác động bởi tưởng tượng. Theo thời gian, hình ảnh đó thay đổi, biến dạng hoặc tự tạo ra những liên hệ không nguyên vẹn như lúc thu thập. Vì vậy việc tái xét hình ảnh cần được xảy ra trong lúc thần trí tỉnh táo.

Từ khi chủ thuyết của Freud ra đời, vô thức chiếm ngự vị trí sâu rộng trong sáng tác. Một trong những lý do chính vì người ta đối diện với tính bí ẩn của vô thức nhưng chưa thể giải thích. Khả năng vô thức mang đến cho sáng tạo vượt qua sự hiểu biết đương thời, mang tính ảo thuật hoặc ma lực. Ý thức sáng tác dường như lùi bước trước sắc thái lộng lẫy đầy quyến rũ của vô thức.

Tuy nhiên những gì do vô thức mang đến cho thơ không phải hoàn toàn hoặc luôn luôn đáng được ca ngợi. Trong tác phẩm Art as Technique (1916), Viktor Shklovsky lập luận về nhận thức trở thành vô thức: “Nếu chúng ta bắt đầu xem xét các quy luật tổng quát về nhận thức, chúng ta sẽ thấy được khi trở thành thói quen thì nhận thức trở nên tự động. Vì vậy, tất cả thói quen sẽ đi vào cõi tự động vô thức; ví dụ, nếu ai nhớ lại cảm giác lần đầu tiên cầm cây bút hoặc nói tiếng ngoại quốc và so sánh với cảm giác khithực hiện hành động này ở lần thứ mười ngàn, người đó sẽ đồng ý với chúng tôi. Thói quen như vậy giải thích các nguyên tắc theo đó trong lời nói bình thường chúng ta đưa ra những câu nói không hoàn tất và những ngôn từ chỉ diễn tả một nửa.” [1] Thói quen diễn đạt từ vô thức cũng tạo nên nhiều khoảng trống. Những khoảng trống này đôi lúc hay, đôi lúc dở, nhiều khi tạo ra ý nghĩa ngầm, gợi ý cao kỳ, nhiều khi vô nghĩa, tạo ra ngớ ngẩn. Một trong những công việc sửa-tạo là xóa bỏ những ngớ ngẩn kia. Làm sáng tỏ hơn những mù mờ hoặc làm đẹp lại những trang điểm không cần thiết.

Vi dụ: “… để kết thúc màn vũ đặc sắc một hồi trống dồn liên tục thúc giục các vũ công bay lộn xoay cuồng. Khi hồi trống chấn dứt, đoàn vũ biến dạng vào bóng tối dày đặt khói mù…” Đọc đoạn văn này vì sự quen thuộc với mặt chữ trong cú pháp và tứ văn từ liên văn bản hồi tưởng, vô thức dễ dàng lướt qua không thấy sự sai lầm: “chấn dứt” thay vì “chấm dứt”. Những ai dò chính tả cho văn bản đều có kinh nghiệm này.

Chủ yếu trong luận lý thi ca, một loại “huyền tưởng” thường dùng để biện bác: mơ hồ là bản sắc của thơ. Khái niệm này đúng trong quá khứ, không đúng trong thời đại hôm nay. Mơ hồ không phải thuộc về thơ mà do vô thức mang vào thơ. Sự mơ hồ hiện diện trong ngôn ngữ và cách diễn đạt. Không có văn bản nào dù là văn bản pháp luật hoặc khoa học mà không cưu mang tính mơ hồ. Mơ hồ không chỉ dành riêng cho thơ. Trước khi phong trào Tân Văn Hóa và văn học chủ nghĩa Hiện Đại khám phá ra chức năng của lời nói và chữ viết qua ngôn ngữ học, mơ hồ có lý do làm nên huyền thoại, tôi gọi là huyền tưởng, cho thơ. Mơ hồ như sương mù phủ lên phong cảnh tạo nên thẩm mỹ không rõ ràng và đẹp nhờ ở chỗ không rõ ràng. Trong khi nắng lên, ánh sáng tỏ lộ mọi vật, tạo ra cảnh đẹp và chiếu sáng lối đi có thể tìm đến. Thơ quá khứ và thơ hôm nay khác nhau như vậy.

Vô thức là khả năng kết hợp và biến chế những dữ liệu tồn trữ trong trí nhớ cá nhân và trong lịch sử, xã hội, văn hóa. Những hình ảnh, ý tưởng, câu chuyện biến dạng của vô thức, xuất hiện không được chọn lựa. Vô thức không có khả năng tự đánh giá và quyết định. Đó là chức năng của ý thức. Vô thức chỉ đưa đến bất ngờ và hỗn loạn những dữ liệu biến dạng về một chủ đề mà ý thức đang đeo đuổi hoặc đã suy nghĩ trong một khoảng thời gian.

Nghệ thuật nào ghi nhận hoàn toàn những gì vô thức đưa đến sẽ thể hiện sự mơ hồ, hỗn loạn, đôi khi ngược ngạo với nhau trong cùng một văn bản. Sự đòi hỏi ý thức phải chen chân vào để kiểm soát những yếu điểm của vô thức là lẽ đương nhiên. Tuy vậy, khi sáng tác, lúc vô thức đang chủ động và biến hóa, đó là lúc ý thức tự động vắng mặt, đó là lúc vô thức thể hiện những năng lực cao kỳ tiếp cận siêu nhiên, ý thức không có khả năng ngăn chận. Ý thức chỉ có thể kiểm soát, chọn lựa và quyết định khi vô thức rút lui về nơi bí ẩn. Phải chăng, đó là lúc sửa-tạo?

Trong lãnh vực sáng tác văn chương, nếu vô thức chủ động khi sáng tạo, ý thức chủ động khi sửa-tạo. Trong phê bình văn học, từ lâu, ý thức đã được sử dụng để đánh giá vô thức. Ngày nay, quan điểm ý thức tái tạo sự sáng tạo đã thành hình một khái niệm mới: “Tái sáng tạo”, sáng tạo trong lúc tái tạo.

Tuy vậy, khuyết điểm khi sửa-tạo sử dụng ý thức một cách cứng ngắc hoặc cường điệu sẽ giam cầm sinh động của sáng tác, có thể biến tác phẩm thành văn bản điêu khắc, có thể biến thơ thành một luận văn.

Trong thời đại kỹ thuật hóa toàn cầu, sự phát triển cụ thể của mạng lưới, của các thiết bị thông minh, của các não bộ nhân tạo… đã mang vai trò ý thức trở lại vị trí chủ động, làm việc chung với vô thức, nếu chưa muốn phát biểu: ý thức đánh giá vô thức.

Diễn tiến này chỉ mới bắt đầu, chúng ta sẽ làm nhân chứng những phát minh “kỳ lạ” vượt qua sức tưởng tượng từ những kết quả khoa học kỹ thuật và điện tử trong tương lai. Những sự việc như vậy không thể trực tiếp đến từ vô thức mà trí tuệ, ý thức, luận lý, ý chí… đóng vai chỉ đạo lẫn thực hành.

Độc giả và sửa-tạo

Về phần người đọc: ngôn ngữ, hình ảnh ý nghĩa đến với họ bằng thói quen. Nghĩa là vô thức tự động thu nhận cho đến khi nó bừng tỉnh vì bị ý thức đánh thức. Theo quan điểm của Hình Thức Luận, nghệ thuật thơ là đánh thức người thưởng ngoạn ra khỏi sự quen thuộc, cho họ một nhãn quan khác về đối tượng mà họ đã biết. Không cần phải giải thích nhưng điềm chỉ hoặc gợi ý, thậm chí là mô tả đối tượng, cho họ thấy một cách thú vị hoặc thi vị. Shklovsky, một trong nhóm chủ trương chủ nghĩa Hình Thức đưa ra nhận định chính xác về sự “làm mới lạ”: “Mục đích của nghệ thuật là truyền đạt cảm giác về sự vật như được nhận thức, chứ không phải như đã được biết. Kỹ thuật nghệ thuật là làm cho đối tượng trở nên “không quen thuộc”, làm cho hình thức trở nên khó khăn, làm gia tăng độ khó và thời gian nhận thức vì quá trình nhận thức tự thân nó là một cứu cánh thẩm mỹ và cần phải được kéo dài.” [2]

Quan điểm này có chỗ cần nhấn mạnh: nhận thức về thẩm mỹ cần được kéo dài. Vì ba lý do: 1- Cảm nhận thẩm mỹ bằng trực giác là khả năng thông diễn nhanh và sắc nhưng không rõ rệt vì tạo nhiều cảm xúc. Sau đó, khả năng suy luận sẽ tiếp tục mang nhận thức thẩm mỹ đến một cách thực tế hơn. 2- Nếu cảm nhận thẩm mỹ bằng tư duy nhất định phải có thời gian để luận lý khám phá và liên kết mạch lạc. 3- Thẩm mỹ đến từ diện nghệ thuật và diện tư tưởng, cả hai đều cần thời gian để thẩm thấu vào tâm tư, hữu dụng cho đời sống. Sáng tác đánh thức người đọc trước thẩm mỹ, cần để cho người đọc thời gian tiếp hơi.

Khái niệm này cho sáng tác biết: cần phải khơi động sự thức tỉnh, chú ý, quan tâm của người đọc, nhất là đọc thơ. Lúc sửa-tạo là lúc tác giả bình tĩnh suy nghĩ về những mô hình sáng tác có khả năng đánh thức độc giả ra khỏi sự tự động của vô thức.

Đây là một quan điểm đúng đắn, tuy nhiên đã dẫn đến một lầm lẫn: Cố ý gây khó khăn cho người đọc. Nếu một bài thơ cưu mang sự khó khăn thẩm thấu không phải vì ý tưởng sâu sắc hoặc mức độ thẩm mỹ cao, thì sự khó khăn đó chỉ là những giả mạo của thủ thuật, sẽ tiêu hủy bài thơ. Một công việc khác của sửa-tạo là xóa bỏ những giả mạo mà sáng tác đã vô tình ghi lại trong lúc miên man hoặc do ý đồ cố tình tạo hiệu quả ngoài lãnh vực văn chương và nghệ thuật. (Mời đọc vô số thơ khó hiểu trên mạng.)

Người đọc thơ giải trí và người đọc với ý thức đọc thơ là hai cá tính khác nhau và hai lãnh hội khác nhau. Một bên là vào mâm cơm ăn thử món nào vừa ý, thích thì khen ngon, không thích chê dở. Một bên là lựa ăn những món nào ngon với khẩu vị có tiêu chuẩn và để lại trong cơ thể điều gì bổ dưỡng, học hỏi ít nhiều về hương vị phẩm chất, nâng cao trình độ ẩm thực.

Công việc tái xét một bài thơ cũng quan trọng như sáng tạo ra nó. Khi sáng tác, không ai biết lúc nào thơ sẽ đến và đến toàn bộ hay không, nhưng khi sửa-tạo, tác giả dành quyền chủ động, chọn lựa, quyết định. Đây là lúc nhà thơ cần áp dụng sở học, kinh nghiệm với hai khả năng cần thiết:

1- khả năng sáng tạo từ thơ đã hiện hữu,

2- khả năng tự nhiên hóa việc sửa chữa, nghĩa là tôn trọng sự tự trị của ngôn ngữ và tứ thơ.

Sửa-tạo một bài thơ cũng gây hứng thú như lúc sáng tác nguyên bản. Tương tựa như “đẩy” bài thơ về hướng “hay” dần. Hoặc lột những lớp vỏ bao bọc để nhìn rõ thơ ẩn núp ở đâu. Nếu bản thân của tác giả nhận thức bản sửa tạo không hay hơn bản nháp, nên hủy bỏ, có thể làm lại vào một dịp khác. Vấn đề tồn tại là khả năng đánh giá. Nhận định giá trị tác phẩm của mình tương tựa như nhận định chân dung và tính tình của người yêu. Phải đợi cưới nhau rồi, đôi năm sau, mới rõ thực hư.

Riêng về tái tạo, chủ yếu ở quan điểm: Mỗi lần tái tạo bài thơ sẽ là một bài thơ mới. Bài thơ mới có thể là bài nháp, nhiều lần nháp cho đến khi có bài thơ mới sau cùng.


[1] Viktor Shklovsky, Art as Technique, https://web.archive.org/web/20091205211412/http://www.vahidnab.com/defam.htm

[2] Viktor Shklovsky, Art as Technique, https://web.archive.org/web/20091205211412/http://www.vahidnab.com/defam.htm

Comments are closed.