Hồ sơ Biên bản so sánh – bài 2: Từ Lê Vă[ĩnh]n Tài đến Trần Nhật Quang, Triều Tiên đứng ở đỉnh nào của thế giới?

Inrasara

1. Năm 2014 ghi nhận hai hiện tượng thơ vô cùng thú vị: hiện tượng Lê Vĩnh Tài và Trần Nhật Quang. Theo tôi, cả hai đều có liên hệ dây nhợ với một tài năng thi ca khác: Lê Văn Tài với các sáng tạo độc đáo của anh: Thơ cụ thể concrete poetry.

Loạt bài “Văn bản toàn trị đăng trên tienve.org, gồm “Văn bản toàn trị [nhìn thẳng]”, “Văn bản toàn trị [đọc gần]”, “Văn bản toàn trị [nhìn từ dưới lên]”, “Văn bản toàn trị [nhìn nghiêng]” tạo hiệu quả nghệ thuật đặc biệt.

Ở “Văn bản toàn trị [nhìn sâu]”, chữ và nghĩa hoàn toàn vắng mặt, dành chỗ cho màu sắc và hình khối. Một bức tranh nhiều màu án ngữ giữa màn hình vi tính. Vòng ngoài là loạt bàn chân cùng đi một chiều, tạo cảm giác trăm bước đi trên một lối mòn đã định hướng sẵn; phần trong là các que ngoặc không đều gồm ba màu tím, xanh và xám như thứ mê lộ được thiết chế bảo vệ cho sự an toàn của chiếc sọ dừa. Cuối cùng tâm điểm bài thơ là chiếc sọ dừa với hai thanh dùi cui như hai chiếc xương bánh chè bắt chéo ở tư thế dọa nạt “nguy hiểm chết người”, nhưng sọ dừa kia vẫn rất mực trang trọng đạo mạo đầy quyền uy qua chiếc cà vạt thắt nghiêm chỉnh với hai bàn tay xòe áp vào ngực.

Tác giả để cho người đọc [nhìn] mặc sức liên tưởng và tưởng tượng.

clip_image002

2. Ở Việt Nam, Lê Vĩnh Tài có cách chơi khác. Khác, do không có “tài” vẽ. Sử dụng hình ảnh có sẵn, thi sĩ này chỉ cần ghi chú là đủ. Đó là các ghi chú chết người. Kiểu hậu hiện đại. Thơ [hậu hiện đại] – bài thơ tên là “Em đi trại sáng tác” – là cách chơi kiểu ấy.

Bởi đây là ảnh thời sự lấy xuống từ mạng, nên là người thật việc thật. Ông Kim Dăng Un ngồi ghế nệm trước cái bàn – cây gậy thống chế chỉ chỏ – dường đang bàn việc nghiêm trọng. Chú ý: Bàn không có chai nước, không hộp thuốc lá, không gì cả, chỉ có hai tấm bản đồ bày ra. Sau lưng ông Un là sáu vị tướng già với một ngài quan to mặc áo như ông Un – đứng, cầm cuốn sổ với cây bút. Tất cả lắng nghe cực kì chăm chú, và ghi. Hãy chú ý dáng cây bút họ ngọ nguậy. Chú ý hơn nữa: một chú mặc áo lính đứng khuất phía xa xa canh chừng: xem có ai KHÔNG ghi chép không, có lẽ (1).

Không dừng lại ở đó, Lê Vĩnh Tài thò sợi dây cho người đọc/ xem liên tưởng, qua cách đặt tên cho bài thơ: Thơ [hậu hiện đại] bài thơ tên là “Em đi trại sáng tác”.

Kệ! Ai liên tưởng sao nấy chịu trách nhiệm (2).

clip_image004

3. Đẩy sự sáng tạo dấn thêm một bước mới và độc đ[ịa]áo hơn nữa, Trần Nhật Quang không dùng ngôn từ, cũng không xài đến màu sắc và hình khối, mà sử dụng chính thân thể mình, để làm thơ. Thơ video hậu hiện đại, chắc chắn thế.

Ra đời cùng với trào lưu thơ dư luận viên; giữa những thi sĩ làm thơ vì bổn phận như là thứ công việc kiếm cơm, làm thơ vì yêu thơ nhưng bất tài, Trần Nhật Quang đã nổi lên như một hiện tượng. Bằng tài năng bẩm sinh (tôi không dám dùng chữ thiên tài), anh đã làm nên các bài thơ vô cùng độc đáo, trong đó thi phẩm “Bắc Triều Tiên là mô hình xã hội mà các nước Tư bản phương Tây đang phải hướng tới” phải được xem là một kiệt tác (3).

Tôi muốn gọi Trần Nhật Quang là nghệ sĩ hậu hiện đại đích thực.

Hãy xét ngữ liệu “phòng lạnh” vô cùng phong phú được nghệ sĩ này sử dụng: “mô hình xã hội chủ nghĩa”, “nạn người bóc lột người”, “can thiệp thô bạo”… rồi thì “tư bản giẫy chết”, “dân chủ khát máu”…

Ở đó Bắc Triều Tiên “không có thất học, không có thất nghiệp, không có vô gia cư, không có tình trạng ốm đau chờ chết như các phần còn lại của thế giới…” [trong đó có Việt Nam]. Địa đàng ấy chính “là mô hình xã hội mà các nước Tư bản phương Tây đang phải hướng tới”! Cuối cùng: “Nếu các bạn không tin, các bạn hãy bay ngay sang Bắc Triều Tiên mà xem”, hai lần lặp lại.

Thổi phồng, nhấn mạnh, lặp lại, e hèm, nghiêm trọng hóa, lập luận mâu thuẫn đầy chủ ý, bật cười, khua tay múa chân, tất tần tật. Và hãy ngắm khuôn mặt rất “kịch” của anh: vẻ cố gắng diễn ý đến nổi gân cổ của anh, đôi mắt láo liên liên tục chuyển tới chuyển lui, nhất là ở bề sau, chiều sâu ánh mắt ấy: đầy sự đùa cợt.

Làm sao thưởng thức một video clip ngắn ngủn với câu kết: “Những người như Chu Hảo, như Nguyên Ngọc là các nhà dân chủ khát máu”, mà có thể nhịn cười cho được!? Chu Hảo lành là thế, lành đến nhà văn Phạm Thị Hoài định danh anh “đối lập trung thành”, vậy mà Trần Nhật Quang cứ gán bừa “dân chủ khát máu”, đó không phải là tứ thơ xuất thần sao!? Thú thật, mỗi bận nhớ đến câu này thôi là tôi không thể không bật cười thành tiếng. Tài tình thế là cùng.

Hãy “đọc” Trần Nhật Quang theo một hướng khác, bằng tâm cảm khác, thì tất cả sẽ đổi khác. Tinh thần giễu nhại hậu hiện đại lồ lộ trong hầu hết tác phẩm của nghệ sĩ này (4).

______

Tham khảo

(1) So với các vị tướng này, triết gia Trần Đức Thảo còn may chán. Hãy nghe – Ngô Nhân Dụng (Nguoi-viet.com) kể:

“Nguyễn Ðức Bình nói ông tổng bí thư muốn đọc cho giáo sư nghe để xin ông góp ý kiến về một bài đang viết: “Ðề cương về vấn đề con người.” Ngồi trong phòng khách, chỉ có ba người, Lê Duẩn độc thoại được mấy phút thì Nguyễn Ðức Bình nhắc Trần Ðức Thảo hãy ghi những lời ông tổng bí thư nói. Trần Ðĩnh cho biết một thói quen của các quan chức, cán bộ là khi nghe cấp trên nói gì thì họ cũng ghi chép chăm chú những lời vàng ngọc, chứng tỏ lòng kính cẩn và trung thành. Thấy triết gia cứ ngồi im, Bình chạy đi lấy giấy, bút đến đặt trước mặt. Triết gia vẫn không ghi chép gì cả..

Khi Duẩn ngưng, Nguyễn Ðức Bình nhắc: “Tổng bí thư đã nói xong, xin giáo sư góp ý kiến.” Trần Ðức Thảo ngơ ngác một lát, rồi thú thật: “Tôi không hiểu gì cả.”

(2) Lê Vĩnh Tài còn có tập thơ mang tên Liên tưởng, NXB Văn nghệ TPHCM, 2006.

(3) https://www.youtube.com/watch?v=DG4bobx-xSM

(4) Gợi ý các bạn tham khảo (không có ý chê bai ai ở đây): 1. Hiểu Trần Nhật Quang như một “dư luận viên” bình thường, là hiểu theo đa số công chúng. 2. Hiểu tác phẩm anh ta như là cách nói ngược, là hiểu kiểu HIỆN ĐẠI. 3. Nhà phê bình hậu hiện đại hiểu khác: đó là cách thế GIỄU NHẠI CAO CẤP. Thế nên mới dẫn một thiền giả nói: “Khi tôi chưa học thiền thì tôi thấy sông là sông, núi là núi. Khi tôi học thiền thì tôi thấy sông không phải là sông, núi không phải là núi. Bây giờ tôi học thiền rồi thì tôi lại thấy sông là sông, núi là núi”.

Comments are closed.