Kiến trúc nghệ thuật

N. D. Tamarchenko

Lã Nguyên dịch

(Architectonics, gốc Hy Lạp, nghĩa đen là nghệ thuật kiến trúc, thiết kế cơ cấu tòa nhà)

Theo M.M. Bakhtin, là cấu trúc giá trị của khách thể thẩm mĩ, tức là của thế giới của nhân vật được người đọc tiếp nhận từ vị thế “đứng ngoài tích cực” (từ vị thế tác giả – người sáng tạo) và từ quan điểm này, nó là hình thức nghệ thuật. Trong trường hợp này, hình thức – cấu trúc hay trật tự mà trong đó người ta có thể cảm nhận các yếu tố cấu thành nội dung – là các giá trị nhận thức và đạo đức của thế giới nhân vật, là mối tương quan thống nhất mà với người tiếp nhận (độc giả), chỉ trong ngữ cảnh của nó, mọi yếu tố nội dung mới có được ý nghĩa của chúng. Theo cách giải thích này, KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT (architectonics) đối lập với KẾT CẤU (composition), tức là tổ chức chất liệu (trong tác phẩm văn học là chất liệu ngôn từ), hay là hệ thống các phương tiện mô tả (thủ pháp).

Cách tiếp cận nhị phân với vấn đề hình thức nghệ thuật của M. M. Bakhtin thể hiện ở sự phân biệt nhất quán các dạng thức của cấu trúc giá trị (nhân vật, điển hình, tính cách, dạng hoàn tất, hài hước, cái bi, cái hải, trữ tình) và tổ chức kết cấu (đối thoại, phân đoạn theo hành động trong kịch, chương, khổ, dòng, bài thơ). Hai bình diện nói trên của tác phẩm có thể phân tích riêng rẽ, không phụ thuộc vào nhau. Một mặt, “tác phẩm bên ngoài” có thể nghiên cứu bằng các phương pháp ngôn ngữ học thuần túy, mặt khác, cấu trúc giá trị của thế giới hình tượng sẽ được phát hiện bằng “phân tích thẩm mĩ”. Cuối cùng, hướng tiếp cận thực sự có hiệu quả là “phương pháp mục đích luận” của thi pháp học,  tức là nhận thức kết cấu ngôn từ của tác phẩm như là sự thực hiện “nhiệm vụ kiến tạo cấu trúc giá trị” của tác giả. Trong mĩ học những năm 1920-1930 có hai phương án tiếp cận vấn đề này. P. A. Florensky phân biệt hai dạng hình thức, hoặc tự nó tổ chức thế giới hình tượng, hoặc là sự mô tả của nó, ông không dùng thuật ngữ “Kiến trúc nghệ thuật”, mà dùng thuật ngữ đồng nghĩa và cùng chức năng với nó “kiến tạo” (construction). A. F. Losev cũng không sử dụng khái niệm “Kiến trúc nghệ thuật”, nhưng ông phân biệt “sự vật ngữ nghĩa” và “cái khác không mang nghĩa” tái tạo nó một cách chính xác. P. Ingarden cũng không dùng thuật ngữ “Kiến trúc nghệ thuật”, nhưng ông mô tả sự khác biệt giữa kiến trúc như một “vật” và khách thể thẩm mĩ được quan sát trong các công thức gần giống với Bakhtin. Tất cả các tác giả nói trên đều nhìn thấy bản chất cốt lõi của một tác phẩm nghệ thuật trong sự đối lập của hai bình diện tồn tại khác biệt và không tương thích, tuy nhiên chúng lại nằm trong một khối thống nhất hiển nhiên và đầy nghịch lý. Về vấn đề này, Bakhtin và Florensky sử dụng công thức thần học nổi tiếng “không thể tách rời và không hợp nhất”.

Quan niệm KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT dùng để chỉ cấu trúc của một loại hiện thực khác so với thực tại của độc giả (thực tại thuộc về kết cấu), đối lập với hai khuynh hướng trái ngược nhau trong lí luận nghệ thuật xuất hiện hồi đầu thế kỉ XX. Khuynh hướng thứ nhất đưa ra luận điểm về “sự thống nhất giữa hình thức và nội dung”. Trong phê bình “hiện thực” Nga và trường phái văn hóa – lịch sử gần với nó, sự thống nhất nói trên được hiểu là dùng những hình thức có ý nghĩa thẩm mĩ phù hợp để thể hiện những tư tưởng có ý nghĩa xã hội ngoài thẩm mĩ. Khuynh hướng thứ hai đưa ra ý niệm về “hình thức bên trong”. Theo học thuyết của A. A. Potebnya,  hình thức với cách hiểu này vốn nằm trong các thuộc tính của bản thân ngôn ngữ và trong tác phẩm văn học thì nó gắn liền với bề mặt ngôn từ. Điều này dẫn “trường phái hình thức” Nga tới xu hướng lí tưởng hóa bản chất thẩm mĩ của kĩ thuật trong nghệ thuật, trước hết là “xử lí” ngôn ngữ và “sắp xếp” bể ngôn từ cho phép loại bỏ hoàn toàn “nội dung tư tưởng” khét tiếng.

Do vậy, khái niệm  là yếu tố của sự tổng hợp khoa học hoàn chỉnh: nội dung được hiểu là hệ thống giá trị của thế giới hình tượng được tác giả tổ chức và “định giá” thẩm mĩ (“trình bày”), còn hình thức ngôn từ được giải thích hoàn toàn về mặt kĩ thuật và mục đích luận “như là bộ máy kĩ thuật làm công việc thẩm mĩ”, tức là có chức năng thẩm mĩ. Công lao trực tiếp chuẩn bị cho bước tổng hợp này thuộc về nghệ thuật học hình thức châu Âu giai đoạn cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Chính nghệ thuật học hình thức châu Âu đã đưa thuật ngữ “architectonics” vào sử dụng chính thức trong khoa học (ví như Oskar Walzel sử dụng trong thi pháp học của ông), nó đối lập “các hình thức biểu hiện” và “phương thức mô tả hình tượng như nó vốn dĩ”. Đồng thời, người ta thấy có sự quay ngược trở về (thông qua chủ nghĩa Platon mới) với những tư tưởng mĩ học thời cổ đại về mối tương quan giữa “eidos”, sự vật và hình thức.

Ở Nga, trong sự phát triển sau này của thi pháp học, nổi lên học thuyết về những phương thức khác nhau của nghệ thuật và khoa học trong việc “phản ánh” cùng một nội dung như nhau (đặc trưng của nghệ thuật được nghiên cứu trong môn “tài nghệ học”), và phải đến giữa những năm 1950, 1960 mới xuất hiện cao trào mĩ học và thi pháp học.  Nhưng thuật ngữ KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT (architectonics) thì vẫn còn lại trong quá khứ của khoa học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

​Вальцель, О. Архитектоника драм Шекспира // Проблемы литературной формы. Л., 1928;

Вельфлин, Г. Основные понятия истории искусств. СПб., 1994; Ингарден Р. Исследования по эстетике. М., 1962;

Лосев, А.Ф. Форма – стиль – выражение. М., 1995;

Медведев, П.Н. Формальный метод в литературоведении. М., 1993; Тамарченко II.Д. «Композиция и архитектоника» или «композиция и конструкция»? (М.М.Бахтин и П.А. Флоренский) // Литературоведение и литературоведы. Коломна, 1996;

Флоренский, H.A. Анализ пространственности и времени в художественно-изобразительных произведениях. М., 1993;

Zylko, В. Michail Bachtin. Gdansk, 1994;

Emerson, C. The First Hundred Years of Mikhail Bakhtin. Princeton, 1997.

Н.Д. Тамарченко

Nguồn: Thi pháp học – Từ điển thuật ngữ và khái niệm thiết yếu (N.D. Tamarchenki Chủ biên), Nxb Kulagina Intrada, 2008, tr. 24-25

Comments are closed.