Thiền trôi (kỳ cuối)

Truyện Phạm Lưu Vũ

pham luu vu (2)

Nhà văn Phạm Lưu Vũ

Sáng sớm hôm sau, hai chàng đầu trọc đã có mặt ở trước cửa căn hộ của Độc Toàn Tập. Quán nước chè của bà cụ hôm nay ngừng bán, chiếc bàn được trưng dụng làm chỗ tập kết trang phục, đồ lễ… Lác đác đã có người đến xem. Nhóm tấu nhạc với những trống, phách, sáo, nhị… lỉnh kỉnh đang so dây ư ử. Bốn cô phụ đồng lăng xăng khoác xiêm y và trang điểm cho thanh đồng. Đó là một cô gái trẻ độ mười tám đôi mươi, gương mặt khá xinh, trát phấn nom như tranh vẽ.

Tiến trọc đưa mắt quan sát, phát hiện một chiếc mâm, đã bày một ít đồ lễ đang đặt ở trên bàn, bèn bấm Tuấn trọc để ra hiệu. Cả hai giả vờ lân la tới gần để xem. Lừa lúc mọi người nhãng đi một lát, hai chàng, người che người hành sự, liền nhanh tay dán lá bùa “Tứ đại mạn phù” xuống dưới đít mâm. Việc thế là xong. Hai chàng xoa tay hoan hỉ, lùi ra bên ngoài để chờ xem lễ xuất thủ trình đồng.

Cuộc xuất thủ trình đồng diễn ra ầm ĩ, đinh tai nhức óc hơn hôm trước rất nhiều lần, người xem kéo đến mỗi lúc một đông.

Thằng Tẫu hôm nay vẫn trang phục ấy, trước ngực bốn chữ, sau lưng 16 chữ, hai tay múa may trên đầu cô thanh đồng, giữa đám khói hương mù mịt bốc mùi khét lẹt. Phát âm bằng thứ tiếng mẹ đẻ, nó gào lên:

“Xia rấn sư Dú Quán Xí

Giủ sư Dú Ní Rùn

Doẳn giủ sư Dú Dé Dí

Ta Hán dú gi giú

Ta Trung Khoa gi quớ…”

Nghe như tiếng chó sủa nên chỉ phiên âm, xin miễn dịch.

Rồi chập cheng, rồi đàn sáo… giọng chầu văn rít lên… Thanh đồng đội mâm lễ quỳ ở giữa, hai bên là bốn cô phụ đồng. Trên mâm có một cốc nước trong vắt, không hề lay động, mặc dù người cô thanh đồng cứ lắc lư theo điệu múa của thằng Tẫu.

Cuộc lễ diễn ra chừng hai tiếng đồng hồ thì có vẻ hoàn mãn. Tiếng nhạc im bặt, khiến khoảng sân có cảm giác như vừa thụt xuống bên dưới mặt đất mấy tấc. Bốn cô phụ đồng đỡ nhẹ nhàng chiếc mâm lễ trên đầu cô thanh đồng xuống, người cô thanh đồng càng lắc lư tợn, y hệt con lật đật. Rồi một cô cầm lấy cốc nước, ba cô kia đỡ người cô thanh đồng, nghiêng cốc nước cho cô thanh đồng uống cạn. Mọi người đến xem đều nín thở, hai chàng đầu trọc cũng nín thở.

Một chuyện kì lạ đã diễn ra. Uống xong cốc nước, cô thanh đồng bất ngờ quay phắt người lại. Quỳ ngay phía sau cô là thằng Tẫu. Nó cũng giật mình vì bất ngờ, há hốc mồm ra. Vừa lúc ấy, một dòng nước từ miệng cô thành đồng phun ra, chui thẳng vào mồm thằng Tẫu.

Thế là Độc Toàn Tập hứng trọn cốc nước đã pha sẵn Du hồn chỉ của chính nó.

Mọi người ai cũng kinh ngạc, lắc đầu lè lưỡi. Đã chứng kiến đồng trơ ra như đá, đồng chửi như hát hay, giờ lại chứng kiến đồng phun ra như suối. Lễ xuất thủ trình đồng của Độc Toàn Tập thế là thất bại. Sư tổ Hoan Lạc Ca tôn giả quả là bậc thần toán, hai anh đồ tôn nghĩ thầm.

Nhưng chưa hết. Thằng Tẫu hứng trọn Du hồn chỉ rồi thì ngã vật ra, ôm bụng lăn lộn. Cô thanh đồng cũng từ từ gục xuống. Mọi người lao tới săn sóc, bỏ mặt thằng Tẫu đấy. Đến khi cô thanh đồng tỉnh lại thì thằng Tẫu đã biến mất. Nó bỏ chạy lên gác, đóng chặt cửa lại.

Hai anh đầu trọc được dịp ra tay nghĩa hiệp, bảo mọi người dìu cô thanh đồng lên xe, hỏi nhà cô ở đâu, chúng tôi sẽ đưa cô về. Cô thanh đồng mềm nhũn như tàu lá chuối vừa bị hơ lửa, thều thào nói chẳng ra hơi, chỉ đưa tay trỏ về phía trước.

Tuấn trọc cầm lái, cứ theo hướng cô thanh đồng trỏ mà chạy. Chừng mươi lăm phút thì đến một tòa nhà, chính là kí túc xá sinh viên mà hai chàng vừa tìm tới hôm qua. Dìu thanh đồng lên phòng, cũng chính là địa chỉ của Ngọc Anh, con gái anh chủ quán trong Dốc Xây. Và cô thanh đồng, không phải ai xa lạ. Cô chính là Ngọc Anh.

Thật là một công đôi việc mà hai chàng không thể ngờ tới. Biết đích thị đó là Ngọc Anh rồi, Tuấn trọc liền đưa món tiền của bố cô nhờ chuyển tận tay cô hôm trước, rồi hai chàng hớn hở ra về, chờ ba ngày nữa, sẽ tới chỗ căn hộ kia để rút lấy cái lưỡi từ xác chết của thằng họ Độc theo lời dặn của Hoan Lạc Ca tôn giả.

Đêm thứ ba, cả hai trằn trọc không sao ngủ được. Tinh mơ đã trở dậy, ra đi từ lúc trời tờ mờ sáng. Theo con đường ven hồ Tây, hướng về phía Tây Bắc. Thấy còn sớm quá, Tiến trọc đề nghị kiếm quán cà phê ven hồ mở sớm để ngồi uống cho tỉnh táo. Liền vớ ngay được một quán treo bảng hiệu: “Cà phê Sói Ngọc” vừa mở cửa. Hai chàng bèn dừng xe.

Vừa bước chân vào quán, Tiến trọc vừa trỏ cái bảng hiệu, hỏi chủ quán:

“Người ta quảng cáo cà phê Chồn, mà ông lại cà phê Sói. Chẳng lẽ chó sói nó cũng ăn hạt cà phê à?”.

Sói Ngọc, biệt danh ông chủ quán, người béo tốt phương phi, cười trả lời:

“Con sói nó không ăn cà phê như con chồn, nhưng nó ăn con chồn đã ăn hạt cà phê… hì”.

Tiến trọc chịu là tài. Hạt cà phê đã qua hai lần tiêu hóa, thì biến thành ngọc là phải.

Hôm ấy Hồ Tây sương giăng mù mịt, cách dăm bước chân nhìn người không rõ mặt. Hai chàng ngồi lơ đãng nhìn ra mặt hồ. Bỗng có một vật gì đó lù lù nổi lên. Trong làn sương mờ, vật ấy nom trắng toát như con thủy quái. Rồi nó cử động, từ từ bước trên mặt nước như bước trên đất bằng. Hai chàng đầu trọc lạnh toát người vì kinh sợ, chăm chú quan sát. Con thủy quái bước lên bờ, nó rũ rũ bộ lông trắng toát, dày như lông sói. Dần dần bộ lông tuột xuống thì lộ ra một hình hài, nom như một người đàn bà đẫy đà đã đứng tuổi, mắt đen như ngọc, môi đỏ như son, da trắng như tuyết, nét dâm đãng hiện ra từ hình hài…

Người đàn bà ấy thong thả trèo qua lan can, băng qua đường rồi khuất sau cánh cổng một tòa dinh thự lớn đối diện với mặt hồ.

Hai anh đầu trọc rợn người, một lát mới hoàn hồn, ngoảnh lại thấy Sói Ngọc đang đứng ngay phía sau, cũng vừa nom thấy. Tiến trọc vội hỏi:

“Đó là thủy quái hay con ma vậy?”.

“Là Hồ cốt tinh đấy. Cứ sương mù dày đặc là nó lại hiện lên” – Sói Ngọc trả lời.

“Sao biết là Hồ cốt tinh?” – Tuấn trọc hỏi.

Sói Ngọc kể:

“Các ông chắc không sống gần Hồ Tây nên không biết. Ngày trước, có một bọn trai tráng trong thành rủ nhau đến đấy tắm truồng, không hiểu sao đều bị chứng “thượng mã phong” mà chết cả, thây nổi lên mặt hồ, mà cái chim vẫn còn cứng ngắc, trỏ thẳng lên trời như cột buồm. Trong bọn duy nhất có một thằng còn ngắc ngoải, toàn thân run lẩy bẩy như cầy sấy, chỉ thều thào được mấy tiếng: “dâm quái, dâm quái…” rồi hộc lên chết nốt. Về sau có người lặn xuống chỗ ấy, thấy dưới đáy hồ có một cái gò, chất đầy xương cáo từ đời nảo đời nào, nên dân ở đây đoán con thủy quái ấy là xương cáo thành tinh”.

Hai chàng đầu trọc nghe chuyện mà lắc đầu lè lưỡi. Tuấn trọc trỏ tòa dinh thự Hồ cốt tinh vừa bước vào, hỏi:

“Còn kia là dinh thự của ai?”.

Sói Ngọc kể tiếp:

“À, đó là Phủ Hồng Phúc đấy. Hồ cốt tinh đã quyến rũ cả hai bố con nhà ấy, trước ngủ với thằng con, về sau thằng bố tranh lấy làm vợ… Mà cho tới nay vẫn chưa bị chứng thượng mã phong mới lạ. Chắc nhà ấy có “hồng phúc”. Vì thế dân ở đây mới gọi tòa dinh thự ấy là phủ “Hồng Phúc”.

Câu chuyện về Hồ cốt tinh làm Tiến trọc đờ ra vì kinh hãi. Vốn là một “truồng thủ” có tiếng trong đám tắm truồng ở Kinh thành, may chưa gặp phải Hồ cốt tinh. Tiến trọc phải ngáp ngáp mấy cái, mồm hú ba hồn chín vía…

Tuấn trọc cũng thích tắm truồng, nhưng là tắm trong hồ bơi của nhà mình, chứ không tắm trên sông nên không đến nỗi hoảng như Tiến trọc. Giật mình nhớ đến nhiệm vụ của Hoan Lạc Ca tôn giả và lời căn dặn của lão văn sĩ râu dài, Tuấn trọc xem đồng hồ, đã sang giữa giờ Mão. Liền kéo Tiến trọc đứng lên, trả tiền cà phê rồi vội vã ra xe, nhằm hướng căn hộ của thằng Tẫu mà nhấn hết ga.

Sáng sớm, tòa chung cư vẫn còn vắng vẻ. Căn hộ do Độc Toàn Tập thuê vẫn đóng cửa im ỉm. Hai chàng đột nhập không mấy khó khăn vì cửa không khóa. Phòng ngoài không có gì, phòng trong đẩy nhẹ cái là mở toang. Cửa buồng cũng không gài chốt. Thằng Tẫu rúm ró, nằm co quắp trên sàn nhà, gương mặt xám ngoét, không còn tí dấu vết nào của nó, chỉ thấy quỷ tướng hiện lên nom rất kinh sợ.

Có dấu vết của một cuộc lăn lộn dữ dội, chứ không phải vật lộn vì hung thủ là vong hồn tám xứ, sư tổ bảo thế – cả hai cùng nghĩ thầm trong bụng. Nhưng sao không thấy nó lè lưỡi ra? Tiến trọc nghi ngờ lật ngửa cái thi thể đã lạnh ngắt ấy lên, vạch mồm ra thì kinh hãi tột độ. Cái lưỡi đã biến mất, để lại một cái hốc trống hoác, đen ngòm…

Không có thời gian để dẹp nỗi kinh hãi, hai chàng đầu trọc tức tốc chuồn nhanh ra khỏi căn hộ, lên xe nhằm hướng Đông, chạy về Thổ Khối để trình báo sư tổ. Dọc đường không anh nào nói với anh nào. Cả hai cùng tiếc nuối và ân hận, vì mải chứng kiến câu chuyện Hồ cốt tinh, mà trót đến muộn, để kẻ nào đó đã kịp tới trước, rút mất cái lưỡi của thằng Tẫu. Giờ biết ăn nói với sư tổ và lão văn sĩ râu dài ra sao đây?

Lão văn sĩ Đinh Văn hớn hở xuống mở cổng đón hai chàng vào. Hớn hở vì nghĩ hai chàng đã làm xong mọi việc, và đã mang cái lưỡi độc của tên Hán tặc về đây. Song lão Đinh Văn đã hớn hở hụt. Riêng Ngài Hoan Lạc Ca tôn giả thì vẫn bình thản, dường như tôn giả đã biết trước mọi việc.

Thấy lão Đinh Văn đỏ mặt, há miệng định trách hai chàng mải chơi mà đến muộn, làm lỡ mất một việc tày đình như thế, thì tôn giả giơ tay ngăn lại. Ngài trỏ vào Tiến trọc mà nói:

“Tại cái tâm của ngươi tán loạn, tự dưng nhảy sang chuyện của Hồ Cốt tinh ngày trước cho nên mới hỏng việc. Nhưng cũng tại “Du hồn chỉ” thượng thừa của nhà Độc Hán, trải đã hàng nghìn năm, vào được cả trong luân hồi… thì không dễ một lúc mà có thể trừ được ngay. Huống chi hai ngươi dẫu có phát tâm Bồ đề, thì cũng mới chỉ là hạng già dái non hột, làm sao có đủ công đức để có thể chạm được vào nó? Điều này bần tăng cũng đã biết ngay từ đầu. Âu cũng là cái nghiệp của người phương Nam. Nên ta cũng chả trách các ngươi…”.

Văn sĩ họ Đinh nghe nói, cũng không nỡ đay nghiến hai chàng đầu trọc nữa. Song vẫn tiếc rẻ lắm. Cơ hội để trừ tiệt cái nọc độc của Hán tặc đã nằm trong tầm tay, mà rốt cuộc lại vuột mất. Bèn hỏi:

“Vậy bây giờ phải làm thế nào? Thưa sư phụ?”.

Hoan Lạc Ca tôn giả trầm ngâm:

“Bần tăng không thể ở lại đây được nữa, phải vân du lên núi một phen, để nhờ vả một bậc chân nhân hộ trì cho xứ này mới được…”.

Đinh Văn lại hỏi:

“Bậc chân nhân ấy là ai, thưa sư phụ?”.

Hoan Lạc Ca tôn giả trỏ tay lên phía Bắc, trả lời:

“Là Tản Viên Sơn Thánh. Người đứng đầu trong số Địa tiên ở Nam Diêm Phù đề này. Ngài cũng đang chứng kiến toàn bộ câu chuyện của chúng ta đấy. Không sót mảy may…”.

Hai chàng đồ tôn nghe sư tổ nói thì rùng mình, đưa mắt nhìn quanh. Không gian vẫn trong vắt, lặng lẽ, nhưng là cái lặng lẽ của nhất chân Pháp giới, của thập phương chư Phật, của trí chánh giác thế gian… không phải cái lặng lẽ trần tục hàng ngày. Hoan Lạc Ca tôn giả dường như cũng đọc được ý nghĩ ấy, Ngài lặng lẽ gật đầu.

Riêng Tiến trọc vừa nghĩ tới điều gì đó, liền cuống lên:

“Chúng con tìm sư tổ bấy lâu nay để cầu Pháp. Nay vừa mới được gặp, Ngài đã tính bỏ chúng con mà đi hay sao? Thế còn chuyện của Ngọc Tú Anh cô nương trong thành Phượng Hoàng? Chẳng lẽ cứ để người một nơi, vong một nẻo mãi hay sao?”.

Lão văn sĩ họ Đinh cũng vuốt râu, gật gù:

“Tôi cũng đang định hỏi tôn giả về việc đó. Chẳng lẽ cái hầm giữ của ở dưới nền nhà này vĩnh viễn không khai mở được hay sao?”.

Hai người cùng nối đuôi nhau mà hỏi. Còn Tuấn trọc chỉ là chưa kịp lên tiếng đấy thôi, chứ chính chàng cũng đang muốn hỏi câu đó.

Bất ngờ Hoan Lạc Ca tôn giả trỏ ngay vào Tiến trọc mà bảo:

“Ngươi chính là người có duyên với Ngọc Tú Anh cô nương đấy. Thì chỉ có ngươi mới giải được Du hồn chỉ, để hồn vía cô ấy trở về mà thôi…”.

Rồi Ngài lại quay sang văn sĩ họ Đinh, nói:

“Ông không phải lo chuyện hầm giữ của. Ngọc Tú Anh cô nương một khi được giải phóng khỏi tà thuật thủ thần, thì những gì mà thần thức của cô canh giữ bấy lâu nay, tức khắc sẽ hiện ra.

Cả ba cùng ngớ ra, cứ như tôn giả nói đùa. Tiến trọc ngượng đỏ mặt, trong đầu nhớ lại mấy vụ suýt bị thiến ở trong thành Phượng Hoàng, cứ nghĩ đến thì lại run. Tuấn trọc đứng bên cạnh phì cười, chẳng lẽ cái “duyên” kì lạ ấy nó lại nằm ở bộ “ngọc hoàn” của Tiến trọc? Có nhất thiết phải xẻo cái của quý ấy để dâng cho cô con gái nhà họ Nguyễn hay không?

Chưa kịp hỏi thì tôn giả đã vỗ vai Tiến trọc mà bảo:

“Không cần phải xẻo của quý của ngươi đâu. Ta biết phép Thiền trôi có thể đạt tới một cái định gọi là “Lục long tam muội”, sáu con rồng trôi trên sông. Ta sẽ dạy ngươi cái định ấy. Thần thức của Tú Anh cô nương suốt hơn bảy trăm năm nay vẫn bất định xung quanh gò Ngũ Nhạc này. Gặp được “Lục long tam muội”, thì tất sẽ tỉnh ngộ mà thoát khỏi tà thuật hãm vong của nhà họ Độc…”.

Tiến trọc nghe nói thở phào nhẹ nhõm, lập tức bay hết mọi lo âu. Nghĩ ngay đến cái món Thiền trôi của mình nhờ có Bối phù phù. Liền hỏi:

“Con nhờ vào phép Thiền trôi, mà có lúc đã từng lên đến lưng chừng giời. Như thế đã gọi là “Lục long tam muội” chưa, thưa sư tổ?”.

Hoan Lạc Ca tôn giả phì cười trả lời:

“Dẫu có “Bối phù phù”, thì Thiền trôi của ngươi cùng lắm cũng chỉ ngang với lục xà, tức là sáu con rắn nước mà thôi. “Lục long tam muội” là sáu căn biến thành sáu con rồng. Khi đó mới đủ công đức để hóa giải được tà thuật của Du hồn chỉ.”

Tiến trọc nghe nói sướng quá, liền quỳ sụp ngay xuống, chắp tay vái tạ tổ sư. Tuấn trọc thấy thế cũng quỳ xuống, khấu đầu kêu:

“Con cũng là đồ tôn của sư tổ. Con cũng mong sư tổ từ bi truyền cho con một cái định”.

Hoan Lạc Ca tôn giả cười khà khà, đưa tay xoa đầu Tuấn trọc mà bảo:

“Không trôi được thì nổi tại chỗ, cùng là thủy thiền cả. Phép này gọi là “Thiền chỉ”. “Thiền chỉ” có một cái định gọi là “Thất tinh tam muội”. Bảy đại hóa bảy ngôi sao. Ngươi có duyên với hoa Quỳnh, nên chỉ nở vào ban đêm. Vậy ta sẽ truyền cho ngươi cái định ấy”.

Té ra bậc nhất thiết trí còn biết cả chuyện làm thơ thưởng hoa ở trong thành Phượng Hoàng. Hai chàng đầu trọc lắc đầu lè lưỡi. Tuấn trọc sung sướng quá, liền quỳ sụp xuống tạ ơn.

Hoan Lạc Ca tôn giả lại quay sang lão văn sĩ họ Đinh, bảo:

“Còn ông, đời trước đã từng tu tiên ở Bát Tình cốc, có duyên với Đức Tản Viên sơn thánh. Đời sau ông tất làm đệ tử của Ngài. Phước đức dày không kể sao cho xiết…”.

Văn sĩ họ Đinh cảm động lắm, chắp tay vái liền mấy cái, luôn mồm nói đa tạ, đa tạ. Trong bụng sướng quá, nhoẻn miệng cười giật giật, rung cả chòm râu bạc.

Rồi Hoan Lạc Ca tôn giả móc trong người ra hai chiếc túi gấm, trao cho hai chàng đồ tôn rồi căn dặn:

“Trong này ghi rõ khẩu quyết định tâm chỉ quán của từng cái định ấy. Các người cứ nhất nhất theo như thế mà làm”.

Hai chàng cúi đầu vâng dạ rối rít. Rồi bất ngờ cùng ngẩng lên, đồng thanh:

“Xin sư tổ đặt pháp danh cho chúng con”.

Hoan Lạc Ca tôn giả mỉm một nụ cười huyền cơ, trỏ vào hai cái túi gấm hai chàng vừa cầm mà trả lời:

“Trong ấy có ghi cả đấy. Pháp danh cũng tức là “thọ kí” cho hai ngươi. Nhưng đến khi nào hai ngươi đắc được hai cái định ấy, thì mới đọc được”.

Rồi Ngài quay sang cáo từ lão chủ nhà họ Đinh. Trước khi chia tay hai chàng đồ tôn, Ngài còn cầm tay hai người, ân cần dặn dò:

“Dẫu “Lục long tam muội”, hay “Thất tinh tam muội”… thì cũng đều nằm trong Đại Định “Tam Ma bát đề cả”. Tức là phải làm lợi cho tất thảy mọi chúng sinh. Chứ chỉ nhằm cầu lợi cho riêng mình, thì chả cần phải nhập vào tam muội làm gì. Nhớ lấy, nhớ lấy…”.

Nói xong, Ngài quay người đi ra phía cửa. Ba người bịn rịn đưa tiễn, thoắt cái Ngài đã mất hút. Trên trời, vầng mây tía cũng bắt đầu chuyển động, từ từ trôi về phía Bắc. Hai chàng đầu trọc cũng chào lão văn sĩ họ Đinh rồi đường ai nấy đi.

Tiến trọc trở về, hàng ngày lại ra bãi tắm truồng ở sông Hồng của bọn đàn ông kinh thành. Như đã kể ở trên, cả bọn truồng thủ đều sinh ra phải thời bịp bợm, lớn lên gặp buổi ăn gian, quỷ dối trá giăng thiên la địa võng…

Tiến trọc may nhờ có công đức từ nhiều đời trước, mà đời này, trong y báo có Trí chánh giác thế gian. Tuy vẫn “hành” cái món “thiền trôi” như mọi khi, nhưng từ nay không còn giống như trước nữa, vì đã có khẩu quyết của Hoan Lạc Ca tôn giả. Thân cứ trôi mà chẳng thấy mình trôi, thật là:

“Đùa mây giỡn sóng sao không thấy mình”.

Chỉ thấy sáu căn mắt, tai mũi, lưỡi, thân, ý trôi, không thấy thằng cởi truồng đâu cả… cứ như thế kéo dài hàng tháng trời. Một hôm, trong lúc trôi bỗng thấy cung Ngọc hiện ra thật rõ ràng chi tiết, vẫn những người quen cũ, xa cách đã hơn bảy trăm năm mà như vừa mới hôm qua, chẳng thấy già đi tí nào.

Cung Ngọc vẫn thế, nhưng lung linh hơn, nhạc hay hơn, hoa trái thơm hơn và vị ngọt… cũng lịm hơn. Ấy là sáu căn không còn là sáu căn của Tiến Trọc ở nhân thế nữa, cũng không phải sáu căn của Ngọc Tiến ở cung trời Dạ Ma khi xưa, mà sáu căn đã hóa căn rồng. Cái thấy, nghe, ngửi, nếm… của loài rồng khác với loài người, khác với cả chư thiên.

Cảnh giới ấy chính là “Lục long tam muội”.

Đúng lúc đó, tình cờ lão văn sĩ họ Đinh đang đi bộ trên bờ đê, xuôi về hướng Thổ Khối. Bất ngờ có một tia sáng chiếu thẳng vào mặt làm lóa mắt. Lão Đinh Văn giật mình, quay đầu sang bên phải, nhìn về phía sông Hồng, phát hiện có một luồng ánh sáng lạ đang lừ lừ trôi. Lão Đinh Văn liền rẽ xuống khỏi bờ đê, rảo bước qua bãi sông, ra tới gần mép nước nhìn xuống. Càng nhìn càng chói mắt, y như nhìn bóng mặt trời chiếu xuống nước vậy. Lão Đinh Văn kinh ngạc lắm, liền cứ theo bờ sông mà đi, cái bóng mặt trời ấy cũng đi theo, thì đúng là cái bóng rồi, Đinh Văn nghĩ bụng. Bèn ngửa mặt nhìn lên trời, chỉ thấy một đám mây màu xám cũng trôi theo, chẳng thấy mặt trời đâu cả…

Nguyên hôm đó vô tình đúng rằm tháng bảy âm lịch, ngày xá tội vong nhân.

Dịp ấy, vong hồn uổng tử tám xứ xung quanh gò Ngũ Nhạc ngày trước thường tụ lại, kết thành một đám mây xám trôi trên đỉnh sông Hồng. Trong số vô vàn vong hồn ấy có một cái vong trinh nữ vô tình nhìn xuống dòng sông, thấy một con rồng trơn không vẩy, không mào, nhưng lại có tới hai cái đuôi, hai mắt xanh biếc như hai viên ngọc bích, hai tai vểnh như tai dê, hai lỗ mũi đen như mũi chó và đặc biệt, cái cột buồm to lừng lững, dựng đứng ở chỗ xuất phát của hai cái đuôi không ngớt phóng ra những tia hào quang như mời mọc, gợi dục không thể tả.

Vong trinh nữ bỗng rùng mình cảm động, bất giác cảm thấy nặng dần, nặng dần rồi ngưng tụ lại, biến thành một giọt nước từ trên đám mây nhỏ xuống, đúng đỉnh cột buồm…

Ở dưới sông, toàn thân con rồng trơn bỗng rùng mình, cái cột buồm cũng đồng thời gục xuống. Tiến trọc lập tức mất định, xuất ra khỏi “Lục long tam muội”, hiện nguyên hình là một anh chàng… cởi truồng. Đang đi trên bờ, lão Đinh Văn bỗng thấy cái bóng mặt trời biến mất, nhìn kĩ xem thì hóa ra Tiến trọc, đang lóp ngóp bò lên. Tại sao lúc nãy cùng là Tiến trọc cả, mà lão Đinh Văn ở trên bờ thì nhìn ra bóng mặt trời, còn cái vong kia ở trên mây thì lại nhìn ra con rồng trơn? Chung quy tại khác nghiệp. Cái thấy của người sống và cái thấy của vong là khác nhau vậy.

Hai người chào hỏi nhau. Lão Đinh Văn sẵn trong tay đang cầm chiếc ô, liền đưa cho Tiến trọc mượn để che hạ bộ, rồi rủ về nhà mình kiếm quần áo mặc tạm. Hai người vừa lên tới bờ đê, thì có tiếng chuông điện thoại reo. Thằng con Đinh Văn gọi, bảo bố về nhà ngay, trong nhà vừa xảy ra chuyện lạ.

Chuyện lạ ấy là gì?

Khoan hãy nói tới, giờ hãy nói chuyện nhà trưởng giả họ Nguyễn ở trong thành Phượng Hoàng đã, cũng vừa xảy ra chuyện lạ.

Trưởng giả họ Nguyễn từ khi hai anh đầu trọc trốn mất thì đau lắm. Nghĩ càng thương cô con gái yêu. Vuột mất cái món “hồi tâm hoàn” quý giá ấy, thì cô nàng sẽ phải sống cả một kiếp vô hồn hay sao? Càng nghĩ càng nghi ngờ lão hòa thượng kì quái kia. Hay là lão ấy lừa mình? Lão nói đến ba cái điềm, thì chim đã reo, hoa đã nở, thằng cháu là Trương Đạt tuổi Mão đã gào lên, tức là mèo đã gào. Ba điềm ấy đều đã xảy ra, mà cô con gái vẫn vô tri vô giác như thế kia?

Lão còn để lại cái túi gấm, dặn bên trong có ghi sẵn tên con gái. Thì ngày mai họ Nguyễn sẽ mở ra, xem lão ấy định đặt tên con mình là gì…

Chiều hôm ấy, đột nhiên xuất hiện một anh ăn mặc tiều tụy, ôm một con mèo có bộ lông đỏ rực đến gạ bán, mồm rao: “Xích miêu đây, Xích miêu đây, ai mua Xích miêu…”.

Họ Nguyễn xưa nay chả thiết gì nuôi mèo, nên xua tay đuổi đi. Anh kia bảo con mèo có quý tướng, tìm trong số hàng nghìn con may ra mới có một. Hỏi tướng gì? anh ta bảo tướng “long đầu cách cục”.

“Long đầu cách cục là thế nào?” – họ Nguyễn hỏi.

“Là nó có thể xoay ngược cái đầu, mà toàn thân không động đậy – anh ta trả lời – Mèo có tướng ấy gọi là mèo Bách trượng”.

“Thế nào là mèo Bách trượng?” – họ Nguyễn lại hỏi.

“Là trong vòng 100 trượng, không một con chuột nào dám bén mảng. Nuôi mèo bách trượng ở trong nhà, thì phú quý không để đâu cho hết…”.

Họ Nguyễn phì cười bảo:

“Sao anh không để đấy mà nuôi, để cho có phú quý?”.

Anh kia gãi cái đầu bờm xờm, nhăn nhó trả lời:

“Tại tôi với nó khắc nhau, nên cái món phú quý cứ lận đận mãi. Nói thật với ông, chính tôi cũng có tướng “long đầu cách cục”. Hai cái tướng ấy không thể ở chung một nhà, cho nên mới phải bán nó đi”.

Họ Nguyễn lại phì cười, bảo: “Anh thử cho tôi xem nào?”.

Anh kia nghe yêu cầu, liền quay ngược đầu về phía sau, trong khi vẫn đứng đối diện với họ Nguyễn, mà chỉ nhìn thấy gáy, hai vai không hề động đậy, nom thật quái đản.

Họ Nguyễn lần đầu tiên tận mắt thấy một người có cái tướng kì lạ ấy thì cũng cảm thấy vui vui, liền đồng ý mua con mèo.

Đêm hôm đó, họ Nguyễn trằn trọc mãi tới gần sáng mới ngủ được, thành ra sáng bảnh rồi vẫn còn ngủ mê mệt. Bỗng có một tiếng mèo gào tướng lên, nghe chói tai, lộng óc. Họ Nguyễn giật mình tỉnh dậy. Tiếng mèo gào phát ra từ phía buồng cô con gái.

Ông bố vội vàng vùng dậy, chạy vội vào phòng cô con gái. Một cảnh tượng kì lạ diễn ra trước mắt.

Cô gái nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng trên giường, đầu quay về phía cửa. Giữa hai đùi đang ghì chặt một vật đỏ như lửa, nhìn ra thì là con Xích miêu mới mua chiều qua. Con mèo toàn thân vẫn bị ghì chặt không động đậy được, song cái đầu nó vẫn quay ngược 180 độ nhìn ông, hai mắt long lanh, miệng vẫn còn gào lên những tiếng ư ử, nghe rợn tóc gáy. Họ Nguyễn vội chạy tới, định gỡ nó ra, song hình như cô con gái cũng cảm nhận có người vào trong phòng, liền dạng hai chân, con mèo được giải phóng, bèn lao vút lên cửa sổ. Nó còn ngoái cái cổ long đầu cách cục lại nhòm ông một phát nữa, rồi lao vút xuống sân.

Ở trong phòng, chuyện kì diệu đã diễn ra. Cô con gái ngước mắt nhìn ông, đôi mắt long lanh đã bắt đầu có hồn, gương mặt cô hồng lên, rõ ràng đang tỏ vẻ ngượng nghịu. Rồi cô nhoẻn một nụ cười, đôi môi chín mọng thốt lên hai tiếng: “Cha ơi”…

Khỏi phải tả sự sung sướng tột cùng của trưởng giả họ Nguyễn, khi lần đầu tiên được nghe cái tiếng gọi mấy chục năm trông chờ ấy. Cô con gái rượu thế là đã có linh hồn, hết cái chứng vô tri suốt từ khi sinh ra cho đến nay. Đúng như lời lão hòa thượng nói ngày trước. Thì ra cái điềm thứ ba ấy, tiếng mèo gào là của con mèo thật, chứ không phải tiếng gào của thằng Trương Đạt cầm tinh con mèo kia.

Thế còn món “hồi tâm hoàn”? Lão hòa thượng kia đùa hay sao? Suýt nữa làm anh đầu trọc mặt đỏ bị thiến oan mất của quý. Nghĩ đến chuyện ấy, họ Nguyễn cảm thấy hú vía, suýt gieo phải cái tội tày đình. Họ Nguyễn nghĩ vậy, song thực ra không biết rằng vẫn cần phải có món ấy, có điều không dùng nó ở chỗ này, mà ở cách xa thành Phượng Hoàng hàng mấy trăm dặm, trên mặt sông Hồng. Đúng vào lúc cái vong trinh nữ của cô con gái từ trên đám mây đột nhiên ngưng tụ lại, nhỏ xuống đỉnh “cột buồm” của Tiến trọc, thì ở trong thành Phượng Hoàng, họ Nguyễn nghe thấy tiếng mèo gào…

Trưởng giả họ Nguyễn chạy sang thư phòng, lục lấy cái túi gấm của lão hòa thượng, trong ấy có viết tên của cô con gái. Hai tay run rẩy mở ra. Lão hòa thượng đã đặt sẵn tên cho con gái mình là Nguyễn Ngọc Tú Anh.

Quay trở lại chuyện Tiến trọc và lão văn sĩ Đinh Văn. Hai người vội vã rảo bước về nhà. Vừa mở cổng, thằng con trai nói ngay, nét mặt vẫn còn nguyên vẻ kinh ngạc:

“Chuyện lạ lắm bố ạ. Bố xuống đây mà xem”.

Rồi nó không dẫn hai người lên phòng khách, mà xuống dưới tầng hầm. Mở cửa bước vào, một cảnh tượng kì quái hiện ra. Căn tầng hầm vẫn sạch sẽ, ngăn nắp là thế, mà bỗng dưng tường vách bốn phía rêu phong, dưới nền ngổn ngang một đống đá cục, dễ đến mấy thúng, nhìn kĩ hòn nào cũng giống hòn nào, to cỡ nắm tay. Không khí lạnh toát, mùi ẩm mốc bốc lên ngạt thở, như thể đã không có hơi người hàng trăm năm.

Tiến trọc và lão văn sĩ họ Đinh nhìn cái thì hiểu ngay. Câu nói của Hoan Lạc Ca tôn giả hôm trước chính là như thế này. Nghĩa là dưới chốn rêu phong, thần thức của Ngọc Tú Anh cô nương đã thoát khỏi tà thuật của nhà họ Độc. Và đống “của” mà vong thần canh giữ suốt hơn bảy trăm năm đã hiện ra, chính là đống oản của nhà chùa đã hóa thạch.

Văn sĩ họ Đinh vuốt râu, cười bảo thằng con trai:

“Vậy là nhà mình có lộc đấy con ạ. Đó toàn là oản của nhà chùa cúng Phật đã hóa thạch. Đem bỏ hết vào hòm cất đi, chớ bỏ phí cục nào nhé”.

Rồi quay trở lên phòng khách, lão Đinh Văn lấy quần áo cho Tiến trọc mặc tạm. Thằng con trai vẫn chưa hết run, kể lại:

“Con đang ngồi trên này, tự dưng nghe trong bếp có âm thanh phát ra, nhòm vào thì thấy dàn thìa, nĩa treo trên tường đung đưa, va vào nhau leng keng, y như có động đất vậy. Con chạy xuống tầng hầm thì thấy cảnh ấy…”.

Tiến trọc nghe nói gật gù:

“Một đứa trẻ sinh ra cũng còn có chấn động, chỉ là nhỏ quá nên không cảm thấy mà thôi. Huống hồ giải thoát một vong hồn bị hãm trong tà thuật đã hơn bảy trăm năm, từ quỷ đạo trở về nhân đạo, thì khác nào một người vừa đắc Pháp? cho nên dẫu động đất thì cũng chả có gì lạ”.

Tâm cơ của Tiến trọc phải ở cảnh giới nào mới xui nói ra câu ấy, khiến Lão Đinh Văn cũng phải chấn động tâm thần. Nhớ lại câu “thọ kí” của Hoan Lạc Ca tôn giả đối với mình hôm trước, bèn lẩm bẩm, nói như cầu nguyện:

“Nếu được có kiếp sau, thì tôi cũng quyết trở lại Bát Tình cốc, làm đệ tử của Đức Tản Viên Sơn thánh để cầu đạo…”.

Vừa lúc đó lại có chuông điện thoại. Có tin từ trong thành Phượng Hoàng. Con gái trưởng giả họ Nguyễn đã có hồn vía. Tên cô ấy là Nguyễn Ngọc Tú Anh.

Lão Đinh Văn mắt sáng lên, bảo với Tiến trọc:

“Cứ như Hoan Lạc Ca tôn giả đã nói. Thì ông vừa đắc “Lục long tam muội” đấy, cho nên mọi chuyện mới diễn ra như thế…”.

Còn Tiến trọc thì lại nghĩ, té ra không phải vô cớ mà Hoan Lạc Ca tôn giả bịa ra cái món linh dược “hồi tâm hoàn”, khiến mình suýt nữa bị thiến oan. Thâm ý của Ngài là để sắp xếp cái “duyên” của mình, với việc hoàn hồn của con gái nhà họ Nguyễn. Đó quả là một việc đại sự. Mới hay không chỉ có những Phật sự, mà Nhân sự của một bậc tôn giả cũng không biết đâu mà lường. Vừa nghĩ đến đó, lại nghe lão Đinh Văn bảo:

“Giờ là lúc có thể đọc được “pháp danh” của ông rồi đấy. Vậy ta hãy xem tôn giả “thọ kí” cho ông là gì nhỉ?”.

Nhưng Tiến trọc trần truồng mà trôi tới đây, thì đâu có mang chiếc túi gấm theo. Sực nghĩ đến Tuấn trọc, bèn nói:

“Tại sao ta lâu không lên thăm Tuấn trọc nhỉ? Xem y đã đắc “Thất tinh tam muội” chưa đã, rồi lúc đó hãy cùng mở túi gấm ra xem luôn thể”.

Văn sĩ họ Đinh vỗ tay khen chí phải, chí phải. Xong lại còn nói:

“Thất tinh tam muội” là tứ đại hóa bảy ngôi sao, thì nếu có đắc, cũng phải đắc vào ban đêm, chứ không đắc vào giữa ban ngày ban mặt như ông được. Vậy ta hãy mở một tiệc rượu mừng cho ông ở đây đã, rồi đến chiều hãy lên chỗ y cũng chưa muộn”.

Tiến trọc nghe nói đến nhậu thì cười tít mắt. Nhất trí cao ngay.

Nguyên từ hôm hai anh đầu trọc chia tay, đường ai nấy đi, Tuấn trọc một mình trở về biệt ốc Si Đa nằm gần vùng sơn cước ăn một mình, ngủ một mình, tối tối lại trầm mình xuống cái hồ nhỏ ở giữa vườn, nằm ngửa đếm sao. Đó là công phu “thủy thiền chỉ” mà sư tổ Hoan Lạc Ca tôn giả để lại cho Tuấn trong cái túi gấm.

Thủy thiền chỉ dùng phép quán “sổ tinh” (đếm sao), thay cho quán “sổ tức” (đếm hơi thở). Một hôm bỗng nghe tiếng thuyết pháp ở trên cây vông. Một con xén tóc hoa to bằng ngón chân cái đang giảng pháp, xung quanh cơ man nào là xén tóc con bé bằng hạt đậu, bám kín quanh thân cây vông.

Người thường nghe sẽ chẳng thấy gì, nhưng Tuấn trọc nghe thì hiểu ngay, vì Tuấn trọc cũng ở trong Pháp hội, thân cây vông là Đạo tràng. Tuấn không biết mình đã nhập được vào một trong những định Diệu Pháp Liên hoa, có tên là “giải nhất thiết chúng sinh ngôn ngữ”. Pháp mà xén tóc hoa đang giảng là pháp Vô lượng nghĩa. Trong Vô lượng nghĩa thì không gì là không thể, cho nên chớ có nghi ngờ.

Vô lượng nghĩa là vô lượng chúng sinh, hòa trong một Nhất Chân Pháp giới, thành một trời Quảng độ, có muôn ngàn vì sao nhấp nháy, lớn như mặt trăng rằm, nhỏ như những mắt cua… Nhập vào cái Đạo tràng vô biên ấy, Tuấn trọc không thấy mình ở chỗ nào, nhờ có Chứng, Nhập mới thấy mình vẫn còn tồn tại. Lúc Chứng, lúc Nhập đổi chỗ cho nhau trong chớp mắt, tựa như Sinh, Diệt, nhưng không phải Sinh, Diệt, mà là Biến Dịch Sinh Tử, trong một cõi trí huệ vô biên…

Chiều hôm ấy, Đinh Văn và Tiến trọc bắt xe lên Si Đa biệt ốc, trên đường đi ghé qua nhà Tiến trọc để thay quần áo và mang theo chiếc túi gấm. Mờ tối thì tìm vào đến nơi, cổng đóng im ỉm, vườn tối thui, nhưng trong nhà vẫn sáng đèn. Tiến trọc có chìa khóa riêng, mở cổng tiến vào. Cất tiếng gọi Tuấn trọc, mãi không có tiếng trả lời. Tìm khắp trên lầu, dưới nhà, cả ngoài vườn cũng tuyệt không thấy bóng dáng Tuấn trọc đâu. Căn bếp và phòng ăn rộng rãi ở dưới tầng một, trên bàn đã sắp sẵn bát đũa, trong tủ bày sẵn đồ ăn, cứ như thể Tuấn vẫn quanh quẩn đâu đây.

Sẵn hơi men từ bữa trưa ở nhà Đinh Văn, Tiến trọc liền lôi hết cả ra, bày lên bàn, rủ Đinh Văn tiếp nối cuộc nhậu. Đang giữa mấy sự kiện quan trọng, lão Đinh Văn cũng vui vẻ ngồi tiếp. Rượu đến tuần thứ ba thì thi hứng nổi lên.

Tiến trọc cất giọng ngâm nga, đọc bài thơ “Không thể và có thể” của mình cho lão Đinh Văn nghe:

“Cái có thể nhiều hơn không thể

Nhưng cũng chẳng có nhiều chọn lựa lắm đâu

Ta đang sống những ngày kỳ lạ

Đến trái tim chẳng đập nhịp của mình

Như là sống lại là không dám sống…”.

Ngâm rồi gật gù:

“Thế mới gọi là:

Rượu hiền uống một vẫn ngon

Người hiền uống một vẫn còn nhân gian”.

Lão Đinh văn cũng gật gù. Tán rằng tứ thơ lạ, chữ nghĩa khoáng đạt như ếch kêu ngoài ruộng, nhưng giọng thơ lại ngắc ngoải, như tiếng ngóe phát ra từ miệng con rắn. Cuộc sống té ra đang từ từ nuốt chửng chúng mình, như con rắn đang nuốt con ngóe chăng?

Rồi ôm mặt khóc rống lên, hu hu mấy tiếng. Sẵn tâm trạng buồn, lại đang ngồi giữa mảnh vườn xưa hoang vắng, văn sĩ họ Đinh cũng cất tiếng ngâm:

“Vườn chiều vắng bóng mẹ ta

Chim khàn giọng hót cau già đeo mo

Nhện lười giăng nửa đường tơ

Mưa rơi nửa giọt, ta mơ nửa chừng…”.

Đến lượt Tiến trọc cũng không kém, lên tiếng khen thơ hay quá, nhưng già đến nỗi tàu cau cũng không rụng nổi, phải đeo mãi cái mo khô thì còn làm ăn gì được nữa, rồi cũng ôm mặt khóc rống lên.

Đúng là hai lão rồ, may không có ai chứng kiến, không thì xấu hổ chết đi được. Nhưng có khối người chứng kiến đấy. Thần tiên, ma quỷ thì không kể, một con thạch sùng đang đậu trên trần nhà, chẳng biết có phải nó cảm cái tứ thơ ấy hay không, mà cười rung toàn thân, lại cất tiếng chép miệng liền mấy phát, bất ngờ buông mình rơi xuống đánh tõm một cái, đúng giữa bát canh đặt trước mặt lão Đinh Văn, làm nước canh bắn tóe cả lên mặt.

Cú rơi của con thạch sùng làm văn sĩ Đinh Văn giật mình tỉnh ngộ. Mặc Tiến trọc ngồi một mình, lão lảo đảo đứng dậy, lần ra phía sau, nơi có chiếc hồ bơi. Bóng trăng từ đáy hồ hắt lên làm lão lóa mắt. Một bầu trời lồng lộng soi mình dưới đáy hồ. Ở giữa là vầng trăng tỏ, xung quanh là bảy ngôi sao lấp lánh. Cảnh tượng làm lão Đinh Văn sững người. Đứng ngắm nghía một lát, mùi nước canh dây trên khuôn mặt làm lão nhớ lại thủ phạm là con thạch sùng, liền cúi xuống, thò tay xuống hồ, vớt nước lên rửa mặt.

Văn sĩ họ Đinh thò tay xuống, làm mặt nước hồ lay động. Cứ ngỡ bóng trăng kia sẽ tan thành muôn mảnh, mặt hồ nước sẽ lấp lánh sóng trăng sao. Nhưng ở đây lại không phải như thế. Bảy ngôi sao vụt biến mất, bóng trăng cũng biến mất. Giữa hồ nổi lên lù lù một bóng người nằm ngửa. Người đó chính là Tuấn trọc.

Đinh Văn giật mình kinh ngạc, há mồm lùi lại mấy bước. Ở dưới hồ, Tuấn trọc quẫy vài cái bơi vào mép hồ rồi trèo lên. Thì ra gã vẫn nằm ngửa ngay dưới hồ nước mà Đinh Văn và Tiến trọc không hề hay biết.

Cuộc rượu của cả ba lại tiếp tục. Nhưng những gì vừa chúng kiến làm lão Đinh Văn đã hiểu ra, liền chắp hai bàn tay lại, chúc mừng Tuấn trọc:

“Chúc mừng ông đã đắc định “Thất tinh tam muội” mà Hoan Lạc Ca tôn giả đã nói”.

Tiến trọc nghe nói mừng rỡ cho bạn. Vội vàng hỏi Đinh Văn: “Sao ông biết?”. Đinh Văn bèn kể lại chuyện cái bóng trăng và bảy ngôi sao dưới đáy hồ vừa được chứng kiến.

Kể xong, Văn Chinh lại trỏ Tiến, nói với Tuấn trọc:

“Sáng nay, đi trên bờ sông Hồng, dưới sông có bóng mặt trời trôi theo tôi. Đến khi biến mất thì té ra ông này. Tức là ông này cũng đã đắc được “Lục long tam muội”. Xin chúc mừng hai ông”.

Hai chàng đầu trọc lặng người cảm động. Trong óc nghĩ ngay tới bậc tôn giả. Không biết giờ này Ngài đang ở đâu? Chắc chắn Ngài vẫn đang chứng kiến, bằng Pháp thân Vô sinh nhẫn của Ngài thì còn có gì vượt ra khỏi? Nghĩa là Ngài đã thấu hết cả. Nhưng giá lúc này, Ngài cũng có mặt ở đây để ấn chứng cho thì tuyệt biết bao?

Vừa nghĩ tới đó thì Tuấn trọc lên tiếng:

“Những điều lão Đinh Văn vừa nói mới chỉ là phát hiện, chưa phải ấn chứng. Phải được đích thân sư tổ ấn chứng cho mới được”.

Lão Đinh Văn kêu lên:

“Các ông quên rồi hay sao? Còn hơn cả ấn chứng ấy chứ. Bởi Ngài còn “thọ kí” cho các ông. Hãy giở túi gấm ra, cứ đọc được Pháp danh của các ông, thì tức là Ngài đã thọ kí”.

Hai chàng đầu trọc bừng tỉnh. Liền đứng bật dậy, vào trong nhà khiêng ra một chiếc bàn lớn đặt ở giữa sân, phủ khăn trải bàn lên rồi bày biện bánh trái, hoa quả…

Lão Đinh Văn thò tay vào trong túi móc ra ba cục oản hóa thạch, thì ra lão mang sẵn từ nhà đi. Ba cục oản cứng như đá được bày lên đĩa, đặt trang trọng giữa bàn. Thắp ba nén hương, cả ba quỳ xuống, cúi đầu chắp tay niệm Vô Lượng Thọ Phật, niệm Vô biên Pháp, niệm Vô hải chúng Tăng.

Hai chàng đầu trọc trịnh trọng phát tâm Bồ Đề, nguyện dẫu mình chưa độ, thì cũng độ vô lượng chúng sinh, độ vô lượng Thiên, Địa, quỷ thần…

Hai chàng vừa nguyện xong, bỗng cảm thấy đất dưới chân rùng mình, xung quanh bỗng nổi một cơn gió lốc. Cây cối trong vườn tất thảy đều rung lên bần bật, những tán lá vang lên tiếng rì rào, một vầng mây tía ở đâu xuất hiện, treo giữa đỉnh trời, làm bầu trời đêm hồng lên như có bình minh.

Rồi hai người cùng dập đầu đọc mấy câu kệ:

“Con nay quy mạng lễ

Tất cả mười phương Phật

Bồ Tát, chúng Thanh Văn

Đấng đại tiên, thiên, nhân

Cùng lễ Bồ đề tâm

Lìa xa các ác đạo

Được sinh lên cõi Trời

Dẫn đến chứng Niết Bàn”.

Tiếp theo, lão Đinh Văn đứng dậy, vuốt lại nếp áo, kính cẩn mở hai chiếc túi gấm, lấy ra hai tờ giấy màu vàng, không cần đèn mà chữ vẫn hiện lên, rõ mồn một. Văn sĩ họ Đinh lấy giọng, trịnh trọng tuyên đọc:

Tờ thứ nhất:

“Tục danh Đăng Tuấn. Pháp danh Nguyệt Quang đồng tử”.

Tờ thứ hai:

“Tục danh Ngọc Tiến. Pháp danh Nhật Quang đồng tử”.

……………………..

VĨ THANH

Sau hôm lão Đinh Văn tuyên đọc thọ kí rồi, về đến nhà mới xuất hiện một mối nghi, nghi mãi không thôi. Rõ ràng Ngọc Tiến và Đăng Tuấn vẫn đây, vẫn người trần mắt thịt, vẫn nhậu nhẹt như Lưu Linh và tục tĩu như chảo chớp. Sao lại bảo là “Đồng tử”? Liệu Hoan Lạc Ca tôn giả có quá lời lắm chăng?

Mối nghi ngày càng lớn, nghi đến nỗi trằn trọc cả đêm lẫn ngày, sắp phát rồ đến nơi thì may quá, Hoan Lạc Ca tôn giả ở đâu lại xuất hiện.

Lão Đinh Văn mừng rỡ, liền túm ngay lấy, hỏi:

“Cớ sao sư phụ lại nhìn hai tên phàm tục ấy ra Đồng tử?”.

“À, tại ta dùng tỉnh giác để nhìn, vậy thôi”.

“Thế nào là nhìn bằng tỉnh giác?”.

“Tỉnh giác nhìn người không phải nhìn người, thế mới gọi là nhìn người, song vẫn có thứ lớp đấy”.

“Thứ lớp như thế nào?”.

“Trong cái tục, mà nhìn mà thấy cái mê đó là lớp thứ nhất. Trong cái mê, mà nhìn thấy cái vọng, đó là lớp thứ hai. Trong cái vọng mà thấy Giác thị hiện, đó là lớp thứ ba. Trong cái Giác thị hiện, mà thấy Phật, đó là lớp thứ tư”.

“Còn lớp thứ năm nữa hay không?”.

“Đến đó thì ngươi cũng không cần phải hỏi ta nữa…”.

——– HẾT——–

                                                                                P. L. V

Comments are closed.