Lí luận văn học Nga hậu xô viết (20)

Lã Nguyên

*

Trong bối cảnh khoa học bị trấn áp, những người có dính dáng tới nó dĩ nhiên phải hành xử theo nhiều cách khác nhau. V.M. Alpatov đã nhận xét một cách chính xác, “trong mọi hoàn cảnh”, họ đều giữ được cho mình sự tự do lựa chọn[1]. Nhiều nhà khoa học (ngay trong thời Stalin) đã kiên trì và bền bỉ gạt bỏ tối đa sự thoả hiệp vẫn gây áp lực với họ, họ mạo hiểm và nhiều khi rơi vào cảnh ngộ hết sức khó khăn. Nói theo lời của G. Bell, họ chấp nhận lễ “rước mình thánh”, hoá thành thiên thần. Những người khác lại nhượng bộ ít nhiều trước nhiệm vụ “nghề nghiệp – mưu sinh” của mình và tự xây dựng cho bản thân một bộ khế ước với lương tâm. Và cuối cùng, loại thứ ba là những kẻ chấp nhận “kiếp trâu ngựa” và, như người ta vẫn nói, trở thành “những cái đinh ốc – cảm tử quân” trong cỗ máy trấn áp của đảng – chính phủ. Khi người ta yêu cầu đám này bộc lộ “sức mạnh”, thì họ liền nắm chặt dùi cui và sử dụng cật lực đúng với chức năng trực tiếp của nó. Họ xứng đáng được gọi là những nhà hoạt động phản văn hoá (hoặc phản khoa học). Nói về những sự kiện xẩy ra ở Leningrad vào năm 1949, L.Ja. Ghinburg gọi các nhà nghiên cứu văn học như vậy là những tay “thợ nện”, và nhận xét về họ, theo chúng tôi là quá nghiêm khắc: đó là một lũ “hoá dại vì được nhào nặn bằng loại hợp chất thứ phẩm”, “vì sự đố kị với trí thức”, “vì niềm khoái chá thù hận”[2].

Nhiều khi, cũng có những chuyện hoàn toàn khác. Rất nhiều “kẻ tố cáo trở thành vật hi sinh của sự bức hại”[3]. Có một sự kiện đáng ghi nhớ: sau 40 năm, G.P. Berdnhikov, người cầm đầu cuộc trấn áp các nhân vật lãnh đạo giới nghiên cứu văn học Leningrad vào năm 1949, nhớ lại: “Người ta dạy dỗ tôi ở ban chấp hành thành uỷ, rồi điệu tôi về Moskva, quở mắng tôi cực kì gay gắt”. Người ta doạ: “Tôi sẽ không có trợ cấp và tôi phải trả thẻ đảng”[4]. Vào thời ấy, việc “trả thể đảng” rõ ràng không chỉ đe doạ bị loại ra khỏi vị trí lãnh đạo, mà còn là một cái gì đó nghiêm trọng hơn nhiều.

Buộc phải phản bội vì không đủ sức thoát ra, ấy là số phận của vô khối người dưới thời Stalin. Ngay từ năm 1930, L.Ja. Ghinburg đã nhận ra điều đó: “Ngày càng phải va chạm nhiều hơn với loại người sẽ mưu hại các vị, chỉ vì họ sợ hãi”. Và, bà viết tiếp: “Không thể bảo người ta: anh hãy từ bỏ địa vị, từ bỏ miếng bánh mà con cái anh đang ăn, vì so với sự thật và công lí, những thứ ấy quan trọng hơn rất nhiều”[5].

Thêm một chuyện về sự sợ hãi. Giữa những kẻ trấn áp khoa học, giữa những tên sát hại, bức cung, đôi khi có những người sợ hãi phát hoảng loạn, tới mức để lộ ra những sự thật bất lợi cho lí lịch của họ. Chẳng hạn, chị ruột một nhà nghiên cứu văn học từng là tín đồ cựu giáo, hay em trai làm cảnh sát cho bọn Đức, hoặc những sự kiện đáng hổ thẹn, đáng bị lên án trong quá khứ riêng tư (ví như trong chiến tranh, khi lọt vào vòng vây, có người đào hố chôn thẻ đảng của mình). Chính những nỗi sợ hãi như thế đã làm nảy sinh ở nhiều người tham vọng không thể cưỡng lại: trèo lên các chức vụ cao hơn bằng mọi giá, và thói bợ đỡ, luồn cúi cấp trên, tìm cách tự bảo vệ, không để bị nghi ngờ, tránh các đòn đánh bất ngờ giáng xuống.

Tham gia trấn áp (“thợ nện”) là những người thuộc nhiều loại khác nhau. M.B. Khrapchenko (1904 – 1986) là một nhân vật đa diện, phức tạp, rất đáng chú ý. Từ năm 1938 đến năm 1948, ông là Chủ tịch Uỷ ban về các vấn đề Nghệ thuật, trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng; từ năm 1967 – là Viện sĩ – thư kí Ban Văn học và Ngôn ngữ của Viện hàn lâm khoa học. Tất nhiên, ông đã hoàn thành tất cả những gì đòi hỏi một người ở vào địa vị ấy cần phải làm: vào những năm 1940 – tham gia đấu tranh chống lại chủ nghĩa thế giới; vào những năm 1970 – là người tổ chức ra lối viết ngữ văn học – hàn lâm, một lối viết bị A.D. Sakharov chỉ trích gay gắt. Các công trình của Khrapchenko (những cuốn sách về Gogol, hàng loạt bài viết về lí luận văn học) tất nhiên là chẳng có gì thú vị, nhưng chúng được xem là có tính chuyên nghiệp cao. Đồng thời, ngay dưới triều đại Stalin, tuỳ theo khả năng, Khrapchenko đã giúp đỡ nhiều nhà hoạt động văn hoá khả kính. Bằng chứng về việc đó là những lá thư người ta gửi cho ông với lòng biết ơn, đôi khi rất thân tình, tin cậy. Trong số những người gửi thư cho Khrapchenko, có Pasternak, Chukovski, Kaverin[6]. Công lao không thể phủ nhận của Khrapchenko ở những năm tháng cuối đời ông là ông đã ủng hộ chủ nghĩa cấu trúc Nga. Ông tuyên bố chủ nghĩa cấu trúc tương hợp và có họ hàng với chủ nghĩa Mác. Những công trình nghiên cứu văn học theo hướng lịch sử – chức năng của ông có ý nghĩa tích cực rõ rệt (bài Thời gian và đời sống của tác phẩm văn học là một công trình như vậy). Vào những năm 1980, ông ủng hộ sáng kiến biên soạn bộ từ điển bách khoa cơ bản: Nhà văn Nga.1800 – 1917. Từ điển tiểu sử. Viện sĩ N.I. Balashov viết: “Khrapchenco ở những năm tháng tuổi già là một trong số những nhân vật sáng giá nhất giữa những người đứng đầu các ngành khoa học xã hội của Viện Hàn lâm”[7].

Cũng có thể nói một cái gì tương tự như thế về B.L. Suchkov, người từng làm việc tại Ban Chấp hành Trung ương Đảng dưới thời Stalin; sau này, từ năm 1967 – làm Giám đốc Viện Văn học thế giới. Theo đánh giá của M.L. Gasparov, đó là một người “thông minh, không ác tâm”, nhưng luôn luôn thực hiện triệt để các chỉ thị trấn áp của thượng cấp (về điều này, đã nói ở trên). Vào cuối những năm 1950, Suchkov đã góp phần thúc đẩy xuất bản tuyển tập tác phẩm của T. Mann dày hàng chục tập (ông viết Lời nói đầu cho tập I) và vào năm 1965, xuất bản tuyển tập (một tập) tác phẩm của F. Kafka (ông vừa là người tuyển chọn, vừa viết lời giới thiệu). M.L. Gasparov đã phát biểu ý kiến cực kì khắt khe về lĩnh vực hoạt động này của B.L. Suchkov (những bài viết về Mann và Kafka). Ông khẳng định, ở đây, các nhà văn phương Tây tầm cỡ đã “bị dịch sang thứ ngôn ngữ chính thống”[8]. Nhưng nếu không có sáng kiến của Suchkov, thì chắc chắn, sẽ còn rất lâu, chúng ta vẫn chưa có được bản dịch tiếng Nga tác phẩm của Tomas Mann với khối lượng tương đối đầy đủ như thế, càng không thể có được bản dịch sáng tác của Franz Kafka!

Nhân đây cũng nên nhắc tới A.L. Dymsis, người không đi trệch ra ngoài cơ quan thông tấn bán chính thức và năm 1949 trực tiếp tham gia trấn áp khoa học, nhưng đồng thời cũng có một số công lao trong lĩnh vực nghiên cứu văn học. Đặc biệt, ông góp phần tổ chức xuất bản thơ của Mandelstam trong Series “Thư viện nhà thơ” (1977) và viết lời giới thiệu cho cuốn sách, giúp quảng đại công chúng bước đầu làm quen với sáng tác của thi sĩ.

Cũng có thể nói những điều tương tự về hàng loạt nhân vật hoàn toàn không thuộc loại chính diện, ví như V.V. Ermilov, Ja.E. Elsberg, R.M. Samarin, những người mà chẳng ai có thể nghi ngờ tài năng của họ.

*

Lịch sử nghiên cứu văn học của nước ta một trăm năm qua (ở những giai đoạn khác nhau của nó) đầy những thăng trầm và mâu thuẫn: ghẻ lạnh, đổ vỡ, thù oán. Chúng tôi đã nói về cuộc đối đầu giữa cánh nghiên cứu văn học marxiste với trường phái hình thức luận và sự hận thù giữa họ với nhau. Chỉ xin bổ sung, vào những năm 1920, còn có xung đột cực kì gay gắt của cả phái này lẫn phái kia trong khoa học và triết học thời tiền cách mạng: cả phái hình thức luận, lẫn phái Mác xit đều xuất hiện như những nhân vật tiên phong chủ nghĩa, trong vai trò những chiến sĩ lật đổ quá khứ của dân tộc, tựa như quá khứ là cái gì đã vắt kiệt bản thân, thậm chí thù địch với hiện tại. Và cũng chính vì thế, vô tình, họ xích lại gần nhau. Ý kiến của các nhà khoa học ở hai cực đối lập, như B.M. Eikhenbaum và V.F. Pereverzev, đã nói lên điều đó.

Đây là mấy câu trích từ thư (19.10.1921) của Eikhenbaum, một chiến tướng kiệt xuất của phái hình thức luận, gửi Zyrmunski, một người quan tâm và rất kính trọng nhóm OPOJAZ, nhưng cũng không có ý định từ bỏ kinh nghiệm thời trẻ của mình trong dòng nghiên cứu văn học tiền cách mạng (hàn lâm): “Mong muốn của anh trong việc giữ lại quá khứ (ý muốn nói tới những công trình đầu tay của Zyrmunski, bàn về hệ vấn đề tôn giáo – đạo đức – triết học.- V. Kh.), duy trì tính độc lập của mình khiến tôi thấy sợ anh; tôi sợ anh, vì anh có rất ít sự cuồng tín… Trước mắt tôi là một tình thế tiến thoái lưỡng nan: bước ngoặt (về phía tập trung hoàn toàn vào các vấn đề hình thức.- V. Kh.), hoặc lãnh đạm theo kiểu hàn lâm”[9]. Những ý kiến theo tinh thần “khoa học – tiên phong chủ nghĩa” (chúng ta từ bỏ thế giới cũ!) đồng vọng một cách nghịch lí (đồng thời nó cũng mang tính quy luật) với những lời phát ngôn của nhà Mác xít Pereverzev, người từng nghĩ rằng, lần đầu tiên, chân lí khoa học tuyệt đối đã mở ra trước mình và những ai cùng tư tưởng với mình, ông khẳng định “cần từ bỏ mọi sự lặp lại của các phương pháp cũ trong các công trình nghiên cứu”[10].

Ở cả hai trường hợp nói trên, trước mắt chúng ta có một sự nghịch lí nào đó, đồng thời cũng có một sự thống nhất hữu cơ theo kiểu riêng giữa các quan điểm khoa học nghiêm túc: nhiệt tình giải thích theo tinh thần tiên phong chủ nghĩa, sự thiển cận và niềm tin cuồng tín (có thể gọi là mù quáng) cho rằng, cuối cùng, chân lí tuyệt đối đã chiến thắng (hoặc sắp sửa chiến thắng). Đây chính là nguyên nhân làm nảy sinh thái độ cố chấp, quyết liệt và sự đối đầu đầy thù địch.

Nền nghiên cứu văn học nước ta thời tiền cách mạng có những đặc điểm hoàn toàn ngược lại. Các nhà khoa học làm thành một cộng đồng nào đó, nổi lên trên hết là tinh thần hợp tác thân thiện. Xin dẫn ra một trong muôn vàn bằng chứng như vậy. Vào những năm 1880, sau khi A.A. Potebnhija phê phán một số tư tưởng của F.I. Buslaev, thày học và người cùng thời thuộc thế hệ tiền bối của mình, ông đã viết một “lá thư xin lỗi”. Câu trả lời là thế này: “Một nhà khoa học, một giáo sư mà không vui mừng với việc thính giả sẽ đi xa hơn, rộng hơn trong khoa học, thì sẽ sẽ tạo ra tội lỗi tày trời chống lại sứ mệnh của mình”[11]. Đó là những lời nói có trọng lượng, mang ý nghĩa thời đại. Không khí hợp tác sáng tạo là đặc điểm nổi bật của nghiên cứu văn học nước ta hồi đầu thế kỉ XX. Năm 1925, A. Belits, nhà ngữ văn chuyên ngành Serbia học nổi tiếng, người trước đó từng dạy học ở hàng loạt trường đại học, viết: “Trong các đoàn thể, điều tối quan trọng chính là cái tinh thần ngự trị ở đó. Ở các trường đại học cũng vậy. Vẫn chưa thể xem là đủ, nếu trường đại học chỉ có những nhà khoa học vĩ đại để hoàn thành thật tốt vai trò vườn ươm khoa học và văn hoá. Dứt khoát phải làm sao để tinh thần khoa học đích thực thống trị trong các trường đại học. Những trường đại học không có nhiều học giả tầm cỡ, nhưng thấm nhuần tinh thần khoa học, sẽ có khả năng làm việc khoa học hiệu quả hơn so với những trường đại học có nhiều học giả tài năng, nhưng thiếu bầu không khí khoa học đích thực. Bầu không khí ấy đang tồn tại trong tất cả các trường đại học của Nga”[12]. Đại diện của truyền thống ôn hoà – hàn lâm ở mấy thập kỉ đầu tiên của thế kỉ XX là S.A. Vengerov, F.D. Bachiuskov, D.N. Ovsijako-Kulinovski, V.N. Perets, A.M. Evlakhov – những vệ sĩ nhiệt thành của nguyên tắc phương pháp luận đa nguyên.

Rõ ràng, sự “vênh lệch” giữa khoa học văn học thời tiền cách mạng và hậu cách mạng là cực kì gay gắt, đôi khi đầy căng thẳng đau đớn. Nó không chỉ đánh dấu những cách tân làm cho khoa học trở nên giàu có, phong phú, mà còn đánh dấu những thất thiệt, mất mát to lớn: việc phá huỷ các giá trị mà ngày nay chúng ta buộc phải khôi phục hết sức khó khăn (và chắc chắn không thể nguyên vẹn) là điều không mong muốn đối với văn hoá.

*

Trong lịch sử khoa học của chúng ta, có một chuyển biến hoàn toàn khác (không kém phần quan trọng so với những gì đã nói và cũng hết sức căng thẳng, cay đắng) diễn ra vào những năm 1950 – 1960, khi mà đến với nghiên cứu văn học là một thế hệ mới bắt đầu trưởng thành trong thời đại Stalin, thời đại cực kì bất lợi đối với việc hình thành nhân cách con người: tuyệt đại đa số lớp người trẻ tuổi thời này bị cách li với tất cả các truyền thống, chỉ ngoại trừ mỗi một truyền thống cách mạng. Năm 1938, M.M. Prisvin ghi lại: “Thanh thiếu niên không được tự mình nhìn thấy đời sống thời trước cách mạng mà chỉ nghe thấy trong các trường học lời nguyền rủa cuộc sống ấy như một “sự thật”, từ cửa miệng cha mẹ, họ thâu nhận được ý niệm về một sự thật khác”[13]. Đã có chuyện như thế, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy, càng không phải như vậy đã là đầy đủ. Một người bạn đồng tuế của tôi hỏi bố xem cha mẹ mình là ai, người bố trả lời: “Con không cần biết điều đó, nếu biết, người ta sẽ bắt ngay”. Nhân thể, xin nhắc lại một chuyện khác: trong thế hệ chẳng may sinh ra vào những năm 1920, có rất nhiều người đã bỏ mình ngoài mặt trận, sau chiến tranh, vĩnh viễn không trở về.

Sự giao tiếp của các nhà nghiên cứu văn học lớn tuổi, ít nhiều hiểu biết nền văn hoá thời tiền cách mạng, với trẻ em thời Stalin, một công việc bình thường, chính đáng, đã trở thành công việc bị thốn gọn, cắt ngắn. A.P. Skaftymov, một nhân vật hàng đầu của ngành đại học sư phạm có đào tạo môn văn vào giai đoạn 1930 – 1950, từng trải nghiệm đầy căng thẳng và cay đắng. Ông viết cho Y.G. Oksman: “Đôi khi muốn trình bày toàn bộ bản thân (về mặt phương pháp luận) trong một hệ thống với đủ mọi nguồn trích dẫn và các tiết, đoạn, với các bậc tiền bối và không có các bậc tiền bối… Nhưng làm thế, phỏng được lợi lộc gì, khi mà phương pháp luận dành cho lớp cán bộ trẻ đã được dạy trước, đòi hỏi dứt khoát phải chú ý và thực hiện…”. Một đoạn khác, trong số những lá thư cuối cùng gửi Oksman, – nói về việc Skaftymov không muốn nghiên cứu tài liệu lưu trữ của mình, – cũng viết về điều đó: “Lúc nào tôi cũng nghĩ, “sau khi tôi chết”, sẽ chẳng còn có ai đó cần dùng một cái gì đó”[14]. Còn đây là một đoạn nhật kí (1952) của B.M. Eikhenbaum: “Có một sự khác biệt khủng khiếp giữa các thế hệ, chúng tôi hoàn toàn không hiểu nhau”[15].

Đến thời kì tan băng và sau đó, trong nghiên cứu văn học xuất hiện một thế hệ học giả mới. Cùng với thời gian, thế hệ này đã trở thành lực lượng kế thừa xứng đáng di sản của Bakhtin, của trường phái hình thức, của những nhà ngữ văn học, như Skaftymov, Zyrmunski, Maksimov, Ghinburg… A.M. Dobrokhotov đã nói rất đúng về các nhà ngữ văn học ở mấy thập niên thời hậu Stalin, lớp người sinh ra từ những năm 1928 đến 1938, như một thế hệ kiệt xuất và, theo lời ông, “giờ đây đang nhanh chóng rút lui với tốc độ thật tàn nhẫn”, nhưng “cho đến nay, khối tri thức vô tận và khát vọng tinh thần của họ mãi mãi khiến người ta phải kinh ngạc”[16]. Đó là V.N. Toporov, V.E. Vashuro, M.L. Gasparov, S.S. Averinsev, A.P. Chudakov, S.N. Broitman, V.V. Musatov, A.V. Mikhailov, A.I. Zuraleva. Đứng trong hàng ngũ của những người được chào đón từ thế hệ này (đa số lớn tuổi hơn những người vừa kể ở trên) còn có: A.M. Turkov, Iu.N. Chumakov, B.F. Egorov, V.A. Keldys, Y.V. Mann, S.G. Bocharov.

Có thể nói, rất nhiều người từ thế hệ hậu chiến ấy, không phải ngay lập tức, mà cùng với thời gian, đã tìm thấy con đường đến với các bậc tiền bối và hoàn toàn có khả năng tiếp thu kinh nghiệm của họ. Kết cục là, sợi chỉ nối kết lớp “già” và lớp “trẻ” hoá ra đầy triển vọng và rất bền vững. Một sự kiện có ý nghĩa thời đại là chuyến đi tới Saransk, tìm đến với Bakhtin (mùa hè năm 1961) của V.V. Kozinov, S.G. Bocharov và G.D. Gachev, những người trẻ tuổi ở thời ấy, chuyến đi khơi nguồn cho việc xuất bản hàng loạt công trình của nhà bác học vĩ đại (những chuyên luận về Dostoievski và Rabelais, hàng loạt bài viết về tiểu thuyết và các vấn đề khác) và, cuối cùng, toàn tập tác phẩm mà hiện nay đã gần hoàn tất. Nhân đây, cần nhắc tới mối quan tâm ngày càng lớn hơn trong vòng mấy thập kỉ gần đây dành cho di sản và cá nhân A.P. Skaftymov[17].

Cùng với thời gian, các nhà ngữ văn học thế hệ hậu chiến cũng đã tạo ra sự kết nối với nghiên cứu văn học của phái hình thức luận, một di sản từng bị chối bỏ thẳng thừng vào những năm 1930 – 1950. Việc giới thiệu V.B. Sklovshki của A.P. Chudakov và M.O. Chudakova, nhất là việc nghiên cứu không mệt mỏi và có hiệu quả của họ đối với di sản của B.M. Eikhenbaum và Y.M. Tynhijanov là sự kiện đáng chú ý. Thư từ, đàm thoại của S.G. Bocharov với Ghinburg cũng có ý nghĩa quan trọng như vậy. Có một sợi chỉ được nối kết trực tiếp từ V.V. Vinogradov tới A.P. Chudakov (thày – trò). Hoạt động của Gasparov với tư cách một nhà thi học dựa trên kinh nghiệm của trường phái hình thức, trước hết là những công trình của B.I. Jarkho.

Còn có một sự kết nối tương tự như thế (ngược về quãng thời gian tương đối xa hơn) giữa các học giả thời tiền cách mạng với nhiều lớp con cháu của họ từng làm việc vào mấy thập niên đầu của thời đại Xô viết. Chẳng hạn, học trò của V.N. Perets là N.K. Gudzyi, một trong những giáo sư đầu đàn của MGU. V.P. Adrianov-Perets giữ vai trò quyết định trong việc dẫn dắt D.S. Likhachev đến với văn học cổ Nga (D.S. Likhachev trở thành người thừa kế văn học cổ Nga với tư cách người đứng đầu Ban Nghiên cứu văn học cổ tại Nhà Pushkin). Ở giai đoạn sau, thấy nổi rõ hơn mối liên hệ nguồn cội giữa nghiên cứu văn học Nga thời đại Xô Viết (ở tất cả các thời kì của nó) với những truyền thống triết học tôn giáo đầu thế kỉ XX[18].

Khoa học văn học trong thời kì Xô Viết, như đã thấy, (ngược với những hiện tượng tự phát), tồn tại phù hợp với quy luật kế thừa mang tính tổng hợp trong thế giới văn hoá. Ở những biểu hiện vẻ vang, cao cường, nó là một chỉnh thể thống nhất. Nhưng số phận của tuyệt đại đa số học giả lại đầy bi kịch. Bi kịch ấy (điều phù hợp với kinh nghiệm muôn đời của nhân loại) đã đồng hành cùng với những tia hy vọng nào đó. Những tia hy vọng là hiện tượng thanh lọc kết tụ trong thời gian, đôi khi người đương thời nhận ra, nhưng họ vẫn thường xuyên, kiên cường “hoạt động” như thế.

***

Rõ ràng, có những thử thách khắc nghiệt chưa từng thấy đã giáng vào số phận của các nhà nghiên cứu văn học thời Xô Viết. Nhưng chắc chắn không ai có thể nghi ngờ quy mô và ý nghĩa văn hoá siêu thời đại ở những gì chúng ta đã làm được. Không có cơ sở để đồng ý với nhận xét mà M.M. Bakhtin đã phát biểu trong một cuộc đàm đạo với S.G. Bocharov. Trong cuộc trò chuyện ấy, Bakhtin đã đánh giá có phần nghiệt ngã thái quá đối với các nhà nhân văn học thuộc thế hệ mình: “Tất cả những gì đã làm ra trong nửa thế kỉ này, trên một nền tảng bất lợi, dưới một gầm trời mất tự do, tất cả ở mức độ này hay mức độ khác đều lệch lạc, tồi tệ”[19]. Có thể và cần phài hiểu thấu ý nghĩa bi kịch cực kì nghiêm trọng của nhận xét ấy: những yêu cầu đạo đức tối đa và tuyệt đối của nhà bác học với khoa học xã hội nhân văn của thời đại và trước hết với chính bản thân mình đã khiến ông phải thốt lên nhận xét như thế. Nhưng liệu có ai trong chúng ta dám nẩy ra ý nghĩ sẽ phê phán các công trình của Bakhtin, cũng như của A.P. Skaftymov, V.M. Zyrmunski, L.Ja. Ghinburg, D.S. Likhashev, của những người đã buộc phải thoả hiệp (cứ cho là thoả hiệp rất ôn hoà) trong phạm vi hoạt động của mình? Các học giả ấy (và nhiều người khác), theo cách diễn đạt của S.S. Averinsev, đã buộc phải gánh chịu “thời khắc lịch sử tăm tối nhất của đất nước chúng ta”. Nhưng cũng chính trong thời đại mà tư tưởng tự do, sống động bị chà đạp, dày xéo một cách tàn nhẫn chưa từng thấy, ngược với tất cả, họ đã tạo ra cho nền khoa học của chúng ta rất nhiều điều vô giá, hoàn thành sứ mệnh cao cả của con người. Sự nghiệp vĩ đại này là cuộc tu hành khổ hạnh đúng với ý nghĩa cao nhất của từ ấy. Không dựa vào di sản của họ, khó có thể hình dung nổi nền khoa học về văn học hiện nay ( và cả tương lai).

Lã Nguyên dịch

Nguồn: В.Е. Хализев – Отечественное литературоведение в эпоху господства марксизма-ленинизма 1930 – 1980 годы//в кн: Памяти Анны Ивановны Журавлевой: Сборник статей/Сост. Г.В. Зыкова, Е.Н. Пенская. М.: “Три квадрат”. 2012, стр. 110 – 140.


[1] V.M. Alpatov – Các nhà ngữ văn học và cách mạng// “NLO”, 2002, số 53. Tr. 216.

[2] L.Ja. Ghinburg – Nhật kí. Hồi ức. Tiểu luận. Tr. 322.

[3] K. M. Azadovski; B.F. Egorov – Về thói bợ đỡ và chủ nghĩa thế giới. 1948 – 1949. Tr. 170. Về những kẻ trấn áp các nhà văn và các nhà khoa học từng giữ những vị trí cao nhất trong hệ thống quan chức thời Stalin đã thực hiện những việc đen tối, lúc nào lúc nào cũng thấy có tội và sợ hãi, xin xem truyện ngắn Chuyến đi săn của Vl. Tendriakov (“Chưa công bố”, M., 19986): Năm 1949, A.A. Fadeev, người đứng đầu Hội nhà văn, đã công khai tố cáo, phản bội bạn mình, sau đó bị lương tâm cắn dứt, ông đã tìm gặp bạn vào ban đêm (để không ai biết được).

[4] K. M. Azadovski; B.F. Egorov – “Các môn đệ của chủ nghĩa thế giới”, tr. 122.

[5] L.Ja. Ghinburg – Nhật kí. Hồi ức. Tiểu luận. Tr. 408.

[6] Xem: Những nhà hoạt động nghệ thuật Nga và M.B. Khrapchenko, Chủ tịch uỷ ban về các vấn đề nghệ thuật: tháng 4/1939 – tháng giêng/1948: Tổng tập thư từ. M., 2007.

[7] N.I. Balasov – Chiến công của viện sĩ Likhachev// “Tin tức RAN”. Series Văn học và Ngôn ngữ, 2000, số 1, tr. 5.

[8] M.L. Gasparov – Ghi chép và trích lục, tr. 88.

[9] Thư từ của B.M. Eikhenbaum và V.M. Zyrmunski// “Tuyển tập Tynhianov”. Đọc Tynhianov lần thứ ba. Riga, 1988, tr. 314 – 315.

[10] V.F. Pereverzev – Những tiền đề tất yếu của nghiên cứu văn học marxiste// “Nghiên cứu văn học”. Chủ biên V.F. Pereverzev. M., 1928, tr. 18.

[11] Trích theo V.Y. Franchuk.- A.A. Potebnhija. M., 1986. Tr. 85.

[12] Trích theo V.P. Gudkov.- Slavơ học. Serbia học. Tuyển tập bài báo. M., 1999. Tr. 1932 – 133.

[13] M.M. Prisvin.- Nhật kí. 1938 – 1939. M., 2010, tr. 130.

[14] Thư từ của A.P. Skaftymov và Iu.G. Oksman// Aleksandr Pavlovich Skaftymov trong khoa học văn học và nền văn hoá Nga. Bài báo. Ấn phẩm. Hồi ức. Saratov, 2010, tr. 302-303, 317.

[15] B.M. Eikhenbaum.- Về văn học. Những bài viết trong nhiều năm khác nhau. M., 1987. Tr. 30.

[16] A.M. Dobrokhotov.- Averinsev như một nhà triết học văn hoá// “Đọc Averinsev”. M., 2008. Tr. 58.

[17] Xem: Aleksandr Pavlovich Skaftymov trong khoa học văn học và văn hoá Nga

[18] Xem: V.E. Khalizev – Truyền thống triết học tôn giáo giai đoạn giáp ranh giữa các thế kỉ XIX – XX trong nghiên cứu văn học giai đoạn Xô viết// Văn học Nga thế kỉ XX – XXI: Những vấn đề lí luận và phương pháp luận nghiên cứu. M., 2008.

[19] S.G. Bocharov – Về một cuộc trò chuyện… Tr. 475.

HẾT

Comments are closed.