Lại Nguyên Ân – Phê bình, biên khảo

Trần Đình Sử

 

Tôi biết Lại Nguyên Ân từ sau khi tôi đăng bài báo đầu tiên của mình về Truyện Kiều trên tạp chí Văn học năm 1981. Ông gặp tôi và làm quen, rồi hai người trở nên thân thiết, ông giới thiệu tôi làm quen với Vương Trí Nhàn. Chúng tôi có rất nhiều buổi đàm đạo say sưa về các vấn đề văn học.

Ông có một trí nhớ tuyệt vời với khả năng ghi chép rất chi tiết. Ông đã ghi lại hai cuộc chuyện trò của chúng tôi về sáng tác của Nguyễn Khải và về thơ Trần Đăng Khoa, đăng trên báo Văn nghệ, mà sau khi xem lại, tôi thấy chính xác như ghi tốc kí.

Trong các cuộc trò chuyện tôi đã phân tích tính chất sử thi trong nhiều tác phẩm thời kháng chiến chống Pháp, sau đó ông viết một bài hay về thể loại văn học trong giai đoạn văn học này. Chúng tôi cộng tác viết chung cuốn sách Một thời đại mới trong văn học (1987, cộng tác với Nguyễn Đăng Mạnh, Ngô Thảo, Vương Trí Nhàn). Ông và tôi cùng làm trợ lí về lí luận phê bình cho báo Văn nghệ thời nhà văn Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập.

Lại Nguyên Ân sinh năm 1945, quê ở làng Phù Đạm, xã Phú Vân, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, một vùng đất có nhiều anh tài văn chương. Ông học khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, tốt nghiệp năm 1968, từng ra làm biên tập viên cho tạp chí Cộng sản một năm, rồi năm 1970 sang làm giáo viên cho trường trung học Thương nghiệp đóng ở Ba Vì. Từ năm 1977 ông về làm biên tập viên cho Nxb Tác phẩm mới, thuộc Hội Nhà văn Việt Nam cho đến khi về hưu năm 2007.

Lại Nguyên Ân thuộc thế hệ nhà văn sau 1975. Sau bảy năm làm giáo viên ông mới chuyển sang làm nghề biên tập. Ông là một người thông minh, năng động, cần mẫn, chịu khó. Ông kể cho tôi nghe nhiều chuyện của các nhà văn, giúp tổ chức để tôi giới thiệu cuốn Mấy vấn đề thi pháp Đostoievski của Bakhtin cho Hội đồng Lí luận phê bình Hội Nhà văn nghe, trong đó có các ông Hà Xuân Trường, Bùi Hiển và một số nhà văn khác. Thỉnh thoảng có sách mới của Nxb Tác phẩm mới, ông đưa cho tôi đọc. Ông cũng nhắn cho tôi biết các cuộc gặp mặt trao đổi văn nghệ của Hội Nhà văn và rủ tôi tham gia.

Có một thời, chúng tôi cộng tác với nhau trong nhiều việc. Ông tham gia dịch thuật giáo trình của Pospelov với nhóm của chúng tôi (1985), dịch sách Những vấn đề thi pháp Dostoievski của Bakhtin (cùng tôi và Vương Trí Nhàn, 1993). Ông tích cực tham gia dịch thuật các sách cấp tiến của Liên Xô lúc ấy với các dịch giả khác như sách của M. B. Khrapchenco Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực, con người (1986), Số phận lịch sử của chủ nghĩa hiện thực của B. Suchkov (1982), Những vấn đề lí luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học của Khrapchenco (2002), Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ do I. P. Ilin và E. A. Tzurganova chủ biên (2003). Là biên tập viên Nxb Hội Nhà văn ông sưu tập và in lại nhiều tạp chí cũ, hiếm, in lại các tập thơ Mới. Ông sưu tầm biên sọan cuốn Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ Việt Bắc(2005). Một danh mục đầy đủ các công trình loại này phải rất dài, thể hiện một sức làm việc bền bỉ và hiệu quả hiếm có.

Lại Nguyên Ân tham gia biên soạn Từ điển thuật ngữ văn học do Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi và tôi chủ biên, sau đó lại biên soạn từ điển 150 thuật ngữ văn học từ từ điển của Liên Xô. Bản thân Lại Nguyên Ân cũng biên soạn Từ điển văn học Việt Nam từ khởi nguồn đến thế kỉ XIX cùng với Bùi Văn Trọng Cường, biên soạn các thuật ngữ lí luận cho bộ sách Từ điển văn học bộ mới do Đỗ Đức Hiểu chủ biên. Ông chủ biên bộ sách Biên niên hoạt động văn học Hội Nhà văn Việt Nam đồ sộ gồm 4 tập rất công phu, tập 1: 1957-1975 (2013), tập 2: 1976-1985 (2016), tập 3: 1986-1995 (2018), tập 4: 1996-2001 (2020).

Về phê bình văn học, Lại Nguyên Ân bắt đầu bằng những bài bàn về văn học sử thi, trường ca, một số người gọi ông là “Ân sử thi”. Ông cũng viết phê bình nhiều tác phẩm văn học, tập hợp trong cuốn Văn học và phê bình (1984). Nhưng rồi thời Đổi mới văn nghệ rất sôi nổi, ông chuyển sang phê bình chính luận. Ông đứng hẳn về phía đổi mới, bệnh vực Nguyễn Huy Thiệp, chủ trương đọc văn phải khác với đọc sử.

Thỉnh thoảng có hội thảo, chúng tôi mời ông tham gia viết bài. Lúc này phê bình tác phẩm có vẻ như không đáp ứng yêu cầu của thời cuộc, ông chuyển sang phê bình các vấn đề của đời sống văn học. Ông tỏ ra tâm huyết, thẳng thắn khi phê phán lối “phê bình quyền uy”, “phê bình xu phụ” một thời, ông cũng nhận ra “vị thế cán bộ” của nhà văn ăn lương nhà nước và họ khó bề sáng tác tự do. Ông đề nghị chuyển các hội văn nghệ sang “hoạt động dân sự”. Mãi đến sau này ông vẫn thường xuyên suy ngẫm và nêu các vấn đề lớn, như Tái cơ cấu thiết chế văn nghệ, nhiệm vụ khả thi, Văn học đổi mới hay là sự thức tỉnh nửa vời của một lớp nhà văn. Có thể nói ông đã nhận ra nhiều đặc điểm khác biệt, đặc thù của nhà văn cán bộ cũng như nhiều cơ chế đặc biệt của nhà văn của một thời và trăn trở với những đề xuất. Lại Nguyên Ân là một tiếng nói mạnh mẽ, độc lập trong thời đổi mới (xem Sống với văn học cùng thời, 1997, Mênh mông chật chội, 2009). Với các phương diện này Lại Nguyên Ân là nhà phê bình có tính chính luận.

Hoạt động của Lại Nguyên Ân rất rộng. Ông không chỉ phê bình, mà còn đọc lại người trước, đọc lại người xưa, quan tâm văn học cổ điển, biên soạn từ điển về văn học cổ điển. Ông nêu một vấn đề khá hay và gai góc, như truyện Hoa Tiên phải chăng là thượng nguồn văn học dịch? Vấn đề này đến nay vẫn còn ít người bàn, nhưng tôi cho là rất quan trọng (Đọc lại người trước, đọc lại người xưa, 1998). Song song với quá trình khám phá văn bản, Lại Nguyên Ân có có rất nhiều nhận xét về các hiện tượng văn học còn tản mác, rời rạc, đòi hỏi được quan tâm. Nhưng nhìn chung phê bình văn học của Lại Nguyên Ân khá phân tán, các đề tài viết theo những yêu cầu khác nhau và ít khi ra tấm ra món. Nhưng tôi nghĩ những nhận xét của ông sẽ rất quý để rồi một ngày kia, có lúc chúng giúp người ta khai thác và sẽ có cái nhìn bao quát.

Là nhà biên tập viên của một Nxb có uy tín, ông đã sưu tập và cho in lại rất nhiều tác phẩm văn học thuộc giai đoạn trước mà văn học cách mạng đã bỏ quên hoặc không có điều kiện ngó lại như tạp chí Tiên phong 2 tập, hoặc tạp chí Văn nghệ. Lại Nguyên Ân tham gia viết bài cho các hội thảo của các trường đại học, viện văn học, những bài báo có khảo chứng tư liệu công phu. Sau tập Văn học và phê bình ông hầu như không phê bình tác phẩm văn học nữa. Thỉnh thoảng ông cũng có viết một số bài phê bình văn học, như viết về Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Ba người khác của Tô Hoài nhưng không nhiều, và bài viết có tính chất nêu nhận xét. Khi ông đã tích lũy nhiều các kĩ năng phát hiện, khảo chứng về văn bản tác phẩm, thì có lẽ các năng lực phân tích tác phẩm sẽ bị phôi pha ít nhiều. Không phải ngẫu nhiên mà ông ít có thành tựu trong phân tích tác phẩm văn học. Càng về sau hứng thú về phê bình văn học ít dần, mà chuyển sang sưu tập, khảo cứu văn bản. Có thể nói ông là một nhà khảo cứu văn bản học lớn ở Việt Nam, là người am hiểu đời sống các văn bản tác phẩm trong xuất bản và báo chí ở thế kỉ XX.

Hoạt động quan trọng nhất làm nên gương mặt độc đáo nhất, cũng là công phu lao động tâm huyết nhất của Lại Nguyên Ân chính là nghiên cứu văn bản học về Vũ Trọng Phụng, ông sưu tâp truyện ngắn Vũ Trọng Phụng trong tập Con người điêu trá (2018), Chống nạng lên đường (2021). Ông có cuốn Nghiên cứu văn bản tác phẩm Giông tố (2007), rồi Nghiên cứu văn bản tác phẩm Số Đỏ (2016), rất công phu.

Ông làm sống lại nhà phê bình văn học Lê Thanh với tập Nghiên cứu và phê bình văn học (2002), một người hầu như bị giới phê bình văn học miền Bắc lãng quên.

Từ giữa những năm 90 thế kỉ trước ông đã tiến hành sưu tập tác phẩm của Phan Khôi rồi công bố dưới dạng sách tập hợp tác phẩm đăng báo theo năm, tập đầu in năm 2003, đến năm 2019 đã ra được 15 tập. Các sưu tập ấy cho thấy Phan Khôi viết liên tục cho đến năm 1958. Sưu tập ở đây không giản đơn là tìm tư liệu có sẵn rồi photo đem in, mà là cả một quá trình nghiên cứu, phân tích, thẩm định để tìm đúng tư liệu cần dùng. Chúng cho thấy Phan Khôi là học giả luôn luôn phản biện xã hội, chống nho giáo, bảo vệ nữ quyền, nâng cao dân trí suốt cuộc đời dài. Ông đã viết một khảo luận với nhan đề khiêm tốn Tìm hiểu tác gia Phan Khôi, sắp xuất bản.

Lại Nguyên Ân cũng sưu tập bổ sung một tập truyện ngắn của Nam Cao Người câm biết nói (2021), góp phần hoàn chỉnh thêm số lượng tác phẩm của nhà văn này. Ông tìm lại được nhiều tác phẩm tưởng đã mất, khôi phục diện mạo của tác phẩm đã bị biến cải. Có thể nói ông là người am hiểu rất nhiều về báo chí thời trước và các tác phẩm, tác giả đăng báo.

Với sự hiểu biết ấy ông sẽ khám phá nhiều vấn đề của văn học thời trước mà nhiều người khác không làm được. Ở miền Nam trước 1975 Thanh Lãng là người rất coi trọng sưu tầm tư liệu, để lại một di sản đồ sộ, có thể ảnh hưởng đến Lại Nguyên Ân chăng? Thanh Lãng cũng làm sống lại một số tác giả đã tồn tại trên báo chí, ví như Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, vấn đề là chưa có người tìm lại văn bản và xuất bản. Lại Nguyên Ân có điều kiện đi xa hơn và là gương mặt nổi bật.

Comments are closed.