Nguyễn Hoàng Linh
“Tôi đã thấy Stalin. Những gì xảy ra chính là ông ta. Ngày hôm ấy là điểm ngoặt trong cuộc đời tôi và do đó, nó cũng là điểm ngoặt cả trong thi nghiệp của tôi” (Yevgeny Yevtushenko).
Tròn 70 năm đã trôi qua kể từ khi Stalin, lãnh tụ tối cao của Đảng Cộng sản Liên Xô, qua đời (5/3/1954 – 5/3/2023), nhưng đến giờ, sự đánh giá về ông vẫn chưa nhất quán. Không ít người đặt ông vào hàng những tên độc tài khét tiếng và tội lỗi nhất của thế kỷ 20; những kẻ khác, trong đó có không ít dân Nga, coi ông là anh hùng của “kỷ nguyên Xô-viết”.
Sự ra đi của Stalin đã khiến Tố Hữu để lại những vần thơ đáng nhớ:
“Bữa trước mẹ cho con xem ảnh:
Ông Xít-ta-lin bên cạnh nhi đồng
Áo Ông trắng giữa mây hồng
Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười…
Xít-ta-lin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin!
(…) Hỡi ôi Ông mất, đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười”.
Ở một chiều khác, không thể phủ nhận cái chết của Stalin là tiền đề cho sự hòa dịu ở một mức nhất định trong các mối quan hệ quốc tế. Ở Liên Xô, nó đem lại sự giải phóng cho hàng chục triệu tù khổ sai ở các trại tập trung Gulag. Đồng thời, nó cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn, một biến chuyển mang tính quyết định trong ý thức hệ nhiều người.
Chẳng hạn, của nhà văn, nhà thơ Nga nổi tiếng Yevgeny Yevtushenko (1932-2017), cây bút cấp tiến hàng đầu ở Liên Xô trong thời kỳ “tan băng”, sau khi Tổng bí thư Nikita Khrushchev đọc bản báo cáo “mật” nổi tiếng, vạch trần những sai lầm, tội ác của Stalin và những hậu quả của chúng tại Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô (tháng 2/1956).
Trích đoạn sau đây trong hồi tưởng của Yevtushenko, khi đó mới là một chàng trai 21 tuổi, đầy nhiệt huyết và mới bắt đầu hình thành ý thức xã hội và cảm qua chính trị, cho chúng ta thấy rõ điều đó. Và suy nghĩ của thi sĩ – “Chừng nào những kẻ kế thừa Stalin còn đó – Thì tôi cho rằng Stalin vẫn còn ở trong lăng” (*) – tới giờ vẫn còn giá trị cảnh báo.
Phần chuyển ngữ được thực hiện qua bản tiếng Hungary.
(*) “Những kẻ thừa kế Stalin” (Наследники Сталина, 1962). Bản dịch của Phạm Xuân Nguyên.
BẢN KÊ KHAI LÝ LỊCH VỘI VÃ
Không bao giờ tôi quên nổi cái ngày tôi lên đường để được nhìn thấy Stalin nằm trong quan tài. Tôi đứng cùng đám đông trên Quảng trường Trubnaya. Hơi thở băng giá của hàng vạn và hàng vạn con người tụ lại thành một đám mây duy nhất, đứng sau nó, chúng tôi chẳng thấy gì mấy ngoài những bụi cây trơ trụi vào tháng Ba.
Thật là một cảnh tượng tuyệt vời và kinh hoàng. Càng ngày, đoàn người càng tạo thành những con suối mới, siết chặt phía sau lưng tôi. Đám đông trở thành một dòng xoáy khổng lồ duy nhất. Đột ngột, tôi sực tỉnh vì bị đám đông xô đẩy đến trước một cột đèn giao thông. Cái cột ngày càng tiến đến gần tôi, tôi không sao tránh nổi nó.
Trong khoảnh khắc đó, một cô gái trẻ bị siết chặt vào cột. Khuôn mặt cô méo đi, cô gào lên. Nhưng tiếng gào của cô chìm đi giữa những tiếng gào thét khác. Đoàn người chảy dồn về phía cô gái; tôi không nghe thấy, chỉ cảm thấy những mảnh xương yếu ớt của cô gãy lạo xạo khi cô bị đè nghiến vào cái cột đèn. Hoảng hồn, tôi nhắm nghiền mắt, tôi không chịu được khi nhìn cặp mắt trẻ thơ xanh biếc của cô và đoàn người đã xô đẩy tôi đi tiếp. Khi nhìn quanh một lần nữa, tôi đã không thấy cô đâu cả.
Bấy giờ, một người khác bị cuốn vào cột đèn giao thông, bàn tay anh ta bị dập chặt vào đó như trên một cây thập tự. Tôi cảm thấy tôi giẫm lên một vật mềm mềm gì đó, chắc đám đông đã hất ngã một người. Trong một khoảng thời gian khá lâu, tôi không dám đặt chân xuống. Tình thế ngày một cấp bách. May mắn là tôi có thân hình cao ráo. Chúng tôi bị dồn nén vào một hàng chật ních bởi những tòa nhà ở về một phía và những chiếc xe tải quân đội ở phía kia.
– Chở chiếc xe ra khỏi đây! – đám đông gào lên. – Mang nó khỏi đây!
– Tôi không thể làm gì được! Tôi không được lệnh! – từ một chiếc xe hơi, một sĩ quan công an trẻ măng, tóc vàng như cây lanh gào lên đáp lại, gần như anh ta rống lên vì bất lực. Và đoàn người lại tiếp tục dồn nén nhau vào những chiếc xe hơi. Nhiều chiếc xe thấm máu những người bị đẩy vào đó.
Đột ngột, tôi cảm thấy một nỗi ghê tởm hoang dại đối với tất cả những gì đã đẻ ra cái suy nghĩ “tôi không được lệnh” này, gào thét, tôi nguyền rủa cái giây phút khi con người phải chết vì sự ngu xuẩn của một kẻ nào đó. Lần đầu tiên trong đời, tôi nghĩ với lòng khiếp đảm về con người mà chúng tôi mai táng. Không thể có chuyện ông ta không phạm tội lỗi vì điều bất hạnh này. Cái suy nghĩ “tôi không được lệnh” đã gây ra sự hỗn loạn và tai họa đúng vào lễ an táng ông ta.
Giờ đây tôi đã biết chắc chắn và dứt khoát là không bao giờ được chờ mệnh lệnh, nếu tính mạng con người đang trong vòng nguy hiểm: phải hành động. Chính tôi cũng không biết mọi sự diễn ra như thế nào, nhưng tôi cứng cỏi dùng nắm đấm, cùi tay và tôi tự nhủ phải tách đoàn người. Tôi gào lên: – Làm thành chuỗi xích, làm thành chuỗi xích!
Mọi người không hiểu tôi nói gì. Lúc đó, tôi dùng sức bắt mọi người nắm lấy tay nhau và tôi tuôn ra những lời chửi rủa khả ố nhất mà tôi còn giữ được từ hồi theo ngành địa chất. Bấy giờ, vài thanh niên cương quyết cũng đã trợ giúp tôi. Và xung quanh tôi, rốt cục mọi người cũng hiểu ra là tôi muốn gì.
Những cánh tay tạo thành móc xích. Tôi tiếp tục công việc với những người bạn khỏe mạnh. Dòng xoáy giảm dần. “Đưa đàn bà và trẻ em lên xe!” – một thanh niên hét lên. Và người ta chuyền tay phụ nữ và trẻ em qua đầu biết bao con người để đưa họ đến nơi an toàn, trên những chiếc xe hơi.
… Cuối cùng, công an cũng đến giúp chúng tôi.
Mọi việc dịu dần đi.
– Đồng chí phải làm ở ngành công an mới phải. Chúng tôi cần những chàng trai như thế – một thượng sĩ công an bảo tôi trong khi anh dùng mùi-xoa lau mồ hôi sau khi hoàn thành một nhiệm vụ nặng nhọc.
– Được, rồi tôi sẽ nghĩ đến việc đó – tôi buồn bã đáp.
Giờ đây, không hiểu sao tôi đã không cảm thấy tò mò đến cái xác của Stalin nữa. Thà tôi ở lại với một chàng trai, người đã giúp tôi tổ chức biến đoàn người thành chuỗi móc xích.
Chúng tôi mua một chai vốt-ca và đi bách bộ về nhà.
– Con có được thấy Stalin không? – mẹ tôi hỏi.
– Con thấy – tôi nói giọng mát mẻ trong khi nâng cốc cụng ly với người bạn mới quen.
Quả thực, tôi đã không nói dối mẹ tôi. Tôi đã thấy Stalin. Những gì xảy ra chính là ông ta.
Ngày hôm ấy là điểm ngoặt trong cuộc đời tôi và do đó, nó cũng là điểm ngoặt cả trong thi nghiệp của tôi. (*)
(*) Sau khi Stalin chết, nhiều đoàn người khổng lồ từ khắp lãnh thổ Liên Xô đã tràn về Moscow để nhìn mặt ông lần cuối. Chính phủ Xô-viết, bối rối trước đám đông quần chúng, đã điều động cảnh sát và dùng xe tải bao quanh trung tâm Moscow để chặn đoàn người. Nhiều người dân đã bỏ mạng vì giẫm đạp lên nhau trong ngày đưa tang Stalin.
Nguồn: FB Nguyễn Hoàng Linh