49 năm sau ngày 30-4-1975 – Con đường nào cho Việt Nam

Ông Võ Văn Kiệt, một lãnh tụ của cộng sản Việt Nam, đã từng phát biểu vào năm 2005 một câu để đời có ý nghĩa nhân đạo rất cao và rất đáng suy ngẫm sâu về lịch sử dân tộc có liên quan tới biến cố ngày 30-4-1975 như sau: “Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia […]. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu”.

Mạnh dạn phát biểu lên được ý tưởng này nhằm kêu gọi hòa giải, hòa hợp dân tộc, hàn gắn vết thương chiến tranh, có lẽ vì ông Kiệt là một trong những chiến sĩ – nhà lãnh đạo kháng chiến gốc miền Nam đã từng trải, hiểu biết và cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh của mọi thành phần dân chúng miền Nam ở cả hai bên chiến tuyến, mà chính trong dòng tộc ông cũng có người ở cả phe này lẫn phe kia đối đầu nhau, trong cuộc chiến tranh khốc liệt đầy thương đau kéo dài suốt 30 năm.

Ý kiến nhận định của ông cố Thủ tướng nêu ra như trên, từ hồi cuối tháng Ba năm 2005, đã nhận được ngay sự hoan nghênh nhiệt liệt của đông đảo quần chúng Việt Nam yêu nước có lương tri, không phân biệt Bắc-Nam, bình dân hay trí thức, đang ở trong nước hay ngoài nước.

Tuy nhiên, lời kêu gọi cảm thông đầy thiện ý này cũng đã không hề nhận được những phản ứng đơn giản.

Ngay sau khi tờ tuần báo Quốc tế (thuộc Bộ Ngoại giao, số ra ngày 31-3-2005) cho đăng mấy lời như trên trong một bài trả lời phỏng vấn, đã có vài tờ báo “chính thống” của Trung ương nói bóng nói gió nêu lên ý kiến chỉ trích khéo. Mới đây, một số tờ báo địa phương (như Công an tỉnh Bắc Giang, Online, ngày 20-4-2024) cũng đăng lại bài cũ năm 2022, cho rằng “nhiều người đã lấy câu nói ‘triệu người vui, triệu người buồn’ để xuyên tạc: Đó là cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, nên bỏ cụm từ ‘giải phóng miền Nam’, ‘thống nhất đất nước’ bằng ‘ngày hòa bình’, ’ngày thống nhất’ hay ‘ngày kết thúc chiến tranh’… Bản chất của vấn đề này thực ra là mưu kế thâm độc của các thế lực thù địch, hòng xem nhẹ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng cCộng sản Việt Nam, xóa nhòa chiến công, đánh đồng giữa ta và địch…”.

Thực tế này cho thấy vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc, chữa lành vết thương chiến tranh vẫn còn là một vấn đề không kém phức tạp, vì chưa có sự hoàn toàn đồng thuận nội bộ, chủ yếu nảy sinh từ một số quan điểm hẹp hòi ở không ít người của “bên thắng cuộc”.

Chính điều này giải thích vì sao, sau ngày 30-4-1975, một số chính sách do nhà cầm quyền đưa ra gọi là hòa giải hòa hợp dân tộc nhưng trên thực tế vẫn là nói suông, chưa được thực thi một cách chân thành, đầy đủ, và do vậy, đó cũng là điều không mấy khó hiểu. Sự mất mát đau thương của cả dân tộc cùng với mối chia rẽ hận thù trong nội bộ người Việt vì vậy đến tận hôm nay vẫn còn là câu chuyện dài nhức nhối chưa được giải quyết thỏa đáng dứt khoát, dù thời gian đã trải qua chỉ một năm nữa là tròn nửa thế kỷ!

Nói ra thì nhiều, nhưng đại để có thể kể hàng loạt những việc làm trái với thiên lý nhân tình và thuật trị nước cả về chính trị lẫn kinh tế, và có thể nói hầu như đã chống lại những chính sách tốt đẹp đã được tuyên truyền trước đó: lập ra hàng trăm trại tù cải tạo vô cùng dã man khắc nghiệt dành cho những người của “bên thua cuộc”; cải tạo tư sản; ưu tiên phát triển công nghiệp nặng; ồ ạt tiến hành tập thể hóa nông nghiệp…, bất chấp nhân đạo và các quy luật khách quan của sự phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện chế độ quan liêu bao cấp; coi công nông ít học là thành phần chủ lực xây dựng xã hội mới, rẻ rúng các phần tử trí thức trung thực có tài năng và thiện chí, khiến họ lần lượt bỏ nước ra đi.

Cho đến nay, tình trạng nhân tâm ly tán, sự chia rẽ hận thù còn nặng nề trong nội bộ dân tộc cần được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng lạc hậu, khi mà chính quyền cho đến nay vẫn coi ai ở trong nước hay nước ngoài nói trái ý mình đều thuộc “các thế lực thù địch”, trái hẳn với câu nói cửa miệng của các quan chức cộng sản theo nghị quyết, “Cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận quan trọng không thể thiếu đối với dân tộc Việt Nam, cần phải được coi trọng…”.

Trong suốt 49 năm, tất cả mọi sự thật phải trái đã được phơi bày, ai ai có chút kiến thức và lương tri cũng đều trông thấy rõ. Xét trên kinh nghiệm lịch sử ngàn năm của mọi quốc gia thì sự tồn tại của một triều đại luôn luôn hữu hạn. Vấn đề cốt lõi bất khả tranh luận là phải dám phủ định những bước đi sai đường để chuyển hướng, bằng việc cải cách kinh tế đi đôi và tương ứng với cải cách căn bản về chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền một cách thực chất theo mô hình phát triển của đa số các nước dân chủ văn minh tiến bộ trên thế giới.

Trở lại vấn đề đoàn kết và hòa giải hòa hợp, muốn dân tộc có sức mạnh vươn lên phát triển, mang lại hạnh phúc cho toàn dân, thì phải gác lại quá khứ, xóa bỏ mọi sự tỵ hiềm và nghi kỵ, hướng đến tương lai, lấy quyền lợi dân tộc làm mục tiêu nền tảng. Hòa giải hòa hợp dân tộc là sự đòi hỏi bức bách thiêng liêng của mọi người dân Việt, bất kể ở trong hay ngoài nước, không phân biệt màu cờ sắc áo thành phần lý lịch thuộc cũ hay mới, nhưng không có nghĩa là sự ban ơn bằng nghị quyết này nọ của kẻ thắng đối với người thua (như Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2004), mà phải được coi là mệnh lệnh tối thượng tất yếu của lịch sử. Để cho tình trạng chia rẽ nghi kỵ lẫn nhau kéo dài cho đến tận hôm nay qua thực tế lời nói không đi đôi với việc làm, thì trách nhiệm (nếu không muốn nói tội lỗi) chủ yếu phải quy về cho những người cầm quyền.

Ngay như “kẻ thù số một không đội trời chung” với chính quyền cộng sản Bắc Việt Nam trước đây là cố Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, đại diện cho “bên thua cuộc”, mà còn biết kêu gọi tinh thần đoàn kết dân tộc khi ông nói chuyện trong một cuộc họp báo ở hải ngoại (năm 1990): Đây là cơ hội ngàn năm một thuở, nếu như người cộng sản ý thức được chuyện dân tộc thì họ cùng với người Quốc gia, lấy căn bản nhân dân, để xây dựng lại dân tộc; đây là ngàn năm một thuở nhân dân Việt Nam hai miền từ trước nay đối chọi nhau, bây giờ có thể giành lại quyền tự quyết của mình, để thoát khỏi sự nô lệ ngoại viện, tránh để người ta dùng mình như một con cờ phục vụ cho quyền lợi của họ… Cố Phó tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ cũng đã nói (đại ý): “Chúng ta đã già, và quá già, chúng ta cần cố gắng làm mọi cách để con cháu chúng ta, những người Việt đừng nhìn nhau bằng cặp mắt thù hận".

Nếu chính sách thật sự tốt dẫn đến cả nội trị lẫn ngoại giao đều tương đối tốt, mang lại độc lập tự do hạnh phúc cho nhân dân, thì mọi người trong và ngoài nước, kể cả thành phần di tản sau ngày 30-4-1975, chắc chắn đều sẽ tâm phục khẩu phục, thậm chí còn mong cho nhà nước cộng sản được thiên niên trường trị, chứ nói xấu để mà làm gì.

Đến đây, bất tất phải dài dòng thêm, nhân ngày lịch sử 30 tháng Tư năm nay, chúng tôi, các cá nhân, nhóm trí thức và tổ chức dân sự, xin tuyên bố một số đề nghị với nhà cầm quyền như sau:

1. Tích cực xây dựng khối đại đoàn kết trên cơ sở thúc đẩy một cách chân thành chính sách hòa giải hòa hợp dân tộc, ra sức củng cố nội trị và ngoại giao để đủ sức đối phó hữu hiệu với bất kỳ âm mưu xấu xa nào từ phía ngoại bang (nếu có) đối với đất nước ta, kể cả việc vi phạm trắng trợn chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

2. Thúc đẩy thực thi mạnh mẽ các hiệp định đối tác chiến lược song phương mà Việt Nam đã ký kết với các nước Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và với EVFTA, CPTPP… Việc thực thi các hiệp định này sẽ giúp chúng ta mau trở nên giàu mạnh, có thêm nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế, quốc phòng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Ngoại giao “cây tre” nhưng cần phải có sự thành thật đúng mực, bởi thiếu yếu tố này thì cũng không lừa dối được ai…

3. Thực hành ngay và đầy đủ các nội dung ghi trong Hiến pháp 2013 do chính người cộng sản soạn nên. Đặc biệt nhanh chóng thực hiện trên thực tế và đúng thực chất điều 25 Hiến pháp về các quyền tự do dân chủ để động viên sức mạnh của toàn dân cả trong lẫn ngoài nước. Mạnh dạn phóng thích lập tức toàn bộ “tù nhân lương tâm”.

4. Nâng cao vai trò của Quốc hội, tổ chức bầu cử tự do, quốc hội cần có mọi thành phần nhân dân tham gia, dẹp bỏ nạn cơ cấu sẵn. Tập trung cải cách tư pháp (gồm điều tra, công tố và tòa án), ngành tòa án phải độc lập với hành pháp, Quốc hội, đảng phái trong việc xét xử. Không xét xử “bỏ túi”; trả lại vai trò đích thực của nghề luật sư; chống chạy án vốn là hiện tượng rất phổ biến lâu nay; rà soát lại tất cả các vụ án oan, những vụ còn tồn đọng kéo dài hoặc đã xét xử nhưng chưa đảm bảo đúng pháp luật…

5. Đấu tranh chống tham nhũng quyết liệt từ gốc bằng việc triệt tiêu các nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tham nhũng và tiêu cực, qua một cuộc cải cách căn bản ở tầm vĩ mô cả về kinh tế lẫn chính trị, trên cơ sở mô hình nhà nước pháp quyền thực sự (không ai hay tổ chức nào được đứng trên pháp luật); nền tư pháp độc lập; báo chí tự do và độc lập; khuyến khích sự phát triển của xã hội dân sự; cải cách căn bản tiền lương cho cán bộ công nhân viên chức.

6. Coi ngày 30 tháng 4 hàng năm như một ngày kỷ niệm lịch sử bình thường, không tổ chức rầm rộ để tự hào chiến thắng. Chấm dứt nhắc lại tất cả những quá khứ đau buồn, những vấn đề có liên quan đến cuộc chiến Bắc-Nam, có nguy cơ đào sâu thêm mối chia rẽ gây mất đoàn kết dân tộc.

Chúng ta hy vọng năm tới, sau nửa thế kỷ, vào ngày 30 tháng 4 năm 2025, toàn thể người Việt Nam đoàn kết thống nhất, bỏ lại sau lưng mọi sự nghi kỵ và tỵ hiềm, để đất nước có thể bước vào một kỷ nguyên mới , kỷ nguyên của đoàn kết, phát triển phồn vinh.

(Quý vị ký tên hưởng ứng xin gởi về paracelle19011974@gmail.com)

Ngày 28 tháng 4 năm 2024.

Các tổ chức Xã Hội Dân Sự

1. Lập Quyền Dân: Ông Nguyễn Khắc Mai, đại diện.

2. Diễn đàn XHDS: Tiến sĩ Nguyễn Quang A, đại diện.

3. Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh: Giáo sư Nguyễn Đình Cống, đại diện.

4. Diễn đàn Bauxite Việt Nam, GS Nguyễn Huệ Chi, đại diện.

5. Câu lạc bộ Phan Tây Hồ: Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, đại diện.

6. Ban Vận Động Thành lập Văn Đoàn Độc Lập: PGS TS Hoàng Dũng, đại diện.

7 Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng: Nhà báo Lê Phú Khải, đại diện.

8. Ủy ban ĐT/CT CĐ Liên Châu: Ông Nguyễn Sơn Hà, đại diện.

Cá nhân:

1. Nguyễn Khắc Mai, nhà nghiên cứu Văn hóa Minh Triết, Hà Nội.

2. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Hà Nội.

3. Giáo sư Nguyễn Đình Cống, Hà Nội.

4. Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, Đà Lạt.

5. Trần Hữu Quang, PGS TS Xã Hội Học, TP HCM.

6. Vũ Trọng Khải, PGS TS CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP, TP HCM.

7. Lê Phú Khải, nhà báo, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn.

8. Mạc Văn Trang, PGS TS Tâm lý học, TP HCM.

9. Nguyễn Thị Kim Chi, Nghệ sĩ, Đạo diễn, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn.

10. Huỳnh Sơn Phước, nhà báo, Hội An, Quảng Nam.

11. André Mendras (Hồ Cương Quyết), nhà giáo Pháp – Việt, CLB Lê Hiếu Đằng, Paris, Pháp.

12. Kha Lương Ngãi, nguyên phó TBT báo SGGP, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn.

13. Lại Thị Ánh Hồng, nghệ sĩ, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn.

14. Thiều Thị Tân Daniel, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn.

14. Đỗ Như Ly, kỹ sư, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn.

15. Trần Minh Quốc, nhà giáo, CLB Lê Hiếu Đằng, Cần Thơ.

16. Bùi Nghệ, kỹ sư, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn.

17. Võ Văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư Pháp TP HCM, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn.

18. Lê Thân, hưu trí, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn.

19. Hoàng Hưng, nhà thơ, Sài Gòn.

20. Hoàng Dũng, PGS TS ngữ văn, Sài Gòn.

21. Nguyễn Thị Khánh Trâm, nghiên cứu viên, hưu trí, TP HCM.

22. Nguyễn Huệ Chi, GS Ngữ văn, Hà Nội.

23. Nguyễn Đình Nguyên, Tiến sĩ Y khoa, Autralia.

24. Phan Hoàng Oanh, Tiến sĩ Hóa học, Sài Gòn.

25. Nguyễn Mai Oanh, Ths Kinh tế Phát triển, Sài Gòn.

26. Bùi Minh Quốc, nhà thơ, nhà báo, Đà Lạt.

27. Đinh Hoàng Thắng, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan.

28. Phao-lô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục

Comments are closed.