Người kể chuyện làng quê

Ngô Thị Kim Cúc

Về tiểu thuyết Trong rừng cây du thủ của Trần Quốc Toàn

Thông thường, người kể chuyện thường lớn tuổi, từng trải, đầy ắp những chiêm nghiệm để chuyển giao cho người nghe, với ước mong kết nối, lan tỏa và tiếp tục lưu truyền. Người kể chuyện thường là ông bà cha mẹ trong gia đình, là thầy cô trong nhà trường, là già làng ở các thôn bản… Và người nghe là lớp trẻ. Lớp trẻ nghe/tiếp nhận để mở rộng trường giao tiếp, so sánh, đối chiếu với nhiều thứ và rút ra những bài học nhân sinh.

Ở đây, người kể chuyện lại là người trẻ, trong độ tuổi hai mươi. Người nghe trước hết chính là người kể chuyện, và những người được nhớ tới/nhắc tới. Có thể chẳng nhằm vào điều gì, cũng có thể do muốn giải đáp những tra vấn luôn ngập tràn trong suy tưởng mà người-kể-chuyện cứ trở đi trở lại, hỏi như thả gió lên trời, nhờ gió tạt trở lại tâm trí mình một thứ đã được tinh lọc qua thiên nhiên trầm mặc.

Những gì được nhớ tới/nhắc tới? Có thể chỉ nhỏ nhít trong mỗi ngày của cuộc sống bình thường: “quả gòn khô rụng vỡ”, chim dồng dộc trưa bay đến để nghỉ chân”, “bầy cò nối đuôi nhau thành hình mũi tên bay về núi, nghỉ chân trên những rẫy bạch đàn, nơi có những cái giếng đá ong] trong cái giếng đá ong, là những hang hốc nhỏ, nơi con chim sa sả xanh đục lỗ đẻ trứng, nơi những con rắn hổ đất trú ẩn”, “thuở còn bày mâm dưới nền đất, ngồi trên cái đòn gỗ, có thêm con chó con mèo ngồi sau lưng chờ được ăn xương cá, ăn chút cơm và hoà chung trong cái không khí ấm áp đó, và ngoài trời, lũ dơi bay chập chờn bắt côn trùng, tìm chuối chín cây”, “mùi bùn trộn lẫn tiếng nhái chiều mưa, chuồn chuồn đẻ trứng trong rễ lục bình, mùa mưa, những vệt mây xám từ lòng núi Thạch Long đâm chồi, mang sấm sét thả xuống cái thung cỏ, nơi những con bò núi được trú đêm và sinh con ở đó” …

Những chi-tiết-đời-sống đó đã được cất giữ/lưu trữ trong đôi mắt, trái tim và sự vận hành cơ thể của cậu thiếu niên làng quê, cho tới lúc bỗng được xúc tác/phát động thành một cuộc đi tìm/đi tới một nơi chốn phức tạp hơn, đa thanh đa dạng hơn và cũng lụy phiền hơn…

Bắt đầu từ những báo hiệu về sự hồn nhiên đã chấm dứt, những gì nhìn thấy bằng mắt không còn đơn giản chỉ là cái-nhìn-thấy, mà những liên tưởng đã bắt đầu, bằng những phát hiện, ngẫm ngợi thảng thốt, bất ngờ:

“không biết khi còn là một người trần mắt thịt người trong mộ đã đi đến những đâu, đã nói những gì nhỉ?”, “ông ngoại tôi tuổi đã ngoài chín mươi, lúc nhớ lúc quên, ông kể về những người bạn của ông nay không còn nữa, ký ức người già bỗng hóa thành một nghĩa trang mênh mông buồn, con người rồi cũng lớn, rồi ai cũng đi xa, nhưng bão lũ hằng năm vẫn đến, tôi nghĩ ở đời cũng giống như thời tiết, lúc an vui, lúc đau khổ, thì cũng như mưa nắng đó”, “từ đất quê mà ngẫm ngợi ra nhiều thứ, mưa thì sắm áo tơi ô dù, rét thì mặc thêm áo ấm, bão gió thì chặt bớt cây bớt cành, nhét các lỗ lam để tránh gió lốc lòn vào làm sập nhà, như vậy với đời sống vốn bất toàn này, thì cũng cần chuẩn bị những phương án để tránh những thương tổn trong cuộc sống thế nhân giữa người với người”, “tôi nhớ có một lần em gái tôi đứng khóc, em khóc vì con bò có đốm lông trắng ở trên đỉnh đầu chết, lúc bão về, gió lốc làm sập mái chuồng, đè lên con bò, tôi nhớ khi con bò còn sống, miệng con bò lúc nào cũng như chực nhe hàm răng ra cười, nên tôi gọi nó là con bò cười, nước mắt em tôi trông giống những dòng lũ đổ lên dòng sông trước nhà, dòng sông nhỏ bỗng biến thành dòng sông lớn, rồi thành biển nước mênh mông”, “hồi thủơ mới khai hoang, ông bà tôi đã chôn lại rất nhiều những bộ xương như thế, những ngôi mộ của lính Đại Hàn giờ vẫn còn, rồi sau chiến tranh, những xương cốt của người và thú không còn biết là đâu nữa, đâu ai biết là của lính Miền Nam hay lính Miền Bắc, hay là lính miền Trung quê tôi, người đến ở, khai hoang, có người bị thương vì bom đạn còn sót lại, nên đêm, khi trong làng có người gần chết, lũ chim cú mèo tìm đến, tôi hiểu vì chúng đánh hơi được xác chết, mùi của người gần chết, còn nghĩ về tâm linh chắc có phần nào đó, tôi không hiểu sâu sắc được, chỉ biết tiếng cú mèo kêu không thể thiếu trong ký ức tôi, và cũng có lẽ cuộc sống cũng đến lúc chết, nên tôi nghĩ ngợi thật nhiều, đôi khi đầu óc giận dữ, và muốn làm một điều gì đó phá vỡ đi những suy nghĩ đời thường”, “te te là con chim không dễ gì bắt được, ở làng tôi, loài chim ấy cứ đến mùa trái cò ke, chim chim, dủ dẻ, chà là, chày chay, là chúng có mặt, trong tiềm thức làng, loài chim này không có trong danh sách vật cảnh hay món ăn, dường như chúng sinh ra là để làm dấu chứng cho ký ức của làng, chúng tụ họp thành bốn đến năm con, đi quanh các bụi rậm để bới tìm giun đất và côn trùng, khi thấy người xuất hiện, chúng cất cánh bay qua những ngọn đồi kế bên”, “tôi kể cho người nghe, cái buổi chiều khói đốt đồng bay phủ cả một vùng trời, bọn muỗi mòng cay mắt bay loạn xạ, gió thổi nghe ra người quê đang chiêm nghiệm bầu trời và mặt đất, ai bảo người quê không chiêm nghiệm chứ?”…

Chàng-trai-kể-chuyện đó, chẳng biết từ cơn cớ gì, cứ tha thẩn trong cõi người ồn ã này, nhưng lại bỏ ngoài tai tất cả những tạp âm của cuộc sống đời thường/đời thật, chỉ lọc ra những vọng âm/quán âm từ một cõi giới riêng để bảo ban mình những gì cần thấu cảm. Không còn đường biên giữa người già/người trẻ, quá khứ/hiện tại/tương lai; cái hiển hiện và cái chỉ hiện ra ở vô-cùng; ranh giới giữa con người, cây cỏ, động vật, khoáng vật, bầu trời, mặt đất, rừng núi, biển sông… Những kết nối/thấu cảm/sinh nở ấy đã khiến ba thế hệ người: ông bà, người thầy/người chú và người-kể-chuyện đã trở thành ba-ngôi-trong-một-ngôi, có thể được gọi tên là lịch sử.

Sự lưu truyền/thẩm thấu lịch sử bằng cả ý thức/tiềm thức/vô thức ấy lan tỏa, thấm đẫm, kết tinh lại trong tâm thức chàng-trai-kể-chuyện, vừa như một giải thoát vừa là một gánh nặng, bởi đó là một tập hợp vô cùng nhiều những câu hỏi, câu sau miên man hơn câu trước, không bao giờ có lời giải cuối cùng, vì mỗi lời giải lại sản sinh thêm những câu hỏi mới…

“đó là khi, cuộc song thoại giữa cái chết và sự sống, giữa lớp người người đi trước và những người về sau, như cách thức truyền thừa, chỉ hiểu là trao lại sự hiểu biết, kinh nghiệm, cách thức nhận ra những biến đổi của suy tư”, ” khơi ánh lửa bấy lâu còn chưa bén ngọn, đi cho hết con đường của nhân sinh”.

Cần phải tìm gặp/đối thoại và cùng tỉnh thức để lại tiếp tục tìm gặp và đối thoại nhiều hơn, đó là sứ mệnh không thể từ chối/không được từ chối…

“những buồn bã trong mắt tôi như muốn nói với tôi rằng, phải trở về quê, như lần gặp gỡ định mệnh, tôi gặp chú trong mùa đông, mà hồn tôi đã mệt mỏi, những bất an, những rối loạn cảm xúc, những điều giam giữ trong tâm tư cần được giãi bày”, “đó là lúc chú tôi kể về chiến tranh, bởi tranh nhau quyền lợi mà chia rẽ đi cái tình cảm vốn dĩ nằm trong hồn người, chiến tranh cùng những vết thương còn chảy máu, con người sau chiến tranh là con người còn chảy máu, hoặc con người của vết thương”, “trên cánh đồng lũ quạ buồn ngơ ngác, không hiểu sao có người chết, lẽ ra lũ quạ phải vui mới phải, không, chúng không còn muốn ăn thịt người nữa, chúng đã ngán thịt, thịt của những người chết vì canh giữ linh hồn cánh đồng”…

Vì sao…? Vì sao nỗi buồn…?

“sau chiến tranh, những đứa trẻ như chúng tôi cứ ngơ ngác về quá khứ của cha ông, chúng tôi lớn lên từ rơm rạ, từ lòng mẹ, từ mưa từ nắng, từ cào cào châu chấu, từ tắm sông từ đủ trò nghịch ngợm, nhưng khi lớn lên, con người tuổi thơ chúng tôi bị lôi vào dòng chảy của lịch sử, lịch sử là gì nhỉ? … tuổi thơ có tội gì chăng? chúng tôi có tội gì không? là tiền định hay là ngoài tiền định, không ai trả lời chúng tôi, cũng như không ai trả lời cho những người trong chiến tranh chăng? hay bao nhiêu sách vở đã làm cuộc xáo trộn? tại sao nhỉ? chúng tôi chỉ cần sống trong cái thời chúng tôi đang sống có được chăng?”. “lúc tiếng dế kêu lên, kêu lên nhịp sống đồng làng, hương gốc rạ, cứ như bảo tôi hãy cứ ngồi mà nhấm nháp cái bình yên trong lòng, cứ bảo tôi này, cậu nhóc, sao cậu cứ buồn chi, căn cớ gì phải buồn để bỏ ngỏ những hồn nhiên, những giấc mơ mây trôi, lắng nghe, ngoài kia, chú tôi đang chăm sóc cây trời, chú bón vào gốc cây những trầm tích, cái chú tôi quan tâm là những câu chuyện về người dân cày, về cách mà họ đã làm cho đất có ngôn ngữ, cách mà chữ nghĩa tự triển nở cùng tâm thức của lũ chim biết nói tiếng người làng, à, là con chàng làng hay con chim sâu, tổ màu rơm rạ, à, là giọt nước đêm còn neo”.

Người-kể-chuyện không có nhiều chọn lựa. Nói cách khác, câu chuyện anh kể là một câu chuyện không-có-chuyện, chẳng hề có nhân vật chính-phụ. Nói cách khác nữa, nhân vật của anh chính là ngôi làng, là tất thảy những gì từng xảy ra ở đó, cộng với vô vàn tâm trạng dày đặc trong anh, một kẻ hậu sinh nhiều phức cảm.

“tôi nằm năm năm giữa năm ngọn đồi và đôi mắt của núi, nơi nhìn ra là sông, nhìn sau là núi, nghìn nghiêng là hừng đông”, “những con chim kêu toang hoác tháng tám làm ngực tôi nhú lên những vòm họng, rừng mọc trên lưng, và bầy gió linh hồn phủ lên mặt đêm mưa”, “sáng nay, khi thức dậy, trong họng tôi còn ứ đầy những hình ảnh xa xưa, đó là chiếc áo cũ, bước chân trần trên đường cái, một vài bông dâm bụt quanh khuôn viên”, “những con đường đất nối đuôi chạy xuyên qua triền dốc, xuyên qua cánh đồng gòn, mang dáng vẻ một bàn tay với những đường chỉ móc vào nhau, sự hiện diện của bàn tay có từ trong bụng mẹ, nó chụm năm ngón vào nhau cho đến khi vỡ ối trôi tuột ra ngoài cơ thể”.

Rốt cuộc, cái đưa tới từ cuộc đối thoại trẻ-già/tương lai/quá khứ là gì? Sống, là một cách tham gia vào lịch sử. Viết, là cách để bảo vệ lịch sử khỏi những tráo trở, dối gian. Viết, là cách dường như thỏa đáng đôi chút để thấy mình không bị rơi khỏi gốc-rễ. Nhưng, viết phải đâu là một việc dễ dàng…

tôi đi miệt mài trên cánh đồng mùa vụ, và bắt đầu hiểu ra, bấy lâu, [những phấn son chữ nghĩa giống như những bông hoa giả được cắm vào chiếc bình không có nước, nơi của thời gian không được tạo tác, bởi sự sinh trưởng và tàn lụi, thế giới là sự sinh trưởng và tàn lụi] cái đẹp nằm trong sự sinh trưởng và tàn lụi, cây nến được thắp lên và lụi tàn dần, cánh đồng mỗi mùa cũng chứa đựng trong nó tất cả sự sinh trưởng và tàn lụi, vì sao nhỉ?”.

““trăng đã tàn chưa” một người mù ngồi chơi đàn tỳ bà hỏi tôi, “dạ chưa, trăng sáng lắm ông ạ”- hãy thương lấy trăng, thương mảnh trăng này cháu nhé””.

“tôi thấy tôi là vó ngựa chạy miệt mài ngoài chiến trận, có lúc bị rách một đường gươm tứa máu, tiếng trống thúc quân hay gương mặt của Đức Thánh Trần giục ngựa lui binh, ôi, tôi là con ngựa chạy đường dài, mỗi khi ngồi đọc sử, tôi thấy tôi vọng lên tiếng hí đầy bi thương, và đứng trước dòng sông Cái, lúc đó tôi là con ngựa lạc mất chủ, cô đơn nằm dưới màn đêm đầy sao, tiếng côn trùng, ngàn lau sậy soi bóng xuống dòng sông trôi”.

“những đôi mắt nghìn xưa đâm chồi trên đồi trăng khuyết”, “nước ngầm trong đất có vị ngọt, ngọt vì xương hay từ đất?”.

“một ngàn cây góp lại thành rừng, và một ngàn năm góp lại thành mùa linh giác”…

“vị trưởng lão bảo, các cháu cứ sống thời các cháu, ta chẳng buồn đâu, vì thời của ta, ta cũng chẳng nghe ai cả”.

Câu hỏi cứ tiếp nối câu hỏi và người-kể-chuyện cuối cùng phải tự dỗ dành mình, tự bằng lòng với những gì thu nhặt được. Anh biết rõ về nỗi cô đơn, về sự bất toàn, về những sức mạnh thấy được và không thấy được, về vũ trụ bao la cũng như sự sống bất tử bên ngoài và bên trong mình:.

“hòn đất bật dậy ngậm lấy một giọt sương, cây khô bật dậy tự mọc ra lá, gió cuộn vào nhau như thanh tẩy kỳ cọ những vết bụi của đường xa”,rồi tất thảy mọi khổ não dày vò chúng ta, hay những sự ngẫm ngợi, sẽ là tháng ngày tiếp nối vô cùng tận, cứ nghe trong tôi một xào xạc gió mùa, hơi thở của con người, hay là tôi đã hiểu ra một điều gì đó ở phía sau sự tồn tại, có một tiếng chim trời đang hót bên dòng xanh”…

Cuối cùng, thông điệp được gởi tới cho những người đọc (không phải là chính anh hay nhân vật ngôi làng), thật ra, quá giản dị, điều đó khích lệ người ta có thể chờ đợi anh kể thêm những câu chuyện khác:

“tôi thấy khi viết, con chữ như máu trong cơ thể, nuôi lấy hồn mình lúc mất phương hướng, nhưng phương hướng là gì nếu nó không là từ chỗ tối ra chỗ sáng, từ con đường đến lòng người”.

Comments are closed.