Niềm tin khủng khiếp

Phan Huy Đường

 

Uống rượu một mình – Tào Linh

 

 

Văn học là nhân học[1]. Con người, con người cá nhân, thân phận của con người, sự thật, con người và sự thật, sự thật của con người…

Ðó là những đề tài trọng tâm trong một loạt bài lý luận văn học chuẩn bị đại hội 4 Hội Nhà văn Việt Nam. Tiếp theo những ngòi bút sáng tác, những ngòi bút lý luận trở mình.

Ta sảng khoái nghe nhà lý luận đòi văn học đối diện với cuộc sống… nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật[2]… không chỉ có nhiệm vụ phản ảnh hiện thật từ nhiều góc độ khác nhau… còn phải tham gia vào việc tạo ra môi trường đạo đức mới[3]khẳng định sáng tạo là tự do… tự do sáng tạo là cốt lõi nhân cách của nhà văn… cách mạng và sáng tạo là quá trình tự phủ định[4], tố cáo thói suy nghĩ muốn mọi con người phục tùng những chân lý trừu tượng, rập khuôn vĩnh cửu, bấp chấp quy luật, lẽ đời, càng bất chấp cá tính con người[5], kêu gọi nhà văn chấm dứt dùng con người làm phương tiện để trình bầy lịch sử, đòi hỏi quan sát và khám phá về con người… mô tả con người… giúp con người trở thành con người xuyên qua nhận thức toàn bộ sự thậtcon người là một điều bí ẩn…con người với tất cả quan hệ của nó, thân phận và cuộc đời của nó chính là đối tượng và cũng là nội dung đặc trưng cơ bản nhất của văn học[6].

Lê Ngọc Trà[7] còn vạch rõ, mô tả con người đây không phải vấn đề miêu tả tâm lý nhân vật mà cơ bản là chủ nghĩa nhân văn, là quan niệm về con người, và khuyến khích sử dụng những phương pháp của thế kỷ chúng ta là thế kỷ tư duy phân tích trên con đường khổ ải của tài năng, của ý thức con người trong cuộc hành hương đi tìm tự do, chân lý và lẽ phải để hình thành nhân cách và cá nhân con người, củng cố ý thức về phẩm giá và tự do của mỗi con người sống trong xã hội. Như vậy, dưới ngòi bút nhà văn nỗi đau riêng mới trở thành nỗi đau nhân loại… mỗi cuộc đời mới được so với vũ trụ và mỗi con người ra đi là cả một thế giới mất đi, không gì bù đắp nổicon người là chủ thể của lịch sử, vì hạnh phúc, tự do và sự phát triển của con người là cái đích của mọi cuộc cách mạng.

Nếu ta thấy những điều ấy đương nhiên, ta phải giật mình: ở nước ta chúng không đương nhiên; bản thân những bài đó là bằng chứng. Tại sao? Tại sao có tình trạng phải đấu tranh cho những chuyện hiển nhiên đó?

Nhà văn thật khó hiểu. Trong nghìn kế sinh nhai sao lại chọn “nghề” quái dị này? Mà có thể gọi nó là “nghề” chăng? Sản phẩm của nó là gì? ở đâu? Quyển sách là sản phẩm của nhà in, ta có thể tính giá thành, giá bán, lời, lỗ; ta có thể cầm trong tay, thấy nặng nhẹ; ta có thể dùng nó để phục vụ một nhu cầu bình thường trong cuộc sống: nó có giá trị sử dụng, có giá trị trao đổi, nó là hàng hoá, sản phẩm của lao động sản xuất xã hội. Còn (cái) núp trong sản phẩm kia, làm sao phát hiện, xác minh sự hiện thực của nó? lấy đơn vị đo lường nào đo sự nặng nhẹ, giá trị sử dụng, giá trị trao đổi? Bí quá, ta chấp nhận: nó là sản phẩm tinh thần, đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người. Và ta tôn trọng nhà văn như nhà nghiên cứu khoa học, những người hiến thân cho sự thật, cho con người, với sự dũng cảm của kẻ hành hương đi tìm tự do, chân lý và lẽ phải

Nếu động cơ đó khiến nhà văn lao vào “nghề”, tại sao có người biến thành công cụ minh họa, bồi bút, quan văn áp bức người khác? Vì tha hoá? Thật khó tin. Ở nước ta thiếu gì lãnh vực dễ thành công và bổ béo hơn cho sự tha hoá, dại gì thí thân vào trận địa vô cùng ngột ngạt, nguy hiểm và tiền còm này? Và sao đông thế? Sự kiện này phải hiểu trên cơ sở: họ chân thành. Chính niềm tin vào sự thật đã dẫn dắt họ. Chính niềm tin của Ðảng cộng sản Việt Nam vào sự thật là nguồn gốc của những chính sách văn hoá dẫn tới tình trạng hôm nay. Và biết đâu, chính niềm tin vào sự thật sẽ dồn những tác giả trên vào một sự bế tắc tương tự?

Sự thật là gì? Phương pháp nào cho phép phát hiện nó? Làm sao chứng minh nó? Và sự thật của con người?

Như Lê Ngọc Trà nhận xét, thế kỷ này là thế kỷ của tư duy phân tích. Trong lối tư duy đó người ta xác định sự thật bằng một tiêu chuẩn: thực nghiệm. Một giả thuyết về một sự vật hay sự kiện được coi như đúng trong một hoàn cảnh cố định khi, áp dụng nó, ta tiên đoán được đích xác sự phát triển của sự vật hay sự kiện trong hoàn cảnh đó. Sự thật đó đòi hỏi một đối tượng, một hoàn cảnh rõ ràng, công cụ xem xét và đo lường, phượng pháp phân tích và quá trình thể nghiệm. Con người quan sát, đo đếm, mô tả, và phân tích đối tượng đó trong hoàn cảnh đó, vạch ra bí ẩn của nó: quy luật phát triển của nó trong hoàn cảnh ấy. Thí dụ, ta quan sát con người từ nhiều góc độ, phân tích cơ cấu của nó bằng nhiều phương tiện kỹ thuật khác nhau, rút ra giả thuyết: bắn cho nó một phát súng ngay tim, nó sẽ gục, giẫy, và tắt thở. Thể nghiệm giả thuyết đó sẽ xác minh được một sự thật.

Loại sự thật này ai cũng có thể nhìn thẳng, không cần dũng cảm. Nói chung, mọi hiện thực khách quan trên đời, dù muốn dù không, con người đều phải nhìn, phải thấy, phải gánh. Hơn nữa, dù quan sát chúng từ 360 góc độ khác nhau, dù phân tích chúng sâu sắc đến đâu đi nữa cũng không thể nào tả và hiểu cho cạn. Cứ thử tả một khúc gỗ tới tận cơ cấu tế bào, hạt nhân thì thấy.

Một vật vô tri vô giác đã vậy. Còn con người, cái bí ẩn nấp sau khối xương thịt thật chăng, cái gì, dùng công cụ nào để quan sát, đơn vị đo lường nào để ước lượng, phương pháp nào để phân tích và quá trình thể nghiệm nào để xác định đúng sai? Trên cơ sở nào con người có quyền làm những việc ấy đối với người khác? Trên cơ sở sự thật?!

Ðối với những câu hỏi ấy, qua lịch sử, có mấy cách trả lời cơ bản: tôn giáo, khoa học, văn học.

Với tôn giáo, con người giá trị tuyệt đối vì nó sự thật, nó sự thật, do Thượng Ðế. Thượng Ðế quá siêu, người thường không hiểu nổi. Trong khi chờ đợi ngày phán xét cuối cùng, thế gian cần những vị thánh, những thầy tu dìu dắt con chiên trên đường hành hương đi tìm chân lý. Trên cơ sở đó, một số vị tự thấy có nhiệm vụ, có quyền quan sát, đánh giá, lãnh đạo người khác, và… thể nghiệm một con đường đi về chân lý.

Ðối với một số nhà “khoa học” mácxít sự thật của con người ở ngay trong quá trình hình thành, phát triển của loài người, trong lịch sử nhân loại. Lịch sử sự thật của con người. Lịch sử không là một mớ bòng bong rối loạn. Nó phát triển theo quy luật. Nắm được quy luật ấy thì hiểu được xã hội, hiểu được từng người, hướng dẫn, điều khiển được loài người tới chỗ hoàn mỹ ngay trên trái đất này. Với niềm tin ấy, một số người tự thấy có nhiệm vụ, có quyền quan sát con người từ nhiều góc độ (thể xác, kinh tế, chính trị, xã hội, tư tưởng…) phân tích, tổng kết toàn diện, vạch ra đường lối khoa học, đúng đắn, kịp thời… để cải tạo, lãnh đạo con chiên tới sự thật.

Lối suy luận đó về con người là nguồn gốc của tham vọng lãnh đạo văn học nghệ thuật, uốn nắn sai lầm… Nó là cơ sở cho quan điểm, chính sách lý lịch trong quản lý xã hội. Ðó là một loại khoa học gà nòi. Ðối tượng của nó là con người kinh tế – chính tri, phương pháp phân tích của nó là duy vật “biện chứng”, công cụ đo lường của nó là lý lịch, phương tiện thực nghiệm của nó là bạo lực. Những cuộc thể nghiệm lớn nhất, triệt để nhất do Staline, Mao, Pol Pot, Ceaucescu… tiến hành.

Những người ấy đã từng thành công, đã từng nếm thuở vàng son, không phải chuyện tình cờ. Lối suy luận đó có phần đúng: con người muốn sống phải ăn, muốn ăn phải sản xuất, sản xuất phát triển phải có phân công, trao đổi, có quan hệ sản xuất, có giai cấp v.v. Nó đúng với một khía cạnh của con người: con người lệ thuộc thiên nhiên, con người lệ thuộc con người. Trong phạm vi đó, có một loại quy luật theo số đông mà bất cứ chế độ, bất cứ chính trị gia nào cũng biết vận dụng. Tuy vậy những kiến thức ấy chưa bao giờ dẹp được những khủng hoảng cơ bản trong lịch sử. Bởi vì, nếu con người chỉ vậy, bản thân những quy luật ấy vô nghĩa: muốn có khái niệm quy luật, ít nhất, mặt nào đó, cũng phải nằm ngoài vòng kiềm chế của quy luật. Vì vậy sự “thành công” kia chỉ tạm thời và phải có ngày suy sụp.

Dĩ nhiên, những tác giả trên không là tín đồ môn khoa học gà nòi. Tuy vậy, dùng những từ mang và truyền bá những khái niệm ấy lẫn lộn với một số khái niệm đối kháng thật đáng ngại. Nếu ta suy luận, tranh luận, đối thoại trong lồng những khái niệm ấy, khả năng dậm chân không nhỏ. Phê bình và lý luận văn học khó lòng đổi mới nếu không đổi mới cách đặt vấn đề, khái niệm, ngôn từ.

Mô tả hiện thực là chuyện không ai, không bao giờ, làm trọn được. Nhìn thẳng hiện thực từ nhiều góc độ khác nhau, phân tích nó để khám phá bí ẩn của nó chẳng thể cho ta gặp sự thật của con người. Ðó là công việc của nhà khoa học, nhà báo, quan toà, không phải công việc của nhà văn.

Vấn đề ở đây không là nhìn hay không nhìn (không nhìn cũng là một cách nhìn rồi), hoặc nhìn dưới góc độ nào, mà là nhìn với thái độ nào: trìu mến, thương xót, phẫn nộ, lạnh lùng, khinh bỉ, căm hận… Thái độ đó là một sáng tác tuyệt đối, bất chấp mọi quy luật, nó là tự do, là con người. Nó không có sự thật vì nó là nền tảng của mọi sự thật. Nói đúng hơn, con người vô giá vì nó là nền tảng của mọi giá trị trên đời. Chính đôi mắt ta tạo sự ghê tởm của hành động kia, chính đôi mắt ta tạo vẻ đẹp mê hồn của người đàn bà nọ. Sự sáng tạo đó, vì nó là người, không có quy luật hay sức mạnh nào dập tắt được, trừ khi giết nó. Vì vậy, mọi quyền lực độc tài, tôn giáo cũng như lịch sử,… đều sợ hãi một tình cảm hồn nhiên như tình yêu. Vì vậy, viết văn là khẳng định chủ nghĩa nhân văn, quan niệm về con người, là tham gia vào việc tạo ra môi trường đạo đức mới, vì sáng tạo là tự do, tự do sáng tạo là cốt lõi nhân cách của nhà văn.

Sự thật đau nhất của con người là nó không sự thật,không sự thật. Không chân lý nào, dù tiềm tàng hay ẩn nấp, đằng sau tim sọ của nó. Tâm hồn nó trong veo, trong suốt, trong tới mức khả nghi. Tâm hồn ấy lại không thể tiếp cận bất cứ một hiện thực nào mà không đồng thời sáng tạo một hình thù, mầu sắc, âm hưởng, cảm giác, không sáng tạo hay tái tạo cả một thế giới giá trị, khiến hiện thực kia đượm nhân tình. Nhìn một người ăn mày hay ngoảnh mặt đi đã là lựa chọn, sáng tạo một bộ mặt của nhân loại, của thế giới. Có thế mỗi cuộc đời mới được so với vũ trụ và mỗi con người ra đi là cả một thế giới mất đi, không gì bù đắp nổi. Tâm hồn ấy chính (là) tự do. Con người chỉ có thể đi tìm tự do vì chính nó (là) tự do. Trong trời đất, ngoài nó ra, không có gì tự do. Và con người phải đi tìm tự do vì tự do (là) sáng tạo. Văn học là nhân học trong nghĩa đó: thân phận con người là phải tìm con người, phải tìm chính mình. Nó càng phải tìm chính nó khi nó “mất” tự do, khi nó bị áp bức. Chỉ có nó mới có thể bị áp bức, bóc lột. Không ai bóc lột cỏ cây, gia súc. Không ai áp bức sỏi đá. Con người chỉ có thể áp bức con người vì chỉ có con người mới có một cái gì cho người khác áp bức: tự do.

Ðã (là) tự do, con người trách nhiệm tất cả: thấy hay không thấy người ăn mày bên hè phố, thấy hay không thấy bức tường Berlin sụp đổ… Con người không phản ánh hiện thực như một mắt kính. Phản ánh hiện thực vừa là tiếp cận nó, vừa là phản nó, không cho nó được phép chỉ là nó, tiếp tục là nó, buộc nó đượm ánh mắt của ta. Ánh mắt đó là nhân tình của vũ trụ. Dẹp nó đi chỉ còn ngổn ngang một đống vật chất rụng rời. Cách mạng và sáng tạo là quá trình tự phủ định chính vì chúng là hành động của con người và con người, ngoài khả năng tự phủ định ấy, chỉ là một khối thịt bọc một mớ xương. Khả năng tự phủ định có ý thức ấy còn gọi là… tự do.

Những người lao mình vào một cuộc chiến đấu hầu như vô vọng cách đây năm, sáu chục năm hẳn yêu tự do, giàu lòng nhân ái, dũng cảm, có đủ trí tuệ để tiếp thu những hiểu biết cần thiết về thời đại, để chiến đấu và chiến thắng. Vì sao họ biến thành tín đồ môn khoa học gà nòi? Vì danh vọng, quyền lực? Tất nhiên không thể coi thường những tham vọng ấy. Nhưng xưa nay vẫn vậy mà chẳng mấy khi dẫn tới ảo vọng uốn nắn tình cảm, lý trí của con người, coi dân tộc như lũ trẻ ngây ngô cần được che chở, bảo vệ, cần phải trường kỳ giáo dục, cải tạo… Cuồng vọng ấy chỉ có thể xuất phát từ một khát vọng cơ bản, thiết thân hơn cả danh vọng, quyền lực, khát vọng đã khiến họ bất chấp mọi quyền lực lao vào cách mạng: nhân cách! khát vọng làm người, làm chính mình.

Con người phải tìm chính mình, nhưng tìm ở đâu?

Một vở bi hài kịch. Con người là nền tảng của mọi sự thật, thế mà bản thân nó không có sự thật, không là sự thật. Nó phủ cả vũ trụ với nhân tính, nó sáng tạo mọi giá trị trên đời, nhưng, một mình, nó không tự tạo nhân cách và giá trị được: nó là một sự thiếu hụt trường kỳ, vĩnh viễn. Nói như Marx: nó là toàn bộ những quan hệ xã hội của nó, hay như Sartre: un homme fait de tous les hommes[8]cũng vậy: nhân cách của nó không chỉ tùy thuộc nó, nhân cách của nó còn tùy thuộc người khác và người khác, cũng như nó, khủng khiếp thay, (là)… tự do. Tuy nó là nó mà nó cứ phải chạy theo nó xuyên qua lòng người khác để trở thành nó. Bộ mặt thật của nó do bàn tay ai đâu khắc đẽo. Nói như nhà văn nọ, con đường dẫn ta tới ta đi qua lòng em. Chuyện giúp con người trở thành con người có thật, không kém chuyện ép con người trở thành con vật: con người là kết quả của một cuộc sáng tạo không ngừng của chính nó và của đồng loại. Do đó, có chuyện đi tìm tự do, chân lý của chính mình, có chuyện nhân học. Con người phải và chỉ có thể tìm chính mình ở đồng loại. Chính vì nỗi đau của nhân loại xâm phạm nhân cách của ta, là nỗi đau của chính ta, mà nỗi đau riêng có thể trở thành nỗi đau nhân loại.

Ở đây có câu hỏi hóc búa. Vì sao con người, ngay trong lúc xử sự với nhau như thú, vẫn phải thấy người khác là người, như mình, nghĩa là, xét về mặt nhân tính, ngang hàng với mình, bằng mình, mình. Vấn đề triết học cơ bản này, cho tới nay, chưa có giải đáp lôgíc thoả đáng. Trần Ðức Thảo là nhà triết học Việt Nam duy nhất tìm hiểu vấn đề này trong La formation de l’homme Recherches dialectiques[9].

Tóm lại, tự do, nhân cách, bản chất của con người, là một quan hệ giữa người với người. Nó là ta xuyên qua người khác. Ta không tự do đối với cỏ cây, thời tiết. Ta tự do đối với đồng loại, xuyên qua đồng loại. Không ai thích làm vua gà vua vịt[10], vì vậy.

Hoàn cảnh éo le đó khiến khát vọng lớn nhất của con người chính là con người và sự đe dọa lớn nhất đối với con người cũng là con người. Không có đôi mắt nào đục hơn đôi mắt người yêu. Chúng chỉ chớp một cái, hạnh phúc của ta có thể tan tành. Nhưng ta cũng chỉ yêu chúng khi chúng còn khả năng chớp và, hãi hùng hơn, còn khả năng liếc người khác. Chúng cứ trong suốt, bất biến như pha lê, ta nhìn vài lần ắt chán. Khoa học và nhân học khác nhau ở điểm cơ bản ấy. Nhà khoa học tìm hiểu những quy luật điều hành sự vận động của thế giới tự nhiên. Nhà văn đeo đuổi mục đích khác: tái tạo và sáng tạo nhân giới. Có nhà bác học phi nhân, vô liêm sỉ. Có đại văn hào mù tịt về khoa học. Dùng kiến thức khoa học để phân tích, tìm hiểu, giải thích, đánh giá nghệ thuật, văn chương là chuyện phi lý. Những môn xã hội học, chủng tộc học, kinh tế học, lịch sử… có thể giúp ta hiểu một số khía cạnh phi nghệ thuật, phi nhân văn của tác phẩm. Chúng chẳng bao giờ giúp ta cảm vẻ đẹp, tình tứ của tác phẩm vì chúng xem xét và phân tích khía cạnh lệ thuộc của con người. Lý luận trong hướng đó, vô tình? ta áp dụng một quan điểm máy móc trong học thuyết của Marx: phải xem xét quá trình phát triển của nhân loại như một hiện tượng tự nhiên, độc lập với ý chí của con người. Ðiều này không lạ: nhiều môn phái “khoa học” nhân văn tây âu hiện nay, ít nhiều, dựa trên tiền đề ấy. Ðiều này lạ khi nó xuất phát từ một người mácxít: quên một quan điểm ngược lại của Marx. Nhưng, trong vấn đề này, tư tưởng của Marx nhập nhằng. Có lẽ vì, cho tới nay, khoa học chưa trả lời được ước mơ của Gerald Edelman[11]: si nous ne parvenons pas à comprendre comment l’esprit se fonde sur la matière, il subsistera toujours un immense abime entre nos connaissances scientifiques et notre connaissance de nous-mêmes. Il n’est pas impossible de jeter un pont au-dessus de cet abime[12]. Như Marx nhận xét, ngày khoa học giải thích được vấn đề này là ngày triết học cáo chung.

Vì nhân cách của con người tùy thuộc đồng loại, vì nó hình thành xuyên qua nhân cách của đồng loại nên có cuồng vọng kiểm soát, lãnh đạo, uốn nắn tư tưởng và tình cảm của con người. Vì con người tư duy bằng ngôn ngữ nên chuyện đầu tiên thường được thực hiện là tước đoạt ngôn ngữ, tước đoạt tự do ngôn luận, buộc con người suy nghĩ qua một ngôn ngữ cố định với ảo vọng ngôn ngữ ấy tạo nghĩa, khơi tình một cách tự nhiên như cây đâm cành cho trăm hoa đua nở ca ngợi một Sự Thật đã được Quy luật Lịch sử vinh viễn xác định. Ngôn ngữ gỗ giống ngôn ngữ tụng kinh ở mặt đó. Khốn thay, nếu việc đó thành, mục đích ắt tiêu vong: mất con người tự do, con người sáng tạo, nhân cách của ta cũng chẳng còn. Còn lại một động vật lang thang giữa hoang vu, với một rừng máy.

Ta phải tìm nhân cách của ta ở đồng loại, nhưng tìm bằng cách nào? Bằng hành động. Qua hành động con người hoà nhập thiên nhiên và loài người vì hành động của con người luôn luôn hình thành và khai triển trong lòng hành động của đồng loại. Một mặt nó thể hiện toàn diện một cá nhân trước thời đại, mặt khác, kết quả thực của nó, và do đó, ý nghĩa thật của nó thể hiện cả nhân loại. Kết quả đó, ý nghĩa đó là gia tài mà ta, cùng đồng loại, gánh từ quá khứ của nhân loại trao lại tương lai. Viết văn là hành động tác động vào ngôn ngữ, môi trường chung, phương tiện chung và hình thái tồn tại sinh động cơ bản nhất của lý trí, tư duy, tình cảm của loài người. Vì ngôn ngữ là con người, tồn tại và tái sinh qua con người, là của riêng ta và của tất cả, là ta và là đồng loại. Viết văn là một cách ứng xử, một cách sống, một cách làm người trong nghĩa đó.

Một con người liếc mắt nhìn đời là đã có một thế giới mới, một nhân loại mới đang hình thành. Một con người hạ bút hành văn cũng vậy. Do đó con người càng bớt lệ thuộc thiên nhiên càng cần học yêu tự do của người khác, càng cần nhân văn. Xin chúc lớp người sẽ chôn chúng ta: thế kỷ tới sẽ là thế kỷ của tự do, của sáng tạo, của tình người. Xin chúc em mãi mãi giữ cặp mắt bất ngờ, điều kiện tối thiểu của tình yêu, của hạnh phúc.

1989

Chú thích

Tuy bài này đề cập tới vài quan điểm của Marx, Engels, Trần Ðức Thảo, khái niệm mâu thuẫn dùng trong bài này là khái niệm riêng, không trùng hợp với học thuyết mácxít. Ý kiến về quá trình hình thành khái niệm Ðẹp cũng vậy, tuy nội dung chủ yếu là của Trần Ðức Thảo.

Lý luận biện chứng dựa vào ba khái niệm khó hiểu của Hegel:

1) Thể đồng nhất của tương phản (identité des contraires).

2) Phủ định của phủ định (négation de la négation).

3) Lượng biến thành chất (transformation de la quantité en qualité).

Trần Ðức Thảo có phân tích sâu sắc khái niệm 3 trong Recherches dialectiques[46].

Sau đây, lối hiểu riêng về hai khái niệm đầu, xin trình bầy để thảo luận.

Câu một nói lên, ở mức trừu tượng nhất, tính thống nhất, vô ngã, vô thường của vật chất: vật chất (là) vận động, mọi hình thái tồn tại của nó đều có ngày biến dạng, chính vì chúng là hình thái vận động của vật chất. Một cách nói khác: chúng biến hoá do mâu thuẫn nội tại. Ðương nhiên, không thể hiểu mâu thuẫn nội tại như một cái gì ẩn nấp trong vật thể. Bửa một cục đá, chẳng bao giờ thấy một cái gì có thể gọi là mâu thuẫn nội tại của nó. Phải hiểu: cục đá, với tư cách là một hình thái tồn tại của vật chất, sẽ có ngày thành cát. Nguồn gốc sự nhập nhằng ở đây là thói quen suy nghĩ “cụ thể”, “khách quan” của ta: chữ nội tại không áp dụng cho cục đá, nó áp dụng cho toàn bộ vật chất trong sự vận động liên miên của nó, qua đó cục đá hình thành và tiêu vong. Vật chất tự nó vận động, không cần một cái búng của Ðấng Thiêng Liêng; hơn thế, giả dụ có một Ðấng Thiêng Liêng búng nó vận động thì, ngay sau đó, nó vận động theo quy luật của chính nó, Thượng Ðế không là giả thuyết cần thiết để hiểu sự vận động của vũ trụ. Những thí dụ Engels dùng để bàn về phép biện chứng trong Dialectique de la nature[47] làm ta khó chịu vì ông muốn cụ thể hoá ý tưởng của ông qua những hình ảnh thô thiển cho độc giả dễ tiếp thu. Ðiều này có thể hiểu được. Trong thời Engels, chưa có môn cấu trúc học (structuralisme) trong triết học. Nếu ta ý thức: cục đá là một cấu trúc vật chất lồng trong cấu trúc chung luôn luôn vận động của toàn bộ vật chất thì ta thấy đương nhiên nó phải thành cát bụi vì:

a/ nó không tồn tại độc lập với tổng thể vật chất.

b/ cấu trúc riêng của nó quy định tương lai nó: cát bụi.

Ðặc điểm của quan hệ tự phủ định của vật chất là: những vật thể phủ định lẫn nhau để cùng biến dạng. Trong quan hệ này, khái niệm môi giới không cần thiết, thậm chí vô lý. Trong quan hệ này, hoặc không có phủ định của phủ định, hoặc mọi phủ định đều là phủ định của phủ định, chẳng có gì khác nhau khiến ta phải tạo một khái niệm riêng. Có đặc biệt chăng là sự phủ định đầu tiên, khai sinh vũ trụ. Nhưng chuyện ấy còn là giả thuyết.

Khi xem xét tự nhiên ở mức trừu tượng nhất, không phân biệt sự vật, sinh vật, người, hay nói cách khác, chỉ xem xét người và sinh vật trong tính vật chất của chúng, những khái niệm tự phủ định, môi giới, phủ định của phủ định, phủ định thứ nhất, phủ định thứ hai, phủ định thứ ba và phủ định thứ tư của Hegel vô cùng khó hiểu và nan giải.

Khi ta chú ý tới sự khác biệt giữa thế giới sinh vật và thế giới thuần vật chất, ta phát hiện tính đặc thù của sự vận động trong thế giới sinh vật. Trong thế giới này, quá trình tự phủ định bao hàm hai hình thái. Hình thái thứ nhất xác nhận tính vật chất của sinh vật: một vật thể phủ định một vật thể khác để cả hai đều biến dạng. Quá trình này còn gọi là mâu thuẫn ngoại tại (tạm dịch từ contradiction externe), thể hiện quan hệ giữa sinh vật với thế giới xung quanh, nhìn từ “góc độ” của sinh vật (đương nhiên, từ “góc độ” của vật chất, nó là mâu thuẫn nội tại). Quan hệ này, như mọi quan hệ trong thế giới thuần vật chất, là quan hệ hủy diệt. Hình thái thứ hai thể hiện tính đặc thù của sinh vật: nó tự phủ định, xuyên qua quan hệ của nó với vật chất, để tái tạo chính nó. Nó trở thành nó xuyên qua vật chất. Trong hình thái này, những khái niệm môi giớiphủ định của phủ định gắn liền với khái niệm tự phủ định, không có gì khó hiểu: trong tư cách sinh vật, nồi cơm là môi giới giữa ta và ta, ta phủ định nồi cơm để trở thành ta, đồng thời ta phủ định thằng đói để trở thành thằng no. Rồi ta ỉa: ta phủ định thằng no để trở thành thằng đói. Hình thái thứ hai của quá trình tự phủ định còn gọi là mâu thuẫn nội tại (contradiction interne). Mao Trạch Ðông đã biến những khái niệm này thành mâu thuẫn đối kháng (phải dẫn đến tiêu diệt nhau) và mâu thuẫn nội bộ (không đối kháng, có thể dàn xếp với nhau). Triết học của ông “phản ánh quy luật” sinh tồn của thế giới sinh vật. Ðây cũng là nền tảng triết học của nhiều trường phái “khoa học” nhân văn hiện nay. Ngày nay, kinh tế là thần tượng của chính trị vì vậy. Cũng vì vậy, công dân bắt đầu có khuynh hướng khinh chính khách và trí thức, nhưng vẫn quý trọng nghệ sĩ. Xưa nghệ sĩ hay ăn bám quyền lực, nay chính khách thích ve vuốt nghệ sĩ. Dễ hiểu: tả và hữu, họ đều là học trò tồi của Marx.

Khi ta chú ý tới sự khác biệt giữa thế giới sinh vật và thế giới người, ta phát hiện tính đặc thù của sự vận động trong nhân giới. Trong thế giới này (thế giới của tư duy, của ngôn ngữ), quá trình tự phủ định của tự nhiên bao hàm thêm một hình thái. Trong hình thái thứ ba này, chính con người làm môi giới cho con người, con người trở thành người xuyên qua quan hệ với người khác. Không những nó phải không ngừng trở thành nó, xuyên qua tự nhiên, như mọi sinh vật, nó còn phải không ngừng trở thành người, xuyên qua nhân loại. Nó trở thành người vì nó nhân loại, và nhân loại trở thành nhân loại xuyên qua cá nhân nó. Ngoài quan hệ ấy, chỉ có một bầy thú. Mâu thuẫn ấy là “không gian” vận động của kiến thức, khoa học, văn học, nghệ thuật, giá trị… Sông sẽ cạn, núi sẽ mòn. Nhưng lời thề khắc sâu vào xương tủy, nỗi đau nhân tình, 2+2=4, E=Mc 2, có thể “tồn tại” cho tới ngày loài người vong mạng. Khi ta rung cảm trước cánh chim lạc khắc trên trống đồng, khi ta buột miệng nói Con dại, cái mang, ta khẳng định điều ấy. Mẹ ơi, sao nỡ dạy con chữ Ðẹp!

Comments are closed.