Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân
Tác giả Phan Khôi (1887-1959) là gương mặt nổi bật trong đời sống báo chí và học thuật Việt Nam những năm 1920-1940, nhưng lại là gương mặt xa lạ trong đời sống sách báo và học thuật miền Bắc kể từ đầu những năm 1960 và cả nước từ sau 1975 cho đến tận những năm cuối thế kỷ XX.
Việc khôi phục một mảng ký ức văn hóa học thuật gắn với tác gia này chỉ mới được thực hiện từ đầu thế kỷ XXI, do nỗ lực riêng của một số nhà sưu tầm nghiên cứu, chủ yếu là tìm lại và tái công bố những tác phẩm Phan Khôi từng đăng báo, in sách. Phần đáng kể trong số này là bộ sưu tập nhan đề “Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo” do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân thực hiện. Đã in:
Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1928 (Nxb. Đà Nẵng, 2003)
Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1929 (Nxb. Đà Nẵng, 2005)
Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1930 (Nxb. Hội Nhà Văn, 2006)
Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1931 (Nxb. Hội Nhà Văn, 2006)
Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn (Nxb. Hội Nhà Văn, 2006)
Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1932 (Nxb. Tri Thức, 2010)
Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1933-1934 (Nxb. Tri Thức, 2013)
Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1935 (Nxb. Tri Thức, 2013)
Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1936 (Nxb. Tri Thức, 2014)
Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1937 (Nxb. Tri Thức, 2014)
Cách sách này đã đưa lên mạng: lainguyenan.free.fr./phankhoi
Bên cạnh đó cũng cần kể một số sưu tập do soạn giả khác, nhất là bộ “13 năm tranh luận văn học”, 3 tập (Thanh Lãng sưu tầm và biên soạn, Nxb. Văn học, 1995) trong đó có tác phẩm của Phan Khôi và các tác giả khác. Hoặc một số sách của Phan Khôi được tái bản như:
– Chương Dân thi thoại (tái bản, Nxb. Đà Nẵng, 1996)
– Việt ngữ nghiên cứu (tái bản, Nxb. Đà Nẵng, 1997)
Cũng đã có một số sách hồi ức về tác gia Phan Khôi, như:
– Nhớ cha tôi Phan Khôi (Phan Thị Mỹ Khanh, Nxb. Đà Nẵng, 2001)
– Nắng được thì cứ nắng, Phan Khôi từ “Sông Hương” đến “Nhân Văn” (Phan An Sa, Nxb. Tri Thức, 2013).
Tại seminar này, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân nêu ra những lời đáp sơ bộ trước câu hỏi thông thường của công chúng thời nay: PHAN KHÔI LÀ AI?
ĐỀ CƯƠNG:
1/ VỀ PHAN KHÔI NHƯ MỘT TÁC GIA
1a/ Về Phan Khôi, nhà báo
Nhà báo Phan Khôi hoạt động báo chí ở nhiều phương diện:
+ Người viết báo
+ Người tổ chức các tờ báo (trong vai trò chủ bút Phụ Nữ Thời Đàm, Tràng An, chủ nhiệm kiên chủ bút Sông Hương, chủ nhiệm Nhân Văn)
+ Người tổ chức ra các sự kiện báo chí (ví dụ gây ra các cuộc thảo luận, tranh luận về lịch sử quan hệ Pháp-Việt /Đông Pháp Thời Báo 1928/; thảo luận vấn đề phụ nữ /Phụ Nữ Tân Văn 1929/; thảo luận về viết đúng tiếng Việt, 1929-30; tổ chức cuộc thi quốc / “Thần chung”, 1929/; thảo luận về “học phiệt”, “Quốc học”, 1930-32; thảo luận về người làm chính trị, /Trung Lập, 1930/; … cho đến thảo luận phê bình lãnh đạo văn nghệ, 1956.
+ PK với khả năng viết các thể tài báo chí khác nhau: khả năng của “người viết cột” /columnist/ đứng chuyên mục tạo sức hấp dẫn cho tờ báo; sự thành công của PK trong thể tài nghị luận; sự thành công không kém của PK ở thể biếm, diễu, tức tiểu phẩm hay “hài đàm” nói chung; vốn liếng để viết đều đều các loại “tạp trở”, “dật sự”…
+ Vấn đề văn phong báo chí: chủ trương về một tiếng Việt thống nhất; lấy tư duy logic làm cơ sở kết cấu ý tưởng bài báo; văn viết theo ngôn ngữ sống hiện tại; khả năng sử dụng phương ngữ; đôi khi có xu hướng ngả về phương ngữ phía Nam, v.v…
1b/ Về Phan Khôi, nhà tư tưởng
+ PK, người VN đầu tiên lên tiếng công khai về tác hại kìm hãm phát triển xã hội của Nho giáo; dành nhiều năm suy tư và truy tìm bản chất xã hội của Nho giáo và nho gia; vạch ra những phương diện cần đả phá của Nho giáo và những mặt nên thừa kế ở truyền thống Nho giáo.
+ PK, người VN đầu tiên nêu vấn đề phụ nữ, ủng hộ nữ quyền;
+ tư tưởng chính trị của PK: quan niệm về dân quyền và chính thể dân trị; quan niệm về chính khách và quan chức; bênh vực Quốc dân đảng sau vụ Yên Bái, bênh vực Thanh niên cách mạng đồng chí hội trong vụ án xử một số nhân vật đảng thanh niên, 1929-30; đối thoại với mức cải cách khá hạn hẹp của triều Nguyễn từ khi Bảo Đại nắm thực quyền, 1933; phê phán chủ nghĩa thực dân Pháp; vạch ra nghịch lý giữa các chuẩn tư pháp thực dân với các chuẩn tư pháp quân chủ VN…
+ tư tưởng tôn giáo: PK một con người vô thần và thái độ PK đối với các tôn giáo ở khía cạnh văn hóa đức tin, ví dụ dịp lễ Phật đản 1935 ở Huế.
+ Thử nhận định về nguồn gốc và đặc sắc tư tưởng Phan Khôi: tư tưởng tiến hóa luận tiếp nhận từ Tây phương và sự kế thừa tính chất duy lý và tính nhân văn trong tâm thức Khổng giáo truyền thống?
1c/ Về Phan Khôi, nhà sử học
+ PK đưa ra luận giải, thảo luận, tranh luận về các giai đoạn, các vấn đề lịch sử VN: thảo luận về hiệp ước Việt-Pháp và sự thực thi nó (1928); tổ chức cuộc thi Quốc sử 1929 trên Thần chung; khơi lại cuộc tranh luận về Truyện Kiều, 1930; tranh luận Quốc học, 1932; thảo luận về sự kiện Kinh thành thất thủ 1885 trên Tràng An 1935; thảo luận về Trần Cao Vân và một số vấn đề lịch sử VN trên Sông Hương 1936-37;
+ PK với các trang hồi ức, ký ức, – một nhân chứng về đời sống người Việt các thời đã qua, nhất là thời kỳ cuối thế kỷ XIX – đầu Thế kỷ XX.
+ Tài liệu về gia đình mình và bản thân được PK dùng như tài liệu để viết một số bài nghị luận về các vấn đề xã hội lịch sử: sự bất công đối với phụ nữ; sự bất đồng tư tưởng giữa các thế hệ trong cùng một gia đình…
1d/ Về Phan Khôi, nhà ngữ học
+ Việc nghiên cứu tiếng Việt được PK làm từ khi viết cho Nam Phong; Lục Tỉnh Tân Văn, dựa vào một số công trình ngữ học của một số học giả Trung Hoa đồng thời dựa vào những quan sát của mình với tư cách người bản ngữ (tiếng Việt), lại cũng dựa vào những so sánh với tiếng Pháp, PK đã có những nghiên cứu đáng kể về tiếng Việt. Việt ngữ nghiên cứu 1955 là công trình tổng kết của ông về lĩnh vực này. Cũng nên xem loạt bài giảng Hán Văn Độc Tu đăng báo được một phần (1932, 1936-37) của ông, để nêu ra những thành tựu của ông và những hạn chế, nếu có. (Năm 1997 đã có một số nhà ngữ học như Cao Xuân Hạo, Hoàng Tuệ viết về mặt này)
1e/ Về Phan Khôi, nhà văn
+ Phan Khôi, nhà phê bình văn học
Tìm hiểu hoạt động PBVH của PK từ 1918 trên Nam Phong với chuyên mục “Nam âm thi thoại”; việc PK tham gia dựng “Trang Văn chương” hoặc “Phụ trương Văn chương” trên các báo Đông Pháp thời báo 1928, Thần chung 1929-30, Trung lập 1930-33, …; các bài phê bình văn học tác động rõ rệt vào quá trình văn học như bài đề xướng một lối thơ mới, 1932; những bài cảnh báo về tác dụng tiêu cực của mô hình đại gia đình khoảng 1930-31 báo trước nội dung tiểu thuyết Tự Lực; bài nêu mốc 1933 đánh dấu “kỷ nguyên của thơ và tiểu thuyết” đầu 1934; bài phê phán lối văn không thành thực, đặt vấn đề sự thành thực trong văn chương, cuối 1935 đầu 1936; bài khẳng định thành công của thơ mới 1941, v.v…; PK, người đề xướng “lối phê bình nhân vật” khuyến khích tác giả khác (Thiếu Sơn) viết rồi chính PK viết những trang xuất sắc trên Phụ nữ thời đàm 1933-34; PK với ý thức về lối phê bình văn nghệ ở văn học hiện đại VN và sự đóng góp của ông cho thể tài quan trọng ấy của văn học VN hiện đại; PK như người phác thảo lịch sử văn học đề tài phụ nữ và tác gia văn học phụ nữ … PK cũng là người đề xuất công việc sửa văn, dọn vườn văn lẫn nhau trong làng văn làng báo, tự nhận vai “Ngự sử đàn văn” sau này được giới báo chí văn học kế thừa…
+ Phan Khôi, nhà thơ
PK như con người đã “chín” trong truyền thống thơ cũ và khát vọng bước ra khỏi quỹ đạo thơ cũ; thơ cũ PK không nhiều và cũng không lưu lại sưu tập, chỉ có ít bài in báo; thơ mới PK cũng có một số bài được ông đưa ra làm ví dụ cho “một lối thơ mới”; PK không là tác giả xuất sắc của thơ mới những lại được nhất trí ghi nhận là người khởi xướng thơ mới; một số bài thơ PK cho thấy lối thơ của một số người “lão thực”: tín hiệu hàng đầu là tín hiệu về giá trị của hồn thơ, tứ thơ, dù hình thức khô, đanh, mộc… chứ tuyệt nhiên không đèm đẹp…
+ Phan Khôi, tác giả văn xuôi hư cấu
PK ngay từ khi viết báo, 1918, đã viết truyện, bằng Hán văn, sau này lại viết truyện ngắn, tiểu thuyết bằng Quốc ngữ, rõ nhất là Trở vỏ lửa ra, 1939, và một số truyện đăng Dân Báo, 1939-41; cũng có thể tồn nghi một số truyện ngắn trên Sông Hương, 1936-37; nhận định về năng lực và giới hạn trong khả năng viết truyện của PK: mạnh suy lý, logic nên nhất quán, triệt để ở tứ, ở tư tưởng đặt vào cốt truyện, nhưng hơi thiếu linh hoạt linh động và chất sống trong mô tả, dựng các cảnh trong truyện.
+ Phan Khôi, tác giả tiểu phẩm, hoạt kê, châm biếm
Từ 1928, với Đông Pháp Thời Báo trở đi, qua Thần Chung 1929-30, Trung Lập, 1930-33, Thực Nghiệp Dân Báo, 1933; Phụ Nữ Thời Đàm, 1933-34, Tràng An, 1935-36, Sông Hương, 1936-37, đến tận 1941 trên Dân Báo, PK viết tới ngót ngàn bài tiểu phẩm; đặc tính thẩm mỹ của tiểu phẩm chưa được nghiên cứu kỹ: nó gắn với báo chí: trên trang báo bên cạnh các bài viết theo lối “thuật”, “luận”, “chứng” lại nảy sinh các lối “biếm” “hài”; nó có bản chất thẩm mỹ ra sao mà lại hiện diện trên các báo, dù nhật báo, tuần báo hay nguyệt san? Vì sao nó dường như nhất thiết cần “mặt nạ tác giả”? Mức đa dạng trong các kiểu tiểu phẩm PK; Mức độ ảnh hưởng từ những mẫu mực ở Pháp /Fouchardière, Vautel/ và ảnh hưởng truyền thống trào lộng trong văn hóa VN? So sánh văn tiểu phẩm PK với những người có viết tiểu phẩm đương thời: Hoàng Tích Chu, Ngô Tất Tố, Bùi Thế Mỹ, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng, v.v… Từ đây nên khảo sát phát hiện lại dòng văn tiểu phẩm của tác gia VN từ khi có báo in, v.v…
+ Phan Khôi, tác giả hồi ký, hồi ức, tự truyện
PK sớm đưa chuyện thật của bản thân và gia đình vào làm đề tài và chất liệu viết báo, kể cả văn nghị luận các vấn đề xã hội (chuyện bà cố, vấn đề bất công đối với phụ nữ); nhưng các đoạn hồi ức chỉ được viết riêng và đăng từ khoảng 1935 trên Tràng An, sau đó là hồi ký Đi học đi thi (1937, Sông Hương), những năm sau là các đoạn mang tên chung Một Phan Khôi tự truyện (Đông Dương Tạp Chí, 1939; Dân Báo, 1940, 1942). Nhận xét lối kể chuyện từ hồi ức; sự ý thức và tự kiềm chế của cái “tôi”; giá trị sử liệu, nhân chứng lịch sử…
+ Phan Khôi, dịch giả
PK dịch các tác gia Trung Hoa: Tư Mã Thiên, Viên Mai, Lỗ Tấn, một số tác gia văn học Diên An; PK dịch Kinh Thánh (đạo Thiên Chúa), chủ yếu là Tân Ước; dịch quan điểm ngôn ngữ của J. Stalin, dịch tư tưởng văn nghệ Diên An qua bài viết của Chu Dương, v.v…
+ Phan Khôi, tác gia Hán văn
Có dấu hiệu rõ là PK viết văn chữ Hán đăng trên Nam Phong 1918; cũng có một số bài PK viết và đăng trên các báo chữ Hán của Hoa kiều ở Chợ Lớn, hồi 1929-1932, liên hệ giao tiếp của PK với giới làm báo viết báo người Hoa ở Sài Gòn và Lục tỉnh là việc có thật, là nét khác biệt ở ông so với nhiều nhà báo ở Sài Gòn những năm 1928-40, nhưng rất khó tìm được người nghiên cứu tiếp cận đề tài này. Hiện chỉ có văn bản 2 truyện trên Nam Phong (do Lê Trí Viễn dịch), và LNA có tìm và chụp ảnh được 2 kỳ bài về Khổng giáo trên Quần báo ở SG 1929; có thể gợi ý một số nhà giáo, nhà nghiên cứu nào đó tiếp cận đề tài này?
1g/ Về Phan Khôi, nhà Trung Hoa học
+ PK từng học theo hệ thống Nho học, có kiến giải về các học phái ở Trung Hoa cổ đại, nhưng được ông viết thì thường chỉ có các vấn đề về di sản Nho giáo của Khổng Tử và của Tống Nho, nhưng đó là những kiến giải sâu, chủ kiến vững, được tiếp cận từ nhu cầu “thoát trung cổ luận” và “thoát Trung luận”, từ quan điểm tiến hóa, đòi canh tân, tiến bộ cho xứ sở.
+ Chính trị Trung Hoa từ quá khứ đến hiện tại, đương thời, là điều được PK chăm chú theo dõi và là đề tài bình luận thường xuyên của ông khi viết báo; những năm 1929-33 là các vấn đề lịch sử và hiện tại của nền Dân Quốc: vạch ra “dĩ đảng trị quốc” trái với nền cộng hòa, lý giải việc chậm làm hiến pháp; tình trạng cát cứ đất nước của các quân phiệt; sau này những năm 1935-40, theo dõi bình luận về những xung đột của các phái chống Nhật và thân Nhật trong chính quyền, chính phủ Nam Kinh và chính phủ Trùng Khánh, quan hệ Quốc – Cộng từ xung đột đến hòa hoãn để chống Nhật, v.v…
+ Các tác gia, tác phẩm Trung Hoa được PK dịch, giới thiệu, tính đến trước 1944, đều được nhấn mạnh ở khía cạnh chống chuyên chế (ví dụ dịch Tư Mã Thiên: thư gửi Nhiệm An, “Thích khách liệt truyện”… ); những tác gia hiếu cổ như Cô Hồng Minh được ông tiếp cận theo lối châm biếm; những tác gia có chất đổi mới, “nổi loạn” như Hoàng Lư Ẩn, được ông trân trọng.
+ Thời kỳ 1945-58: PK vẫn theo dõi chính trị và văn hóa Trung Hoa, từ thơ kiểu mới, di sản Lỗ Tấn, lý luận và sáng tác văn học Diên An; cho đến 1956 vẫn theo dõi các hiện tượng từ Hồ Phong đến phong trào chống phái hữu…, tuy khá ít có điều kiện viết về các hiện tượng ấy.
2/ VỀ PHAN KHÔI NHƯ MỘT CON NGƯỜI CỤ THỂ
(những vấn đề này chưa có các nghiên cứu chuyên sâu, mới chỉ dám phán đoán lướt qua)
+ nhân thân PK: cậu ấm con quan, gia đình khoa bảng, theo nho học từ nhỏ; là con trai duy nhất của gia đình, trách nhiệm “nối dõi tông đường” rất nặng…
+ đôi nét tính cách (phỏng đoán, qua vài hồi ức người khác): tính cách trung thực (“không biết nói dối”); tính cách hướng thượng (đánh giá cao các giá trị tinh thần, trí tuệ, vì thế đánh giá cao các giá trị Tây phương khi được xúc tiếp sách báo mới thông tin mới…); tính cách “nổi loạn” (thấy bất công, bất hợp lý trong hệ thống hiện tồn… thì lên tiếng phê phán chống lại,…);
(Một bài báo của Lưu Trọng Lư trên “Tao Đàn”, 1939, kể về sự đối đáp của 2 cha con PK trên bức tường trong vườn nhà)
+ PK và bước chuyển từ kiểu người chí sĩ sang kiểu người thức giả của xã hội dân sự.
***
THAM KHẢO:
Trích phỏng vấn nhà nghiên cứu LẠI NGUYÊN ÂN do Phạm Xuân Thạch thực hiện (tạp chí “Tia Sáng”, 2007)
● Thưa ông, sau khi đã hoàn thành được một chặng quan trọng của việc sưu tập các bài viết về Phan Khôi, ông có thể cho biết Phan Khôi là ai?
− Thực ra tôi mới chỉ sưu tầm tác phẩm của Phan Khôi chứ chưa đặt bút để luận bàn khái quát về nhân vật này; nhân được hỏi, xin phác thảo một vài nhận định.
Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo; người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí; nhưng, qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn. Có thể đi vào chi tiết hơn để thấy ở ông một nhà tư tưởng sớm biết đặt ra vấn đề của di sản tư tưởng Nho giáo cổ truyền trước thời đại mới, sớm đặt vấn đề tiếp nhận tư tưởng Âu Tây để đổi mới xã hội, rõ nhất là xây dựng quan niệm mới về người phụ nữ trong sự bình đẳng về giới tính, xem đổi mới vị trí người phụ nữ là góp phần đổi mới xã hội; một nhà xã hội học biết phân tích sự chuyển động bên trong xã hội và đặt ra các vấn đề về phẩm chất người hoạt động chính trị, phẩm chất quan chức trong bộ máy quản lý; một nhà Hán học và Trung Quốc học, am tường văn hoá cổ Trung Hoa và hiểu biết các vấn đề của xã hội Trung Hoa đương thời mình; một nhà ngữ học vừa nghiên cứu tiếng Việt vừa tác động đến sự phát triển của tiếng Việt trong thời hiện đại; một nhà thơ, một dịch giả văn học, là một trong những người đã dịch Kinh Thánh Thiên Chúa giáo ra tiếng Việt; một nhà văn xuôi với thể hài đàm mà ông là người mở đầu ở Việt Nam, một nhà phê bình văn học đã tác động thật sự đến sự phát triển của nền văn học tiếng Việt.
Có thể nói Phan Khôi là người thể hiện rõ nhất và thành công nhất chủ trương duy tân kiểu Phan Chu Trinh vào đời sống, nhưng khác với người tiền bối ấy, Phan Khôi hoàn toàn không thể hiện mình như một chí sĩ; ông sống như một người thường trong đời thường, chỉ hoạt động chuyên nghiệp như một nhà ngôn luận, chỉ tác động đến xã hội bằng ngôn luận. Phan Khôi thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hoá cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng đặt bên cạnh những gương mặt sáng láng như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng…, ông thường tự thể hiện như kẻ phản biện, và sự phản biện của ông thường đem lại chiều sâu mới cho tri thức.
● Quan sát những gì mà Phan Khôi để lại, có thể thấy, ông là một trong những kiến trúc sư chuẩn bị cho cuộc cách mạng văn học trong thập niên 30 của thế kỉ trước.
− Đúng vậy. Ông chuẩn bị cho cuộc cách mạng ấy trước hết là về ngôn ngữ. Từ kinh nghiệm tân văn nghệ Trung Quốc, ông hiểu rằng việc họ chuyển sang dùng bạch thoại để viết văn có nghĩa là đưa ngôn ngữ sống đương đại trở lại làm chất liệu cho sáng tạo văn chương đương đại, thay cho việc sử dụng văn ngôn là thứ văn phong đã xa cách đời sống, đã gần trở thành tử ngữ như chữ Latin. Đối với Việt Nam thời Phan Khôi, việc chữ Quốc ngữ bắt đầu đi vào đời sống hàng ngày cùng lúc với sự xuất hiện của những phương tiện truyền thông mới là báo in sách in cũng đặt ra vấn đề xây dựng những lối viết tiếng Việt mới, đáp ứng các nhu cầu từ thực dụng tới nghệ thuật, cho báo chí, cho các loại văn, song tất cả phải dựa trên căn bản tiếng nói đời thường đương thời.
● Nhưng đó là khuynh hướng chung của toàn bộ văn chương học thuật ở Nam kì cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Vậy đâu là đóng góp riêng của Phan Khôi.
− Cái riêng của Phan Khôi là ở chỗ trong khi chủ trương xây dựng tiếng Việt trên căn bản ngôn ngữ nói, ông vẫn chống lại khuynh hướng tuyệt đối hóa các phương ngữ, một dạng “li khai” ngôn ngữ có thể dẫn đến li khai trong nội bộ dân tộc. Ông luôn đấu tranh cho một tiếng Việt chuẩn mực, chung cho toàn quốc mà mỗi phương ngữ chỉ là một biến thể của tiếng Việt chung đó. Phải đặt trong bối cảnh lịch sử Việt Nam những năm 1929-1930, trong lúc có những người đã đòi soạn riêng sách giáo khoa tiếng miền Nam thì mới thấy đóng góp của Phan Khôi và các đồng nghiệp của ông ở tờ Thần chung khi xới lên cuộc tranh luận bảo vệ sự thống nhất của tiếng Việt là quan trọng.
● Nhưng đóng góp của Phan Khôi không chỉ có ngôn ngữ…
− Còn cả trong lĩnh vực tư tưởng. Ta biết rằng trước cả Tự lực văn đoàn, ông là người khởi xướng trào lưu nữ quyền với những bài phê phán những mặt trái của đại gia đình truyền thống, vạch ra cả tính phi nhân khi chế độ đại gia đình đưa đến nạn tự vẫn của một số thanh niên, do nó hạn chế sự tự chủ của cá nhân những con người đã ở lứa tuổi trưởng thành. Ông phê phán Khổng giáo đặc biệt ở phương diện hệ tư tưởng này bảo vệ cho chế độ quân chủ chuyên chế. Ông giống như người “giải phóng mặt bằng” cho những người tiếp theo trong đó có các nhà Thơ mới và nhóm Tự lực văn đoàn, dựng trên đó những công trình của mình. Tất nhiên đó là một thế hệ mới đầy tài năng, đã thực hiện đôi khi ở mức tuyệt vời hơn hẳn điều mà người tiền bối có thể hình dung.
● Vậy thì câu trả hỏi của ông đặt ra khi bắt đầu tìm hiểu Phan Khôi đã có lời giải đáp. Nhưng hình như những đóng góp của Phan Khôi đối với xã hội và văn hóa Việt Nam không chỉ giới hạn trong địa hạt văn chương.
− Trước hết là văn hóa. Phan Khôi là người có ý thức về di sản văn hóa truyền thống của người Việt và nhu cầu tổng kết di sản đó. Nhưng ông cũng là người vượt qua được ảo tưởng mang tính phóng đại về tầm lớn lao của nền văn hóa đó. Điều đó thể hiện rất rõ trong các cuộc tranh luận về quốc học, quốc văn. Là nhà báo, ông là người theo sát các diễn biến chính trị ở Việt Nam trong những năm đầu thập niên 1930: các cuộc biểu tình, các đảng chính trị, giới chính khách ở Nam Kì. Ông sớm nhận ra những hủ bại của giới “chính trị gia” đó và từ đó, ông bắt đầu hình dung về một xã hội dân sự kiểu Tây phương, − một xã hội mà theo ông hình dung là Việt Nam sẽ phải vận động tới đó. Và ông chuẩn bị cho xã hội đó khi đề cập đến một loạt chuyện: chuyện chính đảng, lập hội, biểu tình, quan hệ chính đảng với quần chúng, vấn đề tự do ngôn luận…
● Ông đã nói Phan Khôi không chỉ là một nhà Hán học mà còn là một nhà Trung Quốc học am hiểu xã hội Trung Quốc đương đại thời ông sống. Liệu điều đó có tác dụng gì cho việc đặt ra và giải quyết những vấn đề của xã hội Việt Nam?
− Phan Khôi là người quan sát kĩ xã hội Trung Quốc từ sau cuộc cách mạng của Tôn Trung Sơn cho đến nền cai trị của Quốc Dân Đảng, giai đoạn những năm 1920 − 1930. Một trong những vấn đề mà ngay từ thời đó, qua thực tế Trung Quốc ông đã sớm nhận ra là sự khó khăn của các xã hội Khổng giáo khi chuyển đổi từ thể chế quân chủ chuyên chế sang thể chế dân chủ cộng hòa. Phan Khôi chỉ ra rất sớm cái phương cách “dĩ đảng trị quốc” trên thực tế đã được dùng như phương cách thay thế tạm thời cho quân quyền sau khi đã lật đổ quân quyền. Xem thế thì thấy những xã hội mang nặng truyền thống Khổng giáo sẽ rất khó khăn trong việc xây dựng một hiến pháp dân chủ và một thể chế chính trị thượng tôn hiến pháp.
●Thưa ông, cũng là người có điều kiện “quan sát” Phan Khôi, tôi có ấn tượng rằng Phan Khôi là một người cô độc. Ông có chia sẻ với tôi ấn tượng này?
− Điều này cũng đúng. Thiếu Sơn từng nói ở Phan Khôi có nét “bất cận nhân tình”. Điều ấy không phải không có. Trọng chân lí hơn thầy, thẳng thắn, quyết liệt và không khoan nhượng không thỏa hiệp trong sự truy tìm chân lý. Đó là nét tính cách Phan Khôi. Hình như tính cách ấy có một cái gì thật khó dung hòa với nền văn hóa “duy tình”, “chín bỏ làm mười” của người Việt. Không thể phủ nhận Phan Khôi là một người yêu dân tộc mình. Nhưng cũng hiếm ai như ông đã chỉ ra không thiếu một thói xấu nào của dân tộc mình. Một con người như thế thường bất hạnh. Nhưng tính cách ấy lại không sợ bất hạnh đâu. Cái khoẻ khoắn, cái sức mạnh của tính cách ấy nằm trong sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm với nhận thức của mình.
(tiasang.com.vn. 18/10/2007)