Phan Đắc Lữ: Nỗi buồn mất quê

Nguyễn Đăng Hưng

Những ngày nằm dưỡng bệnh, tôi nhận được hai tập thơ do nhà thơ Phan Đắc Lữ gửi tặng. Một cuốn dày 175 trang, bìa cứng, DÃ TRÀNG và một cuốn mỏng, chỉ 48 trang, TÂM SỰ VỚI DÒNG SÔNG. Cả hai cuốn đều do tác giả tự xuất bản. Tập DÃ TRÀNG là thơ tuyển chọn, một trăm bài, do chính tác giả thực hiện. Tập thơ được học giả Hà Sỹ Phu viết bài giới thiệu, một bài viết rất đầy đủ và sắc sảo.image

 

Ở đây tôi chỉ chủ tâm ghi lại cảm nhận của riêng tôi. Nỗi buồn Phan Đắc Lữ, một nỗi buồn hơn tám mươi năm. Thật vậy, điều toát ra trong thơ ông là nỗi buồn miên man tiềm ẩn trong từng câu chữ. Một nỗi buồn không bi lụy nhưng da diết làm ta cảm động! Hơn nữa tôi là người đồng hương với ông (quê

tôi ở làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, quê ông ở làng Bảo An, xã Điện Quang), đồng lứa với tác giả. Nay đời đã vào đông, không thể không nhìn lại ký ức, nhìn lại cuộc đời của chính bản thân mình, không may sống trong giai đoạn điêu linh kinh hoàng của lịch sử dân tộc!

NỖI BUỒN MẤT QUÊ

Bảo An vốn là vùng đất phát triển thịnh vượng một thời trước chiến tranh chống Pháp. Ca dao xứ Quảng Nam có câu: “Cây đa mô cao bằng cây đa Bàn Lãnh. Đất mô thanh cảnh bằng đất Bảo An”. Những thứ ấy không còn nữa làm ông nghẹn ngào đau đớn. Ta hãy đọc tuần tự:

 

Vườn xưa thất thổ lời ai oán

Quê cũ vong gia tiếng thị phi

Ngửa mặt trông đời con cháu thẹn

Thiên đường lạc hướng buổi ra đi.

Nỗi buồn sinh nhật

Ngày xưa

                 con gái Bảo An

“Sớm mai đi chợ tối đan mành mành”

Ra đường gái lịch trai thanh

Chợ đông tơ vải, cửi canh rộn ràng.

 

Ngày xưa

                 đình làng Bảo An

Bảy gian ngói đỏ, bốn hàng cột lim

Mỗi năm mở hội Kỳ Yên

Mưa hòa gió thuận khắp miền nhân gian.

 

Ngày xưa

                 trường làng Bảo An

Nhân tài như cánh chim ngàn bay xa

Bây giờ về lại quê nhà

Nhớ phong cảnh cũ xót xa trong lòng.

 

Ngày xưa…

Ngày xưa đâu nữa mà mong!

Ngày xưa

Ngày xưa, mỗi lần về thăm quê là mỗi lần hình ảnh cũ cứ chập chờn trong ông và hình ảnh cũ êm đềm ngày nào cứ hiện lại làm ông nhức nhối tâm can:

 

Giũ áo phong sương sông cứ chảy lặng lờ

Bên đục bên trong đôi dòng lẫn lộn

Thương và nhớ nơi chôn nhau cắt rốn

Còn đâu quê ngày lá rụng lại cội nguồn.

 

Đi lang thang như một giấc mơ buồn

Đất Cố Tổ không còn hình dáng cũ

Cây đa bên cồn trôi năm lụt lũ

Vườn nhà xưa giờ đổi chủ thay người

 

Ba mươi năm chiến tranh khói lửa ngút trời

Mồ mả ông cha đạn bom xéo giày tan nát

Mộ gió nghĩa trang hàng hàng lớp lớp

Ngày Thanh minh hương khói tỏa đìu hiu!

Người về quê cũ

Hay:

Ngày trở về tôi đứng lặng bâng khuâng

Làng bây giờ chỉ trồng cây ăn quả

Ổi mít cam xoài bốn mùa đủ cả

Chẳng ai buồn trồng lại một cây đa.

Cây đa đầu làng

Đọc kỹ mới biết lý do sâu thẳm của nỗi buồn trong lòng người đã quá tuổi cổ lai hy này:

 

Ngày đi một sớm mùa thu

Năm mươi năm gót lãng du mỏi mòn

Ngày về như nước ngược nguồn

Trăm năm Từ Thức mấy vòng Bồng Lai?

 

Quê hương giờ biết gửi ai

Lá không về cội một mai lìa cành.

Quê cũ

Sông Thu chở nắng Trường Giang

Câu thơ mất ngủ gió trăng mất mùa

Hồn ta lá rụng sân chùa

Lang thang tìm cội nguồn xưa đi về.

 

Tàn thu sực tỉnh cơn mê

Theo đàn đóm đóm lập lòe vườn hoang.

Vào thu

THÂN PHẬN MỘT ĐỜI LÀM NGƯỜI TỬ TẾ: “TUỔI XUÂN CHẾT ĐUỐI GIỮA DÒNG U MÊ”

Ông làm ta rơi lệ cho thân phận một người tử tế, đã hết lòng với quê hương, tổ quốc:

 

Ta là chiếc lá chưa rơi

Xác xơ qua mấy tơi bời bão dông

Chờ mai nhát chổi hư không

Quét ta lìa chốn bụi hồng trần ai.

Quét lá trong vườn

Trăm vui từ mọi ngọn nguồn

Đổ ra sông biển hóa buồn mênh mông

Hồn ta như cánh buồm dong

Rủi may đợi gió ngược dòng trầm luân

 

Trời cho dạt bến gian truân

Ngu ngơ mất trắng tuổi xuân chợ trời

Ta buồn từ thuở nằm nôi

Lời ru của mẹ nghẹn hơi thở dài

Buồn

Hay:

 

Những mùa Thu trước đã qua đi

Tổ quốc còn đau nỗi thịnh suy

Xương máu hai mùa sông núi chất

Lòng dân vận nước mãi sinh ly!

Thu điếu

Ông ý thức được bổn phận mình gắn bó với vận nước, thân phận của dân tộc, của sự bất hạnh chảy như một dòng lịch sử quanh co vô định…

Xa quê năm mươi năm ròng

Tuổi xuân chết đuối giữa dòng u mê

Mẹ cha đâu nữa mà về

Nỗi lòng thương kiểng nhớ quê dùng dằng

Thương kiểng nhớ quê thì về

Nửa đời còn lại nhưng vẫn ê chề như một định mệnh khó thoát! Lời thề đã trôi đi theo con sông ngày thơ ấu, như một giấc mộng du và khi thức dậy chỉ còn hình hài lơ láo!

 

Ta còn một nửa đam mê

Nửa xưa rơi vãi bên lề trần gian

Nửa nay nắng quái chiều tàn

Tỉnh cơn du mộng mang mang hình hài.

Tự thú

Ông tâm sự với dòng sông quê hương như một nhân chứng của lời thề năm xưa! Lời thề với dòng sông đã tan biến, nhưng kỳ vọng ngày xưa đã không được như ý:

 

Trời làm lũ lụt mênh mông

Người về đi dọc triền sông bàng hoàng

Cây đa bến nước đò ngang

Một dòng ký ức hai hàng lệ sa.

Người về trắng tóc ngàn lau

Nhìn sông khúc lở mà đau khúc bồi

Giang hồ như áng mây trôi

Nghe chuông thiền định bồi hồi tâm can.

Bảy mươi năm. Cõi làm người

Được thua như tiếng khóc cười trẻ thơ

Sông ơi! Mất bến còn bờ

Ta như chiếc lá đợi hờ gió thu.

 

Người về nghe tiếng mẹ ru

Vẳng trong tiếng sóng thâm u vọng về

Cố hương vời vợi sơn khê

Ra đi thả nổi lời thề… trôi sông!

Tâm sự với dòng sông

Thu Bồn ơi! Năm mươi năm lẻ

Ngày về kiểm lại buổi ra đi

Ta phung phí một đời trai trẻ

Nợ núi sông biết trả bằng gì.

Ký sự ngược sông Thu Bồn

Ông không ngần ngại chỉ rõ lý do chính nỗi buồn của mình, không chút bất mãn, chỉ xót xa cảm hoài:

 

Mỗi lần về thăm quê lòng lại băn khoăn

Không biết còn ai? Ai còn ai mất?

Đi ngu ngơ có còn ai nhận mặt?

Bà con xa – thân tộc – láng giềng gần.

Quá nửa đời người vui ít buồn nhiều

Đất địa linh sinh hiền tài nhân kiệt

Nhân kiệt hiền tài ra đi biền biệt

Bỏ lại quê lơ láo bọn gian thần.

Mỗi lần về thăm quê lòng nặng u phiền

Thắp một nén hương vái mười phương tám hướng

Tạ tội với tổ tiên: Xin Người lòng độ lượng

Lại ra đi. Có còn tuổi để quay về?

Người về quê cũ

CÒN QUÊ TỪ TUỔI LÊN MƯỜI

MẤT QUÊ TỪ BUỔI LÀM NGƯỜI GIỮ QUÊ

 

Và sự thật phũ phàng ở nông thôn hiện ra như một cảnh tỉnh:

“Sông xưa rày đã nên đồng”

Đồng phân lô – đổ béton xây lầu

Đất vàng: ruộng cả ao sâu

Nông dân tay trắng, quan giàu xổi lên.

Sông xưa

Luật đất đai đã tước đoạt mất mảnh vườn của cha ông xưa để lại, sau ba mươi năm ông đi kháng chiến chống ngoại xâm, ngày hòa bình trở về:

 

Khu vườn cũ nhà ta không còn nữa

Dấu tích xưa còn lại nửa vuông sân

Đất cụ tổ mười ba đời khai phá

Nay trở thành “sở hữu của toàn dân”.

 

Người xa lạ từ thập phương cư ngụ

Gốc người xưa giờ ai mất, ai còn

Ai cầu thực tha phương đi tứ xứ?

Người trở về như lữ khách cô đơn.

Mẹ để lại nhà ba gian ngói đỏ

Lửa chiến tranh thiêu rụi với quê hương

Cha dìu dắt đàn con năm bảy đứa

Một ngày Thu theo tiếng gọi lên đường.

Lá sắp rụng: con quay về tìm cội

Cội nguồn xưa thành nỗi nhớ vô chung

Sông trách móc khi con về tắm gội

Thuở đầu xanh trôi nổi ngọn Kỳ Cùng.

Lời khấn nguyện

Một đời làm kiếp mây trôi

Trôi cho hết kiếp luân hồi làm mưa

Mưa là nước mắt tiễn đưa

Khóc sông ra biển mà chưa về nguồn.

 

Chiều hôm ra đứng đầu truông

Chim kêu gành đá gẫm thương một đời

Còn quê từ tuổi lên mười

Mất quê từ buổi làm người giữ quê.

Dã tràng

Câu thơ cuối cùng của bài thơ trên đã như một tổng kết về bi kịch của đời ông. Một đời cống hiến tử tế nhưng đã không được nhìn thấy cục diện thuận theo chiều ông mong ước. “Còn quê từ tuổi lên mười / Mất quê từ buổi làm người giữ quê” và ông buồn cho đến hôm nay.

Thơ ông như những bài ca dao xứ Quảng, nhẹ nhàng như lời mẹ ru, nhưng có khá năng gây cảm xúc cho người đọc. Một thành công!

Sài Gòn 10-12-2022

Viết nhanh ngày nằm dưỡng bệnh!

Comments are closed.