Roland Barthes Nhà ký hiệu học

Liễu Trương

clip_image001

Vào nửa sau thế kỷ 20, tên tuổi của Roland Barthes bỗng nhiên trở nên lẫy lừng trong lĩnh vực lý thuyết và phê bình văn học.

Khó định nghĩa Roland Barthes vì tính đa dạng, tính mở rộng của tác phẩm ông, ông luôn quan tâm về mọi hướng. Tác phẩm của ông đa dạng về đối tượng, ông có vẻ bàn về mọi đề tài, đi từ Sade, Beethoven, Racine đến… thịt bít tết, v.v. Đa dạng về phương pháp, Barthes đi từ phê bình chủ đề, qua phê bình phân tâm học đến thuyết cấu trúc trong Système de la mode (Hệ thống thời trang). Đa dạng về hệ tư tưởng, lúc đầu Barthes được xem như một nhà Mác xít vì ông nêu cao những biên khảo, lý thuyết của Bertolt Brecht, kịch tác gia người Đức, đã xây dựng kịch theo một phương pháp mới dựa vào khái niệm khoảng cách; khoảng cách hóa, có nghĩa là diễn viên trên sân khấu giữ khoảng cách với nhân vật của mình, và thái độ của khán giả giữ khoảng cách với cốt truyện trên sân khấu. Barthes gọi phương pháp dựng kịch của Brecht là “cách mạng của Brecht”. Tiếp theo Barthes bênh vực Alain Robbe–Grillet và Tiểu thuyết mới. Rồi Barthes tôn vinh một chủ nghĩa hoan lạc nào đó, bằng cách trở về với giá trị của sự thích thú trong lĩnh vực mỹ học.

Nhìn chung, tác phẩm của Roland Barthes giống như một loạt khối tư duy riêng biệt, thậm chí mâu thuẫn nhau mà khi ta mới đọc qua không thấy mẫu số chung. Phải đọc kỹ toàn thể tác phẩm, biên khảo của Barthes mới thấy những nghiên cứu của ông được sắp đặt ngay từ đầu.

Roland Barthes sinh năm 1915; vì bệnh lao phổi, ông không được đào tạo ở đại học như phần đông các giới trẻ. Điều này không phải là một trở ngại, trái lại nó thúc đẩy ông, giúp ông tự mình đạt được một kiến thức sâu rộng, một trình độ cao, gây bất ngờ cho giới đại học và đưa đến cuộc bút chiến về cuốn Sur Racine (Bàn về Racine). Roland Barthes viết muộn, cuốn sách đầu tay của ông, Le degré zéro de l’écriture (Độ không của sự viết) ra năm 1953. Năm 1954, cuốn Michelet par lui-même (Michelet do chính tác giả) ra đời. Cũng cần nhắc lại, Michelet là một nhà sử học, được giữ chức giáo sư tại Viện Cao học Pháp (Collège de France). Michelet dùng chức giáo sư của mình để phổ biến những tư tưởng tự do và chống giáo quyền. Tiếp theo cuốn Michelet là cuốn Mythologies (Huyền thoại) ra năm 1957, cuốn sách này tập hợp những bài đã đăng trên tạp chí “Les Lettres nouvelles”, từ năm 1954 đến năm 1956. Năm 1962, Barthes được bổ nhiệm Trưởng khoa nghiên cứu ở Trường Cao học Thực hành. Năm 1976, ông được bầu vào Viện Cao học Pháp, giữ chức giáo sư ngành Ký hiệu học về văn chương, chức danh dự này được dành riêng cho Roland Barthes.

Trong một thời gian dài, Roland Barthes bị gạt khỏi giới trí thức, nhờ thế ông đã thoát khỏi những ảnh hưởng của thời đó và tự tạo cho mình một văn hóa độc đáo, với những đề tài đặc biệt về văn chương cũng như về điện ảnh, hội họa, âm nhạc. Barthes không theo thời trang, trái lại ông điều khiển thời trang, ông đưa vào những khái niệm có tính hiện đại. Ảnh hưởng của Barthes ngày càng lớn, ông dời chỗ những tư duy, những quan niệm, xô đẩy những giá trị được sùng bái. Ngay trong những bài của ông, ông gạt bỏ những cái được thừa nhận, những lặp lại. Nói tóm lại, ông gạt bỏ quyền lực.

Barthes đổi mới phê bình văn học, đặc biệt với cuốn Sur Racine (1963). Khi ông gạt ra cái phần huyền thoại trong kịch bản của Racine, ông chỉ trích cái lập trường gọi là trung tính của ngành phê bình văn học thời đó. Mọi cách đọc phê bình Racine là kết quả của một chủ quan: Racine được đọc theo nhiều ngôn ngữ: không có cách đọc nào là vô tội. Cuốn Sur Racine khiến Barthes bị Raymond Picard, một giáo sư tên tuổi của Đại học Sorbonne, đả kích trong bài Phê bình mới hay bịp bợm mới. Barthes đáp lại một cách gay gắt sự đả kích đó với cuốn Critique et vérité (Phê bình và sự thật), năm 1966.

Những cuốn S/Z (1970) và Sade, Fourrier, Loyola (1971) bổ sung phần tác phẩm phê bình của Barthes.

I. Một cuộc phiêu lưu với ký hiệu học

Trước tiên cần nhìn nhận ký hiệu luôn luôn hiện diện trong đời sống con người. Nhà nghiên cứu Joseph Courtès, tác giả cuốn La sémiotique du langage (Ký hiệu học của ngôn ngữ), cho rằng: “Nếu bỏ đi mọi ký hiệu – trong tất cả mọi lĩnh vực – là làm biến mất không chỉ mọi giao tiếp liên chủ thể mà còn làm biến mất mọi tư duy và cuối cùng làm biến mất chính con người.” (tr. 16)

Roland Barthes quan tâm đến vấn đề ký hiệu trong xã hội, chính trong phần 2 của cuốn Mythologies (1957), ông đã đưa ra đề cương một lý thuyết ký hiệu học về hệ tư tưởng và lời nói của “tiểu tư sản”. Lý thuyết này sẽ được triển khai trong biên khảo Éléments de sémiologie (Những yếu tố của ký hiệu học) (1965).

Ngay từ đầu, trong cuốn Mythologies, Barthes đã đặt ra nền móng của ký hiệu học, đi từ huyền thoại. Theo tự điển Pháp Le Robert thì trong ngôn ngữ thông thường, huyền thoại là một hình ảnh đơn giản hóa, lắm khi hão huyền mà những nhóm người tạo ra hay chấp nhận về một cá nhân hay một sự kiện và hình ảnh đó có một vai trò quyết định trong cách đối xử của họ hay trong cách họ đánh giá.

Có ba cách đọc huyền thoại:

1/ Cách đọc của người làm ra huyền thoại, người này đi từ một khái niệm và cho nó một hình thức.

2/ Cách đọc của nhà nghiên cứu huyền thoại: nhà nghiên cứu tháo gỡ (giải mã) cái ý nghĩa của huyền thoại.

3/ Cách đọc của người dân thường, nhầm lẫn huyền thoại với hiện thực.

Barthes cho huyền thoại cái định nghĩa như sau: huyền thoại là một lời nói. Theo Barthes, huyền thoại là một hệ thống truyền thông, là một thông điệp. Huyền thoại không phải là một đồ vật, một khái niệm hay một ý tưởng, huyền thoại là một cách thức làm sinh ra ý nghĩa, là một hình thức. Sau này sẽ phải đặt cho cái hình thức đó những giới hạn lịch sử, những điều kiện dùng và cái tính xã hội. Bởi vì huyền thoại là một lời nói, cho nên mọi thứ đều có thể là huyền thoại. Huyền thoại không được định nghĩa theo đối tượng của thông điệp, mà bằng cái cách huyền thoại phát ra thông điệp. Barthes tin rằng mọi thứ đều có thể là huyền thoại vì vũ trụ có tính gợi ý, gợi cảm một cách bất tận. Mỗi đồ vật trên thế giới có thể đi từ sự sống câm nín của nó đến một tình trạng nói, tình trạng mở ra với sự chiếm hữu của xã hội. Một cái cây là một cái cây. Nhưng cái cây được cô bé thần đồng Minou Drouet nói đến, không còn hẳn là một cái cây, đó là một cái cây được trang hoàng, thích hợp với một sự tiêu thụ nào đó của giới hâm mộ văn chương, thích ứng với tục lệ của xã hội.

Tất nhiên, tất cả không được nói lên cùng môt lúc: có những đồ vật trở thành con mồi của lời nói huyền thoại trong một thời gian rồi biến mất, những đồ vật khác chiếm chỗ của chúng và đạt đến huyền thoại. Có những huyền thoại rất xưa, nhưng không có những huyền thoại vĩnh viễn; bởi vì chính lịch sử con người đưa hiện thực vào tình trạng lời nói, chính lịch sử và chỉ lịch sử mới có quyền về sự sống chết của ngôn ngữ huyền thoại. Huyền thoại là một lời nói do lịch sử chọn lựa: huyền thoại không thể xuất hiện từ “bản chất” của sự vật.

Lời nói đó là một thông điệp. Lời nói có thể được viết ra hay do những biểu hiện khác như ảnh chụp, điện ảnh, phóng sự, kịch nghệ, thể thao, quảng cáo, v.v. Một tấm ảnh là một lời nói ngang hàng với một bài báo; những đồ vật có thể trở thành lời nói nếu chúng có ý nghĩa gì đó. Barthes cho rằng huyền thoại thuộc về một khoa học tổng quát, mở rộng đến ngôn ngữ học, và là ký hiệu học.

Huyền thoại chỉ là phần nhỏ của cái ngành khoa học rộng lớn về ký hiệu mà Ferdinand de Saussure đã giả định trước đây dưới cái tên ký hiệu học (sémiologie). Ký hiệu học lúc đó chưa ra đời, tuy nhiên giới nghiên cứu thời hiện đại đã quan tâm đến vấn đề ý nghĩa: phân tâm học, thuyết cấu trúc, tâm lý học, và những khuynh hướng mới về phê bình văn học dưới ảnh hưởng của Gaston Bachelard chỉ theo dõi sự kiện nếu nó có ý nghĩa.

Cuốn L’Aventure sémiologique (Cuộc phiêu lưu với ký hiệu học) ra năm 1985, năm năm sau khi Barthes lìa đời, tập hợp các biên khảo đặc biệt của Barthes như: Éléments de sémiologie (Những yếu tố của ký hiệu học), L’Ancienne rhétorique (Tu từ học thời xưa), Introduction à l’analyse structurale du récit (Dẫn nhập vào phân tích cấu trúc truyện kể), v.v. Cuốn L’Aventure sémiologique mở đầu bằng bài thuyết trình của Barthes đọc ở Ý, do nhật báo Le Monde đăng lại ngày 7-6-1974, Barthes tuyên bố: “Ký hiệu học đối với tôi là gì? Đó là một cuộc phiêu lưu, nghĩa là “điều xảy đến cho tôi” (điều đến với tôi từ cái năng biểu). Bài thuyết trình nhắc lại ba thời kỳ của cuộc phiêu lưu.

II. Ba thời kỳ của cuộc phiêu lưu

Theo Barthes, cuộc phiêu lưu diễn ra qua ba thời kỳ:

1/ Thời kỳ thứ nhất là sự lóa mắt, thán phục

Barthes tuyên bố: “Ngôn ngữ hay đúng hơn diễn ngôn là đối tượng không thay đổi của công việc của tôi, kể từ cuốn sách đầu tiên, Le degré zéro de l’écriture. Năm 1956, tôi tập hợp một thứ vật liệu huyền thoại của xã hội tiêu thụ (…) và làm nên cuốn sách Mythologies”. Vào lúc đó, Barthes đọc Giáo trình Ngôn ngữ học đại cương của Ferdinand de Saussure và ông bị lóa mắt về cái hy vọng có thể chỉ trích những huyền thoại của giới tiểu tư sản, và phương tiện của sự chỉ trích đó là ký hiệu học, tức sự phân tích tinh tế những quá trình của cái nghĩa, nhờ đó mà giới tiểu tư sản biến đổi cái văn hóa của giai cấp họ thành một bản chất phổ thông.

Với cuốn Mythologies bắt đầu cuộc phiêu lưu với ký hiệu học, kéo dài mười năm, từ 1963 đến 1973, cho phép Barthes sắp xếp chặt chẽ những khái niệm mượn từ Ferdinand de Saussure về Ngôn ngữ / Lời nói, Năng biểu / Sở biểu (Năng biểu (tiếng Pháp: signifiant) là cái biểu đạt, là sự phát biểu thuộc cảm giác như thính giác, thị giác. Sở biểu (tiếng Pháp: signifié) là cái được biểu đạt, là nội dung được hiểu trong một bối cảnh nào đó), mượn từ Hjelmslev về nghĩa rõ ràng và nghĩa mở rộng. Trong thời gian này, Barthes có ý muốn xây dựng một ký hiệu học khác với ngôn ngữ học, bằng cách cho ký hiệu học những nền tảng lý thuyết vững chắc.

Barthes cho rằng lúc đó ký hiệu học đến với ông như một phương pháp căn bản cho sự chỉ trích hệ tư tưởng của tiểu tư sản. Ông nhìn nhận những gì ông nói trong phần 2 cuốn Mythologies, có lẽ ngày nay, tức năm 1974, đã cũ về phương diện khoa học, nhưng là một văn bản sảng khoái vì nó cho giới trí thức một dụng cụ phân tích và cho việc nghiên cứu cái nghĩa có tầm quan trọng về hệ tư tưởng, tức về chính trị.

Theo Barthes, ký hiệu học đã tiến hóa kể từ năm 1956, nhưng mọi phê bình về hệ tư tưởng chỉ có thể do ký hiệu học. Từ 1957 đến 1963, công việc của Barthes là phân tích ký hiệu. Ông nói đến một đồ vật có tính năng biểu rất cao, đó là áo quần thời trang.

2/ Thời kỳ thứ hai là thời của khoa học hay của tính khoa học

Với biên khảo Éléments de sémiologie, một tuyên ngôn thật sự về ký hiệu học, trích từ tập san Communications số 4, 1964, Barthes thử quan niệm một cách giảng dạy ngành ký hiệu học. Vào thời này, cũng có nhiều học giả chuyên về ký hiệu học và là bạn của Barthes như Greimas, Umberto Eco, và những nhà ngôn ngữ học đàn anh như Jakobson và Benveniste. Đối với Barthes, trong thời kỳ này trội nhất là cái thú làm một công việc có hệ thống hơn là dự định xây dựng một ký hiệu học như một khoa học.

Cuốn biên khảo Éléments de sémiologie có mục đích dùng những khái niệm của ngôn ngữ học để bắt đầu nghiên cứu ký hiệu học. Những yếu tố của ký hiệu học được sắp theo 4 mục, dựa vào ngôn ngữ học cấu trúc:

– Ngôn ngữ và Lời nói

– Năng biểu và Sở biểu.

– Hệ thống và Ngữ đoạn

– Nghĩa rõ ràng và Nghĩa mở rộng [dénotation & connotation – Văn Việt].

Sau đó Barthes bàn về Tu từ pháp thời xưa, và cuối cùng đi đến Dẫn nhập vào phân tích cấu trúc truyện kể.

Cũng trong thời kỳ này, Barthes có viết một bài quan trọng tựa đề La cuisine du sens (Mánh khóe của cái nghĩa) đăng trên tuần báo Le Nouvel Observateur ngày 10/12/1964. Barthes viết: “Một cái áo, một chiếc xe, một món ăn (…) nhìn từ bên ngoài đó là những đồ vật hỗn tạp. Chúng có gì chung với nhau? Ít ra cái này: tất cả chúng đều là ký hiệu. Tất cả chúng giả định có cùng một hoạt động, hoạt động của một cách đọc nào đó: con người hiện đại, con người thành thị dùng thì giờ để đọc. Những ký hiệu phi ngôn ngữ trên đây cần được suy tưởng theo ý nghĩa: chúng chuyển tải một “nghĩa rộng”, một phần hàm ẩn cần phải đưa ra ánh sáng: chiếc xe này nói với tôi cái cương vị xã hội của chủ nhân nó, cái áo này nói với tôi một cách đúng cái phần của tính theo thời hay tính kỳ quặc của người mặc nó.

Lời đề xuất đó đưa đến việc xét lại ngay cả cái quy chế của vật thể: Bên cạnh những quyết định linh tinh (kinh tế, lịch sử, tâm lý), từ nay phải dự liệu một giá trị mới của sự kiện: cái nghĩa. Quả thật những ký hiệu không đơn giản, chúng cần thiết được dịch mật mã và được phân tích, không nên xem những ký hiệu đó như những thông tin tự nhiên. Theo Barthes, thế giới đầy ký hiệu. Thường khi chúng ta xem những ký hiệu như những thông tin “tự nhiên”. Hiểu nổi những ký hiệu của thế giới là phải đi vào những mánh khóe của cái nghĩa, vì cái nghĩa không thể được phân tích một cách riêng rẽ, những cái nghĩa được tạo nên bởi những sự khác biệt. Cũng trong bài đó Barthes nhận xét: “Khi tiến xa trong cái dự định đó (của ký hiệu học) đã là mênh mông, ký hiệu học găp những công việc mới; chẳng hạn nghiên cứu những hoạt động bí ẩn theo đó một thông điệp tầm thường thấm đượm một nghĩa thứ hai lan tỏa, nói chung có tính hệ tư tưởng, mà người ta gọi là “cái nghĩa rộng” (…) Nếu công việc của ký hiệu học không ngớt tăng thêm, đó là vì chúng ta luôn luôn phát hiện khá hơn tầm quan trọng và sự lan rộng của ý nghĩa trong thế giới; ý nghĩa trở thành cái thể thức tư duy của thế giới hiện đại…”

Trong những bài khác cũng được tập hợp trong cuốn L’Aventure sémiologique như: Sémantique de l’objet (Ngữ nghĩa của đồ vật), Sociologie et socio-logique (Xã hội học và xã hội–logic học), Barthes tiếp tục nói đến cái nghĩa. Làm sao con người có thể cho đồ vật một cái nghĩa? Nói cho cùng, “Người ta không bao giờ quan sát những hệ thống đồ vật có năng biểu ở tình trạng đơn thuần.” (Sémantique de l’objet) Thực ra, không nên lầm lẫn các từ “có nghĩa” (signifier) và “truyền thông” (communiquer). “Signifier” có nghĩa là những đồ vật không chỉ chuyển tải những thông tin, trong trường hợp đó chúng đóng vai trò truyền thông (communiquer), mà chúng còn chủ yếu tạo nên những hệ thống có cấu trúc với những ký hiệu… Cái quần blue-jean có thể là ký hiệu của một vẻ công tử bột của tuổi niên thiếu; món thịt hầm (pot au feu) được một tạp chí sang trọng chụp hình có thể là ký hiệu của một tính miền thôn dã. Kể từ đó, khi nào thì sự ngữ nghĩa hóa bắt đầu? Barthes trả lời: bắt đầu từ khi chúng được quan niệm hóa.

Thực ra, ngay từ khi có xã hội thì có nghĩa: “Luôn luôn có một lúc mà xã hội quần chúng đi đến việc cấu trúc cái hiện thực xuyên qua ngôn ngữ (…). Một chiếc xe cùng lúc là cái yếu tố của cấu trúc “xe” và là đối tượng của một diễn ngôn (quảng cáo, chuyện trò, văn chương)”. (Sociologie et socio–logique) Ngay từ khi có xã hội thì có ý muốn đặt ra những cái trái ngược nhau và những cái khác nhau, ý muốn đánh dấu những cái tốt nhất và những cái kỳ lạ, ý muốn lập ra những “quan hệ cấu trúc” xuyên qua những đồ vật. Ký hiệu học, “ngành khoa học nghiên cứu sự tồn tại của ký hiệu giữa đời sống xã hội”, như Ferdinand de Saussure đã định nghĩa năm 1910, ký hiệu học mong đưa ra ánh sáng những cái mã đó. Vấn đề là nắm bắt những ký hiệu “có một bề sâu xã hội thật sự”, chuyển tải những đòi hỏi hay những cái theo thời, và đôi khi mang dấu vết của một hệ tư tưởng nào đó, hệ tư tưởng tiểu tư sản mà Barthes miêu tả trong cuốn Mythologies. Nhưng trong phần cuối tác phẩm, Barthes đi xa hơn: ông phó thác vào một thứ đạo đức của ký hiệu. Đúng vậy, những cái “mã” đó có tính độc đoán: chúng không tạo nên ngôn ngữ, mà chúng áp đặt những cái dị biệt xuyên qua những đồ vật. Thêm nữa chúng chuyển tải một sự nói dối nào đó: hệ tư tưởng của tiểu tư sản thể hiện như “có tính tự nhiên”, làm như “tất nhiên là thế”. Sau cùng những cái mã lan tràn khắp nơi. Chẳng hạn không tránh được quảng cáo trong đời sống.

Những bài nghiên cứu của Roland Barthes nêu lên tầm quan trọng và mặt rộng của ý nghĩa trên thế giới. Với Barthes, phải đọc xã hội, xã hội đối với chúng ta như một tập hợp của những cái “mã” và của những cái “hàm ẩn”: ý nghĩa trở thành cách thức tư duy của thế giới hiện đại.

3/ Thời kỳ thứ ba là thời của Văn bản

Barthes cho biết xung quanh ông có nhiều diễn ngôn của nhiều học giả như Vladimir Propp, Julia Kristeva, Jacques Derrida, Jacques Lacan, nhóm Tel Quel, những diễn ngôn đó đã dời chỗ những thành kiến, gây lo lắng cho những điều được xem là hiển nhiên, và đưa ra những khái niệm mới.

Barthes miêu tả văn bản (chứ không phải tác phẩm) như một sự chằng chịt những diễn ngôn và những cái mã xã hội (tính liên văn bản của nó), như một tập hợp những tiếng nói (tính đa âm của nó), như sự di chuyển của nghĩa (tính đa nghĩa của nó) và như sự biến đổi của những xung động và cường độ. Nhất là văn bản được quan niệm như nguồn phát sinh cái thú.

Theo Bathes, Văn bản (viết hoa) theo nghĩa hiện đại hoàn toàn khác với tác phẩm văn chương, Văn bản:

– không phải là một sản phẩm thẩm mỹ, đó là một thực hành có tính biểu đạt,

– không phải là một cấu trúc, mà là một cấu trúc hóa,

– không phải là một đồ vật, mà là một công việc và một trò chơi,

– không phải là một tập hợp ký hiệu đóng kín có một cái nghĩa cần phải tìm cho ra, mà là một khối dấu vết được dời chuyển.

Sản xuất của Văn bản không phải là ý nghĩa, mà là Năng biểu. Văn bản vượt quá tác phẩm văn chương.

Ba kinh nghiệm về ký hiệu học trên đây: hy vọng, khoa học tính và văn bản đối với Barthes ngày nay (tức năm 1974) như thế nào? Có những thay đổi trong thái độ của Barthes: ông không còn tin vào tính khoa học của ký hiệu học; ông không muốn ký hiệu học là một khoa học đơn giản, một khoa học tích cực. Lý do là chỉ có ký hiệu học mới có nhiệm vụ nghi ngờ diễn ngôn của chính nó: với tư cách là khoa học của ngôn ngữ, của nhiều ngôn ngữ, ký hiệu học không thể chấp nhận ngôn ngữ của chính nó như một dụng cụ, một siêu ngôn ngữ. Điều mà ký hiệu học phải chỉ trích không chỉ là sự toại nguyện của giới tiểu tư sản như thời Barthes viết cuốn Mythologies, mà là cái hệ thống biểu tượng và ngữ nghĩa của cả nền văn minh của Tây phương. Vậy ký hiệu học vẫn trong tình trạng xây dựng.

Cuốn Système de la mode được viết giữa năm 1957 và năm 1963, thời kỳ mà ký hiệu học còn là một ngành học tương lai. Khi cuốn sách này ra năm 1967, Barthes không phủ nhận công trình nghiên cứu của mình, nhưng ông cho rằng cuốn biên khảo này đã xưa, nó cho thấy những giới hạn của ký hiệu học.

Với cuốn S/Z ra năm 1970, Barthes bắt đầu một khúc quanh trong công việc nghiên cứu của ông. S/Z khẳng định lối viết theo phân đoạn (fragments). Trong cuốn sách này, Barthes xen kẽ bình luận của mình với truyện ngắn của Balzac được cắt theo đơn vị từ vựng (lexies). Qua cách đọc đó, Barthes cho thấy cái quan niệm về văn chương cũng là quan niệm về chủ thể và về trí tưởng tượng.

Với cuốn L’Empire des signes (Vương quốc của ký hiệu) viết về nước Nhật, ra năm 1970, với lời khen thơ Hài cú, Barthes đi xa hơn trong lối viết phân đoạn, bằng cách ghi những cảm tưởng chủ quan. L’Empire des signes được trình bày như một dẫn nhập vào văn hóa nước Nhật. Đối với Barthes, nước Nhật là một nước của ký hiệu, ký hiệu ở khắp nơi, và của sự viết. Đây là truyện kể lại một cuộc du hành của nhà ký hiệu học Roland Barthes. Tác giả viết: “Nước Nhật là một không gian của những ký hiệu có tính rất khoái lạc và rất thẩm mỹ, một bài học về sự tao nhã trong khoái lạc, đó là điều tôi nhận thấy ở nước Nhật”. Barthes đi vào một nước, vào một ngôn ngữ mà ông không hề hiểu biết, ông phân tích những đồ vật vây quanh ông và nhận thấy ký hiệu của Nhật là một tuyên bố về sự hân hoan của năng biểu. Trong cuốn sách này, nước Nhật được trình bày như một “văn bản”, khái niệm Văn bản kể từ đây là một khái niệm ở trung tâm, đối với Barthes.

Dần dần Barthes đưa vào tác phẩm của mình vấn đề chủ thể và nối kết vấn đề này với lối viết phân đoạn trong các biên khảo: Le plaisir du texte (Thú đọc văn bản), Sade, Fourier et LoyolaFragments d’un discours amoureux (Những đoản văn của một diễn ngôn si tình). Càng lúc Barthes càng đến gần với luận đề giải cơ cấu của Jacques Derrida, với phân tích ngữ nghĩa của Julia Kristeva. Barthes đã vĩnh viễn xa rời cái quan niệm chặt chẽ về ký hiệu học mà truớc kia ông đã hăng hái bênh vực.

Cuối cùng cuộc phiêu lưu với ký hiệu học là cuộc phiêu lưu của một con người đối diện với văn bản, cuộc phiêu lưu đưa Barthes đến ngưỡng cửa của tiểu thuyết xa vời với dự định phê bình của lúc đầu.

Tác phẩm cuối cùng của Barthes là La Chambre claire (Cái máy vẽ) ra năm 1980, năm ông mất. Đây là một sự suy ngẫm về hình chụp, về thời gian và về cái chết, tác giả bị ám ảnh bởi cái chết của người mẹ mà ông thương yêu vô cùng, sự suy ngẫm này dường như báo hiệu cái chết của chính Barthes.

Đối với Roland Barthes, ký hiệu học là một cuộc phiêu lưu, nhưng là một cuộc phiêu lưu tích cực, Barthes giúp chúng ta ý thức được cái không gian văn hóa đang vây quanh chúng ta, đầy ắp những ký hiệu linh tinh cần được sáng suốt nhận định. Barthes đã có công đóng góp vào ký hiệu học bằng những khái niệm mới, những phân tích mạch lạc, bằng cách mở rộng tầm nhìn về xã hội, về thế giới.

Ngành ký hiệu học có một lịch sử bắt nguồn từ Charles Sanders Peirce và từ Ferdinand de Saussure – nếu không muốn lùi xa hơn trong quá khứ – được nối tiếp bởi những học giả uyên bác như Algirdas Julien Greimas, người đã cùng Roland Barthes thành lập trường phái Paris, Charles W. Morris, Max Bense, Umberto Eco và Iouri Lotman của trường phái Tartu-Moscow.

III. Viện Cao học Pháp đón chào một nhà ký hiệu học độc đáo, hiện đại

Năm 1976, Roland Barthes được bầu vào Viện Cao học Pháp (Collège de France) với chức giáo sư giảng dạy môn Ký hiệu học về văn chương, một vinh dự dành riêng cho Roland Barthes và là sự nhìn nhận hiển nhiên tài năng của ông.

Thế là sau cuộc phiêu lưu mười năm với ký hiệu học, Barthes có cơ hội nêu cao vai trò của ký hiệu trong lĩnh vực văn chương.

Trong bài Giáo trình khai mạc môn Ký hiệu học về Văn chương, đọc tại Viện Cao học Pháp ngày 7-1-1977, Barthes khởi đầu nói về văn chương rồi đến ký hiệu học. Xin tóm tắt như sau:

Văn chương không phải là một loạt tác phẩm, cũng không phải là một phạm vi giao tiếp, hay giảng dạy, mà là cái nét nan giải những dấu vết của một thực hành: sự thực hành viết. Vậy trong văn chương, chủ yếu tôi (Barthes) nhắm cái văn bản nghĩa là sự tập hợp những năng biểu làm nên tác phẩm, bởi vì văn bản là sự sát gần ngôn ngữ, và chính bên trong ngôn ngữ mà ngôn ngữ phải bị khắc phục: không phải cái thông điệp mà ngôn ngữ là dụng cụ, mà chính ngôn ngữ phải bị khắc phục bởi trò chơi chữ mà ngôn ngữ là sân khấu. Những sức mạnh của tự do trong văn chương không tùy thuộc nhà văn, cũng không tùy thuộc nội dung tác phẩm của ông ta, mà tùy thuộc công việc dời chuyển mà ông ta làm trên ngôn ngữ. Điều tôi nhắm tới ở đây là trách nhiệm của hình thức. Văn chương có ba sức mạnh:

Văn chương nhận lấy trách nhiệm về nhiều kiến thức. Trong một tiểu thuyết như Robinson Crusoé, có một kiến thức về lịch sử, địa lý, xã hội, kỹ thuật, thực vật học, nhân loại học (Robinson đi từ thiên nhiên đến văn hóa). Khoa học thì thô thiển, mà đời sống thì tinh tế, và để chỉnh sửa khoảng cách đó mà văn chương quan trọng đối với chúng ta. Mặc khác, cái kiến thức mà văn chưong huy động, nó không bao giờ trọn vẹn, văn chương không nói nó biết một điều gì, nhưng văn chương biết về một điều gì; hay đúng hơn văn chương biết rất nhiều về con người.

Sức mạnh thứ hai của văn chương là sức mạnh về thể hiện. Từ thời xưa đến những ý muốn tiền phong của thời nay, văn chương hối hả thể hiện một cái gì. Đó là hiện thực. Hiện thực không thể được thể hiện, và bởi vì con người không ngớt thể hiện hiện thực bằng những từ ngữ, cho nên có một văn học sử. Vì không thể làm trùng khít hiện thực với ngôn ngữ, không có tính song song giữa hiện thực và ngôn ngữ, nên con người từ chối không tỏ rõ lập trường, do đó mới có sự sinh sản văn chương.

Sức mạnh thứ ba của văn chương là sức mạnh về ký hiệu học, là chơi với những ký hiệu hơn là phá hủy chúng, là đặt ký hiệu trong một guồng máy của ngôn ngữ mà những khấc an toàn bị hỏng.

Barthes nói đối với ông, ký hiệu học lúc đầu là một đam mê, lúc đó, vào năm 1954, ông nghĩ rằng một khoa học về ký hiệu có thể thúc đẩy việc phê bình xã hội, vấn đề là tìm hiểu một xã hội sản sinh ra những lời nói máy móc như thế nào.

Rồi ký hiệu học di chuyển, vì lớp trí thức đã thay đổi, ít ra qua sự đoạn giao của biến cố tháng 5 năm 1968*. Một mặt các công trình nghiên cứu đã thay đổi hình ảnh của phê bình con người trong xã hội và con người có lời nói. Mặt khác, sự tăng thêm của những chống đối, của những đòi hỏi về sự giải phóng xã hội, văn hóa, nghệ thuật, giải phóng về tình dục, được phát biểu dưới hình thức của một diễn ngôn của uy quyền.

Trong bối cảnh đó, ký hiệu học trở lại với văn bản. Văn bản đi ngược lại với uy quyền. Văn bản có sức mạnh để thoát khỏi một cách bất tận lời nói tập quần. Như thế văn chương và ký hiệu học đi đến chỗ liên hợp với nhau, để môn này điều chỉnh môn kia. Một mặt, việc trở về với văn bản thời xưa hay thời hiện đại, sự trở về với việc viết bắt buộc ký hiệu học phải quan tâm đến những cái dị biệt, và ngăn cản ký hiệu học tự xem mình như một diễn ngôn phổ thông. Mặt khác, cái nhìn của ký hiệu học về Văn bản, bắt buộc phải từ chối huyền thoại mà thường khi người ta dùng để cứu văn chương khỏi lời nói tập quần.

Ký hiệu học mà Barthes đề cập đến là một ký hiệu học tiêu cực đưa đến hai hậu quả:

1/ Mặc dù ký hiệu học là một ngôn ngữ về những ngôn ngữ, ký hiệu học không thể tự nó là một siêu ngôn ngữ.

2/ Ký hiệu học có một tương quan với khoa học, nhưng không phải là một ngành học, chỉ là một tương quan trên dưới: ký hiệu học có thể phụ giúp một số khoa học nào đó. Cái phần của ký hiệu học phát triển mạnh là sự phân tích truyện kể có thể giúp ích cho sử học, cho dân tộc học, cho ngành phê bình văn bản. Nói một cách khác, ký hiệu học không phải là một lưới đọc hiện thực, nó không cho phép nắm bắt trực tiếp hiện thực. Do đó ký hiệu học không có vai trò thay thế một ngành học nào.

Ký hiệu học tiêu cực đó là một ký hiệu học tích cực: nó mở ra ngoài cái chết, nó không phải là sự phá hoại ký hiệu, nó hướng về ký hiệu, nhận lấy ký hiệu, giải thích ký hiệu.

Tóm lại nhà ký hiệu học là một nghệ sĩ, chơi với ký hiệu như một thứ đánh lừa có ý thức mà nhà nghệ sĩ tận hưởng. Nhà ký hiệu học thấy ký hiệu hiện ra tức thì, hiển nhiên, vì thế ký hiệu học không phải là một khoa chú giải văn bản: ký hiệu học miêu tả đúng hơn là phanh phui. Những đối tượng ưa thích của ký hiệu học là những văn bản của Tưởng tượng (viết hoa): những truyện kể, những hình ảnh, chân dung, những phát biểu, những biệt ngữ, những cấu trúc.

Cả một chương trình giảng dạy mênh mông, để nhà ký hiệu học Roland Barthes tiếp tục đi tìm cái thú đọc văn bản và khám phá cái đẹp của năng biểu. Nhưng việc giảng dạy chỉ kéo dài được ba năm, từ 1977 đến 1980, năm Roland Barthes mất.

Tài liệu tham khảo:

– Roland Barthes, Le degré zéro de l’écriture, Nxb Le Seuil, 1953 và 1972.

– Roland Barthes, Mythologies, Nxb Le Seuil, 1957.

– Roland Barthes, L’Aventure sémiologique, NXB Le Seuil, 1985.

– Roland Barthes, Leçon inaugurale de la chaire de sémiologie littéraire du Collège de France, Nxb Le Seuil, 1978.

– Franck Évrard, Éric Tenet, Roland Barthes, Collection Référence, Nxb Bertrand Lacoste, 1996.


* Biến cố tháng 5 năm 1968 đã gây một cuộc cách mạng văn hóa, xã hội ở Pháp.

Comments are closed.