Lê Học Lãnh Vân
Mấy bữa trước, chị Phạm Chi Lan biểu tôi tới dự buổi tọa đàm về hai quyển sách của Việt Phương, Thơ Việt Phương và Suy Nghĩ về Ngày Mai, tổ chức ngày Chủ Nhật, 10/12/2023.
Thơ Việt Phương thì nhiều người đã đọc, đã thích, đã luận bình. Phần tôi, tôi nhận thấy rất nhiều bài thơ của Việt Phương gợi cho mình những câu hỏi, những cảm nhận, những suy nghĩ… Và, với tôi, ấy mới là thơ. Mới dẫn dắt các suy nghĩ bằng so sánh, bằng gợi mở theo con đường gợi hình, gợi thanh, động tới tình yêu nghệ thuật và/hay tình cảm con người… Chứ nếu chỉ lập luận thôi thì viết xã luận cho rồi!
Trong khi nghe chị Phạm Chi Lan nói, nói rất có lý, có tình, mạch lạc với nhiều tính thuyết phục về tầm vóc và tình cảm của ông Việt Phương với đất nước, con người, tôi lật tình cờ tuyển tập thơ Việt Phương. Và gặp bài thơ dưới đây.
GIÓ
Vừa rơi một chiếc lá đa
Càng xa xôi lắm, càng tha thiết nhiều…
Có gì mà gió phiêu diêu
Một liều ba bảy cũng liều, gió ơi
Chừng như đã quá mất rồi
Chừng như chưa đến được nơi cuối cùng
Chập chờn ở dưới lòng thung
Một đàn bướm mở vòng cung gọi mời
Lên thung để xuống được trời
Gốc đa chú Cuội vẫn ngồi giữ trăng
Việt Phương
Cũng như nhiều bài thơ khác của ông, cả những bài thơ đậm tính luận đề, thơ Việt Phương luôn mang tình cảm, thân phận, nỗi lòng… Có phải lòng ta rung lên khi đọc bốn câu mở đầu:
Vừa rơi một chiếc lá đa
Càng xa xôi lắm, càng tha thiết nhiều…
Có gì mà gió phiêu diêu
Một liều ba bảy cũng liều, gió ơi
Bốn câu ấy, có thể có một nguyên ủy riêng tư nào đó, nhưng với người đọc là tôi, cố ý không muốn biết nguyên ủy nào, tôi có cảm nhận riêng mình thấy rất thú vị. Xin được trình bày…
Lá đa là chiếc lá được văn học nghệ thuật dùng để che một cái gì đó cấm kỵ. Ca dao Việt Nam lại gắn lá đa với cái vật cấm kỵ có màu đen như màu mõm chó. Lá đa đã vừa rơi…
Chiếc lá đa ấy một thời xa xôi từng rất thân thiết. Nỗi thân thiết rất máu thịt, rất tóc da, nên bây giờ khi nhìn chiếc lá rơi tác giả cảm thấy cả nỗi lòng, cả một thời quá khứ rơi theo: “Càng xa xôi lắm, càng tha thiết nhiều”.
Nhưng, tại sao “Một liều ba bảy cũng liều, gió ơi”? Từ giã một chiếc lá của quá khứ tại sao phải liều, như đứa trẻ ngày xưa sợ “chơi diều đứt dây”? Vật quý nhất của đứa trẻ trên khung trời của nó là con diều, vật quý nhất trên khung trời của tác giả là gì?
Chừng như đã quá mất rồi
Chừng như chưa đến được nơi cuối cùng
Chập chờn ở dưới lòng thung
Một đàn bướm mở vòng cung gọi mời
Mất nhiều quá rồi mà vẫn chưa tới được nơi cuối cùng! Hai chữ “chừng như” giúp câu thơ nhẹ hơn, mềm hơn, chứa nhiều tâm sự hơn. Đang chìm trong tâm sự ấy, có phải nhà thơ ngước nhìn ra xa, đàn bướm, ôi đàn bướm bay rợp trời cả bầu trời bao dung, mới mẻ, chân tình…
Câu chót đọng lại và mở ra
Gốc đa chú Cuội vẫn ngồi giữ trăng
Câu ấy khiến ta nhớ “thằng cuội già ôm một mối mơ” trong bài Thằng Cuội của Lê Thương viết năm 1953.
Trăng được “chú Cuội vẫn ngồi giữ” là trăng nào? Vầng trăng thực trên bầu trời hay trăng của thời “trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ” trong một bài thơ khác của tác giả?
Ngày 10 tháng 12 năm 2023