Nguyễn Hùng Vĩ
Việc học ngoại ngữ rồi giao tiếp có khi thành buồn cười đã để lại nhiều giai thoại ở bất cứ quốc gia nào. Nhưng ngay cả ở trong từ điển, một loại sách công cụ khả tín, chuyện giải thích sai nghĩa của từ và những hệ lụy từ đó cũng không phải là hiếm. Có những hiện tượng, nhiều nhà khoa học khi sử dụng từ điển cổ mà không có xét đoán, đã nhẹ dạ dùng làm cứ liệu những cái sai đó, thậm chí viết bài giải thích cái sai thành cái đúng, kéo theo sự sai lầm cả mảng, cả hệ thống, làm ảnh hưởng đến kiến thức cộng đồng. Chúng tôi sẽ dành một bài viết khác để thống kê những ý kiến đó. Còn trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập một ví dụ nhỏ nhưng thú vị, liên quan đến lĩnh vực văn học dân gian: đó là hai chữ THẰNG CUỘI.
Năm 1937, Gustave Hue, giáo sĩ người nước ngoài, trong Tự điển Việt-Hoa-Pháp, mục CUỘI viết: “3. Echo: Nga cuội: écho de Hằng Nga, murmure; Tố cuội: écho de Tố Nga, retentir; thằng cuội: Lécho. Cuội. Ph: Nói theo như thằng cuội: repeater ce quon entend dire, comme lecho”
Năm 1934, Georges Cordier, người Pháp, trong Dictionnaire Francais – Annamits, ở mục Écho viết: “Écho: n.m1. Phản ưởng (thanh), hồi thanh, tiếng vang, tiếng cuội, tiếng dội”.
Năm 1898, J.F.M. Génibrel, người Pháp, trong Ditionnaire Annamite-Francais, ở mục CUỘI viết: “Cuội: 1. Écho,m. Thằng cuội, [ảnh hưởng], Écho. Tố cuội, Lécho répète. Résonner, Retentir, n. Nghe tố cuội, On entend lécho qui répète. On entend resoner retentir. Nga cuội, Faible écho. Murmure,m. Murmurer, n. Résonner faiblement. Nói theo như thằng cuội, Ré pefter comme un écho ce que l on entend dire. Hằng nga cuội, Murmurer sans cesse”.
Năm 1895, Huỳnh-Tịnh Paulus Của, người Việt, trong Đại nam quấc âm tự vị, mục Cuội viết: “Cuội. n. Tiếng dội, tiếng nhái lại. Thằng cuội. id.”.
Năm 1886, P.J.B. Trương Vĩnh Ký, người Việt, trong Petit Ditionnaire Annamite-Francais, mục CUỘI viết: “CUỘI.Écho, M. Thằng cuội. Écho. [ảnh hưởng]”.
Năm 1884, P.J.B. Trương Vĩnh Ký, người Việt, trong Petit Ditionnnaire Francais Annamite mục É CHO, ông cũng viết: “Écho: s.m. Tiếng dội (ảnh hưởng c.). Cuội (Tiếng vọng T.); Thằng cuội”.
Năm 1838, J.L. Taberd, người Pháp, trong Dictionarium Anamitico-Latinum, ở mục CUỘI viết:” [ ] Cuội, echo. Thằng cuội, id.”.
Năm 1772-1773, Pierre Pigneaux de Béhaine (Bá đa lộc Bỉ Nhu), người Pháp, trong Dictionarium Anamitico Latinum, ở mục CUỘI viết: “ [ ]Cuội. Thằng cuội. Echo”.
Từ điển Việt-Bồ-La của A. de Rhodes làm năm 1651 có mục “cuội” nhưng mục này được hướng dẫn là xem mục THÀNG QUỘI và giải thích khá hợp lí là “Người có nhiều chuyện biến ngôn được thuật về họ. Nói cuội: Nói dối; bởi vì người được gọi là, quội, là kẻ đặc biệt tạo ra những sự dối trá” (Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính dịch).
Chung quy lại, với 8 cuốn từ điển trên, 6 tác giả người nước ngoài và 2 tác giả người Việt, từ THẰNG CUỘI được chuyển nghĩa hoặc giải nghĩa là tiếng vang, tiếng vọng, hồi âm, phản hưởng, ảnh hưởng. Có thật như vậy không?. Với tư cách là người bản ngữ, chúng tôi thấy từ này không bao giờ mang nghĩa đó. Các từ điển tiếng Việt hiện đại bắt đầu từ Việt Nam tân từ điển của Thanh Nghị (1942)cũng không bao giờ chú thích nghĩa như vậy. Là nghĩa cổ chăng?. Khảo sát kho tàng văn Nôm cũng như các từ điển chữ Nôm, chúng tôi cũng chưa bao giờ gặp một nghĩa tương tự trong bất cứ ngữ cảnh nào. Vậy rõ ràng đây là một cách chú nghĩa sai tiếng Việt. Cái sai này có một diễn tiến ngày càng sai hơn. Cái sự sai này bắt đầu từ cuốn từ điển của Bá đa lộc năm 1772-1773, sau đó được Taberd dịch sai theo và từ đó cứ nối cái sai cho đến Gustave Hue 1937. Với Bá đa lộc và Taberd, cuội hay thằng cuội mới đơn giản là tiếng vọng, tiếng vang. Đến Trương Vĩnh Ký đã thêm nghĩa ảnh thêm nghĩa ảnh hưởng (hưởng là vang, ảnh là bóng). Huỳnh Tịnh Paulus Của thêm nghĩa là tiếng nhái lại. Đến Génibrel thêm một ngữ liệu sai là Nga cuội với sự giải nghĩa là tiếng bịa đặt. Trong tiếng Việt có Hằng nga, chú Cuội chứ không có kết cấu nga cuội. Đây là kết cấu tác giả từ điển tự lắp ghép theo ý mình. Ngữ liệu Tố cuộicũng vậy. Có tố nga, có thằng Cuội nhưng không thể có tố cuội. Sự sai này kéo theo cái sự sai của G. Hue như một tất yếu khi giáo sĩ này giải thích Nga cuội là tiếng vọng của Hằng nga và Tố cuội là tiếng vọng của Tố nga. Đó là một thế kỉ rưỡi nối nhau của sự sai lầm.
Giải thích vấn đề này như thế nào? Tại sao lại sai?
Sự sai rõ ràng bắt đầu từ Bá đa lộc năm 1772. Vì giáo sĩ không để lại tư liệu các ngữ liệu khi làm từ điển cho nên chúng tôi chỉ có thể suy đoán. Nhưng chúng tôi tin suy đoán của mình là hợp lí vì bản thân cũng đã từng sai lầm nhiều khi ghi âm kí tự quốc ngữ các phương ngữ cũng như tiếng các dân tộc Tày, Thái, Mường, Khmer, Nguồn… trong hành trình điền dã của mình. Chúng ta tưởng tượng khi Bá đa lộc nghe người Việt nói “thằng cuội”, ông sẽ hỏi cộng tác viên của mình: “Thằng cuội là gì?”. Lúc đó cộng tác viên sẽ có nhiều cách diễn đạt cho ông hiểu. Họ có thể kể truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích về thằng cuội, sự tích chị hằng chú cuội; họ có thể nói tục ngữ “Bóng giăng thằng cuội” hoặc hát: “ Thằng cuội ngồi gốc cây đa / Thả trâu ăn lúa van [kêu] cha ời ời…”. “Vậy van cha ời ời là gì?”. Cộng tác viên có thể diễn đạt như là một tiếng vang xa: “Ời… ời…”. Và thế là Bá đa lộc ghi chú luôn: Echo (tiếng vọng). Tuy nhiên, trong tâm thức dân gian, Cuội là gắn với ánh trăng, với chị Hằng, với nói dối, với Tố Nga và chính những điều đó đã dẫn Trương Vĩnh Ký đến chú giải là ảnh hưởng: vừa có yếu tốVANG vừa có yếu tố BÓNG. Các từ điển đã nói tiếp tục cái sai này, kể cả việc tự tạo ra ngữ liệu như chúng tôi vừa nói.
Trong văn hoc dân gian người Việt, thằng Cuội được kể bằng hai type truyện cơ bản: type giải thích thằng Cuội trong mặt trăng và truyện thằng Cuội nói dối.
Truyện Cây thuốc cải tử hoàn sinh hay là sự tích thằng Cuội cung trăng được Nguyễn Đổng Chi kể trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Theo Nguyễn Đổng Chi, “truyện Thằng Cuội cung trăng của ta còn giống với đề tài thần thoại cung trăng của nhiều dân tộc, trong đó cũng có vị thuốc trường sinh bất tử và hình ảnh bay lên mặt trăng”. Ông đã kể ra các dị bản Trung Quốc (gần gũi nhất về cốt truyện) Ấn Độ, Kinh Phật Cham pa, Ban a, Tày, Hơ rê, Inđônêxia…
Truyện Nói dối như Cuội kể về một nhân vật có tài nói dối mà ai cũng tin là thật. Loại truyện này có tính phổ biến toàn thế giới và ngay trong mỗi dân tộc, số lượng dị bản cũng hết sức phong phú.
Thành ngữ tục ngữ người Kinh có nói nhăng nói Cuội, nói giăng nói Cuội, nói dối như Cuội…
Kho tàng ca dao có đồng dao về Cuội như:
Ông giăng sáng ngời / Có cây đa to / Có thằng Cuội già / Mang một mối lo / Cuội ơi ta bảo Cuội nghe / Ở trên trăng mãi làm chi / Đó không có nhà / Gió bay muôn phương / Nhắn hỏi ông trời / Cho mượn cái thang…
Bài phổ biến hơn cả là: Thằng Cuội ngồi gốc cây đa / Thả trâu ăn lúa van cha ời ời / Cha mi cắt cỏ trên trời / Mẹ mi cưỡi ngựa đi mời quan viên / Ông thời cầm bút cầm nghiên / Ông thời cầm tiền đi chuốc lá đa…
Về ngôn ngữ dân gian chúng tôi cho rằng thằng Cuội gốc đa có liên quan đến từ CỐI (có bộ mộc) Hán Việt nghĩa là cây cối rồi âm Nôm CỘI có nghĩa là gốc cây. Khách đến cội cây ta sẽ ngủ – Nguyễn Trãi. Còn thằng Cuội nói dốicó liên quan đến chữ QUẢI (có bộ tài gẩy) tiếng Hán đọc theo âm Hán Việt và nghĩa giải thích như Thiều Chửu là kẻ mìn, như Đào Duy Anh là lừa dối. Trong trường hợp này, CỘI và CUỘI đã hợp nhất về ngữ âm và mang cả hai nghĩa được tự sự dân gian kể lại.
Còn cuội trong đá cuội lại là một gốc tích khác, chúng tôi sẽ nói ở dịp khác.
Kết luận: Không như một số trường hợp sai lầm khác, trường hợp thằng cuội trong các từ điển cổ này này quá đặc dị nên các nhà làm từ điển hiện đại của chúng ta đã có thể phát hiện và không học theo cái sai cũng như không viết bài tìm cách bảo vệ nó như các trường hợp sinh thì, tạn, nước đã tạn cố… đã từng diễn ra.
Sử dụng tài liệu từ điển cổ, chúng ta cần xét đoán cẩn thận khi cần trích dẫn hoặc cần lấy cứ liệu để nghiên cứu. Không nên tin vào nó như kinh thánh vậy.
Hà Nội 27-3-2011.
Tài liệu tham khảo.
– Các từ điển mà chúng tôi đã nêu rõ trong bài.
– Nguyễn Đổng Chi: Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Nxb Giáo dục. HN 2000.
– Nguyễn Xuân Kinh – Phan Đăng Nhật (Chủ biên): Kho tàng ca dao người Việt. Nxb Văn hóa Thông tin. HN 2001.
– Tư liệu điền dã – Chép tay.
Tác giả gửi Văn Việt.