Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng (35)

Thụy Khuê

Ngày Nay tiểu thuyết

Nhất Linh

Ba tác phẩm lớn của Nhất Linh: Lạnh lùng, Đôi bạn Bướm trắng mang ba sắc thái hoàn toàn khác nhau, đều in trên Ngày Nay. Trước hết là tiểu thuyết Lạnh lùng.

clip_image002

Lạnh lùng, Ngày Nay số 16

Lạnh lùng

Lạnh lùng đăng trên Ngày Nay từ số 16 (12-7-36)[1] mở đầu cho giai đoạn mới của Tự Lực văn đoàn sau khi Phong Hóa bị đóng cửa, là tác phẩm quan trọng mang giá trị tiên phong: lần đầu tiên đời sống thể xác của người phụ nữ được đưa vào tiểu thuyết.

Lạnh lùng viết về một người đàn bà góa trẻ không đi bước nữa để giữ trọn đạo tiết hạnh khả phong. Lạnh lùng đi sâu vào lục phủ ngũ tạng Nhung, tìm hiểu tại sao nàng không thể thoát ra ngoài nếp đạo đức giả dối cổ điển, để sống với chính mình, với đời sống thể xác của mình.

Lạnh lùng không lên án trực tiếp chế độ cũ một cách triệt để như Đoạn tuyệt, mà tìm cách phân tích tại sao Nhung, một "nạn nhân" có học, lại hành động như thế này mà không làm như thế khác.

Nếu Đoạn tuyệt phân chia rạch ròi ranh giới giữa cái xấu (gia đình chồng) và cái tốt, cái mới (của Loan) thì trong Lạnh lùng, mọi việc phức tạp hơn nhiều: Nhung được mẹ chồng kính trọng và chiều chuộng, nàng quyết định ở lại "thủ tiết thờ chồng" sau những suy nghĩ và tính toán sâu sắc.

Trước hết, sự xâu xé ở đây không trực tiếp giữa cái cũ và cái mới, giữa mẹ chồng và nàng dâu, mà là sự giày vò trong tâm hồn Nhung: nàng không có đủ cam đảm và quyết tâm để rời bỏ những lợi thế mà nàng đang được hưởng: nức tiếng khen tiết hạnh, gia đình được thơm lây, và một cuộc sống giàu sang phú quý, bảo đảm an toàn suốt đời. Nếu đi theo Nghiã, nàng sẽ chìm vào cuộc sống nghèo nàn, sóng gió, không tương lai. Vậy sự lựa chọn của Nhung có tính cách vụ lợi hơn là cao quý: nàng không bỏ được cuộc sống an nhàn để tự lập, vì nàng không được giáo dục bình đẳng, không có vốn riêng, đời nàng chỉ như cây tầm gửi sống với mẹ, rồi mẹ chồng. Cả một thế hệ phụ nữ "con nhà gia giáo" đã lớn lên như thế, trở thành nô lệ mà không biết, dù có học, nhưng đã bị nhồi sọ bởi thứ giáo dục "kén chồng" có bằng cấp, ra làm quan, để được "nương tựa" suốt đời. Không phải chỉ ở Việt Nam mà cả bên Âu châu, thời trước cũng vậy.

Ở đây, Nhất Linh không đưa ra một nạn nhân mà trình bày một nhân vật có suy nghĩ, nhưng vẫn không tự vượt khỏi thứ trật tự trưởng giả, để sống đời tự lập.

Lạnh lùng còn là tiểu thuyết đầu tiên thám hiểm vùng nội tâm của một người, trước cả truyện Cái Ve của Khái Hưng. [Kỳ trước chúng tôi coi Cái Ve là truyện đầu tiên, nay xem lại ngày in, thì Cái Ve đăng trên Ngày Nay từ số 23 (30-8-36) đến số 26 (20-9-36), tức là sau Lạnh lùng].

Lạnh lùng mở đầu cho thể loại tiểu thuyết tư tưởng của Tự Lực văn đoàn: Nhất Linh đào sâu vào tâm hồn Nhung, phân tích những ý nghĩ của nàng. Điều này chưa mấy ai làm trong tiểu thuyết lúc bấy giờ, ngoài Nhất Linh, Khái Hưng, và Thạch Lam.

Lạnh lùng là một bi kịch kín xoay quanh người phụ nữ goá: Nhung chưa từng được thoả mãn trong cuộc sống tình dục ngắn ngủi với người chồng chết đã ba năm. Nghiã, một người đàn ông lạ đến kèm trẻ trong gia đình, Nghiã thôi miên Nhung: ánh mắt đê mê chiếu vào hố thẳm nhục tình đã bị che giấu, phủ lấp trong nàng, làm bùng lên như giếng dầu khoan trúng mạch. Đêm hôm ấy, chuyện gì đã xảy ra? Và đây là những dòng đầu tiên của Lạnh lùng:

"Nhung áp gối bông vào mặt để cho làn vải êm mát làm dịu đôi má nóng bừng. Nằm yên được một lúc, nàng lại vật mình xoay người, hai tay ôm ghì chiếc gối vào ngực, rồi mở to mắt nhìn ra phía có ánh trăng lọt vào, lẩn thẩn đếm từng bóng lá cây lay động trên bức màn the. Một cơn gió thổi qua rào rào trong rặng tre sau nhà. Nhung thở dài:

– Không biết đêm nay mình làm sao thế này?" (Ngày Nay số 16)

Đó là màn 1: Nhung loay hoay, trăn trở trên giường trong nhiều vị trí khác nhau, vô hiệu, tất cả đều không giúp nàng thoát khủng hoảng. Nhung quay sang quạt cho con:

"Nét mặt ngây thơ của đứa bé ngủ một cách bình tĩnh dưới bóng trăng làm cho Nhung tự thẹn về những ý nghĩ bất chính rộn rập [dồn dập] trong tâm trí nàng lúc đó. Những ý nghĩ ấy, nàng thấy mang mang là bất chính, nhưng nàng không biết tại sao lại bất chính, và cũng không muốn tìm xem cho rõ rệt là những ý nghĩ gì." (Ngày Nay số16)

Đó là màn 2: Nhung có những ý nghĩ "bất chính" trong đầu (Nhung tưởng là bất chính) và nàng cũng không hiểu tại sao lại bất chính và không muốn "đào sâu". Nhung đứng lên, nằm xuống, vẫn không biết tại sao mình lại như thế:

"Nhung lại nằm xuống và vô tình quen tay với chiếc gối ôm vào lòng. Nằm được một lúc, tự nhiên nàng hất cái gối ra, vứt mạnh vào góc màn, rồi ngồi nhỏm dậy, bước xuống đất có vẻ bực tức. Thấy trong người nóng bừng mà cơn gió mát ban đêm cũng không làm bớt được." (Ngày Nay số 16)

Đó là màn 3: Nhung ôm gối vào lòng: thói quen của kẻ ngủ một mình; nhưng lần này Nhung thấy kỳ, quẳng gối đi, chắc vì cho hành động này là "bất chính", nàng đứng phắt dậy lấy quần áo ra cạnh bể nước:

"Nàng cởi áo cánh rồi vội vàng lấy gáo múc đầy thau nước, rội [giội] mạnh từ cổ xuống chân (…) Dưới bóng trăng, hai cánh tay tròn trĩnh của nàng đã trắng lại càng trắng hơn; mấy dòng nước từ từ chảy từ vai xuống bàn tay lấp loáng ánh sáng. Một cơn gió thổi qua mơn man cánh tay như một cái hôn nhẹ nhàng. Nhung rùng mình, nhắm mắt…" (Ngày Nay số 16)

Đó là màn 4: Nhung đã tìm được cách làm cho "hạ hỏa". Nàng tưởng bí mật của mình không ai biết, nào ngờ:

"Bà Án đứng bên kia bể nước, hỏi:

– Con tắm đấy à? (…)

– Thôi, con liệu tắm mau mà vào, kẻo không cảm. Ai lại một hai giờ đêm còn tắm như thế." (Ngày Nay số 16).

Và đó là màn 5. Hồi kết, nhưng cũng là màn mở đầu cho bi kịch của Nhung.

Nhất Linh đem bi kịch này ra ánh sáng, qua năm hồi trên đây:

Màn 1: Người con gái – vâng Nhung dù góa – vẫn chỉ là cô gái ngoài hai mươi tuổi, bị cái nhìn đắm đuối của một chàng trai gợi lên những đòi hỏi xác thịt đã bị chôn vùi từ ba năm nay. Thứ cảm giác nhục thể bị giấu kín bỗng sống lại mạnh mẽ, bùng lên, làm đôi má nóng bừng, làm Nhung phải vật mình xoay người, hai tay ôm ghì chiếc gối vào ngực. Tất cả những biến đổi nhục độ trong người, Nhung cảm thấy, nhưng không hiểu tại sao mình lại "như vậy".

Màn 2: Nhung nhìn đứa con ngây thơ ngủ bên mình, nó là bùa hộ mệnh của nàng, là kim chỉ nam dẫn đường, và đêm nay, nó bắt Nhung nhìn ra "tội lỗi" của mình, đồng thời nó cũng là bức rào cản, không cho Nhung tìm đến hạnh phúc, không cho Nhung thoả mãn dục vọng.

Màn 3: Nhung nằm lại xuống giường để trấn tĩnh "nguồn cơn", nhưng không được: Chiếc gối mọi hôm là bửu bối, thay thế cho sự cọ xát êm đềm, giúp nàng ngăn chặn những động tác cấm kỵ, hôm nay trở nên trơ trẽn, bất lực, Nhung vứt nó đi, cố tìm một giải pháp "hữu hiệu" hơn.

Màn 4: Nhung cởi áo, dội nước lên tấm thân trần: nàng tắm. Nhưng "cái tắm" đêm nay thực mỉa mai và đa nghiã: nàng muốn dội cho trôi lớp "tội lỗi" trên mình, hay nàng chỉ muốn làm "hạ nhiệt", hoặc ngược lại, nàng mượn mấy dòng nước từ từ chảy từ vai xuống… thay bàn tay ôm ấp và nhờ làn gió mơn trớn giúp nàng thoả mãn phần còn lại của nhục cảm nồng nàn, không ai biết, không ai hay: "Một cơn gió thổi qua mơn man cánh tay như một cái hôn nhẹ nhàng. Nhung rùng mình, nhắm mắt…"

Màn 5: Nhưng những bí mật của nàng bị đôi mắt bà mẹ chồng đứng bên kia bể nước theo dõi: Bà vô tình đứng đó hay bà rình mò con dâu đã lâu? Một, hai giờ đêm bà còn thức làm gì? Giọng bà sao êm ái và âu yếm thế? Tất cả những "ân tình" này, phải chăng chỉ là một đòn cao, kéo Nhung ở lại, tiếp tục cuộc sống lao tù, mãn kiếp?

Nhung như kẻ đâm lao thì phải theo lao: nàng đã cố giấu giếm những đòi hỏi mà nền giáo dục dạy là "bất chính", lại có bà mẹ chồng tử tế, yêu nàng như con ruột (thật chăng?); nhưng áp lực thể xác vẫn mạnh hơn, Nhung không thể cưỡng nổi, vì vậy nàng phải sống trong che đậy, dối trá, trong những cuộc hẹn hò với Nghiã, để rồi cuối cùng, vẫn phải đầu hàng, "cải tà quy chính", trở về với con đường tiết hạnh để được khả phong.

Ai cũng có thể hiểu rằng: con người, ngoài tư tưởng còn có thân xác là của riêng mình. Thân xác mình muốn "cho" ai thì cho, đó là quyền tuyệt đối, bởi vì thân xác là sở hữu tuyệt đối. Nhận thức sâu hơn, ta còn thấy: đôi khi thân xác làm chủ tư tưởng, nếu không thừa nhận ai, thì tinh thần cũng phải chịu. Nhưng quyền này, cũng vẫn chỉ có người đàn ông được hưởng: Khắp nơi trên thế giới đều như vậy cả.

Bấy giờ là năm 1936, ở nước ta có bao nhiêu đàn bà goá phải ở vậy nuôi con? Có bao nhiêu đàn bà, không goá, bị cha mẹ bắt buộc, phải chịu đựng một thân xác mà họ kinh tởm suốt đời?

Chỉ nói riêng đến sự thủ tiết không thôi, có bao giờ chúng ta nhìn nhận sự góa bụa như một tình trạng – liệt âm cưỡng bách – tôi xin mạn phép gọi tên như thế, trong một xã hội mà người đàn ông – dù vợ chưa chết – vẫn có thể cưới dăm ba vợ khác một cách công khai, việc này lại còn được coi như dấu ấn của sự giàu có, sang trọng, thành công.

Bao nhiêu kỷ nguyên đã trôi qua, bao nhiêu thế hệ đã lớn lên bên cạnh những người mẹ, người cô, người dì, bị thiến sống như thế, mà không ai để ý, coi như chuyện bình thường, bổn phận.

Khái Hưng, Nhất Linh là hai nhà văn đầu tiên đem cuộc sống thân xác của người phụ nữ vào tiểu thuyết, từ Đời mưa gió, hai ông đã đặt vấn đề: người phụ nữ như Tuyết, cô gái giang hồ, có quyền tự do trao thân xác mình cho ai, tùy ý, hay không?

Rồi Nhất Linh tiếp tục mổ xẻ những đòi hỏi nhục dục của phụ nữ trong Lạnh lùng, ở đây, ông chiếu ống kính vào những người đàn bà bị cướp đi một nửa đời sống – tức là những người đàn bà goá bị cấm sinh hoạt thể xác – họ cứ khô đi, đét dần, không ai biết, không ai hay, đến chết. Là nhà văn đầu tiên để ý đến họ, Nhất Linh cũng là người đầu tiên mô tả sự vận hành của nhục cảm trong đời sống phụ nữ một cách công khai, sâu sắc và tế nhị.

Trương Tửu trong bài Kết án Đời mưa gió, viết rằng: Khái Hưng và Nhất Linh thi vị hoá đời làm đĩ[2], ông còn phê bình Lạnh lùng:

"Sự thành công của tác giả truyện Lạnh lùng đặt ra một vấn đề gay go, cần đem ra tranh luận. Vấn đề ấy là: quan hệ của văn chương với đạo đức xã hội.

"Một văn phẩm hoàn toàn về nghệ thuật mà có ảnh hưởng tai hại đến cá nhân và xã hội thì ta nên hoan hô hay bài trừ" Tôi có thể kết án Lạnh lùng của ông Nhất Linh định phá hoại sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.

Tất cả những bà, những cô quan tâm đến vấn đề phụ nữ nên kết án quyển Lạnh lùng ở trường hợp này, lãnh đạm hay tha thứ là một tội ác"[3]

Đây không còn là lời nhà phê bình nữa mà là nhát chém đao phủ. Lời kêu gào của Trương Tửu đả phá Đời mưa gióLạnh lùng, làm rạng lên tính chất lạc hậu của nhà phê bình mác- xít, tân tiến nhất thời bấy giờ.

 

clip_image004

Hai buổi chiều vàng Thế rồi một buổi chiều

Hai buổi chiều vàng đăng trên Ngày Nay từ số 19 (2-8-36) đến số 22 (23-8-36). Năm sau, Đời Nay in thành sách[4], là tác phẩm thứ hai Nhất Linh nói tới cách mạng – sau Thế rồi một buổi chiều được mở đầu bằng lời bố cáo của hội đồng Đề Hình xử mấy vụ hội kín, đại ý:

"Bị cáo nhân Nguyễn Văn Lộc, một đảng viên quan trọng âm mưu phá rối cuộc trị an…

Nguyễn Văn Lộc quán ở Vĩnh Yên!"

Như thể Nhất Linh muốn trực tiếp giới thiệu Đỗ Đình Đạo, sau này sẽ trở thành yếu nhân của Việt Nam Quốc Dân Đảng: Đạo quê quán ở Vĩnh Yên và gia trang Đỗ Đình sẽ là "cái nôi" của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Hai buổi chiều vàng chứng tỏ từ năm 1936 hay trước đó, "họ" đã họp nhau trên mảnh đất Vĩnh Yên.

Nhưng Lộc không phải là nhân vật chính và cách mạng cũng không giữ vai trò chủ yếu.

Chủ yếu trong Hai buổi chiều vàng là tình yêu, tình yêu lãng mạn: tình tuyệt vọng. Mối tình thầm lặng, không dám ngỏ, bởi Triết tưởng Thoa đã hiểu hết rồi. Nhưng Triết lầm, Thoa không hiểu, Thoa lấy Lộc. Triết vẫn tiếp tục thầm yêu. Rồi Lộc bị kết án 20 năm tù. Triết giúp Thoa trong thầm lặng, vẫn không dám ngỏ lời, vì tưởng Thoa… đã hiểu. Ba năm sau Lộc được ân xá, Triết báo "tin mừng" cho Thoa.

Hai buổi chiều vàng là tiền thân của Đôi bạn và hậu thân của Thế rồi một buổi chiều (phụ bản Phong Hóa số 91, 30-3-34). Bởi trong ba tác phẩm này, yếu tố cách mạng đều được giao hòa với một mối tình không ngỏ.

Thế rồi một buổi chiều là truyện ngắn đầu tiên, kín đáo nhắc tới cách mạng, đánh dấu Nhất Linh thoát khỏi lối kể chuyện cổ điển để bước vào lối viết hiện đại: Nhân vật Dũng xuất hiện lần đầu. Dũng đi kháng chiến, bị lùng bắt, cùng đường, chạy vào một chùa sư nữ, được ni cô giấu trên gác khánh. Mối tình giữa ni cô và Dũng không thể ngỏ, nhưng mãnh liệt, bởi ngoài mối từ tâm tu hành, còn có cái gì như bạt mạng trong tình yêu ni cô, không ngăn cản nổi.

Thế rồi một buổi chiều ảnh hưởng thể văn tuyệt đẹp và mối tình chùa do Khái Hưng khai bút trong Hồn bướm mơ tiên, đồng thời xác định tình câm như một bản chất riêng của Nhất Linh, lần đầu hiện diện.

Đến Hai buổi chiều vàng, Nhất Linh đào sâu khía cạnh câm nín này, và để lộ thêm hai thủ pháp chính, đặc biệt trong nghệ thuật tiểu thuyết của ông: tả những yên lặnggiao hòa tâm hồn với vạn vật.

1- Tả những yên lặng, Nhất Linh viết:

"Vì Triết đứng gần sát nên thấy hơi thở của Thoa đưa mơn man qua má chàng. Lúc cho con chim vào lồng, Triết có ý để đầu chàng chạm vào khăn Thoa. Thoa cứ đứng yên, chăm chú nhìn con chim, vờ như không để ý đến".

"Nhìn hai con mắt Thoa, chàng thấy một cách rõ ràng rằng Thoa đã hiểu tình của chàng rồi và Thoa cũng yêu chàng như chàng yêu Thoa. Hai người đã yêu nhau và đã biết như thế từ lâu rồi thì cần gì phải nói nữa. Chàng thấy sự yên lặng của hai người lúc nhìn nhau phô diễn nhiều ý hơn những lời nói nồng nàn…" (Ngày Nay số 19).

Những dòng trên đây chính là thủ pháp mô tả những yên lặng mà Nhất Linh sẽ sử dụng trong tiểu thuyết và trở thành bực thầy: với giác quan cực kỳ nhạy cảm, Nhất Linh nghe thấy những thứ tiếng không động như hơi thở, cảm thấy những ánh mắt nói gì và nhận được những đụng chạm chưa xảy ra. Nhờ sự nhạy cảm phi thường này, Nhất Linh trở thành nhà văn nhục cảm đầu tiên trong văn học Việt, với sức hấp dẫn lạ lùng, qua cách tả nhục cảnh gián tiếp, không cần sự động chạm thể xác, như màn Trương vụng trộm úp mặt vào chiếc áo cánh của Thu, không ngờ Thu trông thấy, trong Bướm trắng.

Tất cả những nhục cảm gián tiếp này, sẽ trở thành nét đặc thù của Nhất Linh, duy nhất và độc đáo, bởi vì Khái Hưng rất nho gia, không đi vào những vùng gai góc như thế, Thạch Lam ngượng ngùng tránh, có lẽ chỉ Hoàng Đạo là bạo, có thể, nhưng ông bận viết chính trị, rất ít khi sáng tác văn chương.

clip_image006

Hai buổi chiều vàng, Ngày Nay số 22: Thoa cầm bó hoa Triết tặng

2- Giao hòa vạn vật và tâm hồn là thủ pháp thứ hai của Nhất Linh:

"Trời đã về chiều, một buổi chiều vàng người ta thường thấy những khi bắt đầu mùa hạ. Ánh chiều tà lướt trên áo chàng, trên bãi cỏ ngay trước cổng và nhuộm vàng những thân cau trong sân nhà Thoa. Triết ngồi yên lặng, nghe rõ tiếng mình thở. Chàng tin rằng lúc đó Thoa đương ngồi chơi mát ngoài sân mà ánh sáng buổi chiều vàng chàng đương ngắm đây, ở bên kia giậu, cũng lấp lánh trong đôi con mắt của Thoa" (Ngày Nay số 20).

Chất lãng mạn trong Hai buổi chiều vàng, đầu tiên là do cảm hứng từ những câu thơ Arvers do Khái Hưng dịch trong truyện ngắn Tình tuyệt vọng (Phong Hóa số 18, 20-10-32):

Lòng ta chôn một khối tình,

Tình trong giây phút mà thành thiên thâu

Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu,

Mà người gieo thảm như hầu không hay.

Triết yêu Thoa nhưng không nói ra. Rồi Thoa đi lấy chồng, Triết sống trong tình tuyệt vọng, lấy đó làm lẽ sống, và tự an ủi: "chàng cho ở đời chỉ có cái tình yêu như vậy là lâu bền nhất". Đó là quan niệm lãng mạn cố chấp và cũng là món ăn tinh thần của trai gái thời ấy. Nhưng giá trị Hai buổi chiều vàng không chỉ ở chỗ lãng mạn này, mà còn ở nghệ thuật vén màn lên sự thực, được Nhất Linh thực hiện trên ba chặng:

– "Nghe" thấy hơi thở của Thoa, thấy tác dụng của nó trên má Triết.

– Lột trần ý nghĩ "ám muội" của Triết: vờ làm như vô tình để đầu mình chạm vào khăn Thoa.

– Tố giác sự "đồng loã" của Thoa: vờ như không để ý đến sự cố ý của Triết.

Mối tình câm của Triết có trật tự lô-gích như thế, cho nên Triết mới tưởng Thoa "hiểu hết", vì nàng đã "phụ họa" với mình.

Vì tưởng Thoa hoàn toàn "hiểu mình", cho nên: "Triết ngồi yên lặng, nghe rõ tiếng mình thở. Chàng tin rằng lúc đó Thoa đương ngồi chơi mát ngoài sân mà ánh sáng buổi chiều vàng chàng đương ngắm đây, ở bên kia giậu, cũng lấp lánh trong đôi con mắt của Thoa".

Nhận thức này của Triết "vững" lắm, nên chàng nghe rõ tiếng mình thở, rồi Triết "thấy" cả Thoa đang ngồi chơi trong sân vườn bên kia, bèn chia cho Thoa cái ánh sáng buổi chiều vàng tuyệt diệu đang có trong lòng chàng.

Nghệ thuật Nhất Linh, ở những trang viết đẹp nhất, từ đây, sẽ là sự giao thoa như thế giữa con người và đất trời, giữa con người với nhau, qua những mộng tưởng, những ý nghĩ thầm kín, những cử chỉ vô tình mà hữu ý, những tiếng động vô âm, cực kỳ bén nhạy, chưa mấy ai đạt được.

 

clip_image008

Tối tăm bùn lầy nước đọng, Ngày Nay số 27

Tối tăm bùn lầy nước đọng

Chủ đề Tối tăm bùn lầy nước đọng được Nhất Linh khai triển hai lần:

1- Lần thứ nhất, trong truyện ngắn Tối tăm (Ngày Nay số 23, 30-8-36), Đời Nay in lại trong tập truyện Tối tăm (1936), và đổi tên là Một kiếp người:

Dậu, con nhà giàu, nhưng không được đi học vì Dậu là gái, cha mẹ nghĩ rằng "Con gái cho đi học ngày sau chỉ tổ viết thư cho giai!". Dậu "hồn nhiên sống cái đời tối tăm như cha mẹ nàng", không hiểu gì về vệ sinh thường thức: "lúc nào đầu tóc cũng rối bù, đầy cát bụi, người và áo, yếm đẵm mồ hôi, bẩn thỉu, hôi hám."

Cùng chủ đề với Dưới bóng tre xanh của Khái Hưng, in trên Ngày Nay từ số 1, nhưng Tối tăm thê thảm hơn nhiều: năm hai mươi tuổi Dậu lấy chồng, một cậu bé mười sáu, "một người cũng bẩn tương tự như nàng và óc cũng đần độn không kém gì nàng", gia đình chồng khá giả nhưng cũng dốt nát như gia đình nàng. Dậu "mới ngoài hai mươi tuổi đã thành một người đàn bà nái sề ngồi mớm cơm cho con không biết ghê tởm là gì". Rồi Dậu có thai lần thứ hai, gần đến ngày sinh, bị băng huyết, lên nhà thương Hà Nội chữa, nhưng vì hà tiện, nằm chỗ thí, không hiểu biết gì, lại sợ sệt nên không dám kêu đau. Bác sĩ đến khám quá muộn, đứa con trong bụng chết đã từ lâu. Dậu tắt thở.

Tối tăm quá đen tối, cách trình bày không tự nhiên, lời văn đôi chỗ có tính miệt thị, đồng hoá nghèo với ngu dốt và bẩn thỉu, ông đứng vị trí bề trên nhìn xuống nên bị chỉ trích cũng phải.

2- Lần thứ hai, trong truyện Tối tăm bùn lầy nước đọng của Nhất Linh và Khái Hưng[5], khi in thành sách đổi tên là Hai vẻ đẹp, hay hơn nhiều; tác giả đối chiếu hai thực tại: cảnh trong tranh của họa sĩ và cảnh bùn lầy tăm tối ngoài đời mà họa sĩ dùng làm mẫu.

Doãn là một người có đủ mọi điều kiện để sung sướng: gia đình mẹ nuôi là cụ Thượng giàu sang; chàng đậu cử nhân luật, mới đi Tây về, hiện chỉ có một sở thích: đam mê hội họa: "Những tranh của chàng gửi sang Pháp bán rất chạy, hơn một năm trời chàng bán có lẽ đến gần một vạn bạc tranh và số tiền đó, chàng đem gửi cả bà mẹ nuôi để tậu ruộng trong làng." (Ngày Nay số 27)

Một hôm đang vẽ, trời trở dông, Doãn cố vẽ thật nhanh cho xong cái mái tranh đang bị gió thổi bạt nóc, hở cả rui mè, vì sợ nay mai họ lợp lại thì không còn… mẫu nữa! Bỗng chàng thoáng thấy sự ích kỷ của mình và nhìn lại khung cảnh chung quanh:

"Mấy mảng bè rau rút màu xanh già, mùa thu rắc hoa vàng lấm tấm, lại càng rõ tăng vẻ bẩn thỉu của vũng ao tù, nước đen đầy những váng và sặc mùi bùn. Ngay bên cạnh chỗ chàng ngồi là một đống phân phủ bùn kín và những đám rác đầy ruồi, nhặng (…) Một đứa bé con trần truồng, đi ra cầu ao, bụng to và hai chân lẳng khẳng trông tựa một con nhái dựng đứng: Nét mặt Doãn chợt tươi hẳn lên: chàng vẫn thấy bức tranh của mình như thiếu cái gì, nay có màu hung của da thịt đứa bé vào, các màu khác trông hoạt động cả lên: chàng sung sướng pha màu và điểm mấy nét thật khoẻ vào bức tranh." (Ngày Nay số 27)

Sự vô tư của Doãn cũng chính là sự vô tâm đến nhẫn tâm, tàn ác, vô tình mà không biết: chàng quen nhìn cuộc sống tối tăm của dân quê như một "công cụ để làm việc", như một "cảnh mẫu", một "người mẫu", một vật không có tâm hồn. Nhưng sự vô tâm ích kỷ sẽ dần dần bị sự suy tư chiếm hữu: Doãn so sánh những mái nhà tranh lụp xụp tối tăm ở hai bên vệ đường với mái gạch đỏ tươi nhà cụ Thượng và chàng thấy những bẩn thỉu nghèo đói, đến đúng chỗ bốn bức tường cao ngọn cắm đầy vỏ chai vỡ quây quanh dinh thự của mẹ nuôi chàng là phải dừng lại. Đó là nhận thức thứ nhất.

Rồi chàng còn thấy thêm: "Những thứ ánh sáng đẹp đẽ, những màu diễm lệ mà trong mấy năm trời chàng đã tốn bao nhiêu công phu ghi được lên vải, coi đó là cái khoái độc nhất của đời chàng, nay không làm rung động lòng chàng nữa. Cùng với cái mộng của chàng, vẻ kỳ ảo của những màu trong tranh đã tan đi chỉ còn lại những hình dáng khô khan, trơ trẽn làm Doãn nhớ tới những cảnh thực tiều tụy bên ngoài" (Ngày Nay số 30). Đó là nhận thức thứ hai.

Cả hai nhận thức này chập lại cho Doãn cái nhìn chung cục:

Vòng tường cao vây quanh gia trang cụ Thượng đã chắn hết những lầm than không cho bén mảng đến cõi đời thực của chàng và gia đình mẹ nuôi. Chàng thản nhiên trước những ao tù, những vũng bùn nhầy nhụa, những đứa bé trần truồng bụng ỏng, những con nhặng thô bạo hãnh tiến… Doãn không nhìn thấy, hay chàng đã gạt chúng ra ngoài cõi biết, bởi tất cả chỉ dành cho nghệ thuật, chàng chỉ muốn làm sao đem được cái mầu màu hung của da thịt đứa bé, cái màu lý tưởng ấy vào tranh.

Sự thức tỉnh của Doãn, cực kỳ đắng cay và chua xót, hơn cả nhận thức của An, trong Gia đình[6] trước những tiếng khóc giả dối trong đám ma cha chàng, An thức tỉnh, nhận ra bộ mặt dối trá của gia đình và xã hội xung quanh.

Ở đây, Doãn nhận ra sự khác biệt giữa những bức tranh đầy mỹ thuật mà chàng lấy dân quê làm mẫu và cảnh sống tối tăm của họ làm nền. Doãn nhận thức được sự dối trá của chính mình. Doãn còn nhận diện cả sự ích kỷ của mình: "Mình chỉ cốt vẽ, muốn cho người ta ở nhà dột mãi không cho người ta lợp lại mái nhà nữa". Và cả sự tàn nhẫn: lấy màu da đứa bé tựa một con nhái dựng đứng đem vào tranh.

Sự ích kỷ này cũng là sự ích kỷ của nhiều người xa xứ, khi về thấy lũy tre xanh không còn nữa, tiếc cho cảnh đẹp nên thơ đã mất. Ở đây, Doãn đặt dấu hỏi cho nghệ thuật: nghệ thuật là gì? Nếu chỉ là sự làm đẹp một thực tại tối tăm, khốn khổ, thì không thể là việc của chàng.

Tối tăm bùn lầy nước đọng giải thích tại sao Nhất Linh đã học hơn một năm ở trường Mỹ thuật rồi bỏ, mặc dù ông vẫn yêu hội họa và gần như cả đời không bao giờ bỏ bút vẽ. Và cho ta đoán hiểu: có lẽ cuộc đời tranh đấu của Nhất Linh đã bắt đầu với tác phẩm Tối tăm bùn lầy nước đọng, cùng với sự nhận thức chung của Tự Lực văn đoàn trước thực trạng xã hội đớn đau của dân tộc mà Gia đìnhTối tăm bùn lầy nước đọng và là hai tác phẩm mở đầu.

Nhà sành tiếng Pháp Cung Giũ Nguyên trong bài Phê bình Tối tăm[7] đã khen tập truyện như "những bức tranh nhỏ do một nhà nghệ sĩ vẽ ra", nhưng ông vội ghi thêm: "Thực hơi có giọng Dabit[8] trong tập truyện "Một đoạn đời" (Trains de vies)".

Rồi ông khen truyện Hai vẻ đẹp (tức Tối tăm bùn lầy nước đọng) bằng những hàng:

"Truyện "Hai vẻ đẹp" đặt trên đầu sách, tôi thấy đặc biệt nhất. Có truyện ấy, nên mới có những truyện sau. Truyện một linh hồn băn khoăn ấy chịu ảnh hưởng của Gide nhiều lắm, của Gide tác giả cuốn Nouvelle Nourriture và tôi dám đoán chắc rằng ông Nhất Linh không viết tập truyện ngắn kia nếu ông đã không đọc tác phẩm của Gide. Nhiều đoạn trong "Hai vẻ đẹp" có cả giọng Gide một trăm phần trăm." Ông Cung Giũ Nguyên cho rằng Nhất Linh, năm 1936, đã sao chép lại cái "linh hồn băn khoăn" của André Gide trong cuốn Les nouvelles nourritures, in năm 1935, để tạo ra Doãn: Ông đã lấy điều mình phỏng đoán làm sự thực, khiến Khái Hưng phải ghi chú thích ở dưới: "Sự băn khoan ấy, Nhất Linh đã có bốn năm trước khi đọc A. Gide. A. Gide chỉ làm cho nó rõ thêm mà thôi."

Tôi viết những dòng này vì muốn nhắc lại thói xấu của một số nhà phê bình "giỏi tiếng Tây", có đầu óc lệ thuộc, cứ thấy cái gì hay là bảo chép của Pháp, kể cả của tác giả vô danh, hay sách mới ra, dường như chỉ muốn chứng tỏ sự học rộng của mình.

Vũ Ngọc Phan chắc không có ý như thế, nhưng vẫn mắc bệnh này: ông thường tìm những gì hơi giống nhà văn Âu Mỹ, rồi gán cho nhà văn Việt Nam tội sao chép lại, thí dụ, khi Khái Hưng đưa ra nhân vật trong Đồng xu, ông bảo: cử chỉ Gravoche! Khi Nguyên Hồng viết hay và bạo về gia đình mình, ông bảo đọc như văn Nga, văn Anh… Khi viết về Thạch Lam, ông cho rằng mình muốn viết truyện ngắn hay cũng khó, vì:

"Ở nước ta đã thiếu hẳn màu, thiếu hẳn hình, hẳn bóng, mà điều quan hệ là thiếu cả cái cuộc đời thâm trầm, bí ẩn và nồng nàn, cái cuộc đời về tinh thần căn cứ vào một khuôn tôn giáo cao xa hay một nền xã hội rộng rãi. Ai dám bảo người dân quê Việt Nam ta đã có một cuộc đời phiền phức như người dân quê Pháp dưới ngòi bút sáng tác của Roger Martin du Gard" (Nhà văn hiện đại, quyển V)

Tóm lại, vì cảnh nước ta không có gì, người nước ta không có "đời sống tinh thần", nên nhà văn không thể viết hay được! Những "nhận định" kiểu này đã ăn sâu vào đầu óc cả một thế hệ. Khi Nguyễn Huy Thiệp sang Pháp, một nhà báo hỏi: "Ông chịu ảnh hưởng những nhà văn Pháp và ngoại quốc nào?" Thiệp trả lời: "Guy de Maupassant, Tây du và Kinh Phật". Tôi vội ghé tai anh nói nhỏ: "Anh viết hay hơn Guy de Maupassant nhiều", và "dịch lại" câu của Thiệp thành: "Tôi có đọc Guy de Maupassant, nhưng chịu ảnh hưởng của Tây Du và Kinh Phật".

Khuynh hướng đầy mặc cảm thuộc địa này, kéo dài tới ngày nay, tạo ra một căn bệnh mới của người viết trẻ đối với văn chương: họ không tìm đọc văn chương Việt để trau dồi cách viết văn mà tôn sùng văn chương ngoại quốc qua những bản dịch đôi khi không có giá trị gì.

 

clip_image010

Loan Dũng Đôi bạn, Ngày Nay 101

Đôi bạn

Sau Tối tăm bùn lầy nước đọng, Nhất Linh không viết trên Ngày Nay trong hơn một năm, kể từ số 37 (6-12-36) kết thúc Lạnh lùng, đến số 101 (13-3-38) mở đầu Đôi bạn; thời kỳ này có lẽ vì Nhất Linh bận tổ chức chương trình dựng nhà Ánh Sáng.

Đôi bạn tiếp nối Hai buổi chiều vàng, mang hai sắc diện: tình yêu và cách mạng, nhưng sâu sắc và bao la hơn. Khi đăng trên Ngày Nay từ số 101 (13-3-38) đến số 123 (14-8-38), Đôi bạn có tên là Loan Dũng, chắc để che đậy khía cạnh cách mạng, nhưng tác phẩm vẫn có một tầm vóc cách mạng lớn, như ta sẽ thấy ở dưới.

Về khiá cạnh tình cảm, Đôi bạn cũng không thần túy là truyện tình Loan và Dũng, mà còn là tình bạn, tình đồng chí của những thanh niên bỏ gia đình đi làm cách mạng.

Để hiểu rõ nội dung cách mạng trong Đôi bạn, chúng tôi xin nhắc lại:

Thời ấy, chúng ta không có quyền tự do lập đảng, hầu hết các đảng phái cách mạng đều phải đặt trụ sở ở ngoài nước. Theo Hoàng Văn Hoan, Thanh niên cách mạng đồng chí hội (tiền thân của Dảng Cộng sản) thành lập ở Xiêm năm 1925, tại Bản Đông, một làng Việt kiều ở huyện Phi-chịt, thuộc tỉnh Phít-xa-nu-lốc miền trung nước Xiêm[9]. Theo Nhượng Tống, Nguyễn Thái Học không muốn đặt bản doanh ở ngoài nước, và khi bị truy nã, ông không chịu trốn sang Tàu, vì không muốn để các đồng chí phải đơn phương gánh vác trách nhiệm.

Đôi bạn, viết năm 1937-38, Nhất Linh đã kín đáo tả lại thực trạng cách mạng hồi đó: người yêu nước phải trốn ra ngoài, và cũng là con đường của Nhất Linh: sẽ thoát ly gia đình sang Tàu hoạt động như Dũng, Trúc và các bạn.

Về cốt truyện, Đôi bạn đi trước Đoạn tuyệt, nghiã là xảy ra trước Đoạn tuyệt, là thời kỳ Loan Dũng mới yêu nhau, Loan chưa đi lấy chồng.

Khi in thành sách, Nhất Linh bỏ tên Loan Dũng chỉ giữ tên Đôi bạn, có lẽ vì ông muốn độc giả mở rộng tầm nhìn sang một thế giới rộng hơn: đôi bạn ngoài nghiã trai gái còn là đôi bạn trai, là tình đồng chí… như Dũng Trúc, Dũng Thái, Dũng Tạo… Và trong một ẩn ý sâu hơn, có lẽ Nhất Linh muốn chiếu lên màn ảnh qua ánh sáng nghệ thuật tấm tình thiêng liêng của: Nhất Linh-Khái Hưng, Nhất Linh-Đỗ Đình Đạo, Nhất Linh-Nguyễn Gia Trí, Nhất Linh-Hoàng Đạo…

1- Nhận xét thứ nhất về Đôi bạn: tình yêu Loan Dũng:

Nhất Linh tiếp tục chủ đề tình câm với kỹ thuật mô tả những yên lặng, đã thấy trong Hai buổi chiều vàng:

"Dũng đặt mũ xuống bàn và dứng dựa vào thành ghế, hơi nghiêng người để lẩn mặt trong bóng tối. Loan biết rằng Dũng muốn được tự do nhìn lại mình; hai con mắt nàng bỗng tươi hẳn lên dưới ánh đèn và hai hàng lông mi nàng hơi rung động. Nhìn Loan, Dũng thấy rõ ý nàng muốn bằng hai con mắt lặng lẽ diễn cho chàng biết nỗi vui sướng âm thầm được trông thấy mặt chàng." (Ngày Nay số 107)

Nhưng ở đây là tình yêu hai chiều giữa hai tâm hồn đồng điệu, giao thoa trong vũ trụ âm thanh và hồi tưởng:

"Tiếng nói của Loan nghe trong căn phòng ấm áp; thốt nhiên gợi Dũng nghĩ đến cảnh một người phiêu lưu ngủ trọ trong quán hàng nước ở một bên đò xa vắng đêm khuya lạnh sực thức dậy nghe tiếng mưa rơi trên sông và nhớ tới người yêu ở quê cũ" (Ngày Nay số 108)

Dũng ít khi lắng nghe nội dung câu nói của Loan, mà chàng chỉ nghe âm thanh tiếng nói ấy phát ra. Âm thanh ấy luôn luôn dẫn Dũng đến một chân trời khác, ở đây là đến một quán vắng bên sông.

Nghệ thuật trong Đôi bạn đi xa hơn Hai buổi chiều vàng: mối tình câm ở đây tạo ra một không gian mộng tưởng và suy tưởng bao la chưa từng thấy: nghe tiếng Loan, Dũng tưởng như mình đang phiêu du trong một quán trọ, đang đêm nghe tiếng mưa rơi nhớ người yêu cũ. Lối lập ngôn đầy liên tưởng như thế, thường chỉ thấy trong văn Marcel Proust, nhưng có lẽ Nhất Linh không chịu ảnh hưởng nhà văn này, mà đây chỉ là một sự tình cờ.

2- Điểm thứ hai, với Đôi bạn, Nhất Linh thực sự bước vào tiểu thuyết nội tâm, như Khái Hưng với Gia đình, và Thạch Lam với Ngày mới[10] trước đó. Ba nhân vật chính của ba cuốn tiểu thuyết này: Dũng, An và Trương đều có một đời sống nội tâm sâu sắc mà các nhân vật khác của họ, xuất hiện trước đó, chưa có.

Trong Đôi bạn, Nhất Linh mổ xẻ nội tâm Dũng qua những ý nghĩ của Dũng, để chiếu ống kính vào tâm hồn Trúc và các bạn, để tìm hiểu vì lý do gì khiến họ bỏ tất cả để đi làm cách mạng, nhất là Dũng, con nhà quyền quý, tại sao không tiếp tục sự nghiệp thi đỗ làm quan, lấy vợ, đã được cha vạch sẵn, mà lại thoát ly gia đình. Và cũng không có một ly do hào hùng nào như lòng yêu nước, thúc đẩy họ đi làm cách mệnh cả. Riêng đối với Dũng, lý do rõ nhất chỉ là một nỗi buồn không duyên cớ, ở đâu chàng cũng buồn:

"Dũng ngẫm nghĩ:

– Buồn có lẽ vì tại trông thấy bến đò, mình như thấy rõ hình ảnh cuộc đời. Sống mà nghĩ đến mình sống thì bao giờ cũng buồn. Đã bao lâu mình không làm gì cả nên mình không có cái gì để quên điều ấy đi…

Bến đò không buồn lắm: buồn nhất là những cái quán xơ xác của các bến đò. Mình là những cái quán ấy, đứng yên trong gió lạnh nhìn cuộc đời trôi qua trước mắt." (Ngày Nay số 101)

Ta có thể bảo Dũng mang "nỗi sầu thế kỷ", nhưng không phải vậy, Dũng mang nỗi buồn của riêng mình gắn bó với sự lầm than của dân tộc, âm ỷ trong lòng, nhưng không nói ra được.

Các bạn chàng ra đi, rồi chết.

"Cái chết của Thái đối với Dũng chỉ là một sự thoát ly, nhưng Dũng thấy rằng người được thoát ly là chàng chứ không phải Thái" (Ngày Nay số 109).

Khi nghe tin Thái chết, Dũng thấy mình thoát, chứ không phải là Thái, một cảm giác cực sâu vì Dũng đã ở trong Thái rồi, nên mới cảm thấy như thế. Ở đây tình đồng chí sâu sắc hơn tình yêu. Khái Hưng cũng từng viết những lời tương tự trong Tiêu Sơn tráng sĩ, Tô Ngọc Vân cũng viết về Nguyễn Gia Trí như thế. Khái Hưng còn dành cho Gia Trí cả một quyển tiểu thuyết Đẹp. Không những họ hiểu nhau, hiểu nghệ thuật của nhau mà còn hiểu cả những chán nản, những thất bại, mà vẫn cùng nhau đi tiếp:

"Chàng chợt nghĩ đến Thái và cuộc đời quằn quại của Thái, một người đã chán cả sự sống, không tin ở công việc mình, nhưng lúc nào cũng hoạt động để cố vuợt ra khỏi sự buồn nản bao phủ dầy đặc quanh mình" (Ngày Nay số 114)

Dũng hoàn toàn Thái: là cuộc đời quằn quại của Thái, là cái chán sự sống của Thái, là sự không tin ở công việc mình làm của Thái, vậy mà lúc nào cũng hoạt động như Thái… tất cả đều là Dũng, là Nhất Linh, và cũng là Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí cả.

Rồi khi Tạo chết, Dũng lại thấy ở mình những điểm Tạo làm được mà chàng chưa làm được:

"Dũng thấy rằng khi buồn cho Tạo, là chính chàng đã buồn cho đời chàng. Phải sống một đời ngang trái nhưng chàng không đủ can đảm để thoát ly: thoát ly rồi, cái đời tương lai của chàng sẽ đại khái như đời của Thái và Tạo, hai cảnh đời mà trước kia mới nghĩ đến chàng đã thấy buồn nản vô cùng (…).

Chàng không dám nghĩ đến một đời ở xa Loan, nay đây mai đó như Tạo, rồi một ngày kia cũng như Tạo chết một nơi xa lạ nào, nằm trong áo quan tối, trong khi Loan đứng bên mồ, dưới ánh nắng, tà áo trắng của nàng trước gió." (Ngày Nay số 114)

Dũng tự soi gương thấy mình yếu đuối, thiếu can đảm, không dám thoát ly gia đình, chỉ tưởng tượng Loan đứng bên mồ đủ làm chàng rơi lệ. Tóm lại, Dũng không có gì là anh hùng cả, các bạn Dũng cũng vậy, họ đều yếu đuối, có lúc liệt nhược, chán nản, họ chỉ có một điểm chung là tình bạn còn tất thẩy đều khác nhau, đều có những hoàn cảnh gia đình riêng, họ yếu ớt, rời rạc, đi cách mạng vì những lý do rất tầm thường như chán ghét không muốn ở nhìn thấy mặt mấy bà dì hạch sách và người vợ béo, rỗ, vô duyên (như Tạo), hoặc không biết làm gì (như Thái), họ hoàn toàn không có những chủ đích cao siêu, ghê gớm của một người anh hùng:

"Các bạn chàng đối với nhau chỉ có mỗi một dây liên lạc chung là là tình bạn hữu, còn ngoài ra mỗi người đi theo một ngả đường; sống theo một cảnh đời riêng, yếu ớt, rời rạc. Thỉnh thoảng lại nghe tin một người trong bọn chết đi hay bị tù tội, rồi ai nấy, trước số mệnh, chỉ việc cúi đầu yên lặng, nơm nớp đợi đến lượt mình" (Ngày Nay số 109)

Cho nên Đôi bạn được một nhà phê bình, ông Bạch Năng Thi, đọc khá kỹ Nhất Linh, cực lực phê phán thái độ yếu ớt, bi quan, tiêu cực, chán nản này:

"Đôi bạn không làm cho người đọc cảm thấy cái ý nghiã cao sâu, cái giá trị vĩ đại của cách mạng"[11]. Ông viết rất đúng: Nhất Linh thật tệ, không đưa ra được một vị anh hùng nào, mà chỉ cho thấy toàn những mảnh hồn vụn nát, những con người "thất bại". Đúng, vì Đôi bạn không hào hùng như Xung kích, Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi. Với Xung kích, Vỡ bờ, ta chỉ cần đọc một lần là biết hết sự vĩ đại của cách mạng, còn càng đọc Đôi bạn, nhiều lần, ta càng không thể hiểu hết những cái dấm dớ, nhỏ thó, là những lý do dẫn dắt hành động cách mạng của Tạo, của Thái, đưa Dũng, Trúc đi tiếp con đường dẫn đến chỗ chết chắc này.

Lý do, nếu có, ở Dũng, chỉ là một hé cửa sổ vào kỷ niệm, khi chàng còn nhỏ:

"Một hôm vào công đường, chàng sợ hãi ngừng lại: cha chàng đang rập đầu một người nhà quê vào tường và tát luôn mấy cái nữa, mặc dầu trán và má người kia đã ướt đẫm máu" (Ngày Nay số 108).

Hay một kỷ niệm khác mới hơn, khi chàng đã lớn, Hai Lẫm, một người hầu mới bị đánh, tâm sự với chàng:

"Bẩm. Cụ lớn đánh là cụ lớn thương. Hôm thượng thọ cụ cố, cụ lớn cầm đầu con rập vào tường mấy cái đau chết cha chết mẹ, sưng bươu cả đầu lên. Thế mới biết cụ lớn còn khoẻ." (Ngày Nay số 109).

Câu nói của Hai Lẫm làm "chàng nghĩ lại một lần nữa cái cảnh ở phủ đường chàng đã nhìn thấy mười mấy năm trước. Chàng không khó chịu vì cha mình độc ác đánh người, chàng khó chịu vì những người bị đánh không kháng cự lại, không lấy thế làm nhục" (Ngày Nay số 109).

Những chiếc cửa sổ nhỏ trong đầu Dũng thường phức tạp như thế, Dũng càng nghĩ, mọi chuyện càng không đơn giản và tất cả những sự kiện xảy ra trong đời chàng đều như thế cả, đều không rõ ràng dứt khoát, đều không phân biệt biên giới: đúng, sai; lành, dữ. Dũng đi làm cách mạng vì ghê tởm sự độc ác của cha hay vì khinh bỉ tính chịu đựng, chấp nhận nô lệ, không dám chống cự thế quyền của dân mình? Hay vì Dũng thấy "Sự giàu sang đối với mình bấy lâu sao lại như là một sự nhục" (Ngày Nay số 101). Những điều này không dễ phân tích rạch ròi, đâu ra đấy được.

Dũng đã nhìn thấy các bạn bị đuổi khỏi trường, bị bắt, bị tù. Phương chết. Tạo chết. Thái chết. Dũng cảm thấy tình yêu với Loan tha thiết đến nhường nào, nhưng chàng không dám dấn thân. Tất cả những bài toán nội tâm của Dũng, đi từ những suy nghĩ đầy nghi vấn ban đầu, khi Thái, trốn sang Tàu, Dũng tự nhủ: "Anh Thái đi như vậy để làm gì: chẳng qua không biết làm gì nữa thì liều lĩnh" (Ngày Nay số102), rồi dần dần những ý tưởng chuyển xoay, nung nấu trong đầu như một thỏi sắt được tôi luyện ngày này qua ngày khác, dẫn chàng đến dứt điểm ra đi, mà vẫn không xác định được "lý tưởng cao quý" của mình.

Các bạn của Dũng cũng phức tạp như thế, mỗi người có một tâm sự riêng, một câu hỏi riêng. Họ ra đi vì những lý do tầm thường, không có gì cao siêu cả: "Dũng có cái cảm tưởng rằng Thái đi như là đi thay cho mình, hình như tất cả những nỗi chán chường, đau khổ của một đời mình Thái đã đem đi theo hết" (Ngày Nay số 102). Ngay chuyện họ bị bắt, cũng chỉ là những thông tin vụn vặt: "Anh Thái bị bắt rồi. Mai giải vể tỉnh" (Ngày Nay số 105). Tất cả chỉ là những mảnh rời ý tưởng và sự kiện tầm thường, không có giá trị vinh thăng, hào hùng nào cả.

Chính ở chỗ tầm thường ấy, nó mới giống chúng ta, những con người tầm thường đến một lúc nào đó, phải làm chuyện bất thường, không định trước. Và đó là sự thành công: dưới lớp áo phong sương mơ mộng lạc loài của một chàng trai buồn bã nghe đời mình trôi dạt như những quán vắng bên sông, Dũng âm thầm trở thành thần tượng cho nhiều lớp thanh niên đứng lên theo kháng chiến, quốc gia hay cộng sản.

Một bài viết ký tên Nguyễn Đăng, buộc tội gay gắt Đôi bạn, không thể nào lẫn được bút pháp độc đáo của Mai Thảo[12]:

"Nấm mộ người đã chết nằm trong trái tim và trí nhớ người còn sống. Đã hai mươi năm, một nấm mộ lớn đã hoang dâm cỏ trùm cao ngất trái tim tan vỡ của cụ Trình, làm yếu dần từng nhịp đập, cướp đi từng lượng máu, khiến cuộc đời thoi thóp ấy chỉ còn là cái lạnh tanh rùng rợn của một cái chết dần mòn".

Nấm mộ là mồ Đường bạn Mai Thảo và là con duy nhất của cụ Trình, người ngày nào cũng lên Quan Thánh nghe diễn thuyết. Đường đi kháng chiến theo tiếng gọi của Dũng rồi bị Việt Minh bắt trong rừng.

"Không một mật hiệu liên lạc, không một dấu hiệu dẫn đường, vậy mà, giữa thời kỳ đảng tranh đẫm máu, hàng nghìn người trẻ tuổi Hà Nội ước mơ được sống đời sống hào hùng của nhân vật tiểu thuyết Dũng, đã rất thảng thốt và rất điên cuồng lên đường. Núi rừng là tình yêu. Cách mạng là quê hương. Lãnh tụ là mặt trời và thần tượng là đối tượng ấy của một khát khao tìm kiếm."[13]

Dù không đồng ý với Mai Thảo cũng phải công nhận ông đúng một phần: Nhất Linh đã lôi cuốn được ngàn, vạn thanh niên theo kháng chiến qua nhân vật Dũng, kẻ tự thấy mình là những cái quán bên sông, đứng yên trong gió lạnh nhìn cuộc đời trôi qua trước mắt.

Đã có bao nhiêu người đi kháng chiến vì không muốn đứng yên trong gió lạnh nhìn cuộc đời trôi qua trước mắt? Chúng ta có biết? Chúng ta có hay?

 

clip_image012

Bướm trắng, Ngày Nay 202 ; tranh Ái Mỹ (Tô Ngọc Vân)

Bướm trắng

Tiếp theo Đẹp của Khái Hưng, Ngày Nay đăng Bướm trắng của Nhất Linh, từ số 202 (9-3-40) đến số 224 (7-9-40). Bướm trắng, tác phẩm đi trước thời đại, dùng những thủ pháp sau này sẽ thấy trong triết học hiện sinh mà lúc đó ông chưa hề tiếp cận. Bướm trắng đặt vấn đề: Nếu bạn chỉ có một năm để sống, thì bạn làm gì? Trương, nhân vật chính bị lao, mà ở thời điểm đó, lao không chữa được.

Trương gạn hỏi mãi, bác sĩ vô tình khuyên: "Anh đừng lo vội… Anh còn chán thì giờ mà lo liệu việc của anh. Phổi và tim ấy cũng còn được một năm nữa là ít." (Ngày Nay số 204). Câu này là đầu mối cho những suy nghĩ và hành động của Trương.

Nhất Linh đi theo Trương như một thám tử không bỏ sót một cử chỉ, một hành động, một suy nghĩ nhỏ nhoi nào trong óc Trương. Nhất Linh vận dụng mọi khả năng tinh thần mà ông sở hữu và chưa từng áp dụng một cách triệt để như thế trong cuốn tiểu thuyết nào viết trước, về tình yêu, về sự ganh ghét, bội bạc, trả thù, đoạn tuyệt, tự tử, lạm dụng, bất lương, tuyệt vọng… Cần gì, mình sẽ chết nay mai, tất cả đều có thể làm được, kể cả tội ác, bởi vì cái chết sẽ xoá đi tất cả. Trương bán nhà để vung vít vào đời sống trụy lạc. Cho đến khi tiêu hết mà vẫn chưa chết. Nhưng mọi sự không đơn giản như vậy: song song với cảm giác bất cần, tự huỷ, vẫn còn một cuộc sống hiện hữu, là Thu và tình yêu Thu, mãnh liệt. Ban đầu Thu vô tình, nhưng sau, vì tình cờ Thu nhìn thấy cảnh Trương vào trộm phòng Thu:

"Chàng đến gần bên giường. Nhìn qua khung cửa sổ ra ngoài không thấy bóng ai, Trương với chiếc áo cánh của Thu rồi úp mặt vào chiếc áo mà chàng âu yếm vò nát trong hai bàn tay. Lụa áo Trương thấy mềm như da người và mùi thơm hơi cay, không giống hẳn mùi thơm của nước hoa – xông lên ngây ngất." (Ngày Nay số 206).

Không một người phụ nữ nào có thể cưỡng lại một sự "tỏ tình" mãnh liệt mà âm thầm như thế. Qua màn này, Nhất Linh trở thành nhà văn viết về tình yêu say đắm và tế nhị nhất. Và khi đã viết về tình yêu được tới mức ấy, thì tất cả những vấn đề khác của Trương, Nhất Linh cũng mở ra được tới ngọn nguồn, kể cả ý định tự tử.

Đọc lại Bướm trắng bây giờ, lúc này, ta đã có đủ khoảng cách để nhìn lại việc tự tử của Nhất Linh, mà tôi chắc rằng, khác với sự tung hô, thánh hoá ban đầu, năm 1963, sau khi ông mất.

Dường như không phải đến thời ông Diệm, Nhất Linh mới có ý định ấy, mà ông đã nghĩ đến vấn đề này từ khi viết Bướm trắng. Và khi ông thực hiện ý định, năm 1963, ta vẫn có thể cho rằng đó là ý định của nhà văn chứ không phải nhà chính trị, tôi muốn tin như thế, bởi vì cái chết của Nhất Linh, nhà văn, có ý nghiã triết lý, của con người đứng trước định mệnh, sẽ khác hẳn và "cao" hơn cái chết của một lãnh tụ đảng phái, chống lại một đối thủ chính trị khác.

Cái chết của Hemingway, của Kabawata, gợi sự lãng mạn bí mật khiến ta không thể hiểu nổi; hoặc chỉ có thể đoán rằng: sau khi đã khám phá mọi chiều sâu của sự sống, nhà văn muốn thám hiểm cái chết, nhưng sau khi chết, họ không còn sống lại để viết về cái chết như thế nào. Tôi nghĩ Nhất Linh đã từng ở trong những bí mật ấy, và ông đã đem đi, mãi mãi.

Nhất Linh viết Bướm trắng trong thời gian xây dựng đảng cách mạng, đang phải lẩn tránh: Trương biết trước mình chỉ sống được một năm, cũng là thách đố của Nguyễn Tường Tam khi ra lập đảng Hưng Việt, chắc mình chỉ sống được một năm là cùng, rồi sẽ bị bắt, nên có lúc đã nghĩ đến tự tử.

Trong Bướm trắng sự tự tử được phân tâm như hành động chấm dứt một cuộc sống, bởi con người đằng nào cũng phải chết, thì chết hôm nay, hay một năm nữa, có khác gì? Ý định ấy lởn vởn trong đầu Trương, không chỉ lúc đầu, khi biết mình sẽ chết vì bệnh lao, mà còn trở lại khi Trương thấy mình yêu Thu, càng mãnh liệt hơn khi biết Thu cũng yêu mình.

Tất cả những ý tưởng yếm thế của Trương có thể chỉ là sự khủng hoảng tinh thần của một người đang đi trốn: Trương trốn tình yêu của Thu, vì không muốn "làm hại" đời Thu, mặc dù không phải là không có lúc Trương rất muốn.

Bướm trắng viết được những mâu thuẫn kịch liệt trong con người, từ chỗ "bình thường" đến chỗ tha hóa cực điểm, không thể giải thích được, khiến mỗi lần đọc, ta lại thấy nẩy nở những ý khác, đó là một trong những cuốn tiểu thuyết đa nghiã đầu tiên của văn học Việt.

Hơn hai năm sau, Khái Hưng viết Băn khoăn, cũng trong chiều hướng Bướm trắng. Lúc đó Ngày Nay đã đóng cửa, có lẽ Khái Hưng viết trong trại tù Vụ Bản, tác phẩm diễn tả nỗi băn khoăn của Cảnh, một thanh niên con nhà, hai đời cự phú, tiền của nhiều quá không biết làm gì, bằng cấp, việc làm, đối với chàng là vô ích, không cần dùng đến. Chơi bời mãi cũng nhàm. Thậm chí cả đến đời chàng, Cảnh cũng không biết "dùng" làm gì nữa, cho khỏi chán. Tự tử chăng?

Băn khoăn là tiểu thuyết sau cùng của Khái Hưng, viết sau khi chia tay Nhất Linh, họ vẫn đi cùng một hướng: tiếp tục mổ xẻ chiều sâu tư tưởng con người và ở đây, họ đều ghi nhận sự tha hoá cực kỳ của một hạng thanh niên thành thị. Loại người này không chỉ có ở Việt Nam thời Pháp thuộc mà có ở khắp nơi, mọi thời, ngay bây giờ. Đi vào mê lộ trong lòng người cũng là hướng của tiểu thuyết mà sau này được gọi là tiểu thuyết mới, thoát thai từ triết học hiện sinh.

(Còn tiếp)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr


[1] Lạnh lùng đăng trên Ngày Nay từ số 16 (12-7-36) đến số 37 (6-12-36).

[2] Trương Tửu, Kết án đời mưa gió, Ích Hữu số 97 (29-12-37).

[3] Trương Tửu, báo Thời Thế, trích theo Ngày Nay số 54.

[4] Cùng với các truyện ngắn: Mười năm qua, Cái tẩy, Vết thương, Câu chuyện mơ trong giấc mộng, Lan rừng. Trong số đó Cái tẩyLan rừng hay hơn cả.

[5] Tối tăm bùn lầy nước đọng của Nhất Linh và Khái Hưng, in trên Ngày Nay từ số 27 (27-9-36) đến số 32 (1-11-36). Cuối năm 1936, Đời Nay in tập truyện ngắn Tối tăm của Nhất Linh, tập hợp mấy truyện: Người nông phu, Một kiếp người, Hai vẻ đẹp, Hai chị em, Đầu đường xó chợ. Còn bốn chữ Bùn lầy nước đọng sẽ trở thành tên tập tiểu luận phóng sự của Hoàng Đạo về đời sống đen tối của dân quê. (Xem chương: Ngày Nay tranh đấu). Một kiếp người chính là truyện ngắn Tối tăm của Nhất Linh đã đổi tên và Hai vẻ đẹp chính là truyện Tối tăm bùn lầy nước đọng của Nhất Linh và Khái Hưng và là tác phẩm chính trong tập truyện Tối tăm này.

[6] Tiểu thuyết Gia đình của Khái Hưng đăng trên Ngày Nay từ số 30 (18-10-36) đến số 64 (20-6-37), chúng tôi đã phân tích kỳ trước.

[7] Cung Giũ Nguyên, Phê bình Tối tăm, Les Cahiers de la jeunesse số 4, tháng 12-36; in lại trên Ngày Nay số 52 (28-3-37).

[8] Dabit là một nhà văn bình dân, tác giả L’Hôtel du Nord, được đóng thành phim.

[9] Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, Nhóm tìm hiểu lịch sử, 1991, Portland, Hoa Kỳ, trang 43.

[10] Ngày mới, in trên Ngày Nay, từ số 66 (4-7-37) đến số 92 (2-1-38).

[11] Bạch Năng Thi, Nhất Linh tác giả tiêu biểu, Văn Học Việt Nam 1930-1945), Tập I, Nxb Giáo Dục, 1961; in lại trong Tự Lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc, nxb Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội 2000, trang 225.

[12] Mai Thảo tên thật là Nguyễn Đăng Quý.

[13] Nguyễn Đăng, Chuyện một người mà Nhất Linh là thần tượng, Văn số 37 (1-7-65) Thương nhớ Nhất Linh, trang 91.

Comments are closed.