Thơ ba dòng, như một hố đen mỹ học

Nguyễn Hoàng Văn

909 Bài ThƠ Ba Dòng - (paperback) : Target

Thơ ba dòng, của Nguyễn Hưng Quốc, đầu tiên, là một cái hố đen căng cứng áp lực trên khía cạnh mỹ học. Nén chặt với những ám ảnh thẩm mỹ về thơ, nó, trước tiên, là sự nén chặt của những ám ảnh Ngôi Lời và, do đó, nuốt gọn những gì từng dính dáng đến Ngôi Lời, từ những ám ảnh thi ca, ám ảnh lịch sử, ám ảnh siêu hình đến ám ảnh dục tình.

“Hố đen”, trong vũ trụ, là cái còn lại của những tinh tú từng rất rực rỡ mà, ít nhất, về khối lượng, phải gấp hai mươi lần Mặt Trời. Cháy hết mình, không còn gì để cháy bằng phản ứng nhiệt hạch, nó bị vướng vào cái bẫy hấp lực của chính mình, tự sụp đổ để từ đó hút và hấp thục mọi thứ vật chất kể cả ánh sáng, nếu lọt vào Event Hoziron, phạm vi của bán kính không thể cưỡng lại. Hút mãi, hút đến khi ứ đầy năng lượng thì hố đen lại bùng nổ, với năng lượng của ngàn tỷ quả bom nguyên tử.

Thơ ba dòng là một thứ “hố đen” trong vũ trụ thơ. Đó là thứ “thơ còn lại” sau khi thiêu rụi những rườm rà, những quy cách, những lối mòn của những đường lối thơ đã trở nên chán ngắt mà, trong đó, nổi bật nhất, là sự mượt mà du dương của chủ nghĩa lãng mạn. Thơ ba dòng, do đó, là thơ để nghĩ hơn là để ngân nga như những nhạc điệu êm tai và, trong tương tác với người đọc, như là một thứ thơ đã nén chặt, nó sẽ bùng nổ theo những liên tưởng và suy tưởng không ngờ.

Để là hố đen, thì đầu tiên phải cháy bùng, phải đốt, gấp hai mươi lần Mặt Trời. Thơ ba dòng là sự tuyên chiến, sự thiêu rụi chưa từng thấy với những hình ảnh tưởng là bất tử của dòng thơ lãng mạn, là án chém với trăng êm, gió nhẹ, là cuộc hành quyết với thiên nhiên hoa cỏ mượt mà:

Có những nhà thơ bị vỡ nợ

Vì mãi đầu tư vào

Ánh trăng

(519)

Hay:

Mùa thu bị các nhà thơ lãng mạn cầm tù

Nó vùng vẫy

Làm rụng mất cả vừng trăng

(879)

Nghĩa là sự tuyên chiến với ái tình sực nức ánh trăng:

Bao nhiêu mối tình chân thực

Bị chết ngộp

Bởi những vần thơ du dương

(827)

Vì sao?

Thơ chỉ là cô điếm già

Đứng ngắm trăng

Trong lúc chờ khách

(187)

Thứ thơ pha chế bằng công thức của lối mòn:

Hắn gí mắt vào máy vi tính

Viết bài thơ tình trăng rằm

Mặc kệ ngoài trời mưa rơi

(875)

Đốt cháy tinh thần lãng mạn thì thơ còn lại cái gì?

Thơ, đầu tiên, và ở mức tận cùng nhất, là chữ, như là ám ảnh Ngôi Lời:

Không có gì cao hơn ngôn ngữ

Tôi chỉ tin một Thượng Đế:

Ngôi lời

(791)

Con người không thể thoát khỏi ngôn ngữ

Ngay cả sự im lặng

Cũng là dấu phẩy

(602)

Ngôn ngữ gồm nói và im lặng

Ngay cả sự im lặng cũng có

Ngữ pháp

(355)

Bài thơ không có gì ngoài chữ

Chữ giao cấu với chữ

Đẻ ra nhà thơ

(54)

Tài sản lớn nhất của nhà thơ là ngôn ngữ

Toàn bộ tâm hồn hắn ở đó

Ở những chữ biết múa và hát

(357)

Tất cả các chữ đều là nạ dòng

Nhà thơ mang lại

Trinh tiết

(69)

Thơ làm mới ngôn ngữ

Ngôn ngữ làm mới cái nhìn

Cái nhìn làm mới con người

(70)

Bài thơ biết bí mật của tình yêu

Nhưng nó không biết bí mật của chữ

Chữ trả thù: bài thơ chết non

(50)

Đã bị các nhà lãng mạn chủ nghĩa rẻ rúng, chữ còn bị hành hạ, tra tấn bởi các nhà chính trị giáo điều, độc đoán:

Dưới những chế độ độc tài

Chữ bị tra tấn đến tàn phế

Phải đi bằng nạng

(306)

Và bị lạm dụng như một vũ khí:

Chúng ta có quá nhiều chữ

Chữ bị lạm dụng

Kể cả để giết người

(59)

Nghĩa là chữ đã bị làm nhục:

Các nhà chính trị như Mã Giám Sinh

Biến mọi chữ đẹp

Thành đĩ

(262)

Những kẻ làm băng hoại ngôn ngữ ấy là hạng thủ dâm chính trị:

Ở đó, người ta xây dựng nhiều tượng đài thật nguy nga

Rồi đứng xếp hàng

Thủ dâm

(217)

Chính vì thế, ám ảnh thẩm mỹ này còn lồng vào thân mình những ám ảnh lịch sử:

Nguyễn Trãi cầm cái đầu bị chém

Đọc thơ sang sảng

Suốt cả sáu thế kỷ

(358)

Với Nguyễn Trãi, nếu tác phẩm vượt qua số phận của tác giả thì, chính những nhà thơ hôm nay, phải nhìn lại tư cách của mình:

Đừng khóc Cao Bá Quát

Hãy thương cho mình

Những thế hệ bị cụt đầu

(359)

Nghĩa là họ phải biết nói “Không”:

Bước ngoặc lớn nhất trong lịch sử

Là khi con người biết nói

“Không!”

(666)

Lịch sử nào cũng bắt đầu từ sự phủ định. Lịch sử của một nhà tư tưởng bắt đầu khi hắn nói không với nền giáo dục đã giúp mình trưởng thành. Lịch sử của đất nước chuyển mình khi một nhà lãnh đạo nói không với truyền thống hằng trói buộc. Và cả thế đứng của một quốc gia cũng lớn lên khi nói Không với thế lực chèn ép mình.

Phải nói không để những kẻ nuôi tham vọng làm lịch sử phân trần, nói lại:

Lịch sử nào

Cũng đầy

Tái bút

(176)

Lồng trong ám ảnh lịch sử là ám ảnh lưu vong, nhưng ám ảnh lưu vong, đầu tiên, lại là ám ảnh ngôn ngữ:

Ngôn ngữ của người lưu vong

Lúc nào cũng ở thì

Quá khứ

( 387)

“Quá khứ” là gì? Nó là điểm “đến” của dòng chảy ngược, nơi mà sự “đến” cũng hàm ý sự “về”:

Tôi đi khắp thế giới

Đều thấy

Những dòng sông chảy ngược về nguồn

(106)

Và vì thế, dẫu có vùng vẫy bằng 72 phép thần thông, những con sông kia không thể thẳng thớn dòng xuôi:

Đất nước như bàn tay Đức Phật

Những Tề Thiên Đại Thánh ra đi, đi mãi

Vẫn không thoát

(238 )

Đức Phật còn hiện diện như là một phần trong những ám ảnh siêu hình:

Loài người rợn ngợp trước cái Vô Hình

Cần chỗ vịn

Dù chỉ một cây nhang

(36)

Nhưng đó là một chỗ vịn tuyệt vọng:

Con người gào to. Như tiếng chó tru

Tất cả đều im lìm

Chúa và Phật đều đã chết

(92)

Chết hết nên, những gì diễn ra, hoàn toàn không giống với những điều răn và những hứa hẹn trong các thánh thư:

Nhắm mắt trước nỗi thống khổ của nhân loại

Bịt tai trước tiếng kinh cầu

Thượng Đế cũng nói láo

(96)

Tại sao vậy? Vì thế giới luôn là bằng chứng cho sự hiện diện của ma quỷ, dù đó chỉ là một khái niệm, trong tưởng tượng:

Tôi tin vào ma quỷ: Đó là một trong những

Phát minh thú vị nhất

Của nhân loại

(542)

Bởi thế nên, thôi thì, đành, từ giã cuộc chơi:

Thượng Đế thích chơi trốn kiếm

Tôi quyết định

Bỏ cuộc

(336)

Như thế, phải chăng con người là nhầm lẫn của Thượng Đế:

Mỗi đời người là một phác thảo của Thượng Đế

Tiếc

Phần lớn đều vụng về

( 194)

Nên mới có sự Chết:

Khi phát hiện việc sáng tạo loài người là một lầm lẫn

Thượng Đế bèn nghĩ ra

Cái chết

(668)

Và như thế, Thượng Đế trở thành một tội đồ:

Không có tôn giáo nào có thể

Giải oan được

Cho Thượng Đế

(900)

Nhưng chính cái chết làm đời sống hữu hạn của con người đẹp hơn:

Hoa thật quý hơn hoa giả ở sự phù du

Hãy cám ơn cái chết

Chính nó làm cuộc đời có ý nghĩa

(333)

Như thế, giữa hai thế giới nên chọn cái nào, giữa thế giới hữu hạn và thế giới vô hạn?

Trên thiên đàng không có đồng hồ

Chúa phải nhìn xuống trần thế

Để biết thời gian

(152)

Chúa tạo ra trần thế nhưng không thể tạo ra thời gian. Và Chúa tạo ra Eva và Adam nhưng, chừng như, không thể tạo ra lạc phúc của dục tình:

Adam trườn lên thân thể Eva

Và phát hiện

Hạnh phúc trần thế thật ngắn ngủi

(313)

Hạnh phúc thì ngắn ngủi nhưng lòng của Eva thì vô cùng:

Không phải chỉ trời đất mới vô tận

Thử nhìn vào lòng một phụ nữ

Nó cũng không cùng

(165)

Không cùng nhưng hạnh phúc ấy thật cụ thể, và trần trụi:

Con đường chánh đạo dẫn đến hạnh phúc

Nằm ở giữa

Hai đùi

(43)

Trần trụi, nhưng, chừng như, hoan lạc tình dục còn là sự cứu rỗi:

Hắn đọc Phúc Âm nàng

Chữ nào cũng có lửa

Đốt cháy cả màng trinh

(35)

Nên nó, lạc phúc của xác thịt lại tiếm ngôi thần linh:

Khi em chổng mông lên

Mọi thần linh

Đều biến mất

(144)

Thần linh biến mất nhưng vẫn còn ma quỷ, và phải rón rén:

Đến Việt Nam ai cũng rón rén

Như làm tình trên một chiếc

Giường tre

(389)

Rón rén bởi sự rình rập:

Về Việt Nam, thích nhất là những tiếng cười

Nhưng sợ nhất là những cái nhìn

Từ những cặp mắt không có con ngươi

(101)

“Đến” mà cũng có nghĩa là “về” nhưng, nó, đâu chỉ là sự cách biệt “đến/về” và “rời”? Cách biệt giữa trong và ngoài của cái lãnh thổ có hình chữ S?

Cháy bỏng khát vọng hòa bình trong những ngày khốc liệt nhất của thời chiến, Phạm Duy hát bài bình ca “Xuân Hiền” với giấc mơ hội ngộ, đoàn viên: “Nắng chói gia đình huyền bí trăm con / Năm mươi người xuống / Năm mươi người lên / Đến lúc gặp chỗ đoàn viên” nhưng mùa xuân ấy mãi mãi không về và, cái chỗ đoàn viên kia, cơ hồ, cứ là “cót két” như cái giường tre để hai đôi lứa phải dằn lòng kiểm duyệt sự cuồng nhiệt của mình.

Cái giường tre là sản phẩm của văn minh tiểu nông và đàn con, có lẽ, vẫn “cót két” với nhau từ di sản của tinh thần nông nghiệp cò con đó. Cái tinh thần trói buộc họ ở thứ thơ ca cỏ cây trăng nguyệt, thứ chính trị tộc họ – gia đình, thứ ác nghiệt từ thói quen ăn tiết canh –máu sống, và thứ thói quen xây đắp vinh quang trên máu xương đồng loại:

Ở đó thời gian được đo bằng những cuộc chiến tranh

Mỗi dấu mốc

Một nghẹn ngào

(783)

Thơ ba dòng, như thế, nén chặt đủ cả, từ những ám ảnh ngôn ngữ, thi ca đến lịch sử, siêu hình và tình dục. Đọc từng bài thơ, chỉ ba dòng ngắn thôi, nhưng nhắm mắt suy tưởng, sẽ thấy nó bùng nổ, như một tân tinh.

25.7.2021

Chú thích: Tập 909 Bài Thơ Ba Dòng của Nguyễn Hưng Quốc do Lotus Media xuất bản, 2021, phát hành trên Amazon.com

Comments are closed.