Tự truyện hư cấu

Liễu Trương

Thể loại tự truyện (autobiographie) không bất biến trong hình thức cổ điển của nó. Với thời gian tự truyện đã tiến hóa để đi về một hướng mới, cái hướng mang một tên mới lạ: autofiction (tự truyện hư cấu). Từ autofiction lần đầu tiên xuất hiện ở Pháp năm 1977, trong cuốn truyện Fils (xin tạm dịch Những sợi dây chằng chịt) của Serge Doubrovsky, gây nhiều hào hứng trong văn giới.

Tự truyện hư cấu là một biến thể của tự truyện, có khuynh hướng phá hủy cái ranh giới giữa hư cấu và phi hư cấu: những biến cố, những sự kiện trong tiểu sử được trà trộn với những chuyện hư cấu, hay bị ngụy trang. Cuốn Fils của Serge Doubrovsky được xem như tác phẩm đầu tiên của loại tự truyện hư cấu.

Serge Doubrovsky, cha đẻ của từ autofiction, là một trong những nhà văn lớn của Pháp vào nửa sau thế kỷ 20. Ông sinh năm 1928 và mất năm 2017. Gia đình ông gốc Do Thái, năm 1943, ông thoát được nạn đi đày trong các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Serge Doubrovsky đỗ đầu cuộc thi triết học toàn quốc. Là một sinh viên xuất sắc của trường Cao đẳng Sư phạm (École normale supérieure) nổi tiếng ở Paris, ông đỗ thạc sĩ về môn Anh văn và có hai bằng tiến sĩ về văn học. Ông dạy môn văn học Pháp ở các Đại học New York và Harvard, đồng thời ông là nhà văn kiêm nhà phê bình với những công trình nghiên cứu về Corneille, Proust, Sartre. Serge Doubrovsky là tác giả của 10 tiểu thuyết trong đó có Fils (1977), Un amour de soi (Yêu chính mình) (1982), Le Livre brisé (Cuốn sách bị phân đôi), tác phẩm này được Giải thưởng Médicis 1989. Ngoài ra, Doubrovsky cũng được Giải thưởng lớn về Văn học của Hội Nhà văn (Société des gens de lettres) với cuốn Un homme de passage (2011), và được huy chương Medal of Honor of the Center for French Civilization and Culture của Đại học New York (2012).

Trong cuốn Fils, những hình ảnh của quá khứ gần xa, những lo âu của cuộc sống lưu đày trên đất Mỹ, những lo lắng về các giáo trình ở Đại học, tất cả đan vào nhau thành những sợi dây chằng chịt mà chỉ những buổi trao đổi với một nhà phân tâm mới mong gỡ rối được. Vậy Fils là những sợi dây chằng chịt, nhưng Fils cũng có nghĩa là đứa con khi tác giả nói về cha mẹ và tuổi thơ của mình. Fils được viết dưới dạng độc thoại nội tâm, câu văn không theo cú pháp bình thường. Từ ngữ bị thu ngắn, cô đặc hóa, theo kiểu ngôn ngữ điện tín khi xưa, có khi câu văn lại dài lê thê không chấm phết, rồi xuống hàng không viết chữ hoa, lại có khi những từ tách rời, rời rạc trên trang giấy khiến người đọc vất vả theo dõi, điều này biểu hiện những cảm xúc và tâm trạng của tác giả. Bút pháp này đòi hỏi người đọc phải hiểu ngầm, gây khó khăn. Tác giả lại thích chơi chữ, cho nên rất khó dịch sang một ngôn ngữ khác. Nhưng phải công nhận Serge Doubrovsky đã cách tân lối viết thể loại tự truyện. Sau đây là một ví dụ về bút pháp của ông. Khi nói về bà mẹ, ông viết:

…Bà muốn. Rằng tôi là cái ngược lại điều bà muốn.

Tôi chào đời, tôi đến. Nhiệm vụ của tôi. Buộc phải sống ở địa vị của bà. Người được giao nhiệm vụ. Tinh tế. Khó khăn. Có nghĩa là gì. Chính xác. Hiểu ra sao. Tôi chui vào cái luận lý nào. Ở đâu, Địa vị của bà. Địa vị thật sự. Trong bếp. Trong văn phòng. Trí tưởng tượng. Trên những tấm thớt. Trong tủ kính hiệu sách. Khi tôi ở địa vị thật sự của bà. Thấp xuống, xẹp xuống. Em gái con và con, mẹ không muốn các con có cuộc đời của mẹ. Bà muốn chúng tôi lên cao. Muốn chúng tôi có. Điều mà không bao giờ tôi biết đến. May thay, chồng của Zézette có điều tốt, cha mẹ chồng của em giàu có. Mẹ có thể yên lòng nhắm mắt. Muốn biết các con được yên thân. Bà nổi giận. Giọng đắng cay. Con, những người khác không có trên đời này. Con không bao giờ tự đặt mình ở địa vị họ. Tôi cố gắng. Tôi tự đặt mình. Ở địa vị tưởng tượng của bà. Tôi thành công. Ở địa vị của bà. Nhưng địa vị của bà. Là địa vị thật sự. Sự thành công của tôi, là một thất bại. Tôi quên địa vị của tôi. Con từ đâu đến. Chính con ở đây. Nhưng bà không muốn tôi ở đây. Mẹ vui mừng con trở qua Mỹ, địa vị của con là ở bên đó, ở đấy con dễ chịu hơn ở đây. Nếu tôi là người mà bà muốn tôi trở thành. Thì tôi ngược lại với người bà thích tôi trở thành. Nếu tôi là người mà bà muốn tôi trở thành. Thì tôi ngược lại với người mà chính bà muốn trở thành. Tôi là cái phản ánh ngược lại của bà. Tôi chỉ hiện hữu ở cái địa vị khác.” (*) (Serge Doubrovsky, Fils, Gallimard, 1977, tr. 295)

Trong bài tựa cuốn Fils, Doubrovsky định nghĩa tự truyện hư cấu như sau: “Tự truyện chăng? Không, đó là cái đặc quyền dành cho những người quan trọng trên đời này, vào cuối đời, và với một bút pháp hoa mỹ. Hư cấu, của những biến cố và những sự kiện hoàn toàn có thật; nếu muốn thì tự truyện hư cấu đã giao phó ngôn ngữ của một cuộc phiêu lưu cho cuộc phiêu lưu của ngôn ngữ…”

Khi tác phẩm Le Livre brisé ra mắt độc giả, năm 1989, cuốn sách gây sốc đồng thời nó được nhiệt liệt đón tiếp. Cuốn sách kể vụ tự tử của người vợ tác giả tên Ilse. Người phụ nữ này mắc chứng ghiền rượu và bị bệnh trầm uất; bà theo dõi cuốn sách của chồng đang thành hình và bà không chịu được cái hình ảnh của bà do chồng miêu tả trong sách. Cái chương nói về những cảnh uống rượu quá độ dường như là điều cuối cùng gây tan vỡ. Sau vài tuần lễ do dự, tác giả quyết định viết tiếp, chấp nhận hy sinh người vợ cho văn học. Nhưng nội dung cuốn sách đã biến đổi. Cái chết của người vợ đã làm cho văn bản bị cắt ngang, tuy nhiên Doubrovsky vẫn tiếp tục viết trên cái mứt cắt ngang đó, và chính cái biến cố bi thảm đã cho tác giả năng lực để viết. Ông tuyên bố: Tiểu thuyết của tôi chính là cuộc đời của tôi. Lời tuyên bố này là một định nghĩa rõ ràng về thể văn tự truyện hư cấu. Tác giả chắt từ cuộc đời cái tủy phong phú nhất của nó (substantifique moelle, thành ngữ này mượn từ nhà văn Rabelais). Ông viết: Tôi giữ lại những tình tiết nổi bật hay có tính lôi cuốn (Je garde les épisodes marquants ou piquants). Nhưng nguy hiểm là ông có thể trở nên một nhân vật, một cái bóng, một sự nói dối. Ông phải đoạt lại cuộc đời của ông và ông phải sống thật, thay vì tự xem mình qua một ảo giác. Qua từ autofiction, tự truyện hư cấu, tác giả phát biểu một nghịch lý. Ông đề cao sự kết hợp không thể có được giữa hư cấu và hiện thực, và ông đòi viết một hư cấu về các biến cố và sự kiện hoàn toàn có thật, như đã nói trên.

Tự truyện hư cấu khác với tự truyện ở nhiều điểm: tự truyện hư cấu không theo thứ tự thời gian, thường đi từ quá khứ gần đến quá khứ xa với những cảnh của hiện tại. Tự truyện hư cấu đôi khi gần với nhật ký riêng tư hơn là tự truyện. Đi kèm với sự lưỡng lự về thời gian có sự đi lại trong không gian, vì Doubrovsky sống ở hai nơi: ở Pháp ông là nhà văn, ở New York ông là giáo sư đại học. Tác giả bị chia xé giữa hai không gian, hai căn cước. Nhiều bộ mặt của bản thể chiếu rọi. Tác giả cảm thấy chóng mặt; cho nên viết là tự giữ chặt lấy mình, là giành lại tính nhất quán của con người mình.

Tự truyện hư cấu cho ngôn ngữ cái nhiệm vụ đi sâu vào cuộc sống. Ngôn ngữ của Doubrovsky được phong phú hóa với những trò chơi chữ như đã nói, với những độ vang bởi cách láy phụ âm, làm sinh sản nhiều nghĩa.

Nói về mình như về một người khác là làm cho mình trở nên một nhân vật, là biến đời mình thành chất liệu của một tiểu thuyết. Cuộc đời và văn bản gắn bó nhau, không thể rời nhau.

Trong cuốn Le Livre brisé, hiện thực vượt xa hư cấu. Cái chết của nhân vật nữ là một biến cố làm bật ra cái bi thảm và quật ngã cuốn sách. Trong trường hợp này có nên gián đoạn việc viết, the work in progress, không? Doubrovsky tự hỏi: Làm sao tôi sống được, nếu tôi không kể lại đời tôi? Cuốn sách bị cắt ngang vì cái chết của người vợ và được thanh cao hóa. Trong Le Livre brisé, viết không đem lại cho con người một căn cước và sự toàn vẹn của bản thể, mà trái lại viết làm cho con người bị tan rã.

Cuốn sách bắt đầu bằng một hư cấu, trong ngôn ngữ của người vợ gốc Áo, nói tiếng Đức, trong những mẩu đối thoại được dàn dựng cho nhân vật tiểu thuyết, hư cấu trong việc sắp đặt trình tự của các biến cố, trong những cảnh rượu chè quá mức. Rồi đột nhiên hiện thực của cái chết vượt xa hư cấu. Ranh giới giữa hư cấu và hiện thực đã bị lật đổ.

Thể văn tự truyện hư cấu rất thịnh hành vào những năm 90 của thế kỷ trước; chẳng hạn tác phẩm của Hector Bianciotti gồm ba cuốn: Ce que la nuit raconte au jour (Điều mà đêm kể cho ngày) (1992), Le pas si lent de l’amour (Bước chân quá chậm của tình yêu) (1995) và Comme la trace de l’oiseau dans l’air (Như vết chim trên không trung) (1999).

Từ autofiction đã nhanh chóng thoát khỏi người đã tạo ra nó. Trong văn giới Pháp, định nghĩa của tự truyện hư cấu như một thể loại được đặt thành vấn đề. Giới phê bình văn học cũng như phía các nhà văn: Michel Houellebecq, Christine Angot, Catherine Millet…, đều muốn đoạt lấy cái từ mới ấy.

Vincent Colonna, trong luận án tiến sĩ bảo vệ năm 1989, đề nghị một định nghĩa như sau: Tự truyện hư cấu là một tác phẩm văn học trong đó nhà văn tự bịa ra cho mình một nhân vật có cá tính và một cuộc đời, mà vẫn giữ cái căn cước thật sự của mình (tên thật của mình).

Ngày nay thể văn tự truyện hư cấu làm nảy sinh nhiều khái niệm khác, như văn học của cái tôi (egolittérature) của Philippe Forest, chân dung tự vẽ (autoportrait) của Sophie Calle hay tiểu sử tự truyện của Annie Ernaux, giải Nobel Văn chương 2022.

(*) Những chữ có gạch dưới là những chữ nghiêng trong nguyên tác.

Comments are closed.