Văn học phải đạo vẫn không mất đi…

Nguyễn Thị Tịnh Thy

image

1.

Sự xuất hiện của nhà văn Lưu Vĩ Lân với bộ ba tiểu thuyết Mật đạo, Ngẫu tượngNghiệp chướng trong ba năm liên tục từ 2018 đến 2020 quả là một “phát hiện” của văn học trong nước. Bút lực dồi dào, sức tưởng tượng phong phú, vốn kiến văn thâm hậu, phông văn hoá sâu rộng, nghệ thuật khá điêu luyện,… là những ưu điểm khiến bộ ba tiểu thuyết này hấp dẫn người đọc.

Dù chọn đề tài thuộc vào dạng thâm canh (chiến tranh) hay khẩn hoang (cải tạo công thương nghiệp sau 1975, sự nghiệp của các nhà tư sản), nhà văn Lưu Vĩ Lân cũng mang lại những điều mới lạ cho bộ ba tác phẩm của mình.

2.

Mật đạoNgẫu tượng có đề tài chiến tranh (chống Mỹ/Vietnam war). Tuy nhiên, Lưu Vĩ Lân đã thể hiện cuộc chiến đầy phức tạp này một cách mới mẻ, riêng biệt khiến cho đề tài vốn đã bão hoà, nhàm chán trong văn chương Việt vẫn mang vẻ thanh tân và đầy cuốn hút nhờ vào chiến lược tự sự với không gian và thời gian nghệ thuật được chọn lựa như là yếu tố làm xương sống cho tiểu thuyết. Ở Mật đạo, nhà văn đã dồn cuộc chiến tranh rộng lớn vào một không gian duy nhất, đó là khu vực Ba Đồi – vùng rừng núi thuộc Cam Lộ – Quảng Trị. Từ không gian này, những phe phái khác nhau với bao âm mưu và hành động vừa bí mật độc lập, vừa gặp gỡ, va chạm vào nhau đến nảy sinh xung đột một mất một còn; và cuối cùng được hoá giải trong tính nhân văn đến lý tưởng.

Mật đạo là tác phẩm có dáng dấp của tiểu thuyết gothic với từ “mật” là từ khoá. Trong một vùng không gian Ba Đồi, có mật đạo (từ thời vua Hàm Nghi chống Pháp), mật thất (ngôi nhà của ông Lam có cánh cửa bí mật, đường hầm bí mật), địa đạo (của ông Cơ và quân Giải phóng), thuỷ đạo – cũng là mật đạo (của người Mỹ mà đại diện là thiếu tá tình báo Jeff). Đó là những không gian mê cung, mê lộ gắn liền với mật thư, mật ngữ của người xưa hoặc những âm mưu bí mật của người nay, khiến cho tiểu thuyết ngập tràn sắc thái kỳ bí, kỳ ảo.

Không gian đậm chất “mật” ấy cũng là không gian tập trung mọi mâu thuẫn của tiểu thuyết. Quân đội Mỹ, tình báo Mỹ (CIA), quân đội Việt Nam Cộng Hoà, quân Giải phóng, thổ phỉ Lào đều chọn khu rừng núi này để thực hiện những âm mưu triệt phá đối phương với trận đánh cốt tử quyết định cục diện cuộc chiến tranh Việt Nam. Vì thế, từ không gian của Mật đạo, nhà văn Lưu Vĩ Lân đã trình hiện được bản chất cũng như chân dung của cuộc chiến, hay nói cách khác, ông đã đưa cả cuộc chiến tranh vào sắp đặt gọn ghẽ trong không gian Ba Đồi với đủ các phe phái, chiến lược và chiến thuật, âm mưu và hành động, trung thành và phản bội, chiến thắng và chiến bại… Sự dồn ép, dồn nén ấy khiến cho tiểu thuyết đủ hấp lực để độc giả phải lật đến trang sách cuối cùng.

Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết Mật đạo cũng khác lạ đầy chất văn chương. Ông Lam là một trí thức Tây học – nhà đại tư sản trẻ – bỏ phố lên rừng để khai thác đồn điền từ nguồn vốn đầu tư của nhóm anh em kết nghĩa mang tên Gia Đình, trở thành ông chủ đồn điền và gắn bó với núi rừng từ năm 30 tuổi cho đến hết phần đời còn lại. Nho nhã, điềm đạm, thanh lịch, thẳng thắn, nghĩa hiệp, trọng danh dự, “đầy chất lý tưởng, hiểu biết sâu sắc mọi chuyện”, tính cách của ông được xây dựng bởi những mặt đối lập đầy đẹp đẽ và đáng quý. Một nửa trong ông là “đời sống nhân gian phong nhiêu…, còn một nửa kia là u uẩn, trầm buồn”; tính tình “quảng giao” nhưng lại thích sống ẩn dật; “dù là người hiện đại nhưng lại rất tôn trọng truyền thống”; vừa khát khao “tiếp cận với hư vô và cô tịch”, lại vừa hết mình tận hưởng dục lạc trần thế; vừa có chất “lặng thinh lầm lũi như đại ngàn”, lại vừa quyết liệt và dữ dội như thác lũ; “đã xa lìa thế tục đến hơn nửa cuộc đời mà vẫn còn bám víu trần gian”. Bằng các mối quan hệ huyết thống và kết nghĩa, quan hệ tình cảm và kinh tế; bằng việc sở hữu vùng rừng núi vừa thiêng liêng vừa có vị trí chiến lược, ông Lam trở thành nhân vật quan trọng có liên quan đến tất cả các nhân vật khác trong tác phẩm dẫn đến những mối xung đột ba bên bốn bề hết sức phức tạp.

Từ nhân vật trung tâm và không gian trung tâm để tổ chức cấu trúc văn bản tiểu thuyết với vô số yếu tố nghệ thuật khác như tiểu không gian, thời gian, sự kiện, tình huống, xung đột,… một cách lớp lang là minh chứng thể hiện sự vững chắc của tay bút Lưu Vĩ Lân. Đồng thời, nhà văn còn khiến người đọc kính phục và cảm thông với những anh hùng lịch sử từng nếm mật nằm gai nơi rừng sâu núi hiểm vì độc lập dân tộc nhưng “chí lớn chưa thành thân đã bại/ anh hùng để hận đến nghìn năm”; khiến ta biết cúi đầu kính trọng núi rừng thiêng liêng, có ý thức và trách nhiệm bảo vệ sinh thái; khiến ta thêm hiểu hơn sự dấn thân của những “chiến binh” của Chúa không quản ngại đèo heo hút gió đã nối tiếp nhau làm tròn bổn phận chăn chiên để sưởi ấm tinh thần của những giáo dân miền sơn cước…

Có thể xem Mật đạo là tiểu thuyết của cái đẹp. Không gian đẹp: Ba Đồi (đồi Trầm, đồi Gió, đồi Mây), biệt thự lộng lẫy trên đồi, hang động và suối ngầm, địa đạo và thuỷ đạo, rừng thâm u bí hiểm,… Thời gian đẹp: những sự kiện quan trọng đều được diễn ra vào ngày 30 Tết và đêm giao thừa, thời gian đảo chiều khiến câu chuyện tăng phần hấp dẫn. Con người đẹp: ngoài nhân vật chính, các nhân vật khác đều đẹp (nhóm tư sản Gia Đình nghĩa trọng tình thâm; sĩ quan CIA, sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà, cán bộ cao cấp của quân Bắc Việt đều trọng ân nghĩa, trọng danh dự và hành xử rất nhân văn). Cái đẹp đó khiến Mật đạo giống như một bài cổ thi mang vẻ duy mỹ, có đủ các yếu tố giai thì (thời gian đẹp), mỹ cảnh (không gian đẹp), lương bằng (tình bạn đẹp). Văn phong của Mật đạo cũng đẹp mê hồn, lại giàu chất trí tuệ và triết lý. Lời kể rất hấp dẫn, lời tả và lời bình luận chứa nhiều hàm lượng kiến thức đa ngành bao gồm địa lý, địa chất, lịch sử, tôn giáo, tâm lý, chính trị, kiến trúc, kinh tế,… Điều đó cho thấy cách làm việc công phu và nghiêm túc đáng nể phục của nhà văn.

3.

Ngẫu tượng thay đổi cách kể chuyện bằng việc sử dụng hai ngôi kể: ngôi thứ ba ở chương đầu, ngôi thứ nhất tự thuật ở các chương còn lại. Cốt truyện của Ngẫu tượng là nỗi suy tư và hành động của người anh hùng mạt lộ – chuẩn tướng – bại tướng Dũng thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Dĩ nhiên, anh ta không kể về chiến công, chỉ kể về cuộc triệt thoái – tháo chạy của quân đội và chính quyền Sài Gòn vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Nhiệm vụ của vị tướng trẻ này thật oái oăm: chuẩn bị cho một trận thua, làm thế nào để trận thua ấy ít đau đớn nhất.

Buồn! Đó là nỗi buồn tàn cuộc, nỗi buồn thương tuyệt vọng của tướng mất thành, của người thuyền trưởng nhìn chiến hạm của mình chìm dần tận đáy mà mỗi nấc nước là một địa danh: Huế, Đại Lộc, Tiên Sa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh, Đà Lạt, Xuân Lộc, Sài Gòn… Rồi thì “hết phim”. Chim én đại bàng đều gãy cánh. Thuyền viễn xứ đưa người lưu đày viễn xứ. Tướng tá vứt bỏ sự vụ lệnh, “về thu xếp chuyện gia đình”. Ông Thiệu “trốn khỏi Sài Gòn bay đi Đài Loan”. Sài Gòn hấp hối và trút hơi thở cuối cùng! Không khí truyện ảm đạm, xao xác buồn như Ngày N+ của Hoàng Khởi Phong năm nào đủ để làm rớt nước mắt của những ai đã từng là người trong cuộc.

Ngẫu tượng là tiểu thuyết tình báo – tình báo trong chiến tranh. Nhân vật chính bị đẩy vào những tình huống éo le đến mức trở thành một mắc xích của CIA nhưng lại tiếp tay cho VC để rồi bị chính CIA cầm tù. Điện đài đã cài cắm nhưng không thể phát sóng, thuyền ra khơi nhưng người phải rời thuyền, người cần ở lại buộc phải ra đi… Tan vỡ hết, đổ bể hết!

Chuẩn tướng Dũng mang nỗi đau của chinh phu thất trận – bại tướng mất thành, mong được một lần “xin lỗi lịch sử, xin lỗi tha nhân, cởi bỏ bộ chiến bào và kiếm một mảnh vườn cuốc đất trồng rau”, nhưng anh lại bị chính CIA biệt giam ở một hòn đảo thuộc căn cứ Guantanamo. Hai mươi mốt năm “đối đầu với hư không, một mình, tự nói, tự nghe, tự trả lời, tự khóc, tự nhớ thương, tự dằn vặt và tự huỷ” đủ để biến vị tướng tình báo trẻ trung, dũng cảm và hào hoa phong nhã trở thành ngẫu tượng. Ai có thể đong đếm được di hại và thảm kịch của chiến tranh?

Nhà văn Lưu Vĩ Lân đã bằng các cứ liệu và phân tích lịch sử để chỉ ra nguyên nhân thất bại của Việt Nam Cộng Hoà: “một phần ba quân số đào ngũ, trốn lính, chạy vào lính kiểng hoặc các lực lượng không chiến đấu”; từ sau 1972, quân đội “thiếu đủ thứ súng, đạn, quân trang, quân dụng, dầu nhớt phụ tùng cho máy bay, tàu thuỷ… Nhưng cái thiếu quan trọng nhất là thiếu tinh thần, thâm hụt lòng can đảm, dư thừa thu vén cá nhân và tâm thế tháo lui có nguy cơ dẫn đến… tháo chạy”. “Một cuộc chiến thôi thúc, một quốc gia vội vã”, “một quân đội vội vã” với nhiều tướng tá vội phong “đánh đấm chẳng ra gì, chỉ chuyên lo đảo chánh, tham nhũng, ăn cắp đồ viện trợ Mỹ”, dựa dẫm vào Mỹ trong khi người Mỹ “là những kẻ phản bội đồng minh” thì làm sao thắng được VC.

Nhà văn Lưu Vĩ Lân đặt điểm nhìn vào một vị bại tướng giàu kinh nghiệm trận mạc, minh triết và lắm nỗi suy tư để chuyển tải chủ đề chính của tiểu thuyết là câu chuyện về miền Nam thua cuộc và vì sao thua. Được nhìn từ người trong cuộc – chính xác là bên thua cuộc – vì thế, nếu Mật đạo đẹp như thơ thì Ngẫu tượng lại buồn như thơ. Kết cấu đảo thuật toàn phần, đầu cuối hô ứng càng khiến cho câu chuyện lịch sử, câu chuyện kiếp người đẫm nỗi cảm thương.

4.

Nghiệp chướng là câu chuyện của thời hậu chiến với các cuộc cách mạng kinh tế và sự nghiệp kinh doanh của các nhà tư sản sau 1975. Nhân vật chính là hậu duệ của Gia Đình mà đại diện là Luân – con trai của ông Lam. Luân cũng là một con người phức tạp. Cùng một lúc, với tư cách là giáo sư tiến sĩ kinh tế chính trị học ở Mỹ, anh nhận nhiệm vụ thực hiện đề tài nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học quốc tế để về Việt Nam nghiên cứu sự chuyển đổi mô hình kinh tế – chính trị trong thời kỳ mới, và nhận thêm nhiệm vụ thừa kế tập đoàn Gia Đình.

Luân đã vận dụng được lý thuyết học ở trời Tây vào thực tiễn của Việt Nam sau 1975 để duy trì và phát triển công ty Gia Đình. Đồng thời, bằng sự cơ mẫn, chuẩn xác với tố chất doanh nhân thiên bẩm, Luân nhanh chóng trở thành Anh Hai của Gia Đình. Tự nhận là học giả, không phải nhà kinh doanh, nhưng Luân lái con thuyền Gia Đình vượt qua bao sóng gió nhẹ như không, đã tính là làm được, đã đánh là thắng, đã mua là trúng, đã bán là lãi… Luân còn phải giải quyết các vụ bê bối, mâu thuẫn chết người với giang hồ, Fulro và với cả người trong nhà.

Bên cạnh Luân là Tiên, con bác Năm, đảng viên trẻ vào miền Nam xây dựng xã hội mới, bôn sê vích tận trong từng tế bào cơ thể. Tiên thích nghi với môi trường mới và thành công không kém Luân. Dần dà, cô đủ bản lĩnh giữ cương vị Chị Hai. Anh Hai và Chị Hai trở thành những nhà kinh doanh thuộc thế hệ mới, cùng gánh vác cơ nghiệp của Gia Đình.

Bên cạnh sự thay đổi, trưởng thành của Luân và Tiên; sự vững chãi và lớn mạnh của tập đoàn Gia Đình là một xã hội chuyển mình từ nền kinh tế phụ thuộc trong chiến tranh, khó khăn lúc hoà bình và ổn định, phát triển sau các cuộc các mạng kinh tế. Đầu tiên là cách mạng cải tạo công thương nghiệp với nhiều xáo trộn theo kiểu chủ biến thành tớ, tớ biến thành chủ; lớp tư sản cũ bỏ của chạy lấy người, lớp tư sản mới phất lên nhờ mua tài sản bị bỏ rơi… Tiếp đến là công cuộc công tư hợp doanh với nền kinh tế cộng sinh giữa nhà nước và tư nhân, rồi lại quốc doanh để chuẩn bị cho một mô hình kinh tế khác mà rất cần “những doanh nhân, nhất là những doanh nhân xuất thân trong lòng hệ thống” – những hạt giống đỏ như Tiên.

Kết thúc tác phẩm, Luân hoàn thành được đề tài nghiên cứu, gửi về Mỹ cho đồng nghiệp; anh ở lại Việt Nam, xây dựng lại Ba Đồi và có được tình yêu của Tiên; Gia Đình ngày một giàu có và các bậc tiền bối hoàn toàn yên tâm khi giao lại sản nghiệp cho Anh Hai, Chị Hai; xã hội ngày càng bình yên và phát triển; người mất của thì châu về hợp phố, người có công đều được thưởng, người có tội đều đã trị, nếu tha thứ được thì đã tha… Một cái kết đẹp cho Nghiệp chướng và cho cả bộ ba tiểu thuyết!

Điểm khác biệt của nghệ thuật tiểu thuyết Nghiệp chướng so với hai tiểu thuyết trước là ở giọng điệu khiến tác phẩm có cái duyên kể chuyện. Tác giả chọn người kể chuyện “thượng đế” nhưng luôn đan cài điểm nhìn và giọng điệu bình luận của Luân. Kiểu lời nửa trực tiếp này của anh chàng đa tình, thông minh nhưng nhút nhát và hài hước khiến câu chuyện càng thú vị. Nhà văn cũng tạo ra nhiều tình huống gay cấn, thắt nút mở nút, cao trào thoái trào, thù trong giặc ngoài, hãm hiếp bắn giết, yêu thương phản bội… đậm chất cinema đủ để thu hút độc giả. Đan lồng trong sự kiện là các luận đề về kinh tế, kinh doanh, chính trị, lịch sử, tâm lý,… khiến đọc Lưu Vĩ Lân, ta như được trò chuyện với nhà thông thái.

5.

Nhìn một cách phổ quát, bộ ba tiểu thuyết của nhà văn Lưu Vĩ Lân là những tác phẩm thú vị; thể hiện nhà văn là người có tư duy tiểu thuyết thực sự, có phong cách tác giả.

Tuy nhiên, xét về mục đích sáng tác và dụng ý tiếp nhận, bộ ba này khiến tôi băn khoăn nhiều về tư tưởng, quan điểm và cả một số chi tiết nghệ thuật, đặc biệt là tiểu thuyết Nghiệp chướng.

Từ các tác phẩm cũng như câu trả lời trên báo chí, nhà văn Lưu Vĩ Lân nêu rõ mục đích sáng tác của mình: “Viết là để hòa giải. Tôi không có cách nghĩ nào khác điều đó khi cầm bút. Viết để tiếp tục gây đau lòng nhau, gây lở lói thêm những vết thương vừa khép miệng thì thật đáng tiếc…” (https://cuoituan.tuoitre.vn/nha-van-luu-vi-lan-viet-la-de-hoa-giai-1580203.htm). Dĩ nhiên, viết để hoà giải thì có ba bảy đường, nhưng Lưu Vĩ Lân đã chọn con đường lãng mạn hoá lịch sử. Vì vậy, từ nhân vật cho đến sự kiện của các tác phẩm đều rất giàu chất lãng mạn.

Nhìn chung, các nhân vật chính trong tiểu thuyết của Lưu Vĩ Lân đều là người rất hay, tốt và đẹp. Vì vậy, cho dù thuộc về các phe phái đối lập, cho dù ở trong những tình thế buộc phải tiêu diệt nhau, họ vẫn không có hành động nào tàn ác. Hoặc là tự họ tìm cách thoát ra khỏi rắc rối, hoặc là tác giả cầm tay dẫn họ ra để có một kết cục tốt đẹp, vẹn toàn. Ở Mật đạo, ông Cơ (sĩ quan tình báo Việt Cộng) cần phải giết ông Lam, vì ông Lam là người ngoài duy nhất phát hiện ra địa đạo của quân Giải phóng, vi phạm tính tuyệt mật của chiến dịch. Nhưng vì mang ơn cứu mạng của ông Lam, ông Cơ không nỡ ra tay. Cuộc chạm trán giữa các phe phái ngay trong biệt thự ông Lam tưởng sẽ nảy sinh hành động kịch thì cuối cùng, tác giả giao việc xấu, việc ác cho bọn thổ phỉ Lào. Cả phía CIA, quân Nam Việt, quân Bắc Việt đều được chỉ huy bởi những vị tướng tá trọng nghĩa trọng tình, trọng danh dự, nhân ái nhân đạo thế kia, làm sao mà triệt phá nhau đến tao sống mày chết được.

Tương tự, ở tiểu thuyết tình báo Ngẫu tượng, sĩ quan tình báo của các bên cũng đều lãng mạn như thế: Lữ, ông Cơ, Dũng, John… đều ứng xử vị tình. Mà, như tác giả đã viết: “tình cảm, đó là điểm yếu chết người của nghề tình báo”. Vậy thì, viết với mục đích hoà giải, tình cảm cũng trở thành điểm yếu chết người của Lưu Vĩ Lân. Sau 1975, cuộc cải tạo chính trị đối với sĩ quan chế độ cũ lại không được thể hiện, thay vào đó là đòn trừng phạt của CIA với hai mươi mốt năm lưu đày của chuẩn tướng Dũng. Tác giả gần như bỏ qua cuộc cải tạo chính trị (chỉ liên quan đến một chi tiết nhỏ), đi thẳng vào cuộc cải tạo công thương nghiệp. Tuy nhiên, cải tạo công thương nghiệp trong Nghiệp chướng vẫn khá êm đềm, các nhân vật có tên tuổi đều được nhiều hơn mất, thậm chí có người nước lã vã nên hồ nhờ khôn lanh. Những người mất mát, mất trắng đều thuộc nhân vật quần chúng, nhân vật đám đông – không có số phận, tính cách – không là con người cụ thể. Cuộc cách mạng tan cửa nát nhà, oan khuất ngập trời đó đi vào tác phẩm nhẹ như bấc, chỉ như một cuộc chuyển giao hơi có chút xáo động, nhưng rồi tập đoàn Gia Đình dù có bị tịch thu, có tự nguyện giao nộp tài sản thì kết thúc cuộc cách mạng, họ vẫn thắng lớn với 200 ký vàng và gần chục triệu Mỹ kim có từ trước 1975 và “cơ ngơi khổng lồ, bao trùm khắp nơi, ra cả hải ngoại, với khối tài sản không tính xuể” vào thời điểm 1987. Tiền của không mất mà còn sinh sôi, người không bớt mà lại thêm về. Cải tạo và cách mạng, nếu thật sự “thành công rực rỡ” như công ty Gia Đình thì nên thực hiện nhiều hơn!

Cả ba tiểu thuyết đều có nhiều xung đột và mâu thuẫn nhị trùng, tam trùng và đa trùng của cá nhân và phe phái, nhưng được hoá giải một cách “cải lương” chứ không đẩy đến xung đột kịch, không có bi kịch đúng nghĩa. Vụ Ba Đồi chỉ chết vài anh lính quèn, cuộc triệt thoái của chuẩn tướng Dũng cũng chỉ chết những người đáng chết, cuộc cải tạo công thương nghiệp ở miền Bắc sau 1954 và miền Nam sau 1975 nhờ “chính sách hài hoà xã hội” nên chẳng thấy cảnh tan cửa nát nhà, bán vợ đợ con, tử biệt sinh ly.

Xem ra, chiến tranh và cách mạng ở Việt Nam trong gần nửa thế kỷ là “cách mạng nhung”, cách mạng ôn hoà, không tổn thương và sát thương người trong cuộc, nó kết thúc có trật tự nhờ sự cảm hoá và thoả hiệp. Nhà văn Lưu Vĩ Lân nhìn cách mạng từ vị trí của người được chứ không phải là người mất. Vì thế, dù xây dựng rất nhiều pha gay cấn trong cả ba tiểu thuyết một cách điệu nghệ, nhưng tác giả chỉ tạo nên lớp lớp tính kịch mà thiếu đi kịch tính – thứ kịch tính đúng nghĩa buộc nhân vật phải lạnh lùng hoặc đau đớn dằn vặt mà hành động, phải lựa chọn nghiệt ngã phù hợp với bản chất chiến tranh và cách mạng. Ba tác phẩm với bối cảnh đầy những biến động dữ dội đến rừng tàn núi lở, bãi bể nương dâu như thế, nhưng khi kết thúc thì “không chết người trai khói lửa”, cũng chẳng “chết người em nhỏ hậu phương”, Anh Hai vẫn cưới được Chị Hai để cùng thừa hưởng và trông coi cái gia sản kếch xù của Gia Đình. (Cái chết của ông Lam vì phá huỷ thuỷ đạo, ngăn chặn một cuộc chiến tranh sinh thái vẫn mang màu sắc lãng mạn, theo kiểu ông muốn ở lại với núi rừng chứ không nhất thiết là không thể cứu thoát).

Viết để hoà giải còn được nhà văn Lưu Vĩ Lân dùng liệu pháp tâm lý và tình thương để cho các nhân vật của Nghiệp chướng tha thứ cho kẻ đã hãm hiếp hoặc âm mưu giết chết mình (đặc biệt là sự kiện cô Ba của Gia Đình hai lần cho người giết hụt Luân và Tiên) khiến cho tình tiết truyện trở nên nhạt nhẽo và gượng gạo.

Tính cách nhân vật vẫn còn nhiều chỗ phi logic, không nhất quán và thiếu thuyết phục. Lệ Hoa – cô Ba của Mật đạo và cô Ba của Nghiệp chướng – là một con người nhưng hai tính cách khác biệt, thậm chí mâu thuẫn với nhau. Ở tiểu thuyết trước, cô khôn ngoan, điềm tĩnh, duyên dáng, quyến rũ và đảm lược bao nhiêu thì ở tiểu thuyết sau, cô bốc đồng, nông nổi, cạn cợt, tàn ác và vô duyên bấy nhiêu. Tác giả kỳ công xây dựng nhân vật Anh Hai Luân thành một kiểu ông trùm – “bố già” nhưng lại không già được như bố.

Khá nhiều chi tiết gượng gạo khiến các tiểu thuyết giảm tính thuyết phục. Ông Lam của Mật đạo yêu Muôi. Ông đã nhào nặn cô gái núi rừng này thành một dạng búp bê tình dục kiêm con ở chứ không phải là một người bạn tri kỷ như tác giả mong muốn. Vì thế, khi Muôi đi xa, tác giả liên tục để cho ông nhớ nàng, nhớ thương nàng thì nghe có vẻ giả tạo và gắng gượng. Muôi là nhân vật không có ngôn ngữ, không thể hiện trí tuệ và tâm hồn. Giao tiếp của ông Lam và nàng chỉ thuần xác thịt và sự phục tùng thì có thể dùng từ “yêu” để thay thế từ “sở hữu” và chiếm hữu được không? Ông Cơ được tác giả phí công dụng tâm xây dựng là một tướng tình báo chiến lược cấp cao tài đức trí dũng vẹn toàn của quân Giải phóng, luôn có hai cận vệ cận kề, vậy mà trong một lần đi xem xét địa đạo, “ông thơ thẩn ngắm nghía mấy loại lan rừng quá đẹp trên ngọn cây cao và tách ra càng lúc càng xa hai cận vệ của mình để vô tình lọt vào tay đám phỉ” và bị bắt sống. Tạo tình huống như thế này thì không phù hợp với nhân vật chút nào.

Nhóm Gia Đình thời nào cũng “đếm tiền mà phát bệnh”, quyền nghiêng thiên hạ, đa mưu túc trí, vàng lấp kín sông, tử tế và cao sang như thế, tại sao chỉ một công cuộc đầu tư vào vùng đất Quảng Trị bị thua lỗ mà đã vội quyết định gỡ vốn bằng cách ép ông Lam dùng mật đạo thiêng liêng để vận chuyển thuê một tấn ma tuý? Hành động đó xứng đáng được trìu mến gọi là “trí thức yêu nước, tư sản dân tộc” sao?

Nhà văn rất mạnh mẽ, dũng cảm khi liệt kê và phân tích những nhược điểm của chính quyền và quân đội miền Nam, những tráo trở và hiểm ác của CIA và chính phủ Mỹ. Đó chính là nguyên nhân họ thua miền Bắc. Ông cũng rất tự tin khi viết về thành công của công cuộc cách mạng kinh tế – xã hội sau 1975. Tuy nhiên, người đọc không thấy những sai trái nào của miền Bắc, sai lầm nào của các cuộc cải tạo xã hội thời hoà bình khiến hàng triệu người vốn nứt đố đổ vách, thế phiệt trâm anh bỗng chốc trắng tay hoặc phải rời xa tổ quốc, chấp nhận cách sống lưu vong, tỵ nạn… Như thế, sự mạnh mẽ và dũng cảm của tác giả chỉ như đánh hổ đã trói mà thôi. Điều mà anh nhìn thấy, anh viết ra thì người khác cũng đã nhìn thấy, đã viết ra từ rất lâu và rất nhiều rồi. Nhà văn muốn sáng tạo đích thực thì cần phải “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Nam Cao).

Viết để hoà giải không có nghĩa là khoả lấp đi nỗi đau, chữa lành vết thương không có nghĩa là đắp điếm che giấu nó đi, chấm dứt mâu thuẫn không có nghĩa là dùng trắc diện thay cho chính diện. Làm như thế là sai lầm, là tự mâu thuẫn với chính mình. Có đau đâu mà chữa, có mất đâu mà đòi, có đáng tiếc đâu mà hối tiếc, có xung đột đâu mà cần hoà giải. Nếu cho rằng viết về sự thật sẽ “tiếp tục gây đau lòng nhau” và chọn một nửa sự thật hoặc chưa phải là sự thật để viết thì vẫn không đạt được mục đích hoà giải, thậm chí còn có thể gây tác dụng ngược.

Các nhà văn Mạc Ngôn, Diêm Liên Khoa, Svetlana Alexievich, Annie Ernaux,… cũng viết để hoà giải: hoà giải với quá khứ, với lịch sử, với tha nhân và với chính mình, nhưng họ không sợ “gây đau lòng nhau”. Mỗi tác phẩm về quá khứ đều được viết từ ký ức, văn chương rất cần ký-ức-chân-thật và trọn-vẹn. Bởi vì ký ức là thứ mà nhà văn truyền lại cho thế hệ tương lai. Nhà văn có thể quên, có thể xí xoá cho ký ức cá nhân, nhưng không nên làm điều đó cho ký ức dân tộc. Anh tôn trọng lời gan ruột của anh thì cũng cần tôn trọng lời gan ruột của người khác, của lịch sử. Nhà văn cần can đảm đi chân trần trên than đỏ lịch sử, “viết như một lưỡi dao” (Annie Ernaux), dùng ngòi bút để “đỡ dậy ký ức của một dân tộc” (Diêm Liên Khoa). “Khi viết về số phận cá nhân thì phải động đến nỗi đau lớn nhất của tâm hồn người ấy; viết về nhân sinh thì phải lục lọi những điều không dám ngoái đầu nhìn lại trong ký ức của mình” (Mạc Ngôn). Có như thế, anh mới hoà giải được, bởi vì ngay cả nỗi đau của người khác mà anh còn cố khoả lấp (dù với thiện chí) thì làm sao đòi hỏi họ hoà giải và hoá giải.

6.

Với tôi, ba tiểu thuyết của nhà văn Lưu Vĩ Lân là hành trình lùi. Giá trị nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của các tác phẩm giảm dần, đến tiểu thuyết thứ ba thì có vẻ giống văn học thời chưa đổi mới, bởi vì tác giả muốn viết bằng chủ nghĩa nhân đạo nhưng lại thành ra phải đạo. Chỉ khác là, tác giả chọn kiểu nhân vật và sự kiện khác lạ hơn hoặc thay vì “yêu-căm-chiến-lạc” thì bây giờ chỉ cần “yêu-chiến-lạc”, bỏ chữ “căm” đi mà thôi. Như thế Nghiệp chướng vẫn chỉ là văn học “tân phải đạo”, “tân minh hoạ”.

Đọc xong bộ ba tiểu thuyết Mật đạo, Ngẫu tượngNghiệp chướng, vui vì bút lực và tư duy nghệ thuật của nhà văn có tính “hiện tượng”; buồn vì “văn học phải đạo” vẫn không mất đi mà chỉ chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác; và, không biết nên vui hay nên buồn, thấy đúng hay thấy sai vì những giải thưởng đã trao cho tác giả và tác phẩm.

Comments are closed.