Phạm Phú Minh
Toàn bộ cuốn Tây hành nhật ký của Phạm Phú Thứ đã được dịch giả Quang Uyển dịch sang tiếng Việt và xuất bản lần đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1964. Trong bài Lời người dịch ở đầu sách, có đoạn:
Hơn bốn mươi năm về trước, trong “Nội san của Hội đô thành hiếu cổ” (Bulletin des Amis du vieux Huế) xuất bản tại Huế, người ta đã dịch ra tiếng Pháp quyển Thượng (1919) và quyển Trung (1921), dưới tiêu đề là “L’Ambassade de Phan Thanh Giản” (Sứ bộ Phan Thanh Giản).
[Hình: Trang bìa và trang đầu Lời người dịch trong ấn bản 1999 của Tây hành nhật ký/ Phạm Phú Thứ; Quang Uyển dịch. NXB Đà Nẵng, 1999, tr. 5]
Đọc đoạn văn trên, người tinh ý có thể để ý đến mấy chữ “người ta đã dịch” mà lại không ghi rõ tên của người dịch là ai. Lời giới thiệu một bộ sách quan trọng từ đời Tự Đức viết bằng chữ Hán được dịch sang tiếng Pháp, đăng trên một tờ báo danh tiếng ngay tại kinh đô Huế, mà lại không ghi tên người dịch, chỉ ghi bâng quơ “người ta đã dịch” thì rõ ràng có vấn đề. “Người ta” đây là ai?
Người viết bài này có may mắn gặp và làm việc một thời gian dài với dịch giả Quang Uyển mới hiểu được lý do bí ẩn này. Năm 1988 mới ra khỏi cõi lao lung về lại Sài Gòn, tôi được gặp anh Quang Uyển, mới biết chúng tôi là bà con với nhau. Anh Quang Uyển lớn tuổi hơn tôi nhiều, nhưng là con một người chị họ của tôi, nên phải gọi tôi bằng cậu. Anh Uyển cho biết năm 1954 khi hiệp định Genève ký kết chia đôi đất nước thì anh đang tản cư ở vùng Thanh Hóa nên bị kẹt lại ngoài Bắc luôn. Anh rất giỏi chữ Hán và nghiên cứu nhiều về lịch sử nên được dạy tại đại học ở miền Bắc. Trong thời gian này anh đã dịch bộ Tây hành nhật ký của Phạm Phú Thứ thành Nhật Ký Đi Tây và in lần đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1964. Anh ngỏ ý với tôi muốn tái bản Nhật Ký Đi Tây ở miền Nam nhưng không có người đánh máy lại toàn bộ bản thảo đã được sửa sang nhiều so với bản dịch đã xuất bản ở miền Bắc. Tôi tình nguyện đánh máy giúp anh, và khi đọc bản thảo, tôi đã hỏi anh tại sao không nêu tên người dịch Tây hành nhật ký sang tiếng Pháp. Anh nhìn tôi một cách bí ẩn rồi trả lời: “Người dịch đó là ông Ngô Đình Diệm. Cậu tính, hồi đó ông Ngô Đình Diệm đang làm Tổng thống ở miền Nam, cả guồng máy tuyên truyền miền Bắc ngày nào cũng chửi rủa ông ấy, làm sao mình dám để tên ông trong sách được!”.
Câu chuyện ông Ngô Đình Diệm năm 19 tuổi đã dịch sách Tây hành nhật ký của Phạm Phú Thứ sang tiếng Pháp (năm 1919) do anh Uyển cho biết, đã soi sáng cho tôi một số sự việc của gia đình tôi liên quan đến Tổng thống Ngô Đình Diệm.
[Hình chụp trang bìa và trang đầu bản dịch Tây hành nhật ký sang tiếng Pháp của Ngô Đình Diệm đăng trên Bulletin des Amis du vieux Huế, số Avril-Juin, 1919, tr. 161]
Việc thứ nhất liên quan đến việc đi du học Pháp của anh tôi là Phạm Phú Hiển. Anh Hiển sinh năm 1937, tôi sinh 1938, gia đình tôi ngày xưa thường giới thiệu chúng tôi với bạn bè là: hai đứa sinh năm một. Năm 1947 gia đình tôi từ Gò Nổi trên bờ sông Thu Bồn đi tản cư về phía nam, đến những nơi như Tam Kỳ, Tiên Phước, cả đến Quảng Ngãi, anh em chúng tôi được chia ra đi học nhiều nơi khác nhau. Đến năm 1952 anh Hiển và tôi được gia đình cho hồi cư về làng Đông Bàn thuộc phủ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, rồi sắp xếp cho đi Hội An tiếp tục việc học.
Anh Hiển tôi học giỏi, được một người bác chúng tôi ở Sài Gòn gọi vào cho đi học chương trình Pháp. Năm 1957 anh Hiển đậu thủ khoa với hạng Bình (mention Bien) kỳ thi Tú tài Pháp tại Sài Gòn, và ao ước được đi du học tại Pháp. Nhưng rủi thay, năm đó chính quyền Việt Nam có chủ trương chỉ cho đi du học Mỹ, rất hạn chế đi du học Pháp. Chỉ còn một cách, là xin thẳng với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nhưng mình là thường dân ở miền Trung, làm sao với tới?
May mắn là cha chúng tôi, mà chúng tôi gọi là “thầy”, có quen biết với bác sĩ Bùi Kiến Tín, thời đó là bác sĩ riêng của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Thầy tôi nhờ bác sĩ Tín xin riêng với Tổng thống để anh Hiển được du học Pháp. Tôi được nghe kể lại: bác sĩ Tín vào gặp Tổng thống, mang theo tập hồ sơ xin du học Pháp của anh Phạm Phú Hiển, trình bày nguyện vọng của người cháu cố của cụ Phạm Phú Thứ, muốn đi du học bên Pháp. Tổng thống nghe là cháu cụ Phạm Phú Thứ thì nói ngay: “Cháu cụ Phạm Phú Thứ à? Thế thì được, cho một người này nữa đi Pháp thôi.” Và ký chấp thuận vào hồ sơ. Thế là xong, chỉ mấy tháng sau anh Hiển tôi lên đường sang Pháp. Và anh Hiển đã không phụ tấm lòng ưu ái của Tổng thống: khoảng năm sáu năm sau khi tới Pháp anh đã tốt nghiệp Kỹ sư Cầu Cống, một trường vào hạng khó của Pháp; và độ mười năm sau đã trình luận án và đậu bằng Tiến sĩ Toán. Tiếc là lúc đó Tổng thống đã qua đời.
Tôi nghe kể lại, thời làm Tổng thống ở miền Nam, ông Ngô Đình Diệm thường tỏ ra tin cẩn con cháu của những cựu thần nhà Nguyễn. Điều này xem ra cũng dễ hiểu, vì chính ông Diệm cũng ở trong hàng ngũ đó, biết rõ đó là những gia đình nền nếp, có học vấn, có khả năng.
Trường hợp Phạm Phú Quốc mới thật cảm động. Chúng ta đều biết vụ oanh tạc dinh Độc Lập ngày 27 tháng 2 năm 1962 do hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử thực hiện, Phạm Phú Quốc bị bắn hạ và bị bắt. Riêng Tổng thống Diệm bình an, phải dời qua cư trú tại dinh Gia Long. Sau cuộc đảo chánh chính quyền ông Diệm năm 1963, Quốc được ra khỏi tù. Tôi với Quốc là anh em chú bác họ, trong một dịp gặp nhau sau năm 1963, Quốc có kể với tôi: Sau khi bị bắn rớt và bị bắt năm 1962, Quốc bị giam ở trụ sở An ninh Quân đội. Những ngày đầu có bị tra tấn để điều tra, nhưng sau đó thì yên, chỉ bị giam thôi. Nhưng có một hôm Quốc được kêu ra để gặp một người do Tổng thống Diệm phái đến, người ấy yêu cầu Quốc đặt hai tay lên bàn để quan sát. Sau đó nói nhỏ với Quốc: “Tổng thống nghe nói người ta rút móng tay của anh, nên phái tôi đến đây xem có thực như vậy hay không.”
Thì ra ông Diệm vẫn thương mến Quốc, có thể vì Quốc là một phi công ưu tú, và lại mang họ Phạm Phú. Qua câu chuyện này chúng ta cũng có thể suy đoán thấy vai trò của Tổng thống Diệm thời điểm đó xem ra có vẻ khiêm tốn, phần lớn việc điều hành quốc gia có lẽ đều do ông Nhu, đến nỗi cũng chỉ “nghe nói” lời đồn nào đó về hoạt động của An ninh Quân đội mà động lòng thương người phi công xuất sắc của Không quân Việt Nam. Phải ghi nhận tấm lòng nhân từ của ông, trong đó có vẻ ông có sự quan tâm đặc biệt với con cháu họ Phạm Phú.
Nhìn lại quá khứ, khi ông Diệm mới bước vào tuổi thanh niên và còn là học sinh của trường Hậu Bổ, dưới sự hướng dẫn của thầy mình là Nguyễn Đình Hòe đã nghiên cứu kỹ cuốn Tây hành nhật ký của Phạm Phú Thứ trước khi dịch bộ sách này sang Pháp văn. Thiết nghĩ đây là một cách giáo dục rất hay của trường Hậu Bổ, tạo điều kiện cho học sinh của trường nghiên cứu kỹ tư tưởng xây dựng đất nước của lớp người đi trước. Và chắc chắn người thanh niên Ngô Đình Diệm ở lứa tuổi mười chín đôi mươi đã chăm chú đọc, để trước mắt có thể chuyển ngữ thành công cuốn sách ấy sang tiếng Pháp, và cũng nhờ thế người thanh niên ấy sẽ thấm nhuần tư tưởng canh tân đất nước của Phạm Phú Thứ, một đại thần thuộc thế kỷ trước đã có dịp đi sứ đến tận nước Pháp. Có thể Phạm Phú Thứ qua tác phẩm Tây hành nhật ký và qua tư tưởng canh tân của mình đã để lại một ấn tượng đặc biệt nơi người học trò Ngô Đình Diệm tại trường Hậu Bổ.
Để hai mươi mấy năm sau, trong cương vị Tổng thống, thấy đơn xin đi Pháp du học của một học sinh mang họ Phạm Phú, đã thốt ra: “Cháu cụ Phạm Phú Thứ à…” và cầm bút ký thuận, để sau đó có thêm một người họ Phạm Phú được… “Tây hành”. Hoặc với cái tâm nhân từ, vẫn quan tâm đến người sĩ quan phản loạn họ Phạm Phú, vẫn muốn bảo bọc khỏi những đối xử có thể tàn ác của cơ quan an ninh trong chính phủ của mình…
Thiết tưởng đó là những đặc tính hiếm có và đáng yêu của một người làm chính trị.
Little Saigon ngày 1 tháng 11, 2022.