Trần Quốc Toàn: Phát biểu nhận Giải Văn Văn Việt lần thứ bảy

Toàn 1992

Những thể nghiệm trên trang viết

Kính thưa quí vị,

Kính thưa Ban Xét tuyển Giải thưởng Văn – Văn Việt.

Tôi rất vui khi nhận được tin mình nhận Giải Văn – Văn Việt lần thứ bảy với tiểu thuyết Trong rừng cây du thủ.

Tôi còn nhớ những ngày đầu cộng tác với Văn Việt là những chùm thơ, kèm theo tranh minh họa do tôi tự vẽ trong những ngày tháng ở trọ Sài Gòn. Và chính thức bước vào thế giới của tiểu thuyết từ ghi chép Đất Chà Bàn rồi viết tiểu thuyết Xưởng tái chế linh hồn, Trong rừng cây du thủ, cứ thế lần lượt nhận được sự quan tâm của ban Văn – Văn Việt, với tôi đó là niềm khích lệ lớn nhất về tinh thần, để tôi gửi gắm những nỗi trăn trở của tôi với cuộc sống đương đại.

Tôi còn nhớ những buổi chiều xa xôi, khi còn sống ở Sài Gòn, tôi thường ngồi một mình ở Chiêu Cà phê sách, ngồi và đọc những tiểu luận về Gunter Grass, Imre Kertész, K-George Steiner… do dịch giả Jennifer Trần chuyển ngữ. Tôi lại mê say nghĩ ngợi và kể lại cho anh bạn bác sĩ Thường Duy nghe, lẽ thú vị là tôi được mời cà phê, mời hút loại thuốc lá thơm, và nghe chàng ta đàn hát nhạc của Quốc Dũng, đêm phương Nam bớt đi một ngôi cô đơn, rồi khi rượu say, chúng tôi chia tay nhau trong nỗi mộng mị ấy. Và nhớ những hôm ngồi trò chuyện với bạn viết là anh Nguyễn Hải Việt, lúc tôi rời Sài Gòn thì anh in cuốn Nối đuôi nhau đến vô cùng bao gồm những truyện cực ngắn, chưa từng xuất hiện trên bất kỳ diễn đàn văn chương nào, anh lao động thầm lặng, và tôi bị ám ảnh rất nhiều bởi cách viết truyện cực ngắn của anh.

Đó là những hình ảnh nhớ khôn nguôi trong ngăn ký ức, những tháng năm trôi dạt Sài Gòn, cùng những người bạn thơ, với những cá tính khác nhau, là các anh, các nhà thơ Lê Minh Chánh, Lâm Lê, Pháp Hoan, Trần Duy Trung…

Tôi thường viết lúc nửa đêm, khi ý tưởng lóe lên và cứ thế tôi ngồi viết một mạch, và gửi thầy tôi đọc, có đoạn không vừa ý, tôi viết đi viết lại nhiều lần cho đến khi nào thật sự ưng ý mới thôi. Việc viết với tôi như thói quen hàng ngày vậy, nói như cách nói của thầy tôi, nhà văn Nguyễn Thanh Hiện là “Tôi vẫn đang đọc lại, học lại, nhất là lịch sử và triết học. Với tôi, ngày nào không nghĩ, không viết, không đọc, lại cảm thấy như mình đang mất mát cái gì đó. Mà người cầm bút, nếu không đọc, thì sẽ thấy mình cũ đi. Cũng là con đường quen thuộc trước ngõ ấy, nhưng nếu anh nhìn bằng trái tim và tri thức, anh sẽ thấy nó khác đi…”.

Để nói về thông điệp của tác phẩm này, tôi chỉ xin trích một đoạn ngắn trong tiểu thuyết, như một dụ ngôn, ý niệm của tôi trong cách nghĩ ngợi về những sự kiện của đương đại:

"cho ta gặp lại một người từ trong lòng đất của nghìn năm cũ, nghìn năm với bao chiếc rễ cuộn lên cỗ quan tài của thế kỷ, của con rắn lịch sử, của niềm vui nắng gió, hay của những sợi gân còn dòng máu chảy, ngoài biên địa của vũ trụ, dưới sân ga, bên ánh đèn du thủ, bên âm bản của xóm làng, trên nóc ngói hoàng hôn, bên vệ đường cỏ mọc, ngoài đại dương sóng vỗ, trong họng khoang tàu và trên cánh đồng lũ quạ buồn ngơ ngác, không hiểu sao có người chết, lẽ ra lũ quạ phải vui mới phải, không, chúng không còn muốn ăn thịt người nữa, chúng đã ngán thịt, thịt của những người chết vì canh giữ linh hồn cánh đồng, tôi thấy một người động kinh [cơn rùng mình sau tấm thảm kịch, có chăng văn chương là thảm kịch, là lửa, lửa cõi âm hồn, nó là? một cơn đại mộng khủng khiếp, một vết chém, hay một sự đứt gãy? mà người nghĩ về nó thấy mình tê tái…] đêm, trở lại gốc cây, tôi thấy cái mệnh của người đã hoá thành khói thuốc, thứ làm đầu óc sống với những vùng tâm não, mà bầy quạ đã chở tôi đi đến một vùng đất cũ, nơi tôi chợt thấy một người đi trong bóng đêm của mùa đông”.

(trích Trong rừng cây du thủ).

Tôi sẽ tiếp tục cầm lại cọ trong thời gian tới, bởi tôi cũng đã nghỉ ngơi với màu sắc trong khoảng thời gian đủ dài, để xem lại và nghiền ngẫm về nó – những hình ảnh sinh nở trong thực tại. Và với tiểu thuyết hãy còn là một con đường dài về sau, tôi muốn biết mình sẽ đi tới đâu.

Tôi xin chân thành cảm ơn ban Văn – Văn Việt, Ban Xét tuyển, là những nhà văn, nhà phê bình văn học tên tuổi mà tôi yêu mến – đã đồng hành cùng những trang tiểu thuyết đầu tiên Xưởng tái chế linh hồn cho đến cuốn thứ hai Trong rừng cây du thủ, và tôi vẫn đang tiếp tục viết cuốn thứ ba Cuộc hồi hương của lửa.

Tôi sẽ sớm trở lại với Văn Việt bằng cuốn tiểu thuyết thứ ba này.

Xin cảm ơn quí vị,

Cảm ơn Ban Xét tuyển Giải thưởng Văn Việt.

Trần Quốc Toàn tên thật cũng là bút danh, sinh năm 1992 tại Tuy Phước – Bình Định.

Có thơ, truyện ngắn, tranh và tiểu thuyết đăng trên các trang: Tiền Vệ, Da Màu, Hợp Lưu và Văn Việt.

Từng có thời gian học trường Đại học Quy Nhơn chuyên ngành Tổng hợp Văn, được hai năm rồi bỏ vào Sài Gòn lang thang kiếm sống, đọc và viết tự do.

Giải thưởng: Giải Văn chương tự do Tiền Vệ (2019) cho tập thơ Kinh Đêm.

Comments are closed.