Trường ca của Ðỗ Quyên
5.8
Thơ còn một cuộc phong ba
Trên trang giấy mỏng lòng ta lót đời
Hai tay cầm mãi cũng rơi
Chữ đây đã rụng nghĩa rày đã tan
Ngoài hiên đôi sẻ sang hàng
Thu này không chắc ai mang gió về
5.9
cửa đóng lại mùa thu ở ngoài canh chừng em vào hai bàn tay mở bộ ngực đỏ mắt anh sao sa thân anh mang mặt trời nóng cái mặt trăng hai lưỡi liềm chụm lại giữa em chiếc giường nằm thủ dâm quay mặt về phía không có chúng ta không khí căn phòng đạt hạnh kiểm tốt nhất trong mùa âm hưởng chung cư thi ba lần không đậu hơi anh rào rào tiếng em râm râm thủ khoa nhiệt độ toàn cục hát bài ca ổn định bức tranh câm trên tường sau vụ này không đòi giải phẫu mảng màu dàn cd hạn hán nhạc trịnh nhạc rap ngáp em càng mong ngóng mưa cuốn nhanh buổi chiều ra khỏi thời khóa biểu của sự ngu để anh nhìn thấy hết mình trong đối diện với thực tại be bé dài rộng không hơn một bài thơ tứ tuyệt sâu không hơn một bức lập thể hạng hai để anh tự vả vào bản mặt mang hình laptop của lý tưởng lỡ tàu về một cộng đồng ảo với văn hóa làng thời toàn cầu hóa để anh ngâm anh trong em trong khi em ngâm em trong mùa thu cửa đóng
5.10
Cuối tháng ra mắt sách? Ờ. Mà còn chờ. Phải định nghĩa lại thế nào là Sách. Ðịnh nghĩa lại Ra mắt. Cuối tháng? Trong ba định nghĩa lại này cái nào là bố cái nào? Cái nào con, cháu? Cái nào đáng được định nghĩa lại trước tiên (Chắc gì bố đáng hơn con?) trong khi chưa đủ tài trợ cho việc định nghĩa lại. Cái nào không chịu được định nghĩa lại. (Ðịnh nghĩa lại xong là tắc tử, chẳng hạn. Phí tiền tài định nghĩa lại, lại còn can tội gây án chữ). Cái nào định nghĩa lại là phạm luật. (Luật rừng hay luật vườn, đại khái thế, nhưng phải là luật chữ). Cái nào định nghĩa lại thì dính virus. Coi chừng vụ lây lan thuần túy kỹ thuật này: bằng không tất cả các định nghĩa lại trước ba cái định nghĩa lại này sẽ phải tái định nghĩa lại hết). Cũng cần kiểm tra kỹ cả ba định nghĩa lại đó cái nào thật giả. Cái nào mất phẩm chất (Lý lịch kém, không phải kiểu lý lịch ba đời mà kiểu như bad credit)? Liệu có cái nào đã từng được định nghĩa lại ở nơi khác chưa? (Nếu có, điều tra cẩn trọng nơi chốn và tác giả đã làm việc định nghĩa lại này). Cũng có thể có cái cần định nghĩa lại có khả năng tự định nghĩa lại? Có cái nào trong hoàn cảnh cụ thể này không cần định nghĩa lại? Và, sau khi định nghĩa lại nó có thể tồn tại với hai cái định nghĩa lại kia không? Vân vân và vân vân rồi vân vân. Tất nhiên, như mọi lần định nghĩa lại trước đây, phải làm việc trước tiên là định nghĩa lại thế nào là định nghĩa lại. (Nhớ: không cần định nghĩa lại thế nào là định nghĩa, vì khái niệm định nghĩa vốn rất cơ bản). Cuối tháng ra mắt sách. Ờ. Mà còn chờ. Phải định nghĩa lại…
5.11
Nó – Ngày về. Có mầm trong gan bàn chân.
Từ buổi Hắn đi.
Lúc trong sương mờ nhìn chào mái nhà quê mờ sương. Mắt đẫm nước đầy đất.
Mỗi ngày đi mỗi xa Nó dần lớn. Lớn dần trong và ngoài sự chăm sóc của Hắn.
Nó không lấp lánh hay mù mờ thường xuyên trong ánh mắt Hắn. Ánh mắt có khi phải nhặt lửa bên ngoài mồi vào có khi lửa dư chiết cho tặng các đại học viện các hội cựu chiến binh. Một số hội phái chính trị tôn giáo và một ít cơ quan chính phủ. Là các tiếp theo thứ tự. Các ngành nghệ thuật – thơ là rõ nhất – tự chất làm dáng ra điều. Không nhận khơi khơi lửa dư thừa lửa xái đơn xái kép. Nên Hắn không chấp (có chấp cũng không lại). Trên những chiếc va-li lửa các chữ vô cùng kính biếu đề to. Ðích tay xách tới các phong trào thơ các hội phường văn nghệ.
Không khi nào Hắn mua lửa dù từng vay mượn nhiều. Thậm chí ăn xin. Ăn xin người đẹp. Ðấy. Thứ duy nhất Hắn ăn xin. Ăn trộm. Thậm chí. Từ kẻ thù. Là đồ duy nhất Hắn từng ăn trộm. Với Hắn lửa không để bán mua nhượng sang thế chấp. Lửa. Hoặc đổi trao tặng biếu cho xin mượn vay hoặc cướp giật tranh giành trộm cắp. Không thì ngoài sân để mặc đốt giời coi khói bốc chơi. Thậm chí có lần tiền cần cho Nó chỉ là 01 cái vé 01 chiều. Khế ước Hắn không hề vi phạm. Cho lỡ tàu luôn. Tiền là tiền. Lửa là lửa. Dù Hắn quí Nó ngang thân mạng. Ðã là kẻ ra đi Hắn nhất ngôn.
Hắn chỉ có lửa trong mắt. Ở mỗi phần chính yếu cơ thể – ngũ chi, lục phủ ngũ tạng – để một thứ hay một vài thứ vưu vật thiên nhiên. Ngũ hành sắt gỗ nước lửa đất trong đầu. Tại tim – lửa và nước (Thế cũng không đơn giản. Dần dà sẽ nói vì sao). Từ ngày Hắn chưa ra đi từ thuở bác mẹ sinh thành hai sắp đặït quan yếu này đã có. Dạ dày nơi hội họp chốn diễu hành bãi chiến trường vườn nghĩa địa trường học kiêm nhà tù thiên đàng lẫn địa ngục của bộ ngũ ấy cùng nhiều bộ tứ bộ thất bát khác. Chân. Nhất là gan bàn chân. Ắt có lửa cùng sắt. Và có Nó: điều này là hệ trọng. Một bộ tam đuề huề suốt ngần ấy năm trường. Ra đi. Trong khi bộ đôi lửa-nước ở tim Hắn bốn mùa có chuyện hợp tan dăm tháng nửa năm. Lửa độc quyền Hắn nơi mắt. Lửa không tự sinh chuyện. Lửa làm lửa chịu điều chi phải quấy. Nước toàn trị lưỡi mà vẫn lắm chuyện tự sinh chuyện rồi tái sinh chuyện. Làm khổ lưỡi khổ cả toàn thân Hắn tất nhiên là khổ Nó. Nó bị lưỡi hành hạ nhiều bởi thế. Nhục nhất những khi trái thời trở thế Hắn thất nghiệp. Gỗ đất và nhiều vưu vật khác đầy tay ngập chân vẫn không kiếm ra tiền. Lưỡi lại bắt hành bẻ tỏi. Ðòi Hắn tống Nó ra ngoài cơ thể. Bẩn nhất là lưỡi rủ rê được phổi. (Ngoài các vưu vật khác thành phần trong phổi có lửa theo cơ chế đầu đạn hạt nhân. Nên phổi ở Hắn hăng ra phết!) Hai đứa đồng sáng tác bài ca “Nó – Ðứa con ngoại hôn lạc hậu trong cuộc hành trình”. (Nói thế không có nghĩa lưỡi chỉ có bẩn lắm điều. Ở Hắn như ở chúng nhân khác lưỡi còn có bao hành vi đẹp sạch quí. Nhưng cái này ra ngoài thi vụ của trường ca hôm nay). Thường nhật nước hiện diện tràn lan khắp Hắn. Có nơi rất đúng chức năng bất khả thế của nước. Nhiều chỗ nước chỉ sắm vai chọc phá rất siêu việt không gì sánh được. Hằng năm. Sinh nhật Hắn và sinh nhật Nó. Hai cơ hội nước lan chảy xuống chân đòi định cư nơi gan bàn chân. Lửa không chấp. Sắt ỉ eo. Nó âm thầm tạo kế. Nói cho ngay thì Nó ẩn hiện nhiều nơi. Kể cả đầu và tim. Ngay cả lưỡi. Ngay cả những chỗ kín và sâu. Tức là từ đầu đến đít khắp chân lông kẽ tóc. Nhưng. Nó nơi này phải ẩn danh nơi kia tạm giả danh khi xài bí danh lúc dùng bút danh. Chỗ xấu dơ đã có hỗn tục danh. Chỉ một nơi chính danh Nó dùng – Ngày về – như bạn đọc đã biết. Gan bàn chân.
Hắn chỉ để lửa trong mắt. Ðể Nó trong mắt thì Nó che khuất lửa làm sao Hắn hoàn tất bao chuyện vá đời ngần ấy năm ra đi! Ở tim? Nó càng không thể. Không cái gì ở tim được với cặp lửa–nước. Nhất là Nó. Phải cao thủ lắm ở tim lửa mới sống chung với nước. Thú thật Nó vào ra đầu tối ngày. Ngặt nỗi, đầu – bộ tư lệnh tối cao – phải gương mẫu so với toàn thân. Không được chính thức hóa điều này. À. Nói bạn đọc đừng cười. Lại thú thật Nó –cũng có khôngmột tháng đôi lần – đi tới vào lui chỗ ấy. Cơ quan sinh dục và các bộ phận ngoại tuyến nội vi. (Thì Nó bình dân. Là Nó thôi đâu xuất gia đầu Phật mà kính nhi viễn chi chỗ ấy!) Nó ân hận. Những lần vào ra ra vào không vì sự tế nhị của vấn đề mà kỳ thú làm Nó trong Hắn lãng xao phận làm Nó. Sẵn vui chuyện và cũng sắp hết mắc cỡ. Nó bật mí rằng ở từng quí bạn thế nào không biết ở Hắn thành phần thiên nhiên vưu vật tại cơ quan sinh dục và các bộ phận ngoại tuyến nội vi cũng như trong cái dạ dày! Cũng bộ ngũ sắt gỗ nước lửa đất rồi bao nhiêu là bộ đôi bộ tam tứ thất bát khác. Cái kỳ thú Nó bao lần suýt chết ngập chết toi. Là các thiên nhiên vưu vật kết hợp tại đây rất hài hòa không như dạ dày hổ lốn. Ðã gọi dạ dày của Hắn những là hội trường quảng trường chiến địa nghĩa địa trường học lao trường thiên đàng địa phủ thì nên gọi cơ quan sinh dục và các bộ phận ngoại tuyến nội vi của Hắn là cái chi cho đúng cho hay. Nó và chắc là cả Hắn trong vị thế riêng lập trường riêng hẳn sẽ có trường ca riêng dành cho chuyện này.
Hắn chỉ để lửa trong mắt. Ðây một điểm Hắn cho là son trong bài toán đệ ngũ quyền. Tự do Sắp đặt Thân thể Quyền. Lớn chuyện đấy! Thưa các ông các bà các cụ. Nhưng đó là sự thật. Một sự thật hồng. Mẹ cha thân quyến phản đối đã đành. Xóm giềng trách cứ nước làng phạt phép. Không hiếm người làng Hắn công thành danh ô-kê mà trong mắt tuyệt nhiên chẳng có gì sất. Ða phần dân làng mắt những đất là đất. Ông nào có tí sắt trong mắt thành thợ rèn. Cả họ ra phố phường. Ði ngoại quốc học Bách khoa Ðại học. Bà nào mắt có thêm chất gỗ. Con mới đẻ ra đã thạo thương trường. Trai làng tên nào trong mắt có chút lửa chả mấy chốc hóa thành liệt sĩ. Thi nhân thi sĩ làng Hắn cái nôi. Bởi khá đông dân có trong mắt nước cả ao cả giếng. Vấn nạn Hắn vượt là khéo vận nội lực điều phối cơ thể thi thoảng cho vào mắt những vưu vật hiếm. (Như là Nó). Ðể lửa mắt không biến Hắn thành liệt sĩ anh hùng. (Anh thư anh hùng văn sĩ văn nhân là chuyện của ông bà cô chú cha anh. Chaque chose a son job – Kẻ nào phận nấy. Hắn có việc của mình). Ý muốn chỉ có lửa trong mắt nảy sinh. Khi Hắn một cõi một thân trên con đò ngang theo dòng sông dọc sương mờ ngoái nhìn chào nóc nhà quê mờ sương. Bỗng thấy mắt cần một thứ lửa sáng soi. Hành trình Hắn bốc dần đất tháo dần nước khỏi mắt. Hắn chỉ để lửa trong mắt. Lửa soi sáng. Không phải lửa đốt hủy. Không phải lửa tiêu cháy. Văn tồi vũ hèn buộc chiếc va-li còn không chặt. Hắn biết mình chả làm nên vai nào trò gì hơn người ngoài việc có được thứ lửa sáng soi. Nhờ sự ra đi. Nhờ giữ gìn Nó trong người. Nó mang thứ lửa này về quê làng cố quận. Soi vật nào sáng vật nấy. Ai dùng vật đó làm chi. Chế tạo điện thoại di động. Viết ra bài báo. Hay mang bán lấy lời. Là chuyện của kẻ ấy.
Hắn chỉ để lửa trong mắt.
Có trong gan bàn chân Nó
- Ngày về.
5.12
Cả rừng lá đổ đầy sân.
Tôi ngồi tôi đếm lá gần lá xa.
Thu còn bao nữa thì là
Ðông. Rồi em đến. Sân và tuyết rơi.
5.13
Kia những con đường hoang
Lá ướt nằm úp mặt
Như chờ mùa thu qua
Là bay về rừng cũ
Mùa thu không vội qua
Trải dài theo đường vắng
Từng gương mặt buồn lá
Nhớ khoảng trời cao xa
Có nhà thơ lật lên
Chuyện với từng chiếc lá
Chuyện những cây những cành
Những chiếc lá còn xanh
Chiếc nào vừa rụng xuống
Xuống nơi nao những đường
Những đường dài hoang vắng
Mùa thu không vội qua
Nhà thơ không còn nữa
Còn mãi những con đường
Những lá thu nằm đó
5.14
Lá còn
một chiếc ngoài hiên
Ta còn nợ
dăm nỗi phiền trăm năm
Nợ nghĩa tình
Nợ áo cơm
Nợ trời đất
Nợ nhân gian
Nợ mình
Ngoài hiên một chiếc lá còn
trong ta dăm nỗi ưu phiền thiên thu
5.15
- Cầm mấy đám mây cho vào túi áo thấy chật chật.
- Mở rộng ra! A, túi hổng có buổi chiều. Chật chật bằng quai guốc Ðặng Ðình Hưng hông?
- Hỏi hoài! Coi chừng rớt cái lưỡi người tình mang áo số 4 than hoài chưa trả tiền bao tháng rồi.
- Cắt lẹ đám mây vàng kia bằng chủ nghĩa tân nội dung đi mậy!
- Hối hoài! Mấy giờ thì trời về? Ủa, chủ nghĩa này không thấy đề giá?
- Tao đâu là cái laptop biết đẻ ra sự đối thoại giữa đối và thoại.
- Chào thua! Kiếm dùm tắc-xi chở đối, thoại và mây về lưỡi. Chật quá thì lấy quai guốc nhà Ðặng ra đo.
- Chào và đòi trời dùm tao cái đất.
5.16
Khăn ăn nơi bàn ăn rơi xuống
đất hôm đó dính đất dưới bàn
ăn. Lẩu đồ biển Thái và bia
Ðức hôm đó ở nhà hàng Việt
Nam. Bàn ăn hôm đó năm người
lớn, trẻ em ăn chung dễ sinh
chuyện hiểu lầm. Rơi khăn chuyện nhỏ
mà thành chuyện lớn khi quanh bàn
chỉ là toàn người lớn Việt ăn
bằng khăn ăn. Ðất dưới bàn ăn
là đất Mỹ. Ðất Mỹ cũng không
ăn được dính vào khăn ăn hay
không dính khăn ăn. Gái Mỹ ăn
được hay không dù dính hay không
dính không phải là chuyện quanh bàn
ăn hôm đó đang có chuyện khăn
ăn. Cái khăn không rơi xuống từ
đùi khép kín nữ thực khách chưa
chồng trong khi mải ăn với khăn
ăn. Không từ cánh tay run xìu
xìu ểnh ểnh nơi lão nam thực
khách ổng vừa đi du lịch Việt
Nam về. Càng không là từ bàn
tay bồi vội vơ tiền tip nơi
bàn. Cái khăn rơi không là chiếc
khăn piêu thêu chỉ hồng bị gió
cuốn bay về quận Cam mà là
khăn ăn trắng không chỉ hồng không
bị gió cuốn bay về dưới đất
dính đất dưới bàn ăn. Khó biết
duyên do khăn ăn rơi ngoài định
luật hấp dẫn (trái) đất và khăn
ăn. Người viết không phải là thực
khách không là bồi không là khăn
ăn không là đất Mỹ không là
gái Mỹ. Là vật lý gia đại
thất nghiệp dính đất Việt đầy mình.
5.17
Bạn đối xử với một bài thơ của mình như thế nào nếu không như với đứa con cưng làm bẩn tường nhà bằng hình cái đầu trọc ô kìa hàng phố xem con tôi kia hay là Van Gogh
Tôi thấy như xoắn tai con trai tôi khi một chữ dù hư trong bài thơ bị đứa biên tập nào biên tập
Bạn đối xử với một bài thơ của mình như thế nào nếu không như với người vợ bảo đến giờ ăn cơm đáp check mail cái đã mà cơm sau check vẫn lành canh sau mail vẫn ngọt
Tôi có thể quên rằng hôm đó là ngày thấy tháng của vợ chứ bài thơ hôm đó bỗng chuyển màu bốc mùi tôi sẽ biết ngay
Bạn đối xử với thơ của mình như thế nào nếu không như với người tình yêu dấu nàng mới nói hello bạn bèn cho căn buồng nhỏ của nàng tăng dân số chín tháng mươi ngày sau đó
Tôi thuộc mỗi câu chữ bài thơ hơn thuộc từng nét đường thân thể người tình yêu
Bạn đối xử với thơ của mình như thế nào nếu không như với người bạn thiết mỗi khi bạn đi xa vắng nhà lâu người đó vẫn kính nhi viễn chi vợ bạn như thường
Tôi có châm ngôn cho mình qua khoảng cách giữ bạn quí giá qua nước mắt giữ thơ
5.18
Người nhặt lá hôm qua nhặt hết lá rụng vàng mặt đường, hôm nay bứt những chiếc lá còn sót trong hai ba lùm cây cuối cùng, trên nẻo đường nhỏ hẹp khách bộ hành những người già cả, xe cộ chạy qua giá không quá ba ngàn đô, xe cảnh sát không mấy khi vô, xe đạp đều là những cái không thắng, phi công như tránh khoảng trời con đường võng, các dịp tranh cử quận hạt những cánh chim trắng chao qua, gió nếu có là những cơn gió góa chồng. Ai bật đèn xanh cho các ngón tay kia bứt những chiếc lá vàng đang còn trên cây non? Trái tim bật đèn đỏ mắt ngưng tôi chớp thước phim Hollywood không có. Ai thương thu tôi thì mua phim nhé!
5.19
Vấn nạn đó
Anh
nhà chuyên gia
Không cho ra được lời đáp
Sếp ký sẵn
mức tăng lương đúp
Cũng vậy
Ðầu anh trí cạn cơ tay đã mềm
Chính quyền trách nhiệm công dân ép
Anh không thể phản ứng dương hơn
Trùm băng đảng đưa đến
gái đẹp bên đùi súng lục trên tay
Anh không biết sử dụng
cả hai
Cho trái chuối Cuba vào đúng chỗ ấy
Sếp
Chính quyền
Trùm băng đảng
Ðến từng nơi một
Nhà chuyên gia nói:
- Nhìn đây! Tôi sẽ thử dâm
Nếu muốn cho ra lời đáp
của vấn nạn.
5.20
Bắc Ðảo! Bắc Ðảo! Bắc Ðảo!
Nhà thơ như ông đang chết
không phải ở tận Trung Quốc
hiện đại đương đại hôm nay
ngay tại phím máy điện toán
của tôi đang chạy lúc này
Bei Dao! Bei Dao! Bei Dao!
Thơ như của ông sẽ chết
không ở Thụy Ðiển, Mỹ, Ðức
tương lai sau hậu ngày mai
tại ngay bài thơ bài viết
của tôi sắp có một ngày
Như ông như ai như thế
Tượng đài văn chương thời nay
Vòng hoa nhà-thơ-thường-trú
Vấn lên chữ đỏ một hàng
Vương vương mấy lá thu vàng
Bắc Ðảo.Bei Dao. Bắc Ðảo.
5.21
Hai chiếc xe đậu ven con dốc đêm
Ánh sáng giữa những đám mây hắt xuống một tầm mắt
Như tôi và anh
Dừng trú cuộc đời
mùa thu của chữ
Sáng sớm mai
Nhà thơ
Anh về ngả nào thi phận?
Người dọn đường sẽ quét chung với rác với lá những gì xe-thơ-anh
rớt lại
Một đêm dừng
Hai chiếc xe
Tôi và anh chỉ biết về nhau khi mỗi người sang một nẻo khác
Về những gì chúng ta để rớt lại
cùng lá rác
5.22
Hai người đã trần trụi hoàn toàn bên nhau
Trong cuộc gặp gỡ của chữ
Người này ngượng e ngại
Khi hai cơ thể sát trong nhau chữ nghĩa sinh ra ngoài tầm với
Người kia trong sự ngây thơ một nửa
Thèm muốn những cọ sát mạnh bạo bất tận của từng từ từng chữ cái
Hai người ôm chặt nhau một cách thô sơ
Ngôn ngữ rơi ra
Mất nghĩa
Hai người buông rời nhau
Ngắm nhìn nhau trần trụi trong sự khó hiểu của mỗi câu chữ
Y phục của hai người đã trở về chỗ cũ
Ngữ nghĩa bất lực
Một người ở lại
Một người đi
Chữ của mỗi người xáo trộn
Thời gian dài
Một người tìm lại một người
Hai người không trần trụi
Chỉ có chữ với chữ
5.23
“Người phụ nữ độc thân ngoái nhìn dài và vội
khi bước vào sau cánh cửa
Có điều gì sau cánh cửa người phụ nữ độc thân bước vào?
Những con kiến trên mặt bàn dính giọt mứt
dáo dác làm lọ mứt cười bật nắp
Cái vòi rỉ nước
suốt một ngày
tìm cách thể hiện sự sốt ruột
Trên tường
tờ lịch trĩu nặng các ngày cũ
Gió làm nhẹ tung rèm cửa sổ chếch theo hướng nhân bản
Khăn giường ngủ nhăn vài vết nhăn bán cầu não phải của mẫu người ưa nói dối
Gáy các cuốn sách quay ra
thẳng bằng nỗi vô can
Giữa tàn bạo và can đảm
dao chặt xương muốn có ý kiến phân biệt
Tổ chức một hội thảo bàn tròn của những người đàn ông từng có mặt sau cánh cửa
nên được cái gương lớn nhất đồng ý
Mùa thu thường đến với những gì sau cánh cửa lúc lập đông
Cửa sau của căn phòng?
Không!
Căn phòng không có cửa sau, như một bài thơ chân chính
… … … “
- Một bản tường trình của các cảnh sát điều tra
sẽ như vậy
đại loại
trong thế kỷ 22
5.24
Cái gì vừa gọi một khoảng trống trong đêm thức dậy?
Tiếng đóng cửa xe
Gọi bài thơ ra đời
Anh cần quãng lặng giữa anh và mọi sự
Trong một thời khắc
(Có thể giữa hai lần lá rơi
Có thể giữa hai vòng tù tội)
Câu chữ trong anh như những chiếc xe đủ mầu đủ kiểu ngủ trên bãi kia
Anh cần một bình minh
để chúng lên đường
vào bài thơ anh
lần lượt
Kết thúc bài ca của con tim không gì khác bằng đèn đỏ của con tim.
Bài thơ dừng ở chỗ chỉ sang bên kia vạch ngôn ngữ là bài thơ chết.
Bảng cấm vượt
Anh cần.
5.25
Ðã động
tới tâm linh của đồ vật
Em có thể chờ người đến muộn trong cuộc sang sông số phận
Chiếc mái chèo có cánh tay riêng
Khua
khi con thuyền đứng yên
như trái tim riêng
đập
Em có thời gian riêng
Anh mang cái gì sang bờ bên kia
Nặng? Khó?
Mà để buổi chiều chậm chờ
Không phải vào em
Ðồ vật
Anh đã động
Tâm linh
5.26
Anh đang thử trong thơ
nói dối
Một lần
Cảm hứng nhún vai
Buồn vui và đạo đức?
Thơ mà tranh biện được sao!
Cấu tứ mang dáng khoa bảng
như trăm lần đổi động
Thơ là một cuộc giải phóng cho chính mình
trước hết
Dối-thật theo thang định giá
Vốn sống rậm râu sâu lời
Nhắc anh xin rửa tội cho lần này thơ dối
Ngôn từ
Phải, mọi thứ tích góp trong ngôn từ anh xếp hàng ra đi
Chúng không bỏ trống
mà gọi về thơ anh hệ thống ngữ ngôn khác
Thơ dối thơ thật là dối thật theo dây chuyền mắt xích
Anh đâu có thật được một chữ này mà dối các nghĩa kia
Vâng thì anh cứ thật ở ngữ này và dối trên các ngữ kia
Dịu dàng tinh nhậy
Nhạc điệu
Hé ý sau cùng
- Nhà thơ,
Xin người dối thật tùy lòng
Không gì ép được người thơ thật dối
Người hãy tin
nhạc điệu em sẽ nương kịp thơ người
Hãy tin
nhạc điệu không biết thơ thật hay dối
Chỉ biết thơ và nhạc điệu mà thôi!
Nhà thơ
ngắm nhìn
một tay anh dang dở thơ
tay kia là sự thật-dối
5.27
Thương những con đường mưa trắng em
Trắng em thương mưa những con đường
Thương em mưa những con đường trắng
Trắng những con đường thương mưa em
5.28
Trong con đường một chiều
Anh lạc
Con đường không lối nào riêng khác
Em cũng lạc con đường ấy
Vì sao?
Vì sao?
Không ai trả lời
Con đường một chiều thì không có tiếng nói
Em ở đâu?
Ở đâu?
5.29
CV thơ
– Tên thơ: Ðỗ Thơ
(Chú ý: Dứt khoát không có đệm Văn hoặc Thị trong trường hợp đổi giống)
– Tuổi của thơ: Tam thập nhi lập
– Ðịa chỉ thơ: Là các bài thơ
(Không có các bài thơ tôi còn biết chui ra chui vào đâu nữa!)
– Gia cảnh thơ: Một vợ thơ, dăm đứa con thơ và những người-nữ trong thơ
– Lý lịch thơ tôi: Tốt, nhìn chung
Chưa hề bài thơ nào lãnh trát tòa phạt vạ bút, phạt tù, phạt tiền
(Bị vợ con, người thân kêu nhiều, nhưng đấy chuyện gia đình nội bộ
Cũng chưa hẳn, đấy liên đới vấn đề “nghệ thuật vị vợ con hay vị cái chi chi”)
Nhiều ý tứ thơ mặt trời soi mói mặt trăng quay mặt
Có ba trường ca hàng xóm dùng chung sân sau chứa đồ vô dụng than phiền
Có một số chất liệu thơ Công ty Vệ sinh đòi kiểm nghiệm
(Tôi thây kệ
Công ty cắt phục vụ tác giả sẽ tự làm vệ sinh để giữ thơ mình có một trật tự
vệ sinh riêng)
Có 21 hình tượng thơ được Nhóm Hội họa – Sắp đặt – Trình diễn AAA xin chuyển thể
12 cấu trúc thơ các Sở Cầu cống, Xây cất nhà kêu bản quyền trùng
Hôm qua một bài hậu tân hình thức với lối kể chuyện dông vắt dòng quá thành công khiến hai độc giả y chang bắt chước
– Phê bình thơ tôi không khó
Tôi hạng thi nhân rất biết tự phê bình
Trên bản thảo cũng như trên tiền, hậu bản thảo
(Nói nôm là khi sáng tác trước, trong và sau)
Nhà phê bình với búa sẽ thừa khi búa vào cánh cửa thơ tôi (luôn mở)
Trước các hung khí
trong thơ tôi không có gì kiên cố
Là người chân thật
như thơ
Tôi bật mí
Nước
Lửa
là hai thứ vừa nuôi vừa hại thơ tôi
Chỉ sợ các phê bình gia thiếu hai thứ này
trong
cái bút
(thậm chí) cái mũ cái búa cái súng cái dây
phê bình của họ
Vậy thôi
– Các đề tài thơ tôi:
Tùy điều kiện tài chính, thời tiết, cảm hứng
Là tổ hợp tuyến tính và phi tuyến tính ba yếu tố Thi ca, Người-nữ, Mùa thu
Ðơn cử 1: Thi ca trong Người-nữ
Ðơn cử 2: Người-nữ với Mùa thu và Thi Ca
Ðơn cử n+1: Mùa thu của Thi ca người-nữ trong Thi ca Việt Nam hậu bán thế kỷ 20
– Học vấn thơ:
Tôi tiểu học thơ trung học thơ đại học cũng thơ luôn tại các trường thơ ở thủ đô thơ của đất nước Việt Nam thơ
Bằng cấp thơ cao nhất: Cử nhân kỹ sư thơ
Chưa thạc sĩ thơ chưa tiến sĩ thơ (tại bởi thơ tôi thật thà lắm e dây vào bằng rởm)
– Quá trình hoạt động thơ:
Cán bộ giảng dạy bộ môn Công Nghệ Thơ khoa Bản Sắc Dân Tộc Thơ
trường Công Nhân Kỹ Thuật Lành Nghề Thơ trực thuộc tổng cục Thơ,
Nghiên cứu sinh Viện Liên Hợp Nghiên Cứu Cấu Trúc Thơ,
Ðồng sáng lập kiêm Điều hành viên diễn đàn liên mạng thơ Chấm Xuống
Hàng www.forumtho.chamxuonghang.org
Giám đốc siêu thị thơ VINATHO (chuyên mua bán thi tuyển và
các dịch vụ thơ, đặc biệt xuất nhập khẩu thơ)
Thiện nguyện viên một số phòng trà, cà-phê thơ trình diễn
– Các giải thưởng thơ:
Ứng viên giải lục bát mang tên Bùi Giáng sang năm
Giải ba trường ca dài nhất tuần báo Áo Dài năm ngoái
Học bổng Quỹ thơ Bill Gates năm kia Ðề án Tính Ðổi Mới Của Thi Pháp Bút Tre
Với Hệ Ðiều Hành Windows98
– Về việc dịch thơ tôi:
Cho kẹo cũng không tự nguyện để tay nào đè thơ tôi ra dịch
Hãy bước qua bàn phím laptop này nếu muốn dịch thơ tôi (công khai)
Dù dịch ra tiếng vàng tiếng Chúa tiếng trời
Thơ là vàng ròng của tiếng mẹ tôi
Cái xẻng dịch thuật xúc chuyển thế nào cũng lẫn vào đất cát
(Nhưng nghe nói đêm đêm thơ tôi vẫn bị cưỡng dịch hoài
Tôi hiểu, bỏ qua, chuyện nhỏ. Luật thi quyền nước ta và nhiều quốc gia văn minh
chưa có)
– Ấn phẩm thơ: Sách không nhiều (Quí hồ thơ bất quí hồ đa!)
Ðã: Nhìn Thơ Thấy Một Nửa Người, trường ca, nhà xuất bản Ðỗ Thơ ba năm trước
Đang: 26 Nhà Thơ Việt Nam Ðang Chết, thi tuyển
Sắp: Vạch Áo Nàng Thơ, bình bàn văn chương
Bài vở thơ tôi đăng ở nhiều báo chí trong và ngoài khu vực muốn làm bạn với toàn
cầu (nhất là những nơi nào cao nhuận bút). Và lưu trữ ở các đống lá úa vàng – Ðống Chữ tôi có lần đã gọi – ở các vỉa hè hạng sang, ở các bộ ngực chỉ thiên, ở các đôi mắt khác hình viên đạn và cuối cùng ở các cặp chân dài về nơi mỗi chúng ta được sinh ra
– Lý lịch người-thơ tôi:
Xin miễn kể khai
(Thơ chính là một nửa con người rồi
một nửa kia còn ở thơ chưa viết)
– Reference: Nguyễn Du, Vương Thúy Kiều, mùa Thu
Kính thơ
Ngày Mơ tháng Túng năm Cạnh biển
Ký tên thơ: Ðỗ Thơ
(Ngày sinh tên này ngày đất mẹ xa)
5.30
Nhữngngười-nữ chuyển động trong bài thơ anh
Từng đoạn chương từng câu chữ
Như các y phục ẩn hiện thân hình một người phụ nữ
Mỗi ngày mỗi dịp mỗi mùa
Chỉ có những người-nữ trong thơ anh thôi ư?
Không! Không có con người anh trong đó sao thành bài thơ được!
Xiêm bạc áo vàng nào thì cũng phải đẹp trên da thịt
Hơn cả vua rồi đấy! Ngài chỉ được tới một đệ nhất mỹ nhân mỗi đêm còn anh tự anh có bao người đẹp trong một bài thơ, trong một chữ, một câu
Anh – Ðế vương của vương quốc ngôn từ vương quốc nhân tình
Trước tấm gương thi tứ với vô vàn chữ từ trang điểm
Làm cho mỗi người-nữ-trong-thơ
mỗi vẻ tình riêng
Anh
Nhà thơ.
6. Kết
Mùa thu đến và đi theo những bàn chân lá
Bằng tất cả các chữ của mình bài thơ bay lên
Có em ở chỗ chữ nào
trong bài thơ tôi
trong người-thu-tôi?
Ðỗ Quyên
Vancouver, 7–27 tháng 11/2003 (hoàn thành)
Melbourne 2006 & Surrey 2021 (sửa chữa)
[Với lời cám ơn Mai Văn Phấn, Nguyễn Xuân Hoàng, Vân Hải, Hoài Hương, Nguyễn Đức Tùng và Nguyễn Thanh Hiện)
- Hết -