Hợp tuyển Frankfurt (kỳ 11)

Phạm Kỳ Đăng dịch

 

BÀI THƠ “NHỮNG VÌ SAO THÔNG MINH” CỦA HEINRICH HEINE

 

Hans-Joachim Simm

 

Các nhà thơ đã luôn luôn ưa hướng mắt lên bầu trời, đầy ngưỡng vọng và cầu khẩn. Nhưng các vì sao chỉ nhấp nháy lạnh lùng ngược lại. Có thể chúng không muốn dây dưa gì với chúng ta – những con người.

Năm 1821, khi ông gặp Hegel “vào một buổi tối đẹp sáng trưng các vì tinh tú ở Berlin, Heine đã kinh ngạc, khi “bậc thầy” đại diện quan điểm, các vì sao, “ba thứ ấy chỉ là phong hủi chiếu sáng của bầu trời” và đương nhiên không là địa phận nơi “đức hạnh sau khi chết đi” được tưởng thưởng. Vào thời điểm đó, nhà thơ trẻ nhìn nhận sự việc này vẫn còn khác. Mô-tip tinh tú trong thơ của sự thông thái, của cái đẹp và của tình yêu được ông thường xuyên sử dụng, và thế đó chỉ khi có dịp ông mới cuồng nhiệt hát ca như những đồng nghiệp thời Lãng mạn “Những vì sao lấp lánh/ Lạnh lẽo và dửng dưng/ Và một gã điên khùng/ Chờ một lời giải đáp”, như ta có thể đọc được ngay từ trong tập “Khúc Tình Ca” in năm 1827.

Bài thơ “Những vì sao thông minh”, viết năm 1844, nằm ở trong một tổ khúc nhỏ mang tựa đề “Zur Ollea”, cùng với nó Heine, tự trào đối với những bài viết tập hợp ở đây, đã ngụ ý bài thơ về món súp “Olla podriada”, ở bản trường ca “Atta Troll” ông từng cho nó bốc hơi lên trong một cái chảo bẩn. Những bài thơ của tập hợp nhỏ này đầy hài hước và độc địa, nghiêm túc và nô giỡn, đôi khi trong một phong cách quái hợm chỉ đường trước cho một Christian Morgenstern (1) sau này. Ba khổ của bài thơ chúng ta xem được cấp cho ba mô-tip ai cũng biết thuộc về những mô-tip cổ kính nhất của văn chương thế giới luôn luôn đi về kích thích trí tưởng tượng. Thế mà ở đây chúng bị “xúc phạm”, vâng thậm chí còn bị đẩy vào phần đối ngược với ý nghĩa thông dụng phổ cập. Đây đó không còn sự thổ lộ nào nữa thông qua Bông Hoa Xanh Lam của một Novalis (2), ở đây không sao cảm nhận được tiếng nói của tình yêu; không một lần nào tiếng thơ tôn giáo tuyệt vọng của một Brentano (3) (“Ôi vì sao của tình yêu/tinh thần và xiêm áo/tình yêu, khổ đau và thời gian và vĩnh cửu”) có thể giảm đỡ đi mất mát: trong đó hoa bị xéo “nhẹ” lên – bởi cái bọn “khùng”, đó là những kẻ yếu, những lũ hỗn hào, đó là những người trâng tráo – hiện ra một thế lực tàn phá của một thế giới ít bình an. “Tiên sư cái Tổ Quốc dối lừa/ Chỉ phồn vinh những tủi nhục nhuốc nhơ/ Hoa mới nở đã chóng ngày tàn tạ/ Bùn hôi thối nuôi loài sâu béo bổ” (4), Heine viết trong bài thơ về những người thợ dệt miền Xi-lê-di.

Những dối trá vàng son trong Hư vô xanh thẳm

Với khổ thơ thứ hai ông ám chỉ vào thú mạo hiểm của lãng mạn tầm thường cũng như vào kỹ thuật phát minh ra cho khả năng nhấc lên vật từ sâu dưới lòng đất cũng như từ đáy biển báu vật của thiên nhiên cũng như những tạo phẩm. Nhưng mà với cái giá nào cơ? Ngọc trai bị đục lỗ, thực sự bị làm tổn thương, tận dụng cho những người giàu, bị xâu căng vào trong “ách”. Chỉ riêng có các vì sao ở lại “vĩnh cửu” và “vững chãi”. Sự sử dụng mô-tip của Heine gần gũi với trào lưu lãng mạn Anh hơn là truyền thống Đức, nếu như nơi John Keats (5) “Những vì sao lạnh lẽo đứng trên trời nơi đó” hay là nơi Schelley (6): “Và trên cao kia tụ bầy sao nhợt nhạt”. Sao chổi không là thứ mang đi nguyện ước, và tinh tú không rơi xuống như những đồng tiền bạc ánh sao. Với Hans Christian Andersen thì cô bé, khi tất cả các que diêm cháy gần hết, trong lúc chết đã cháy thành các vì sao.

“Bây giờ thì tôi đã hiểu”, Heine để cho bá tước Schnabelewopski (7) nói thay “rằng sao trời không là những sinh thể yêu thương và đồng cảm, mà chỉ là những ảo hình rực rỡ của đêm tối, những hình ảnh ảo lừa vĩnh cữu trong một bầu trời được mơ tới, những dối lừa vàng son trong một Hư vô xanh thẳm”. Trong một bài thơ sau này, một lần nữa và chua chát hơn Heine xử lý mô-tip của những bông hoa hiến dâng cho cái chết, của những vì sao xa xôi và nỗi cực khổ ở trần gian: “Ôi, thông minh sao, thế đó các vì sao/ Chúng giữ mình nơi xa xôi chắc chắn/ Xa khỏi quả địa cầu độc ác/ Khỏi cái phần đến chết mất chẳng lành.” Cái Xấu xa toàn thắng, cái Vĩ đại và Đẹp đẽ phải lụi tàn. Cái đạo đức của Tinh tú là một thứ đạo đức khác: “Cái đen tối dính dáng gì tới mi, này sao hỡi? …Với mi ấy tình thương là tội lỗi”, Nietzsche (8) đòi hỏi. Heine, như ông ghi lại trong “Ảnh hình trên chuyến viễn du” (Reisebilder), đã tin rằng: “Mặt trời của tự do sẽ sưởi ấm cho trái đất hạnh phúc hơn là lớp quý tộc của toàn bộ tinh tú còn lại”. Cái điều an ủi vô nghĩa có lẽ đúng rằng trong một tai họa ngày tận thế, các vì sao cũng sẽ không rơi xuống.

Nếu người ta hiểu ngọc trai là kết quả bệnh tật của con trai và tự nó là ẩn dụ cho thơ ca, thì ngọc trai của thơ ca không còn là món quà tặng từ mối kết liên trời với đất nữa…, mà cả hai chỉ là một trái kết của một nỗi khổ đau mà bầu trời không chạm tới”, nhà nghiên cứu mô-tip Friedrich Ohly viết thế. Trong bài thơ kết của tập “Zur Ollea” chàng Thomas vô thần không nghi ngờ sự “tồn tại của các thiên thần” của” các sinh thể ánh sáng không tì vết”, nhưng mà chúng không có cánh, “chúng lờn vờn ở đây trên trần thế” và “an ủi từng người, nhưng mà thế người kia nhiều nhất, kẻ mang nặng gấp đôi đau đớn/ được người đời gọi chính danh thi sĩ.”

 

Nguồn: FAZ – Frankfurter Anthologie


NHỮNG VÌ SAO THÔNG MINH

Heinrich Heine (1797-1856)

Bàn chân chạm vào hoa sao dễ
Những đóa hoa bị xéo phần nhiều;
Người đời đi qua, giẫm đứt cánh
Bọn cuồng điên cũng như lũ hỗn hào.

Ngọc trai ẩn sâu trong lòng biển
Thế mà người ta biết mò ra;
Đục một lỗ, người đời xâu vào ách
Vào cái ách của dây buộc lụa là.

Tinh tú thông minh chúng giữ phép
Tránh cho xa trái đất chúng ta;
Là ánh soi thế giới, trên chín tầng bao la
Chúng đứng vững muôn đời, những vì tinh tú.

Nguyên tác tiếng Đức:

KLUGE STERNE

Heinrich Heine (1797-1856)

Die Blumen erreicht der Fuß so leicht,
Auch werden zertreten die meisten;
Man geht vorbei und tritt entzwei
Die blöden wie die dreisten.

Die Perlen ruhn in Meerestruhn,
Doch weiß man sie aufzuspüren;
Man bohrt ein Loch und spannt sie ins Joch,
Ins Joch von seidenen Schnüren.

Die Sterne sind klug, sie halten mit Fug
Von unserer Erde sich ferne;
Am Himmelszelt, als Lichter der Welt,
Stehn ewig sicher die Sterne.

Chú thích của người dịch:


(1) Christian Morgenstern (1871-1914): Nhà thơ, nhà văn và dịch giả, khá nổi tiếng là phần thơ trữ tình – hài hước của ông.

(2) Novalis (Georg Philipp Friedrich von Hardenberg, 1772-1801): Nhà văn của thời tiền Lãng mạn, nhà triết học Đức.

(3) Clemens Brentano (1778-1842): Nhà văn Đức, đại diện chính của phái Lãng mạn Heidelberg.

(4) Bốn câu thơ trích từ bài “Những người thợ dệt thành Xi-lê-di, bản dịch của Hoàng Trung Thông.

(5) John Keats (1795-1821): Nhà thơ Anh, một trong ba đại diện lớn nhất của trào Lãng mạn Anh.

(6) Percy Bysshe Shelley (1792-1822): Nhà văn Anh, gương mặt đại diện của trào Lãng mạn Anh.

(7) Schnabelewopski: Nhân vật trong cuốn truyện du ký của Heinrich Heine.

(8) Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844-1900): Triết gia, nhà ngữ văn, nhà thơ và nhà văn Đức.

 

Về tác giả: Tiến sĩ Hans-Joachim Simm, sinh năm 1946, giám đốc các nhà xuất bản Insel Verlag và Verlag der Weltreligionen. Ông là tác giả của nhiều ấn phẩm nghiên cứu về quan hệ giữa Văn chương và Tôn giáo, về trào lưu Cổ điển và Thơ ca Đức.

 

 

HẠNH PHÚC LÀ MỘT EM ĐIẾM LẲNG LƠ

 

Mathias Meyer

 

Giữa nỗi tuyệt vọng và niềm ủi: Đối với Heinrich Heine, sự bất hạnh trong bài thơ này là niềm hạnh phúc duy nhất tồn tại bền lâu.

“Nhưng mà tôi có còn tồn tại thực sự không kia? Thân xác tôi đã kiệt quệ sao ra nông nỗi, gần như chẳng còn gì ở lại ngoài giọng nói mà thôi”, Heinrich Heine bình luận tình cảnh của mình như thế trong lời kết cuốn thi tập “Romanzero”. Ông tự thấy mình như một bộ “hài thánh cốt sống”, được quyển thứ hai của hợp tuyển thơ hạ đặt xuống dưới tiêu đề “Rên rỉ”. Trong đó người ta bắt gặp những bài thơ mang tên “Người đã từng sống” hay là “Kêu rên như mèo”, rồi ở cuối tập kế đến tổ khúc lớn “Thánh Lazarus” buồn bã – cay độc. Nhưng kiến lập nên bước khởi đầu cho cuốn thứ hai, như một kiểu phương châm, chính là bài thơ hai khổ, một cách trào lộng để cho vẻ thoáng qua của hạnh phúc và sự đeo đẳng của bất hạnh lửng lơ giữa nỗi tuyệt vọng và niềm an ủi.

Nói về phúng dụ sẽ là quá tải đối với bài thơ nhỏ; Heine đặt hai nhân vật đối xứng với nhau, cả hai đều kết nối tính đơn nghĩa của mình với kho tàng kinh nghiệm giàu có và bối cảnh. Hạnh phúc được coi như “em điếm lẳng lơ” gợi hồi tưởng về sự mong manh thoáng lát của tình yêu; hạnh phúc không cho người nắm giữ chặt, rất ít khi như vị nữ thần của vận hội nọ trong thần thoại cổ xưa mà Heine tận tường am hiểu, qua những câu thơ nhẹ nhàng thấp thoáng hiện như người chải tóc hất ra phía trước, nhưng đằng sau trọc lóc: ai không tóm được bím tóc giữ nàng lại, kẻ đó đã hụt mất cô nàng, bởi vì nữ thần quay lưng lại và ở đằng sau gáy chẳng còn gì để tóm nữa. Trong sự cải biên đặc trưng của mình Heine đã đánh tráo thủ phạm và nạn nhân: Cái “Anh” được gợi chuyện ở đây bị người tình nhẹ dạ bỏ lại, sau khi nàng ta lúc trước còn vuốt tóc cho anh khỏi lòa xòa trên trán.

Bộ đồ đan ấm áp của Bất hạnh

Thế đó cái “Anh” này trở thành một tấm gương trào lộng phản ánh tâm trạng riêng của nhà thơ, bởi vì trong khổ thứ hai có điều cho ta hiểu rằng thay vì hạnh phúc một vị khách khác không mời mà đến đã ngồi xuống bên giường, mà lại còn lâu dài nữa chứ, ấy là bà Bất hạnh. Đáng khổ tâm sao lại chỉ có bà ta mà không là cô gái của hạnh phúc ái ân bám chặt trái tim ông – ấy cũng không đi đâu mà vội mà vàng, bà ấy soạn sắp chỗ cho dài lâu nữa.

Ngay sau khi xuất bản, Moritz Carrière (2) đã đọc thấy bài thơ này như một một xác chứng điều ông gạn lọc ra được từ mối thân tình với Heine: chỉ trong bất hạnh Heine mới học nhìn ra cái trường tồn. Phải chăng đó là một môn đức lý chua chát mà đối diện với nó ông những đã phàn nàn về cơn hứng thú của sự không hồi đáp.

Phải chi đây đó trong điểm nhấn của lời thơ cuối còn có chỉ dẫn về một hoạt động, nơi công việc thủ công bằng tay mang tính bếp núc trong nhà và năng suất sáng tạo của người thi sĩ cùng tụ hợp: đồ thêu đan, kết cấu, ấy thứ cũng nêu danh sự viết của thi sĩ, kết cục từ con người đó chỉ còn để lại một tiếng nói – tiếng nói ông đã cất lên, biến hóa vào văn bản của bài thơ, và tiếng nói ấy còn đến tai chúng ta hôm nay.

 

Nguồn: Frankfurter Anthologie

 

RÊN RỈ

 

Heinrich Heine (1797-1856)

 

Hạnh phúc là em điếm lẳng lơ

Không thích dừng chân luôn một chỗ;

Nàng ve vuốt tóc anh xòa trên trán

Thoắt hôn anh và rồi lại nhởn nhơ đi.

 

Bà Bất hạnh thì ngược đời thật

Yêu dấu ôm anh ghì vào ngực nồng nàn;

Bà nói, bà không có gì phải vội

Ghé sát giường anh, bà ngồi đan.

 

Nguyên tác tiếng Đức:

 

LAMENTATIONEN

 

Heinrich Heine (1797-1856)

 

Das Glück ist eine leichte Dirne

Und weilt nicht gern am selben Ort;

Sie streicht das Haar dir von der Stirne

Und küsst dich rasch und flattert fort.

 

Frau Unglück hat im Gegenteile

Dich liebefest ans Herz gedrückt;

Sie sagt, sie habe keine Eile,

Setzt sich zu dir ans Bett und strickt.

 

Chú thích của người dịch:

 

(1) Mathias Mayer: sinh năm 1958, Giáo sư Tiến sĩ chuyên ngành Văn học Đức thời mới, giảng viên trường Đại học Tổng hợp Regenburg.

(2) Moriz Philipp Carrière (1817–1895): Nhà văn, nhà triết học Đức

 

Heinrich Heine (1797–1856): Nhà thơ, nhà văn và nhà báo, tác gia hàng thi hào Đức, đại diện cuối cùng và là người vựợt bỏ trào lưu Lãng mạn, có thi phẩm được phổ nhạc và dịch ra tiếng nước ngòai nhiều nhất. Độc giả Việt Nam biết tới và yêu mến Heinrich Heine ngay từ tập thơ đầu tiên gồm nhiều bản dịch từ tiếng Pháp của các nhà thơ Việt Nam, có thể kể Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Đào Xuân Quý.

 

©® Phạm Kỳ Đăng và Văn Việt




 

Comments are closed.