LỤC BÁT TỰ DO
1.
Tự do nào! Tự do nào!
Tự do ta dắt ta vào miền thơ
Con đường lục bát cam go
Bao con chữ mất tự do thành vè.
2.
Tứ mờ mịt, lời lê thê
Nửa phố thị, nửa thôn quê – nửa mùa
Tưởng rằng trí tuệ có thừa
Kỳ tình lú lẫn ngu ngơ đứng đầu.
3.
Tự do? Ai bảo sao đâu!
Mỗi dòng mỗi nản, mỗi câu mỗi buồn
Tự do chấp chới cánh chuồn
Một mình một bước một đường một xa.
4.
Tự do đây. Tự do mà!
Tự do đáy giếng cũng là tự do?
Trời kia – nắp ấm tròn vo
Hé mắt ếch, cất tiếng ho: – Xin chào!
5.
Tự do nào! Tự do nào?
Tự do thét, tự do gào – tự do?
Kiếm tìm lục bát quanh co
Bước cao bước thấp lò dò ta đi.
6.
Tự do nhất, tự do nhì
Tự mình mình đã biết gì tự do.
Vần vèo thêm quẩn chân thơ
Non tay biết đến bao giờ hết non.
7.
Tự do mất, tự do còn
Tự do dựa dẫm héo mòn tự do.
Ý gầy guộc, nghĩa ốm o
Lo trâu sứt sẹo, sợ bò trắng răng.
8.
Tự do cây – ngát hương xanh
Tự do ta – ngọt đầu cành chiêm bao.
Tự do! Nào tự do nào!
Tự ta chọn, tự mình trao cho mình.
9.
Tràng giang đại hải linh tinh
Đương đà lục bát, bất thình lình … tự do
Ta tự do – Thơ tự do!
TRƯỜNG KỲ
1.
Ai phu thì phu
Ai lính thì lính
Ai quan thì quan…
Ai dân công thì dân công
Ai bộ đội thì bộ đội
Ai cán bộ thì cán bộ…
Ai giảm tô thì giảm tô
Ai thổ cải thì thổ cải…
Ai sai thì sửa
Ai sửa ai sai…thì sửa… thì sai…
Ai làm gì thì làm gì.
2.
Tìm chữ
đợi mùa gieo.
Cắt tóc
ho
thở dài
chép miệng
thở dài
ho
cắt tóc.
Hong chữ
đợi mùa gieo.
Hong chữ trường kỳ
trường kỳ hong chữ.
Kìa ông Phan Khôi.
PHÚT BÙ GIỜ CỦA CUỘC CHƠI DƯƠNG GIAN
– Sao chỉ còn cái tối cái tồi cái tội ?
Cái Tôi của tôi đâu ?
Tôi mất Cái Tôi rồi !
– Ai nhặt được
ai lỡ cầm nhầm
thì cho người ta xin.
Ai bỏ tiền mua
thì làm phúc làm ơn
cho người ta chuộc.
– Tôi mất Cái Tôi rồi!
Cái Tôi của tôi đâu?
– Này những tay móc túi
hay những kẻ cướp đường:
cuộc sống dương gian
mỗi người chỉ một
mỗi người riêng một Cái Tôi
thó đoạt của người ta
làm gì
thứ ấy
trả đi thôi.
– Làng nước hỡi…
Bớ người ta…
– Cái Tôi
mỗi người tạo dựng
cuộc đời định danh
nào phải phần quà tài trợ
gói sẵn
tất tật
chia đều.
Mất?
Thương ơi!
TIẾNG VIỆT TÔI
(Bùn ư? Thì tôi viết về Tiếng Việt tôi)
Sống
có khi
nụ cười phơi trên sân khấu
giọt nước mắt ẩn sau cánh gà.
Không gì lạ.
Rồi thì bùn
rồi thì đất
xác thịt rồi là thế
một lần được sinh ra.
Thời gian
rồi gạt tất cả chúng ta khỏi ánh sáng
bàn tay số phận
gạt những quân cờ
khỏi cuộc chơi.
Không gì mới.
Dù thế nào
ngày mỗi ngày
vẫn nhớ:
Cha mẹ ta
Tiếng Việt ta
Cho ta hồn vía thịt da làm người.
HN, 06.7.2016
MINH HỌA
(Tặng các Họa sĩ vẽ minh họa cho báo Người Hà Nội và báo Văn nghệ)
Văn chương ta minh họa
Ta minh họa văn chương
Nào cùng sống minh họa
Cho giấc mộng Thiên đường.
NÀY, CẬU VÀNG…
Này, cậu vàng
ghếch đầu bên bậc cửa
ngạc nhiên ư?
Ta là ông khách tự mời đến đây
thăm một nhà thơ
bẩy chục năm trước sinh ra dưới mái nhà này
tuổi thơ bò lê bò toài chỗ chú đương khoanh mình ấy đấy.
Ông ấy không có nhà đâu
ta biết vậy
thích thì cứ đến thôi.
Ông ấy rời chân đi
đã nửa thế kỷ rồi
được mấy lần về
bước lên bậc cửa
qua chỗ chú mình nằm ngẩn đó hôm nay.
Đi đâu ư?
À, thì đi vật lộn với đời
vì kính cha, yêu mẹ, thương em
vì yêu mái nhà này
yêu nền đất này
yêu bậc cửa này
yêu con đường kia
yêu cánh đồng làng…
yêu quá đỗi.
Này, cậu vàng
hiểu gì không mà ghếch tai bên bậc cửa
nghe chúng ta cười vang
nhắc lại chuyện từ cái thời hũ nút?
Này, cậu vàng… cậu vàng…
đừng có giấu đôi con mắt ướt
dũng cảm tí có sao
như chúng ta đây
có gạt lệ đâu nào?
À, nói để chú mình biết
cụ vàng chín đời nhà chú
từng bị tay thiếu niên mới tập làm thơ xưa kia đá đít
chả hiểu tại làm sao.
Ấy, chuyện vặt, đừng để bụng.
cụ ấy rồi được nhà thơ nhí chia nửa củ khoai lang
(có khi là củ ấu?)
và chén nhóp nhép
dưới gốc ổi ngoài kia.
Thật không?
À, thì ta đoán thế.
Ấy, cậu vàng
chuyện có thể không phải như vậy nhỉ ?
Chớ làm ồn.
Thường thôi
cái giống người
đôi lúc cũng dở dại dở khôn
vàng ạ.
Này, cậu vàng
đừng hóng mãi ra cổng thế
nhà thơ chưa về đâu.
Vì sao ư?
Ừ, thì cũng như những ai
bao nhiêu năm ngang dọc địa cầu
được mấy lần về
bò xoài bên bậc cửa
căn nhà xưa
nhìn vạch nắng
đưa chiều đi
không gì cản nổi.
Ta đoán thế
và tin chắc thế
có gì đâu mà ngếch mũi lên hỏi.
Này, cậu vàng… cậu vàng…
Nam Định, 8.2016
HXT, rút từ TỰ DO Thơ, NXB HNV, 2016