Thơ Ngu Yên

Nhà thơ Ngu Yên vừa cho ấn hành thi phẩm Một người lưu vong mang bệnh động kinh.

Những ai từng đọc Ngu Yên, từ Thơ đến Phê bình, Dịch thuật đều dễ nhận ra những trải nghiệm, những thể nghiệm, những cuộc phiêu lưu không ngừng nghỉ của ông trong lĩnh vực văn chương.

Ông từng nói: “Mỗi khi Ngu Yên cho in một tập thơ, tức là chuẩn bị cho một chuyến phiêu lưu khác”.

Vậy, có thể coi, Một người lưu vong mang bệnh động kinh là kết quả của một cuộc phiêu lưu đã qua. Và, người đọc có lý do để chờ đợi một Thi phẩm khác.

Nhân dịp này, Văn Việt xin giới thiệu cùng bạn đọc Tiểu luận Khả năng xâm nhập của Thơ của ông và một chùm thơ trích từ tập thơ mới.

Văn Việt

Khả năng xâm nhập của Thơ

Ngu Yên

(Trích Ý thức sáng tác thơ, tập 2).

Tôi mượn từ “công phá” thường dùng trong võ thuật, để diễn tả khả năng xâm nhập trực tiếp, mạnh mẽ, có hiệu quả của thơ, xuyên qua những rào cản của trí tuệ, những ngăn chận của tâm tình, vào tận lòng người, gây chấn động. Tóm lại, sức công phá của thơ là sức mạnh xuyên tâm.

Nói đến võ thuật, đây là một ví dụ dễ chấp nhận, một so sánh thực tế về sáng tác phản xạ. Sáng tác thơ tận cùng là phản ứng tự động, tự nhiên như phản xạ khi đối diện với đối tượng thơ.

Nói đến võ thuật, hầu hết mọi người đều cho rằng võ thuật có nguồn gốc từ Trung Hoa, mặc dù truyền thuyết khác dẫn giải võ đến từ Ấn Độ. Dù nguồn gốc từ đâu, võ thuật đã phát triển và tinh túy hóa tại Trung Hoa. Từ đó phát huy ra khắp nơi.

Tuy nhiên, khi võ thuật Trung Hoa được học tập và sáng tạo thành những môn phái khác như Karate (Nhật), Taekwondo (Đại Hàn), Ninjusu (Nhật), Judo (Nhật), Muay Thái (Thái Lan), và có lẽ, kể cả võ Gatka (Ấn Độ), … những môn phái này nổi tiếng trên thế giới hơn cả môn phái Thiếu Lâm chính tông của võ Trung Hoa. Chuyện này nói lên một điều đơn giản: hiệu quả của khả năng sáng tạo trong thực tế.

Tính hủ lậu của các bậc thầy võ Trung Hoa, chẳng những ít học hỏi mà còn giấu giếm các chiêu thức độc đáo không dạy cho người ngoài, không dạy cho con gái, chỉ dạy cho con trai nối dõi. Võ công chưa thượng thừa nhưng luôn luôn muốn làm minh chủ. Thường xuyên phê phán và ganh tị tài năng đối phương… Những việc này làm cho nền võ thuật Trung Hoa suy tàn.

Câu chuyện trở nên rõ ràng hơn, khi các võ sĩ quyền Anh phê phán võ Trung Hoa. Họ nhận định, võ Trung Hoa chỉ để múa may quay cuồng, nhìn cho đẹp, nhưng không thực dụng, không đánh gục được đối phương. Khi lâm trận, võ sĩ quyền Anh có thể bị trúng nhiều đòn nhưng chỉ cần đấm toàn lực trúng đối thủ, võ sĩ Trung Hoa có thể bị bất tỉnh. Sự kiện này chứng minh hiệu quả của sức công phá.

Cho đến khi Lý Tiểu Long xuất hiện với triết võ học và môn phái Jeet Kune Do (Triệt quyền đạo), thế giới mới nhìn thấy ưu điểm của võ Trung Hoa, nhất là Vịnh Xuân Quyền (Wing Chun) có nguồn gốc từ Thiếu Lâm Nam phái.

Triệt quyền đạo chủ trương phế bỏ những chiêu thế phức tạp, rườm rà. Chỉ giữ lại những gì căn bản, đơn giản, trực tiếp và phát động bằng sức công phá trong tốc độ thật nhanh. Triệt quyền đạo chú trọng đến đạo lý vận chuyển giữa công và thủ, giữa tiến và lùi, giữa thắng và thua. Chuyên tấn công hoặc phản công nhanh, đánh sau mà đến trước, ngăn chận đối thủ ra quyền. Về mặt nghệ thuật, Lý Tiểu Long chứng minh được khả năng sáng tạo phải thực tế. Muốn xuyên thấu nhân tâm phải có lực công phá. Muốn có phẩm chất đều đặn phải tập cho học thuật trở thành phản xạ. Sáng tạo phản xạ xảy ra ngay trong khi giao đấu. Sáng tác phản xạ xảy ra trong khi làm thơ. Điều khác biệt lớn giữa võ thuật và nghệ thuật là nghệ thuật chọn khuynh hướng làm hay làm đẹp con người, thay vì gây ra thương tích, sưng bầm, gãy tay, gãy chân, hộc máu. Làm thơ không có đối thủ, chỉ có đối tượng là người thưởng ngoạn. Đấu võ thì ghét bỏ đối phương. Làm thơ thì cộng hưởng với độc giả.

Những thành phần tạo ra sức xâm nhập

Chúng ta có thể diễn giải từ ẩn dụ võ thuật sang thi thuật để tìm hiểu sức mạnh công phá của thơ và khả năng sáng tác phản xạ.

Sự thắc mắc đầu tiên khi tôi đối diện với vấn đề này là “Tại sao cần phải công phá nhân tâm”?

Sự hiểu biết và kinh nghiệm của ý thức và vô thức được xây dựng trong một người qua ba nguồn chính: 1- kế thừa từ những thế hệ trước, 2- học tập từ trường học và trường đời, 3- tự thức tu tập bản thân. Cả ba đều tạo thành những thói quen, những giá trị, những cách thức đánh giá, những niềm tin… bao bọc chung quanh họ như những rào cản, thành quách, bảo vệ vùng cư trú an toàn, thoải mái của trí tuệ và tâm tình. Khi họ đọc thơ, tìm đến nghệ thuật, thông thường, họ dễ chấp nhận và phán đoán với những gì không vượt qua vòng tường thành bảo vệ. Do đó, ý nghĩ, suy tư, cảm xúc, cảm giác của họ bị giới hạn trong những quen thuộc và những giá trị đã có.

“Quen thuộc” và “đã có” không phải là sai lầm. Điều mà tôi muốn nói: “quen thuộc” và “đã có” tạo ra sự chai lì. Người đọc không thực sự có những “bật sáng”, những “rung cảm khác thường” mà chỉ có cảm xúc lặp lại từ những sáng tác lặp lại, chỉ có những hài lòng từ những gì họ đã từng hài lòng trước đó.

Sự chai lì và những rào cản, thành quách là những lý do gây thiệt hại cho sức phát triển nghệ thuật. Hầu hết các cuộc cách mạng văn học đều mang mục tiêu đả phá những bề dày cố thủ của giới thưởng ngoạn và những niềm tin trì trệ của sáng tác. Trong một tầm nhìn thu nhỏ, lời thơ công phá cũng mang tính cách mạng: Chẳng những dùng cái mới đả phá cái cũ mà còn dùng cái cũ để làm khác thường cái cũ.

Những múa may quay cuồng nhìn thấy đẹp nhưng không mấy hiệu quả, cũng không phải là điều gì sai quấy. Chỉ uổng đi những tài năng có cơ hội trở thành Lý Tiểu Long. Tôi yêu thích Lý Tiểu Long ở chỗ ông đã mang tinh hoa võ thuật Trung Hoa đến một vị trí cao được thế giới ngưỡng mộ. Tinh thần yêu võ thuật và lòng yêu dân tộc của ông, khiến tôi khâm phục.

Để tránh sự lặp lại, tôi xin dùng “lời thơ” với ý nghĩa bao gồm cụm từ, câu thơ, đoạn thơ.

Từ ngữ ”công phá” vay mượn từ võ thuật, tuy giải thích được khả năng xuyên tâm nhưng không phù hợp với bản chất văn chương. Tôi xin chuyển từ “công phá” qua “xâm nhập”.

Có những tương tự giữa lời thơ xâm nhập và những câu thơ nổi bật hoặc câu thơ hay, có giá trị. Sự khác biệt của lời thơ xâm nhập là sức mạnh tập trung vào một điểm, đục thủng qua rào cản, nhanh chóng và hiệu quả.

Lời thơ xâm nhập phải hội đủ một số điều kiện để có thể xuyên qua bề dày của rào cản. Những đòi hỏi này nếu chỉ bàn thuần về lý thuyết, khó mà cảm nhận một cách văn vẻ. Tôi xin dùng những bài thơ đã sưu tập để thực tế hóa khả năng xâm nhập này.

Ví dụ, bài thơ The Vinegar Cup của thi sĩ người Palestine, Mu’een Bseiso (1927-1984), bản dịch của May Jayyusi và Naomi Shihab Nye. Qua bài thơ này, chúng ta theo dõi sự tái tạo nhân vật Chúa Giê-su với ngụ ý vào tâm trạng của một người yêu nước, ưu tư về sự tan rã của dân tộc.

Cast your lots, people,

Who’ll get my robe

after crucifixion?

 

The vinegar cup in my right hand,

the thorn crown on my head,

and the murderer has walked away free

while your son has been led

to the cross.

But I shall not run

from the vinegar cup,

nor the crown of thorns

I’ll carve the nails of my cross from my own bones

and continue,

spilling drops of my blood onto this earth

For if I should not rip apart

how would you be born from my heart?

How would I be born from your heart?

Oh, my people!

(Jayyusi 1992:134. The Vinegar Cup.)

 

Các người, hãy rút thăm,

Xem ai lấy được chiếc áo

Sau khi tôi bị đóng đinh?

 

Tay mặt tôi cầm chén giấm,

Đầu đội vương miện gai,

Kẻ sát nhân tự do bỏ đi,

trong khi con trai của các người bị lôi kéo

lên thập giá.

Nhưng tôi sẽ không từ chối

uống chén giấm

đội mũ gai

Tôi sẽ khắc đinh lên thập giá bằng xương của mình

và tiếp tục

nhỏ từng giọt máu xuống thấm đất

Vì nếu tôi không bị xé ra từng mảnh

Làm sao các người sinh ra từ trái tim tôi?

Làm sao tôi sinh ra từ trái tim các người?

Hỡi, dân tôi!

Những lời thơ có khả năng xâm nhập: Tôi sẽ khắc đinh lên thập giá bằng xương của mình / Làm sao các người sinh ra từ trái tim tôi? / Làm sao tôi sinh ra từ trái tim các người? Bseiso vận chuyển bài thơ bằng diễn tiến những chi tiết trong Kinh Thánh khi Chúa Giê-su bị hành hình, đưa đến một cách tượng trưng, bày tỏ tâm sự một người phản kháng chế độ chính trị ở Palestine. Những lời thơ xâm nhập sẽ làm cho người thưởng ngoạn dừng lại, đọc lại và mang theo trong tâm trí. Lời thơ xâm nhập làm cho người đọc vỡ lẽ, hiểu thêm một điều gì mà họ mù mờ hoặc không quan tâm trước đó.

Tôi tìm hiểu một số khía cạnh học thuật về thơ trong tuyển tập The Flame của Leonard Cohen. Một số thơ của ông có thể sử dụng làm ví dụ để dễ dàng cảm nhận cụ thể hơn về khả năng xâm nhập qua nhiều cường độ và nồng độ khác nhau. (*)clip_image002

Leonard Cohen (1934-2016), người Canada, một nghệ sĩ đa tài. Ông sáng tác nhạc, thơ và truyện ngắn. Ông cũng là một ca sĩ với một kiểu cách trình diễn khác thường đầy nghệ thuật và nội lực. Tài năng của ông hiện diện trong the Canadian Music Hall of Fame, the Canadian Songwriters Hall of Fame, the Rock and Roll Hall of Fame. Năm 2011, ông nhận giải thưởng The Prince of Asturias Awards về văn chương và The Ninth Glenn Gould Prize.

Sau khi ông qua đời, con trai của ông cho in tập thơ The Flame, bao gồm những bài thơ, những lời thơ trong nhạc, những ghi chú trong sổ tay. Thơ của ông cũng cưu mang đầy nghệ thuật và nội lực như con người Cohen.

Để giữ phong thái thơ Cohen, tôi xin giữ nguyên văn Anh ngữ và dùng phần thơ dịch như một chú thích, không hoàn chỉnh tương đương với bản gốc.

clip_image004So sánh hai tấm hình vẽ chân dung của Cohen. Tấm trên cho ta thấy cái đẹp quen thuộc với cảm xúc chai lì và dễ quên. Tấm thứ hai có sức công phá. Khiến ta phải nhìn kỹ hơn. Cảm giác được những phiền muộn hằn lên nét mặt. Theo dõi đôi mắt: vì sao con ngươi bên phải nhìn thẳng, con ngươi bên trái nhìn trẹo nơi khác?

Cohen tự vẽ chân dung của mình và công phá được rào cản của tôi. Từ nay, hãy nhìn thẳng vào sự sống bằng một mắt, còn mắt kia, không thấy cuộc đời.

Trích thơ Leonard Cohen.

 

[…]

I pray for courage                      Tôi cầu xin can đảm

At the end                                   Để cuối cùng

To see death coming                Đón chờ thần chết đến

As a friend                                  Như người bạn

(Cohen 2019: 87. I Pray For Courage.)

Câu thơ xâm nhập: dead coming as a friend.

[…]

And that was my mistake        Tôi đã sai lầm

I didn’t kill the snake                 Không giết con rắn

I gave the snake a break          Cho cơ hội thoát thân

Unbiblical                                   Không có trong Kinh Thánh.

(Cohen 2019:58. Unbiblical.)

Unbiblical là lời thơ xâm nhập. Chuyện con rắn, Adong và Eva trong kinh thánh luôn luôn là một nghi án. Rất có nhiều cách nhìn, cách giải thích khác biệt. Cũng có nhiều mô phỏng, tái tạo khác nhau, tuỳ vào mỗi tác giả muốn ngụ ý điều gì.

 

No time to change                      Không còn giờ thay đổi

The backward look                     Nhìn lui quá khứ

It’s much too late                        Đã quá muộn màng

My gentle book                          Cuốn sách dịu dàng của tôi

 

Too late to make                         Đã quá muộn vạch trần

The men ashamed                      Cho con người xấu hổ

For what they do                        Vì những gì họ làm

With naked flames                     Với ánh lửa phô bày

 

Too late to fall                             Đã quá muộn ngã xuống

Upon my sword                           Trên lưỡi gươm của tôi

I have no sword                           Làm gì có gươm

It’s 2005                                        Đây là năm 2005

 

How dare I care                           Làm sao dám quan trọng

What’s on my plate                    Những gì tôi bận tâm

O gentle book                             Ôi, cuốn sách dịu dàng

You’re much too late                 Ngươi xuất hiện quá muộn

 

You missed the point                 Ngươi hiểu lầm ý định

Of poetry                                      về thơ

It’s all about them                      Tất cả đều cho họ

Not about me.                             Không phải cho tôi

(Cohen 2019:19, No Time To Change.)

 

Đoạn thơ cuối cùng là lời thơ công phá. Vận chuyển bắt đầu từ missed the point / of poetry. Công phá ở about them / not about me.

 

Khi đọc đoạn thơ dưới đây, theo những tứ thơ tang tóc, thất vọng, băn khoăn… sẽ cảm nhận được lời thơ To make it real. Đời sống có thật hay không? Là câu hỏi có từ đời Trang Tử. Là câu trả lời có trong thánh kinh. Là ý niệm của Thiền. Vậy mà mỗi người chúng ta, đôi khi, cảm giác dường như không có thật. Thực tế là ảo ảnh hay cụ thể? Hầu hết những ai trả lời “cụ thể”, là người thực tế nhưng hời hợt, hoặc không quan tâm về sinh tồn. Đa số những ai trả lời “ảo ảnh”, là người tự cách ly và tự giày vò trí tuệ.

Những tứ thơ như “cây không lá”, “biển không nước”, “mặt trời không ánh sáng” … cho người đọc nhiều ấn tượng để cảm khái lời thơ, that’s how broken I would be.

[…]

And if no leaves were on the tree           Nếu cây trơ trụi không còn lá                                                          

And no water in the sea                           Và biển không còn giọt nước nào

And the break of day                                Đến khi ngày tảng sáng

Had nothing to reveal                              Lấy gì để phô bày

That’s how broken I would be                 Giống như tôi tàn tạ

What my life would seem to me             Hoang mang tôi sẽ sống ra sao

If I didn’t have your love                           Nếu không có tình em

To make it real                                           Làm cho đời hiện thật

 

If the sun would lose its light                  Nếu mặt trời mất hết ánh sáng

And we lived an endless night                Chúng ta sống vô tận đêm dài

And there was nothing left                     Và không còn gì nữa

That you could feel                                  Cho em cảm cuộc đời

If the sea were sand alone                      Nếu biển chỉ hoàn toàn đầy cát

And the flowers made of stone              Nếu hoa làm bằng đá vô tri

And no one that you hurt                        Không người nào em gây đau khổ

Could ever heal                                         Bao giờ có thể chữa lành                                                                      

Well that’s how broken I would be       Thôi đành, đời tàn tạ như vậy

What my life would seem to me           Hoang mang tôi sẽ sống ra sao

If I didn’t have your love                          Nếu không có tình em

To make it real                                           Làm cho đời hiện thật

(Cohen 2019: 151. If I Disn’t Have Your Love.)

 

Qua một ít ví dụ trên, tôi trở về với phần lý thuyết. Lời thơ có khả năng xâm nhập đòi hỏi một số đều kiện:

Trước hết, bản thân của lời thơ phải có ý nghĩa. Ý càng sáng, nghĩa càng sâu, lời càng có cường độ. Ý nghĩa càng giá trị càng sống lâu đồng hành với người đọc.

Đòi hỏi thứ hai cũng quan trọng như giá trị ý nghĩa, đó là cảm xúc. Lời thơ càng có nhiều cảm xúc, càng gia tăng nồng độ. Cảm xúc là động lực thúc đẩy khả năng biến hóa bất ngờ trong lời thơ. Cảm xúc càng nhiều, động lực càng mạnh.

Cảm xúc xuất hiện trong ba trạng thái. Trạng thái căn bản là sự rung động tự nhiên gia tăng từ thấp lên cao khi tác giả thăng trầm theo diễn tiến của sáng tác. Trạng thái bất ngờ: cảm xúc bùng vỡ khi tác giả đang chìm đắm trong thế giới riêng biệt của sáng tạo. Trạng thái tái xét: cảm xúc xuất hiện trở lại khi tác giả suy tư về những đoạn văn, câu thơ đã thành hình hoặc đã viết xong bản nháp, để tái tạo hoặc sửa chữa. Kinh nghiệm cho tôi thấy, loại cảm xúc này thường nhạy cảm khi tác giả suy luận về những chi tiết chung quanh các lời thơ. Những chi tiết mà khi sáng tác đã lướt qua hoặc không nghĩ đến.

Sau cùng nhưng không phải cuối cùng, đó là tiến trình vận chuyển lời thơ. Sự vận chuyển này mang tính trừu tượng của triết học và khả năng thực tế của kỹ thuật. Tiến trình vận chuyển cao độ chính là sáng tác phản xạ. Theo tôi, điều kiện này lá quan trọng nhất trong sáng tác thơ. Thơ đến tự động một cách tự nhiên, mang theo giá trị sâu sắc, rung cảm tâm tình, chẳng phải là điều mà nhà thơ khao khát hay sao? Sẽ bàn đến “sáng tác phản xạ” và “tự kỷ ám thị” trong chương tiếp theo.

Lý Tiểu Long nói rằng, trận đấu kết thúc bằng những cú đấm, cú đá với toàn lực công phá. Phải chăng những chuyện tình trong đời người có kết thúc ấn tượng là những chuyện tình ẩn cư mãi mãi trong ký ức? Những lời thơ kết thúc bài thơ phải là những lời thơ xâm nhập ghi lại ấn tượng.

 

I was second to none                                Không ai sánh bằng tôi

but I was never best                                 Nhưng tôi chưa bao giờ giỏi nhất

I was old and broke                                 Tôi đã già và nghèo

so I could not rest                                    vì vậy chưa thể nghỉ ngơi

 

You can call it luck                                  Ngươi có thể gọi đó là may mắn

be it good or bad                                    dù tốt hay xâu

but you don’t give up                             nhưng không thể bỏ cuộc

when your heart is dead                        khi trái tim đã chết

 

It had to make you crazy                        Ngươi có thể phát điên

when you no longer had the money   khi đã hết tiền

or the youth                                             hoặc tuổi trẻ

to bribe the referee                                 để hối lộ trọng tài

 

(Cohen 2019:183. Nov. 6, 2005)

 

Ngu Yên. New York, 2019. Bài sửa lại, Houston, 2020.

 

Ghi:

(*) Tôi xin cảm ơn vợ tôi đã mua và đã viết tặng trong tập thơ The Fame của Leonard Cohen: To my best companion! New York, Autumn 2019. Nhìn chung, sống là phải đối phó với những phi lý và bất công. Chấp nhận được hay không, thành công hay thất bại, đều phiền muộn. Nhưng đời sống đẹp biết bao trong những chi tiết nhỏ nhoi. My appreciation to your love.

 

Sách Tuyển Thơ:

Cohen, Leonard. 2019. The Flame. Edited by Robert Faggen and Alexandra Pleshoyano. Picador Farrar, Strauss and Giroux, New York.

Jayyusi, Salma Khadra. 1992. Anthology of Modern Palestinian Literature. Columbia University Press, New York.

 

Mời xem:

Ý Thức Sáng Tác Thơ, Tập 1.

Giới thiệu và phân tích học thuật những thể loại thơ tây phương từ Hậu Hiện Đại đến Đương Đại. Sách dày 600 trang. Phát hành 2019 bởi Insperative Esquisse Press. Giá sách $40.00, bao cước phí gửi trong Hoa Kỳ.

Liên lạc:

Michelle Dang

tapdang@yahoo.com

hoặc

5202 Contour Pl

Houston, Texas 77096.

image

Một Người Lưu Vong Mang Bệnh Động Kinh

Thơ Ngu Yên

2017-2020.

Bìa, hình vẽ, hình tái tạo bởi tác giả.

Black Life Matter?

Viet Life Matter?

 

“Black Lives Matter” lên bảng ở vùng Bellaire phố chợ Việt Nam, Đại Hàn, Trung Hoa…

Người Việt chống Trump dựng bảng,

chống kỳ thị.

“Black Lives Matter” lên bảng ở vùng Bellaire thành phố Mỹ,

Người Việt bênh Trump đòi hạ xuống,

chưa biết chống ai?

Da vàng chống Trump hầm hè, thù ghét.

Da vàng bênh Trump thù ghét, hầm hè.

Da đen hầm hè da vàng, không phân biệt.

 

“Yellow Lives Matter” lên báo, lên mạng, giăng khắp không trung.

Da vàng ghét Trump,

Da vàng yêu Trump,

làm thinh.

Ở quê nhà dân tôi chết như kiến như ruồi: Yellow Lives Matter?

Viet Lives Matter?

 

Không sông Gianh,

không vĩ tuyến 17,

không màu cờ,

không quê hương,

chỉ da vàng đứng bên trái bên phải ông Trump.

Dân tôi thù nhau không thể giải thích.

Anh em hận nhau vì kẻ láng giềng.

Bà con, bạn bè từ nhau vì hàng xóm.

 

Cứ chia hai phe tàn hại, nguyền rủa nhau,

chém thương tích vào hồn dân tộc.

Yêu nước nào sao không yêu nước mình?

 

Ông Trump bốn năm hoặc tám năm tổng thống,

rồi về dân thường.

Đi đánh golf với Dân Chủ.

Bắt tay đảng đối nghịch, vui vẻ kinh doanh chung.

Ngồi cùng bàn tiệc với đối thủ,

vỗ vai, nâng ly, cười nói tương lai.

Nhìn ra sân, đám người vẫn đánh nhau, thù ghét, hầm hè.

Chẳng có ai màu da hóa trắng.

Thương da nào sao không thương da vàng?

Thương dân nào sao không thương dân mình?              (2020)

 

 

Chỉ Còn Tấm Hình

 

Bạn viết trên Facebook:

“Tôi thương ông Trump quá”

bằng tiếng Việt.

 

Chưa bao giờ nghe bạn nói:

Thương ông Phan Bội Châu.

Thương ông Nguyễn Thái Học.

Thương ông Nguyễn Huệ.

Thương ông Ngô Đình Diệm.

Thương ông Trần Hưng Đạo.

Thương ông Lê Thánh Tôn.

Thương ông Hồ Chí Minh.

Thương ông cố nội.

Tháng trước

bạn trần trụi

không che mặt

có thể hy sinh mạng sống

hạ nhiệt Coronavirus

theo chân Trump

ra công chúng.

Email cho tôi:

“Sao mày nhát quá vậy.”

 

Nếu ông Trump bị bệnh,

có bác sĩ giỏi nhất nước Mỹ,

có bệnh viện tốt nhất sẵn sàng,

có thuốc chữa hiệu quả nhất.

Khi bạn bệnh,

mất bốn giờ chờ thử vi khuẩn,

vào bệnh viện rẻ tiền,

sắp hàng theo thứ tự ống thở,

chờ mỏi mòn nằm ICU.

 

Mấy hôm trước

gọi điện thoại

hỏi ngày giờ nhà quàn.

Mới biết

bạn bị đốt

lặng lẽ

cô độc

sợ truyền nhiễm.

Chỉ còn tấm hình.

 

Chiều hôm qua

đứng trước hình bạn

ngổn ngang

tiếc một người tài.

Bùi ngùi

nhìn lên truyền hình

Cộng Hòa, Dân Chủ

đang vận động tranh cử.

Họ không nói tiếng Việt.

 

                    (2020)

 

 

Fake News

 

Chuyện này nếu xảy đến,

không ai có thể ngăn cản,

kể cả CIA, FBI,

hoặc cả tiểu đoàn SEALs.

 

Chuyện này nếu xảy đến,

không ai có thể chận đứng,

kể cả Đức Tăng Thống,

Đức Giáo Hoàng,

Đức Đạt Lai Lạt Ma,

Tổng thống Cộng Hòa,

Tổng thống Dân Chủ.

 

Chuyện này xảy đến cho người nào,

người đó đành chịu.

Không ai có thể ngăn cản.

Không ai có thể chận đứng.

 

Tin FOX

Tin CNN

Tin ABC

Tin NBC

Tin Yahoo

Tin Google

không thay đổi được

khi chuyện này xảy đến.

 

COVID 19.

 

                            (2020)

 

Phải Chăng Là Fake News?

 

Tổng thống tái đắc cử.

NFAC biểu tình trổi dậy.

Tổng thống thất cử.

Three Percenters biểu tình tiến lên.

Nội chiến?

– Anh nói chuyện giỡn chơi?

 

Bản tin cho biết:

Súng đạn bán như thực phẩm khan hiếm.

Lòng người tìm cớ trả đu4a hận thù.

Lãnh đạo im lìm chờ ngày khai chiến.

– Anh nói chuyện giỡn chơi?

 

Dân Việt đã quá chán chiến tranh.

Mấy chục năm mất mát yêu thương lấy gì bù đắp?

Chuyện gì quá độ sẽ phải bùng nổ.

Tốt hơn hết nên đóng cửa ngồi nhà.

– Anh nói nghe như thật.

 

Lửa nhỏ đốt mãi sẽ cháy rừng.

Cháy lớn, cháy lan vượt kiểm soát,

cháy luôn quốc gia,

cháy lương tâm, cháy tự do, cháy hấp hối.

Đấu tranh cần hy sinh,

nhưng không cần chết.

– Sao không thấy ai đứng ra dàn xếp?

 

Chiến trận chết lính không chết tổng tư lệnh.

Chiến trận luôn luôn có lợi cho một phe.

Chiến trận luôn luôn có hại cho quần chúng.

Chiến trận đến từ mưu đồ.

Chiến trận tạo quyền lực.

Chiến trận

cuối cùng

là hành động điên rồ.

 

Ghi:

·      Three Percenters là nhóm người da trắng quá khích muốn thi hành chính sách Law and Order do tổng thống Trump đề nghị. Họ trang bị vũ khí. Chống nhóm biểu tình.

·      NFAC: Nhóm người da đen quá khích đối đầu nhóm Three Percenters. Họ cũng trang bị vũ khí.

·       Có những nhóm da đen khác cũng mang vũ khí nhưng họ chủ trương chỉ bảo vệ người biểu tình. Họ không thuộc vào nhóm NFAC.

                                                                                       (2020)

 

Giá Như Ông Trump Là Người Việt

 

Thử nghĩ:

Nếu ông Trump đậu, làm tiếp tổng thống,

hai người Việt đối lập có bắt tay làm hòa?

Nếu ông Trump rớt, về nhà làm tỉ phú,

hai người Việt mâu thuẫn có bắt tay làm hòa?

Hay từ đây ân oán

kéo dài tận nhà quàn

nơi nhất quyết không tiễn đưa lần cuối?

 

Không phải ông Trump có tài thuyết phục,

chỉ tại thói quen thần tượng ngoại nhân.

Không phải ông Trump có tài chia rẽ,

tự dân tôi, không ai chịu thua ai,

ai cũng hiểu biết, giỏi, khôn ngoan, thượng hạng

và vô cùng tự ái.

 

Đinh Lý Trần Lê Nguyễn …

bỗng dưng rối loạn vì ông Trump.

Cha mẹ ơi, buồn quá.

Giá như rối loạn vì quê nhà.

 

Thử nghĩ:

Nếu ông Trump đậu, làm tiếp tổng thống,

hai người Việt đối lập có bắt tay làm hòa?

Nếu ông Trump rớt, về nhà làm tỉ phú,

hai người Việt mâu thuẫn có bắt tay làm hòa?

Hay từ đây ân oán

kéo dài tận nhà quàn

nơi nhất quyết không tiễn đưa lần cuối?

 

Cha mẹ ơi, buồn quá.

Giá như ông Trump là người Việt.

 

                                            (2020)

 

Tự Hỏi

 

Người Việt tị nạn

Người Việt di tản

Người Việt vượt biên

Vì sao ủng hộ xây tường ngăn biên giới Mễ?

Tăng cường lực lượng kiểm soát đường nhập cư?

Chận bắt đám người vượt biên vượt biển?

như chúng ta, dù mấy chục năm qua, làm sao quên?

 

Thật sao?

Họ không phải tị nạn chính trị.

Họ tị nạn kinh tế.

Còn chúng ta, thật ra, loại tị nạn gì?

 

Thật sao?

Họ qua đây giết người, ăn trộm, ăn cướp.

Ai thay họ lao động, lao công, cắt cỏ, xây nhà?

Dân tộc nào không có người xấu?

Màu da nào chỉ toàn người tốt?

 

Những ai đã từng xin trợ cấp xã hội,

nhận ân sủng

sống qua ngày

nuôi lớn con cái,

sao không cho người khác cơ hội

giống mình?

 

Vì sao ủng hộ xây tường ngăn biên giới Mễ?

Tăng cường lực lượng kiểm soát đường nhập cư?

Chận bắt đám người vượt biên vượt biển?

như chúng ta đã từng may mắn thoát qua?

 

Nhờ đâu,

nhờ ai,

chúng ta được như hôm nay?

 

                                    (2020)

 

 

Cuối Cùng Một Bạo Chúa

 

Thuốc đâu. Thuốc đâu. Mang thuốc cho trẫm.

Hai tay đưa cao bưng một mảnh trống không.

Ngực co thắt từng cơn ho ban truyền chiếu chỉ.

Long thể nhức đau trên đất nước ngả nghiêng.

Sốt hực lửa

quê hương đỏ màu lửa.

Thuốc nữa, Thuốc nữa.

Ngự y đâu rồi.

Cạy miệng đổ thuốc,

thuốc vào cổ trào ra.

 

Đời ngắn một gang tay.

Đo sao hết chiều cao tham vọng.

Tim nhỏ một nắm tay.

Chứa sẽ vỡ máu độc tôn.

Thuốc. Thuốc, Thuốc, Trẫm cần phải sống.

Trẫm giỏi nhất hoàn cầu.

Thuốc. Thuốc. Thuốc. Trẫm muốn ngút hơi.

Thở mong manh

làm sao bất tử?

Tạc tượng lên núi cao?

Thuốc. Thuốc. Thuốc.

Nếu trẫm chết, các ngươi sẽ phải chôn theo.

“It is what it is.” (1)

 

Tôi theo dõi khúc phim tưởng tượng

giờ phút cuối của Tần Thủy Hoàng.

Lịch sử thế giới

luôn luôn kết tội bạo chúa.

Bạo chúa là ai?

Xin lắng nghe lương tâm.

Nếu không nhận ra bạo chúa,

vì lương tâm mang máu bạo quyền.

 

Thuốc đâu. Thuốc đâu. Mang thuốc cho trẫm.

Hai tay đưa cao bưng hấp hối không phải fake news.

Ngực co thắt từng cơn ho ban sắc lệnh mặt nạ.

Long thể nhức đau trên đất nước bốc lửa trắng đen.

“There’s no vacine for racism.” (2)

 

Khắp cả thế giới,

chỉ chúng ta là dân Việt.

“Việt Nam hai câu nói trên vành môi”

Suốt cả lịch sử,

chỉ chúng ta là dân Việt.

“Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời….” (3)

Chỉ dân Việt

lo lắng sinh mạng nước Việt.

 

Ghi:

(1)               Câu nói của tổng thống Trump.

(2)               Câu nói của Kamala Harris.

(3)               Câu hát trong ca khúc Việt Nam Việt Nam của Phạm Duy.

 

Tấm Ảnh Chết Hai Lần

 

Trên đỉnh đồi trọc,

một nhà,

một cây,

chiều,

mưa.

Cảnh như góa phụ nhớ chồng.

 

Tấm ảnh gửi đến người tị nạn

địa chỉ Hoa Kỳ.

 

Đã hơn nửa tháng,

bận rộn chưa xem thư

ông đi họp,

gọi điện thoại,

gửi email,

kêu gọi trên Facebook,

vận động tranh cử.

Tâm trí vắng mặt tình nhà.

 

Trên đỉnh đồi trọc,

một nhà cũ,

một cây xơ xác.

 

Cảnh như góa phụ chết chồng,

lần thứ hai.

 

                                   (2020)

 

Thắt Phi Cơ Đời

 

Lúc 10 tuổi

ba tôi dạy thắt phi cơ giấy.

Phóng lên

bay lượn vài vòng.

Chở theo Hoàng Tử Bé (1).

 

Từ đó,

tôi thắt phi cơ giấy

cho các em

cho các con

cho các cháu.

Nhưng phi cơ tôi không bay lượn.

Phóng lên, chỉ cắm đầu xuống đất.

 

Ở Mỹ,

sách, internet, lớp học,

dạy thắt giấy đủ thứ hình hài:

chó mèo chim chuột,

thành phố lâu đài…

Hầu hết thứ gì cũng có thể thắt giấy.

Không chừng,

kể cả giấc mơ.

Nếu tôi chịu khó học,

có lẽ

sẽ thắt phản lực, hỏa tiễn…

nhưng quá luời

quá mệt.

Vừa đủ, thì thôi,

lê lết qua ngày.

 

Giờ đây, vào tuổi 70

cũng vẫn thắt phi cơ giấy.

Phóng lên,

như phóng vào đời.

Không bay cao,

chỉ cắm đầu xuống.

Chở theo

Một Người Lưu Vong Mang Bệnh Động Kinh. (2)

 

Ghi:

(1) Tác phẩm Le Petit Prince của Antoine de Saint-Exupéry.

(2) Tựa đề tập thơ của Ngu Yên, flipbook năm 2020.

 

 

Giữ Lòng Sạch Sẽ

 

Như bác sĩ mổ tử thi khám nghiệm,

xẻ xác ra

thấy trái tim lúc nhúc đầy giòi.

Trong cõi chết giòi vẫn sống.

Thế giới bây giờ nhiều chuyện lạ lùng.

 

Những kẻ hèn luôn luôn tìm người khác tôn thờ.

Những kẻ kém phẩm chất thường xuyên nói lời tồi tệ.

Như một người sau khi đốt xác hốt tro,

lượm một mảnh sọ chưa cháy,

nhìn bên trong thấy chữ nghĩa khắc vào xương.

Học nhiều vô ích khi luôn luôn tôn thờ thần tượng.

Thế giới văn minh nhiều chuyện ngu dốt xảy ra.

Phải chăng Socrate cho rằng, ngu tệ hơn xấu?

 

Từ anh em, từ bà con, từ bạn bè vì bênh một người lạ.

Nhất định tâm trí người đó bất thường.

Nếu không,

phải là người hoang tưởng mình khôn.

Tin một người lạ, sẵn sàng nguyền rủa những người quen.

Nhất định tâm lý người đó có điều bất ổn,

nếu không,

phải là người hoang tưởng mình khôn.

 

Nếu đổ mồ hôi,

nên đổ cho gia đình, cho quê hương, cho dân tộc.

Nếu đổ máu,

nên đổ cho gia đình, cho quê hương, cho dân tộc.

Nếu rảnh rỗi không biết làm gì,

nên làm cho gia đình, cho quê hương, cho dân tộc

 

Ông bác sĩ mổ tử thi khám nghiệm,

xẻ xác ra,

thấy giòi lúc nhúc khắp tim cật ruột gan.

Bác sĩ giải thích cho sinh viên thực tập:

       Khi còn sống nên giữ lòng sạch sẽ.

 

                                              (2019)

 

Chát Dù Không Chua

 

Không chua nhưng chát.

 

Nghệ sĩ Việt sáng tác chí tình,

khi người Mễ, người Tàu, nhập cư lậu,

bị bỏ rơi chết ngộp trong thùng xe,

khi dịch COVID 19 giết người,

tổng số chết chưa bằng chết vì đói.

Người Việt tại quê nhà bị bỏ rơi

chết vô số rơm rạ ngộp dưới bùn.

Họ chết không ai đếm vì dịch Trung Quốc.

Tác phẩm nhắc đến loáng thoáng

như điếu tang họ hàng xa.

Than oán, trách cứ người ngoài

dễ hơn buồn thật sự quê nhà.

 

Không chua nhưng chát.

 

Tác phẩm kể tội ác

khi George Floyd da đen bị cảnh sát da trắng

quỳ lên cổ đứt hơi.

Nghệ thuật sôi sục biểu tình, đốt phá,

đòi hỏi công lý.

Ở Việt Nam, dân oan lê la,

 công lý đánh vỡ đầu, gãy xương.

Chết âm thầm trong tù, ngoài bóng tối.

Tác phẩm đòi hỏi nhân quyền thế giới

xứng đáng hơn Việt quyền.

 

 

Không chua nhưng chát.

Những khao khát lớn hơn người

thổi phồng

làm hồn bay đứt rễ.

Những ảo tưởng bất tử

cố tìm cách sống lâu

sống mai sau

quên sống hiện tại.

 

Những nghệ thuật đội mũ thời cơ,

khoác áo vội vàng quên cài nút,

gió thổi bay thấy bụng trống không.

Không chua nhưng chát.

 

Đám ma ở hải ngoại

nhiều nghệ sĩ

chen lấn đám người khóc mướn

ai chết cũng khóc.

 

Biết làm sao ca ngợi

những tâm hồn nhạy cảm

vượt lên nhân dân thấm niềm đau nhân loại?

 

Những tác phẩm khóc

xem rồi

cảm thấy chát

dù không chua.

Tác phẩm này cũng không ngoại lệ,

không chua nhưng chát.                                                     

 

                               (2020)

Mùi Sắp Bị Giết

 

Tìm mùi hương tản mác trong gió.

Bụm vào lòng tay.

Đưa lên mũi

hít thở:

 

Mùi bánh bao góc phố Sài Gòn.

Mùi man mác nắng trưa Long Khánh.

Mùi nước dừa Tam Quan.

Mùi nước mắm Phan Thiết.

Mùi cát bụi Phan Rang.

Mùi ủ ê mưa Huế.

Mùi nem nướng Nha Trang.

Mùi cà phê Đà Lạt.

Mùi trung học Qui Nhơn.

Mùi kênh đen.

Mùi mì Quảng

Mùi bún bò.

Mùi tấp nập đường phố Tự Do.

Mùi thông xanh đại học.

Mùi bắp nướng.

Mùi quê mình.

……

 

Mùi tóc con trai.

Mùi da con gái.

Mùi mồ hôi cha.

Mùi mẹ.

Mùi hẹn hò.

Mùi ly tan

Mùi bom đạn.

Mùi mất mát.

Mùi thương đau.

Mùi chết.

……

 

Tìm mùi hương tản mác trong gió.

Bụm vào lòng tay.

Hít thở.

Nhắm mắt tận hưởng nhớ nhung,

êm đềm đau giữa ngực.

 

Làm sao tìm mùi hương tản mác

khi gió đang gầm gừ,

khi sợ hãi bịt mắt,

khi trốn núp trong nhà.

 

Thời gian sắp giết chết mùi hương,

như đang giết người.

 

                              (2018)

 

Tiệc Thanksgiving 2020

 

Buổi tiệc Thanksgiving năm nay có nhiều ghế trống.

Chén bát khăn đũa ngay ngắn đợi chờ,

không gian thiếu khí thở,

nói nhỏ, ít cười, nhộn nhịp năm cũ âm thầm rút lui.

Hai con gà quay sẽ có một con cất vào tủ lạnh.

 

Buổi tiệc Thanksgiving năm nay nhiều người vắng mặt.

Bầu cử qua rồi,

vẫn phe ở phe đi.

Theo Phật: từ bi,

theo Chúa: bác ái,

đạo dạy giống nhau, đảng khuyến khích khác nhau.

Như lạc đà chui qua lỗ kim,

người tin đảng, khó được bình an khi gặp người đảng khác.

 

Lửa chưa chắc đốt nơi hỏa ngục hay điện ngục,

nhưng bập bùng trong lòng.

Chén bát khăn đũa ngóng chờ – đã quá giờ.

– Thật không đến sao?

Bưng con gà quay cất vào tủ lạnh.

 

Buổi tiệc Thanksgiving năm nay ít người đến dự.

Mỗi năm anh em con cháu đầy đủ không thiếu ai.

Bầu cử qua rồi,

hai phe vẫn còn bỏ phiếu.

Không ngồi chung bàn – Ngại ngùng hay ghét bỏ nhau?

Tổng thống đã chọn,

hai phe vẫn còn tranh cử.

Một đời người chưa đủ khó khăn buồn bã hay sao?

Người thân chết dần chưa đủ mất mát hay sao?

 

Nghĩ cho cùng,

dù theo phe nào,

đời người vẫn khó khăn buồn bã,

dù chức vị trong đảng nào,

người thân vẫn chết dần.                                  

Dù tổng thống nào,

đâu biết chúng ta là ai?

Mình biết nhau lâu ngày,

sao để bưng gà quay cất vào tủ lạnh?

 

 

Nạn Nhân Và Tù Binh Chính Trị

 

Dân Chủ – Cộng Hòa,

vì sao người Việt hai phe thù nhau như thù Cộng Sản?

 

Lúc xưa, anh và tôi, học sinh cùng trường. Lớn lên cùng xông vào chiến trận. Đổ máu bảo vệ quê nhà. Gặp nhau mừng chưa chết. Nghe nhau từng tin tức hành quân.

Gặp lại trong trại tù cải tạo. Cắn mảnh đường phèn chia đôi. Rít chung mẩu tàn thuốc lá. Chúng ta làm anh em suốt đời.

 

Bây giờ gặp lại:  Dân Chủ – Cộng Hòa,

vì sao thù nhau hơn thù Cộng Sản?

 

Lúc xưa, em và tôi, có lần ưa thích nhau, chưa kịp tỏ tình. Em lấy chồng. Bạn em nói: – Anh nhát quá, để mất vợ. Con nhỏ Thu nhớ anh lắm. Tôi muốn khóc và buồn mỗi khi hát một mình.

 

Bây giờ gặp lại: Dân Chủ – Cộng Hòa,

vì sao thù nhau hơn thù Cộng Sản?

 

Tình nghĩa cũ

anh chị em, bà con, bạn bè,

bốc hơi bay mỗi khi nổi lửa,

lá phiếu người này đốt cháy tim người kia.

Đời sống bao gồm những mỉa mai, khôi hài và đần độn,

đó là lúc này.

Chính trị luôn luôn có nạn nhân và tù binh,

đó là người Việt ở Mỹ.

 

Tôi nghĩ,

mỗi chúng ta đều tự cho mình tốt.

Lòng tốt không chỉ nói bằng miệng.

 

Tôi nghĩ,

mỗi chúng ta đều tin mình không phải người xấu,

hành động nào chứng minh?

 

Dân Chủ – Cộng Hòa,

còn ý định thù nhau đến bao giờ?

 

Phải Là Cây Thuốc Tẩy

 

Thở từng hơi,

hơi bay ra không bao giờ trở lại.

Hít từng hơi,

hơi xông vào rồi bay ra.

Đơn giản, tầm thường vậy mà sống.

 

Đơn giản: ăn cơm rau, uống nước lạnh.

Tầm thường: nhà có mái, xe có bánh, lòng có tử tế, óc có trí khôn.

Lưu vong: có nhớ quê quán.

Buồn: có iPhone.

Đơn giản, tầm thường vậy mà sống.

 

Lưu vong đơn giản như cây mít trong sân nhà,

bứng gốc sang trồng bên Mỹ,

dù sai trái ngọt,

rễ không hút đất quê.

Lưu vong tầm thường như đem hột mít về Việt Nam,

trồng lên cây ăn trái và bóng mát.

 

Tôi như cây gì,

bứng sang Mỹ trồng nửa thế kỷ.

Trái khó ăn.

Hột khó nẩy mầm..

Mỗi năm hái trái tặng hàng xóm,

gửi về quê.

Hầu hết bị lãng quên vào rác.

 

Đâu đó, những hột rơi,

từ từ mọc lên cây gì.

Trổ hoa thơm mùi thuốc tẩy.

 

                                 (2018)

 

Đời Nghệ sĩ Ai Chẳng Dại Đôi Lần

 

Sau cùng, tôi rời bỏ đám văn nghệ trí thức,

xuống chơi giới bình dân.

Những kẻ vui không cần nổi tiếng.

Họ nhìn thơ nhạc như trái táo, trái thơm.

Thấy văn chương như rau dền, rau răm, rau muống.

Định nghĩa triết học bật cười sau chai bia.

Nghệ thuật tự nhiên và thanh thản

chỉ như vậy.

 

Theo chân Wolfgang Mozart  bỏ cung đình,

ra chơi xóm chợ.

Rượu dương cầm, gái vô danh, vui không cần trí nhớ.

Những nghệ sĩ cao cả mong chờ nửa tượng hay toàn thân.

Họ thành tượng đất giữa chừng sáng tác.

Những tác phẩm đó thiếu hương vị rau răm,

thiếu húp canh rau dền rau muống,

làm cho bia không còn men say.

Tiếc thay!

.

 

Tôi đã từng dại dột, hộc máu, nhúng máu để viết.

Họ xem tác phẩm đó ho lao.

Thức khuya đọc sách. Dậy sớm ghi chú.

Họ xem tác phẩm đó thất nghiệp.

Họ, hầu như, không mua,

chỉ nhận tặng sách như quà năn nỉ,

hầu hết, không đọc.

Khi hiểu biết đúc kết thành 1.000 viên gạch,

chỉ có thể xây phòng tắm.

Họ xây nhà lầu và dự phóng lâu đài.

Trót nhúng tay vào ảo tưởng,

tôi tỉnh dậy, bỏ đi.

 

Không phải dễ gọt trái thơm cho đẹp.

Cắt khoanh thơm cho đều.

Cất tủ lạnh đừng bị đông đá.

Chờ trưa hè nóng nực, chờ đời làm mặn môi,

cắn một miếng,

văn ngọt,

thơ mát,

lòng la đà.

 

 

Không phải dễ ăn trái táo.

Người đàn ông đầu tiên đã mắc cổ.

Táo phụ nữ dễ cắn nhưng khó nhai.

Táo tình dễ lựa nhưng khó giữ lâu ngày.

Táo đời dễ mua, khó bán lại.

Tác phẩm hay đều thấm nhuần chất táo, hương táo,

kể cả sâu táo.

 

Tôi rời bỏ đám văn nghệ trí thức.

Đi sâu vào hỗn độn bình dân,

nơi bóng tối bao trùm trí tuệ.

Tìm nơi tạm cư.

Rồi thắp lên ngọn đèn giấy.

 

                              (2018)

 

Đêm Tận Tình Sức Lực

 

Rượu trên mặt ly sóng sánh cười,

chào đón một đêm vui.

45 năm yêu nhau – dễ mà khó.

Hành trình chung thủy có khi xa lộ, có khi đường mòn, có khi sình lầy, có khi leo núi, có khi ngồi ngẫm nghĩ: Yêu sao mệt quá. Độc thân tự do hơn.

Nhưng

dù da em nhăn, mắt bớt tròn, môi có hôm cay đắng, thân xác có đêm quay mặt vào tường, vậy mà, anh không thể xa em hơn trăm bước.

Hoa Kỳ cho phép vợ chồng ly dị như uống xong ly rượu tân hôn rồi đập vỡ. Chúng ta uống xong, cất vào hộp. Mỗi năm lấy ra uống mừng ngày kỷ niệm hôn nhân. Giỏi thật, 45 năm rồi đó em.

Ở Hoa Kỳ, ly thân dễ như đi du lịch. Hẹn tình nhân dễ như ăn trưa. Mướn khách sạn ôm người khác dễ như hư cấu. Tình yêu ở Hoa Kỳ rất khó thủy chung. Nếu nghi ngờ, sẽ ghen tuông từng hồi như phim tập. Em giỏi thật, 45 năm, ghen chỉ hai lần. Anh cũng ghen, chỉ một lần.

 

45 năm yêu nhau – dễ mà khó.

Nếu trừ thời gian cãi cọ, giận hờn, bực bội,

có lẽ, còn 42.

Nếu trừ thêm giờ làm việc, ăn uống ngủ, thờ ơ, mệt mỏi,

có lẽ còn được 5.

5 năm yêu nhau tận tình sức lực – chẳng còn muốn gì hơn.

 

Sóng sánh trên mặt ly reo cười đến giờ đã hẹn.

Rượu tìm lên vành môi,

tràn vào lưỡi,

xuống ướt hơi thở,

say trái tim.

Uống cạn.

Cất ly vào hộp.

Cất hộp vào thời gian.

 

Đêm nay,

đêm tận tình sức lực.

Tắt truyền hình.

Tắt điện thoại.

Tắt đèn.

Uống cà phê cho khỏi buồn ngủ.

Đ anh đàn, em hát đến rạng đông.

 

                               (Anniversary 2020)

 

Những Khi Chưa Muốn Thức Dậy

 

Trăn trở chưa muốn thức dậy.

Bầy chim núp sẵn trong lỗ tai,

hót du dương.

Rủ tâm tư hình ảnh tình cờ.

 

 

Con đường cũ trèo lên người, đi quanh trí nhớ.

Cha từ nhà thương, què một chân, cà nhắc đến thăm.

Chị chưa lấy chồng.

Anh chưa đi lính.

Mẹ dẫn bầy con về đầm ấm trong tim.

Cảm giác sung sướng.

Trời ơi, sung sướng quá.

Không nhớ từ lúc nào,

bỗng dưng.

tất cả vỡ ra từng mảnh,

trôi dạt, cuốn hút đến những nơi không ngờ.

Câu chuyện đời người,

mỗi người,

thích thú nhưng không thích lắm.

 

Quá khứ sở hữu tôi

như tôi sở hữu sáng tác.

Nghe bầy chim hót trong lỗ tai,

tôi làm thơ.

Trí nhớ mở cửa bước vào tưởng tượng,

mang theo tha thiết lù mù ánh đèn dầu.

Quơ tay gạt lưới nhện,

phủi bụi.

Đây rồi, tìm được tâm tình lộm cộm râm ran.

Đàng kia, vài ý tưởng mốc meo cựa mình mấp máy.

Lại đây.

Ai mà ngờ, còn có thể thấy nhau.

 

Trăn trở chưa muốn thức dậy.

Bầy chim núp sẵn trong lỗ tai,

hót du dương.

Rủ tâm tư hình ảnh tình cờ.

Đột nhiên,

rớt xuống.

Tôi đang ở Houston, không phải Nha Trang.

 

Tôi sở hữu quá khứ

như quá khứ sở hữu tương lai.

Không thể ngờ những gì sẽ gặp lại.

Không thể ngờ những gì sẽ lãng quên.

Hư cấu bước ra ánh sáng.

Hy vọng sẽ thấy được thứ gì

chưa phải quan tài.

Nếu chết chưa thấy gì, chắc chắn sẽ ấm ức.

 

Trăn trở chưa muốn thức dậy.

Bầy chim núp sẵn trong lỗ tai,

hót du dương.

Rủ tâm tư hình ảnh tình cờ.

Tình cờ là chuyện sắp đặt không biết trước.

Đột nhiên,

rớt xuống.

Tôi đang ở Mỹ, không phải Việt Nam

 

 

Nhìn

 

Trời luôn luôn nhìn xuống.

Đất luôn luôn nhìn lên.

Nhìn không nhất thiết dùng mắt.

 

Trời nhìn xuống theo dõi người xấu,

không nói gì, không phạt tội.

Đất nhìn lên đếm đầu người tốt,

không nói gì, chỉ nhận chôn.

 

Trời không có mắt.

Đất không có mắt.

Người nhìn bằng mắt.

Thấy được đất trời.

Vẽ ra trời đất.

 

Trời nhìn xuống.

Đất nhìn lên.

Người nhìn lên nhìn xuống,

nhìn tới nhìn lui,

nhìn hơn 20 thế kỷ.

Thấy không nhiều hơn trời đất hay sao?

 

Nhưng

họ nói,

 

fake news, fake story làm hư hai ống kính.

Không thể tin những hình ảnh thu nhận.

Càng không tin ý nghĩa như đã thấy.

Phải chăng mắt đã trở thành vô dụng?

 

Nếu mắt thấy tai nghe đều là giả,

tội nghiệp, làm người !

Lạc lõng biết bao !

Hiu quạnh biết bao !

 

Càng lúc con người càng mất hy vọng

vào con người.

 

                                             (2019)

 

 

Nói và Ho

 

Khi nằm,

ngứa kéo lên cổ.

Ho

báo tin thân thể bất an.

Ho

là một cách nói.

 

Khi đối diện người,

ngứa kéo lên cổ.

Nói

báo tin tâm trí không bình lặng.

Nói

là một cách ho.

 

Tôi xáo trộn ho và nói

cho cảm giác khôi hài,

chế ngự nỗi buồn đang trống rỗng,

càng ngày càng rỗng thêm.

 

Mùa tranh cử

nhìn chung quanh

ngao ngán không biết nói gì.

Đành ho dài mấy tháng. (*)

Trước đây,

gặp nhau nói chuyện vui vẻ,

đâu ai muốn ho.

Bây giờ,

Nói email, nói Facebook, nói Twitter

Điện tử không biết ho.

nhưng biết sỉ nhục.

 

Ho

hành vi lễ phép

khi che miệng.

Ho

hành vi hiểu biết,

khi không cần phải nói.

 

Ghi:

(*)

Mùa này, ho nhiều,

người ta tưởng bị dịch.

Họ tránh xa.

Tuy buồn bã

nhưng bớt ghét nhau.

                                                       (2020)

 

Lúc Sắp Chết Vẫn Chưa Sắp Hết…

 

Sống

Không sợ

đã làm những gì,

lúc gần chết

hối hận.

 

Khi nói về chết bằng chữ nghĩa,

dễ như đi ngủ,

không cần sợ hãi,

vì sẽ thức dậy.

Đến lúc sắp chết thật,

hấp hối,

dễ gì làm thơ.

 

Người Nhật,

võ sĩ đạo, thiền sư, nhà quý tộc…

giữ những hơi thở cuối cùng,

viết xong bài thơ,

thả bút,

tắt thở.

 

Khác nhau như thế nào

giữa hai cái chết?

 

70 tuổi nghĩ đến lúc chết, không phải còn sớm.

Nhưng lúc đó chuyện gì sẽ xảy ra?

Dù tưởng tượng, hư cấu, hay thành thật,

vẫn không thấy trước.

 

Chỉ sợ lúc chết

sẽ làm nhục

lúc sống.

 

(2017)

Comments are closed.