Quên lời đã nói

Truyện Phùng Hi

Sáng nọ, anh phát hiện mình quên tuốt mọi thứ đã nói ngày hôm qua.

Cũng từng có lần như thế nhưng anh cho do uống quá chén.

Tất cả công việc, khung cảnh, hoạt động trôi qua anh đều nhớ và nhớ hết lời nói của mọi người, chỉ mỗi quên lời của mình đã nói.

Cảm giác trống trơn ở anh vào mỗi sáng khi rửa mặt, soi gương. Mỗi ngày với anh là một sự bắt đầu lại. Lo lắng, hoảng hốt. Liệu có "Sống, chiến đấu và học tập theo gương bác Hồ vĩ đại" tiếp nổi không khi có kiểu quên kỳ cục vầy?

Một loạt câu hỏi đặt ra:

? Lỡ nói điều gì mất lòng bạn bè, đồng nghiệp, làm sao biết mà xin lỗi.

? Lỡ nói điều cấp trên không vừa ý, sai chủ trương chính sách, làm sao biết để cảnh giác, phòng bị.

? Có nên mua một máy ghi âm dung lượng lớn mang theo người.

Anh đến bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Bác sĩ bảo:

– Bịnh này không hiếm, cũng không nguy hại, có tên khoa học dài lòng thòng Scapvian Gendcancon Aog Syndrome (SGAS), khoảng 300 người có một người mắc.

Bác sĩ kê toa mấy món thực phẩm chức năng, sản-phẩm-này-không-phải-là-thuốc-và-không-có-tác-dụng-thay-thế-thuốc-chữa-bịnh, trấn an thêm:

– Anh gặp may đó, có người muốn quên như anh nhưng không được. Người mắc bịnh giấu đi và thản nhiên sống, thuận lợi là đằng khác.

Vâng, đã đỡ lo, anh cũng sẽ giấu bịnh ngay cả với vợ.

***

Biết mình có căn bịnh kỳ cục, anh kiệm lời hết mức có thể. Anh tách mình ra khỏi mọi người trong câu chuyện, nhất là chuyện liên quan đến đường lối, đến tự do, đến mưu cầu hạnh phúc như trong Tuyên ngôn Độc lập 2/9.

Khó chịu nhất lúc thù tạc với đồng nghiệp, rượu vào lời ra, anh bấm vào lòng bàn tay, niệm “không nói gì, không nói gì,không nói gì…". Vậy mà vẫn có bạn trách:

– Sao ông nỡ chơi tôi lúc đông người.

Anh đâu nhớ đã nói gì. Anh làm bộ cúi mặt suy nghĩ hồi lâu rồi nói:

– Cho tôi xin lỗi. Chỗ bạn bè anh bỏ quá cho tôi.

Từ đó anh thôi nhậu, với cái cớ vợ nằng nặc đòi giữ thẻ lương.

Cứ việc giao đến anh làm, ai nói gì thì nói. Anh thành kẻ đáng tin cậy nhất cơ quan. Anh thử mở máy ghi âm nghe lại, phần anh, anh chỉ nói đúng mấy từ "dạ thưa, dạ vâng" với cấp trên, vậy là ổn.

Anh đứng ngoài mọi đấu đá nên lên chức liên tục, giống như kẻ lượm được viên kim cương trên bãi cỏ trong khi đám người kia lùng kiếm chỗ vũng bùn gần đó.

Bảy năm, sau thời điểm phát hiện mắc bịnh "quên lời đã nói", từ chức phó phòng thâm niên một sở, anh vọt lên đến chức bộ trưởng một bộ có cái tên dài phải viết tắt đến khó chịu: Bộ KH-KC&TL (Bộ Khoa học, Khảo cổ và Tâm linh). Hoạn lộ hanh thông hiếm thấy trên dải đất hình nhân ngư đội nón bài thơ.

Ngày trước, nhiều người trách anh hay quên lời mình nói, chính xác là hứa, là chém-gió-mà-không-làm. Nay thì không còn ai dám đến gần anh để chê trách nữa, ai cả gan dám trách một bộ trưởng cơ chứ.

***

Bịnh anh ngày càng nặng, vừa nói câu trước mấy phút sau đã quên, chứ không đợi sau khi ngủ một đêm.

Bây giờ, luôn có người khen anh phát biểu hay ho thế nọ thế kia. Anh luyện cơ mặt sẵn một "nụ cười cảm ơn" tuyệt hảo để đáp lễ chứ không dám thưa lại điều gì.

Anh thấy hài lòng với căn bịnh của mình. Cảm ơn Trời Phật, ông bà, tổ tiên đã phù trợ. Mỗi sáng thức dậy thật thư thái, không phải lo âu, bận tâm, hối hận… vì lỡ miệng.

Về nguyên tắc tối thiểu của đối thoại: nội dung và hình thức thể hiện phải phù hợp với người nghe, với hoàn cảnh và thời điểm. Nhưng với vợ, là cô giáo tiểu học, người đầu ấp tay gối, anh không ngại nói tuột mọi thứ, cả những thứ vợ không việc gì phải nghe. Anh có hơi coi thường vợ. Anh kể các chuyện tình của mình, kể chuyện từng chụp mũ cấp dưới, kể mình nịnh nọt cấp trên ra sao… Tóm lại, mọi thứ xấu xa lẫn tốt đẹp anh kể hết cho vợ nghe. Nói để tiêu hao năng lượng dư thừa lúc phải im lặng ở cơ quan.

Anh còn nói chuyện gì nữa với vợ, làm sao biết, làm sao nhớ hết…

Khi hai đứa con trai được anh bố trí việc làm ổn định thì vợ viết đơn ly hôn, nhất mực đòi ra tòa gấp gáp với tối hậu ngôn: "Tôi ghê sợ anh".

Anh nài nỉ vợ: "Em có thể nói thêm vài lời nữa được không? Em nói ngang xương vậy, anh không hiểu nổi".

Vậy là ly hôn.

Mọi người cũng không ai hiểu. Sao lại từ bỏ người đàn ông điển trai, thương vợ thương con, quyền lực và tiền bạc ngày càng dày lên như thế?  

Không lẽ quyền lực càng cao, bổng lộc càng nhiều thì tình càng bạc?

***

Con người ta khi giàu đến mức nào đấy, đám đông không đủ sức ganh ghét nữa, họ quay ra nể phục và nhờ vả. Buồn cười cho thế sự nhân tình. Dù sao, anh cũng giúp được cho bao người. Tất nhiên phải "điếu đóm" sòng phẳng.

Cuộc đua giữa chức tước và tuổi tác rồi cũng đến hồi kết. Anh cũng đã leo gần tới đỉnh cao của quyền lực. Nghỉ hưu sao? Tiếc quá.

Buồn, hẫng hụt, ai cũng vậy. Người còn-sức-khỏe-để-cống-hiến như anh càng hẫng hụt hơn. Lắm kẻ mỉa mai anh, là dù đã hạ cánh nhưng an toàn hay không thì còn phải chờ.

Ngày đầu về hưu, anh nằm cô độc bên bể bơi trong căn biệt thự giữa khu vườn rộng lớn. Sắp tới sẽ làm "bạn về hưu" với ai đây? Câu hỏi tưởng dễ dàng trả lời, không ngờ quá khó. Nhìn quanh không thấy ai là bạn, cũng không thấy ai khả dĩ để làm bạn.

Những người tình đến với anh sau ngày ly hôn với vợ hiền, giờ chẳng thấy bóng dáng đâu. Anh ca một mình, thích thú lẫn đau thương, “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ, ôi những dòng sông nhỏ…”.

Đồng chí bớt ủy mị đi, nên tập trung viết văn làm thơ, chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà khuyên anh.

Vì khi viết thì sẽ không nói, không nói thì sẽ không quên…

Hèn chi mấy ông về hưu, ông nào cũng thích làm thơ.

Sao không khuyên mấy ổng đi làm từ thiện, đi lượm rác, dọn vệ sinh… hả trời?

Khuyên chi mà khuyên ác vậy…

Comments are closed.