Trịnh Hoài Giang
Tác giả gửi Văn Việt
Văn Việt: Trịnh Hoài Giang tên thật Trịnh Văn Trọng, sinh 1938. Quê Hải Phòng. Đã xuất bản: HOA TRĂM MIỀN – tập thơ in chung, NXB Văn học 1975; SAU NHỮNG THÁNG NĂM – tập thơ in chung, NXB Tác phẩm Mới 1983; GIÓ ĐẤT – Tập thơ riêng, Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng ấn hành 1977; ĐỘC THOẠI – in riêng, NXB Hội Nhà Văn 1991.
Bài thơ của một người có tội
1
|
Đất nước đang trong những ngày buồn
Không còn nước mắt để mà khóc
Trời đang gào, mưa đang tuôn…
Đất nước đang trong những ngày buồn
Thơ vẫn thơ mà không thể viết
Thơ vẫn thơ mà không thể đọc
Ti-vi nhoè và chữ nghĩa nhoè
Cây cầu sập và trời đất sập
Không còn nước mắt để mà khóc
Đất nước đang trong những ngày buồn
Những người chết-những người nghèo nhất
Sống tranh tre và chết bê tông
Sống rơm rạ và chết sắt thép
Bê tông sập và niềm tin sập
Thơ đi đâu và thơ ở đâu?
Đè dúm dó tre pheo úp sấp
Thơ đi đâu và thơ ở đâu?
Khung người như bó nan bầm dập
Thơ đi đâu và thơ ở đâu?
Xơ xác nghèo và xơ xác chết
Thơ đi đâu và thơ ở đâu?
VTV1 đưa tin:
Nước Mỹ năm…. cũng sập cầu 30 người chết
Ấn Độ năm… cũng sập cầu 50 người chết…
Trung Quốc năm… cũng sập cầu 100 người chết
Có nghĩa rằng sập cầu Cần Thơ không cá biệt
Cũng như là vân vân và vân vân
Cả nước đói nghèo tương ái tương thân
Dân tộc khổ đau dân tộc khóc
Một nén nhang xa không tới được
Tôi viết bài thơ ai điếu trái tim mình
2
Có nhà thơ thời hậu chiến tranh
Khi sắp chết viết câu Di cảo:
“Mậu thân 2000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2000 người đó?
Tôi! Tôi, người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong lúc xung phong*”
Thưa anh linh nhà thơ Chế Lan Viên:
Không chỉ riêng ông mà lớp đàn em
Cũng đang viết những trang Di cảo
Cũng đang viết về một thời dông bão
Máu xương dằng dặc Trường Sơn
Cũng đang viết về:
“Một trong 30 người kia ở mặt trận trở về sau 10 năm
Ngồi quán nước bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ*”
Hệ luận là:
Người lính không thể nuôi được đàn con nhỏ
Chúng dắt díu nhau ra khơi: con sò, con hến
Chúng dắt díu nhau lên rừng: tổ ong, tổ kiến
Chúng dắt díu nhau trôi dạt Cửa Long: đội đá vá cầu
Rồi đất nước buồn, đất nước thương đau.
Không còn nước mắt để mà khóc
Chỉ chớp mắt hai nhịp cầu dài nhất Đông Dương đã sập
Chỉ chớp mắt hàng trăm người bị thương và chết
Ai? Tôi!
Cứ véo von ca ngợi đất trời
Cứ âm u giả câm giả điếc
Cứ ngậm miệng ăn tiền để giòi bọ róc xương, xả thịt
Cả những dòng sông, cả những nhịp cầu
Rồi chỉ xuống địa tầng, chỉ lên khí quyển, chỉ tận đẩu đâu
Nguyên nhân cầu sập
Chỉ có máu xương là chết thật
Còn vu vơ toàn những chuyện trên trời,
3
Xin thưa cùng các thi sỹ hôm nay
Viết những trang thơ rất nhiều giai điệu
Những trang thơ tình phiêu diêu
Những trang thơ say huyền diệu
Những trang thơ véo von như chim khướu
Sao vắng cánh cò lặn lội bờ sông
8 giờ sáng hôm qua hai tảng bê tông
Đè sập xuống đàn cò lặn lội
Đè sập xuống
Những trái tim văng ra và hỏi:
Thơ ở đâu hay đã chết rồi?
Đất nước đau thương
Đất nước sẽ mỉm cười
Khi nhà thơ biết khóc
Khi những tảng bê tông đổ sập
Đè dúm dó tre pheo úp sấp
Đè dúm dó đói nghèo bầm dập
Không ở tận đâu
Đè chính trái tim mình.
Trại sáng tác Đại Lải đêm 27/ 9/2007
……………………..
* Ai? Tôi (Chế Lan Viên-di cảo)
Trước trang giấy trắng
Có khi nước mắt chảy vào trong
Tôi buồn, ngồi khóc gió
Có khi cơn giận như thằng khùng
Trào lên than thở
Trang giấy không còn trang giấy nữa
Nhấp nhô mồ mả, nhấp nhô xương
Tôi thành ngoại cảm đi tìm khắp
Tìm từ Cửu Long ra Trường Sơn
Thì ra âm khí đưa tôi đấy
Trang giấy hình như có linh hồn
Những triệu hình hài tôi mắc nợ
Những vạn lâu đài xây trên xương
Tôi nghe sâu lắm và xa lắm
Trang giấy mênh mông trắng pháp trường
Và tôi cặm cụi lau xương cốt
Xếp lại thành thơ trên cõi dương.
Ơi cánh đồng quê
Bây giờ ruộng đã bê – tông
Cây đa đã cụt, dòng sông đã què
Mái đình đã phẳng đường xe
Còn đâu cánh võng mà nghe chuông chùa
Hội làng thì đã ngày xưa
Thôi anh đừng có tiễn đưa làm gì
Em chào thầy mẹ em đi
Làm ô-sin chả biết khi nào về
Heo may thổi dọc triền đê
Nghe câu dự án mà tê tái lòng
Người đi thì đã ngàn trùng
Người về, đất có còn không mà về
Giật mình nửa tỉnh nửa mê
Cánh đồng quê, cánh đồng quê, cánh đồng.