Thơ Nguyễn Thanh Văn

 

Biết vô duyên cũng chõ mồm tán nhảm

Biết “không có chi mô” cứ ráng hỏi chi mô

Đã hiểu “không răng” cứ hỏi tại răng cho kỳ được

Nay rõ lý vô sự rồi, có sinh sự nữa chăng!

[ SỰ VÀ VÔ SỰ ]

                               

Một nửa mông cong cong viền cát trắng

Nửa kia lập lờ chìm trong nước biếc xanh

Ngày lại ngày hong hai đồi vú mộc

Đêm đêm sóng lùi lộ hẳn mảng rêu rong

[ MŨI NÉ ]

 

Cúi xuống, cúi xuống nữa và thấy đàng sau tờ giấy trắng

Tuổi ngày thơ và cả ngày xanh

Thấy cả màu tím bầm lấm lem xiết bao cay đắng

Giấc mơ hồng nay nở đầy gai

Và từ đó ngay trên từng trang viết 

Có một dòng chua thêm , vô hình, vô ảnh:      

Đây là hoa

Và đây là gai

[ MỘT MÌNH VỚI ÁN THƯ ]

 

 

 

 

Đêm níu tay tôi, e ngày sắp tới

Ngại tôi đi và sẽ chẳng quay về

Tôi đi đâu – võng trời dăng dăng kín

Bùn đất xanh rêu, phờ phạc luân hồi

Chỉ dùm tôi một nơi, ngoài xiềng xích đêm ngày

Nơi chẳng ai thiết từ ‘’ngày mai’’ lừa bịp

Nơi Tôi tự sinh ra Tôi

Thượng Đế chết lâu rồi!

[ CHO MỘT NGÀY QUA ]

 

 

Tuổi thì tiền mà thơ đã hậu mãn kinh

Thi ca của cô rối loạn tiền đình khá rõ

Còn khối chuyện e  chưa bỏ được

Riêng chuyện văn chương thôi bỏ hẳn được rồi

Nhịp tim sẽ bình thường, tâm an lành hẳn

 Câu thơ hay đời còn người nhớ – kể cũng công bằng!

Những bài thơ nhạt thếch thiên hạ quên – cần phải biết ơn

Cô cứ rong chơi, khóc cười, rồi lặng lẽ

Mặc kệ người khen chê, người đâm lén sau lưng

Thèm yêu cứ yêu, không- xin lỗ I- dạng chân nằm thở

Trong thi ca vờ quằn quại, gầm gào, rên rĩ để làm chi

 [ THƯ TRẢ LỜI MỘT THI HỮU ]

 

Nhà vắng tất

Không bạn chơi

Không cả đồ chơi

Em bé đùa với chim mình, rồi cười ngặt nghẽo

Ôi, Thượng Đế thấy ắt phải rơi nước mắt!

Trong sáu cõi trời người có nỗi cô đơn nào ngộ nghĩnh hơn không

Người bỏ người

Chuồn chuồn, bươm bướm bỏ đi luôn

Sông biển nay chỉ toàn cá chết

Có một em bé buồn

Lôi chim mình ra , búng, vặn… cười chơi!

[ CÔ ĐƠN ]

 

Phơi tim dưới mặt trời nhiệt đới

Trái tim khô ngai ngái mùi cúc dại

Có những cái não đã lạnh lùng giải quyết

Vì sao mi – tim ơi – chưa một phút  nguôi ngoai!

[ NÓI CHUYỆN VỚI MÌNH ]

 

Bèo mãi trôi và tôi ở đây

Bèo trôi nhưng biết sẽ về đâu

Dừng chân bến lạ hay ra bể

Có nhớ gì không, có nhớ tôi

 

Tôi đứng đây và bèo cứ xuôi

Chưa buông hay đã thiệt buông rồi

Biết ai còn nhớ trăm năm trước

Lắng giữa lòng sông một nhánh mây

 

Tôi sắp về đâu hay hóa sông

Nước khi rùn lại, có khi ròng

Mang hồn bói cá treo cành trúc

Một nét chim gầy, một thoáng không

[ BÈO VÀ TA ]

 

 

 

Chim đồi về hạ cánh trên vai

Tâm nhốn nháo, thân đành bất động

Chim trên vai hót thẳng vào tai

Ta ngớ mặt, bèn vờ tự tại

 

Huyền diệu thay mỗi lời chim hót

Hót say sưa, chẳng vị riêng ai

Ta cắn răng khi chim rúc vào tai

Ngỡ dặn dò chi, hóa ra ngứa mỏ

 

Chim lại hót lời thiên thu ấy

Thuở rừng Sala, đức Ca Diếp ngồi thiền

Trái tim từ bi và nụ cười bất tuyệt

Tưới mát tâm cầm-thú-trời-người

 

Rồi chim bay – chim trời đâu hò hẹn

Không đợi vỗ tay

Chẳng hỏi cát-sê

Ôi, trong vắt làm sao tâm thiên sứ

Chú chim đồi vô sự của tôi!

[ CHIỀU BÊN ĐỒI CÙNG THIÊN SỨ ]

 

 

 

Bà cụ già sụp xuống chân người lính đang bật lửa

đốt nhà mình

Bức tượng Quan Âm sạt mất đầu, tay còn chắp

Lửa táp vào bình cam lồ Phật Bà khum người che chắn

Lửa bén vào kệ sách

Bìa kịch King Lear và Truyện Kiều bốc khói

Những vần thơ thiên tài bắt đầu nức nở

Ôi, Tố Như!

Ôi, Shakespeare!

Nhớ thế gian, xin chớ dại quay về…

[ ÁM ẢNH ]

 

 

Ta gõ cửa và cửa im không mở

Từ sơ nguyên nhẫn nhục tới bây giờ

Rồi một thuở ngẩng đầu kiến Phật

Cửa hóa ra chưa từng đóng bao giờ

[ ĐÓNG VÀ MỞ ]

 

Buông chèo rồi

Bận tâm chi thuyền trôi hay dừng lại

Sắc xanh sắc đỏ chuyện đôi bờ

Có lời chi hay chẳng có lời chi

Là gió trời hay tâm người móng động

Ta không trôi

Cứ mặt thuyền trôi…

[ BUÔNG ]

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                                                    

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Comments are closed.