Bản thảo (kỳ 4)

Nguyễn Đức Tùng

20. Con chó nhỏ của tôi

Con chó nhỏ của tôi

Uống nước trà xanh trong suối

Nó uống mãi

Khi chúng tôi dừng xe lại bên đường

Đó là nước

Làm bằng những chiếc lá rơi

Chết từ nhiều năm trước

Sẫm lại, bốc mùi, nó cúi xuống

Như khi bạn cúi xuống

Một tách trà thơm bốc khói

Sau lưng người chủ nhà vô hình

Tiếng ấm nước réo sôi

 

21. Người Việt hiện nay quan tâm quá nhiều đến hạnh phúc.

Làm sao để sống hạnh phúc. Làm sao để sống lâu? Những câu hỏi như thế tất nhiên sẽ dẫn tới những câu hỏi khác:

Làm sao để có tiền? Làm sao để phát triển?  Làm sao để lợp tôn tất cả các mái nhà tranh, và sau một thời gian biến chúng thành bụi đỏ? Làm sao để xóa sạch các lũy tre và biến chúng thành hàng rào kẽm gai để chuẩn bị bán cho đất quy hoạch ở miền Tây như bạn K. G. kể cho tôi nghe? Làm sao để ăn rau muống mà không cần phải trồng? Làm sao để có ba cái LV?

Tóm lại, làm sao để sướng.

Tôi cũng thích sống hạnh phúc. Nhưng tôi không biết hạnh phúc để làm gì. Tôi chưa hình dung ra.

 

22. Tôi sinh ra sau hiệp định Geneve:

Những năm ấy chúng ta còn hòa bình, miền Nam lẫn miền Bắc.

Chỉ cần có hoà bình là người Việt đã hạnh phúc. Những năm sáu mươi, họ sống chất phác, có cần gì nhiều đâu?

Miền Nam gần với Phan Châu Trinh, miền Bắc gần với Phan Bội Châu. Đời sống của tôi đẹp như dòng sông lam chảy xuyên qua giữa một bên là thị xã và một bên rừng dương liễu, dòng sông buổi chiều tôi tắm, nằm ngửa ngước nhìn dãy Trường Sơn xanh sẫm như huyền thoại của cuộc kháng chiến mà ba tôi từ bỏ ngay khi nó kết thúc thành công, coi như xong một bổn phận, thản nhiên về quê làm ruộng và dạy học, và ánh đèn nhấp nháy xanh đỏ của đời sống bây giờ, tồn tại bây giờ, ánh sáng của hôm nay, rực rỡ, tự tin.

Today I saw the word written on the poplar leaves

Hôm nay tôi nhìn thấy một chữ được viết trên lá dương

Sự chú ý của Ronald Johnson sinh ra một chữ, một chữ trên những chiếc lá, sinh ra những chiếc lá. Nhà thơ thức giấc, nhìn thấy, đã chú ý, và quà tặng của sự chú ý làm kinh ngạc chính tác giả.

Thơ là sự chú ý toàn tâm. Khi chúng ta làm thế, thơ lập tức sinh ra như một sự vật được chiếu sáng. Sự vui thú của thơ ca xuất hiện trong quá trình tập trung, tìm cách mô tả, trong khoảnh khắc của phát hiện. Niềm tin của con người vào sự tinh khiết, vào thanh bình, vào cõi tự do tự nhiên vốn có trong thiên nhiên và trong xã hội.

Nỗi tự do tự nhiên ấy, miền Nam, lúc tôi sinh ra, đã có. Nhưng nó không phải của riêng miền Nam, nó là của cả dân tộc, không phân biệt Bắc Nam. Nó có thể bị che khuất, nhưng không thể bị cướp đoạt.

Một đứa bé chạy nhanh quá

Ra khỏi cái bóng của nó

Tôi viết hai câu thơ ấy khi nhìn thấy một đứa bé chạy trên đường gần cái hồ ở Florence. Nó chạy rất nhanh nhưng lại thong thả. Đứa bé khoảng mười tuổi. Đó là buổi chiều, nắng xế, buồn, tôi đứng im nhìn đứa bé, ngưỡng mộ vẻ đẹp của nó. Nó đánh hai tay đều, co duỗi đúng phương pháp, các gót chân và đầu mũi giày chạm đất đều đặn và gọn gàng. Đứa bé chạy xuyên qua những mảng sáng và tối, hệt như nó vừa ra khỏi chính cơ thể của nó, và đôi khi cơ thể của nó cũng ra khỏi cái bóng của nó, do hiệu ứng sáng tối. Tôi viết bài thơ khi nghĩ về tự do của tuổi trẻ chúng tôi. Những đứa trẻ hôm nay xứng đáng được sống như thế, như tôi đã. Tôi nghĩ, trên đất nước mình, chúng sẽ.

 

23. Tại sao chúng ta viết?

Tôi thích câu này hơn: why we walk?

Tại sao chúng ta đi bộ?

Tôi đọc đi đọc lại, biết là mình thích nó. Tôi nhận ra ba phụ âm của ba chữ ấy, w.w.w, chúng lặp lại, tạo ra một âm thanh vui sướng. Chúng ta đọc lại: why we walk?

Nó gần với thơ. Vui sướng làm chúng ta cao cả lên. Người hạnh phúc thường rộng rãi với người khác, đâm dễ tính, dễ tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Người trúng số độc đắc đều như vậy cả: họ đứng cao hơn mình một tấc. Điều ấy không đúng trong lịch sử Việt Nam. Nỗi buồn làm người ta trở nên sâu sắc. Đừng chống lại nỗi buồn. Khi bạn chống lại nó, bạn rơi vào tình huống quẫn bách. Bạn càng cố thoát ra, càng dính vào cái lưới của nó. Tôi tập sống với nỗi buồn, chấp nhận nó, để cho nó đẩy mình xuống tận đáy. Để cho dòng nước tối kia đẩy tôi đi. Tôi chấp nhận nó. Tôi trở thành chính nó. Nỗi buồn làm tôi đau đớn, khổ sở, mất phương hướng, ngực tôi đau nhói. Cho đến lúc nó làm tôi thay đổi.

Nỗi nhớ cũng thế. Nỗi tiếc thương cũng thế. Sự thất bại cũng thế. Sự thất vọng cũng thế.

Đặc biệt là sự thất vọng: tôi thất vọng về người khác, những người mà tôi yêu quý nhất, tôi thất vọng về tôi, kẻ mà có lúc tôi đã yêu quý nhất trên đời. Tôi không chống lại chúng. Tôi lắng nghe và trở thành một với nỗi buồn, lòng tưởng nhớ, sự phẫn nộ, cái thất vọng, buông tay ra để làm mới lại. Làm mới lại tư tưởng của tôi.

 

24. Lịch sử của một nền thơ là lịch sử của các bài thơ.

Tình già của Phan Khôi

Con hổ nhớ rừng của Thế Lữ

Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử

Hai sắc hoa ti gôn của TTKH

Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng

Màu tím hoa sim của Hữu Loan

Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm

Đất nước của Nguyễn Đình Thi

Nhất định thắng của Trần Dần

Áo lụa Hà Đông của Nguyên Sa

Các vị la hán chùa Tây phương của Huy Cận

Chiều trên phá Tam Giang của Tô Thùy Yên

Đêm nhớ trăng Sài Gòn của Du Tử Lê

Howl của Allen Ginsberg

Life studies của Robert Lowell

Crow của Ted Hughes

Daddy của Sylvia Plath

Dien cai dau của Komuyankaa

 

25. Tại sao viết, là một câu hỏi trở đi trở lại tôi không bỏ rơi được. Tôi viết là để chứng minh một điều gì. Chứng minh một điều gì chỉ xảy ra khi tôi phát hiện một điều gì. Tôi phát hiện cho tôi và tôi chứng minh cho tôi. Tôi buộc tôi phải suy nghĩ, và càng suy nghĩ tôi càng xúc động về những điều tôi nghĩ tới. Nỗi xúc động gồm có: yêu thương, căm giận, an ủi, đau xót, buồn rầu, hồi phục. Cái viết của tôi càng riêng tư tôi càng không muốn chia sẻ với ai, thế mà lạ lùng thay khi tôi đủ can đảm để chia sẻ tôi bỗng thấy một người từ xa tiến lại, đặt tay lên vai và bảo: mi viết được quá, tau cũng nghĩ như mi rứa, nhưng không rảnh để viết. Tôi viết vì buồn chán. Tất cả những điều mà tôi có thể có hôm nay tôi đã có. Tôi đói và đã được ăn. Tôi khát và đã được uống. Cà phê, rượu, nước lã. Tôi thèm ngủ và đã có một cái giường để ngủ. Tôi thích coi phim và tôi đã coi phim xong. Tôi yêu một cô gái và tôi đã cưới cô ta rồi (kèm những lời cằn nhằn mà tất nhiên hôn nhân nào cũng ph ải có). Tôi muốn đi nghỉ hè ở biển và tôi đã đi. Sau tất cả những thứ ấy, tôi trở về, đặt va li xuống sàn nhà, ngồi dựa lưng vào vách. Nhìn quanh, tôi tự hỏi:

– Chỉ có thế thôi sao?

– Thế bạn còn đòi gì nữa?

– Tôi có dám đòi hỏi gì đâu. Tôi chỉ thấy hơi thiếu.

Thế rồi tôi nhận ra rằng cuộc sống ban cho tôi một thứ, tất cả mọi người đều có, người dùng tới, người không dùng tới. Đó là sự tưởng tượng.

Văn chương là kết quả của sự tưởng tượng. Sự tưởng tượng ấy làm cho người ta vượt qua sự sao chép báo chí và lịch sử, tạo ra một thế giới khác, một hiện thực như chúng ta muốn, xấu hay đẹp.

Ngày trước văn chương thường được hiểu là cái hay cái đẹp, không phải chỉ vì lối văn, các chữ, các hình ảnh, mà vì cốt tủy của văn chương là mang lại cảm giác hy vọng của con người. Ngay cả khi các happy ending phải kết thúc từ lâu thì tác giả vẫn dụng tâm đưa người đọc về phía ánh sáng, về phía hy vọng, ngay cả trong những câu chuyện buồn nhất của họ. Thơ nào cũng buồn, nhưng chúng đều mang lại một điều gì khác nữa: sự thương xót, lòng tiếc nuối, sự ca ngợi đối với tình yêu và cái đẹp.

Bây giờ thì không.

Văn chương đương đại mở tung các khả năng và ngày càng đi sâu vào những cửa ngõ đen tối, rùng rợn, bí hiểm, bộc lộ cái ác một cách thản nhiên, bắt người đọc phải chịu đựng. Sự khổ sở tinh thần là món quà mà văn chương đương đại mang tới cho người đọc.

Có người thích, có người không.

Phê bình văn học không theo kịp sự khốn cùng ấy.

Văn chương đương đại sẽ bế tắc, nhưng bây giờ thì chưa.

 

26. Tại sao không viết?

Tôi biết có nhiều bạn trẻ đọc sâu, nhận xét tinh tế, có nhiều suy nghĩ về con người và xã hội hôm nay, về đất nước, làm bạn kinh ngạc. Nhưng họ không viết. Câu hỏi là, tại sao người ta không viết? Sâu xa trong tiềm thức, sự trì hoãn bao giờ cũng có hai nguyên nhân: một là không nhìn thấy khả năng của chính họ. Và điều quan trọng hơn, họ nghĩ rằng đã viết thì phải viết một tác phẩm xuất sắc.

Tôi nghĩ khác. Tôi không viết cho ai cả, tôi viết để phát hiện cho chính tôi, bất kể người khác có yêu thích hay không, có cho cái viết của tôi là thành công hay không, và bạn thản nhiên viết xuống, hay dở cũng viết. Và quả nhiên khi bạn đưa cho người khác đọc, hầu hết đều lắc đầu. Thơ không ra thơ văn chẳng ra văn. Bạn buồn rầu, thất vọng, tất nhiên. Rồi lủi thủi ra về. Đêm lại chong đèn cặm cụi viết.

Mà cũng chẳng để làm gì. Tiền bạc, không; địa vị, không. Thế rồi bỗng một hôm có người nhắn tin: anh ta rất thích mấy trang viết của bạn.

Độc giả quan trọng lắm: một vài người thôi làm nên ý nghĩa của công việc.

 

27. Hãy viết như bạn sẽ không bao giờ được ai đọc.

(Còn tiếp)

Comments are closed.