Cặn bã xã hội (1)

Lý Xuân Hải

Dành cho người trên 30 (11)

 

1.

Chuyển đến nơi tạm giam mới.

Cửa sắt dập rầm tức ngực. Khóa sập chát chúa đặc trưng.

Buồng giam rộng khoảng 8-9m2.

Tối mờ. Âm u. Nhờn nhợn.

Ngập hơi người, hơi nhà vệ sinh, hơi bê-tông lưu cữu.

Không khí hôi hám, đặc quánh.

Mùi chất thải, mùi ẩm mốc, mùi tanh tưởi… Mùi tù.

Nóng. Không chút gió. Ngột ngạt. Bí thở. Ngộp. Im lặng.

4 tấm thân trần trụi bóng nhẫy mồ hôi nằm ngồi lộn xộn chỉ mỗi quần đùi. 4 chiếc đầu trọc lốc. 4 cặp mắt thô lố trắng dã gườm gườm dò xét.

Tôi thứ 5. Đứng ép tường… thủ thế xa… mở lời:

“Chào anh em!”

Bớt căng. Mắt bớt gườm… bắt đầu “cung”.

“Cung” xong tôi được mọi người gọi là anh… Vì nhiều tuổi đời, tuổi tù cũng khá cao, là tù dạt (tù xa nhà), bị hạn chế tắc (tiếp tế), lại từ nơi ép về.

Tôi bảo:

“Tôi tương lai mù mịt, quá khứ nằm ngoài cửa sắt, cùng cảnh tù đày như nhau, dù sống cùng anh em 1 ngày cũng muốn làm bạn cùng anh em 1 ngày”.

Không khí dãn ra hơn.

Làm quen giới thiệu tên: Dương Ngô Thắng (Bắc Ninh), Lê Văn Đô biệt danh Ri-Van-Đô vì mê Rivaldo (Nam Định), Phong (Hải Dương), Nhân (Bắc Ninh).

Ăn miếng thịt nhớ đời.

Tối, chuẩn bị ngủ Thắng bảo:

– Hiện 3 người nằm trên còn em nằm chỗ lối đi. Chỉ còn chỗ trống duy nhất cạnh bồn cầu.

Tôi:

– Theo luật anh nằm đó. Anh từng ở chỗ tệ hơn.

Thắng:

– Thôi! Anh lên trên, Đô ra chỗ em, em ra đó. Hai đứa em hai năm nữa về rồi nên nằm đâu cũng được.

Tôi:

– Ồ may thế! Hai năm là án mắc màn. Ơ… Nhưng sao biết 2 năm khi chưa xử?

Thắng:

– Chưa xử nhưng biết trước chắc chắn hai năm nữa bọn em về. Về bằng xe.

Tôi:

– Tức là sao… xe gì?

Ri-Van-Đô:

– Vâng… hai năm nữa bọn em lên xe rồi sau đó về nhà theo làn khói hương. Anh không tin à? Đọc đi!

Rồi đưa 2 bản Cáo trạng.

Án ma tuý. Đô đầu vụ… nhiều ngàn viên thuốc đá. Thắng thứ 3-4 vụ nhiều trăm bánh heroin, nhiều ngàn hồng phiến, lại trọng điểm vì nhiều tình tiết tăng nặng, định mức 5-6 án kịch khung. Cả trăm lần vượt mức tối thiểu của án tử. Hai năm là thời gian trung bình để chờ thi hành.

Thắng bảo tôi:

– Nghe anh kể chắc án lâu tù dài rồi. Nhưng còn cơ hội về bằng hai chân. Anh giữ sức khỏe còn về sống với gia đình vợ con. Bọn em vài năm nữa cũng lên xe. Khoẻ cũng chẳng để làm gì. Nên anh nằm chỗ khô ráo thoáng này giữ sức. Em ra chỗ kia nằm.

Nó vác chiếu ra sát toilet… đơn giản không cho cãi.

Trời đã sắp đông nhưng trong buồng vẫn nóng, bí, không khí ngột ngạt như đặc lại không thở nổi… khi trong buồng toàn thanh niên to khỏe. Cơ thể tôi phát ban. Ri-Van-Đô cầm sợi chỉ tơ giơ lên: sợi chỉ đứng yên vì không khí không chút chuyển động. Nó cầm lò dò khắp góc rồi nằm ẹp sát khe cửa chỗ bản lề reo lên: “Chỗ này có chút gió! Nhìn sợi chỉ bay bay này. Anh ra đây ghé mũi vào lấy chút không khí mà thở”.

Nó nhường tôi chỗ béo bở ấy nhẹ nhàng như không.

Có những đêm khuya giật mình tỉnh giấc vì nghe hai đứa rầm rì nói chuyện: “Mày có sợ bị chết không!”.

Còn nhiều ngày đêm tâm sự với nhau về cuộc sống, gia đình, trải nghiệm, Triết học, quan điểm sống, về mục đích cuộc sống, tranh cãi, đánh nhau, bắt tay giảng hoà. Chia sẻ hoàn cảnh sống và những ngã rẽ cuộc đời. Phần nào hiểu vì sao anh em đi vào con đường kinh doanh ấy và vì sao không bước chân ra được.

Nơi ấy, 8/2013 bị cắt nước sinh hoạt cả ngày… kêu ầm ĩ, được phản hồi: “Bọn chúng mày là tù, là cặn bã xã hội, tuổi gì mà đòi có nước!”. Hiểu!

2.

Thắng và Đô. Hai người bạn tù khốn khổ của tôi.

Hai con người ấy nhận thức được điều họ đã làm, chấp nhận sự trừng phạt của pháp luật vì tội lỗi họ đem lại cho nhiều người và cho xã hội, dám làm dám chịu trả giá.

Cái giá ấy đo bằng mức độ khắc nghiệt bản án ban hành.

Pháp luật ở đâu chắc cũng xử như vậy.

Với nhiều người hai bạn ấy chết đi không gợi một chút xót xa. Họ còn mong hai bạn ấy bị trừng phạt mức nặng nhất.

Tôi hiểu cảm xúc ấy.

Nhưng không chia sẻ.

Với tôi, dù cũng cùng là “cặn bã xã hội”, từ góc độ ân oán họ là ân nhân, từ góc nhìn con người là nhân cách, từ cách ứng xử là tấm gương.

Tôi cầu mong để hai bạn của tôi được giảm nhẹ hình phạt, được tha chết để sống mà có cơ hội làm lại cuộc đời nhằm sửa lại những gì cần sửa, đòi những gì bị lấy và chăm những ai cần chăm.

Tôi biết ơn, trân trọng nghĩa tình và bài học đối nhân xử thế hai bạn Đô và Thắng dành cho tôi.

Khi đối mặt với cái chết, khi bản ngã trở nên trần trụi phơi lộ tư cách và tố chất, Đô và Thắng đã hành xử với tôi đầy nhân văn. Nhân văn nhiều hơn bao người suốt ngày ngồi trên vinh quang gân cổ dạy đạo đức, làm phúc bằng tiền người khác, dạy cách sống đẹp nhưng gặp chút khổ cực đói khát là gãy gục ý chí, mất sạch tư cách và không chút đạo đức.

Tư chất trượng phu nghĩa hiệp hơn vạn kẻ phùng mang trợn mắt khoe khoang tiền bạc, phô trương sức mạnh quan hệ quyền lực rồi cụp mắt chạy mất dép khi người chúng mang ơn ngã ngựa, còn đạp lên họ để xây dựng quan hệ mới.

Tử tế và đáng được gọi là người hơn khối kẻ để mưu lợi hay thoả mãn tham vọng bệnh hoạn cá nhân sẵn sàng vùi dập số phận người khác, đè đầu những người yếu thế, đạp lên mạng sống những người khốn khổ… những người đã nuôi sống chúng.

Đến chó dữ cũng không cắn người nuôi nó hay nó mang ơn. Nếu cắn thì chỉ là con chó dại thôi.

3.

Đúng ngày này 11 năm trước.

“Bắt nó! Nó là đầu mối tìm ra tội thằng Kia”. Thế là trở thành tù.

Cuộc hẹn ăn tối 4 năm 158 ngày sau mới thành.

Sau 3 ngày mọi thứ rõ. Biết sẽ rất khó khăn.

Ngồi nhắm mắt thiền 30’, tôi đưa mình vào tình trạng như hồn lìa khỏi xác. Trạng thái thiền phiêu diêu là quá trình gột rửa tích cực sạch khỏi bộ nhớ não tất cả những gì đã từng có trước đó, bao gồm cả quá khứ lẫn gia đình và quan hệ xã hội. Chúng trở thành ảo ảnh, là giấc mơ, là kiếp trước… chuẩn bị được sinh ra và học sống cuộc sống mới… Một con người mới sinh ra không vướng bận quá khứ, gia đình và mọi tham sân si của người tự do.

Quá trình quay về thực tại… Tôi mới sinh ra đời.

Đầu trống không ký ức… mở mắt quan sát xung quanh.

Sẵn sàng đón nhận hết! Bao gồm cái chết vật lý.

Cuộc sống mới, thách thức mới, mục tiêu mới… mới hết!

Tôi xưa nay làm có thể kém nhưng học thường giỏi.

Tôi học sống trong tù từ phút đầu bước chân vào.

Thầy giáo là các bạn tù, nhất là đám tù già.

Tôi hỏi họ những câu chưa ai hỏi bao giờ: Làm sao tồn tại và sống sót? Ứng xử nhau làm sao? Tù đánh nhau kiểu gì và vì sao? Tù giết nhau kiểu gì? Luật tù như thế nào? Ai, tra tấn tù thế nào? Tố chất nào cần nhất?

Để được nghe những bài giảng, hướng dẫn kỹ năng sống, câu trả lời bất ngờ độc nhất vô nhị từ những người bạn, những ông thầy từ 19 tuổi đến 50 tuổi.

Tôi so sánh đối chiếu để xây dựng bộ nguyên tắc cho mình.

Duy 1 chuyện tôi không hỏi mà chỉ tự theo dõi: Tù có mấy loại người? Sống với từng loại ra sao?

Mới té ra quan hệ con người trong tù chả khác quái gì ngoài đời hết.

“Cặn bã xã hội” hay “Thượng lưu xã hội”… thế cả. Đại ca và tiểu nhân, trượng phu và hèn nhát, quyền lực và dân đen, trí tuệ và bảo thủ, cơ bắp và mưu lược, tiền bạc và nghèo khó, nương tựa và bóc lột, tình thân và lừa đảo, tội ác và trừng phạt, mạnh mẽ và yếu mềm, tình yêu và căm thù, ích kỷ và rộng lượng, chia sẻ và hẹp hòi, tình người và cầm thú…cũng là xã hội thu nhỏ… đủ cả. Hệt như xã hội bên ngoài.

Điều kiện sống nói chung được. Được như loài thú vật. Có lúc hơn có lúc kém. Biết sống là sống vui.

Trong tù hay ngoài đời đều là xã hội… thế cả.

Sướng khổ con người chỉ là suy nghĩ trong đầu người. Con thú cũng có hạnh phúc của loài thú, biết ai sướng hơn ai, miễn có kỹ năng sinh tồn là sướng.

Ứng xử cũng vậy thôi. Con người cũng chừng ấy loại. Nhận biết chất người trong tù còn dễ hơn ngoài đời.

Bản chất Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội (K. Marx).

Mà quan hệ xã hội ngày càng hai mặt, đa chiều.

Rất khó đánh giá con người khi mặt nạ cuộc sống xã hội ngày càng dày, điều kiện và phương tiện “làm hàng” ngày càng nhiều. Nhìn lên mạng xã hội thì biết.

Còn trong phòng giam 8-9m2 với 4-5 mạng người, thiếu thốn, va chạm liên tục, mọi mặt nạ rơi ra hết. Ai đeo nổi mặt nạ 24 giờ/ngày, 30 ngày/tháng, 12 tháng/năm cơ chứ!

Mới có cơ hội nhìn vào mình, vào con người thật sâu và nhờ đó thay đổi cách đánh giá con người để có những người quen mới, bạn mới, thầy mới vô cùng thú vị.

Thật thú vị khi tôi được có tới hai cuộc đời.

Cuộc đời mới với tôi, may mắn thay, màu sắc ấn tượng hơn, tâm tưởng chính niệm hơn, cảm xúc sắc hơn… so với cuộc sống trước đó. Nhờ có cuộc đời này tôi đã Ngộ được trên da thịt mình Buông Xả, Yêu thương, Chính Niệm – khác xa mấy thứ buông xả, “năng lượng tích cực” rác rưởi người ta tuyên truyền ở trên mạng.

Cuộc đời mới giàu hơn, vui hơn, ý nghĩa hơn hẳn. Cảm nhận về con người, về xã hội, về mục đích cuộc sống… dữ dội hơn, rõ nét hơn, bản năng hơn và chất lượng hơn nhiều. Nhất là nhìn nhận con người.

Mấy trải nghiệm tù bản thân trong ứng xử với người:

a. Trong mỗi con người có phần thiện phần ác, phần con phần người, phần niềm tin phần kiến thức. Các phần ấy được điều khiển bởi các giá trị cốt lõi cá nhân.

Giá trị cốt lõi mỗi người là tố chất và tư cách của họ, cá thể hóa và đặc thù như ADN.

Có thể giết, có thể làm nhục, có thể thay đổi hoàn toàn bộ dạng một con người nhưng không thể thay đổi tố chất, tư cách người ấy khi qua tuổi 32.

b. Không nên đánh giá con người hay chó từ vẻ ngoài, từ cái nhìn đầu tiên.

Nhiều con chó hoang bẩn thỉu có một tâm hồn cao đẹp hơn người, lắm kẻ bộ cao dạng sang lại có tâm địa vô cùng chó má!

Có kẻ tuy tội phạm nhưng có những tố chất, tư cách đáng được tôn trọng. Khối kẻ giàu sang chức trọng có tố chất và tư cách giẻ rách đáng khinh bỉ.

c. Có thể kéo một người ra khỏi đống phân nhưng không thể hút hết phân ra khỏi một tâm địa thối rữa.

d. Người hay ho không phải là người cái gì cũng hay cũng giỏi mà là người có điểm ta thấy thú vị.

e. Nếu cố tìm kiếm xung quanh ai có thể làm bạn, làm thầy dạy cho ta… sẽ thấy số lượng rất ít. Nhưng nếu trải lòng làm bạn, mở tâm làm học trò tất cả thì sẽ có rất nhiều bạn tốt thầy hay.

f. Khi thành một phần đám đông, con người như mất não, mất tư duy lành mạnh. Đám đông thành con thú đầy cơ bắp không có não… dễ dẫn dắt để đập phá.

Nhiều người muốn làm não đám đông để lợi dụng cơ bắp nó và tạo cái gọi là dư luận xã hội, dùng đám đông gây sức ép nhằm thao túng tâm lý.

Dư luận là điếm thối nhất trong các thể loại điếm.

Chớ để “dư luận” thối điều khiển ý chí tâm lý, đừng để lời dèm pha sau lưng định hướng tư duy.

Ngẫm lại cho cùng đám nói sau lưng ta cũng chỉ xứng đáng đàm thoại với cái mông đít của ta thôi./.

20/08/2023

Nguồn: FB Lý Xuân Hải

Comments are closed.