Đất mồ côi

Tạ Duy Anh

Theo lời mẹ tôi kể thì đáng lẽ tôi đã chết khi mới ba tháng tuổi. Trên đường đem tôi về nhà sau khi bệnh viện huyện trả lại, bà nội và mẹ đã “vứt” tôi dưới gốc cây đa giữa đồng. Sau này cả bà nội và mẹ đều tin rằng, vào đúng lúc ấy có vị Bồ Tát nào đó vãng du và đã thương xót một sinh linh khốn khổ có thể phải rời trần gian quá sớm mà cho tôi tiếp tục được sống làm người!

Hồi bé và cả khi đã lớn, mỗi khi đau ốm khiến tôi kêu ca, mẹ thường động viên theo cách của bà khi bảo: “Con sống thêm được ngày nào là lãi ngày ấy rồi!”

Trong mỗi đời người, khi qua đủ một Hoa giáp (60 năm), luôn là cái mốc kỳ diệu. Bởi sau đó bắt đầu một chu trình hoàn toàn mới. Với tôi thì cái mốc đó càng vô cùng quan trọng. Và tôi dự định sẽ tặng cho chính mình một món quà bằng cách in một cuốn sách.

Trong 5 bản thảo đã hoàn chỉnh, đều có thể đưa thẳng xuống nhà in bao gồm một tự truyện, một hồi kí, hai tiểu thuyết và một tập truyện ngắn, tôi quyết định chọn ĐẤT MỒ CÔI. Nó là cuốn sách tôi triền miên nghĩ nhiều nhất, viết cực nhọc nhất (chỉ riêng mấy chục trang cuối tôi đã phải xóa đi viết lại không dưới 30 lần). Nó ra đời (và phải ra đời) không nhằm cầu danh (cầu lợi thì chắc chắn không rồi), mà là cách để tôi báo đáp trời đất, trả nợ tổ tiên đã cho mình sống, đã bao dung, che chở phù hộ độ trì và tha thứ cho mọi lỗi lầm làm người của mình.

Và nó, cuốn sách kỉ niệm đó, dứt khoát phải khai sinh tại Nhà xuất bản Hội nhà văn, nơi tôi có những năm tháng đẹp đẽ với văn chương. Bằng trải nghiệm, tôi nhận ra nơi đó cũng là mảnh đất tốt cho mọi ý tưởng sáng tạo. Nó sẽ càng hoàn hảo hơn, khi người kí duyệt in là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, cùng với bức chân dung ông đã vẽ tôi qua trí nhớ.

Nguyễn Quang Thiều là người không chỉ đam mê sáng tạo, nhiều năng lượng sáng tạo, mà còn luôn đau đáu về sự phát triển của nền văn học nước nhà. Ông thể hiện điều đó bằng nhiều cách, trong đó có việc chăm chút nâng đỡ những người viết trẻ, thậm chí từ lúc họ còn là trẻ con. Với nhiều cây bút quan trọng của nền văn học Việt (gồm cả những nhà văn đang sống ở nước ngoài), ông luôn có cách đối đãi riêng. Ông không ngừng “sưu tầm” họ! Chính ông khích lệ nhà văn Bảo Ninh hoàn thành cuốn tiểu thuyết Đường về, với lời đặt hàng không thể cảm động hơn. Để Bảo Ninh hết đường lùi, ông tìm mọi cách in chương đầu tiên của cuốn tiểu thuyết đó trên Viết & Đọc.

Bằng mối quan hệ đầy trọng thị nhau giữa chúng tôi, với tính cách mạnh mẽ có thể nói là hùng tâm tráng chí, với sự cầu thị thường trực những tác phẩm văn học nghiêm túc và với vị thế trách nhiệm hiện nay, chỉ cần biết ĐẤT MỒ CÔI là tác phẩm quan trọng của tôi, ông sẽ lập tức kí duyệt để nó ra đời thuận lợi. Nhưng chính sự ưu ái biết trước đó lại khiến tôi cảm thấy bị áp lực nặng nề. Vì thế, khi trao bản thảo ĐẤT MỒ CÔI cho đối tác, tôi yêu cầu họ giữ hoàn toàn bí mật về tác giả, để cuốn sách ra đời theo quy trình bình thường, như mọi bản thảo khác. Cho đến khi cuốn sách chính thức lên sạp, không một ai ở Nhà xuất bản biết tôi là tác giả của ĐẤT MỒ CÔI.

Đôi khi tôi có chút băn khoăn rằng hình như mình đang làm điều không phải với những người yêu quý mình (chẳng hạn một vài người đặc biệt thân thiết hoàn toàn chính đáng khi trách tôi đã khách khí với họ). Giờ thì mọi sự đã an bài, tôi chả biết phải nói gì với họ và có lẽ nói gì cũng không còn cần thiết nữa, vì vậy tôi xin được họ thứ lỗi.

Để không ai phải suy đoán, tôi xin nói ngay về cái bút danh CỔ VIÊN. Nó được ghép lại từ tên làng bên nội CỔ HIỀN và làng bên ngoại ĐÀO VIÊN của tôi. Tôi đã mong muốn một lần bắt chước Nam Cao làm điều này từ lâu, như để bày tỏ lòng thành kính với các đấng sinh thành và đây là cơ hội không thể tốt hơn.

Tôi không thể làm được gì nếu không có sự phù trợ của các đấng thánh thần mà tôi hằng tin.

Xin cảm ơn nhà xuất bản Hội nhà văn đã cho tôi cơ hội xuất bản cuốn sách này.

Không lời cảm tạ chân thành nào của tôi đủ để thể hiện lòng tri ân Giám đốc-Tổng biên tập, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, cùng với biên tập viên Đào Quốc Minh.

Cảm ơn Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, đã thêm một lần nữa cho tôi cảm nhận hoàn hảo về cách ứng xử đầy tinh thần thượng tôn SÁCH.

Cảm ơn biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, người luôn cho tôi sự yên tâm tuyệt đối về khả năng thẩm định tinh tế, sâu sắc.

Cảm ơn Họa sỹ Doãng Hoàng Kiên và nhóm thiết kế mỹ thuật của Công ty Nhã Nam, về tính chuyên nghiệp và sự thấu hiểu.

Cảm ơn linh mục Trần Minh Thực đã cung cấp cho tôi Lời Chúa nguyên bản tiếng Latin cổ.

Cảm ơn hai cháu Lê Quỳnh Anh và Lê Hương Thảo, bằng đức tin thánh thiện của những CHIÊN NGOAN, đã cầu nguyện cho sự ra đời suôn sẻ của cuốn sách.

Cảm ơn bạn đọc xa gần luôn cho tôi lý do và động lực mỗi lần ngồi xuống bàn viết.

Nguồn: FB Tạ Duy Anh

Comments are closed.