Nhà văn Vũ Thư Hiên ở Việt phủ Thành Chương

Nguyễn Thành Phong

Nhà văn Vũ Thư Hiên sinh năm 1933, năm nay vừa vào tuổi 90. Ông là một công dân Việt có số phận rất đặc biệt. Là con của một công thần chế độ, ngay từ nhỏ, ông đã được tiếp xúc với những lãnh đạo chủ chốt của cách mạng, rồi được sống ngay cạnh lãnh tụ cao nhất. Ông đã được ưu đãi, được cho đi học, được đào tạo để trở thành một văn nghệ sỹ của chế độ mới. Thế rồi, bất ngờ bị cuốn theo bi kịch của cha mình, ông bị hắt hủi, bị "đánh" tơi bời, bị bắt giam đằng đẵng tới chín năm, sau đó là sống lưu vong đến 30 năm qua nhiều quốc gia.

Với tư cách nhà văn, ông là một tài hoa, một văn cách bất khuất. Không có một nhà văn Việt nào trong thời đương đại có thể sánh được văn cách bất khuất so với ông.

Thế hệ chúng tôi đã say mê đọc tác phẩm "Bông hồng vàng" của Pautopxki qua bản dịch của Vũ Thư Hiên, một tác phẩm dịch thuật văn học đã trở thành khuôn mẫu của chuyển ngữ và sáng tạo của một bậc thầy ngôn ngữ chuyển dịch. Tác phẩm ký ức "Miền thơ ấu" của Vũ Thư Hiên được viết âm thầm trong những ngày bị giam cầm đã làm xao xuyến tâm hồn tất cả những người nào đã trải qua, đã đồng điệu với những năm tháng tuổi thơ gian khó và trong lành nơi những làng quê Bắc Bộ trước đây. Ông còn có rất nhiều truyện ngắn, chân dung bạn bè và những người đồng thời, đồng cảnh ngộ được viết với một bút pháp không thể nào có thể thực hơn được nữa, và vì thế nó đầy sức ám ảnh và gợi mở để người đọc nhận lấy ký ức của một thời chưa qua. Và đặc biệt, tác phẩm "Đêm giữa ban ngày" của ông, một tác phẩm thuộc loại "sống mà nhớ lấy, chết cũng phải viết ra", là kết quả của một hành trình bất khuất, được viết trong tình trạng luôn bị săn đuổi. Viết không phải để trút giận hay tố cáo, mà là để lại cho hậu thế những bài học đau đớn mà biết tìm lấy cách để tránh đi trên hành trình tiến tới tiến bộ xã hội.

"Đêm giữa ban ngày" của Vũ Thư Hiên cùng với "Chuyện kể năm 2000" của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, đã đứng cao hơn rất nhiều bi kịch cá nhân của mỗi tác giả để lý giải những trải nghiệm đau đớn, làm cho con người không còn sợ hãi trước những bi kịch, đưa đến những bài học để có thể không lặp lại, nếu muốn dân tộc Việt trở nên mạnh mẽ hơn, và trường tồn…

Vũ Thư Hiên và Bùi Ngọc Tấn là sức sống của văn học để lưu giữ những ký ức đầy đủ của dân tộc qua những thời đoạn sai lầm và gian khó. Cần phải biết nâng niu và quý trọng những tác phẩm như thế này thì chúng ta mới có thể hội tụ và mạnh mẽ hơn được.

Sau 30 năm lưu vong, sống tròn 90 năm giông bão, Vũ Thư Hiên bất ngờ trở lại cố quốc trong đón đợi, yêu mến và kính trọng của quê hương, bạn bè, người đọc, đồng nghiệp…

Vũ Thư Hiên đã trở lại quê nhà thơ ấu của mình, đã đến thắp hương tưởng nhớ người đàn anh, nhà thơ, nhạc sỹ Văn Cao, đến ngồi ở quán Cà phê Lâm xưa, thăm phố Nhà Rượu của ký ức…

Và mới đây nhất, ông lên thăm Việt Phủ Thành Chương. Ông lên đây với mấy lý do: Thắp hương ở góc tưởng niệm, nghe lại mấy đoạn lời thoại của người bạn văn vong niên Kim Lân. Nhà văn Kim Lân hơn Vũ Thư Hiên 13 tuổi nhưng rất trọng nể Vũ Thư Hiên, mặt khác, là người rất hiểu nông thôn, Vũ Thư Hiên lại tôn vinh Kim Lân là nhà văn viết hay nhất về nông thôn Việt của một thời xưa. Lý do nữa, là trong thời gian lưu vong, Vũ Thư Hiên vẫn trông về cố quốc và biết Việt Phủ Thành Chương là nơi lưu giữ được nhiều nhất, sống động nhất những giá trị của Văn hóa Việt.

326414754_492030923097734_5815116172769777158_n

Tác giả Nguyễn Thành Phong và nhà văn Vũ Thư Hiên

Đi thăm rồi ngồi lại trò chuyện ở giữa không gian Việt Phủ, Vũ Thư Hiên luôn luôn thốt ra từ "Vĩ đại, thật là vĩ đại"…

Một biểu tượng vĩ đại của sức sống văn học lưu giữ ký ức đã tôn vinh vĩ đại cho sức sống trường tồn của văn hóa Việt nơi Việt Phủ Thành Chương. Thật là đích đáng!

Tôi được có mặt trò chuyện tại đây, trước tiên chỉ mong nói được với nhà văn Vũ Thư Hiên một lời cảm ơn. Thật may mắn là tôi đã đọc những tác phẩm của ông, nên trong những ngày bất thường, sa vào cảnh ngộ giống như ông và nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã sa vào, tôi đã biết cách để không sợ hãi, vì thế mà đã không đánh mất nhân cách, vẫn nhìn thấy những con người trong tăm tối để vững tin vào mình. Thậm chí có lúc, tôi còn nhớ rất cụ thể từng tình huống lạ lùng trong các tác phẩm của các ông để so sánh nó với thực tại mình đang nếm trải hay là mang ra mà kể cho những người cùng cảnh ngộ nghe, như một câu chuyện tiêu khiển, làm cho đêm bớt dài đi…

Nghe vậy, nhà văn nhìn tôi, nắm lấy tay tôi, rồi cười hiền từ: "Thế ư! Thật là thú vị đấy chứ nhỉ!".

N.T.P

Nguồn: FB Nguyễn Thành Phong

Comments are closed.