Nhẹ nhàng, ông Tư Sâm đã lên đường…

(Rút từ facebook của Ngô Thị Kim Cúc)

 

Sáu rưỡi sáng, xe khởi hành từ Sài Gòn. Một ngày nắng vừa phải, trừ vài khoảnh khắc bỗng rơi rớt một quãng mưa bóng mây bất chợt…

Đường cao tốc vắng xe và những chuyện vui rôm rả khiến hành trình trở nên nhanh gọn hơn, để mọi người có mặt ở nhà ông Tư (ở Bến Tre, phường Phú Tân, ấp Thương phế binh, gần nhà máy nước…) tương đối sớm, đủ thì giờ chào hỏi, chuyện trò bè bạn, hầu hết là dân viết lách, hoạt động văn hóa văn nghệ… Các nhà văn quen tên vùng đồng bằng có mặt khá đông đủ. Khách từ Sài Gòn xuống chiếm số lượng lớn. Một vài khách đến từ Hà Nội. Bà con, chòm xóm đang quây quần, bận rộn, đúng không khí lễ tang của một bậc trưởng thượng… Huống chi người vừa ra đi là một ông già 92 tuổi, là một đầu dây nối kết khách muôn nơi với cái miền quê núm ruột của ông: nhà văn Trang Thế Hy, một gương mặt/tính cách Bến Tre/Nam bộ tiêu biểu.

Anh Võ Phạm Lê, con trai lớn của nhà văn cho biết, tối ngày 7/12 ông Tư vẫn uống các loại thuốc như bình thường dù thời gian sau này ông có mệt hơn. Ông không bệnh tật gì dù thể trạng vốn vẫn gầy ốm từ ngày còn trẻ, chỉ là tuổi già một như ngọn đèn cạn dầu, cứ ngày càng leo lét chờ tắt. Sau khi uống thuốc ông Tư đi ngủ, còn anh Lê về nhà riêng của mình. Vào giờ khuya, ông Tư có thức dậy đi tiểu rồi vào ngủ lại… Trong giấc ngủ này, ông đã “đi” luôn, không hề có biểu hiện đau đớn bất thường nào, như người con rể sống chung và là người thường xuyên chăm sóc cha vợ kể lại.

Vậy là ông Tư Sâm Trang Thế Hy đã lên đường, về một cõi thênh thang nào đó, ra khỏi cái cõi tạm có lẽ không vui gì lắm, như nó vẫn phản chiếu trong cặp mắt diệu vợi không-cần-nói-thành lời của ông. Hẳn là lòng ông Tư cũng nhẹ nhàng thanh thản như cách ông vẫn sống: ung dung điềm đạm, đơn giản mà hàm chứa vô vàn lời ẩn ngôn chỉ những người đồng điệu mới nghe mới cảm được…

Ngôi nhà mới được sửa sang năm ngoái của ông bên ngoài quây bạt, treo kín vòng hoa tang, cùng với một dãy những xe hai bánh bốn bánh, làm chộn rộn cả một quãng đường ngày thường vốn khép kín chẳng mấy người để ý. Bên trong là hàng trăm người cả khách lẫn người nhà: khách thì ngồi ở bàn uống trà ăn bánh, trò chuyện, người nhà thì bận bịu bếp núc cho bữa cơm trưa mời khách.

Lễ truy điệu nhà văn Trang Thế Hy diễn ra khá nhẹ nhàng, không có những thứ rườm rà chẳng cần thiết, như bản tính ông Tư vẫn vậy. Cuộc đời đẹp đẽ của ông đã được ghi nhận, cả tư cách công dân lẫn lao động nhà văn. Lần cuối cùng, ông Tư đã “tập hợp” những người thân lại, bởi có lẽ từ nay, ngôi nhà này sẽ vắng khách hơn, khi ông không còn nữa. Còn về lâu về dài, có thể nó sẽ là nhà lưu niệm cho một tên tuổi tiêu biểu trong văn chương Việt Nam.

Tuy nhiên, cho đến nay, nhà văn Trang Thế Hy vẫn chưa nhận được giải thưởng chính thống nào từ phía nhà nước (cả Giải thưởng Nhà Nước lẫn Giải thưởng Hồ Chí Minh), trừ giải “nhà văn nhân dân” mà người đọc và đồng nghiệp đã trân trọng trao cho ông từ rất lâu rồi.

Vì có người trong nhóm phải làm việc buổi chiều, chúng tôi đã quay về Sài Gòn, không có mặt để từ biệt ông Tư Sâm khi ông trở về với đất, trong vườn nhà, bên cạnh ngôi mộ người vợ (là em gái đạo diễn Phạm Khắc). Ngôi mộ ấy, khi còn khỏe, ông vẫn thường xuyên hái hoa dại mang đến cho bà như lời ông đã hứa với bà. Đó là những hoa cỏ, hoa mua, hoa dâm bụt, hoa chuối nước… quanh nhà, những màu sắc quê kiểng thầm lặng điểm trang cho cuộc đời không màng danh lợi, chỉ quý trọng nghĩa tình và biết giữ gìn cốt cách (trong mọi thời gian/hoàn cảnh) của ông Tư.

Xin hãy vui như ông đã từng vui: quanh ông chỉ có toàn những người yêu mến… Xin hãy nghe thêm lần nữa những bài nhạc cổ điển từ chiếc cát- xét cũ kỹ với những cuộn băng đã nhão nhưng là món quà cực quý mà ông chỉ bật lên cho những người ông ưu ái nhất vào những khoảnh khắc bộc bạch nhất trong cuộc đời buồn vui đều quan trọng bằng nhau của ông…

clip_image002

Thay mặt BBT Văn Việt tiễn nhà văn Trang Thế Hy là TS Hoàng Dũng Dzung Hoang, Kim Cúc Ngô Thị, nhà thơ Ý Nhi. Hai người còn lại là nhà văn Bùi Mai Hạnh (cộng tác viên, người thứ hai từ trái qua) và nhà văn trẻ Thi Ca (thân hữu, người cuối cùng từ trái qua).

clip_image004

Từng người một trong đoàn của Văn Việt thắp nhang và niệm hương.

clip_image008

Một bên hiên nhà, đông đầy khách văn nhân từ các nơi về. Thấy được các nhà văn Nguyễn Quốc Trung, Ngô Khắc Tài, Kim Ba (hàng đầu, từ trái qua).

clip_image010

Ban tổ chức và thân nhân nhà văn trong lễ truy điệu.

clip_image012

Đông đủ các thế hệ người thân của nhà văn.

clip_image014

Những khoảnh khắc không kiềm được cảm xúc… Người mặc vét tông đen là nhà văn Nguyễn Trí Huân.

clip_image016

Bên ngoài ngôi nhà của nhà văn Trang Thế Hy kín vòng hoa tang.

clip_image018

Cả một quãng đường chộn rộn hẳn lên…

Comments are closed.