CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (95): “VÀO ĐỜI” (16)

Tháng 8/1963: “Văn nghệ quân đội”, s. 8: Hồ Phương: Phải đấu tranh không khoan nhượng chống nội dung tư tưởng nguy hại của quyển truyện “Vào đời”

Một quyển truyện rất có hại

Hơn hai tháng nay, báo chí ta đã liên tục phê bình nghiêm khắc cuốn truyện “Vào đời” của Hà Minh Tuân. Cuộc đấu tranh phê bình này còn đang tiếp diễn. Không riêng các nhà văn nhà báo mà đông đảo người đọc ở nhiều nơi cũng đã và đang lên tiếng qua những bài phê bình và thư phản đối của họ gửi tới các tòa báo và nhà xuất bản Văn học.

Có thể nói đây là một trong những cuộc đấu tranh quan trọng trên mặt trận tư tưởng của chúng ta hiện nay. Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc đấu tranh này không phải đơn thuần về mặt nghệ thuật. Đây là một cuộc đấu tranh để bảo vệ chân lý và thành quả cách mạng, bảo về công cuộc xây dựng XHCN, giữ gìn sự trong sạch trong tư tưởng, tinh thần mỗi người chúng ta.

Không phải “Vào đời” quá dở về mặt văn chương hoặc vô tình phạm một vài sơ hở, lệch lạc nào đó nên đã làm người đọc không hài lòng. Không! Không phải như vậy. “Vào đời” là một cuốn truyện có nội dung tư tưởng rất xấu, rất có hại. Nhiều người đã nói: nếu “Vào đời” có chút đặc sắc nào đó về mặt hình thức nghệ thuật thì tầm nguy hại của nó có lẽ còn lớn hơn nhiều.

“Vào đời” đã đả kích vào hầu hết các mặt chủ yếu của đời sống cách mạng ở miền Bắc

Như những loạt đạn công khai của kẻ thù giai cấp, “Vào đời” ngang nhiên không úp mở tấn công thẳng vào rất nhiều dinh lũy chủ yếu của xã hội chúng ta.

Công cuộc cải cách ruộng [sẽ đánh máy tắt: CCRĐ] đất ở miền Bắc nước nhà đã tiêu diệt hoàn toàn giai cấp phong kiến, phá bỏ một gông cùm nặng nề từ nghìn năm kẹp chặt lấy cổ người nông dân và mang lại ruộng đất cho họ. Thắng lợi ấy thật rực rỡ và vĩ đại. Những sai lầm trong một số biện pháp tiến hành không thể nào che lấp những thắng lợi căn bản ấy. Vậy mà đọc “Vào đời” người ta chỉ thấy công cuộc CCRĐ như là một tai họa. Với một thái độ rất chua cay, căm tức, tác giả “Vào đời” đã luôn luôn nhấn mạnh thổi phồng những sai lầm trong lúc thực hiện CCRĐ, để đi tới một kết luận hết sức phi lý: những sai lầm trong CCRĐ đã là nguyên nhân chủ yếu xô đẩy cán bộ đến chỗ sa ngã, chống đối chế độ.

Chỉ cần có một đầu óc bình thường không phải thông minh sắc sảo lắm, người ta ai cũng đều có thể hiểu: nguyên nhân thúc đẩy một cán bộ trở nên hư hỏng rất phức tạp, không khi nào lại đơn giản chỉ có một, và không khi nào lại chính là những sai lầm trong CCRĐ.

Rõ ràng trong “Vào đời” tác giả đã cường điệu và xuyên tạc sự thật, đả kích vào công cuộc cách mạng ruộng đất, và cố nhiên đã đả kích một đòn mạnh mẽ vào những ai đã lãnh đạo tiến hành cuộc cách mạng to lớn và nhân đạo ấy. Dùng những hình ảnh lắp đi lắp lại, tác giả tỏ ra hết sức cay chua, muốn kích động lòng người đọc, nhen lên ngọn lửa căm hờn, chống đối (tuy vậy, trừ bọn điạ chủ, tư sản và các phần tử chống đối cách mạng khác, không một ai bị kích động cả; ngược lại người ta đều phẫn nộ khi thấy “Vào đời” đã toát ra những tư tưởng thù địch, độc ác).

Người ta nhận thấy có một lần, chỉ có một lần trong “Vào đời”, tác giả cho một nhân vật tốt nói một câu để bênh vực công cuộc CCRĐ và xác nhận thắng lợi của nó. Nhưng câu nói ấy mới nhạt nhẽo và gượng gạo làm sao! Người ta hiểu được rằng: thắng lợi của cuộc CCRĐ quá vĩ đại, vĩ đại đến nỗi tác giả dù rất cay chua, hằn học, cũng không thể làm lơ không nhìn thấy. Tác giả buộc phải nói tới thắng lợi của CCRĐ, nhưng nói một cách miễn cưỡng. Về căn bản, “Vào đời” vẫn toát lên một ý rất rõ ràng: CCRĐ đã tiến hành rất hỏng, hỏng là căn bản…

Đối với sự lãnh đạo của Đảng và hệ thống cán bộ lãnh đạo của Đảng, “Vào đời” không trực tiếp, công khai đả kích, nhưng đã thể hiện một cách rất tẻ nhạt, gượng gạo. Từ bí thư chi bộ tới đảng viên… tất cả chỉ là những cái bóng, nói rất nhiều, nhưng chẳng đâu vào đâu. Những cán bộ đảng viên ấy còn xoa vuốt thậm chí vào hùa với bọn lưu manh côn đồ trong những hành động phá hoại, chống đối cán bộ chính quyền của xí nghiệp. Sự thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng trong “Vào đời” đã hoàn toàn sai lệch. Tác giả đã tạo ra một sự đối lập giữa Đảng lãnh đạo và bộ máy chính quyền. Đó là một điều hoàn toàn phi lý, một sự xuyên tạc nguy hiểm. “Vào đời” không dám tấn công thẳng vào sự lãnh đạo của Đảng, nhưng đã đả kích rất nặng nề vào toàn bộ cán bộ chính quyền của xí nghiệp. Cũng có thể coi như “Vào đời” đã đả kích thẳng vào chuyên chính vô sản của ta. Trong “Vào đời” tất cả các cán bộ nhà nước: từ giám đốc tới cán bộ tổ chức, cán bộ kỹ thuật, quản lý, thậm chí tới đồng chí thường trực gác cổng cũng bị bôi nhọ và châm biếm không thương tiếc. Tác giả nhìn họ toàn là những “vua liêu”, những phần tử thống trị độc đoán, vừa ngu dốt vừa tàn bạo. Tác giả vẽ diện mạo họ lố bịch và cục cằn lạ thường. Cố nhiên ở công trường nào đó, xí nghiệp nào đó cũng có một vài cán bộ có tác phong làm việc chưa tốt. Nhưng tuyệt nhiên không khi nào tất cả những cơ quan phụ trách, lãnh đạo ấy lại bao gồm những phần tử quan liêu tệ hại đáng ghê tởm như “Vào đời” đã dựng lên để đả kích. Tác giả “Vào đời” đã bóp méo tất cả sự thật, cố tình xuyên tạc một cách trắng trợn bộ máy chính quyền và tất cả những đồng chí cán bộ của chúng ta ở các công trường xí nghiệp.

Người ta có thể nhận thấy sự vô lý và bóp méo xuyên tạc của “Vào đời” không khó khăn gì. “Miếng đòn” ác nhất mà tác giả vận dụng toàn lực để đánh vào tất cả những đồng chí cán bộ ở công trường xí nghiệp là tệ quan liêu. Nhưng thử xem các cán bộ ấy “quan liêu” ra sao? Trong “Vào đời” người ta chỉ thấy tác giả luôn mồm kết án họ như vậy mà tuyệt nhiên không nêu lên được những hành vi cụ thể nào. Chỉ có một việc quan trọng nhất là đuổi thợ. Nhưng lý do đuổi thợ ra sao, tác giả viết rất mập mờ. Thực ra người ta rất có thể, và rất cần phải đuổi ra khỏi công trường tất cả những phần tử lưu manh côn đồ, những phần tử phá hoại. Trong “Vào đời” người ta đã đuổi những phần tử cố tình lười biếng, nhưng tên côn đồ rất tệ hại. Vậy có gì là quan liêu? Tác giả còn nêu lên vài việc khác: công nhân ăn ở khổ, sinh hoạt vui chơi không được chú ý. Điều này cũng rõ ràng là cố tình kết tội. Không, đời sống của công nhân chúng ta đã và đang được cải thiện rõ ràng. Nếu việc ăn uống, giải trí ở những xí nghiệp công trường nào đó còn kém cố nhiên cán bộ phụ trách phải chịu trách nhiệm một phần, nhưng thực ra ta cũng phải nhìn vào những khó khăn khách quan khác mà họ chưa vượt nổi. Tất cả quy vào “quan liêu” là không đúng.

Hiển nhiên, “Vào đời” đã vu cáo những người cán bộ lãnh đạo một cách vô căn cứ và bất công. Không còn nghi ngờ gì nữa, “Vào đời” đã đả kích vào bộ máy chính quyền của chúng ta một cách căm ghét đến mù quáng, bất chấp cả sự thật.

Những chính sách kinh tế khác cũng bị châm biếm và đả kích một cách hết sức tùy tiện. “Phở hợp tác nhạt thếch” – Không cần nhìn trước nhìn sau, không cần suy nghĩ thêm một chút, tác giả phóng bút chê bừa, gây một ấn tượng xấu đối với việc hợp tác hóa.

Công an, báo chí, phát thanh…, nhiều cơ quan khác của Đảng, của Nhà nước cũng bị đả kích một loạt. Công an bị coi như là chuyên môn trấn áp và làm “mất vui” nhân dân. Báo chí Đảng bị coi là chuyên môn tô hồng, bịa đặt; công tác phát thanh cũng bị coi là chuyên môn nhồi nhét vào tai quần chúng những lời tuyên truyền mà người ta đã phát ngán.

Người đọc có cảm giác: tác giả với một đầu óc ấm ức, hằn học, cầm một chiếc gậy nhắm mắt phang chí mạng, phang bừa bãi tất cả những cái gì ở chung quanh. Hiển nhiên không thể coi đây là một thứ “đấu tranh nội bộ”, “phê bình để sửa chữa”. Đây là “phang” chí mạng như một thứ đòn thù.

“Vào đời” đã lật ngược những quan điểm cơ bản của Đảng, gieo rắc những tư tưởng xấu

Trước hết là quan điểm lao động. Trong “Vào đời”, công cuộc lao động ở các công trường bị miêu tả như một thứ khổ sai, hết sức cực nhọc, làm cho con người bệu rệch đi. Cố nhiên tác giả muốn miêu tả một cô gái tiểu tư sản chưa quen lao động, bước vào công trường nhận lấy chiếc đòn gánh, không tránh khỏi vất vả, khó khăn lúc đầu. Tuy vậy, do cố tình cường điệu nên tất cả những khó khăn vất vả ấy, dưới ngòi bút lệch lạc của tác giả đã trở thành những cực hình đáng ghê sợ. Tuyệt nhiên không thấy le lói lên một chút nào tính chất vinh quang, tính chất sáng tạo của công cuộc lao động trên các công trường xí nghiệp ấy. Trên thực tế, những người lao động chúng ta đều rất hăng hái lao động, đều thấy nổi bật lên cái ý nghĩa to lớn của lao động, ngay cả những anh chị em tiểu tư sản chưa quen lao động cũng vậy; không có một ai lại cảm thấy chiếc đòn gánh như là “một con quái vật lồng lộn trên vai” như “Vào đời” đã viết.

Bộ mặt các công trường trong “Vào đời” cũng bị miêu tả như là một cái gì hết sức bừa bộn, hỗn loạn, tăm tối. Tác giả đã nhắm mắt làm lơ không nhìn vào những cái gì là tốt đẹp, là kế hoạch, là thắng lợi ở những nơi đó, mà chỉ thấy toàn là những mồ hôi, những nước mắt…

Nhân sinh quan trong “Vào đời” cũng là một thứ nhân sinh quan sa đọa, trái ngược hẳn với nhân sinh quan đẹp đẽ của Đảng ta. Với một sự tỉ mỉ hết sức tự nhiên chủ nghĩa, với một sự thích thú đặc biệt, tác giả đã miêu tả những quan hệ nam nữ, tình yêu bỉ ổi và sự ăn chơi, lừa đảo, trác táng của bọn lưu manh, côn đồ mà không có một thái độ phê phán rõ rệt. Thậm chí tác giả còn bê nguyên cả những mớ triết lý phản động, đê tiện về lẽ sống của lũ lưu manh côn đồ lên những trang sách mà không có một lời bình luận. Tất cả những tình tiết ly kỳ giật gân ấy lan tràn trong phần lớn quyển truyện, chúng chẳng có một tác dụng nào khác là khêu gợi những thú tính tầm thường của con người, gieo rắc những tình cảm lãng mạn đồi trụy, kích thích những dục vọng hết sức đen tối, xấu xa trong đầu óc người đọc, nhất là những bạn trẻ.

Về nguyên tắc sinh hoạt tư tưởng cũng như quan điểm đấu tranh phê bình của chúng ta, “Vào đời” cũng thể hiện một cách rất lệch lạc, như một thứ áp bức tư tưởng thô bạo và lố bịch. Đọc “Vào đời” hẳn ai cũng nhớ đến đoạn cô Sen vì không quen lao động, ngại vất vả muốn trở về gia đình, đã bị Trần Lưu (bí thư thanh niên) đưa ra hội nghị phê bình như thế nào. Tác giả đã miêu tả cuộc họp, sự góp ý phê bình của tập thể công nhân bằng một ngòi bút châm biếm diễu cợt rất khó chịu. “Những ý kiến ấy cứ tô đi dạm mãi như những nét chì xanh đỏ cứ tô dạm mãi, cuối cùng cũng thành một hình gì đó. Những ý kiến nhạt nhẽo ấy rồi cũng thành ra có góc cạnh, có nội dung hẳn hoi”. Đại ý, tác giả đã nhận định về cuộc họp như vậy. Khi đọc đến đoạn này, tôi nhớ đến hồi cải tạo giai cấp tư sản ở thành phố có một tên tư sản ngoan cố đã phát biểu với công nhân: “Ý kiến các anh toàn là a dua nhau; các anh ăn không nên đọi, nói không nên lời mà cũng đòi phê phán, giải thích…” Cái đầu óc khinh miệt quần chúng, cái đầu óc kiêu ngạo, thống trị ấy té ra không phải chỉ có ở những tên tư sản ngoan cố chính cống.

“Vào đời” đã bôi nhọ những chiến sĩ Quân đội nhân dân

Người ta nhận thấy một điều rất đặc biệt: Hầu hết những phần tử lưu manh côn đồ và chống đối chế độ, trong “Vào đời”, lại là những quân nhân phục viên.

Nguyễn Mai (Võ Cảnh) mặc dầu trước đã làm cảnh sát cho Tây hồi tạm chiếm, nhưng sau đã vào quân đội. Mặc dầu tác giả đã tố cáo nó ăn cắp chứng minh thư của một liệt sĩ, đổi tên họ, giả mạo làm trung đội trưởng. Tuy vậy nó cũng đã ở quân đội một thời gian. Người ta đều biết bất cứ một ai đã đứng trong quân ngũ đều được sự dìu dắt, giáo dục của Đảng, của tập thể. Cố nhiên cũng có thể có người khi phục viên, chuyển ngành đã không giữ được truyền thống, để cho bản chất xấu xa cũ lại phục hồi. Nhưng thực ra những trường hợp ấy rất cá biệt. Người ta muốn đặt ra câu hỏi: Tại sao tác giả cố tình chọn một điển hình cực kỳ xấu xa, cực kỳ bỉ ổi, đê tiện, lại nhằm vào những người bộ đội phục viên? Vấn đề là ở chỗ đó.

Hiếu là nhân vật xấu thứ hai, sau Nguyễn Mai (Võ Cảnh). Mặc dầu tác giả tỏ ra hết sức bênh che cho Hiếu, luôn luôn muốn chứng minh rằng: “Hiếu vốn là người cán bộ quân đội tốt, sở dĩ bây giờ về hùa với lưu manh côn đồ, chống phá xí nghiệp, chỉ vì CCRĐ có sai lầm”, người ta vẫn thấy rất rõ ràng: Hiếu là một phần tử chống đối chế độ kịch liệt, một phần tử hết sức nguy hiểm về chính trị cũng như về mặt xã hội. Bênh vực Hiếu, tác giả muốn tỏ ra sâu sắc, thấu tình đạt lý, một “tác giả có lòng nhân đạo to lớn”. Tiếc thay thứ nhân đạo ấy là thứ nhân đạo tư sản mà người ta đã vứt bỏ đi rồi. Mặt khác, sự bênh che ấy càng biểu lộ rõ ràng cái quan điểm của “Vào đời” là chống đối CCRĐ, chống đối tất cả đường lối lãnh đạo của chúng ta hiện nay.

Theo quan điểm của chúng ta: Hiếu là phần tử rất tệ hại. Dứt khoát là như vậy.

Đã Nguyễn Mai (Võ Cảnh), lại Hiếu! Hai phần tử nguy hiểm đều là quân nhân phục viên! Tại sao vậy? Tác giả đã hiểu gì về tất cả những người cán bộ quân đội phục viên, chuyển ngành? Tác giả có thấy biết bao nhiêu đồng chí đã nêu cao tấm gương chói lọi ở các công trường xí nghiệp, nông thôn không? Đã có biết bao đồng chí không những giữ vững truyền thống tốt đẹp của quân đội mà còn cố gắng phát huy nữa. Những tấm gương ấy đáng lẽ phải làm cho tác giả phải tỉnh táo, trái lại, tác giả chỉ thấy những con người ấy khi rời hàng ngũ trở về hoặc chuyển sang công tác khác, hầu hết đã hư hỏng, sa đọa. Có phải đây chỉ là cách nhìn phiến diện, dựa vào một vài hiện tượng cá biệt rồi thổi phồng lên không? – Không phải chỉ có thế! Đây chính là vấn đề tình cảm, vấn đề quan điểm và lập trường cơ bản của người nhìn, người viết.

Cố nhiên trong “Vào đời” cũng có một nhân vật tốt là bộ đội cũ. Nhưng thảm hại thay, nhân vật này (Trần Lưu) lại là một anh chàng chuyên môn nói suông, làm thì làm hùng hục nhưng chẳng có một tác dụng gì đáng kể trong việc đấu tranh chống bọn phá hoại; và chính anh ta đã thốt lên những lời chỉ trích một loạt những cơ quan lãnh đạo, báo chí, và chính sách hợp tác hóa của chúng ta. Trần Lưu trong “Vào đời” rất giả tạo, mờ nhạt. Hình ảnh của anh ta bị chìm ngập bên cạnh những Nguyễn Mai (Võ Cảnh) và Hiếu.

Không đáng ngạc nhiên gì khi ta thấy đông đảo chiến sĩ quân đội nhân dân đã tỏ ra rất căm phẫn đối với “Vào đời”, vì nó đã làm nhục thanh danh của quân đội và của họ.

Bài học “Vào đời”

Vì sao “Vào đời” lại mang một nội dung nguy hại như vậy?

Các báo chí đã nêu rõ: “Vì nghệ thuật tác giả còn non yếu… vì tác giả nghèo vốn sống… nhưng nguyên nhân chính vẫn là tư tưởng lệch lạc nghiêm trọng của tác giả” (Tuần báo “Văn nghệ” số 10), vì “Hà Minh Tuân đã phản ánh vào tác phẩm mình tất cả thái độ hằn học của giai cấp bóc lột” (báo “Tiền phong”), vì “tác giả đã đứng trên lập trường của giai cấp tư sản…” (báo “Nhân dân”).

Tóm lại tất cả mọi người đã khẳng định: tác giả đã xa rời lập trường của giai cấp công nhân, bỏ rơi mọi quan điểm của Đảng, mà đứng trên lập trường quan điểm của những giai cấp bóc lột để viết quyển sách này. “Vào đời” đã toát lên đầy đủ lập trường quan điểm của giai cấp tư sản, một lập trường hoàn toàn chống đối lại nhân dân, chống đối CNXH, một quan điểm hoàn toàn trái ngược với những quan điểm cách mạng của Đảng ta.

Tư sản hay tiểu tư sản đây? Có thể còn có người nào đó phân vân đặt ra câu hỏi đó. Cái tâm lý phân vân ấy mới đúng là tiểu tư sản, không nhạy bén, không triệt để và rứt khoát đấu tranh.

Tư tưởng chủ yếu trong “Vào đời” không phải là tư tưởng dao động hoài nghi của giai cấp tiểu tư sản trong lúc gặp khó khăn. Tư tưởng chủ yếu của “Vào đời” là đối lập với mọi đường lối xây dựng XHCN, mọi nguyên tắc, quan điểm của Đảng.

“Vào đời” đã vẽ nên một bức tranh xã hội đen tối đầy rẫy bất công, áp bức, khổ cực, lừa đảo, một thứ xã hội hoàn toàn không đúng với xã hội chúng ta ở miền Bắc hiện nay.

“Vào đời” tấn công, đả kích rất rõ ràng rứt khoát mọi dinh lũy của chế độ ta, không úp mở, không nhập nhằng nửa chê nửa thương. Thái độ ấy, quan điểm ấy, lập trường ấy dứt khoát là tư tưởng, thái độ, quan điểm thù địch, muốn phủ nhận tất cả.

Hà Minh Tuân, tác giả “Vào đời” vốn là một cán bộ trong quân đội. Nhưng tiếc thay anh đã không trau dồi, giữ vững được lập trường quan điểm của chúng ta. Tư tưởng tư sản đã lũng đoạn đầu óc anh tới một mức độ nghiêm trọng, làm cho anh trở nên rất lệch lạc khi nhìn nhận đánh giá con người và sự việc. Tư tưởng ấy đã làm dậy lên trong lòng anh những khoái cảm không trong sạch, những tình cảm ẩn ức hằn học, chua cay khi đặt bút viết.

Bài học “Vào đời” đã nhắc nhở cho tất cả những người cầm bút cũng như những người đọc: cần phải luôn trau dồi lập trường quan điểm vô sản; không thể chủ quan ỷ vào trình độ sẵn có. Cuộc đấu tranh giai cấp mỗi ngày một quyết liệt. Tính chất đấu tranh quyết liệt ấy hàng ngày hàng giờ tác động đến mỗi người. Nọc độc của những giai cấp bóc lột không phải mỗi lúc đã gột rửa được ngay, trái lại nó vẫn không ngừng len qua những khe hở của mỗi trái tim mà thấm vào dần. Đến một mức độ nào đó, “máu của chúng ta có thể sẽ trở thành đen”. Đó là một điều nguy hiểm. Đến lúc đó mỗi lời ta nói, mỗi dòng chữ viết sẽ không tài nào tránh khỏi tình trạng nhuốm mầu đen tối. Nghệ thuật không bao giờ tách rời ý thức tư tưởng. Không có ai ngây thơ nghĩ rằng: “có thể vì nghệ thuật tôi non yếu mà phạm sai lầm nghiêm trọng về chính trị”.

Có thể có người viết tự đánh lừa mình bằng những ý nghĩ ban đầu đẹp đẽ: “Tôi viết đây là để xây dựng…” Nhưng trong thực tế, khi lập trường quan điểm của nghệ sĩ đã xa lạ với nhân dân, với Đảng, thì những dòng chữ chảy ra sẽ không bao giờ theo một chiều hướng tốt đẹp, mà dứt khoát sẽ mang theo đầy đủ ý thức tư tưởng đen tối mà nghệ sĩ đã tiêm nhiễm trong đầu óc. Rất khó giả dối trong nghệ thuật. Tâm sự anh, ý chí của anh ra sao, trong tác phẩm đều phản ánh rất rõ.

Có thể nói tóm lại: do mang nặng tư tưởng của giai cấp tư sản, do đứng trên quan điểm lập trường giai cấp tư sản mà nhìn nhận, đánh giá con người và sự việc, nên Hà Minh Tuân đã viết ra một quyển truyện rất có hại, cần phải chỉ trích nghiêm khắc./.

HỒ PHƯƠNG

Nguồn :

Văn nghệ quân đội, Hà Nội, s. 8 (tháng 8.1963), tr. 57-61.

Tháng 8/1963: “Văn nghệ quân đội”, s. 8 : Ý KIẾN BẠN ĐỌC VỀ CUỐN “VÀO ĐỜI”:

LÊ BÁ SÚY (Trường bổ túc văn hóa Quân khu 4):

…………………………………………………..

Riêng tôi khi đọc “Vào đời”, tôi có nghĩ đến một vấn đề là Hà Minh Tuân đã tập trung đả kích quân đội. Với thái độ hằn học lệch lạc khi nhìn nhiều sự việc trong xã hội ta, Hà Minh Tuân đều bóp méo thổi phồng, lầm lẫm giữa hiện tượng và bản chất, từ cán bộ nhà máy, mậu dịch, công an, loa phóng thanh, v.v., chủ yếu Hà Minh Tuân tập trung vào mấy nhân vật “bộ đội phục viên” mà vào đời, cô Sen đã gặp ngay. Đó là tên lưu manh Nguyễn Mai với cả một lai lịch ghê tởm mà tác giả khoác cho cái áo “bộ đội phục viên”, mặc dầu tác giả đã tự đặt cho đấy là một nhân vật phản diện có lai lịch rõ ràng, nhưng trên thực tế Nguyễn Mai hoạt động với danh nghĩa “bộ đội phục viên”. Nguyễn Mai là kẻ đầu tiên đã chà đạp lên tâm hồn và thể xác, phá hoại đời cô Sen. Nhân vật thứ hai là Đặng Đình Hiếu, đại đôi trưởng nhiều lần bị thi hành kỷ luật vì vô kỷ luật và cả quá trình phá phách thoái hóa một cách thảm hại, bạn tri kỷ, đồng hành của Nguyễn Mai. Với nhân vật này, Hà Minh Tuân đã khá công phu gọt đẽo tả một cách say sưa. Thực ra đấy là một tên thoái hóa, nhưng nguyên nhân thoái hóa theo tác giả cố gán cho vì sai lầm của CCRĐ, vì người cha “bị treo cổ”. Và tác giả cũng không dứt khoát đánh giá đúng ngay chính nhân vật mình nặn ra đó là người xấu hay tốt? − tốt, xấu đến mức độ nào? Có nên phê phán nghiêm khắc những sai lầm của Đặng Đình Hiếu không hay xoa vuốt nó, đồng tình với nó về những hoàn cảnh khách quan?

Về nhân vật bộ đội phục viên tốt có Trần Lưu là một nhân vật gượng gạo, cứng đờ mà chính từ nhân vật tốt đó lại thốt ra những lời than thở, nhìn nhận lệch lạc về một số vấn đề của xã hội.

Còn một nhân vật nữa, một liệt sĩ, Trà, anh ruột của Sen mà Sen thường yêu mến, Sen thường nhắc đến anh mình qua cuốn nhật ký để lại, − tác giả xây dựng hình tượng này như một nhân vật “lý tưởng”, xa xôi, mờ ảo – qua lối viết, lối xây dựng nhân vật của tác giả, tôi có ý nghĩ rằng Hà Minh Tuân muốn nói trắng ra rằng: Sen bước vào đời đã gặp phải những chướng ngại mà chướng ngại lớn nhất là Nguyễn Mai và Đặng Đình Hiếu, hai “bộ đội phục viên” như hai bóng ma đè nặng lên cả cuộc đời của Sen, còn người bộ đội tốt thực cchir có trong lý tưởng mà thôi (anh Trà, qua cuốn nhật ký)

……………………………………………………………………

Là một cán bộ của quân đội, khi đọc “Vào đời”, tôi không thể không có thái độ đối với cách nhìn nhận, cách viết, quan điểm lập trường của tác giả, mà nhất là khi cuốn sách đó lại đả kích mạnh nhất vào quân đội.

6-7-1963

NGUYỄN THANH TÙNG (công nhân xí nghiệp Bến Hòn Gia):

……………………………………………………..

Sự thực trong xã hội ta có thế không? Theo tôi nghĩ: Cũng có những con người xuống dốc. Những người ấy tự nguyện rời bỏ vị trí của mình mà chạy theo những lợi ích cá nhân ích kỷ. Con người đó không thể xuống dốc theo con đường của Hà Minh Tuân. Có thể họ tham ô, lãng phí, thiếu sâu sát quần chúng (như Cư, Chiến). Có thể họ phát ngôn bừa bãi thiếu tổ chức (không phải ý kiến của họ hoàn toàn sai, hoặc lúc nào cũng sai mà có những mặt đúng mặt tốt của nó), v.v. Nhưng quá trình giáo dục của quân đội, của Đảng, mặc dù họ là quần chúng, không phải là công cốc. Nhất định trong cuộc sống thực tế, những đạo đức cách mạng sẽ vùng dậy chống đối trong người họ kịch liệt. Những tác phong tốt trong quân đội gần như tập quán trong người họ không mất đi một cách dễ dàng như thế.

Một đồng chí bạn tôi khi xem xong tập “Vào đời” đã nói với tôi rằng: Hà Minh Tuân quả là thiếu một cái vốn của các nhà văn thường có, đó là “thực tế cuộc sống”. Mình xem xong có cảm giác rằng: Hà Minh Tuân quả là một đứa trẻ, − một đứa trẻ về chính trị. Chỉ đáng thương hại mà thôi.

Theo tôi, tôi có một ý nghĩ khác: “Vào đời” không có một tác dụng nào tốt mà chỉ có tác hại. “Vào đời” đã nói xấu chế độ, nói xấu quân đội và làm giảm nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng một cách có ý thức, Hà Minh Tuân đã đi theo con đường cũ của Nhân văn (qua các nhân vật chính, nhất là Hiếu). Hà Minh Tuân đã gieo một sự nghi ngờ đối với bản chất tốt đẹp của quân đội ta. Cả cuốn sách đã nêu lên một cái nhìn sai lầm đối với Đảng và quân đội. “Vào đời” đã gieo rắc một mối hoai nghi trong quần chúng về chế độ quản lý xí nghiệp. Với tính chất mập mờ của “Vào đời”, Hà Minh Tuân đã nêu lên, đã đề cao những thói hư tật xấu, trụy lạc, lưu manh đã bị xã hội ta đào thải.

Phải chăng Hà Minh Tuân đã nói xấu, bôi đen thực tế tốt đẹp của xã hội XHCN ở miền bắc nước ta hiện nay.

Tôi là một quân nhân chuyển ngành sang mặt trận công nghiệp, tôi đã thực tế sống và gần gũi tất cả mọi lớp người tiến bộ cũng như lạc hậu, tôi đã gặp những đồng chí bộ đội phục viên có sai lầm khuyết điểm nhưng tuyệt nhiên không bao giờ thấy một quân nhân nào như Hiếu trong “Vào đời”. Tôi cũng không thấy một nhân vật điển hình nào như những nhân vật trong “Vào đời”, kể cả những người tiến bộ, cán bộ lãnh đạo, như Hán (chỉ nhìn thấy sản xuất mà không quan tâm giáo dục quần chúng lạc hậu, mà quần chúng đó lại là một người đã đi theo Đảng từ trong kháng chiến đến hòa bình). Tôi cũng không hề thấy một cấp ủy đảng nào lãnh đạo kiểu Hà Minh Tuân trong “Vào đời”.

Xem xong “Vào đời”, tôi rất lấy làm căm phẫn. Căm phẫn về chỗ tác giả đã dùng ngọn bút của mình xuyên tạc sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và bôi nhọ lên truyền thống vẻ vang của quân đội và bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN mà quân đội và nhân dân đã xây dựng nên bằng bao nhiêu xương máu, mồ hôi.

25-5-1963

XUÂN NGỌC (xí nghiêp dệt Dân Sinh, Nam Định):

……………………………………………

Trước hết ta nói tới Hiếu, người đại đội trưởng chuyển ngành, có lẽ nào bị sa đọa tới mức ấy được chăng?

Giả định rằng ông giám đốc cũ và ông trưởng phòng tổ chức Cư và Chiến có sai lầm nghiêm trọng, nhưng tác phong một cán bộ quân đội của Hiếu không còn sao? Tinh thần tỉnh táo, suy nghĩ chín chắn của người đại đội trưởng đã từng chỉ huy cả đại đội trên chiến trường chẳng lẽ đã bị lu mờ rồi, mặc dầu rằng trước khi chuyển ngành Hiếu có phạm sai lầm mà hạ tầng công tác xuống đại đội phó. Chúng ta hãy nhìn lại những sai lầm chính của Hiếu từ sau ngày chuyển ngành lại đây: hai lần đánh người trái phép, hai lần ký kiến nghị phản đối lãnh đạo, chủ động cuộc nổi dậy định bắt Chiến, rồi viết khẩu hiệu… và một số hành động ngược đãi vợ con. Phải chăng tác giả dụng ý muốn đưa tình tiết này vào để nói lên Sen đã cay đắng sống bên người chồng vũ phu, sa đọa như Hiếu mà vẫn kiên trì phấn đấu đi lên. Nhưng không! Ở đây tôi thấy rằng người quân nhân nhiều năm tham gia cách mạng không thể nào lạc hậu tới mức tối đa như vậy được, mà hơn nữa Hiếu lại là một cán bộ đại đội. Chẳng lẽ rằng một lần Hiếu bị phê bình và một lần Hiếu bị đuổi không được học mà không đủ làm cho Hiếu sáng tỏ sai lầm hay sao? Trong công tác và sinh hoạt của Hiếu sút trông thấy mà lãnh đạo cùng tập thể bỏ cho Hiếu rơi xuống vực sâu mà đành lòng ư? Dù cho công trường nhà máy đó mới xây dựng có thể thiếu sót nhưng không thể xảy ra hiện tượng đau xót đó đối với Hiếu được.

……………………………………………………………………………………..

Tháng 5-1963

Nguồn:

Văn nghệ quân đội, Hà Nội, s. 8 (tháng 8/1963), tr. 62-64.

16/8/1963. Báo “Văn nghệ”, s. 16: Tổ phê bình báo “Văn nghệ”: Qua cuộc đấu tranh chống những tư tưởng sai lầm trong cuốn tiểu thuyết “Vào đời” của Hà Minh:

Tiểu thuyết “Vào đời” của Hà Minh tuân phát hành chưa được bao lâu đã bị dư luận lên án kịch liệt và phê bình nghiêm khắc. Đợt phê bình cuốn tiểu thuyết này thực chất là một cuộc đấu tranh tư tưởng sâu sắc, rộng rãi, mạnh mẽ. Đợt phê bình “Vào đời” chứng tỏ rằng các giới các ngành và bạn đọc khắp nơi đã hết sức quan tâm đến công tác tư tưởng và văn nghệ, tha thiết bảo vệ chế độ tốt đẹp của chúng ta, bảo vệ lập trường tư tưởng và quan điểm văn nghệ của Đảng. Đó cũng chính là kết quả của đường lối phương châm đúng đắn của Đảng trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng đã được phổ cập và thấm nhuần trong nhân dân ta.

Cuộc đấu tranh chống những tư tưởng sai lầm của cuốn tiểu thuyết “Vào đời”, trong một thời gian ngắn đã diễn ra sôi nổi, quyết liệt. Bài phê bình của báo “Nhân dân” đã vạch rõ thực chất nội dung tư tưởng trong cuốn “Vào đời” là tư tưởng phản động hằn học của những giai cấp bóc lột bị đánh đổ và đã đánh một đòn quyết liệt vào tư tưởng đó. Những tờ báo của các cơ quan đoàn thể: “Lao động”, “Tiền phong”, “Phụ nữ”, “Cứu quốc”, “Thống nhất”, “Quân đội nhân dân”, các tờ báo hàng ngày: “Hà nội”, “Thời mới”, các tạp chí: “Học tập”, “Tạp chí Văn học”, tạp chí “Văn nghệ quân đội”, đều đã có nhiều bài liên tục phê phán mạnh mẽ và sâu sắc những tư tưởng nguy hại của tiểu thuyết “Vào đời”. Báo “Văn nghệ” liên tiếp trong 6 số đã đăng ý kiến của các nhà văn và bạn đọc phê phán “Vào đời”. Ban Thường vụ Hội nhà văn đã phê bình nghiêm khắc ban biên tập Nhà xuất bản Văn học (cũ) và Nhà xuất bản đã có bài tự kiểm điểm về những sao sót của mình khi cho in cuốn sách đó. Tòa soạn các báo còn nhận được nhiều bài và thư của đông đảo bạn đọc khắp nói gửi để tỏ lòng căm phẫn với nội dung độc hại của tiểu thuyết “Vào đời”. Trong khi vạch ra những điểm xuyên tạc trong cuốn truyện, nhiều bạn đọc đã đưa ra những sự thực tốt đẹp của cuộc sống chúng ta và tâm hồn trong sáng của lớp thanh niên đang hăng hái đi xây dựng đất nước. Ngoài ra còn có những cuộc thảo luận, trao đổi của những người công tác văn học nghệ thuật, của những bạn đọc ở nhiều tầng lớp khác nhau, về cuốn tiểu thuyết này.

Có thể nói ai cũng nhất trí kết luận “Vào đời là một cuốn tiểu thuyết có hại”, chứa đựng những nọc độc nguy hiểm của tư tưởng tư sản phảm động.

1/ Trước hết qua cuốn “Vào đời”, mọi người đều thấy Hà Minh Tuân đã xuyện tạc hiện thực của chế độ chúng ta. Bức tranh xã hội miêu tả trong “Vào đời” u ám xám xịt đến nỗi những ai đã chứng kiến và tham dự những cuộc biến chuyển cách mạng to lớn và sâu sắc trong những năm 1956 đến 1960 đều lạ lùng ngơ ngác và phẫn nộ với cách miêu tả không trung thực của tác giả. Hiện thực khách quan của cách mạng ở Miền Bắc trong thời gian đó là nhân dân ta,, sau cuộc kháng chiến gian khổ và vĩ đại, đã bắt tay vào xây dựng lại đất nước bị tàn phá, vượt qua trăm nghìn khó khăn một cách vô cùng dũng cảm mà đạt được những thành tích hết sức lớn lao. Đồng thời đó cũng là thời kỳ hoàn thành cuộc cải cách ruộng đất (CCRĐ) vĩ đại, rồi tiến hành công cuộc cải tạo XHCN, cải tạo giai cấp tư sản ở thành thị, hợp tác hóa ở nông thôn, xóa bỏ nạn bóc lột, làm thay đổi hẳn toàn bộ cơ cấu của xã hội Việt Nam ta. Những nét cơ bản đó của hiện thực chảng hề được phản ánh trong truyện “Vào đời”. Trái lại, quyển “Vào đời” đã bóp méo, xuyên tạc tất cả những nét về bản chất đó, trình bày một bức tranh rối loạn về hiện thực, chắp và và thổi phồng những nét tiêu cực với một thái độ u uất, hằn học, soi mói, mỉa mai, nêu những khó khăn thành khuyết điểm của chế độ, thậm chí những cái phải cái đúng cũng bị xuyên tạc ra thành khuyết điểm sai lầm. Rất nhiều ý kiến của bạn đọc vạch rõ cái sai trái trong cách mô tả người thanh niên đi vào lao động, cách nhìn phẩm chất của người quân nhân cách mạng và của người công nhân… Ai nấy đều nhận thấy rằng trong “Vào đời” nhiều mặt của đời sống đã bị bóp méo và đả kích, khi thì qua những lời thốt ra từ miệng nhân vật xấu, khi thì mượn lời những nhân vật gọi là “tích cực”. Nhiều bài phê bình cho “Vào đời” là một tác phẩm “giương lên một chủ đề tốt” để luồn vào đó những tư tưởng xấu, những nhận thức lệch lạc độc hại. Điều này biểu hiện rõ rệt ở kiểu vào đời của Sen, động cơ chống đối phá phách của Hiếu, việc đưa chuyện chống quan liêu trong nhà máy lên thành một cuộc đấu tranh hằn học chống lại một loạt cán bộ lãnh đạo. Nội dung tư tưởng xấu cũng biểu hiện ở những nhận xét cay độc của tác giả “Vào đời” qua nhân vật tiêu cực lẫn nhân vật “tích cực” về nhiều mặt sinh hoạt, từ công trường, nhà máy đến hợp tác xã, đường phố, từ đời tư của các nhân vật đến hoàn cảnh công tác của họ, từ những đoàn thể như Đoàn thanh niên lao động đến các cơ quan như công an, báo chí, mậu dịch, v.v. Bỏ rơi mất lập trường tư tưởng cách mạng, tác giả “Vào đời” đã đi đến đảo ngược cả phải trái hết sức nguy hiểm, và nhìn vào nhiều mặt của đời sống với thái độ, quan điểm của giai cấp bóc lột bị đánh đổ.

2/ Tư tưởng độc hại đã rải ra trong tiểu thuyết “Vào đời” còn biểu hiện nghiêm trọng ở một loạt sự việc chống đối đường lối chính sách của Đảng. Hình ảnh cái chết ghê rợn của người cha Hiếu và những lời chửi bới hằn học của nhân vật này đã gieo rắc cái thái độ chống chọi lại nhận định của Đảng về CCRĐ. Thanh niên, nhất là nữ thanh niên, trước cái “gương” hãi hùng vào đời của Sen, có thể bị “lung lay tinh thần trong các đợt vận động lớn hiện nay của Đảng”. Lời kêu gọi của Đảng về thái độ kiên quyết làm cách mạng triệt để, ra sức khắc phục khó khăn để xây dựng CNXH trong Hội nghị TƯ lần thứ 8 bị cái bình phong những nhận xét cay độc của “Vào đời” cản trở. Những lời mỉa mai chỉ trích vào nhiều cơ quan của Đảng và Nhà nước, trong “Vào đời”, đã đả kích vào nền chuyên chính dân chủ nhân dân của ta. Việc đấu tranh chống quan liêu theo kiểu “Vào đời” hoàn toàn không phù hợp với cách tiến hành cải tiến quản lý xí nghiệp. Những ý kiến của cô giáo Loan trong truyện về lao động, về cách sống, đi ngược lại với lời dặn dò học sinh lớp 7 và lớp 10 phổ thông của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Thanh niên học sinh phải sẵn sàng làm bất cứ việc gì và đi bất cứ nơi nào khi xã hội cần đến”. Chống đối lại đường lối chính sách của Đảng như vậy còn có gì khác, nếu không phải tư tưởng tư sản phản động?

3/ Nọc độc của tiểu thuyết “Vào đời” không kém phần nguy hại ở những trang những đoạn tả lối sống lối nghĩ rất xa lạ với chúng ta. Nhiều bạn đã chỉ trích những chuyện xác thịt khêu gợi úp mở trong “Vào đời”, những cảnh ăn uống chơi bời, những triết lý hưởng lạc thô bỉ “bê nguyên vào trang giấy, không biết ngượng cho ngòi bút”. Có bạn còn nhắc đến cả những sách viết trước đây của tác giả và lấy làm lạ vì sao tác giả lại hầu như có một thích thú tả những nhân vật trong các tiểu thuyết của mình với những triết lý bẩn thỉu đó. Nhiều bạn đã vạch cái nhân sinh quan lạc lõng trong “Vào đời”. Chẳng phải riêng gì chỉ có bọn lưu manh côn đồ xướng lên cái triết lý hưởng lạc thấp hèn đê tiện, coi phụ nữ như đồ chơi, sống theo cái phương châm ích kỷ của giai cấp bóc lột, rất nhiều bạn đọc bực bội khi thấy tác giả miêu tả Sen có những ao ước thèm thuồng hưởng lạc cá nhân bên cạnh tâm lý chán chường, thụ động. Những cái xấu cái hỏng của cách nhìn bệnh tật về đời sống và con người được chế biến qua những tưởng tượng và suy luận chủ quan, bằng chủ nghĩa tự nhiên sa đọa, những cái “éo le, ly kỳ, hấp dẫn”, “đánh vào cái thị hiếu tầm thường nhất” đã chi phối tác giả; chỉ riêng những cái đó cũng đã không có chỗ đứng trong thời đại chúng ta và đáng phải phê bình nghiêm khắc, huống chi nguy hại nghiêm trọng nhất ở đây lại là nọc độc của những tư tưởng tư sản phản động đầy rẫy trong cuốn tiểu thuyết.

4/ Với những sai lầm thể hiện trong lập trường tư tưởng nói trên, tác giả “Vào đời” rõ ràng đã đi ngược lại đường lối văn nghệ của Đảng đã được trình bày rõ ràng trong Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ ba và được các văn nghệ sĩ nhất trí tán thành.

Nhiều bạn đã vạch ra rằng tiểu thuyết “Vào đời” đã làm trái hẳn với lời kêu gọi của Đảng mong mỏi những “tác phẩm văn nghệ miêu tả một cách chân thật và hùng hồn công cuộc lao động và đấu tranh vĩ đại của nhân dân ta, cuộc sống muôn màu muôn vẻ của xã hội ta ngày nay, mạnh dạn nêu lên và trả lời đúng những vấn đề lớn của cách mạng, của đời sống”. Cũng như báo “Nhân dân” đã nêu lên, vấn đề ở đây không phải là có được viết hay không được viết những mặt tiêu cực trong đời sống xã hội ta ngày nay. Đường lối văn nghệ của Đảng đã hết sức rõ ràng về điểm đó. Đảng kêu gọi các nhà văn chúng ta hãy đi vào đời sống và viết về những đổi thay lớn lao mới mẻ trong đời sống, đồng thời các nhà văn rất có thể miêu tả những hiện tượng tiêu cực còn tồn tại. Vấn đề là nhà văn phải có thái độ nào đối với chế độ ta, đối với cuộc sống mới của chúng ta, trong khi miêu tả những hiện tượng tiêu cực đó. Nếu có lòng trung thành và có tình cảm yêu mến thắm thiết đối với chế độ ta, đối với cách mạng, đối với những con người mới, thì ngòi bút nhà văn sẽ có trách nhiệm cao và có thái độ xây dựng chân thành. Khi ấy, nhà văn viết về cái tiêu cực là để lên án nó, đấu tranh với nó, để làm sáng tỏ làm nổi bật cái tích cực, cái mới nảy nở lớn mạnh. Trong cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, thắng lợi bao giờ cũng về cái mới. Đó là quy luật phát triển biện chứng của sự vật, trong xã hội mới do Đảng lãnh đạo. Thư của Ban chấp hành trung ương Đảng gửi Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ ba đã vạch rõ: “Văn nghệ XHCN của ta phản ánh cái mới và đấu tranh cho cái mới thắng lợi. Không những nó thể hiện cuộc sống mới và con người mới, mà còn tích cực góp phần thúc đẩy cuộc sống mới phát triển, góp phần sáng tạo và giáo dục con người mới”.

Cuốn “Vào đời” thì hoàn toàn làm ngược lại. Cuốn truyện này đã tập trung miêu tả những hiện tượng tiêu cực với một cách nhìn xuyên tạc bản chất của chế độ, lại còn nêu những cái xấu thành cái tốt để tán dương, khêu gợi, hoặc vẽ ra một bức tranh bịa đặt trong đó những cái tiêu cực hoành hành ngang ngược và chi phối nặng nề mọi mặt của đời sống, để lại một ấn tượng chung xấu xa, u ám. Như vậy chính là đi ngược hẳn lại đường lối sáng tác đã nêu lên trong Đại hội văn nghệ vừa qua.

Vì sao tác giả “Vào đời” đã mắc phải những sai lầm nguy hiểm như trên? Phải chăng đây là vì tác giả mới bước vào công việc viết văn chưa được bao lâu, vốn sống thiếu sót và bàn tay nghệ thuật non yếu cho nên đã đi đến kết quả tai hại? Hoặc trái lại, đây là vì lập trường tư tưởng, quan điểm chính trị và quan điểm văn học của tác giả đã sai lầm nghiêm trọng? Như trong bài đăng trên tạp chí “Học tập” đã đặt vấn đề và phân tích xem đây là vấn đề tư tưởng hay là vấn đề nghệ thuật?

Trả lời câu hỏi đó, nhiều bài phê bình cũng như ý kiến bạn đọc đã vạch rõ: đây chính là vấn đề lập trường, quan điểm. Một tác phẩm văn học, dù kém về nghệ thuật, nhưng nếu tác giả có lập trường đúng, có thái độ tốt, thì không thể chứa đựng những tư tưởng xấu xa độc hại như trong “Vào đời”.

Qua quyển tiểu thuyết này, người đọc thấy rõ tác giả nhìn vào CCRĐ và cuộc sống XHCN không phải đứng trên lập trường cách mạng của giai cấp vô sản, mà là theo cách nhìn và thái độ hằn học của giai cấp địa chủ và những phần tử tư sản phản động. Một số quan điểm chính trị của tác giả về vấn đề chống quan liêu phảng phất hơi hướng những luận điểm của bọn xét lại hiện đại.

Trong nhân sinh quan của tác giả đầy rẫy sự mơn trớn thi vị hóa chủ nghĩa cá nhân đồi trụy và hèn yếu, đòi hỏi hưởng lạc, sợ hãi lao động, phản ứng với đời sống tập thể. Về quan điểm văn học, người ta cũng thấy rõ trong “Vào đời” biểu hiện của thuyết “nhân tính” tư sản, xóa nhòa ranh giới giai cấp khi miêu tả nhân vật, xuê xoa và tỏ cảm tình với những tư tưởng thù địch xấu xa, dưới cớ là phải có “tính người”.

“Vào đời” là một quyển sách viết rất kém và cẩu thả, người viết mới bước vào nghề văn nhưng đã tỏ ra thiếu hẳn công phu lao động nghệ thuật nghiêm túc. Nhưng “Vào đời” trước hết là một quyển sách có hại, biểu hiện một lập trường tư tưởng xấu, mang nọc độc còn rớt lại của tư tưởng giai cấp bóc lột bị đánh đổ. Trong “Vào đời” lẻ tẻ cũng có những câu những đoạn ca tụng chế độ, nhưng đó chỉ là những khái niệm trừu tượng, khô khan, yếu ớt, không thể cưỡng lại chiều hướng tư tưởng chung xấu độc của cuốn truyện mà có thể làm cho người đọc lướt qua có thể không nhận thấy ngay nội dung tư tưởng nguy hại của quyển sách.

Một cuốn sách đầy rẫy chất độc tư tưởng như thế tại sao lại có thể xxuaasst hiện được? Đó là trách nhiệm rất nặng của ban biên tập Nhà xuất bản Văn học (cũ). Vì mơ hồ về lập trường quan điểm, vì thiếu tinh thần phụ trách, các đồng chí trong ban biên tập đã không kiên quyết đấu tranh với tác giả mà lại nhân nhượng để cho một tác phẩm như vậy được in ra. Các đồng chí làm công tác biên tập và Nhà xuất bản Văn học cần rút ra bài học thấm thía để nâng cao tinh thần trách nhiệm, cải tiến lề lối làm việc cho tốt hơn.

***

Cuộc đấu tranh chống những tư tưởng sai lầm trong cuốn tiểu thuyết “Vào đời” đã đem lại cho chúng ta những bài học quý. Trước hết, nó cho ta thấy rõ rằng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, cũng như mọi lĩnh vực khác, lập trường giai cấp vô sản, tính đảng, sự tỉnh táo và cảnh giác cách mạng là một điều then chốt, không thể thiếu được. Một tác giả, nếu để cho tư tưởng tư sản hoành hành trong thế giới quan và nhân sinh quan của mình, thì chỉ đẻ ra những tác phẩm độc hại. Tác giả “Vào đời” cần phải suy nghĩ kỹ và kiểm tra sâu sắc hơn nữa tư tưởng của mình, cần phải thấy hết trách nhiệm của mình khi viết ra một cuốn sách đầy chất độc tư tưởng như thế. Có như vậy, anh mới có thể sửa chữa và tiến bộ được. Trường hợp cuốc “Vào đời” còn là một bài học chung cho những người viết văn muốn đem ngòi bút của mình phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Các nhà văn chúng ta nói chung đều đã được rèn luyện trong đấu tranh cách mạng và đã có ít nhiều cống hiến bằng văn học. Nhưng cách mạng luôn luôn phát triển, đời sống luôn luôn đổi mới. Cuộc đấu tranh giai cấp vẫn tiếp diễn dưới những hình thức mới. Trong cuộc đấu tranh cách mạng, nếu tách rời đời sống nhân dân, tách rời đường lối cách mạng của Đảng thì không thể sáng tạo ra cái gì tốt đẹp, thậm chí đi ngược lại lợi ích của cách mạng và của nhân dân. Vì thế người viết văn chúng ta cần phải đi sâu vào cuộc sống hơn nữa, cần phải trau dồi tính đảng, nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa một cách thiết tha, bền bỉ, liên tục.

Qua đợt đấu tranh tư tưởng này, chúng ta càng thấy rõ ràng hơn bao giờ hết là văn học nghệ thuật không bao giờ tách rời khỏi chính trị được. Báo “Văn nghệ” và một vài bài phê bình lúc đầu đã có xu hướng nặng về nhận xét nghệ thuật kém cỏi của tác phẩm, coi nhẹ việc phê phán nội dung tư tưởng xấu của nó. Phê bình sự non kém nghệ thuật cũng cần thiết. Nhưng phê bình một tác phẩm văn nghệ trước hết phải quan tâm đến khuynh hướng chung toát ra từ tác phẩm đó, đến nội dung tư tưởng của tác phẩm đó. Và khi đã phát hiện ra tư tưởng chính trị sai lầm độc hại của cuốn sách thì không thể có thái độ khoan nhượng xuê xoa được. Bức thư của Trung ương Đảng gửi Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ ba cũng đã có nhắc nhở chúng ta: “Trên nguyên tác tính đảng, phê bình phải có tác dụng cổ vũ những cái tốt, cái hay, phát hiện những tài năng, phát huy những phong cách mới, đồng thời cần phân tích một cách đúng đắn, thẳng thắn, với thái độ chân thành những khuyết điểm sai lầm của tác phẩm và tác giả”. Chỉ nhẹ nhàng phê bình phần nội dung tư tưởng một tác phẩm có hại như cuốn “Vào đời” thì không giúp ích được gì cho tác giả của nó, càng không thể ngăn chặn được những tác hại mà cuốn sách đã gieo rắc và nhất là sẽ xóa nhòa ranh giới của một cuộc đấu tranh tư tưởng không thể khoan nhượng.

Chúng ta vừa trải qua một đợt đấu tranh tư tưởng bổ ích cho sáng tác và phê bình văn nghệ. Nền văn nghệ của chúng ta, đúng như sự nhận định của Đảng, là một nền văn nghệ XHCN, mặc dù còn non trẻ nhưng dồi dào sức sống và có nhiều triển vọng.

“Vào đời” chỉ là một chấm đen xấu mà chúng ta cần tẩy bỏ để cho nền văn nghệ chúng ta càng trong sáng và tươi đẹp hơn. Chúng ta không thể lơ là với tư tưởng tư sản và các tư tưởng sai lầm khác được. Chúng ta càng tin tưởng hơn bao giờ hết ở sự nghiệp văn nghệ XHCN do Đảng ta lãnh đạo. Vì đường lối văn nghệ đúng đắn của Đảng được phát biểu trong thư của Trung ương Đảng và được phát triển trong những văn kiện của Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ ba là cơ sở vững chắc để chúng ta có thể đấu tranh với những tư tưởng sai lầm còn rơi rớt, tiến lên mạnh mẽ trong lao động và sáng tạo, trong việc phấn đấu để đạt tới thành tựu mới rực rỡ hơn nữa.

TỔ PHÊ BÌNH BÁO VĂN NGHỆ

Nguồn:

Văn nghệ, Hà Nội, s. 16 (16.8.1963), tr. 12-13, 19.

Comments are closed.