Tôi biết, cũng biết, nhưng mà…

(Rút từ facebook của Đỗ Ngọc Thống)

Tôi biết lâu nay mỗi khi nói về giáo dục, rất nhiều người phê phán: giáo dục Việt Nam chẳng giống ai, một mình một chiếu… Và cũng biết trong bối cảnh này, như NQ 29 của Đảng đã nêu: GD phải “chủ động hội nhập quốc tế”.

Tôi biết hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập về chương trình (CT) giáo dục là rất cần thiết. Và cũng biết CT mở là một xu thế quốc tế. CT mở là CT chỉ quy định một số chuẩn cần đạt thiết yếu (đầu ra – output). Từ chuẩn đầu ra này mà tác giả SGK và GV sẽ biết phải lựa chọn những nội dung gì (đầu vào – input) để biên soạn SGK, để dạy học nhằm đạt được chuẩn ấy.

Tôi biết CT Ngữ văn của nhiều nước phát triển không quy định các tác phẩm bắt buộc; để mở cho tác giả SGK và GV tự chọn, miễn là đáp ứng được chuẩn cần đạt. CT của Hàn Quốc (2015) chỉ nêu định hướng chung như: “dạy các tác phẩm thơ ca cổ có độ dài thích hợp với trình độ của học sinh”. CT của Anh (2014) cũng chỉ quy định “đọc một phạm vi rộng các tác phẩm hư cấu và không hư cấu gồm các cuốn sách, truyện ngắn, thơ và kịch” trong đó chỉ bắt buộc dạy một đến hai vở của Shakespeare. CT của Hoa Kỳ hầu hết các bang dựa vào Chuẩn chung cốt lõi của liên bang (2010) cũng chỉ nêu một phụ lục gợi ý các tác phẩm để tác giả SGK và GV tự chọn. CT của Pháp (2010) không quy định dạy tác phẩm cụ thể nào, mà chỉ thấy ghi: “giáo viên tự chọn”, chẳng hạn: “một vở bi kịch hoặc hài kịch cổ điển, theo sự lựa chọn của giáo viên” (Une tragédie ou une comédie classique, au choix du professeur). CT của Australia (2015) cũng không quy định tác phẩm cụ thể cần dạy mà chỉ nêu yêu cầu về năng lực cần đạt; ví dụ: “So sánh và đánh giá được cách thể hiện của cá nhân hoặc nhóm tác giả trong bối cảnh văn hóa, xã hội khác nhau”…

Tôi biết rất cần học nước ngoài và cũng biết đừng tưởng thấy Tây Thi cười hay khóc mà mình cũng bắt chước khóc hay cười. Tôi biết giáo viên mình còn khổ lắm và cũng biết trình độ của giáo viên ta thế nào, năng lực và phẩm chất của cán bộ quản lí GD ra sao. Tôi biết GD nước mình còn nhiều điều tệ lắm và cũng biết nhà nước quan tâm đến GD thế nào. Tôi biết từ nói đến làm, từ chủ trương chính sách đến vận dụng thực hiện là… xa lắm. Và cũng biết lãnh đạo nước mình khác lãnh đạo của nhiều nước phát triển đến thế nào.

Tôi biết rất nhiều người không tán thành việc dự thảo CT ngữ văn mới chỉ bắt buộc sáu tác phẩm và đề nghị phải qui định hầu hết các tác phẩm bắt buộc. Tôi cũng biết nhiều người trong số đó vẫn hiểu CT theo cách cũ; chẳng đọc một văn bản CT nào gần đây của nước ngoài, cũng không phân biệt CT với SGK, chỉ lõm bõm nghe đâu đó, nhưng mà nói rất to, to lắm.

Tôi biết những gì như trên đã kể và cũng biết, cũng hiểu “cái nước mình nó thế”, nhưng mà cứ băn khoăn tự hỏi: Thế thì đến khi nào mới hội nhập được đây?

Thôi thì bụng thầm bảo dạ: định mở cửa để hội nhập chẳng được, đành cố gắng mở he hé vậy.

HN 10-4-2018 (viết trong lúc sửa dự thảo CT Ngữ văn)

Comments are closed.