Trần Huy Quang và nỗi niềm đau đáu về thân phận con người

Sen Hoa

Tôi bàng hoàng nghe tin chiều nay nhà văn Trần Huy Quang đã rời bỏ thế giới này để đến một miền nào đó xa thẳm chỉ có trong trí tưởng của con người. Anh ra đi lúc hoàng hôn, hồn anh giờ đây có lẽ đang phiêu du theo những áng mây chiều về phía mặt trời lặn. Tôi lặng người, nhớ lại những ngày đã qua, những ký ức còn đọng lại về anh, từ thuở còn học với nhau ở Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến gần đây. Mặc dù đã nhiều năm không gặp, nhưng tôi vẫn theo dõi FaceBook của anh. Khi anh đã về nghỉ ở Quỳnh Lưu quê anh, hai anh em cũng có đôi lần trao đổi những câu chuyện đời. Vậy mà giờ đã âm dương cách biệt. Thật khó có thể chấp nhận được sự thật khi ta vừa mất đi một người anh, người bạn mà ta trân quý.

Tôi vào học khóa 19 Khoa Lịch sử năm 1974, cùng khóa với anh Quang. Khóa học này khá đặc biệt vì có rất nhiều người lính từ chiến trường về học. Họ không chỉ nhiều tuổi mà nhiều người trong số họ còn mang trên mình những vết thương và di chứng chiến tranh từ những năm tham gia quân ngũ. Họ không chỉ từng trải chuyện đời, mà còn là chứng nhân của một cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử loài người. Vậy nên trong mắt bọn học trò vừa rời ghế trường phổ thông chúng tôi, họ cũng giống như những công thần. Trong mắt tôi anh Quang là một người như thế. Anh thích học tiếng Pháp, còn tôi học tiếng Anh, là hai ngoại ngữ hồi ấy bị dán nhãn tư bản và thực dân. Điều đọng lại trong ký ức non nớt của tôi lúc ấy là các anh tham gia chiến trường về học thường hay kể về những trải nghiệm của bản thân hoặc đọc thơ, các cô nàng trong lớp nghe xong thường chơm chớp mắt trầm trồ thán phục. Cảm nhận của tôi về anh Quang thì đấy là một người cao lớn, nước da sạm màu phong sương, cặp mắt dài, nhỏ và sắc, hợp với tính cách lạnh lùng kiêu sa. Anh hay nói kiểu nhát gừng, mà cũng rất ít nói, giọng xứ Nghệ trầm nhưng không nặng, như chất chứa những điều thâm sâu ở bên trong con người. Tôi để ý khi anh cười, âm trầm đục phát ra bên trong cổ họng, có thể cảm nhận được đấy là một con người sống về nội tâm và giàu tình cảm. Hình ảnh mà tôi nhớ về anh khi còn là sinh viên là anh hay mang trên tay một quyển giáo trình tiếng Pháp in roneo bìa màu xanh, đánh vần và đọc thuộc những đoạn hội thoại, và anh hay kể về ông thầy dạy tiếng Pháp lớp anh tên là Thăng. Có hai chuyện về anh mà tôi nhớ mãi. Đó là chuyện anh chơi đá bóng, và chuyện anh khuyên tôi nên chú ý viết về thân phận các bạn đồng môn bị thói ấu trĩ một thời xô đẩy đến thân tàn ma dại.

Trần Huy Quang chơi đá bóng

Hồi ấy tinh thần thể thao ở Khoa Sử rất giống với những gì được Nguyễn Công Hoan nói đến trong câu chuyện của ông thời Tây cai trị. Hôm nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng, sau một hồi kẻng đinh tai nhức óc là cán bộ Đoàn ập đến tận giường đốc chăn màn kéo sinh viên dậy, tập hợp xong thì chạy vòng vòng quanh khu ký túc xá Mễ Trì, miệng hô to “một-hai-ba-bốn” vài lần, khởi động cho xả hết cơn buồn ngủ rồi quay lại tập bài thể dục sáng, sau đó làm vệ sinh cá nhân, phòng ở, ăn sáng rồi lên lớp. Riêng hai tổ tiếng Anh và Pháp thì mỗi tuần thường dành ra một buổi sáng chia phe đá bóng. Bên phía đội tiếng Pháp, phần nhiều là các ông già. Anh Quang người cao lớn nhưng cũng cao tuổi, sút bóng hay trượt nên được phân công chơi ở vị trí thủ môn, còn anh Trì người lùn, to và khôn lanh hay đá ở vị trí tiền vệ. Mỗi khi bị uy hiếp, anh Trì thường giơ cặp giò ngắn tũn của mình ra đỡ bóng và sút… ra ngoài. Còn anh Quang ỷ thế mình cao, tay dài nên bóng sút vào goal thì anh ấy lấy hai tay vợt bóng ra ngoài, như ta hay vợt cá vậy. Bên phía tổ Anh văn có nhiều sinh viên trẻ, khỏe và nhanh hơn. Trận đấu nào họ cũng uy hiếp đội Pháp Văn, làm cho cuộc đấu giữa hai đội bên già bên trẻ luôn ở tình trạng “derby” kinh điển. Một lần hai đội thách đấu từ tối hôm trước, và mới 5 giờ sáng hôm sau đã kéo nhau vượt rào sang bên trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội chơi một trận sống còn. Trường này có một sân chơi thể thao, cỏ mọc chỗ xanh chỗ vàng, mấp mô cao thấp khó lường, chỉ có vài ngọn đèn vàng vọt giăng trên các cây sào quanh sân, tối mù mù. Có khi bóng phát lên rồi nhưng phải căng mắt ra mới biết nó lăn đi đâu. Trận đấu thường diễn ra sớm để sau đó mọi người còn kịp về lên lớp lúc 7h. Trong một lần lên bóng, cầu thủ phía đội Anh văn tung ra một cú sút trời giáng vào cầu môn bên đội Pháp văn. Anh Quang lao ra vồ bóng, nhưng trời tối mập mờ, bóng đi quá nhanh, đập trúng vào hạ bộ anh ấy. Trong lúc tranh tối tranh sáng, mọi người chỉ nghe thấy anh ấy á lên một tiếng rồi ngã vật xuống, co quắp, ngất lịm. Cả bọn để anh ấy nằm trên bãi cỏ và cử người chạy về bệnh xá gọi cấp cứu. Cô Tuyết lúc ấy là y sỹ trực, mặc vội áo blue trắng chạy sang, nghe thấy bảo anh Quang bị bóng sút trúng chỗ hiểm thì thét lên rồi bỏ chạy. Phải một lúc lâu sau, anh Quang mới tỉnh lại, cả bọn thất thểu về đi học, trận thư hùng kết thúc không phân thắng bại.

Trần Huy Quang và thân phận con người

Còn nhớ lúc mới vào học, sinh viên lớp tôi chuyền tay nhau đọc truyện của Trần Huy Quang in trong tập “Chiếc áo màu lửa”. Anh bảo chuyện này viết khi anh còn là lính pháo binh. Suốt hơn bốn năm học anh dường như không viết gì, nhưng sau khi tốt nghiệp, anh về báo Tổ Quốc, làm một phóng viên, và có lẽ từ đây, những phận người mà anh đã gặp trong đời luôn trăn trở trong những trang viết của anh. Anh viết nhiều thể loại, phóng sự điều tra, ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, nhưng với tôi, các câu chuyện về “Vua Lốp”, “Lời khai của Bị can”, “Xin bà hãy bóc lột tôi đi” in trên Văn Nghệ những năm trước đổi mới là những trang viết gây rúng động xã hội lúc bấy giờ, đến nỗi trở thành nguồn cảm hứng cho hàng loạt ký sự sau đó của nhiều tác giả về thân phận con người, từ anh đào vàng, người nông dân, người lính, đến người thầy trước những khiếm khuyết của hệ thống. Đấy thực sự là những năm tháng mà giới làm báo và văn chương xứ ta choàng mình tỉnh giấc, rồi sau đó vài năm, lại xẹp như gián. Nhưng Trần Huy Quang không ngồi yên, anh viết truyện ngắn Linh Nghiệm (1992) như một khám phá về sự bế tắc của xã hội, và vô tình trở thành nạn nhân của một vụ án vu vạ văn chương, vô tình đưa anh lên hàng những nhà văn nổi tiếng được biết đến cả trong và ngoài nước.

Gần đây, nhân dịp kỷ niệm 40 năm chúng tôi tốt nghiệp đại học, tôi có viết vài status nhớ về những kỷ niệm với các đồng môn, có người đã mất, có người sống lay lắt trong thân phận làm thuê, có người hiền lành, có người sắc sảo, có người mưu mô xảo quyệt để đạt mục đích leo cao chui sâu. Vì mấy dòng hồi ức này, một số đồng môn nhân cơ hội lao vào ném đá, khuyên tôi đừng đụng đến những người đã khuất, hãy để cho những kỷ niệm buồn lặng lẽ ngủ yên, v.v. Một số bạn có thiên hướng tả khuynh còn chụp mũ chính trị và tẩy chay tôi. Nhưng anh Quang đọc bài viết của tôi một cách bình tĩnh, rồi anh gửi lời bình, khuyên tôi nên thu thập tài liệu và viết về những người bạn đồng môn, nạn nhân của một thời ấu trĩ. Có người vì trót đọc một bài thơ gọi đò buồn bã cô đơn mà bị phê phán chụp mũ chính trị, có cặp đôi vì yêu nhau mà bị kiểm điểm, rồi đuổi học, thành ra thân tàn ma dại, có người vì tham vọng leo cao mà dùng thủ đoạn giả dối tinh vi để gây sự chú ý về “lòng trung thành” và đạt được mục đích, v.v. Tôi đã định nghe anh, viết về vấn đề này, nhưng sau cũng nhụt chí vì bọn cơ hội giờ nhan nhản khắp nơi, họ lại vu vạ cho vài cái án thì khổ một đời…

Cách đây hơn một tuần, tôi có nghe một người bạn nói anh Quang ra Hà Nội chữa bệnh. Định rủ thêm mấy bạn học ra thăm anh. Vậy mà chưa kịp nhìn thấy nhau, đã cách xa vời vợi. Nhớ về anh, tôi luôn nhớ đến những phận đời vì sự ấu trĩ và thiển cận chính trị mà bị làm cho thất điên bát đảo…

Kính tiễn anh nhẹ bước phiêu du về chốn bồng lai tiên cảnh, sống tiếp phần hồn vì những kiếp người mà khi còn ở chốn trần gian, anh đã luôn đau đáu nghĩ về họ.

Nguồn: FB Sen Hoa

Comments are closed.