FB Son Kieu Mai
1/ Dư luận xôn xao chuyện hồi ký Trần Trọng Kim bị thu hồi. Người đoán thế này, người nói thế kia. Nhà báo Huy Đức thì dẫn bản in năm 1969 có chi tiết Hồ Chí Minh có người vợ là Đỗ Thị Lạc (chi tiết này tôi đã có 1 tút viết riêng trước rồi: Cụ Trần Trọng Kim sai. Đỗ Thị Lạc là vợ Hoàng Văn Hoan. Mộ nay còn táng ở nghĩa trang liệt sĩ xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Cần nhắc lại rằng, nhiều sử liệu và đánh giá về xã hội đương thời trong MỘT CƠN GIÓ BỤI cũng bị sai. Gạt sang một bên quan điểm chính trị và ý thức hệ thì sử liệu sai sẽ dẫn đến đánh giá sai. Chúng ta có độ lùi của thời gian và các nguồn tư liệu tham chiếu, chúng ta đánh giá khách quan hơn, khoa học hơn.
2/ Trở lại vấn đề Vì sao thu hồi cuốn Hồi ký Trần Trọng Kim?
Điều này, người đầu tiên cần hỏi là ông Chu Văn Hoà – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông). Song, tôi cho rằng, ông Cục trưởng họ Chu sẽ im lặng không trả lời.
Vậy thì phải hỏi ông Nguyễn Ngọc Bảo – Cục phó, người ký văn bản yêu cầu Nxb Hội Nhà văn đình chỉ phát hành và thu hồi cuốn sách này.
Văn bản thu hồi cuốn sách này rất khó tìm. Rất lạ là văn bản hành chính công nhưng cứ như văn bản mật vậy. Tìm ra văn bản cũng hộc mật. Đây là thực trạng chung hiện nay khi phóng viên cần tìm các văn bản hành chính công của Cục Xuất bản.
Cục Xuất bản không lạ gì tôi nhưng chưa lần nào tôi được cơ quan này gửi cho các văn bản công để đưa tin. Nhiều lần tôi gọi cho ông Long – Chánh Văn phòng nhưng rồi cũng mất hút hàng lươn. Sau nhiều lần hứa thật nhiều, thất hứa thì cũng thật nhiều, tôi chán chả muốn gọi lên Cục Xuất bản nữa.
Cách đây 2 ngày, tôi cần văn bản (lần 2) của Cục Xuất bản về tập thơ Thành phố dịu dàng thì điệp khúc chuyền bóng dọc biên được lặp lại: Anh Chánh Long chuyền bóng bổng sang chị Mai Hương trưởng phòng quản lý xuất bản; chị Mai Hương lại trả bóng về cho anh Chánh Long… Loanh quanh số 10 Đường Thành chóng hết mặt. Mà tôi vốn bệnh tim bẩm sinh, lại thêm thiếu máu não, thường xuyên khó thở nên nghe vậy là đầu hàng.
3/ Báo Công an Nhân dân đưa tin (tác giả chỉ đề PV) đã trích dẫn như sau:
“Bên cạnh đó, nội dung cuốn sách cũng có những chi tiết , đánh giá không phù hợp, không khách quan hoặc chưa được kiểm chứng. Chẳng hạn, trang 59 viết về việc thành lập Chính phủ lâm thời năm 1945 là do Thủ tướng tự chọn các Bộ trưởng “chứ không như người ta đã tưởng tượng là người Nhật Bản đã bắt tôi phải dùng những người của họ đã định trước”. Hay như trang 116 – 117 có đoạn viết “Chính phủ Việt Minh đối với ông Bảo Đại rất là đơn bạc, nhưng bề ngoài vẫn làm ra bộ thân thiện”…
Lời bình: Bây giờ định kiểm chứng thế nào? Gọi vong phỏng vấn chăng? Món đó thì nhờ các Giáo sư tâm linh ở Viện hàn lâm Đông Tác, may ra…
4/ Tôi đối chiếu với văn bản của Cục Xuất bản thì thấy rằng, cơ quan này chỉ trích dẫn, trích dẫn và trích dẫn các trang trong sách. Suốt 4 trang văn bản không hề có bất cứ đánh giá nào về những nội dung các trích dẫn ấy – nếu bị coi là sai thì sai như thế nào?
Chỗ nào là đánh giá không phù hợp, chỗ nào là không khách quan, lấy điều gì làm chuẩn để nhận định không khách quan, hoặc chưa được kiểm chứng ở chi tiết nào?
Ở đây phải nói rõ rằng, hồi ký Trần Trọng Kim bản in Phương Nam 2017 đã bị biên tập, cắt xén nhiều so với bản in Vĩnh Sơn – Sài Gòn (1969). Một câu hỏi được đặt ra là: Bản in Vĩnh Sơn 1969 có được biên tập và cắt xén không? Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Nhiều người đổ xô đi tìm mua bản Phương Nam 2017. Có vị GS ở Sài Gòn còn điện ra cho tôi nhờ mua cho 1 bản. Nhưng khi nghe tôi nói sách bị biên tâph cắt xén thì ông nói: – Vậy thôi. Tao tưởng bản in đầy đủ.
Cho nên, nếu ai đó muốn đọc bản in đầy đủ thì hãy chờ. Còn bổ nhào đi săn bản Phương Nam 2017 thì chỉ gặp một cụ Trần Trọng Kim nham nhở mà thôi.
5/ Một lý do được Cục Xuất bản nêu trong văn bản yêu cầu thu hồi đó là: Nxb đăng ký thể loại THƠ VĂN nhưng nội dung cuốn sách khi xuất bản không đúng thể loại.
Tôi cho rằng đây là VÕ ĐOÁN. Chẳng có chỗ nào để Cục Xuất bản khẳng định được đây không phải là sách THƠ VĂN hết. Tôi dẫn ra vài dấu hiệu nhận biết nhé:
– Bìa sách và bìa lót viết: MỘT CƠN GIÓ BỤI (Kiến Văn Lục).
Tên sách như thế thì THƠ VĂN quá còn gì. Có chăng là giàu tính thơ văn mà thiếu tính đảng. Muốn có tính đảng thì phải đưa đồng chí tác giả này đi học lớp đoàn viên ưu tú, rồi cho học lớp cảm tình đảng, nếu thấy tiến bộ và có đơn xin vào đảng thì chi bộ tổ chức kết nạp đồng chí Trần Trọng Kim. Tất nhiên bây giờ đồng chí ấy không còn nữa thì thôi đành chịu vậy vì chẳng thể nào kết nạp truy tặng được.
– Ngay Đề từ cụ Trần Trọng Kim dẫn 2 câu thơ Đường: “Liêu lạc bi tiền sự/ Chi ly tiếu thử thân”. Cụ tự dịch là: Quạnh hiu buồn nỗi trước kia/ Vẩn vơ chuyện vặt, cười khì tấm thân”.
Như thế, ý cụ muốn nói rằng, cái món Kiến Văn Lục này của tôi ấy nó là CHUYỆN VẶT vì thế tôi mới đặt cho nó là MỘT CƠN GIÓ BỤI.
Vậy là đúng với đăng ký đề tài của NXB Hội Nhà văn quá còn gì nữa.
– Vì cụ Lệ Thần gọi là vẩn vơ chuyện vặt cho nên những chuyện vặt ấy nó giống như các thể loại tiểu thuyết ở ta ấy, bây giờ nó có cái món gọi là tiểu thuyết phi hư cấu ấy; trước đó thì những cái cuốn như Lều chõng của Ngô Tất Tố, Bút nghiên và Bóng nước Hồ Gươm của Chu Thiên ấy cũng chỉ là tiểu thuyết thôi. Còn ngó sang các chính khách viết truyện/tiểu thuyết thì có “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” (Trần Dân Tiên – chưa rõ đây có phải là bút danh của Hồ Chí Minh hay không. Tôi viết điều này với trách nhiệm của người có đọc sách chút ít về Hồ Chí Minh và bằng phương pháp văn bản học thì cho đến nay mới chỉ tìm thấy bản thảo mực tím, so thủ bút thì là của ông Bảy. Nhiều người nói đó là bút danh của Hồ Chí Minh nhưng không có căn cứ xác thực để khẳng định được điều này. Tôi nhắc lại, bản thảo tiếng Pháp là chữ viết tay của ông Bảy); hay Ông Cụ dùng bút danh T.Lan viết “Vừa đi đường vừa kể chuyện” thì cũng chỉ là chuyện vặt thôi. Có khi ở bên kia hai ông cụ đang vừa câu cá vừa cười nhạo cái đám hậu sinh lắm chuyện.
Chốt lại ý cuối cùng, về nhân thân tác giả thì không phải lý do để thu hồi. Sách của cụ Trần Trọng Kim vẫn được tái bản thoải mái từ Việt Nam sử lược, Nho giáo…
P/s: Giờ bác nào tái bản MỘT CƠN GIÓ BỤI mà in toàn văn không cắt, tôi sẽ làm biên tập, cước chú các sử liệu cụ Trần Trọng Kim sai đàng hoàng phía dưới. Bạn đọc bây giờ phải hướng đến những ấn phẩm có bề dày làm sách công phu như vậy. Chứ còn đọc sách theo lối hàng chợ thì cần quái gì mua sách in mới hiện nay, lên mạng gõ Google là ra, xong in A4 xuống mà đọc, khỏi lo bị cắt xén.
Trộm vía, các thánh làm sách bây giờ có khi chữ tác lườm chữ tộ, lợn lành chữa thành lợn què, đọc còn tăng xông nữa, kiểu như Hoàng Anh Sướng ca ngợi Trần Đăng Khoa lên mây xanh và Trần Đăng Khoa cũng đề tựa cho sách của Hoàng Anh Sướng phải vào trường học. Cơ mà, cái câu đơn giản nhất các cụ răn dạy: Đau bụng uống nhân sâm… chết chắc, thì nó lại lù lù trong sách./.