Văn hóa và Phát triển (kỳ 1)

Đặng Văn Dũng

(Bài 1) BỊ PHÁP ĐÔ HỘ CHƯA CHẮC ĐÃ LÀ ĐIỀU XẤU NHẤT!

Cứ giả thử vua quan nhà Nguyễn tiếp tục cai trị thì với lối bảo thủ của người Việt và văn hoá Việt đã chắc gì làm được như người Pháp đã làm đối với Việt Nam; chắc gì năm 1902 đã có cầu Long biên?!

Một hệ quả vô cùng quan trọng của nền đô hộ Pháp đối với Việt Nam là làm cho quá trình thoát Á, thoát Trung dễ dàng hơn. Chính ra quá trình này cần tiếp tục cho đến ngày nay.

Có dân tộc luôn biến thua thành thắng như người Nhật. Năm 1858, người Nhật biết sẽ thất bại nếu đối đầu với chiến hạm của đô đốc Perry nên họ đã mở cửa đất nước, tự cường, thoát Á nhập Âu, biến thua thành thắng!

Sau năm 1945, người Nhật đại bại đến mức phải chấp nhận cả hiến pháp do người Mỹ chiếm đóng soạn nhưng người Nhật nhận thấy nền dân chủ mà người Mỹ áp đặt là cả một bước tiến lớn lao mà tự dân tộc Nhật bản không tạo ra được (cũng như tự dân tộc Việt không thể thoát Trung). Sự sáng suốt này đã giúp cho dân tộc Nhật biến thua thành thắng trở thành nền kinh tế phát triển lớn mạnh thứ 2 trên thế giới.

Chính ra dân tộc Việt cũng có cơ hội và có thể biến thua thành thắng nhưng than ôi! thói nông nổi và lười suy ngẫm cố hữu của dân tộc này luôn biến thắng thành thua!

Tiếc thay! nhưng nghĩ cũng đáng đời!

Screenshot 2022-12-31 190322

Tác giả Đặng Văn Dũng

(Bài 2) CHỮ VIẾT CHO DÂN TỘC!

Nền nho học kiêu ngạo học mót từ Tàu đã thực sự che mắt tầng lớp trí thức Việt Nam nên họ đã không làm được như người Cao ly tạo ra chữ viết để ghi tiếng nói của dân tộc mình.

Người Việt tạo ra chữ Nôm nhưng để biết chữ Nôm phải thông thạo chữ Hán vì chữ Nôm còn phức tạp hơn chữ Hán; mà học chữ Hán là phải tiếp thu cả nền văn hoá Hán. Thật là một vòng luẩn quẩn.

Khi định làm chữ viết cho người Mông Cổ vua Thành Cát Tư Hãn đã không chọn chữ Hán mà chọn chữ Duy Ngô Nhĩ, là thứ chữ cái ghi âm, có nguồn gốc từ chữ Aram ở Siria. Chữ Cao Ly cũng có nguồn gốc từ chữ Duy Ngô Nhĩ. Chữ Hán là thứ chữ biểu ý là chủ yếu, phần hài âm khá thô sơ, hay mượn những chữ có âm ná ná để thay thế thành ra khó biểu âm, vừa không đầy đủ, chính xác.

Xung quanh dân tộc Việt, ngoài người Hán còn các dân tộc khác đã có chữ viết từ lâu như người Champa, người Khmer, người Thái – Lào… Thế mà trong suốt chiều dài lịch sử không hề có một trí thức nào, một học giả nào tò mò tìm hiểu xem các dân tộc này họ sử dụng văn tự thế nào, hay dở ra sao. Tôi đã đọc cuốn Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn, một người có thể nói là hay tìm hiểu nhất trong các nhà Nho VIệt Nam, nhưng trong phần “Ngữ văn” của cuốn sách này ông ta cũng chỉ nói linh tinh về chữ Hán mà không có một lời nào về các thứ chữ khác (lúc đó đã lưu hành chữ quốc ngữ trong cộng đồng Công giáo Việt Nam).

Thật là mù quáng, hời hợt! Tầng lớp trí thức Nho giáo bịt tai, bưng mắt quỳ rạp xuống trước các thành tựu của văn hoá Hán mà không biết đặt nền móng cho nền văn hoá dân tộc. Họ biết được một tẹo kinh sử Tàu mà đã tưởng là ghê gớm.

Kỳ diệu thay, người Việt không tìm đến văn minh thì nền văn minh tự tìm đến người Việt. Các giáo sỹ thừa sai (Francisco de Pina, G. do Amaral, Alexander de Rhode …) do nhu cầu khai giảng đạo lý đã dùng chữ La Tinh để ghi âm tiếng Việt. Hàng thế kỷ trôi qua, chữ Quốc ngữ lẩn khuất trong cộng đồng Công giáo với sự khinh thị, dè bỉu và đàn áp của phần còn lại trong xã hội. Tân tiến như cụ Nguyễn Trường Tộ mà khi đề xuất cải cách chữ viết cụ cũng không dám đả động đến chữ quốc ngữ mà chỉ đề nghị dùng chữ Hán đọc theo âm Việt (Thí dụ, chữ 天, không đọc là “thiên” nữa mà đọc thẳng là “trời”).

Cuối cùng, nền đô hộ Pháp đã sử dụng chữ Quốc ngữ vì thấy nó quá tiện dụng. Điều này đã gợi ý cho các chí sỹ Đông kinh nghĩa thục, học tập người Nhật, hô hào dùng chữ Quốc ngữ thay thế nền Nho học đang lụi tàn.

Kiếm một thứ chữ để ghi tiếng nói dân tộc thật là gian nan!

Thật là:

Tính năm sinh đã bốn nghìn dư

Bước tiến hoá lừ đừ sau mọi kẻ!”(TĐ)

Âu đành vậy! Cũng là số kiếp của dân tộc “nước đến chân mới nhảy” chứ sao!

Đ.V.D

(Còn tiếp)

Comments are closed.