Gần ba thập kỷ miệt mài nghiên cứu Phan Khôi và một cuốn sách đáng giá

 Nguyễn Thị Bích Hậu

 

Đây là một cuốn sách quý bởi vì nó chính xác là những gì mà những độc giả quan tâm tới Phan Khôi. Cuốn sách là một bước tiến mới trong công cuộc nghiên cứu dài 27 năm đằng đẵng của Lại Nguyên Ân.

Tìm hiểu tác gia Phan Khôi của nhà phê bình và nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản, vừa phát hành dịp cuối năm 2023, dày 520 trang.

Đây là một cuốn sách quý. Bởi vì nó chính xác là những gì mà những độc giả quan tâm tới Phan Khôi, hay các nhà nghiên cứu về Phan Khôi và văn chương – báo chí Việt từ đầu thế kỷ 20 tới những năm cuối thập niên 1950 cần tìm đọc.

Cuốn sách này là một chuyên đề nghiên cứu nhằm luận giải khá đầy đủ và chính xác về tác gia Phan Khôi và sự nghiệp của ông. Nó chính là một bước tiến mới trong công cuộc nghiên cứu dài 27 năm đằng đẵng của Lại Nguyên Ân.

 

Nhà phê bình và nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân.


 

Dấu mốc của 27 năm này, kể từ những năm giữa thập niên 1990 tới nay, ông đã in tổng cộng 16 cuốn sách. Trong đó vô cùng công phu là Bộ sưu tập Tác phẩm đăng báo của Phan Khôi, với 12 tập dày hơn 7.600 trang in. Thêm vào đó là 3 tập sách chuyên đề khác có độ dày tổng cộng 1.577 trang bám theo các chủ đề Phan Khôi với ảnh hưởng Khổng giáo ở nước ta, Phan Khôi với vấn đề phụ nữ ở nước taPhan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn.

Sau khi hoàn tất bộ sưu tập và 3 cuốn sách chuyên đề này, bài toán đặt ra cho Lại Nguyên Ân chính là ông cần viết ít nhất một cuốn sách chuyên luận mang tính tổng quan về Phan Khôi. Nó có thể coi như một kết quả chung của 27 năm miệt mài theo đuổi việc nghiên cứu Phan Khôi.

Và cùng với sự động viên của bè bạn, ông đã bắt tay vào viết cuốn Giới thiệu tác gia Phan Khôi khi đã ngoài 70 tuổi. Sách đã hoàn tất cách nay 3 năm. Nhưng sau nhiều khó khăn, cho tới nay sách mới có thể ra mắt độc giả. Trong khi Lại Nguyên Ân chỉ còn ít tháng nữa là bước qua tuổi bát thập (tuổi ta).

Cuốn sách cho ta hiểu khái quát cuộc đời và sự nghiệp của Phan Khôi theo trình tự thời gian, từ khi ra đời, đi học, trở thành nhà báo. Ta có thể tìm thấy từng chặng đường đời của Phan Khôi trong nghiệp cầm bút cũng như các bài nghiên cứu chuyên sâu chọn lọc về sự nghiệp của Phan Khôi của tác giả từ 2005 tới nay. Phần cuối cùng là các bài báo viết về công việc của Lại Nguyên Ân và một số bình luận khác.

Công trình của đời người

Cảm tưởng đầu tiên của tôi là Lại Nguyên Ân đã làm được một công trình rất lớn cho văn học và báo chí Việt Nam. Và người mà chúng ta có thể nghĩ tới đầu tiên để so sánh chính là nhà sử học, giáo sư Chương Thâu, người đã bỏ cả cuộc đời ra để sưu tập tác phẩm và nghiên cứu chuyên sâu về chí sĩ Phan Bội Châu.

Vì sao những nỗ lực của Lại Nguyên Ân lại đáng giá như vậy? Là vì ông đã bỏ tâm sức ra nghiên cứu về tác gia Phan Khôi trong một điều kiện vô cùng đặc thù mà các nhà khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới khó lòng mà hình dung ra được.

Thông thường trên thế giới, với một danh nhân văn hóa như Phan Khôi và một lượng tác phẩm đồ sộ cần sưu tập, tuyển chọn, sắp xếp, nghiên cứu như vậy, sẽ trở thành một dự án văn hóa lớn của một viện đại học, hay của một tỉnh thành, thậm chí quốc gia mà ngoài sự dẫn đầu của Lại Nguyên Ân sẽ có nhiều nghiên cứu sinh tham gia. Và dự án này có thể sẽ nhận được tài trợ hàng triệu đô la Mỹ để có đủ nguồn lực về nhân sự cũng như vật chất và cơ sở hạ tầng nhằm thực hiện tốt nhất. Thậm chí khi làm xong thì có thể công bố công trình ở trong và ngoài nước. Nó có thể là một đề tài cho những nhà nghiên cứu trẻ để bảo vệ thành công các luận án tiến sỹ.

Cuối cùng thì chân dung của Phan Khôi đã hiện ra rõ nét qua mọi tài liệu khá đầy đủ của Lại Nguyên Ân mà từ đó chúng ta để có thể nghiên cứu ngày càng sâu hơn về ông.

Tuy nhiên ở Việt Nam, dự án này chỉ hoạt động chủ yếu vì sự đam mê và yêu thích của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân. Ông phải tự bỏ tiền và công sức ra làm mọi thứ từ a tới z. Và chính ông phải vật lộn để giải quyết vấn đề nan giải vì sự thiếu thốn của các thư viện nghiên cứu cũ kỹ của ta. Trong khi việc số hóa thư viện vẫn còn rất chậm chạp. Và các tài liệu là báo chí Quốc ngữ từ 1917 tới nay phần lớn đã nát, cũ mủn. Do đó công việc bắt đầu với những hành trình đầy khổ ải như phải tìm cho đủ các số báo cũ đó (mà có thể thiếu trước hụt sau), sau đó đọc tất cả để tìm ra từng bài của Phan Khôi (mà có bài thì viết đúng tên ông, có bài mang nhiều bút danh khác nhau). Trong khi Phan Khôi viết cho 33 tờ báo, tạp chí, sách chuyên đề khác nhau và trung bình mỗi năm ông viết cỡ 1.000 trang. Thành thử tìm được toàn bộ những gì cần tìm là vô cùng vất vả.

Kế đó Lại Nguyên Ân đem thuê đánh máy, hay phải đích thân mày mò đánh máy lại. Sau đó ông mới phân loại, sắp xếp, nghiên cứu và rút ra các ý tưởng hữu ích. Trong cùng lúc, ông phải làm hết công việc được giao ở nơi làm việc đang lãnh lương như một biên tập viên của nhà xuất bản và lo chăm sóc gia đình như một người cha bình thường.

Một số sách đã xuất bản tập hợp từ các tác phẩm của Phan Khôi.


 

Chưa hết, Lại Nguyên Ân còn phải chiến đấu từng ly từng tí để tìm ra giải pháp giúp từng đầu sách có nơi đầu tư kinh phí in ấn và phát hành. Dù một vài cuốn đầu là nằm trong đặt hàng của Nhà xuất bản Đà Nẵng nhưng càng về sau càng khó. Bởi vì đây là dạng sách hữu ích, dùng cho nghiên cứu học thuật bền vững, nhưng không có tính thị trường. Trong khi từ 1992, kể từ khi ông bắt đầu dự án này tới nay, sách thị trường bán chạy mới được các nhà sách ưu ái.

Trong khi đó, Phan Khôi từng nhiều năm là nhân vật gây tranh cãi. Và danh tiếng của Phan Khôi đã từng lao dốc sau vụ Nhân văn giai phẩm năm 1957. Vì vậy nên kể từ đó tới khoảng 40 năm sau, không có mấy ai công khai quan tâm, nghiên cứu, viết bài về ông, cả trong giới học thuật cũng như các độc giả thông thường. Vì vậy càng để lâu thì thông tin càng chìm xuống. Những nhân chứng biết về Phan Khôi lần lượt qua đời, những sách vở và các bài báo của Phan Khôi có thể hư hỏng toàn bộ nếu không may bị thiên tai địch họa hay đơn giản là bị phá hoại bởi mối mọt cũng như khí hậu nhiệt đới ở xứ ta.

Vậy nên dự án này ngốn hết 27 năm của cuộc đời Lại Nguyên Ân.

Trăng tàn mà lại thêm tươi

Có thể nhiều người đã cười chê Lại Nguyên Ân như thể một kẻ điên rồ không biết tận dụng các cơ hội dễ dàng hơn, thoải mái hơn.

Nhưng có không ít người tôn trọng những công sức của ông, và hết lòng giúp đỡ ông. Mấy chục bạn bè, các nhà nghiên cứu, thân nhân của gia đình Phan Khôi, những người làm sách, các nhà xuất bản, và cả một quỹ văn hóa đã hỗ trợ và động viên ông rất nhiều.

Và quan trọng hơn, Lại Nguyên Ân đã làm việc cật lực mà không tính đếm, là vì ông quá yêu Phan Khôi, ông muốn là người tiên phong trong việc tìm kiếm các giá trị, và đưa ra các ý tưởng nghiên cứu hữu ích về danh nhân văn hóa này.

Nhưng cái hay là khi Lại Nguyên Ân chỉ cần mở hé một cánh cửa, là sau đó có bao nhiêu cánh cửa khác được mở ra.

Ông đã lặn lội không biết bao nhiêu lần trong mấy chục năm ròng tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (trong khi việc tiếp xúc với sách báo cũ rất hại cho người mắc bệnh hen suyễn như ông). Ông cũng từng lặn lội qua Mỹ một tháng với sự giúp sức của vợ chồng nhà nghiên cứu, giáo sư sử học Peter Zinoman để đọc và chụp lại các tư liệu quý giá về sách báo thời Pháp của Việt Nam tại thư viện của Đại học Berkely tại tiểu bang California cũng như tại thư viện Đại học Cornell, tiểu bang New York.

Và sau đó ông trở lại quê nhà với mấy chục ký lô giấy A4 tài liệu photocopy.

Bìa cuốn sách Tìm hiểu tác gia Phan Khôi. Ảnh: NetaBooks


 

Thật ra trong gần ba thập kỷ Lại Nguyên Ân làm việc, vẫn có một số tác giả và nhà nghiên cứu tiếp tục viết các bài báo, cuốn sách, tập tiểu luận về Phan Khôi. Nhưng rõ ràng với một tác gia đồ sộ như Phan Khôi, mọi việc chỉ dễ dàng hơn nếu có một sưu tập đầy đủ các tác phẩm của ông và những gì liên quan. Nếu không có sự đầy đủ này, có rất nhiều nhận định, phán đoán có thể sai lầm, có thể tam sao thất bản.

Và cuối cùng thì chân dung của Phan Khôi đã hiện ra rõ nét qua mọi tài liệu khá đầy đủ của Lại Nguyên Ân mà từ đó chúng ta để có thể nghiên cứu ngày càng sâu hơn về ông. Như thể “trăng tàn mà lại thêm tươi- hoa tàn mà lại hơn mười rằm xưa”.

Lại Nguyên Ân đã tìm thấy một Phan Khôi không chỉ là nhà báo, mà còn là nhà văn, nhà tư tưởng, một học giả. Ông còn làm thơ, nghiên cứu ngôn ngữ, là một nhà Hán học tinh thông, một nhà nghiên cứu và phê bình văn học và là một dịch giả xuất sắc.

 

Lại Nguyên Ân quả thực là một nhà tiên phong về đề tài Phan Khôi. Bằng quyết tâm và nghị lực vô song, bằng sự thông thái cùng cảm quan cấp tiến sâu sắc, Lại Nguyên Ân đã hoàn thành được dự án khổng lồ này”

Giáo sư tiến sĩ sử học Mỹ Peter Zinoman

Vừa là con người duy tân theo tinh thần Phan Châu Trinh, trên lãnh vực báo chí và văn chương, Phan Khôi vừa đóng một vai trò vô cùng quan trọng khác mà không một nhân vật nào trong thời đại của ông thay thế được, đó là vai trò của một trí thức phản biện. Và vì vậy, dù Phan Khôi cùng với các học giả Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng… tạo ra một nền tảng văn hóa chung cho thời đại mà họ sống, nhưng “sự phản biện của ông thường đem lại chiều sâu mới cho tri thức”.

Vì vai trò phản biện đó, Phan Khôi đã từng tạo ra các cuộc tranh luận đầy sóng gió và thậm chí cả các cuộc cách mạng trên trường văn trận bút. Mà cuộc nào cũng vang dội cả. Ví như  năm 1929, Phan Khôi đã giúp Nhật báo Thần Chung mở cuộc thi về Quốc sử, phổ biến công trạng của 30 nhân vật lịch sử xuất sắc Việt Nam trong bối cảnh dân ta đang làm nô lệ cho Pháp. Năm 1932, ông châm ngòi cho phong trào Thơ Mới làm cho Thơ Mới lấn luôn sân Thơ Cũ. Năm 1930, ông tranh luận với Trần Trọng Kim về vấn đề Nho giáo. Cùng năm 1930, ông tranh luận về vấn đề Truyện Kiều với Phạm Quỳnh và Huỳnh Thúc Kháng…

Cuốn Tìm hiểu tác gia Phan Khôi, và toàn bộ công trình nghiên cứu công phu về Phan Khôi của Lại Nguyên Ân thật sự quý giá. Nó là một đóng góp quan trọng cả về chất lượng công trình lẫn phương pháp làm việc khoa học cho nền khoa học xã hội còn nhiều vấn đề khiếm khuyết ở nước ta hiện nay.

Giáo sư tiến sĩ sử học Mỹ Peter Zinoman, Trưởng khoa Lịch sử của Đại học UC Berkeley danh giá của Mỹ đã nhận định: “Đây là một công trình thực sự đồ sộ về học thuật, văn chương và lịch sử… Lại Nguyên Ân quả thực là một nhà tiên phong về đề tài Phan Khôi. Bằng quyết tâm và nghị lực vô song, bằng sự thông thái cùng cảm quan cấp tiến sâu sắc, Lại Nguyên Ân đã hoàn thành được dự án khổng lồ này.”

 

Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/gan-ba-thap-ky-miet-mai-nghien-cuu-phan-khoi-va-mot-cuon-sach-dang-gia-42148.html

Comments are closed.