Nhật ký Sài Gòn lockdown (kỳ 13)

Đỗ Duy Ngọc

lockdown

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ BA MƯƠI CHÍN

Hôm nay dù cái gọi là “di biến động dân cư” không còn được thi hành nữa vì đã gây ùn ứ xe cộ trên các giao lộ có chốt chặn. Tuy nhiên, sáng nay, nhiều con đường vẫn kín xe ùn tắc vì kiểm tra giấy đi đường. Nguyên nhân là siết chặt thời hạn giấy đi đường khiến nhiều người dân buộc phải quay đầu xe. Lực lượng chức năng giải thích cho người dân giấy ra đường chỉ có hiệu lực trong 7 ngày gây bất ngờ cho mọi người vì hầu hết người dân cho rằng chưa được thông báo là giấy ra đường có hiệu lực chỉ trong 7 ngày nên không thể chủ động. Điều đó cho thấy rằng, trong các đợt giãn cách, không biết bao nhiêu là thông báo, bao nhiêu là chỉ thị, bao nhiêu là yêu cầu khiến cho dân cứ rối tinh lên, chẳng biết đường nào mà chuẩn bị. Không phải ai cũng có điều kiện theo dõi, ai cũng có phương tiện để nắm rõ những thay đổi xoành xoạch của các ban bệ nhà nước. Hết Uỷ ban đến công an, hết y tế đến công thương, hết tiêm chích, xét nghiệm đến thông báo đi siêu thị, mỗi bộ phận một kiểu, chẳng thống nhất lại nhiều khi tréo ngoe với nhau. Nội cái mã code không thôi người dân cũng đã rối trí rồi. Lại thêm là mã chích ngừa, mã sổ sức khoẻ điện tử, mã Bluezone, mã di biến động dân cư, mã xe chở hàng, mã cho shipper… không biết sắp tới còn cái mã code nào không nữa. Tại sao không thống nhất một Ban chống dịch của thành phố quy tụ các thành phần liên quan, mọi biện pháp, chỉ thị, yêu cầu đều do ban này đồng thuận để ra một thông báo chung và người dân chỉ cần tuân theo nội dung của ban ấy. Tránh cảnh trống đánh xuôi, kèn thổi ngược như hiện nay.

Tình trạng các văn bản thay đổi liên tục xuất phát từ việc thực hiện giãn cách thiếu chuẩn bị và thiếu tầm nhìn. Người đưa ra văn bản và bộ phận trợ lý thiếu tầm và thiếu tư duy nên văn bản khi đưa ra thực hiện không khả thi và có nhiều lỗ hổng đành chỉnh sửa và ra văn bản tiếp. Nhưng thực chất văn bản kế tiếp đó cũng không phù hợp thực tế và cũng không triển khai được. Tiếp nữa, nhiều văn bản, thông báo thiếu cụ thể, nhiều chữ nhưng chung chung khiến bộ phận thi hành ở dưới xử lý theo cảm tính, cửa quyền, lạm dụng quyền lực và tuỳ tiện. Một quyết định sai, hàng triệu người lãnh hậu quả. Cho nên văn bản trong thời gian nước sôi lửa bỏng này phải rõ ràng, khoa học và khả thi. Tránh những kiểu đánh trống bỏ dùi và hô khẩu hiệu. Tất cả những hạn chế đó cuối cùng người dân là nạn nhân. Rất nhiều chủ trương, chính sách của thành phố vừa qua bị những hạn chế này khiến dân tình thêm lao đao.

Ngày hôm qua ở thành phố đã có hàng ngàn người tìm cách về quê bằng xe gắn máy đợt hai dù chính phủ đã ra chỉ thị cấm và thành phố yêu cầu ai ở đâu ở đó. Đoàn người bị chận lại và đêm hôm qua rất nhiều người trong đoàn đã ngủ qua đêm trên hành lang xa lộ. Nhìn những người nằm vạ vật bên đường trong đó có cả người già, phụ nữ và trẻ em, ai lại không thấy đau lòng. Cũng may là không xảy ra tai nạn, nằm lề đường kiểu này lúc đang đêm rất dễ gây ra cảnh chết người.

Họ còn biết về đâu? Lớp thì bị chủ nhà đuổi vì không còn tiền trả tiền thuê, người thì đã đành thu xếp lại để quy hương. Còn đâu chốn để trở về lại. Thì đành nằm giữa xa lộ này thôi. Cũng cám ơn trời đêm qua không mưa, lỡ có mưa không biết họ xoay xở thế nào nữa? Nhưng sương đêm, gió lạnh và không khí trong mùa dịch. Không biết đêm qua không biết rồi có ai phải dính dịch không? Còn 30 ngày nữa, ba mươi đêm nữa họ phải sống làm sao giữa đất trời như thế? Thật ra họ cũng đâu muốn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất như vậy, ai không muốn có giường có chiếu, ai lại không muốn có một mái nhà che thân. Nhưng hoàn cảnh buộc họ không còn chọn lựa nào khác. Họ phải tháo chạy để khỏi phải đói, khỏi phải thấy cái chết đang rình rập. Trong cơn dịch này, tầng lớp người dễ bị dính nhất là họ, nên họ phải lìa bỏ thành phố này để trở về.

Lần quay về lần trước nhà nước đã có đề nghị cứu trợ

khẩn cấp nhưng rồi đã ra lệnh chấm dứt từ 1.8.2021. Mà ngay lần trước việc cứu trợ cũng không hiệu quả và nhiều nơi không đúng đối tượng vì nhiêu khê về thủ tục. Đứng trước tình cảnh của hôm nay, đề nghị chính phủ nên có biện pháp hỗ trợ cho đồng bào. Có thể tổ chức lại những chuyến xe tình nghĩa, có thể trợ cấp không qua các thủ tục rối rắm để họ có thể an tâm ở lại chờ ngày cuộc sống trở lại bình thường. Những người dù chỉ là tạm trú cũng nên được chích ngừa và được bình đẳng trong việc hỗ trợ lương thực cũng như khi vào bệnh viện. Đó không những là trách nhiệm của người lãnh đạo mà còn là nghĩa đồng bào. Sáng hôm qua 15.8, thành phố tổ chức lễ “Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống dịch và ra mắt Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh”. Trong buổi lễ, Phó Bí thư Phan Văn Mãi có phát biểu: Với tinh thần “lấy sức dân chăm lo cho dân”, TP đã kêu gọi và nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ đầy nghĩa tình từ khắp nơi trong cả nước. Câu nói “lấy sức dân chăm lo cho dân” gây cho dân thêm nỗi lo âu. Giãn cách kéo dài, đời sống của nhân dân càng lúc càng khó khăn, nhất là tầng lớp nhân dân lao động nghèo. Dân còn sức đâu mà lấy chăm cho dân. Bản thân từng gia đình còn phải vật lộn với miếng cơm manh áo hàng ngày không còn phương sinh kế, sức còn đâu nữa. Đây là dịp mà các doanh nghiệp lớn ra tay giúp dân. Cũng là cơ hội những cán bộ ở biệt phủ, đi xe đắt tiền, ăn chơi phung phí, tiền bạc, đô la, hột xoàn đầy túi nên mở hầu bao, két sắt giúp dân, cũng là một dịp để trả nợ cho dân. Hay là quý vị đã đem mua thẻ xanh, mua lâu đài, mua trang trại và cho vào trương mục nước ngoài hết rồi. Trải qua mấy cơn dịch, chưa thấy cán bộ nào bỏ tiền giúp dân một cắc bạc nào. Chỉ thấy mấy tên lợi dụng cơ hội mua bán nâng khống giá kiếm tiền. Lại cũng thấy nhiều quan an nhàn vác gậy đánh golf, hẹn hò tình tự ngoài luồng, ăn nhậu say khướt. Sống chết mặc bây. Tao có tiền tao có quyền. À mà giờ có tin báo đăng ông bà cán bộ nào đó bỏ tiền túi ra làm từ thiện chắc mọi người sẽ không tin đâu nhỉ!

Thời chiến tranh, không có dân lấy đâu có chiến thắng để có chức tước, tài sản như bây giờ. Khi nắm được chính quyền có mấy quan còn nghĩ đến dân, đến những người hi sinh thân mình, tài sản của mình để góp phần làm nên chế độ. Bây giờ, trong cơn hoạn nạn lại đòi lấy sức dân. Đây là lúc nhà nước thể hiện tinh thần vì dân, lo cho dân hợp tình, hợp lý nhất.

Từ hồi đại dịch đến nay, biết bao tổ chức, biết bao cá nhân đã hết lòng với dân nghèo. Một anh thanh niên 30 tuổi suốt ngày rong ruổi trên mọi nẻo phố để tặng cho những người nghèo hè phố những ổ bánh mì, những hộp khẩu trang, những chai dầu gió với những lời nói rất chân tình và vui nhộn. Khi ca nhiễm mới vẫn không ngừng tăng cao, số tử vong mỗi ngày một nhiều hơn. Không chỉ chết ở các bệnh viện mà số người qua đời ở ngay tại nhà cũng rất nhiều. Đa số người chết tại nhà ở trong các khu lao động nghèo, không có tiền và phương tiện để lo hậu sự và đem thiêu. Trong những khó khăn như thế, tình người và tinh thần đùm bọc lại có dịp phát huy khi gia đình có người qua đời vì dịch bệnh, nhóm hỗ trợ mai táng 0 đồng của chị Giang Thị Kim Cúc và các cộng sự đã rong ruổi trên nhiều tuyến đường của Sài Gòn giúp đỡ mai táng cho những hoàn cảnh không may qua đời trong thời gian này. Nhóm mai táng 0 đồng sẽ hỗ trợ trọn gói miễn phí 100% cho những bệnh nhân xấu số mắc bệnh dịch có hoàn cảnh khó khăn, từ khâu khâm liệm tới lúc mang tro cốt về cho gia đình hay gửi lên chùa. Có nhìn thấy những clip và hình ảnh công việc của nhóm người ta mới thấy tình người đẹp biết bao và nhiều người xem họ như Bồ Tát giữa đời thường. Bất kể ngày đêm, bất kể ở khu vực nào, khi có cuộc gọi, tất cả đều lên đường. Có nhiều người chết ở trong hẻm nhỏ chỉ một người qua lọt, có người chết trên tầng trên của một căn nhà chỉ 1.2 mét chiều ngang. Xác không mang xuống được, cả đội phải kê ván, ghép cây làm cầu thang ở hành lang để mang xác xuống. Các khâu tìm áo quan, tẩm liệm, đem thiêu với các thủ tục giấy tờ nhóm đều lo tất cả. Nhóm của chị Cúc có 5 thành viên là nữ, và 8 thành viên nam, mỗi người đều được phân một nhiệm vụ khác nhau. Họ có sợ không? Họ có ngại nhiễm bệnh không? Có chứ! Dù khi bắt tay vào công việc, ai cũng phải trang bị cho mình bảo hộ đầy đủ để tránh nhiễm dịch bệnh. Họ thuộc nhiều thành phần khác nhau, có người kinh doanh, có người tiếp viên máy bay, có người đang làm việc nhà nước, có kẻ làm ăn tư nhân nhưng họ cùng đồng lòng trong việc lo toan hậu sự cho những người đã mất. Ai trong nhóm cũng đều nghĩ rằng:

“Việc mà chúng mình làm đều xuất phát từ trái tim” và vì vậy họ không còn sợ hãi khi tiếp xúc với xác chết, sẵn sàng xông pha để giúp đỡ cộng đồng.

Phan Quế Chi, sinh năm 1996, là nữ tiếp viên hàng không của Bamboo Airways là một trong số những thành viên nữ của nhóm mai táng 0 đồng phát biểu: ”Những việc chúng mình làm đều xuất phát từ trái tim, vì từ trái tim sẽ chạm đến trái tim. Mình rất xót xa khi mỗi ngày chứng kiến quá nhiều sự mất mát, đau thương. Bởi vậy, mình không nghĩ gì nhiều, cứ thế mà đi thôi, giúp được gì thì giúp, phụ được gì thì phụ. Mình không đủ sức khỏe để làm các công việc nặng thì mình sẽ làm những khâu giấy tờ, kiểm đếm vật tư. Mong muốn lớn nhất trong hành trình này của mình là có thể sát cánh với đồng đội giúp đỡ thêm được nhiều nhiều người hơn nữa. Ước gì có thể giúp được hết tất cả, mong dịch bệnh sẽ mau qua trả lại sự bình yên vốn có cho đất nước mình…”. Xin trân trọng cám ơn các bạn trẻ với lòng cảm phục vô cùng. Tấm lòng của các bạn như những đoá hoa nở bùng trong màn đen tối của cơn đại dịch. Sài Gòn đang có những giọt nước mắt nhưng việc làm của các bạn đã khiến cho những giọt nước mắt đấy bớt bi thương.

Hiện nay ở thành phố không biết bao nhiêu tổ chức, hội nhóm, cá nhân lặng thầm làm từ thiện. Và SOSmap một bản đồ từ thiện ra đời như một sợi chỉ nối liền khoảng cách giữa những người khó khăn dù ở bất cứ nơi đâu trên tổ quốc với các mạnh thường quân luôn sẵn sàng dang tay cứu nguy. Dựa trên nền tảng của Google map, SOSmap đã định vị vị trí của những người cần nhận/ cho kèm theo một số thông tin cụ thể như số lượng hàng hóa cần cho/ nhận cũng như hoàn cảnh của người muốn nhận. Với sự giúp đỡ của SOSmap, chỉ qua một vài thao tác đơn giản, những người cần và người cho đã có thể kết nối được với nhau. Nhờ có SOSMap, các tổ chức từ thiện dễ dàng tìm thấy những khu vực, những hàng hoá người nghèo đang cần để đáp ứng một cách thiết thực và khẩn trương nhất. Trong khó khăn dịch bệnh, đã xuất hiện nhiều sáng kiến tiện lợi và có ích, giúp được cho cộng đồng. Tuy vậy cũng có những sáng kiến chỉ làm cho cộng đồng thêm rối rắm và cản trở công việc chống dịch. Khỏi nói ai cũng biết rồi.

Mặc dù SOSmap đã giúp đỡ được rất nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn vượt qua cơn hoạn nạn bởi sự sẻ chia của các mạnh thường quân. Tuy nhiên, do số lượng người cần nhận hỗ trợ quá lớn cũng như hệ thống của SOSmap vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nên không thể tránh khỏi những trường hợp chưa được nhận kịp thời, đầy tiếc nuối.

Kết thúc nhật ký hôm nay, xin đăng một status của một facebook cho thấy trách nhiệm của những lãnh đạo cấp địa phương vô cùng quan trọng. Hiện nay có nhiều nơi, lãnh đạo cấp phường và tổ trưởng dân phố vì lười biếng, vì thiếu trách nhiệm, vì sợ lây nhiễm nên không hoàn thành nhiệm vụ với dân nhiều khi gây hậu quả rất là nghiêm trọng.

CHẾT LÀ ĐIỀU KHÔNG ĐÁNG SỢ

THỜI GIAN CHỜ CHẾT MỚI LÀ ĐIỀU ĐÁNG SỢ

Cả gia đình 7 người ở giữa lòng SG (Chung cư Tôn thất Thuyết, số 04 vĩnh hội, phường 4, quận 4), tự test nhanh dương tính từ ngày 11/8 thì báo cáo cho phường nhưng phường không có bất kỳ động thái gì nên gia đình tự tìm đến Medic Hoà Hảo làm PCR có kết quả hầu như CT<30 là F0 phải cách ly tập trung theo qui định.

Nhưng đưa kết quả PCR cho phường thì phường cũng im re không hề có bất kỳ động thái gì không giám sát, không cách ly, không phong toả… Cho F0 tự do đi lại trong khi cả khu vực này F0 rất nhiều Người nhà cũng tự điều trị đến 15/8 thì có Cụ lớn tuổi suy hô hấp và SpO2 chỉ 82% nên đã xử lý thở oxy để duy trì và song song gia đình vẫn tự liên hệ BV Dã Chiến số 4 (Vĩnh Lộc – Bình Chánh ) đồng ý tiếp nhận nhưng yêu cầu phường phải đẩy số liệu dịch tể học lên cổng thông tin của hệ thống thì mới nhận b/n được. Phía phường thì nói không biết cổng gì cả và bệnh nhân thì ngày càng thoi thóp

Khuyên người nhà cứ đưa ngay vào BV thì chắc chắn sẽ nhận… nhưng người nhà nói b/n yếu quá rồi nên phải có chỗ chịu nhận mới dám đưa đi – Nghe cũng phải thôi!

“Con gà và quả trứng “ : Giữa lòng SG , biết kêu ai ? Hay cứ duy trì thở oxy tại nhà và chờ chết ?

Thật sự hết biết?

Càng triển khai mô hình điều trị F0 tại nhà nhưng phương án back up khi chuyển nặng không rõ ràng cụ thể cho cả hệ thống thì đúng là: “ ai còn sống trong lúc này chỉ là ơn trời “

Đúng là trong đại dịch, tất cả là ơn trời, hên xui.

16.8.2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ BỐN MƯƠI

Mở đầu một ngày đọc một câu hỏi của cô em nhà báo đăng trên facebook của mình: “Vì sao đi chích ngừa về, nhiều người bị lây nhiễm?”. Câu hỏi của nhà báo đấy đã báo động cho người ta thấy tình trạng an toàn tại các địa điểm chích ngừa không được bảo đảm. Bị giãn cách, giam mình trong nhà lâu ngày, các ông các bà, các anh các chị hàng xóm, thân quen gặp nhau liền sáp vào tán chuyện. Lúc đầu thì ngồi đúng khoảng cách quy định, nhưng rồi từ từ kéo ghế lại gần nhau. Ban đầu còn khẩu trang nhưng nói chuyện một lúc lại vướng víu quá thế là kéo khẩu trang xuống. Lâu ngày gặp lại, tay bắt mặt mừng, nói phun hơi thở, nước bọt tùm lum, chỉ cần có người F0 thế là dính cả đám. Bộ phận y tế phụ trách tiêm chủng thì không sát trùng găng tay sau khi tiêm chích cho từng người, máy đo huyết áp lần lượt người này đến người khác tròng vào, các bộ phận nhận và kiểm tra giấy tờ liên tiếp tiếp xúc với mọi người mà không sát khuẩn..tất cả đều có thể gây nhiễm. Trước đây cũng đã có lần tôi cảnh báo về tình trạng đội ngũ xét nghiệm không thay găng tay, không sát trùng tay sau khi ngoáy mũi xét nghiệm. Trong hơi thở của người trước có thể đã có virus và thế là phát tán cho những người tiếp theo. Mới đây, trên phương tiện truyền thông, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, người chuyên trả lời về virus Vũ Hán cũng đã phát biểu rằng khi đi xét nghiệm mà thấy người xét nghiệm cho mình không sát trùng, không rửa hoặc không thay găng tay sau khi xét nghiệm cho người trước đó thì phải yêu cầu nhân viên y tế làm những thao tác đó trước khi xét nghiệm cho mình, nếu không thì bỏ về chứ không nên xét nghiệm hoặc lấy nước tạt vào găng tay của họ. Điều này cho thấy việc rất nguy hiểm trong khi đi xét nghiệm cũng như tiêm chủng. Toàn những sơ hở chết người mà vì sơ suất của người thực hiện khiến cho tình trạng lây nhiễm lan rộng.

Mặc dù chính quyền thành phố đã áp dụng rất nhiều biện pháp, từ giãn cách, cách ly, phong toả đến 5 tầng, 3 tầng trong khi điều trị, con số người nhiễm dịch ở thành phố vẫn không giảm. Nếu người nào theo dõi thường xuyên các con số báo cáo hàng ngày sẽ thấy rằng trước đây đa số người nhiễm là từ khu cách ly tập trung. Thời gian gần đây, con số nhiều nhất là ở cộng đồng dán cư. Có nghĩa là khi giải toả bớt các khu cách ly và cho phép F0 tự cách ly tại nhà, con số nhiễm ở nhà tăng cao và có thể xem như khó kiểm soát. Và số người tử vong tại nhà cũng tăng nhiều. Cơ bản là khi cho phép cách ly và theo dõi tại nhà, thành phố thiếu nhân lực và điều kiện theo dõi và có biện pháp cấp thời khi có nguy cơ. Trên giấy tờ, văn bản thì quy định rất rõ và rất khoa học nhưng trong thực tế thì bất khả thi. Khi cách ly tại nhà, đơn vị tổ dân phố, phường xã rất quan trọng vì đó là bộ phận gần người bệnh nhất. Tuy nhiên, nhiều phường chẳng biết hoặc chẳng quan tâm đến cái gọi là thông báo số liệu dịch tể học lên cổng thông tin của hệ thống y tế. Do vậy, khi một người bệnh đang cách ly tại nhà gặp tình trạng nặng muốn liên hệ để đến các bệnh viện mà chưa khai báo với hệ thống này thì sẽ khó được tiếp nhận. Đó là chưa kể khó mà gọi được xe cấp cứu. Không chỉ là người bị nhiễm dịch mà ngay cả khi mắc các bệnh thông thường đi cấp cứu cũng khó được các bệnh viện tiếp nhận. Điển hình là đêm 13.8, ông N.D. (57 tuổi, quê Trà Vinh, tạm trú tại phường Tân Đông Hiệp, Tp Dĩ An, tỉnh Bình Dương) được người thân đưa đi cấp cứu tại 5 bệnh viện, cơ sở y tế do bị bệnh nặng, tuy nhiên không nơi nào tiếp nhận và đưa ra nhiều lý do khác nhau. Đến rạng sáng 14.8, người thân buộc phải đưa ông D. về phòng trọ. Sau đó vài giờ thì ông D. đã tử vong.

Tình trạng quá tải tại các bệnh viện chuyên điều trị virus Vũ Hán là một thực tế. Nhiều hình ảnh cho thấy bệnh nhân phải nằm ngoài sân, lối đi của bệnh viện giữa nắng và mưa. Theo Bộ Y tế thì số người nhiễm bệnh ở thành phố phải gấp 4 hay 5 lần con số được báo cáo. Con số tử vong cũng thế. Ta thường đọc trên con số nhiễm bệnh hàng ngày là từ các bệnh viện, rất khó thống kê những người bị cách ly hoặc tự cách ly. Và con số tử vong cũng lấy từ bệnh viện trong khi số người chết tại nhà cũng không phải là ít. Xem nhiều hình ảnh và clip của các nhóm thiện nguyện chuyên đi lo hậu sự cho nhiều người nghèo chết vì virus tại nhà mới thấy những hình ảnh bi thương. Thành phố đầy nước mắt được giấu sau những biện pháp và chỉ thị lạnh lùng. Các lò thiêu xác của thành phố quá tải, khói trắng tuôn lên suốt ngày vẫn không giải quyết hết. Báo chí vừa loan tin một xe tải chở 41 xác chết vì virus chạy về Bến Tre để thiêu xác vì thành phố không còn chỗ để thiêu. Tình trạng xác chết bị dồn ứ trong các lò thiêu cũng là có thật. Và như thế chúng ta cũng có thể hình dung số người chết vì dịch bệnh ở thành phố này trong cơn đại dịch. Có gia đình trong một ngày chết hết 8 người, xem như chết cả gia đình, còn chuyện một gia đình mất đi hai, ba người là chuyện thường tình. Sài Gòn không còn lạc quan được nữa vì Sài Gòn bây giờ con phố nào, ngõ hẻm nào cũng có người chết vì dịch bệnh. Hàng dãy hũ tro cốt xếp hàng ở trong đơn vị phụ trách chuyển hài cốt của người quá cố về với gia đình làm người nhìn thấy xót đau. Thành phố có hàng trăm nhà đòn nhưng không đóng kịp áo quan. Người ta phải làm quan tài bằng ván ép hay giấy bìa cứng để đem thiêu. Một ngàn cái áo quan loại đó đã được chùa Vĩnh Nghiêm giúp cho những gia đình cần đến, chỉ chưa đầy một tuần đã thấy vơi đi nhiều.

Hôm nay, thành phố đã công bố mô hình điều trị mới. Đây là lần thay đổi thứ tư kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Sau khi tăng từ 3 tầng lên 4 tầng rồi 5 tầng, ngành y tế quyết định trở lại với 3 tầng điều trị. Tuy nhiên, thay đổi lớn nhất lần này là thành phố huy động tất cả bệnh viện công, tư trên địa bàn cùng tham gia điều trị thay vì các cơ sở điều trị riêng như trước đây. Điều vô lý trong mô hình điều trị cũ là khi các cơ sở điều trị của thành phố quá tải, mở ra cái nào đầy ngay cái đấy khiến bệnh viện hoặc các cơ sở điều trị không thể nhận bệnh thì nhiều bệnh viện trống giường dù có năng lực để chữa bệnh virus Vũ Hán. Theo kế hoạch này, thành phố yêu càu các cơ sở y tế công lẫn tư phải dành tối thiểu 40% giường bệnh để tiếp nhận và điều trị cho người dịch bệnh. Hi vọng với kế hoạch mới này việc xin nhập viện cho bệnh nhân trở nặng bớt khó khăn vì các bệnh viện điều trị đều quá tải. Với thay đổi này, có thể giảm số ca tử vong, điều mà người dân đang quan tâm nhất.

Sau gần hai tháng chống chọi với dịch bệnh, qua nhiều kế hoạch, biện pháp nhưng vẫn chưa ngăn chận được dịch, hi vọng kế hoạch mới này sẽ giúp thành phố giải quyết được nạn quá tải ở các bệnh viện và số người trong tình trạng nặng có cơ hội được sống sót chứ cứ như bây giờ, Sài Gòn bi thương quá đỗi!

Hôm qua 16.8, Sở Y tế thành phố lại một lần nữa gởi văn bản đến các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, trong đó yêu cầu tất cả bệnh viện tiếp nhận người bệnh cấp cứu dù có mắc virus hay không và người bệnh không cần phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính hay dương tính mới tiếp nhận.

Cụ thể, theo yêu cầu của Sở Y tế, người bệnh không mắc virus hoặc chưa xác định mắc virus hoặc đã mắc virus, bệnh viện phải tiếp nhận, bố trí buồng cấp cứu sàng lọc riêng biệt, đầy đủ các thuốc cấp cứu, phương tiện và dụng cụ cấp cứu cơ bản.

Thật ra, trước đây mấy tuần, Sở Y tế cũng đã ra một văn bản với nội dung gần như thế nhưng nhiều bệnh viện vẫn không tuân thủ khiến nhiều dinh mạng phải chết oan. Tình trạng trên bảo dưới không nghe trong hệ thống y tế của thành phố đã trở thành vấn nạn mà người gánh chịu đau thương, mất mát là bệnh nhân. Không chỉ bên y tế mà nhiều lãnh vực khác cũng thế. Địa phương nào có lãnh đạo có tâm, có trách nhiệm, năng nổ phục vụ dân thì nhân dân khu vực đó được hưởng mọi quyền lợi theo chủ trương của nhà nước. Ngược lại nếu phường, xã, tổ dân phố nào bị điều khiển bởi những người vô trách nhiệm, quan liêu, xa rời dân, vô nhân thì dân ở đấy bị thiệt thòi. Những người đấy không do dân bầu lên nên đôi khi tiếng nói của dân, quyền lợi của dân họ chẳng cần quan tâm. Bởi thế nhiều khi trong một quận, một phường mà người dân được hưởng những phúc lợi hay tiêu chuẩn hoàn toàn khác nhau, chẳng có chút công bằng nào cả. Nhiều ông quan nhỏ cấp phường, cấp tổ mà đã hống hách, lạm quyền và vô trách nhiệm. Nhiều khi người dân chẳng biết kêu ai?

Ngày hôm qua 16.8, Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân nhiễm dịch ghi nhận 315 ca tử vong tại thành phố. Lưu ý đây chỉ là con số ghi nhận từ các cơ sở điều trị, không tính số tử vong tại nhà. Vẫn còn u tối lắm, biết bao giờ mới loé chút lạc quan. Sài Gòn vẫn còn nước mắt.

17.8.2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ BỐN MƯƠI MỐT

Đêm qua Sài Gòn mưa, mưa lớn lắm. Từ gần nửa đêm, mưa trắng trời, tôi đứng trên balcon nhà mình nhìn dãy phố bên kia qua màn mưa lờ mờ. Tôi nghĩ đến những người bệnh đang nằm ngoài sân và hành lang ở bệnh viện 115 mà tôi đã xem hình hôm qua. Không biết họ xoay xở thế nào trong cơn mưa như thác đêm nay. Họ là những người đang bị nhiễm dịch, đa số là người già và phần lớn là đang bệnh nặng. Chắc qua đêm nay sẽ có con số tử vong cao. Đang không thở được phải nhờ oxy mà nằm dưới tấm bạt che phất phơ thế kia thì thần chết dễ mang đi lắm. Tấm bạt có thể che nắng chứ không thể che mưa. Chỉ nghĩ đến đó đã muốn khóc cho những thân phận người mang bệnh. Sài Gòn không chỉ có cảnh như thế ở bệnh viện 115 mà còn nhiều nơi khác nữa cũng trong tình trạng đấy. Và biết bao con người hôm trước tìm đường về quê nhưng không về được. Nhà trọ không còn, không chốn nương thân, gia đình họ đêm mưa này sẽ trú ở đâu. Đau lòng quá cho đồng bào tôi trong cơn dịch.

Thành phố đề nghị chính phủ chi 28.000 tỷ VNĐ và 142.000 tấn gạo để hỗ trợ cho các hộ lao động nghèo khoảng 4,5 triệu người gặp khó khăn qua các đợt giãn cách và trong cơn đại dịch. Nếu được thế thì dân nghèo cũng ráng cầm cự cho qua đại nạn. Đã có vài địa phương đã nhận được quà và tiền của chính quyền. Theo ý kiến của dân, chính quyền nên gởi trực tiếp cho dân bằng tiền mặt là tiện nhất. Dù đang giãn cách, chợ truyền thống đóng cửa nhưng tất cả các quận huyện trên thành phố đều có mở các cửa hàng mua bán online, hàng gì cũng có, không thiếu thứ gì chỉ ngại shipper hơi khó khăn. Nhưng hiện giờ, các shipper có giấy phép đều có thể lưu thông liên quận nên cũng đã gỡ khó phần nào. Một người dân đưa lên mạng một gói quà và phong bì 1.200.000 đồng. Trong gói quà có 5 trái táo, chai dầu ăn, túi gạo 5kg và vài món lặt vặt khác tổng trị giá 400.000 đồng. Theo người dân, túi quà không đúng với số tiền ấy nên đề nghị để tránh những thắc mắc và suy nghĩ tiêu cực trong dân, cứ gởi cho tiền mặt là cụ thể nhất. Với số tiền đấy, họ có nhu cầu như thế nào thì mua theo nhu cầu ấy, vừa tiện lợi và nhanh chóng đến tay dân, khỏi phải qua trung gian nào.

Những ngày gần đây, số người nhiễm ở Sài Gòn không giảm bao nhiêu mà số nhiễm dịch trong cộng đồng tăng cao và con số tử vong tại nhà cũng rất nhiều nhưng không thống kê được.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố tối 16.8, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nêu thực trạng, trung bình 24 tiếng, thành phố có khoảng 240 ca tử vong, hàng trăm bệnh nhân nặng phải thở oxy, hàng nghìn bệnh nhân hồi sức cấp cứu. Cùng với đó là hàng trăm nghìn người rời thành phố về quê, trong đó có lý do cuộc sống thiếu thốn trăm bề, không biết tương lai thế nào.

Thành phố cũng đang cố gắng tổ chức phối hợp để hỗ trợ bà con yên tâm trở về quê như tiêm vaccine, tổ chức xe đưa đón, phối hợp với địa phương về như thế nào cho an toàn, xét nghiệm cho người dân trước khi về, cố gắng không gây thêm khó khăn cho các địa phương”. Cũng trong cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết những ngày qua, tỉ lệ F0 trong cộng đồng tại thành phố đang tăng, cao hơn tỉ lệ trong khu phong tỏa. Trước đây, tỉ lệ F0 trong các khu phong tỏa chiếm khoảng 80%.

“Những ngày gần đây, xu hướng ca F0 mới xuất hiện trong cộng đồng ngày càng cao, cụ thể hôm 16.8 có 3.342 ca, số ca cộng đồng chiếm 53%”. “Khi chưa có dịch, người dân đem sức lao động đóng góp cho sự phát triển cho thành phố. Mùa dịch này các địa phương phải chăm lo đầy đủ cho người dân. Phải hết sức chủ động, lưu ý thống kê đầy đủ, không được bỏ sót người nào”, ông Phong nhấn mạnh. Ông Phong khẳng định rằng: “Bệnh viện tư nào từ chối bệnh nhân thì lập biên bản, đề nghị Bộ Y tế rút giấy phép”.

Theo bản tin dịch tối 17.8 của Bộ Y tế, tính từ 18h ngày 16.8 đến 18h ngày 17.8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh dịch ghi nhận 9.595 ca nhiễm mới trong nước. Trong đó, riêng thành phố có 3.559 ca mắc. Đặc biệt, theo dữ liệu từ cổng thông tin thành phố lúc 20h ngày 17.8, trong ngày, TP xét nghiệm 15.124 mẫu, ghi nhận 3.540 ca mắc mới, trong đó có đến 2.568 ca cộng đồng với 285 ca tử vong.

Như vậy, tính riêng trong ngày 17/8, tỉ lệ ca F0 trong cộng đồng chiếm đến 72,5% so với tổng số ca mắc (ngày 16.8 tỉ lệ ca F0 trong cộng đồng tại TP được ghi nhận là 53%).

Số ca mắc mới trong cộng đồng ngày 17.8 tại TP HCM được ghi nhận nhiều nhất tại các quận: Bình Thạnh, Tân Bình, Quận 3, Huyện Hóc Môn, Bình Tân và Gò Vấp…

Đặc biệt, ở quận Bình Thạnh, số ca cộng đồng chiếm đến gần 90% số ca nhiễm trên địa bàn vào ngày 17.8. Những con số đáng lo ngại.

Trong lúc tình hình căng thẳng, những phát biểu thẳng thắn, có lợi cho dân đều được hoan nghênh dù biết rằng từ phát biểu đến thực hiện là một khoảng cách khá lớn không dễ để thực thi.

Từ con số 4,5 triệu người và ít nhất là 2,5 triệu người trong số đó đang thật sự lâm vào khó khăn không lối thoát mới thấy Sài Gòn không hoa lệ như lâu này nhiều người vẫn nghĩ. Con số ấy là 1/3 dân số của Sài Gòn. Một con số khá lớn và cho thấy người lao động nghèo ở thành phố này chiếm số đông. Những cao ốc, những chung cư đắt tiền, những chiếc xe bạc tỷ, những lối sống hào nhoáng và xa xỉ chỉ là lớp áo ngoài che dấu những cảnh nghèo của một tầng lớp dân nghèo thành thị mà lúc khó khăn mới được phơi bày. Trong những khu dân cư lao động, trong những ngõ ngách đang bị rào kín lâu nay là hàng triệu số phận lắt lay kiếm sống hàng ngày. Giờ bị phong toả, bị cách ly, bị giãn cách họ lâm vào bế tắc. Mong những kế hoạch hỗ trợ cấp bách nhanh chóng được đến tay tầng lớp này. Mong những người nhận trách nhiệm này hãy nghĩ về đồng bào ruột thịt của mình, nghĩ đến những người già, những trẻ em đang mong chờ những đồng bạc trợ cấp của nhà nước mà bỏ cái tính xà xẻo quen tay, bỏ cái tật ăn chận như là một thuộc tính để người dân đỡ khổ, đồng tiền, món quà đến tay họ được trọn vẹn. Những người có trách nhiệm hãy đến những khu xóm lao động ngay trong nội thành này, quý vị sẽ thấy thực trạng cuộc sống của dân nghèo sau thời gian dài giãn cách và hi vọng khi thực tế như thế, họ sẽ không nghĩ đến chuyện kiếm chút tư lợi cho cá nhân. Đồng thời, lãnh đạo thành phố cũng nên mạnh tay kỷ luật thật nặng những cán bộ thừa hành lợi dụng cơ hội để kiếm chác trên xương máu và nỗi khổ của dân.

Trong ngày qua, nhiều hình ảnh thương tâm xuất hiện trên báo chí lấy nước mắt mọi người. Dịch bệnh khiến bao gia đình phải ly tán vì tiễn biệt người thân. Con mất cha mẹ, ông bà. Cha mẹ mất con. Tre già khóc măng non. Một bức ảnh ghi lại khoảnh khắc người cha già 70 tuổi đau đớn trước cái chết của con trai vừa 29 tuổi. Khi nhận tin con vừa mất, người đàn ông tuổi 70 đến làm thủ tục với hy vọng sẽ được nhìn mặt con lần cuối. Thế nhưng, điều ước đó chẳng thể thực hiện. Giây phút tiễn biệt con lên xe đi tới nhà hỏa táng, người cha già ngã quỵ bật khóc. Giữa đường phố vắng lặng, tiếng than trách, ai oán của người cha già khiến khung cảnh càng thêm não nề, bi thương. Nhìn cảnh người cha già gần như quỳ rạp xuống đất trước linh cửu của con thực sự khiến người ta rớt nước mắt.

Một hình ảnh khác cũng gây nhiều xúc cảm. Một cô bé 7 tuổi, mẹ mất vì đột quỵ phải ở với ông bà ngoại và ngay từ bé đã không biết mặt cha. Cả nhà dính dịch, bà không qua khỏi. Hai ông cháu bị cách ly ở bệnh viện dã chiến số 4. Bé đủ điều kiện xuất viện, ông còn nằm lại. Trước đó ở trọ ở quận 8, lúc này chẳng có nơi để về đành gởi bé về nhà người quen ở Long An. Hai ông cháu chào nhau mãi chẳng ai chịu đi. Ông mếu máo vẫy tay, cháu nghẹn ngào tay vẫy. Không biết rồi ông có cầm cự được cơn dịch này không? Mong rằng cháu bé sẽ còn có được người ông, không trở thành đứa bé côi cút một mình trên cõi đời này. Cánh cổng bệnh viện đóng lại, chiếc xe rú ga chạy đi, tiếng còi hụ như thắt vào lòng người. Sài Gòn mỗi ngày chứng kiến bao cảnh chia ly đau đớn thế này?

Một nữ hộ sinh đang mang thai tử vong vì dính dịch ở Bình Dương. Đây là nhân viên y tế đầu tiên của tỉnh Bình Dương tử vong vì virus trong đợt dịch lần thứ 4 này. Con virus đã cướp đi hai sinh mạng. Có gần 12.500 ca F0 đang được điều trị trong các cơ sở y tế tại Bình Dương. Trong đó có trên 100 phụ nữ mang thai bị nhiễm dịch.

Vừa nhận được tin Nghệ sĩ Nhiếp ảnh LÊ THỊ KIM LIÊN vừa qua đời vì nhiễm dịch lúc 9h sáng nay tại bệnh viện 175, thọ 75 tuổi. Chị Kim Liên là Hội viên Hội NSNA Việt Nam, Hội viên Hội Nhiếp Ảnh TP HCM, Hội viên Hội Mỹ Thuật Việt Nam, Hội viên Hội Mỹ Thuật TP HCM. Phó chủ nhiệm CLB Người cao tuổi SG, Chi Hội trưởng Chi hội Hải Âu TP. HCM. Nguyên Chánh văn phòng Hội Nhiếp Ảnh TP HCM. Vô cùng thương tiếc và cầu nguyện chị sớm tiêu diêu.

Mọi người cũng đau lòng trước cảnh một cụ già quỳ lạy cám ơn đội từ thiện khi nhận được mấy kí gạo. Cả nhà đói mấy hôm rồi, nay nhận được túi gạo, ông mừng rớt nước mắt, quỳ trên đất lạy tạ mọi người. Đời còn nhiều người khổ quá! Nếu không có những tấm lòng của nhiều người, cái đói chắc cũng lấy đi nhiều sinh mạng.

Dịch bệnh lấy đi của chúng ta biết bao thứ của cuộc đời. Dịch bệnh cũng gây biết bao bi thương và chết chóc. Bi kịch ở Sài Gòn vẫn còn tiếp diễn hàng ngày, hàng giờ. Mỗi giây phút qua đi là mỗi công dân thành phố này từ giã cõi đời. Người già có, thanh niên có, trẻ em cũng có. Ngành nghề nào cũng có người mất vì dịch bệnh. Những vành khăn tang chưa kịp có để tiễn đưa, những nhành hoa, nén nhang chưa kịp thắp để làm cuộc chia ly vĩnh viễn. Nỗi đau có mặt khắp nơi và chưa thấy dấu hiệu lạc quan nào. Tôi vừa nghe tin anh bạn thân bị nhiễm dịch sau khi dính từ nơi tiêm chủng đang phải thở máy. Cầu mong cho vợ chồng anh qua cơn khổ nạn này. Cầu mong cho tất cả được bình an. Nỗi đau của Sài Gòn có lẽ đã đến tận cùng. Chỉ còn biết chắp tay cầu nguyện.

18.8.2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ BỐN MƯƠI HAI

Đêm qua Sài Gòn lại mưa, mưa kéo dài khoảng hai tiếng đồng hồ. Lại nghĩ đến những người đang nằm ở vỉa hè, những bệnh nhân đang nằm tạm bợ ở sân bệnh viện. Người ở vỉa hè càng ngày càng nhiều, đó là những người vốn là kẻ vô gia cư trước đây, lấy hè phố làm nơi trú ngụ. Bây giờ, sau thời gian dài giãn cách, phong toả, số người thất nghiệp nhiều hơn, không việc làm, không có thu nhập để trả tiền trọ, họ đành trở thành kẻ không nhà. Cũng có nhiều người lỡ đường, không về quê được vì chỉ thị của chính phủ, vì không có phương tiện và điều kiện để về, họ trở thành kẻ lang thang, sống lây lất chờ ngày bớt dịch. Đối với người Việt từ xưa nay, người sống vô gia cư, thác vô địa táng là nỗi đau nhất của một đời người. Nhưng thời đại dịch, họ đành chấp nhận đau thương, hàng ngày sống bằng chén cơm từ thiện.

Đã có rất nhiều tấm lòng, nhiều mạnh tường quân san sẻ những đồng tiền của họ để giúp cho người lỡ bước, đã có rất nhiều chàng trai, cô gái hàng ngày không ngại hiểm nguy và đem công sức của mình đến với đồng bào. Tuy thế, trong cơn đau của thành phố này cũng xuất hiện những kẻ táng tận lương tâm, những người như lũ kền kền bám vào xác chết để rỉa rói đồng loại. Thành phố chủ trương tiêm chủng miễn phí với bất cứ loại thuốc nào thành phố được phân bổ.

Nhưng có người lợi dụng tình hình dụ nhiều người thu tiền để được chích. Trong khi Chính phủ và chính quyền thành phố đang nỗ lực tìm kiếm nguồn vắc xin để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, có người lợi dụng sự bức bách của người dân để kiếm chác.

Điển hình như tên Trương Mạnh Thảo (cán bộ trật tự đô thị phường 2, quận 6) đã làm cò để bỏ túi trong đợt tiêm chủng vừa qua. Dù không được phân công nhiệm vụ quản lý điểm tiêm Trường tiểu học Nguyễn Thiện Thuật nhưng phạm vi hoạt động của ông này khá rộng, thậm chí còn điều chỉnh được cả nhân viên đang trực điều tiết người tiêm vắc xin. Tên này nhảy ra số thứ tự cho người tiêm và thu mỗi người 1 đến 3 triệu đồng một mũi vaccine. Ngoài tiêm ở cộng đồng, ông Thảo còn gợi ý người bị cao huyết áp kết bạn Zalo và gửi CMND, số điện thoại để đăng ký tiêm dịch vụ tại bệnh viện với giá 2 – 5 triệu đồng mỗi người tùy loại vaccine. Đây là hành vi không thể chấp nhận được. Nó vừa khiến cho chiến dịch tiêm chủng miễn phí của thành phố bị ảnh hưởng đồng thời cho thấy sự bất lương của một tên vô nhân tính. Yêu cầu thành phố truy tố hình sự tên này để làm gương.

Sáng nay, báo chính thống của nhà nước cũng đưa tin một bệnh viện Đa khoa Quận Bình Tân thu 36 triệu đồng tiền viện phí của người mắc virus Vũ Hán tử vong. Trước nỗi đau khi mất người thân, khi làm thủ tục để lo hậu sự, bệnh viện thông báo phải đóng đủ tiền viện phí mới nhận được giấy báo tử và đưa tử thi đi an táng. Theo người nhà của bệnh nhân, khi vào nhập viện, phía bệnh viện yêu cầu nộp tạm ứng tiền viện phí nhiều lần với tổng số tiền hơn 8 triệu đồng. Đến ngày 16.8, bệnh viện thông báo bà T. tử vong và yêu cầu đóng tiền 111 dịch vụ trên 36 triệu đồng để nhận giấy báo tử và thi thể an táng. Gia đình tự liên hệ với các cơ sở mai táng và lo hỏa táng cho người thân.

Theo ông Phan Văn Mến, giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM ông khẳng định theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A (COVID-19 thuộc nhóm A) được khám và điều trị miễn phí, chi phí do Nhà nước chi trả 100%, từ tiền giường, tiền thuốc và các dịch vụ liên quan.

Ngoài ra, theo ông Mến, có một số trường hợp bệnh nhân mắc virus đồng thời mang thêm bệnh nền nằm ngoài phác đồ điều trị virus Vũ Hán, Bộ Y tế quy định, Bảo hiểm xã hội sẽ chi trả phần lớn chi phí điều trị, người bệnh chỉ phải đóng tối đa khoảng 20% trên tổng số tiền viện phí.

Tuy nhiên, Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chánh Văn phòng Sở Y tế lại khẳng định không phải người mắc virus nào cũng được nhà nước chi trả toàn bộ chi phí. Cụ thể với trường hợp người mắc virus nhưng có bệnh lý nền vẫn phải chi trả chi phí, nếu dịch vụ đó không nằm trong danh mục được BHYT chi trả.

Ông nói gà, bà nói vịt, rốt cuộc người nhà bệnh nhân phải vay mượn cho đủ 36 triệu đồng để lấy xác về tự lo hoả thiêu. Mặc dù theo chủ trương của thành phố mà ông Bí thư Nguyễn Văn Nên đã từng khẳng định mức hỗ trợ 17 triệu đồng mỗi trường hợp tử vong vì dịch bệnh và số tiền này được trích từ ngân sách thành phố.

Cụ thể đối với người mất vì nhiễm dịch tại các bệnh viện, thành phố sẽ phân bổ ngân sách về cho Sở Y tế thành phố để sở chuyển cho các bệnh viện lo hậu sự. Bệnh viện phải phối hợp với các nhà đòn lo công tác khâm tiệm rồi đưa đi hỏa táng. Trường hợp bệnh viện và nhà đòn quá tải, quân đội sẽ hỗ trợ. Một chủ trương hết sức hợp tình, hợp lý như thế nhưng Bệnh viện Đa khoa Bình Tân không chấp hành, cố tình bóp chẹt người dân trong lúc đau đớn và gặp khó khăn khi mất người thân. Hành động đó đáng lên án hay không? Và thành phố nên xử lý như thế nào vì đây có thể chưa phải là trường hợp cá biệt trong tình hình căng thẳng ở các bệnh viện hiện nay. Rõ ràng đây là biểu hiện tình cảnh trên bảo dưới không nghe. Nhà nước yêu cầu các bệnh viện phải mở cửa cấp cứu nhưng chẳng mấy bệnh viện thi hành. Nhà nước không thu phí người nhiễm dịch nhưng bệnh viện cứ ung dung ra hoá đơn bắt chẹt người dân. Mà đây là bệnh viện công ở quận đấy nhé! Cuối cùng nạn nhân vẫn là người dân thôi.

Lợi dụng tình hình đại dịch, nhiều người tung ra quảng cáo bán các thiết bị hỗ trợ trong việc điều trị tại nhà. Trên mạng liên tục quảng cáo cho các loại máy thở, các loại thuốc, các loại đo SpO2…Toàn giá cả trên trời. Ví dụ như máy đo lượng oxy trong máu SpO2 được rao bán nhiều nhất. Giá từ rất bèo chỉ vài chục ngàn đến vài triệu được mô tả là có thể dùng để đo chỉ số oxy trong máu tại nhà, thậm chí được quảng cáo là có thể phát hiện virus Vũ Hán. Thường là những loại máy nhái với các thương hiệu uy tín như Eveny, Omroni hoặc tên chung chung là Oximeter. Những loại giá rẻ được nhiều người quan tâm mua về sử dụng nhưng kết quả không bao giờ chính xác. Các máy này có điểm chung là thiết kế nhỏ, dạng kẹp đầu ngón tay, dùng pin AAA, màn hình hiển thị hai thông số chính là SpO2, nhịp tim, cùng nút bấm để khởi động. Tuy nhiên, những thiết bị này có thiết kế lỏng lẻo, chất lượng nhựa kém, các mối nối không liền mạch, có thể dùng tay để gỡ phần máy. Trên các mạng xã hội và các ý kiến gởi cho các bộ phận chuyên môn cho thấy hầu hết các thiết bị đo SpO2 với giá dưới 300.000 đồng đều nhận phản hồi tiêu cực về chất lượng và bị đánh giá rất thấp. Người sử dụng những mặt hàng kém chất lượng này rất nguy hiểm khi tin theo những chỉ số báo trên máy dỏm. Người sử dụng cũng nên nhớ rằng chỉ số SpO2 chỉ là một trong những phương tiện giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng, phù hợp cho những ai đang theo dõi người thân đang là F0 tại nhà. Theo một bác sĩ chuyên khoa thì: ”Các thiết bị đo SpO2 cần thiết đối với các trường hợp F0 bắt đầu có triệu chứng, chứ không phải là dấu hiệu để phát hiện người mắc dịch.” Bởi vậy không nên nghe quảng cáo rồi mua sắm đủ thứ thiết bị nhiều khi không cần thiết mà còn đưa đến những chỉ số sai biệt rất tai hại. Chỉ làm giàu cho những kẻ lợi dụng cơ hội. Sắm một máy đo SpO2 để có sẵn trong nhà cũng tốt nhưng nên lựa mua loại tốt, có thương hiệu với giá cao, đừng ham rẻ mà tiền mất mà lại mang hoạ.

Sau thời gian dài giãn cách, điều ai cũng thấy là các biện pháp rào chắn này không hiệu quả và chỉ làm khổ dân. Con số nhiễm bệnh và tử vong không dừng lại, F0 tràn lan khó kiểm soát. Theo dự báo của thành phố, trong tháng tới sẽ có 182.408 ca F0 cách ly tại nhà và dĩ nhiên con số tử vong sẽ không dừng lại. Cách ly F0 tại nhà khi chưa có triệu chứng nặng là đúng, tuy nhiên chúng ta chưa có hệ thống theo dõi và kiểm soát tốt cho nên F0 vẫn tự do sinh hoạt với cộng đồng gây lây nhiễm cao. Khi F0 có triệu chứng trở nặng, ta lại không có xe cấp cứu kịp thời, không có những đội ngũ cấp địa phương xử lý tại chỗ đưa tới nhiều người chết tại nhà vì không được chữa trị và đưa đi đúng lúc. Điều đó làm cho chính quyền khó xử và cũng nỗi lo của người dân.

Tính đến 18.8, thành phố có 44.478 ca F0 cách ly, điều trị, chăm sóc tại nhà. Trong đó có 17.904 ca F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 26.574 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Con số này là gánh nặng của địa phương đồng thời cũng gây sợ hãi trong cộng đồng vì giờ đây biến thể Delta lây quá nhanh và dịch bệnh diễn biến quá lẹ, nhiều khi không trở tay kịp đã tử vong.Trước tình trạng số F0 cách ly chữa bệnh tại nhà quá nhiều mà y tế địa phương không kiểm soát nổi như thế, một số phòng khám, bệnh viện tư tại thành phố đã triển khai các gói chăm sóc với mức giá hàng chục triệu đồng.

Qua khảo sát tại BV Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, nhân viên tư vấn cho biết nếu tư vấn sẽ miễn phí, còn chăm sóc F0 tại nhà thì sẽ được ký kết hợp đồng có thu phí. Tùy thuộc vào nơi ở của bệnh nhân sẽ có chi phí khác nhau. Ví dụ, với người tại quận Phú Nhuận sẽ có giá chăm sóc là 6,168 triệu đồng/14 ngày.

Trong gói chăm sóc có thu phí, điều dưỡng sẽ đến đo huyết áp, trong quá trình điều trị có 2 lần xét nghiệm PCR. Để được điều trị, phải đáp ứng điều kiện người bệnh có thể tự chăm sóc hoặc có người thân hỗ trợ. Về thuốc điều trị sẽ có bác sĩ kê toa nhưng toa thuốc do người bệnh tự mua. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân chuyển nặng hơn thì BV sẽ không điều trị tiếp và hợp đồng sẽ kết thúc. BV sẽ hướng dẫn chuyển viện nhưng không chắc chắn có được nhập viện hay không vì hiện tại nhiều nơi cũng quá tải. Đây cũng là một dịch vụ cần thiết nhưng không dành cho người lao động nghèo. Người nghèo trong trường hợp nào cũng chịu thiệt thòi. Người chích Sinopharm nhiều nhất cũng là người lao động, người khó đến với gói hỗ trợ của chính phủ cũng là những người nhập cư không hộ khẩu, thiếu địa chỉ liên hệ.

Thành phố đang vào mùa mưa, đề nghị chính quyền nên có kế hoạch tập trung người dân đang sống vạ vật ở vỉa hè vào một trung tâm, một trường học hoặc một doanh trại quân đội. Họ là đối tượng dễ nhiễm bệnh và truyền bệnh cho cộng đồng. Nếu không giải quyết triệt để, tình trạng lây nhiễm khó mà chấm dứt được.

Các nơi nuôi dưỡng người già, các trung tâm nhân đạo, các chùa nuôi những người không nơi nương tựa đang gióng lên tiếng kêu tuyệt vọng. Họ hầu như bị bỏ quên và rất nhiều người đã nhiễm dịch. Chiều ngày 18.8, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch ở Dĩ An (Bình Dương) cho biết chiều 17.8 địa phương thực hiện test nhanh virus Vũ Hán cộng đồng tại Trung tâm Nhân đạo Quê Hương cho hơn 100 trẻ mồ côi và bảo mẫu.

Qua đó, ghi nhận có hàng chục trẻ và bảo mẫu dương tính với và đang chờ kết quả khẳng định PCR. Các trung tâm này trước đây nhận rất nhiều tiền trợ giúp của các tổ chức quốc tế cũng như các Hội, đoàn, cá nhân nhưng ít quan tâm để nâng cao đời sống cho các bé và những người già đang lưu trú tại đây. Giờ đang mùa dịch bệnh, nguy cơ bị đe doạ mạng sống luôn đe doạ họ nhưng họ chẳng biết kêu với ai?

Trở lại chuyện khai giảng cho học sinh vào năm học mới. Chỉ thị của Bộ và Sở Giáo dục thành phố thì các trường THCS, THPT sẽ hướng dẫn trực tuyến cho học sinh về kỹ năng, phương pháp học từ ngày 1 tới ngày 5.9. Từ ngày 6.9 sẽ bắt đầu dạy theo chương trình năm học 2021-2022. Các trường tiểu học tổ chức hướng dẫn trực tuyến về kỹ năng, phương pháp học từ ngày 8 tới 19.9. Từ ngày 20.9, sẽ dạy theo chương trình năm học mới. Đương nhiên là học online vì theo Báo Tuổi Trẻ Online vừa dẫn thống kê của Sở Giáo dục thành phố cho biết Sài Gòn hiện có: 249 trường học đang làm khu cách ly, 453 trường làm điểm chích vắc-xin, 1.960 giáo viên và 5.898 học sinh thuộc diện F0, F1. Tình hình như thế thì lấy đâu mà tựu trường với khai giảng. Như vậy sẽ dạy và học trực tuyến. Dân tình đang đói khổ, cơm ăn chạy từng bữa, những đứa trẻ có an tâm để ngồi học được không? Bụng đói, dịch đe doạ, cha mẹ thất điên bát đảo với miếng cơm manh áo, những học trò các lớp phổ thông có đành lòng ngồi học được à? Chưa kể không phải học sinh nào cũng có thiết bị để học, có mạng để vào lên lớp. Thành phố thống kê có 4,5 triệu người cần hỗ trợ trong cơn đại dịch, quý vị ngồi phòng lạnh yêu cầu học sinh học trực tuyến, học online. Học với mái tranh, bức tường à? Quý vị châm biếm vừa vừa thôi chứ! Nếu không có việc gì làm, mời quý vị tham gia vào các đoàn tình nguyện, tham gia vào các đội từ thiện phát cơm cho người nghèo, làm được như vậy xem ra có ích hơn là ngồi thừa giấy vẽ voi.

Tình hình người nhiễm bệnh từ các điểm xét nghiệm và tiêm chủng mấy ngày qua đã báo động. Nhiều người, nhiều gia đình đã trở thành dương tính khi đến test và chủng ngừa. Tình trạng sử dụng găng tay không sát trùng và tổ chức các địa điểm thiếu khoa học đã đưa đến hậu quả đó. Giờ lại nghe thành phố đang phát động xét nghiệm toàn thành phố. Những bài học ở sân Phú Thọ, ở chợ Bình Điền còn sờ sờ ra đấy, sao các ngài vẫn tiếp tục cái biện pháp sai lầm này mãi thế?

Trên thế giới, người ta chỉ xét nghiệm khu vực trọng điểm, những đối tượng ngẫu nhiên để tìm ra con số lây nhiễm. Người ta cũng không đưa ra mục đích vét sạch, bóc, tách F0 ra khỏi cộng đồng. Một việc làm vô ích chỉ tốn kém tiền bạc và công sức. Không ai có thể cực đoan đến độ tổ chức xét nghiệm toàn thành phố 10 triệu dân. Với cách test và tổ chức test như đã làm chỉ tạo thêm số người nhiễm bệnh. Một trong các phương pháp cơ bản của dịch tễ, y học dự phòng là xét nghiệm khu vực trọng điểm. Đó là cách làm khoa học nhất hiện nay. Xét nghiệm đại trà chỉ có lợi cho các tập đoàn mua bán thiết bị xét nghiệm, ngoài ra chẳng có lợi ích gì. Tôi phản đối và bất hợp tác việc xét nghiệm toàn thành phố. Nếu bị bắt buộc tôi sẽ yêu cầu nhân viên y tế phải sát trùng hoặc thay găng tay khi xét nghiệm cho tôi. Nếu không tôi bỏ về như bác sĩ Trương Hữu Khanh, một cán bộ y tế của nhà nước đã đề nghị trên phương tiện truyền thông. Mọi người phải có thái độ dứt khoát về việc này, chúng ta tôn trọng và thực hiện tốt 5K, nhưng rồi lại bị dính bệnh vì sự tắc trách và thiếu chuyên nghiệp trong việc xét nghiệm và tiêm chủng, đó là một việc không thể chấp nhận được.

Thành phố đang tìm mọi cách để giảm con số tử vong, tuy nhiên con số thống kê chỉ ghi nhận được trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân, chứ không ghi được số tử vong tại nhà. Hôm qua tại thành phố có 255 ca tử vong tại bệnh viện. Con số vẫn là nỗi đau của Sài Gòn.

19.8.2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ BỐN MƯƠI BA

Thế là lại thêm một ngày, chất chồng thêm nhiều nỗi âu lo. Hôm qua có một tin lan truyền trên mạng cho là của cửa hàng Ân Nam thông báo từ thứ hai tuần tới tức 23.8 thành phố sẽ lockdown 7 ngày cho nên sẽ không giao hàng được sau ngày 23.8. Do đó cửa hàng sẽ tăng ca vào ngày chủ nhật để giao hàng cho khách. Đồng thời có thêm một tin nhắn Sài Gòn lockdown 7 ngày như Đà Nẵng và kêu gọi chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho những ngày sắp tới. Lại vừa nhận được một tin nhắn khẩn cấp: Thông tin khẩn từ VP Chính phủ (vừa họp xong với Bộ Quốc phòng, dự kiến ngày mai sẽ ra thông báo):

HCM vào tình trạng khẩn.

Siêu thị sẽ đóng cửa hết. Siêu thị chuỗi lớn sẽ ký hợp đồng với quân đội để cung ứng lương thực cho dân

10.000 quân đội sẽ cùng Sở CT và hệ thống siêu thị lớn phân phối hàng đến các hộ dân

Các siêu thị và tổng kho hoạt động khép kín cùng quân đội

Dân tuyệt đối không ra ngoài Áp dụng 02 tuần

Sẽ ra thông báo sớm nhất khi TpHCM và QK7 chuẩn bị xong Có thể từ 23/8 này! Không biết thật hay Fake. Thì chờ xem thôi. Loại thế này xuất hiện nhan nhản thường ngày kia mà. Tin với nội dung thế này dồn dập nhưng hình như người Sài Gòn chẳng còn hoang mang, hoảng hốt, lo lắng nữa. Họ đã chai lì trước những loại tin như thế này rồi. Cũng như ngày xưa thời chiến tranh Sài Gòn bị pháo kích vào thành phố vậy. Vài ba lần đầu còn sợ nhưng rồi quen dần và thấy chẳng lo chi lắm. Bởi xét cho cùng có chi khác đâu. Con virus bay trong không khí thì nó ngán gì dây kẽm gai và chốt chặn. Virus nó đã đi tùm lum khắp nơi thì nó cũng đâu sợ chi giãn cách với giới nghiêm. Những biện pháp đó không hiệu quả, thực tế đã chứng minh. Vùng đỏ, vùng vàng chận, rào, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Rồi vùng xanh cũng chận. Ngay trước nhà tôi có chốt chận, tưởng trong phố có F0, nhưng hỏi ra là chặn để bảo vệ vùng xanh, ra có thể len lỏi được nhưng vào thì thua, kể cả chứng minh là đi kiếm mua hàng thiết yếu. Kiểu này thì hấp hối thật rồi.

Những tin này lan rộng trước sự thờ ơ của người Sài Gòn vì người dân đã dửng dưng trước những tin như thế này rồi. Họ bảo rồi ngày mai báo đài sẽ đính chính, sẽ cho đó là tin giả. Đã hai tháng quá quen với giãn cách, cách ly. Đã quen quá với dây giăng và hàng rào kẽm gai. Đã quen quá với chốt chặn và bao nhiêu văn bản, chỉ thị. Người dân không còn quan tâm. Họ chỉ lưu tâm đến chuyện phải sống ra sao, kiếm cơm thế nào, làm sao để đừng vướng bệnh lúc này, bạn bè, thân nhân có ổn không, có qua được cơn đại dịch này không? Khi nào có vaccine và chích vaccine loại nào?

Còn chuyện của ông nhà nước thì không còn quan tâm nữa bởi đã qua thời gian quá dài với đủ biện pháp, có ngăn được số người nhiễm và số tử vong đâu. Rào chắn vẫn giăng đầy, người bị hạn chế ra đường, xét nghiệm tùm lum, vùng xanh, vùng đỏ, vùng vàng, đời sống dân càng lúc càng bí bách mà có giải quyết được gì đâu? Bây giờ nếu thật sự khoá cửa thêm bảy ngày hay nửa tháng nữa thì cũng thế mà thôi, vũ như cẩn!

Báo hôm nay đưa tin “Từ ngày 23-8, người dân TP.HCM phải đảm bảo việc thực hiện quy định về giãn cách xã hội, ai ở đâu ở yên đó, nhà cách ly nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố, ấp cách ly với khu phố, ấp…”. Thế nghĩa là những tin cho là fake đang trở thành hiện thực, nhưng cũng từng ấy nội dung như đã từng trong nhiều văn bản khác. Có gì mới đâu! Vẫn là đóng cửa, giăng dây, rào kẽm, cấm đi ra đường. Có thể là gắt gao hơn, mãnh liệt hơn, bạo lực hơn và trang bị thêm cho những chốt thi hành công vụ thêm điều kiện để thực thi hơn. Dân không chờ những biện pháp cũ mèm ấy. Dân đang chờ một giải pháp tốt hơn như tiêm chủng vaccine đầy đủ và công bằng. Dân đang cần người mắc bệnh được có xe cấp cứu đúng lúc, được đưa vào bệnh viện đúng nơi và được cứu chữa tận tình. Dân đang cần những gói hỗ trợ kịp thời và đúng người, đúng địa điểm. Dân đang cần những người có trách nhiệm từ tổ dân phố, đến phường, đến quận phải có trách nhiệm với dân, sâu sát với từng hoàn cảnh trong địa bàn trách nhiệm của mình để những sự hỗ trợ, những chính sách của chính phủ đến được với dân.

Cuộc họp báo sáng nay dưới sự chủ trì của ông Phan Nguyễn Như Khuê, trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy và ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND TP. Người dân lại nghi ngại khi trái bóng được giao qua cho Tuyên giáo. Đáng lẽ chuyện này phải giao cho bộ phận chuyên môn chứ. Nếu ai đã được đọc bản báo cáo của cái ban gọi là tư vấn cho thành phố về chống dịch và phục hồi kinh tế sau đại dịch của các ông TS, GS, Luật Sư, chuyên gia phần mềm sẽ ngẩn ngơ vì báo cáo của các ông ấy đều là một mớ lý thuyết viễn vông và những tiên liệu cho tương lai như mấy ông mù sờ voi. Hôm nay, theo ông Khuê sẽ lại tiếp tục phương châm: mỗi tổ dân phố, khu phố, phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch. Ông còn cho biết thêm 5 giải pháp được TP.HCM đưa ra là nâng cao, tập trung hơn, đẩy mạnh hơn để trong thời gian thực hiện các văn bản, chỉ thị của trung ương, thành phố tập trung hơn chống dịch.

Theo ông Khuê, trung ương, Chính phủ đã chỉ đạo đến 15-9, TP.HCM phải kiểm soát được dịch, dần đưa TP về trạng thái bình thường mới. Do vạy, 5 giải pháp này đưa ra để thực hiện mục tiêu này. Hiện nay các cơ quan hữu quan liên quan đang chuẩn bị phương án cụ thể và trước ngày 23-8 sẽ công bố cho người dân biết. Cụ thể người dân TP đảm bảo việc thực hiện quy định vào giãn cách xã hội, ai ở đâu ở yên đó, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố ấp cách ly khu phố ấp, phường xã thị trấn cách ly phường xã thị trấn. Có ai nhìn thấy có chi mới trong nội dung này không? Xin cho tôi biết với.

Tình trạng cấp thiết bây giờ là làm sao hạ thấp con số tử vong hàng ngày. Muốn được như thế phải tăng cường đội ngũ y tế tại địa phương. Lực lượng này nắm rõ những trường hợp F0 cách ly tại nhà, theo dõi diễn tiến bệnh và có biện pháp, phương tiện kịp thời để đưa người bệnh đến nơi cần đến. Chiến lược bóc, tách và xoá sạch F0 trong cộng đồng dân cư là việc làm bất khả thi khi F0 đã lan tràn và lẫn lộn trong cộng đồng. Theo dõi và hỗ trợ F0 là chiến lược hợp lý nhất. Nếu bóc, tách F0 đưa đi bệnh viện khi chưa có triệu chứng rõ ràng chỉ làm cho các bệnh viện quá tải và bệnh nặng hơn vì không được theo dõi và chăm sóc chu đáo. Những bài học của các nước trong việc chống dịch đã cho thấy rõ điều này.

Trong cuộc sống thường ngày, không chỉ có người bị dính dịch mà còn những bệnh nhân của những căn bệnh khác nữa. Khi xã hội tập trung vào virus, nhiều người bệnh khác bị bỏ quên và chết oan ức. Như chuyện xảy ra vào hôm qua 19.8. Một người đàn ông 61 tuổi ở Gò Vấp đã bị khó thở. Người nhà gọi 6 cuộc điện cho nhiều nơi nhờ cấp cứu không được, người con đành bất lực nhìn cha tử vong. Người con đã gọi 115, được hướng dẫn đến đường dây nóng của y tế quận Gò Vấp. Từ đường dây nóng của y tế quận Gò Vấp, tiếp tục được hướng dẫn gọi đến Trạm y tế phường 16 (quận Gò Vấp) theo số điện thoại của bác sĩ Giang. Tuy nhiên liên hệ thì bác sĩ Giang cho biết y tế phường báo chỉ cấp cứu các ca virus chứ không cấp cứu đột quỵ. Người nhà gọi cho y tế quận Gò Vấp thì được yêu cầu chờ xử lý và cho thêm số điện thoại của bác sĩ Thương, trưởng Trạm y tế phường 16, Gò Vấp. Sau gần 5 phút chờ nhưng không thấy ai đến cấp cứu, tiếp tục gọi lại Trung tâm cấp cứu 115 thì được thông báo sẽ tiếp nhận. Sau gần 20 phút, Trung tâm cấp cứu 115 gọi lại hỏi tình hình rồi hướng dẫn người nhà tìm cách đưa bệnh nhân đi bệnh viện chứ không tiếp cận được cấp cứu. Đến 7h30, người nhà đưa người bệnh đến Bệnh viện Quân y 175. Tuy nhiên, bác sĩ nhận định bệnh nhân đã ngưng tim trước khi vào viện.

Qua trường hợp này, ta thấy sự tắc trách của các đội cấp cứu cũng như các bệnh viện. Sự tắc trách này đã giết chết một mạng người.

Hiện nay nổi rộ lên tình hình nhiễm bệnh từ những nơi tiêm chủng và xét nghiệm. Nghe phong phanh sẽ xét nghiệm toàn thành phố làm tôi giật mình. Đó là một việc làm vô bổ và tốn tiền một cách vô ích. Nhiều nhà chuyên môn đã có ý kiến và kinh nghiệm của các nước đã cho thấy điều đó. Hơn nữa khi đội ngũ xét nghiệm và chủng ngừa không được tổ chức khoa học và thiếu chuyên nghiệp sẽ biến những địa điểm này thành ổ dịch như bài viết hôm qua tôi đã nhấn mạnh. Một tin trên báo cũng khiến cho nhiều người lo ngại: Nữ nhân viên lấy mẫu xét nghiệm bị dương tính với virrus, hơn 300 người phải đi cách ly. Đó là một nhân viên Phòng khám Medic Sài Gòn 5 đã lấy mẫu xét nghiệm cho 313 cán bộ, nhân viên tại 7 công ty trong Khu công nghiệp Đông Xuyên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Sau đó phát hiện cô này đã dương tính từ ngày 15.8. Và thế là nơi đây biến thành ổ dịch với 313 người liên quan. Tình trạng này xảy ra nhiều nơi, có khu dân cư sau khi tiêm chủng rất nhiều người bị dương tính phải thở máy. Đã đến lúc gióng lên hồi chuông báo động.

Trong khi toàn thành phố đang căng mình chống dịch, Sở Giáo Dục lại phổ biến chuyện khai giảng và học tập năm học mới. Theo văn bản thông báo, thành phố cho học sinh học online đến hết học kỳ 1. Học sinh THCS và THPT bắt đầu năm học mới từ ngày 1-9, riêng cấp tiểu học từ ngày 8-9, học online đến hết học kỳ 1. Câu hỏi đặt ra là gia đình chưa mua được sách lấy gì mà học. Giãn cách, cửa hàng không mở cửa, người không được đi đâu khi không có lý do chính đáng. Chắc chắn mấy quan bé ở chốt chặn sẽ cho rằng sách giáo khoa không là mặt hàng thiết yếu, chắc là thế rồi. Như vậy có muốn mua cũng không mua được thì học bằng cái gì? Hơn nữa, không phải ở Sài Gòn gia đình nào cũng có máy tính, có ipad, có đường truyền mạng Internet để học online. Nhà nghèo, cơm đang lo từng bữa, ở đâu kiếm ra sách với máy cho con học đây? Giáo viên thì nhiều người chưa rành trong việc dạy trực tuyến vì bài giảng online phải khác bài giảng ở lớp về phương pháp dạy học, nhiều giáo viên rất lúng túng trong giờ dạy. Do vậy, mỗi người dạy mỗi kiểu, học sinh chẳng tiếp thu được bao nhiêu bài giảng. Nhà ở phố, ở trong những con hẻm nhỏ chật chội, học sinh chẳng mấy người có phòng riêng, nếu có máy để học đi nữa thì giờ học luôn gắn liền với sinh hoạt của gia đình, người đi vào đi ra, tiếng cười nói, tiếng máy móc, tiếng động của cuộc sống khiến cho học sinh rất khó tập trung. Những học sinh trung học chứng kiến cha mẹ chạy kiếm cơm ăn hàng ngày, nhận thức được nỗi bức bách của gia đình đang bế tắc thì có thể ung dung và thanh thản ngồi học được không? Đề nghị Sở Giáo Dục nên có những kế hoạch hợp lý và khả thi. Nếu theo văn bản của Sở thì kế hoạch này đã phá sản khi vừa đặt bút ký.

Vừa rồi xem trên mạng một tình cảnh của cô công nhân ở Sài Gòn mà dở khóc dở cười. Theo cô này nói cô là công nhân đã bị thất nghiệp hai tháng nay, đang cố bám nhà trọ chờ ngày được gọi đi làm lại. Cô đăng ký với địa phương để nhận hỗ trợ sống lây lất qua ngày và đã có tên trong danh sách được trợ giúp. Thế nhưng không lần nào cô được lãnh hàng rau hay gói gạo dù đã được kêu tên. Lý do là tại cô xinh quá, mặt mũi sáng láng quá, nhìn như người giàu có. Cô kể mà như muốn khóc. Có lần người ta cho cô bó rau rồi giật lại bảo cô nhường cho người khác. Hoá ra nhiều lúc đẹp quá cũng là một cái tội nhỉ! Ai bảo cô xinh quá làm chi khiến ai nhìn vào cũng tưởng cô giàu. Tội nghiệp!

Tôi nuôi chim cảnh đã hơn 50 năm nay, đa số là chim thuần sinh sản trong lồng và mấy con chim hót. Khi những ngày đầu cách ly cách đây hơn hai tháng, sợ sẽ không mua được thức ăn cho chim, tôi thả hết chục con chim nuôi lâu nay trong cái lồng lớn. Mấy hôm sau, trong sân vườn, cạnh mấy chậu hoa, thấy nhiều xác chim chết. Bởi chúng là chim thuần hoá đã bao nhiêu đời rồi, rời lồng nhốt chúng sẽ không kiếm ăn được, đành chết đói. Mới hôm kia đây, sau nhiều ngày cầm cự vì không còn thức ăn, tôi cho mấy con chim còn lại ăn trái cây chờ dịp kiếm mua thức ăn thường ngày của chúng. Nhưng rồi, trái cây cũng khó kiếm, mua online thì ngại shipper nên tôi quyết định thả hai con chào mào và hai con thanh tước còn lại. Tôi nuôi chúng đã gần 4 năm rồi nên khi thả ra, chúng bay một vòng rồi trở lại, luẩn quẩn bên lồng, có con thấy lồng mở cửa liền nhảy vào ở đấy luôn. Thấy vậy, tôi sợ chúng lại chết vì không có thức ăn nên đành nuôi tiếp. Cố hết sức liên lạc với cô Phượng bán thức ăn chim ở Lê Hổng Phong, kiếm được hai gói thức ăn, mừng muốn chết. Từ chuyện chim không chịu bỏ lồng tôi lại nghĩ đến chữ tự do. Tự do đối với những con chim này là được sống trong lồng với thức ăn có sẵn. Tự do ở bầu trời ngoài kia là cái chết. Chúng xem tự do như một thói quen. Cho nên đừng như nhiều người nghĩ nhốt con chim trong lồng là tước đoạt tự do bay nhảy của chúng. Chúng tự do trong cái lồng chật hẹp đó. Con người cũng vậy thôi. Không có cái tự do chung nhất cho nhân loại. Khi hàng ngàn người biểu tình ở trên một trăm thành phố lớn ở Pháp, họ hô lớn Liberté: Tự do! Họ đòi tự do được chọn lựa chích hay không chích vaccine. Bởi chính phủ Pháp yêu cầu phải có Pass Sanitaire tức Sổ thông hành Y tế mới cho phép được đi khắp nơi, được vào hàng quán, được tụ họp Trong khi ở nước ta, tự do là được chích vaccine và được lựa chọn vaccine. Tự do của người Pháp là bầu trời. Tự do của người Việt là chiếc lồng quen thuộc với những thứ thân quen đã được cung cấp hàng ngày. Tự do như là một thói quen. Cho nên người ta ngẩng đầu để đòi hỏi quyền lợi cho mỗi cá nhân thì chúng ta cúi đầu cam chịu, nhẫn nại và nhẫn nhục chấp nhận những gì đang có và được có. Và mất hết sức đề kháng rồi an phận. Con chim sống mãi trong lồng nên cứ nghĩ khung cảnh của lồng đó là tự do. Những con chim không chịu bay đi lại cho tôi một bài học. Một bài học về Tự do.

20.8.2021

(Còn tiếp)

Comments are closed.