“Sài Gòn đẹp xưa” – Thêm cuốn sách viết trong giờ giải lao

Phạm Công Luận

Nhà thơ Tagore từng viết ở đâu đó: “Cái đẹp chỉ đơn giản là hiện thực được nhìn qua con mắt yêu thương”.

“SÀI GÒN ĐẸP XƯA” – THÊM CUỐN SÁCH VIẾT TRONG GIỜ GIẢI LAO

Gần đây có vài cuốn tôi viết khá nhọc nhằn do cần bám sát các chương mục đề ra, phải sắp xếp bố cục sao cho tương đối chặt chẽ, như cuốn “Hồi ức Phú Nhuận”. Nhờ bà xã Đông Vy đọc giúp và góp ý nội dung và bố cục (rất thẳng thắn và khách quan), đặt giúp tên sách và chọn tranh làm bìa mới yên tâm chuyển sang nhà xuất bản. Không bao giờ cảm ơn cho đủ bạn đời yêu dấu vì đã đồng hành nhiều năm nay trong việc làm sách của tôi

Bên cạnh đó, có cuốn sách hình thành trong những lúc – tôi gọi là giờ giải lao – giữa hai cuốn đã và sắp viết. Cuốn “Sài Gòn đẹp xưa” giới thiệu ở đây nằm trong số đó. Một cuốn sách trang nhã với bìa sách đẹp và dễ thương do công ty Phan Book xuất bản.

“Sài Gòn đẹp xưa” chia ra hai phần: “Còn vọng âm xưa” và “Nơi chốn cũ”. Phần đầu tập hợp những bài viết kể chuyện ngày xưa của thành phố này, vài câu chuyện lạ đầy cảm xúc, câu chuyện của những vật chất gắn bó với người Sài Gòn trong sự lần tìm gốc gác, phục dựng lại đời sống một thời của nó… Phần thứ hai là câu chuyện về những nơi chốn đã đi qua, những nhân vật của một thời không mấy người còn nhớ, câu chuyện về khí phách của người dân thời thuộc địa, tính hào hiệp vô vị lợi một cách tự nhiên của những người cố cựu Sài Gòn – Gia Định.

Bên cạnh một số bài viết mới là một số bài tùy bút đã đăng trên các giai phẩm Xuân từ một hai năm qua. Những bài “Lụy quê hương”, “Quán bên đường”, Tiếng đời”, “Những âm thanh cũ kỹ”, “Có một thời rât xanh”… đong đầy cảm xúc, đưa tôi quay lại hành trình của hai ba năm trước đây, khoảng thời gian trước và sau dịch Covid diễn ra như có cuộc chiến tranh đi qua thành phố này với nhiều tổn thất khủng khiếp… Từ đó, tự nhiên khởi phát nhu cầu nhìn lại chiều sâu cuộc sống, lắng nghe lại những thanh âm đời thường mà lâu nay mắt đã hờ hững, thính giác đã trơ lì… Những vẻ đẹp ngày xưa đời thường giản dị.

Khi đọc đoạn trả lời phỏng vấn của một nhà văn nổi tiếng kiêm nhà ngoại giao Mexico trong một cuốn sách, tôi thấy có điều đồng cảm muốn chia sẻ ở đây: “Thời gian trôi đi, quá khứ thành hiện tại. Lúc này sự hiện diện của quá khứ thành trung tâm của đời anh. Anh cứ tưởng quá khứ không quan trọng vì chúng đã chết, nhưng thật ra chúng cho chúng ta một cơ hội. Nếu anh cố ép một chủ đề khi anh mới hai mươi lăm tuổi và chưa trải đời, anh sẽ thấy điều đó là không thể. Nhưng qua tuổi năm mươi, tôi lại thấy có cả một hàng dài các nhân vật và hình bóng đứng bên ngoài cửa sổ đợi mình viết ra. Tôi ước giá mà mình có thể viết tất cả chúng, nhưng tôi không có đủ thời gian. Quá trình chọn lựa rất đau đớn, vì khi chọn một điều này anh phải giết đi điều khác” (Nhà văn Carlos Fuentes trả lời phỏng vấn trên báo The Paris Review Issue 68 – Phan Triều Hải dịch trong cuốn “Không thể sống mà không viết”).

Cuốn sách nhỏ “Sài Gòn đẹp xưa” này cũng viết bằng cảm xúc khi cảm thấy “… có cả một hàng dài các nhân vật và hình bóng đứng bên ngoài cửa sổ đợi mình viết ra”.

clip_image002

clip_image004

clip_image006

clip_image008

clip_image010

clip_image012

clip_image014

clip_image016

Nguồn: FB Phạm Công Luận

Comments are closed.