Lê Thanh Phong
Vĩnh Quyền không viết tiểu thuyết lịch sử, nhưng "Trong vô tận" là những trang sử. Điều mà có thể chính tác giả cũng không ngờ, đó là "Trong vô tận" đã làm cho người đọc thêm yêu lịch sử nước nhà.
"Trong vô tận". Ảnh: NSX
Giải Văn chương Đông Nam Á/ S.E.A. Write Award thành lập năm 1979. Từ đó, hàng năm thủ đô Bangkok Thái Lan trở thành điểm hội tụ và vinh danh tác phẩm xuất sắc của các nhà văn Đông Nam Á. Ảnh hưởng đại dịch COVID-19, giải thưởng ba năm 2019, 2020 và 2021 được tổ chức trao chung vào ngày 10.8.2023.
Tiểu thuyết "Trong vô tận" của nhà văn Vĩnh Quyền, nguyên Trưởng Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại miền Trung-Tây Nguyên, do NXB Trẻ ấn hành năm 2019, là tác phẩm Việt Nam đoạt Giải Văn chương Đông Nam Á 2021.
Một thanh niên dòng họ Tôn thất đang sống ở Mỹ, anh học lịch sử và đề tài luận văn của anh là “Nước Đại Nam – cường quốc Đông Á”. Tại sao không là một nhân vật học ngành IT cho hợp thời đại, mà là học lịch sử. Và đặc biệt, đề tài nghiên cứu của nhân vật Tôn thất đó là lịch sử Đại Nam. Hãy cứ lật lại từng trang chính sử về thời đại đó để tự hào và khẳng định rằng Đại Nam là một cường quốc thực sự.
Khi mà có nhiều điểm 0 môn lịch sử trong trường học, khi mà ngành lịch sử không phải là lựa chọn ưu tiên cho học sinh thi vào đại học, khi mà biển Đông và hải đảo bị lăm le xâm chiếm, thì chuyện người Việt biết đến một Đại Nam cường quốc Đông Á là một điều cần thiết. Và không chỉ thế, trong từng trang viết, tác giả "Trong vô tận" nhẫn nại kể chuyện lịch sử, có những chuyện tách ra sẽ trở thành một chủ đề riêng để người đọc ôn lại kiến thức sách vở về văn hóa, truyền thống. Qua những câu chuyện đó, tác giả như muốn nhắc nhớ rằng, qua bao biến động của lịch sử, đã cho chúng ta một niềm tin rằng Việt Nam là một nước lớn, một nước mạnh, một đất nước không thể bị khuất phục bởi ngoại bang.
Năm thế hệ trong một ngôi nhà của xứ Huế mà nhà văn Vĩnh Quyền xây dựng trong tiểu thuyết "Trong vô tận" là khái quát về chân dung người Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử. Những đau đớn, dằn vặt, cay đắng của các nhân vật "Trong vô tận" là đau đớn, dằn vặt, cay đắng của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn lịch sử đó. Dù nhân vật nào, ở bất cứ nơi đâu, thì đau đáu nhất là hành động cho một Việt Nam tự do, thoát vòng nô lệ.
Những đoạn văn tái hiện lịch sử của Vĩnh Quyền về cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Thái Phiên, Trần Cao Vân và vua Duy Tân hấp dẫn từng dòng. Đặc biệt là chỉ qua vài câu chuyện, nhưng tác giả khái quát một giai đoạn lịch sử gắn liền với một vương Triều, từ vua, quan, trí thức đến thứ dân đều một lòng giết giặc cứu nước. Qua từng trang văn và sự lần tìm quá khứ của các nhân vật, những tên đất, tên đảo được xác lập và khẳng định chủ quyền. Hoàng Sa, Trường Sa còn nóng hổi thời sự hôm nay là trí tuệ, tầm nhìn, tài năng của vua Gia Long, Minh Mạng năm xưa, đó là lịch sử không ai có thể đảo ngược.
Đọc “Trong vô tận”, có khi như bị lạc vào “hai bờ hư thực”, không biết lúc nào là thực, lúc nào là hư. Bởi vì, nhân vật “tôi” 5 đời trong một gia tộc cùng lứa tuổi 25 và “đồng hiện” trong hơn 100 năm. Ở đó, tuyến truyện lắp ghép, lồng xoắn vào nhau vô tận, dẫn đến khung thời gian tự sự diễn ra trong 10 ngày (người con về thăm cha, cho đến khi ông qua đời) đã mở ra một thời gian hồi cố hơn thế kỷ và thậm chí vô tận.
Và với sự biến hóa khôn lường của nhân vật, là sự biến hóa khôn lường của không gian. Tác giả đã khai thác tối đa nghệ thuật hư cấu để vẽ lên chân dung của các nhân vật trong những không gian cách xa vạn dặm. Người đọc được ném vào vô tận, thiên biến vạn hóa, được trải nghiệm ở nhiều quốc gia khác nhau, xa lắc xa lơ, di chuyển qua nhiều phương tiện khác nhau, vượt hàng nghìn cây số đường thủy, đường không…
Cho dù thời gian và không gian đan xen, cắt lát, nhân vật xuất hiện giữa hai bờ hư thực, nhưng tất cả diễn ra trên nền tảng chuỗi sự kiện lịch sử quan trọng liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của đất nước, dân tộc. Niềm ưu tư, mối quan tâm xuyên suốt cuốn tiểu thuyết là lịch sử chống ngoại xâm của người Việt, từ quá khứ đến hiện tại.
Cho nên, đọc "Trong vô tận", người đọc được dẫn dắt vào trong những trang sử, thức tỉnh mối quan tâm nóng bỏng tính thời sự, đó là bảo vệ chủ quyền biển đảo. Xin được ghi lại một câu của nhân vật Tôn Thất Cẩm Phong: “Làm con dân một nước có đặc điểm địa lý đất dài tới đâu biển ôm theo tới đấy cùng với hàng nghìn đảo lớn nhỏ mà chưa nghĩ suy, chưa hiểu thấu, chưa làm gì vì tình trạng biển đảo của đất nước là có tội”.
Giá trị một tiểu thuyết còn vẻ đẹp ngôn ngữ văn chương của nó. Theo yêu cầu của ban tổ chức Giải S.E.A Write Award, nhà văn Vĩnh Quyền đã chọn đọc 300 chữ trong phần kết "Trong vô tận". Vẳng tiếng khóc. Choàng thức nhận ra đó là phần sót lại từ giấc mơ và tiếng khóc của chính tôi. Cũng không thể biết tôi ngâm mình trong giếng trời này từ lúc nào và chợp mắt bao lâu. Trăng thoát khỏi mây, lớp lớp đồi cát vàng hoang dại vùng tiểu sa mạc Bình Thuận hiện nguyên hình. Hôm nay là ngày lạ lùng, cứ như tập tin nén khổng lồ, nén không gian Huế – Sài Gòn, nén quá khứ vào hiện tại, nén chia ly vào hội ngộ. Rồi buông hết nằm đây một mình mà không nghĩ tại sao. Sóng cát bốn bề cho phép phóng tầm mắt tận chân trời nhưng để chẳng thấy gì ngoài bản thân. Các đám mây hỗn độn như bầy thú nguyên thủy lần nữa nuốt trọn mặt trăng. Chiếc máy bay thương mại xuất hiện đơn độc trên bầu trời và âm thanh động cơ không đến được chỗ tôi. Tôi nhớ những lần từ máy bay nhìn xuống mặt đất nhận ra đường biên ngày đêm khi bóng tối loang dần tới đâu đèn đóm phát sáng tới đó báo hiệu sự có mặt của con người. Tôi tự hỏi có ai trên máy bay kia trông thấy mặt giếng trời này đang gửi tín hiệu kết giao cùng vũ trụ khi nó không ngừng tiếp nhận sáng trăng và phát đi ánh hồi quang. Trăng lại tỏ. Tôi lại mơ hồ trông thấy hình hài của mình và cả lòng giếng dưới gợn sóng vàng óng. Nó nhắc tôi những giếng trời bán đảo Yucatan vịnh Mexico mà người Maya cổ gọi "cenote", cửa địa ngục, vì chúng ăn thông hệ thống nước ngầm lòng đất. Giếng trời tôi nằm đây thì chẳng dẫn đến đâu, dẫu địa ngục thiên đường. |