2000 thuật ngữ Tâm lý học (68)

Hoàng Hưng

681. Grandiose delusion: (chứng) Ảo vĩ cuồng

Ảo tưởng về sự quan trọng, quyền lực, sự giàu có, kiến thức hay bản sắc được thổi phồng của mình, hoặc về việc mình có tài năng hay trí tuệ lớn lao nhưng không được thừa nhận, mình đã có một khám phá đầy ý nghĩa, hay có mối quan hệ đặc biệt với một người nổi tiếng.

682. Grandiose self: Cái bản ngã khoa trương

(trong Tâm lý học bản ngã (self-psychology)) Thuật ngữ được nhà phân tâm học Mĩ gốc Áo Heinz Kohut (1913-81) đưa vào, để chỉ một hình ảnh tự thân mà đứa trẻ phát triển khi chứng tự si mê (là bản tính tự nhiên) của bé bị phá một cách không thể tránh khỏi bởi việc người mẹ đôi khi không đáp ứng được một cách thích đáng. Cái bản ngã khoa trương này thông thường sẽ được điều hoà khi đứa trẻ lớn lên và đáp ứng của cha mẹ thay đổi; nhưng nó sẽ vẫn không thay đổi nếu chuỗi phát triển bị gián đoạn, đặc biệt là nếu người mẹ không bao giờ đáp ứng thích đáng hay đáp ứng một cách khó đoán hay đáp ứng không thực tế; và trong những trường hợp như thế, đứa trẻ có thể phát triển chứng rối loạn nhân cách tự si mê (narcissism personality disorder). Cũng gọi là Grandiose ideas or actions (Các ý nghĩ hay hành động khoa trương).

683. Graphomania: (chứng) Cuồng viết

Tình trạng luôn bị thôi thúc quá mạnh phải viết, thường dẫn đến graphorrhoea (chứng cuồng viết cực độ, mất kiểm soát, viết lộn xộn).

684. Group dynamics: Lực vận động/ Tâm lý học vận động của nhóm

– Các diễn trình, vận động và thay đổi mang tính động hơn là tĩnh trong lòng các nhóm xã hội, mà tác động đến các mẫu liên kết, truyền thông, xung đột, tuân thuận, ra quyết định, ảnh hưởng, lãnh đạo, hình thành chuẩn mực và quyền lực. Thuật ngữ được Kurt Lewin sử dụng, nhấn mạnh quyền lực của những lực lượng luôn thay đổi là đặc trưng của các nhóm liên cá nhân.

– Lĩnh vực Tâm lý học giành cho sự nghiên cứu các nhóm và diễn trình của nhóm.

– Một định hướng về khái niệm và lâm sàng trong liệu pháp tâm lí nhóm, thừa nhận và khai thác các diễn trình ở trình độ nhóm trong nhóm điều trị.

685. Group identification: (sự) Đồng nhất nhóm

– Hành động hay diễn trình đồng hoá bản thân quá mạnh với một nhóm và các thành viên, khiến người ta bắt chước và nội nhập các nét nổi bật của nhóm (hành động, niềm tin, tiêu chuẩn, mục tiêu…). Diễn trình này có thể dẫn đến không chỉ tinh thần thuộc về nhóm được nâng cao, niềm tự hào nhóm, và cam kết nhóm, mà cũng đến tình trạng tự động rập khuôn (autostereotyping).

– (trong thuyết phân tâm của Sigmund Freud) Diễn trình của các cá nhân trở nên gắn bó về cảm xúc với các nhóm xã hội. Đúng như đứa trẻ ràng buộc và bắt chước cha mẹ, người lớn ràng buộc và bắt chước các đặc điểm của nhóm.

– (hiếm xảy ra hơn) Sự coi trọng quan điểm của một nhóm khác dù mình không phải là thành viên của nó.

686. Group polarization: (sự) Phân cực nhóm

Xu hướng can dự vào một nhóm để tạo ra các thái độ và ý kiến của các thành viên nhằm trở nên cực đoan hơn theo hướng của những thái độ và ý kiến áp đảo trong nhóm. Hiện tượng này được giải thích bởi sự can dự tập thể và tham gia nhóm làm cho các chuẩn mực của nhóm nổi rõ, khuyếch trương các thái độ và ý kiến chuẩn mực của cá nhân và làm cho chúng chuyển đổi mạnh hơn theo hướng của các chuẩn mực của nhóm. Khái niệm được nhà Tâm lý học xã hội Pháp gốc Rumania Serge Moscovici (1925-2014) và nhà Tâm lý học xã hội Canada gốc Ý Marisa Zavalloni (1929-) giới thiệu vào năm 1925, hai người đã cung cấp bằng chứng, ví dụ như thái độ của sinh viên Pháp nhìn chung là ủng hộ de Gaulle trở nên càng tích cực và thái độ nhìn chung là thù địch với người Mĩ ngày càng tăng sau việc thảo luận nhóm.

687. Group socialization theory: Thuyết xã hội hoá nhóm

Một lý thuyết về phát triển nhân cách cho rằng trẻ em được xã hội hoá trước nhất là bởi chúng bạn và ảnh hưởng của cha mẹ và thầy cô giáo bị lọc qua các nhóm chúng bạn. Theo thuyết này, trẻ em tìm cách giống chúng bạn hơn là giống cha mẹ. [được đề xuất bởi nhà Tâm lý học phát triển Mĩ judith rich harris (1938-)].

688. Group therapy: Liệu pháp nhóm

Thuật ngữ chung cho nhiều kĩ thuật tâm lí liệu pháp trong đó người bệnh được chữa trị cùng nhau theo nhóm, bao gồm những liệu pháp truyền thống áp dụng cho nhóm, các nhóm gặp gỡ (encouter group), liệu pháp môi trường xã hội (milieutherapy), tâm kịch (psychodrama), xã hội kịch (sociodrama), nhóm huấn luyện (T-group) và vô số những liệu pháp không theo qui ước khác (marathon, growth, confrontation…). Được tin là sử dụng đầu tiên bởi thầy thuốc tâm thần Scotland William Alexander Francis Browne (1805-85) năm 1855. Cũng gọi là Group psychotherapy.

689. Groupthink: Tư duy nhóm

Một mẫu tập thể về tránh né mang tính phòng vệ, đặc trưng là việc ra quyết định nhóm trong những tổ chức mà thành viên phát triển sự hợp lí hoá những ảo tưởng được chia sẻ về tính không thể thất bại và không thể bị tổn thương của mỗi người trong phạm vi nhóm. Nhà Tâm lý học Mĩ Irving Lester Janis (1918-90) đã giới thiệu thuật ngữ này trong sách Nạn nhân của tư duy nhóm (Victims of Groupthink) năm 1972 trong đó liệt kê 8 nét nổi bật: ảo tưởng về tính không thể bị tổn thương; nỗ lực tập thể để hợp lí hoá nhằm hạ thấp những cảnh báo; niềm tin không thắc mắc ở đạo đức cố hữu của nhóm; những cái nhìn rập khuôn về địch thủ và kẻ thù; áp lực trực tiếp với thành viên bất đồng quan điểm chung; tự kiểm duyệt những gì trái với ý có vẻ được đồng thuận nhóm; ảo tưởng được chia sẻ về sự nhất trí; nổi lên những người bảo hộ tự phong từ thông tin chống đối có thể phá hoại sự đồng thuận đang có.

690. Guided discovery: (sự) Khám phá được hướng dẫn

Một kĩ thuật sử dụng trong việc cải sửa hành vi nhận thức để giúp người bệnh nhớ lại các bước dẫn đến một ví dụ cụ thể về cảm nhận lo âu hay trầm cảm, với cái nhìn khu trú những yếu tố có tiềm năng thay đổi ở các mẫu tư duy của người bệnh.

Comments are closed.