Trong rừng cây du thủ (kỳ 4)

Tiểu thuyết ít chữ của Trần Quốc Toàn

TRONG RUNG CAY DU THU

7,

ngọn cỏ trở lạnh, buổi sáng được cắt bỏ, mùi cỏ khói thơm [hay đó là hương vị của mùa đông] gieo hạt cải, hạt đậu, hạt khổ qua rừng, buổi chợ làng bày ra bao nhiêu là rau củ quả, ngày đông, thời tiết thêm rét, nguồn nước giếng ấm nóng, từ thẳm sâu, nơi gợi cho dân làng nỗi hoài mong một mùa xuân đầy hoa ngập tràn ngoài ngõ, tôi đứng giữa vườn mướp đang ủ nụ, thế giới đang vận hành, những tre trảy đang ngã xuống trong tiếng cưa máy, sự rậm rạp mất đi, lộ ra những khoanh đất trống, chỗ trú ngụ của lũ chim cò, chim cuốc dần trở thành nơi xây dựng nhà yến, nơi nhốt tiếng kêu của bầy yến, xứ sở tôi đã làm những cái lồng nuôi yến tự lúc nào trong bước tiến hoá này nhỉ? hay đó là những dấu hiệu báo hiệu cho sự tuyệt chủng của những con chim yến, tôi chỉ mơ hồ nghĩ ngợi về điều đó, khi những cây đu đủ ra quả và nhìn thấy mưa bay trên cây vông mọc đầu ngõ nhà ông tôi, cây vông quả tròn, hột chắc cứng, đã một thời chúng tôi đem làm bánh xe cho cục đất sét, và những tượng người khổng lồ không có mắt, hột vông đem cạ vào đá sẽ nóng lên đem áp vào mắc cá chân, đó là cách chúng tôi chơi trò chọc ghẹo nhau trong những mùa cây vông ra quả,

sáng, nghĩa là tiếng gà gáy trên nóc nhà, những váng mây còn nặng hơi lạnh bay trên núi, mùi bánh xèo thổi hơi vào cái đói của chúng tôi, những đôi mắt đen và tròn, như cách mà chú tôi định nghĩa về đất, như phá hủy đi những xáo trộn của đương đại [những triết thuyết, thể loại, cấu trúc] dần tạo ra những khoảng trống, dần làm chúng tôi xa rời cái đang tồn tại, có thể sẽ khai mở sự hiểu biết nào đó về thế giới, nhưng cũng có thể sẽ làm chúng tôi trở thành những con tắc kè nhiều màu, chẳng còn thương nổi tiếng nói đã cưu mang xứ sở tôi,

tôi đi miệt mài trên cánh đồng mùa vụ, và bắt đầu hiểu ra, bấy lâu, [những phấn son chữ nghĩa giống như những bông hoa giả được cắm vào chiếc bình không có nước, nơi của thời gian không được tạo tác, bởi sự sinh trưởng và tàn lụi, thế giới là sự sinh trưởng và tàn lụi] cái đẹp nằm trong sự sinh trưởng và tàn lụi, cây nến được thắp lên và lụi tàn dần, cánh đồng mỗi mùa cũng chứa đựng trong nó tất cả sự sinh trưởng và tàn lụi, vì sao nhỉ? tiểu thuyết đã chết ư? không, mỗi một đoạn của thời gian, là một tấu khúc, có chăng, những bền lâu là những cái có thể nói được cái thời đại lúc đang sống và cái phỏng đoán về tương lai, trong mỗi sự vật, đều chứa trong nó cái linh hồn, mà tạo hóa đã tạo ra [mọi hiển hiện và vắng mặt đêù có ý nghĩa tồn tại và không tồn tại] tiểu thuyết vẫn sống, chỉ khi thế giới bước sang sự tan rã, không còn sự nghĩ ngợi của con người nữa, thì kết thúc sứ mệnh của mình, có phải không?

tại sao lại là "nghìn năm trôi" hay là những ngẫm ngợi nhàu nhĩ, để nói về cái mênh mông của hoàn vũ?

8,

và bây giờ thì thi ca cùng hành trạng cô độc cất lời, bởi những ký ức cũng có lúc cần được viết ra ở hiện tại, ở mỗi góc nhìn, đều làm, có thể là vỡ ra về sự miêu tả thế giới, chú tôi bảo, là sự không lẫn lộn với bao nhiêu thứ đã hình thành trước đó, lời giễu nhại của con vẹt là lời giễu nhại đầy tính ngụ ngôn, con vẹt chỉ là biểu tượng để nói ra sự giễu nhại thôi, như buổi trưa, khi nằm chợp mắt một lát để cho cơ thể tạm lắng xuống sự sống động của buổi sáng, rồi tiếp tục chuyển dịch những suy tưởng về buổi chiều, đêm tối, thời khắc của sự nghỉ ngơi, mặt trời lặn, gà lên chuồng, mọi hoạt động bên ngoài xin nhường cho dế gáy, cho ếch kêu, cho những thao thức của bầy phù du đi tìm lửa, còn chúng ta, những cơn mưa mơ bay qua khắp mọi vùng ảo ảnh của trần gian, lúc này, là hoạt động của tâm hồn, thể xác chỉ nằm im như cái cây, mà giấc mộng là gió là mặt trăng, là sự bay, những ngưỡng cửa vỡ ra, để thanh lọc sự nặng nề của ban ngày,

đêm, chú bảo rằng, để miêu tả sự hoang vu, là không được làm hay cố gắng đưa ra một loạt những câu từ mà nội hàm chỉ là "hoang vu lắm" hay "nơi này thật sự tan rã, và không còn sự hiện diện nào của sự sống" bằng một cách nào đó, chú nói: cháu của ta, ta đã nghe ra tiếng sáo trời thổi lúc nửa đêm, từ những ống tre rường mái, những mái nhà ở làng, đêm nghe tiếng gió thổi vào những sơ hở ấy là cứ như có ông vua mất nước cưỡi ngựa về làng [tôi cảm được sự hoang vu của hoàn vũ, khi những người làng đang say giấc trên chiếc giường của mình, thì ngoài trời một sự trở lại của thời khắc lịch sử bỗng trở về trong âm thanh của gió] và đó là sự sơ hở của thế giới, tôi ngồi uống chén trà mộc hương giữa phố, nơi chú tôi sống cô đơn với tầng ba căn nhà ở phố, đương đại thì bao nhiêu thứ triết thuyết, bao nhiêu cuộc cãi vã vòng quanh những thứ nằm ngoài nội hàm của xứ sở tôi, bởi [xứ sở tôi đã nghìn năm trôi, thi ca và triết học là đất, là tro than của những thế kỷ, là cách con trâu kéo cày và lũ chim làm tổ, cách lũ chim làm tổ thì bao nhiêu thứ hay ho chưa thể kể cho hết, vậy mà chú tôi đã kể cho tôi nghe về cách quan sát chúng làm tổ, cứ y như một nhà làm phim canh me từng chi tiết hình thành nên thế giới của chúng] ồ, tôi ngồi với nhiều suy nghĩ, có lẽ, trong quãng thời gian thơ ấu, bị chôn lấp quá nhiều thứ làm tâm trí bị mất đi khả năng quan sát sự vật chung quanh, thế giới tuổi thơ là cái gì đó của mọi vật chung quanh [là những ngày đi hái rau rừng, hay đi đặt bẫy chồn trên suối, hay ra đồng bới những đống rơm còn sót lại, sau cơn mưa đông để hái nấm rơm về nấu canh bồ ngót, hay đi lùng ốc trong đường cày khô quánh, lũ ốc chui vào tiêu hoá những dinh dưỡng mà chúng chứa trong ruột, lúc này, thịt ốc sạch cặn bã, và ngọt] tôi đang giải cấu trúc những gì mà chú tôi viết chăng? không, mà là tôi đang học cách nhìn khác từ cách nhìn khác của chú tôi,

như thế là chú tôi đang ngồi nghe lời người ghi chép lại lời của chính mình…

một khúc hát giữa rừng cây du thủ

nhịp sống, cứ tuần tự gieo lên dòng biến thiên

múa trên những ô cửa,

múa trên những nỗi niềm cổ độ

họ cứ múa như thể thế giới chỉ có nỗi hân hoan và những buổi tiệc tùng

và cười cợt vào những cái chết chưa hồi sinh

thịt heo rừng bảy món, bảy người ca ngợi thức ăn

khi giọt máu khô quánh trên lưỡi dáo săn đêm

múa và chúc tụng nhau trong mùa dịch bệnh

– ngươi đã sống sót trong sự bảo bọc của nhà cửa và những vĩ đại kéo cái bóng ngươi dài hơn lịch sử

múa để quên mình hạt bụi trong hành trình sinh diệt

múa điên cuồng vũ điệu của xác hến trôi lăn bờ bãi

múa cho vỡ sự hôi thối đang rữa ướt dưới những tượng đài thạch cao

lửa thiêu đốt tâm người mất trí

phù sa bỏ đi trôi về đâu họ chẳng rõ

những giọt nước mắt chảy từ những chai rượu xịn sò đắt giá

nước mắt đó bốc mùi chữ nghĩa cong có méo mó

trong góc khuất của thế giới họ đã múa trên chiếc bẫy của chính họ

khi tỉnh ra, rệu rã và vô thiên lủng,

tôi đi trên những miền sình lầy xoá dấu vết và nhiều khi không nhớ rõ mình đã lạc vào đó lúc nào, những dấu chân phủ lên màu huyền hoặc, như lũ cuốn trên những ngọn đồi nối đuôi nhau, như ván Domino ngã sập vào nhau, và những ngọn đồi mồ côi vẫn cứ nghìn năm trụ vững hình thành nên một tường thành vạn lý, những dòng thư chảy ra từ hủy diệt đã trở lại nơi lòng đất xứ sở tôi, quả là ma quái, quả là khốc liệt, nhưng dù sao chú tôi vẫn huyền nhiệm như cái tên của ông, nghĩa là [vẫn còn nơi chốn trú ngụ của những biên sử còn tồn tại lâu dài, chờ đợi người mới mở ra và cùng nhìn lại cái cơ sự đang ăn ruỗng những đức tin nơi những ảo ảnh] tôi hiểu, càng đi là càng thụt lùi, bởi ở khắp nơi đã nhuộm màu ảo ảnh, thế là tôi về lại nơi dấu tích hồng hoang, để khoảng trống của hiện thể sẽ tách biệt với những vũ điệu ngu ngơ vô thiên lủng.

(Hết Phần 1)

Comments are closed.