Hoàng Hưng
761. Implicit memory: Kí ức ẩn
Một kiểu kí ức được bộc lộ khi học, khiến dễ dàng thực hiện một nhiệm vụ không đòi hỏi sự nhớ lại kiến thức đã học một cách có ý thức hay chủ ý. Trong một đo nghiệm điển hình, người học được cho thấy một danh sách các từ ngữ hay tranh ảnh, rồi được giao một nhiệm vụ không có liên quan rõ rệt: nhận ra những phân đoạn của hình thể, từ ngữ hay tranh ảnh được trưng ra thoáng qua, và bằng chứng của kí ức ẩn được thấy trong việc họ dễ dàng nhận ra những phân đoạn hình thể đã được biết trước. Những người mắc chứng mất trí nhớ nặng vốn có thành tích yếu kém trong các đo nghiệm theo chuẩn, thường đạt thành tích thông thường trong những đo nghiệm về kí ức ẩn. Thuật ngữ được đưa vào bởi nhà Tâm lý học Canada Peter Graf (1951-) và nhà Tâm lý học Mĩ Daniel Lawrence Schacter (1952-) trong một bài viết trên Journal of Experimental Psychology: Learning, Memory, and Cognition (Tập san Tâm lý học Thực nghiệm: Việc học, Kí ức và Thức nhận (Nhận thức)) năm 1985.
762. Implicit personality theory: Thuyết nhân cách ẩn
Một tập hợp giả định cho rằng con người thường tạo ra một cách vô thức sự tương liên giữa các nét nổi bật về nhân cách, bao gồm những giả định được lan truyền rộng rãi rằng sự ấm áp tương liên một cách tích cực với sự rộng lượng, cho nên một người ấm áp được tri nhận là dễ là người rộng lượng, còn sự lạnh lùng tương liên một cách tích cực với sự nghiêm túc… Một số thuyết về nhân cách ẩn cũng bao gồm những tương liên giữa các nét nổi bật về Tâm lý học với tướng mạo, như tin rằng trí khôn tương liên một cách tích cực với chiều cao của trán hay sự ti tiện tương liên một cách tiêu cực với khoảng cách giữa hai mắt. Khái niệm được đưa vào năm 1924 bởi nhà Tâm lý học Mĩ Jerome Seymour Bruner (1915-2016) và nhà Tâm lý học Mĩ gốc Ý Renato Tagiuri (1919-2011) – ông này đã gọi nó là lay personality theory (thuyết nhân cách không chuyên môn), và năm 1955 bởi nhà Tâm lý học Mĩ Lee Joseph Cronbach (1916-2001) – ông này đã đưa vào thuật ngữ implicit personality theory.
763. Impression management: (sự) Quản lí ấn tượng
Kiểm soát và điều chỉnh thông tin nhằm ảnh hưởng đến sự hình thành ấn tượng hay thái độ hay ý kiến của mọi người về một người có hành vi đang được săm soi. Thông qua việc quản lí ấn tượng, người ta tìm cách tạo dạng các ấn tượng của mọi người về một người hay một sự kiện. Việc quản lí ấn tượng về bản thân gọi là self-presentation (tự trình bày).
764. Impulse-control disorder: Rối loạn kiểm soát xung động
Một hạng loạn tâm có đặc trưng là không kháng cự được các xung động, thúc đẩy hay cám dỗ ứng xử theo những cách có hại cho bản thân và người khác.
765. Incentive-sensifization theory: Thuyết nhạy cảm khuyến khích
Một thuyết về nghiện ma tuý tránh giả định rằng người nghiện có động lực dùng ma tuý để thoả mãn khoái lạc hay tránh những triệu chứng khó chịu do cai nghiện. Thuyết này đề xuất rằng các chất gây nghiện sinh ra những thay đổi lâu bền trong tổ chức não ở những chỗ thông thường liên can đến diễn trình khuyến khích và tưởng thưởng. Những thay đổi này tạo ra các hệ thống tưởng thưởng trong não khiến cho não cực nhạy cảm với ma tuý và các kích thích liên kết với ma tuý, làm cho người nghiện “muốn” ma tuý ngày càng nhiều, hậu quả là “sự muốn” trở nên tách khỏi “sự thích”, và người nghiện tiếp tục dùng ma tuý ngay cả khi họ không có được khoái cảm hay thư giãn khỏi những triệu chứng cai nghiện khi dùng ma tuý. Thuyết này được đề xuất đầu tiên bởi nhà Tâm lý học Canada Terry E. Robinson (1949-) và Kent Charles Berridge (1957-) trong một bài viết trên tập san Brain Research Reviews (Phê bình nghiên cứu về Não bộ) năm 1993.
766. Incest taboo: Huý kị về loạn luân
Tập tục hay luật lệ trong mọi xã hội cấm đoán quan hệ tính dục và kết hôn giữa các thành viên của gia đình hạt nhân. Sự phổ quát của huý kị này rất khó giải thích. Theo thuyết chức năng (functionalism), huý kị này duy trì những mạng lưới quan hệ xã hội mà không có chúng thì các xã hội sẽ phân rã thành những gia đình hạt nhân tách rời nhau và sẽ bị triệt tiêu, nhưng thuyết này dựa trên giả định gây tranh cãi rằng nếu không có huý kị về loạn luân, người ta sẽ tự nhiên muốn cặp đôi với bà con gần, và nó không giải thích được vì sao huý kị cấm quan hệ tính dục hơn là cấm hôn nhân. Theo inbreeding depression theory (thuyết suy nhược do sinh sản đồng huyết), sự sinh sản đồng huyết dẫn tới thoái hoá gien và cuối cùng là tuyệt diệt mọi xã hội, vì các gien suy thoái có hại dễ tác hợp với nhau hơn, và sự huý kị có thể được tiến hoá do sự chọn lọc tự nhiên, nhưng nó để ngỏ câu hỏi vì sao ít loài động vật có huý kị về loạn luân và vì sao một số xã hội loài người thành công như dân Soho ở Nam Phi lại bắt buộc kết hôn giữa các anh chị em con chú bác. Giải thích thuyết phục nhất là prepubertal interaction theory (thuyết tương tác trước dậy thì) đưa ra năm 1894 bởi triết gia xã hội Phần Lan Edvard Alexander Westermarck (1862-1939), dựa trên quan sát Tâm lý học rằng sự tiếp xúc thân mật giữa trẻ em ở một thời kì quyết định trước tuổi dậy thì, giờ đây được tin là giữa 2 và 6 tuổi, đưa đến việc thiếu hấp dẫn tính dục giữa chúng trong đời sống trưởng thành.
767. Incomplete-pictures test: Đo nghiệm bằng hình khuyết
Một đo nghiệm không có từ ngữ, thường nằm trong đo nghiệm I.Q (chỉ số trí khôn), trong đó người trả lời cố gắng nhận diện hay lấp đầy một phần bị thiếu từ một tấm hình của một vật quen thuộc, như một con heo không có đuôi hay khẩu súng không có cò súng (cơ bẩm).
768. Indissociation: (sự) Không phân li
Thuật ngữ được nhà Tâm lý học Thuỵ Sĩ Jean Piaget (1896-1980) sử dụng để nói về tình trạng trẻ nhỏ không phân biệt được bản thân với môi trường xung quanh hay các vật với nhau.
769. Individual psychology: Tâm lý học cá nhân
Trường phái phân tâm học cũng gọi là Adlerian psychoanalysis (Phân tâm học Adler) do nhà tâm thần học người Áo Alfred Adler (1870-1937) sáng lập năm 1911.
770. Individuation: (sự) Cá biệt hoá
Hành động hay diễn trình cho một người hay một sự vật có được tính cá biệt. Trong Tâm lý học phân tích, đó là diễn trình xảy ra từng nấc trong suốt cuộc đời, trong đó một cá nhân đạt được sự toàn bộ thông qua việc tích nhập ý thức với vô thức tập thể, và được biểu tượng bằng mandala. Ở một đoạn văn then chốt, Carl Gustav Jung (1875-1961) mô tả nó như sau: “Sự cá biệt hoá có nghĩa là trở thành một hữu thể đơn nhất, đồng nhất, và, chừng nào “tính cá biệt” bao quát cái nội tại sâu xa nhất của ta, cái độc nhất cuối cùng và không thể so sánh, nó cũng bao hàm việc trở thành một cái bản thân của chính mình. Do đó chúng ta có thể dịch sự cá biệt hoá thành “coming to selfhood” (đi đến bản thân) hay “self-actualization” (bản thân hoá). Jung mượn từ này của triết gia Đức Arthur Schopenhauer (1788-1860) nhưng nó đã có gốc từ khoa giả kim TK 16. Trong thuyết Freud mới, nhà Tâm lý học Mĩ gốc Đức Erich Fromm (1900-80) sử dụng thuật ngữ này hơi khác để chỉ việc đứa trẻ dần dà đạt được thức nhận (nhận thức) rằng mình là một con người cá nhân riêng biệt.