2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 85)

Hoàng Hưng

851. Intellectualism:Thuyết duy trí

– (trong triết học) Quan điểm nhất quán với Idealism (Thuyết Duy tâm) hay Rationalism (Thuyết Duy lí), nhấn mạnh sự tiên quyết của tâm trí hay ý tưởng.

– (trong Tâm lý học) Học thuyết cho rằng các chức năng thức nhận (nhận thức) là tiên quyết, các trạng thái trải nghiệm về tình cảm và động lực có thể được giải thích bằng hay bắt nguồn từ các trạng thái nhận thức căn bản.

– (trong ngôn ngữ thông tục) Xu hướng đặt quá cao giá trị hoặc sự phụ thuộc vào trí tuệ.

852. Intensive psychotherapy: Liệu pháp tâm lí tăng cường

Sự chữa trị tâm lí mở rộng, thấu đáo và kéo dài đối với những quan tâm và vấn đề của một cá nhân. Tính “tăng cường” chỉ ra cả bản chất của các cuộc thảo luận – liên quan đặc biệt đến việc xem xét mở rộng lịch sử cuộc đời và những xung đột của cá nhân, lẫn thời gian chữa trị.

853. Intentional behavior (behaviour): Hành vi chủ định

Hành vi có mục đích trong đó cá nhân sử dụng các chiến lược để đạt được những mục tiêu hay hiệu quả khác nhau. Theo Thuyết Jean Piaget về sự Phát triển nhận thức, hành vi chủ định xuất hiện ở trẻ từ 8 đến 12 tháng tuổi.

854. Interbehavioral psychology: Tâm lý học liên ứng

Một hệ thống Tâm lý học quan tâm đến những tương tác giữa một động vật với môi trường. Tập trung chú ý vào sự tương tác giữa các chức năng kích thích (việc sử dụng hay vai trò của một kích thích) và các chức năng đáp ứng (mục đích mà đáp ứng phục vụ) và cách thức mà hoàn cảnh và trải nghiệm định dạng cho những tương tác ấy. Do nhà Tâm lý học Mĩ Jacob Robert Kantor (1888-1984) đề xướng. Cũng gọi là interbehaviorism (thuyết liên ứng).

855. Interdependent self-construal: (sự) Tự thức tương thuộc

Một quan điểm về bản thân nhấn mạnh sự gắn sâu vào một mạng lưới quan hệ xã hội và đánh giá thấp những nét riêng hay hay thành tích độc đáo của mình.

856. Interference theory: Thuyết giao thoa (nhiễu)

Giả thuyết cho rằng sự lãng quên là do cạnh tranh của một sự học hay của những kí ức khác. Giao thoa (nhiễu) có thể từ thông tin thu nhận được trước đó (proactive interference: giao thoa tác động tới) hay thông tin đưa ra sau khi kí ức đích đã thu nhận được (retroactive interference: giao thoa tác động lui). 

857. Intergroup dynamics: Động học liên nhóm

Các diễn trình động hơn là tĩnh ảnh hưởng đến những quan hệ luôn biến đổi giữa các nhóm, trong đó có sự định khuôn, cạnh tranh, xung đột giữa các nhóm và thiên kiến nhóm.

857. Internal object: Đối tượng nội tâm

Một hình ảnh hay biểu trưng của một người (đặc biệt là người có ý nghĩa đối với cá nhân, như cha, mẹ) được trải nghiệm như một hiện diện nội tâm hoá trong tâm trí. Trong Thuyết Quan hệ đối tượng (Object Relations Theory), Melanie Klein thấy cái tâm của con người được làm bởi những đối tượng nội tâm, các quan hệ giữa chúng với nhau và giữa chúng với cá nhân xác định nhân cách và các triệu chứng cùa cá nhân ấy.

858. Interpersonal concordance: (sự) Hoà hợp liên cá nhân

(trong Thuyết Phát triển đạo lí (Theory of Moral Development) của Kohlberg) Giai đoạn thứ nhất trong hai giai đoạn của trình độ qui ước (conventional level), trong đó xuất hiện ý tưởng động cơ và chủ định nằm bên dưới, và hành vi đạo đức là hành vi được tán thành. Cũng gọi là good-boy-good-girl stage (giai đoạn trai tốt gái lành), good-boy-nice-girl orientation (định hướng trai tốt gái lành).

859. Interpersonal intelligence: Trí khôn liên cá nhân

Trong Thuyết Nhiều dạng trí khôn (Multiple-Intelligence Theory) Trí khôn liên quan đến việc hiểu và quan hệ với người khác. Trí khôn liên cá nhân được cho là tương đối độc lập với những dạng trí khôn khác (như trí khôn logic toán, trí khôn ngôn ngữ…) được nêu lên trong thuyết nói trên.

860. Interpersonal psychotherapy (IPT): Liệu pháp tâm lí liên cá nhân

Một hình thức liệu pháp tâm lí, nguyên dựa trên Thuyết Liên cá nhân (Interpersonal Theory) của nhà tâm thần học Mĩ Harry Stack Sullivan (1892-1949), cho rằng các mối quan hệ với người khác tạo nên lực nguyên thuỷ tạo động lực cho hành vi của con người. Đặc điểm nổi bật trung tâm của IPT là làm sáng tỏ các mối quan hệ của người bệnh với những người khác trong đó có người chữa trị. Người chữa trị giúp người bệnh thăm dò chi tiết các trải nghiệm quá khứ và hiện tại, không chỉ liên quan đến phản ứng liên cá nhân mà cả những ảnh hưởng của môi trường nói chung đối với suy nghĩ và hành vi thích nghi và không thích nghi của cá nhân.

Comments are closed.