Anh em công nhân chú ý!

M. Gorky, “Đời mới”, № 177, 10 (23), tháng Mười một, 1917.

Lã Nguyên dịch từ tiếng Nga

Горький М. «Несвоевременные мысли» (сост. Г.Ермолаев). — Париж, 1971 -  Коллекция русского шанхайца

Vladimir Lênin đã đưa về nước Nga chế độ xã hội chủ nghĩa theo phương pháp của Nechaev: “Mở hết tốc lực băng qua vũng lầy”.

Cả Lênin, cả Trotsky, lẫn những kẻ đưa họ tới chỗ diệt vong trong vũng lầy thực tại, hiển nhiên cùng Nechaev tin rằng, “dùng quyền nhục mạ là cách dễ nhất để có thể lôi kéo người Nga”, và như thế họ đã nghiễm nhiên làm ô danh cách mạng, làm ô danh giai cấp công nhân, buộc thợ thuyền tham gia các cuộc tàn sát đẫm máu, các vụ lừa đảo, bắt bớ những người vô tội như A. V. Kartashev, M. V. Bernatsky, A. I. Konovalov và nhiều người khác[1].

Buộc giai cấp vô sản phải tán thành xóa bỏ quyền tự do báo chí, Lênin và đám tay sai đã giúp kẻ thù của dân chủ hợp pháp hóa quyền bịt miệng họ; lấy đói khát và sự giết chóc đe dọa tất cả những ai không tán thành chế độ toàn trị của Lênin – Trotsky, các vị “đầu lĩnh” này biện minh cho sự chuyên chế của cái chính quyền mà những lực lượng ưu tú của đất nước đã bền bỉ đấu tranh đầy đau khổ để chống lại.

“Sự vâng lời của lũ học trò và những kẻ ngu ngốc”[2] đi theo Lênin và Trotsky đã “đạt tới đỉnh điểm”, – lũ học trò và những kẻ ngu ngốc ấy khi thì nguyền rủa sau lưng các đầu lĩnh, lúc lại đi theo họ, cuối cùng thì ngoan ngoãn phục vụ cho ý chí của những tên giáo điều và ngày càng khơi dậy trong khối thợ thuyền và binh lính tăm tối nhất niềm hi vọng viển vông về một cuộc sống vô tư mai sau.

Tưởng tượng mình là những Napoleon của chủ nghĩa xã hội, các tín đồ của chủ nghĩa Lênin đang xé nát, phá tan tành, hoàn thành công việc làm sụp đổ nước Nga[3] – nhân dân Nga rồi sẽ phải trả giá cho điều đó bằng cả một bể máu.

Tất nhiên, bản thân Lênin là con người mạnh mẽ phi thường; suốt hai mươi lăm năm ông đứng trong hàng ngũ những người đấu tranh cho sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, ông là một trong những nhân vật lớn nhất và sáng giá nhất của nền dân chủ – xã hội quốc tế; là một người tài năng, ông có thừa những phẩm chất của một "đầu lĩnh", nhưng thiếu các phẩm chất đạo đức cần thiết cho vai trò ấy và có một thái độ hoàn toàn quí tộc, tàn nhẫn đối với cuộc sống của quần chúng nhân dân.

Lênin là một “đầu lĩnh” và là một quí tộc Nga có nhiều đặc tính tinh thần cố hữu của một tầng lớp đã bị quên lãng, vì thế ông cho mình cái quyền làm một thí nghiệm tàn ác với nhân dân Nga, sẵn sàng chấp nhận sự thất bại.

Cả dân tộc bị tàn phá và kiệt quệ do chiến tranh đã phải trả giá cho thí nghiệm của Lênin bằng hàng ngàn sinh mạng và sẽ còn phải trả giá bằng nhiều chục ngàn sinh mạng nữa, điều đó rồi sẽ hủy diệt họ trong thời gian lâu dài.

Thảm kịch khó tránh khỏi này không hề làm Lênin, kẻ nô lệ của giáo điều, và những tên tay sai, lũ nô lệ của ông, bận tâm. Lênin không hiểu được tất cả sự phức tạp của đời sống, ông không am tường quần chúng nhân dân, không đồng cam cộng khổ với họ, nhưng từ sách vở ông biết cách làm thế nào cho đám quần chúng ấy lồng lên, để bản năng của họ trở nên điên rồ một cách dễ dàng nhất. Với các môn đệ của chủ nghĩa Lênin, giai cấp công nhân cũng tựa như quặng với thợ luyện kim. Với tất cả những điều kiện hiện có, từ chất quặng ấy, liệu có thể đúc thành nhà nước xã hội chủ nghĩa được không? Hiển nhiên là không thể, nhưng hà cớ gì mà phải thử nghiệm? Vì sao Lênin cứ liều lĩnh, chấp nhận rủi ro, nếu thí nghiệm không thành công? Ông làm việc tựa như nhà hóa học trong phòng thí nghiệm, chỉ có chút khác biệt là nhà hóa học sử dụng vật chất vô tri, mà công việc của anh ta mang lại kết quả có giá trị cho cuộc sống, trong khi Lênin làm việc bằng chất liệu sống và đưa cách mạng tới sự hủy diệt. Những người lao động tự giác đi theo Lênin cần hiểu rằng người ta đang làm một cuộc thí nghiệm với giai cấp công nhân, cuộc thí nghiệm này sẽ hủy diệt những lực lượng công nhân ưu tú nhất và kìm hãm lâu dài sự phát triển bình thường của cách mạng Nga.

Nguồn: M. Gorky – Anh em công nhân chú ý. Trong M. Gorky, Nhng ý nghĩ không hp thi. Các bài báo 1917-1918 (Горький Максим «Несвоевременные мысли. Статьи 1917-1918 гг.».), G. Ermolaev biên tập, giới thiệu và chú thích). Paris: Editions de la Seine, 1971, tr. 111-113.


[1] Tuyên bố này đã dẫn đến “Thư ngỏ gửi M. Gorky”, do ba hạ sĩ quan kí tên và được công bố trên tờ “Sự thật” ngày 25 tháng 11 (12) năm 1917. Các tác giả của bức thư hỏi Gorky, rằng tuyên bố của ông phải giải thích thế nào: nó là sự ngây thơ hay cố ý dối trá? Và điều quan trọng nhất: “… ai làm xấu mặt cuộc cách mạng Nga nhiều hơn, các đồng chí Lênin và Trotsky, hay là ông, đồng chí Gorky?”

[2] Alexander Kaun, một Giáo sư người Mỹ, đã chỉ ra, có lẽ ở đây Gorky ám chỉ các chính trị gia như Zinoviev, Kamenev, Lunacharsky, những người đã có lúc bất đồng với Lênin về một số vấn đề lí thuyết và chiến thuật. Xem Alexander Kaun, Maxim Gorky and His Russia. New York: Jonathan Cape & Harrison Smith, 1931, tr. 472.

[3] Tuyên bố này cộng với những dòng mở đầu của đoạn trước và đoạn thứ hai của bài viết này, cộng với định nghĩa về những người Bolshevik là "những kẻ cuồng tín mù quáng và những những kẻ mạo hiểm bất lương" và "những kẻ mưu phản và vô chính phủ kiểu Nechaev" (từ “Về dân chủ") – tất cả những cái đó đã được tập hợp lại làm thành một đề từ theo kiểu trích dẫn dành cho bài báo của Ilya Ionov “Làm sao người ta thể nhìn cây mà không thấy rừng?”, “Sự thật”, ngày 8 tháng 12 (25 tháng 11), 1917. Nhà thơ vô sản Ilya Ionov (bút danh là Ilya Ionovich Bernstein, 1887-1942) nhận thấy rằng Gorky viết về những người Bolshevik và những người lãnh đạo của họ gần giống như giai cấp tư sản và bọn Trăm Da đen đã viết. Nhà thơ, người sau này giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các nhà xuất bản của Liên Xô,thất vọng nói: “Nhà văn được đông đảo quần chúng vô sản chăm chú lắng nghe trong nhiều năm đã nhập vào dàn đồng ca của những người làm nhiệm vụ vu khống phong trào công nhân”.

Comments are closed.