Nhật ký Sài Gòn lockdown (kỳ 18)

Đỗ Duy Ngọc

lockdown

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ SÁU MƯƠI

Thế là đã tròn hai tháng Sài Gòn bị phong toả từ giãn cách theo chỉ thị 16, rồi 16+ và siết chặt giới nghiêm. Gần cả ngàn điểm bị cách ly, rào chắn, giăng dây, dựng khung kẽm nhưng người nhiễm vẫn nhiều, tử vong vẫn cao. Người dân có tiền cũng ngao ngán, lo âu mà người lao động nghèo lại càng bế tắc, đang thấy rõ cái đói đang đe doạ. Nhà nước cũng tìm mọi cách để trấn an dân chúng bằng nhiều cách, cũng đề ra nhiều biện pháp để không có ai phải đói trong mùa dịch. Nhưng các kế hoạch lại không thực hiện được trọn vẹn vì hệ thống lãnh đạo ở địa phương thiếu khả năng và óc tổ chức, thiếu trách nhiệm và không sâu sát địa bàn mình phụ trách. Kết quả là dân kêu, nhiều nơi dân liều mình ra đường kéo nhau đi bộ đến cơ quan, trụ sở phường, xã để kêu cứu. Chủ trương không để sót ai, không ai thiếu ăn nhưng thực tế lọt tên, sót tên quá nhiều gây căm phẫn trong dân. Trách nhiệm này do đội ngũ cán bộ phường xã không có khả năng làm việc. Lâu nay chỉ là viên chức hành chánh, quản lý nhân dân địa phương chứ không có óc tổ chức, điều hành nhân sự và tổ chức công việc. Từ đó đưa đến hậu quả khiến dân ta thán. Đó là chưa kể thành phần vô trách nhiệm và ăn chận, chia chác những hỗ trợ của nhà nước cho thân nhân và phe cánh của mình.

Phong toả, cách ly, giãn cách quá dài khiến cho dân đuối sức, các doanh nghiệp cũng cùng đường phá sản. Ngay những người buôn bán nhỏ bằng những cửa hàng, quán nhỏ cũng cạn vốn, buông xuôi. Những sạp hàng ở các chợ sau thời gian dài không hoạt động, hàng hoá hư hỏng, mốc thiu đành phải đổ bỏ, xem như vốn liếng chẳng còn.

Hôm qua nghe phong phanh sẽ sớm giảm giãn cách từ 15.9, cũng vội mừng. Nhưng rồi cũng ngay chiều hôm qua, ông Đức Hải thông báo đó là tin giả. Và từ 15.8, Ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Thành ủy đã phát biểu hiện nay tình hình dịch bệnh tại thành phố đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm vẫn còn cao, hệ thống điều trị quá tải, công tác tiếp nhận điều trị có lúc có nơi chưa đáp ứng kịp, tỉ lệ tử vong chưa giảm. Các tỉnh lân cận có số ca nhiễm tăng nhanh, nguy cơ tái bùng phát mạnh hơn, khốc liệt hơn nếu mất cảnh giác, chủ quan. Do đó, thành phố sẽ phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội thêm một tháng để từng bước đưa TP.HCM trở về trạng thái bình thường mới. Mới đây người dân đặt câu hỏi TP.HCM giãn cách theo kịch bản nào sau ngày 6.9? Thành phố vẫn chưa có câu trả lời cụ thể cho dân yên lòng. Cũng vẫn đang loay hoay, cũng chưa tìm đường ra tốt nhất.

Trên mạng vẫn lắm tin về kế hoạch sau ngày 15.9 với nhiều chi tiết, nhưng Ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố lại bảo tin giả. Vậy tin nào là chính xác đây? Mạng cũng tin giả, đài cũng có tin giả, báo cũng đầy tin giả, bó tay vậy.

Thế là xong, mong đợi sớm được thoát tù hãm, được ra đường kiếm sống, được có cuộc sống bình thường sẽ không thực hiện được, đành chờ thêm thời gian nữa. Thì chờ thôi, cũng như phải chờ mũi vaccine thứ 2 vậy. Tất cả đều thụ động trong tư thế nước đến chân thì nhảy, chẳng có một kế hoạch chuẩn bị dài hơi nào. Lãnh đạo thành phố cho rằng bảo đảm tỉ lệ tiêm chủng vắc xin có ý nghĩa quyết định chiến lược phòng chống dịch. Nhưng theo ông Mãi, mặc dù thành phố đã chủ động tìm mua vắc xin từ sớm và được Chính phủ chấp thuận nhưng hiện nay vẫn rất khó khăn về nguồn cung. Biết rõ vũ khí có thể chống được kẻ thù nhưng lại không được trang bị thì lấy đâu mà chiến đấu. Thua thôi! Biết sắp hết đạn dược mà không có kế hoạch chuẩn bị để tiếp ứng thì đánh nhau bằng tay không và nước bọt à. Thế là lỗi chủ quan chứ gì nữa. Cả một thời gian khá dài, các nước bị bùng phát dịch. Lẽ ra những người biết lo xa, có tầm nhìn đã chuẩn bị vũ khí là vaccine hầu đáp ứng khi dịch đến. Đằng này lại tự mãn với thành tích, khi thế giới rần rần sử dụng vaccine để giảm dịch thì mới lập quỹ kiếm tiền mua vaccine. Tiền thu được lại bỏ ngân hàng khi vaccine đang là mặt hàng nóng cả thể giới săn tìm. Cho nên khi cần chẳng còn nơi bán, chỉ chờ rồi chạy vạy xin khắp nơi. Ai cho lấy nấy chẳng có một kế hoạch gì được nữa vì chẳng có thế chủ động.

Và thế là trong tình hình dầu sôi lửa bỏng, cần vaccine để cứu thì lãnh đạo bùi ngùi mà bảo rằng cũng đang tiếp tục đàm phán để mua vaccine trong đó có 5 triệu liều vaccine của Moderna. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu trên thế giới muốn có vaccine Moderna rất cao, nên việc đàm phán mua loại vacine này rất khó khăn, nhất là việc đưa vaccine về trong tháng 10- 2021. Người chích Moderna từ cuối tháng 7, hạn 28 ngày và tối đa 42 ngày, giờ tận tháng 10 mới có thể có thuốc thì xem như chuyện tiêm chủng thành công cốc. Đối tượng chích Moderna là nhóm người dễ nhiễm bệnh và đưa đến tình trạng nặng nhất. Đó cũng là nhóm dễ tử vong khi bị nhiễm. Thế giới ưu tiên tiêm chủng và theo dõi kỹ lứa tuổi này, nhưng ở ta thì chỉ làm được nửa đường rồi đành để đó. Nghe đồn sẽ chích trộn với Pfizer, báo chí bắt đầu đưa tin một số nước đã thực hiện kiểu đấy nhưng hậu quả thế nào thì cũng chẳng ai đoán được vì tất cả đều là thử. Ngay vaccine đang được chích lan tràn khắp nơi cũng chỉ là thử để đối phó kịp thời cơn bùng phát của dịch. Di chứng của nó đối với tế bào, với ADN, với Gen của người được chích cũng chưa có báo cáo rõ ràng vì tất cả đều mới quá, chưa có báo cáo cụ thể. Cho nên đám khoa học gia Antivaccine, tức chống vaccine như TS Mike Yeadon hay Bác sỹ Dr. Vladimir Zelenko người Do Thái người đã tự hào chữa trị hàng ngàn bệnh nhân nhiễm virrus Vũ Hán trong đó có cả Tổng thống Donald Trump, luật sư Rudy Giuliani, Lizman, tổng thống Brazil Bolsonaro… cũng là những bệnh nhân của ông. Các ông này và nhiều người nữa lên án vaccine và cho đó là một âm mưu. Nhưng những người xứ nghèo như Việt Nam thì cần vaccine để thoát khỏi cơn đại dịch. Ai cũng mong được hai mũi để an tâm và để mong được sống, những lập luận của các ông đành để ngoài tai, chẳng cần biết ai âm mưu và mục đích để làm gì, cứ nghe xong rồi bỏ. Điều đó cho thấy dân ta thực tế, chấp nhận để sống đã, mọi chuyện tính sau.

Vấn đề bây giờ của chúng ta là bao giờ dịch giảm? Hiện nay ở Mỹ phải đối mặt với làn sóng dịch lần thứ 4, trước bối cảnh chiến dịch tiêm chủng quốc gia bị trì trệ và biến chủng Delta lây lan mạnh. Số ca mắc mới, nhập viện và tử vong tại nước này ngày càng tăng.

Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh điểm, số ca trên sẽ giảm dần. Tại Anh, nơi Delta là biến chủng thống trị, số ca mắc mới mỗi ngày giảm từ 60.000 vào giữa tháng 7 chỉ còn 30.000 chỉ trong hai tuần.

Ở Ấn Độ, số ca mắc mới mỗi ngày đã chạm đỉnh điểm 400.000 ca vào mùa xuân. Các chuyên gia ước tính trên thực tế con số này cao hơn gấp 20 lần. Tuy vậy, vào tháng 6, số ca nhiễm đã giảm mạnh. Các nhà khoa học đang nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân những đợt bùng dịch do biến thể Delta ở hai điểm nóng này có thể đi tới hồi kết, dù chỉ mang tính tạm thời.

Thế còn ở Việt Nam, đặc biệt là ở thành phố này, bao giờ mới đến thời điểm giảm. Những con số người nhiễm trong những ngày gần đây vẫn không thấy giảm, có lúc còn cao hơn bình thường và lãnh đạo bảo đó là con số đã đoán trước được nên nhân dân không phải lo. Chết thế mà bảo không lo sao được. Cứ trở nặng là tiêu vì thiếu thiết bị, thiếu nhân lực, thiếu giường nằm, sao mà không lo. Con virus lo âu nhiều khi ám ảnh còn hơn con virus Vũ Hán.

Con số tử vong tuy có giảm nhưng thật sự vẫn còn cao so với các nước, đó là điều người ta lo lắng nhất. Nếu giảm giãn cách mà vẫn tụ tập đông người, vẫn tổ chức lễ lạc, vẫn còn những buổi tương tác xã hội thì chắc chắn không thể giảm dịch. Nói sống chung với virus không có nghĩa là chúng ta trở lại cuộc sống bình thường mà khi con virus còn tồn tại, cuộc sống và sinh hoạt của con người sẽ khác đi, không còn như xưa nữa. Thế giới đã phải đổi thay vì con virus đó.

Nhà nước ta đã bỏ qua mất cơ hội để có thể có những biện pháp và chuẩn bị để chống dịch hiệu quả hơn. Thế nhưng rồi tất cả đều quá trễ và loay hoay với mọi kế hoạch. Tình trạng bi đát của thành phố HCM trong cơn đại dịch với nhiều mất mát, đau thương đúng ra là bài học lớn để rút ra nhiều kinh nghiệm. Tiếc thay, nhà nước chưa làm được điều đó. Cách tập trung đến 13.000 người và dự trù lên đến 27.000 người trong khu cách ly, điều trị ở Bệnh viện điều trị dã chiến Thới Hoà, Bình Dương khiến cho nhiều người lo ngại. Bác sĩ đâu, y tá đâu, điều dưỡng đâu mà lo cho xuể? Cứ trở nặng là chết ngay tức thì. Giường bệnh kê sát nhau như những chiếc ghế trên bờ biển lúc đông người. Người chen chúc nhau trong cái mênh mông của căn nhà rộng mà không thấy một thiết bị y tế nào. Đã quá tải. Kiểu đông đúc như thế này chắc chắn điều kiện vệ sinh không được đảm bảo và sự lây nhiễm chắc là khó tránh và khi bệnh nhân trở nặng cũng chẳng có nhân viên y tế nào có mặt kịp thời để cứu họ. Đã diễn ra cảnh giành giật nhau hộp cơm, tranh nhau nước uống. Tình trạng như thế thì không bao giờ giảm được dịch mà biến thành ổ dịch khổng lồ.

Giáo sư Warren Bennis từng cố vấn an ninh cho 4 đời tổng thống Mỹ trong đó có Tổng thống John F. Kennedy và Ronald Reagan. Ông đã có một câu nói rất hay về sự khác biệt giữa khả năng lãnh đạo và khả năng quản lý mà ta cần suy ngẫm như sau: Quản Lý là làm việc cho đúng và Lãnh Đạo là làm cho đúng việc. (Management is doing things right. Leadership is doing the right things). Hình như ở ta đang có tình trạng giẫm chân nhau, không phân biệt ai là lãnh đạo và ai là quản lý.

Chúng ta mong lãnh đạo làm đúng việc và quản lý làm việc cho đúng để mọi chuyện được đi đúng đường, cơn dịch sớm qua đi và mọi người được trở lại cuộc sống. Kéo dài mãi thế này có thể không chết vì dịch mà chết vì túng đói và cùng quẫn. Sau cơn dịch này, mọi người chắc là sẽ sang chấn tâm lý cả. Thành phố sẽ lắm kẻ tưng tưng.

6.9.2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ SÁU MƯƠI MỐT.

Tối hôm qua, rất nhiều dân thành phố quan tâm đến chương trình livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” với sự có mặt của Tân Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi sẽ đối thoại trực tiếp với người dân về những định hướng lớn của thành phố trong công tác phòng, chống dịch sau ngày 15.9.2021

Câu hỏi được người dân Sài Gòn quan tâm nhất vẫn là khi nào thành phố nới lỏng giãn cách, tại sao giãn cách mãi và tại sao làm mãi mà chưa hết dịch? Câu trả lời của Chủ tịch thành phố cũng vẫn là chung chung trên hai lý do khách quan và chủ quan.

Khách quan là do chủng Delta lây lan nhanh, ứng phó chưa kịp thời. Chủ quan là có một số địa bàn làm chưa nghiêm, hay các hoạt động xét nghiệm làm chưa tốt.

Trả lời khi nào thành phố mới nới lỏng giãn cách thì ông bảo chưa trả lời được. Khi nào kiểm soát được dịch thì mới quyết định được vì nếu chưa kiểm soát được thì không an toàn, không đảm bảo sức khỏe cho người dân. Mở giãn cách dựa trên nguyên tắc an toàn, an toàn tới đâu mở tới đó. Tùy theo tình hình dịch bệnh mà nới lỏng hay siết chặt các biện pháp giãn cách. Dự kiến, những hoạt động điện tử, kinh doanh bưu chính, phục vụ y tế, thực phẩm, cửa hàng xăng dầu, gas, công trường xây dựng… nếu quản được người tham gia an toàn sẽ cho hoạt động trở lại. Có nghĩa là phải chờ, chẳng biết khi nào vì dịch vẫn còn căng. Không hi vọng có thay đổi gì sau 15.9. Rồi tiếp tục thêm một tháng nữa chăng? Số người nhiễm vẫn cao từng ngày. Số người tử vong cũng chẳng giảm bao nhiêu. Có nghĩa là ta vẫn chưa kiểm soát được dịch, đành chờ vậy.

Chờ và rất nhiều đối tượng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Người lao động thất nghiệp thì đã khó từ ngay lúc bắt đầu giãn cách, giới nghiêm rồi. Nhưng những người dành dụm được chút ít để dành thì sau 3 tháng ngồi không ăn cũng đã hết. Người khá hơn một chút có tiền trong tài khoản ngân hàng nhưng không rút được vì không có giấy phép ra đường, đành chịu cảnh có tiền mà không cầm trong tay được. Trên mạng có mấy clip cảnh chị em đi bán vàng mà tội nghiệp, lén lút canh me công an với dân quân như hồi ngăn sông cấm chợ, thời cấm mua bán vàng.

Đã có nhiều khu dân nổi điên kéo xuống đường vì những bất công trong phân phối túi an sinh và nhất là tiền trợ cấp chờ hoài không thấy. Thế nhưng rồi chẳng ai giải quyết. Câu trả lời thông thường của cán bộ phường xã là tiền chưa về, không biết, chỉ có nhiêu thì chia bấy nhiêu, hồ sơ chưa hợp lý, không nằm trong đối tượng ..Trong khi chủ trương của chính quyền là không phân biệt đối tượng được trợ cấp, tạm trú hay có hộ khẩu, ở trọ hay nhà thuê đều được hưởng như nhau. Quan điểm tất cả mọi người khó khăn thì là đối tượng được hỗ trợ. Ông Mãi cũng công nhận là trong thực tế các gói hỗ trợ có lỗi của thành phố là rà soát đối tượng chưa đủ, còn bỏ sót. Nhận thức được như vậy cũng là điểm thay đổi của lãnh đạo rồi, trước đây gặp tình trạng này thường chối loanh quanh. Giờ đây, khi tiếp tục giãn cách, thời gian tới, thành phố sẽ hỗ trợ tiền mặt cho bà con, và đang tính toán có thể ít hơn, nhưng thường xuyên hơn, rồi gạo, rồi tiếp túi an sinh. Dân cũng mong được như thế và chẳng ai bị bỏ sót. Dân cũng kiến nghị cho giám sát, kiểm tra việc dân chưa nhận được túi an sinh và tiền và cả tình trạng phát sai, ông Mãi khẳng định, sẽ kiểm tra, rà soát. Cũng có một số nơi phát sai, chưa đúng đối tượng. Ông cũng thay mặt lãnh đạo thành phố nhận khuyết điểm với bà con về việc này.

Một việc mà dân quan tâm nữa là việc chích ngừa vaccine nhất là Moderna mũi 2 đang rất nhiều người trông đợi, nhất là những người già. Ông Mãi cho hay về mũi 2, thành phố đã bàn với Bộ Y tế, ai đến thời gian mũi hai đều có để tiêm, ông cũng cam kết việc tiêm vắc xin ở thành phố là tự nguyện và minh bạch. Tuy nhiên ông vẫn không đề cập đến vaccine Moderna. Và như thế, chắc chắn sắp tới đây, những người chích mũi 1 Moderna khi chích mũi 2 sẽ là Pfizer. Đành ai sao mình vậy thôi, chỉ mong là sẽ không bị phản ứng nguy hiểm là tốt rồi.

Trong buổi livestream, dù chủ tịch thành phố vẫn chưa cụ thể vấn đề gì rõ ràng về thời gian xoá giãn cách. Tuy nhiên, kết hợp với những tin tức trên báo chí chính thống, người dân có chút hi vọng là thành phố sẽ có những thay đổi lạc quan hơn. Từ chủ trương “Chống dịch như chống giặc” nhà nước đã công nhận “Phải sống chung với dịch” “Không thể khống chế hoàn toàn dịch bệnh”. Thật ra là “Phải sống chung với virus” thì chính xác hơn. Đó là bước thay đổi hợp lý và tất yếu phù hợp với chủ trương của nhiều nước trên thế giới. Nhưng lãnh đạo thành phố thì vẫn phân vân, cho rằng chưa đủ điều kiện để giảm giãn cách, cần phải nghiên cứu thêm. Cụ thể, thành phố đang giao các bộ phận và cơ quan liên quan nghiên cứu các vấn đề môi trường và con người sống trong môi trường có dịch để mở cửa lại dần dần và mở tới đâu, quản tới đó. Một ngày quý ngài ngồi nghiên cứu là thêm một ngày dân mỏi mòn. Là thêm một ngày chịu đựng biết bao nhiêu khổ sở, tù túng và kiệt quệ. Chỉ cần xoá giãn cách, cho người lao động đi làm ăn, người buôn bán hoạt động trở lại thì chấm dứt khó khăn trong đời sống thôi. Chưa bao giờ thành phố này phải ngửa tay xin viện trợ, thế mà trong cơn đại dịch vào tháng 8.2021, thành phố đã phải xin trung ương trợ cấp 28.000 tỷ đồng và hơn 140.000 tấn gạo để giúp đỡ người dân nghèo đã bị mất việc nhiều tháng nay và đang khốn đốn do dịch bệnh kéo dài. Một thành phố từng đóng góp 82% ngân sách thu được cho trung ương, là trung tâm kinh tế của cả nước, là thành phố đóng góp nhiều nhất để nuôi 47 tỉnh thành của cả nước. Giờ đây tan hoang, xơ xác vì dịch bệnh, thành phố phải nhờ viện trợ. Đó cũng là một nỗi đau và cho thấy tình hình của thành phố thê thảm không như báo chí ca ngợi hàng ngày. Nhiều tin rộ lên về Dự thảo Kế hoạch phục hồi kinh tế thành phố. Đọc và mong điều ấy sẽ sắp thành hiện thực. Nhưng sau đó Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Phạm Đức Hải khẳng định thông tin nói trên là tin giả, sai sự thực. Dân vẫn hoang mang, cho đến hôm nay chẳng có gì cụ thể và rõ ràng cho tương lai sắp tới. Từ chuyện an sinh cho đến vaccine. Từ chuyện giãn cách cho tới chuyện giảm giãn cách. Lãnh đạo vẫn đang bàn và dân vẫn dài cổ chờ đợi. Một sự việc hôm nay rất đáng lo là hôm 30.8, Sở Công thương cho biết lực lượng shipper sẽ được xét nghiệm miễn phí tại hơn 400 trạm y tế lưu động chia theo từng quận, huyện có địa chỉ cụ thể với thời gian 1 tuần, sau đó tính toán phương án xét nghiệm phù hợp với tình hình thực tế. Đến hôm nay 7.9 nhiều cơ sở y tế ngưng xét nghiệm, shipper lại không thể giao hàng, không thể hoạt động được. Ai cũng biết rõ rằng ở thành phố này chỉ có lực lượng shipper chuyên nghiệp mới làm tròn nhiệm vụ phân phối và lưu thông hàng hoá đến tận tay người dân. Không có lực lượng nào khác có thể thay thế được, kể cả lực lượng quân đội. Thế mà loay hoay mấy tháng rồi, thành phố cũng chưa xây dựng được một quy chế rõ ràng và lâu dài cho họ. Loanh quanh chỉ là những chủ trương, chỉ thị tạm bợ, ngắn ngày. Điều đó cho thấy khả năng của cơ quan phụ trách quá kém, do dự, thiếu quyết đoán và chỉ ngồi đấy ở trên bảo sao làm vậy. Sợ mất chức? Thiếu trình độ? Hay vì những lý do nào khác nữa. Đội ngũ shipper hoạt động nhưng chẳng an tâm vì những thay đổi liên tục bởi những văn bản. Nếu không chấn chỉnh, shipper sẽ rơi rớt dần và lúc đó thành phố lại lâm vào khủng hoảng lưu thông hàng hoá như đã từng bị.

Lực lượng y tế tại các bệnh viện, các khu cách ly, thu dung cũng đang lâm vào tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. Số người bỏ việc càng ngày càng đông đến độ vào ngày 4.9.2021, Bộ Y tế ban hành công văn số 7330/BYT-KCB, chấn chỉnh công tác nhân sự, yêu cầu tước chứng chỉ hành nghề nhân viên y tế nào bỏ việc hoặc vi phạm các qui định về đạo đức nghề nghiệp. Công văn đã cho thấy một thực trạng đau lòng khi bệnh nhân thiếu người chăm sóc nên dễ đưa đến cái chết oan uổng mà nhân viên y tế đành bỏ việc. Họ đã cố hết sức, họ đã vắt kiệt sức trong một thời gian dài nhưng không được bảo vệ, chăm sóc và đãi ngộ xứng đáng. Trong bài trước, tôi đã có đề nghị nên thưởng tiền thật nhiều cho họ thay vì nhưng lời khen trên giấy khen, thay vì những bài hát ca ngợi. Làm việc quần quật, kề cận bên cái chết, bản thân không biết sẽ dính bệnh bất cứ lúc nào nhưng bữa ăn đều từ những bếp ăn từ thiện mang cho, có gì ăn đấy. Bệnh viện, nhất là những bệnh viện mới mở để phục vụ điều trị virus Vũ Hán hầu như không có bếp ăn. Và như vậy lực lượng y tế no đói trông chờ vào các bếp cơm từ thiện. Ăn không được nhà nước lo, thiết bị lại thiếu thốn. Lại ngửa tay nhận những đóng góp của các tổ chức xã hội từ cái khẩu trang, thiết bị đo SpO2, cái khăn mặt, nước xịt khuẩn, bình oxy cho đến máy thở. Người cho cũng phải lén lút như người nhận vì lãnh đạo không cho phép công khai chuyện này. Những chuyện như thế mà nhà nước không lo được sao mà phải đi xin để có người đóng góp một chút lại suốt ngày đem ra khoe công đức của mình và hệ thống y tế phải lệ thuộc lòng thương của mọi người.

Nhân viên y tế phải rời xa gia đình, lăn vào tuyến đầu, cận kề và chứng kiến bao cái chết hàng ngày, tinh thần của họ căng thẳng liên tục. Thế nhưng họ không được đối xử xứng đáng, lãnh đạo Bộ không quan tâm họ làm việc trong hoàn cảnh thế nào, họ ăn uống ra sao, họ sống với nguy hiểm thế nào để có những quyết định kịp thời cho họ an tâm diệt dịch. Khi họ không chịu đựng nổi, họ bỏ ngang. Xét về mặt đạo đức nghề nghiệp, họ có lỗi với nghề đã chọn. Nhưng làm việc trong nguy hiểm mà thiếu thiết bị, không được quan tâm miếng ăn, giấc ngủ, không được lãnh đạo lưu tâm đến những góp ý, đề nghị của họ lại không có được tưởng thưởng xứng đáng nên họ phản ứng, lãnh đạo cứ đem lý ra đòi kỷ luật, đòi tước chứng chỉ hành nghề. Và họ đã chọn, dứt áo đi về chấp nhận những kỷ luật. Chỉ tội, chỉ thương, chỉ xót cho người bệnh vì thiếu sự quan tâm, chăm sóc mà phải chịu nằm đấy và chờ chết.

Nhân viên y tế tham gia trên tuyến đầu cũng chỉ lãnh

lương bình thường, lực lượng tư nhân thì được kêu gọi tham gia mà chẳng có được chút quyền lợi gì. Năm ngày, bảy bữa thì không sao. Nhưng kéo dài ngày này qua tháng nọ mà không được chút đãi ngộ, họ tan hàng cũng hợp lý thôi. Bệnh viện nhung nhúc người bệnh, có nơi như Bình Dương chứa đến 13.000 người và nghe nói sắp tới là 27.000 người. Ai phục vụ cho xuể khi lực lượng y tế quá mỏng. Nhà nước bỏ hàng trăm tỷ để làm cái việc xét nghiệm tùm lum chẳng mang lợi ích gì, cũng đem tiền tỷ để xịt khuẩn khắp nơi, đem tiền thuê máy bay, tàu thuỷ chở rau, đem tiền mua loại vaccine dân ngại dùng…mà lại không dám bỏ tiền ra để đãi ngộ cho nhân viên y tế một cách xứng đáng. Do vậy trong chuyện ban hành kỷ luật này, lãnh đạo phải xem lại mình để tự kỷ luật mình trước đã.

Thành phố lo âu chống dịch nhưng đồng thời cũng đang bế tắc về hoạt động của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang kiệt sức, cạn tiền. Đó là một sự thật, kết quả của chuỗi ngày giãn cách. Gần 70% trong hơn 21.000 doanh nghiệp được khảo sát đã đóng cửa, phần lớn vì chuỗi cung ứng đứt gãy. Chính phủ chỉ đạo cho phép hàng hoá được lưu thông bình thường, trừ hàng cấm, nhưng các địa phương vẫn mỗi nơi ra một quy định. Lưu thông hàng hoá vì thế bị tắc nghẽn, khiến chi phí vận chuyển tăng vọt do thời gian lưu thông tăng gấp nhiều lần và doanh nghiệp phải mất thêm khoản tiền không nhỏ từ chi phí xét nghiệm cho lái xe. Thiếu vốn, nhà máy không sản xuất, công nhân thất nghiệp đưa đến hệ luỵ thiếu ăn, chỉ trông chờ hỗ trợ của nhà nước. Doanh nghiệp, công nhân nóng lòng được mau tái hoạt động nhưng viễn cảnh cũng đang mù mờ lắm. Doanh nghiệp đề nghị nhà nước có chính sách phù hợp cho những người đã tiêm 2 mũi vaccine được trở lại làm việc. Đồng thời, doanh nghiệp kiến nghị tích hợp phần mềm khai báo y tế, di biến động dân cư, tận dụng IT để giảm bớt thủ tục giấy tờ. Nên chỉ có chung một mẫu để tiện việc lưu thông và hoạt động. Đây không chỉ là mong đợi riêng của các doanh nghiệp mà còn là mong mỏi của người dân. Con virus đã lắm nỗi lo mà chuyện giấy tờ cũng là nỗi lo không kém. Sao cứ dùng dằng, rắc rối mãi với mấy thứ giấy này đến thế?

Trở lại với vaccine, sau một thời gian dài đi xin các nước, hôm qua Chủ tịch nước ta đã đề nghị chính phủ Ấn Độ cho Việt Nam vay khẩn cấp 10 triệu liều vaccine ngừa virus trong thời gian tới, đồng thời cung cấp các thuốc điều trị virus cho Việt Nam. Bên đó cũng đang lung tung dịch bệnh, lời khẩn cầu này không biết có được đáp ứng không? Ừ thì ngồi chờ xem vậy. Chứ giờ giãn cách rảnh quá, ở không biết làm gì? Có lẽ mình mua trễ quá, chẳng ai chịu bán vaccine cho mình ngoài anh Sinopharm nên đành đi xin, đi vay chứ ta có Quỹ vaccine từng huy động được chín, mười ngàn tỷ kia mà. Tiền có mà không có vaccine cứu dân, đau thật!

Tin cuối hôm nay là tin Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu xử lý hành vi hủy đơn hàng “đi chợ hộ”. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Công an chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu có chế tài xử lý nghiêm hành vi hủy đơn hàng “đi chợ hộ” để bộ đội, tình nguyện viên yên tâm hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân. Dân tình nhất là dân Sài Gòn rất phẫn nộ việc huỷ đơn hàng kiểu này. Báo chí nói nhiều, truyền hình cũng nói nhiều và giờ đến Thủ tướng cũng quan tâm. Nhưng cho đến giờ này chẳng thấy mặt mũi, tên tuổi, hình ảnh của người phạm tội đâu cả. Thế thì xử lý ai, chế tài ai? Chỉ cần dân đưa một hình ảnh tiêu cực nào đó lên mạng xã hội, chưa đầy một nốt nhạc công an, dân quân có mặt gởi giấy mời ngay. Sao mấy kẻ bom hàng chẳng thấy mặt chỉ thấy chữ trên báo? Đặt hàng có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng kia mà, sao không nêu đích danh mà cứ mập mờ thấy tin mà chẳng thấy người. An ninh ta dở đến thế à? Hay đằng sau việc này lại chứa mục đích gì đấy. Ai mà biết. Án mạng không thủ phạm, một tựa đề khá hay cho chuyện này đây.

7.9.2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ SÁU MƯƠI HAI.

Tối hôm qua phường nhắn tin trưa nay chích mũi 2. Gắng ngủ sớm mà trằn trọc mãi không ngủ được. Sáng người không khoẻ, chuẩn bị mấy thứ linh tinh để đi chích. Trưa nóng, người đông quá. Hơn trăm người gộp ba bốn phường. Toàn người già ngồi ở sân trường học. Kiếm một góc vắng người ngồi chờ. Trước đây tôi và cũng đã có nhiều chuyên gia nói về chuyện đo huyết áp và khám sàng lọc khi tiêm chủng, hai khâu có lẽ thừa và cũng dễ lây nhiễm cho người đi tiêm chủng. Tưởng là đã được đơn giản hoá, ai ngờ bây giờ vẫn thế. Vẫn cái máy đo hết quấn cho người này đến người khác, vẫn những câu hỏi sơ sài cho có việc sàng lọc dù đã có ghi rõ trong phiếu đăng ký tiêm chủng. Thêm khâu sàng lọc hoá ra thừa vì chỉ là câu hỏi cho có lệ. Nếu giảm bớt hai khâu này, tốc độ tiêm chủng sẽ nhanh hơn nhiều và người đi tiêm cũng bớt được thời gian chờ đợi. Thú thật là ngồi trong đám đông hàng trăm người thế này, dù đã bịt kín tối đa cũng cảm thấy ơn ớn vì con Delta này lây nhanh lắm, nhất là người già sức đề kháng kém. Mũi 2 là Pfizer thôi, đành có chi xài nấy vậy, có muốn khác hơn cũng không được. Chấp nhận thì chích, không thì về. Đã về là khỏi chích luôn dù sau này thành phố có thể có Moderna. Chích xong ngồi chờ, có một cô nhà báo đến phỏng vấn, he..he khẩu trang, kiếng chống giọt bắn, mũ đội sùm sụp mà sao nhà báo nhìn ra tui mà hỏi và quay film. Hỏi có ý kiến chi khi chích mũi 2 là Pfizer, trả lời thì có gì chích đó thôi. Hỏi về khâu tiêm chủng, trả lời là tổ chức yếu quá. Có sao nói thế mà.

Ngày hôm nay Bộ Y tế chính thức thông báo có thể tiêm kết hợp 2 loại vaccine “nếu cần”. Đúng ra Bộ phải thông báo và giải thích ít nhất là trước đây hơn tuần lễ mới đúng. Khi dư luận thắc mắc về mũi 2 Moderna, Bộ im lặng, không trấn an dư luận. Sao không minh bạch đi, ừ thì trước đây Bộ yêu cầu mũi 1 thuốc nào thì mũi 2 cũng phải thuốc đó. Nhưng vì tình hình thiếu Moderna nên chích Pfizer, cho dân rõ là không có gì nguy hiểm, thế giới cũng đã làm. Giờ lại bảo có thể tiêm kết hợp 2 loại, còn nhấn mạnh “nếu cần”. Dân đâu muốn chích 2 loại thế này đâu nên dân cũng đâu có “cần” đâu mà “nếu”. Hết thuốc thì cứ bảo hết thuốc, chơi chữ “nếu cần” đọc sao khó chịu quá!

Thành phố muốn đạt tỷ lệ tiêm chủng trước 15.9 cho nên địa phương nào cũng khẩn trương làm cho nhanh, tập trung nhiều phường chích một lần do vậy đông người dồn ứ quá. Bộ Y tế bày ra Sổ sức khoẻ điện tử, lúc đầu thấy cũng hay, vừa chích xong mũi 1 là sổ cập nhận liền. Nhưng rồi sau đó trục trặc liên tục và bây giờ là”Có lỗi khi giao tiếp với hệ thống”. Không vào được sổ của cá nhân cho nên xem như sổ đấy bỏ thùng rác. Dù đã xong 2 mũi nhưng cũng phải hết sức đề phòng, tuân thủ 5K. Về đến sân nhà là xịt nước rửa tay chân, bỏ khẩu trang, lên phòng là cởi hết áo quần đem giặt, tắm gội sạch sẽ cho yên tâm. Đã gần ba tháng rồi, đây là lần thứ hai đi ra đường. Hai lần đều là đi tiêm. Phố xá buồn hiu, lác đác cũng có người đi, thấm thía nỗi buồn của Sài Gòn trong thời gian dài giãn cách. Chờ thêm thời gian nữa, thêm một quãng đời bị đánh mất, thêm những ngày sống với lo âu, thêm những khoảnh khắc buồn. Vaccine vẫn còn là nỗi lo của chính quyền cũng như người dân. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn: Đầu năm tới, chúng ta sẽ tự chủ vaccine trong nước và sắp tới nguồn vaccine nhập khẩu sẽ về nhiều, dự kiến trong tháng 9, tháng 10 sẽ có khoảng 30 triệu liều. Hiện Việt Nam đã triển khai công tác vận động ngoại giao vaccine hết sức quyết liệt theo cơ chế song phương, đa phương và qua mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài để tiếp cận không chỉ vaccine mà cả thuốc đặc trị. Ngoài ra, còn thực hiện đôn đốc các hãng Astra Zeneca, Pfizer thực hiện các cam kết về cung cấp vaccine, đồng thời viện trợ, vay vaccine từ nước ngoài, đẩy mạnh hợp đồng mua vaccine mới từ các nước. Thông báo là vậy, nhưng thực tế thì chúng ta vẫn đang thiếu vaccine. Không chuẩn bị, thiếu tính toán đương nhiên hậu quả phải là vậy thôi. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, nếu không có đủ vaccine thì không thể ngăn được dịch. Việc quan trọng bây giờ của chính phủ là phải tìm mọi cách để có vaccine, không chỉ đủ cho bây giờ mà phải có dự trữ về sau vì chúng ta đã chấp nhận sống chung với virus.

Đã từ lâu lắm rồi, Sài Gòn là đầu mối giao thương với miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Hàng hoá tứ phương đổ về thành phố này. Thế nhưng khi bùng phát dịch, lãnh đạo chọn phương án đóng cửa để ngăn chận. Đó là biện pháp sai lầm và sau đó thành phố đã nhìn thấy. Thế nhưng lại lúng túng trong việc lưu thông hàng hoá đến tay dân. Phiếu đi chợ, mở cửa một vài siêu thị, cấm shipper, quân đội đi chợ hộ, rồi tổ chức shipper tình nguyện, cuối cùng cũng phải sử dụng đội ngũ shipper chuyên nghiệp. Nhưng giờ lực lượng đó cũng đang gặp vấn đề. Trước đây, số shipper trên địa bàn thành phố khoảng 62.000 người nhưng giờ đây Sở Công thương chỉ huy động được khoảng 25.000 người. Lý do cơ bản là chuyện xét nghiệm, nếu nhà nước không giải quyết được khâu này, xem như hệ thống shipper lại gặp khủng hoảng, mạch máu lưu thông hàng hoá lại tắc nghẽn. Xét nghiệm quá dày, chi phí xét nghiệm quá cao, nhân viên xét nghiệm không bảo đảm an toàn, dịch bệnh đang căng, đi làm lúc này rất dễ dính bệnh gây nhiễm cho gia đình. Đó là những lý do shipper không thiết tha với công việc dù đang gặp khó khăn về đời sống. Hiện nay trên mạng xã hội, chợ mở ra đông đúc, muốn mua gì cũng có. Cần bún riêu có bún riêu. Cần cháo lòng có cháo lòng. Cần bánh mì có bánh mì. Cần rau củ có rau củ. Chỉ có điều chưa biết ngon dở thế nào thôi. Và ngại nhất vẫn là không có người đi giao hàng. Nếu shipper được tổ chức và hoạt động tốt, sự nghẽn mạch trong phân phối không còn là nỗi lo dù tốn thêm tiền ship. Tốt nhất vẫn là cho phép mở cửa có kiểm soát các chợ. Nghe tin chợ đầu mối Bình Điền sẽ được hoạt động, mối lái cũng mừng. Tuy vậy, có chợ đầu mối mà không có chợ nhỏ phân phối thì cũng chưa giải quyết được toàn diện.

Thành phố vẫn đang rụt rè trong chuyện giảm giãn cách.

Vẫn đang trong tình trạng nửa vời chưa dám có một biện pháp nào sau 15.9. Tin tùm lum trên mạng nhưng chẳng biết nên tin cái gì vì nhiều khi hôm trước giả hôm sau thành thật, hôm nay thật ngày mai lại giả. Ông Vũ Đức Đam hôm trước nói một câu nghe cũng có lý: Vùng xanh phải cho hoạt động trở lại chứ vùng xanh mà như vùng đỏ, vùng cam; vẫn “ai ở đâu ở yên đó” thì vùng xanh để làm gì? Thiết nghĩ, khi có một tỷ lệ tiêm đủ hai mũi vaccine, thành phố nên mạnh dạn giảm giãn cách để cho người dân làm ăn kiếm sống. Thời gian kéo dài quá rồi, dân bắt đầu não nề, nếu không thì cũng khó có biện pháp ngăn chận, cách ly khi dân tuôn ra đường kiếm ăn.

Con số nhiễm bệnh và tử vong hàng ngày vẫn chưa giảm, nhiều tỉnh thành khác cũng đang tình trạng bùng phát dịch. Hà Nội đang tìm mọi cách để khắc chế cơn dịch. Tuy nhiên, lại đưa ra những biện pháp đi vào vết xe đổ của Sài Gòn. Nếu không có chủ trương và biện pháp khác hơn, e rằng Hà Nội sẽ như Sài Gòn. Lúc đó thì khó khăn vô cùng. Theo thông tin từ Bộ Y tế, đã có gần 15.000 người thuộc Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ; các tỉnh, thành phố; khối các bệnh viện Trung ương; các trường y dược đã tham gia chi viện cho thành phố và các tỉnh phía Nam. Lực lượng này đã góp phần rất lớn để giúp Sài Gòn khắc phục dịch bệnh. Khi nhiều nhân viên y tế đã bỏ việc về nhà vì không chịu nổi áp lực kéo dài, vì không được đãi ngộ xứng đáng, nếu bây giờ các tỉnh phía Bắc vào cao trào của dịch, lực lượng này phải rút về lại địa phương thì các bệnh viện của thành phố sẽ thiếu hụt nhân lực trầm trọng, e rằng con số tử vong sẽ tăng cao. Hôm nay, TP.HCM đề xuất cho bệnh viện tư nhân thu phí điều trị virus Vũ Hán. Theo UBND thành phố, việc này giúp đảm bảo nguồn lực tài chính để y tế tư nhân tiếp tục công tác điều trị, giảm áp lực cho hệ thống công lập, kịp thời cứu chữa người bệnh. Theo văn bản này, trong quá trình huy động các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị virus Vũ Hán có phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Hệ thống tư nhân từ trước đến nay không có sự hỗ trợ tài chánh từ nhà nước, giờ gánh việc điều trị cho người bệnh nhưng theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, người mắc bệnh thuộc nhóm A (trong đó có virus Vũ Hán) được khám và điều trị miễn phí. Ngoài ra, thông tư của Bộ Tài chính cũng quy định người bị áp áp dụng biện pháp cách ly y tế được miễn chi phí khám, chữa bệnh khi phát hiện, điều trị bệnh truyền nhiễm. Nếu thực hiện theo văn bản của Bộ, hệ thống bệnh viện tư nhân sẽ đuối sức, không kham nổi việc điều trị lâu dài cho người bị nhiễm dịch. Văn bản của UBND TP.HCM cho biết theo báo cáo của các cơ sở y tế tư nhân, hiện rất nhiều bệnh nhân sẵn sàng trả phí điều trị. Các cơ sở y tế tư nhân đã đề nghị cho phép được thu giá dịch vụ khám và điều trị bệnh nhân virus Vũ Hán. Điều này cũng hợp lý vì ở bệnh viện tư, bệnh nhân được chăm sóc kỹ hơn, phòng ốc, giường nằm cũng thoải mái hơn các khu bệnh viện dã chiến.

Trong khi công nhân, người lao động đang lao đao vì cách ly, giãn cách, thất nghiệp, đói ăn thì ông Nguyễn Đình Khang, chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam kêu gọi công nhân “đồng cam cộng khổ”. Lời kêu gọi trên được phát ra nhân dịp Liên đoàn Lao động phát động phong trào thi đua với tên gọi “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Xin thưa với ông, người lao động đang khổ vì thiếu ăn, đáng lẽ với tư cách là chủ tịch Liên đoàn Lao động, ông và tổ chức của ông phải tìm ra kế sách để giúp người lao động qua được cơn ngặt nghèo này. Theo báo cáo, kiểm tra, Liên đoàn tích luỹ tài chính là hơn 28.364 tỷ đồng. Tại sao không sử dụng số tiền này để giúp người lao động mà lại đi kêu gọi công nhân ”đồng cam cộng khổ”. Số tiền này gởi ngân hàng mỗi tháng, mỗi năm lời bao nhiêu, người dân không hề biết. Các ông nên “đồng cam cộng khổ” với nhân dân thì đúng hơn chứ! Lại kêu gọi vượt khó, sáng tạo, quyết tâm, toàn những từ ngữ sáo mòn vô ích. Cái người lao động cần là việc làm, là chén cơm lúc đói, viên thuốc khi bệnh chứ cần chi những lời sáo rỗng. Con virus này ghê lắm cán bộ ơi! Không thể hô quyết tâm với nỗ lực mà nó sợ đâu.

Tin cuối hôm nay có thể xem là một tin vui, đó là dự kiến từ ngày 20.9, quận 7 sẽ cho mở cửa trở lại một số hoạt động kinh doanh mặt hàng thiết yếu và kinh doanh đường phố. Lãnh đạo thành phố đang đi tìm phương án khôi phục kinh tế trong giai đoạn bình thường mới và giao cho quận 7 làm điểm. Hi vọng phương án này sẽ dần lan rộng đến các quận khác của thành phố để cuộc sống được hồi sinh.

Bài viết xong rồi nhưng có tin này hay nên bổ sung. Đó là Công an TP.HCM khẳng định không có chuyện người dân “bom hàng” đi chợ hộ. Thế là rõ rồi nhé. Hèn chi tìm hoài mà không ra thủ phạm. Báo chí nghe chỉ đạo của ai, mục đích gì khi tung tin tới tấp chuyện này. Đến VTV cũng đưa tin. Hố hết cả rồi nhé! Hoan hô Sở Công an thành phố.

Sài Gòn không thể đóng băng mãi và dân Sài Gòn không lẽ cứ đông cứng hoài. Số nhiễm hôm nay là 7308 và số tử là 268. Vẫn những con số buồn. Mong đợi ở ngày mai, Sài Gòn sẽ sớm có lối thoát.

8.9.2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ SÁU MƯƠI BA

Sáng nay được tin hai người quen vừa mất vì virus Vũ Hán. Một người rất khoẻ, lúc nào cũng dí dỏm, lạc quan, luôn truyền năng lực tích cực cho mọi người chung quanh. Nói năng duyên dáng, điệu như một quý ông. Mất vừa tuổi 53. Một người nằm bệnh viện nửa tháng rồi, chạy đủ thuốc men, qua nhiều máy thở, đặt nội khí quản và qua đời ở tuổi 63. Trong cơn đại dịch này, bạn bè, người quen ra đi nhiều quá. Trên facebook nhiều khung tang đen. Con số tử vong vẫn không giảm bao nhiêu. Bệnh viện thiếu đủ thứ mà người bệnh quá đông, không chăm sóc kịp thời, cứ trở nặng là đi. Một bác sĩ đang điều trị cho các bệnh nhân bảo rằng cứ đặt nội khí quản là xem như không có đường sống. Lại thêm thiếu người chăm sóc nên thường là không kịp cứu. Lực lượng y tế đang thiếu trầm trọng, gần 15.000 người từ Bắc vào chi viện. Rồi đội ngũ y bác sĩ ở Huế, ở Đà Nẵng cũng tham gia nhưng chẳng thấm vào đâu khi người bệnh càng lúc càng nhiều. Không còn giường để nằm, không còn máy để thở khi cần thiết.

Tối hôm qua, trên VTV có phát một phóng sự đặc biệt có tên là Ranh giới. Đó là ranh giới của sinh tử, ranh giới của sự chịu đựng, ranh giới của sự cố gắng tột cùng và cũng là ranh giới của sự chia ly. Phóng sự được quay trực tiếp tại khu cấp cứu đặc biệt dành cho các sản phụ bị mắc virus Vũ Hán: Bệnh viện Hùng Vương. Lần đầu tiên, người xem thấy được không khí làm việc căng thẳng, áp lực nặng nề đè trên vai những y bác sĩ, những người trên tuyến đầu chống dịch. Lâu nay trên báo chí, trên truyền hình, người ta chỉ được xem lướt qua những hình ảnh đã được sắp sẵn, được lựa chọn cho đẹp khung hình phục vụ cho việc thông tin tuyên truyền. Giờ đây trong Ranh giới, những người thật, việc thật, không khí thật, khung cảnh thật, nhân vật thật khiến người xem nhói lòng. Xem đến đoạn cô bác sĩ điện thoại cho người nhà bệnh nhân báo phải mổ để cứu mẹ đành bỏ con mới 21 tuần, tôi không xem được nữa, nước mắt cứ ứa ra không ngăn được. Không nghe được câu nói của người cha, anh đang bị kẹt vì giãn cách ở Vũng Tàu, không về được. Khuya lại mở ra xem tiếp, đến cảnh cô gái chết, bảng đo nhịp thở, huyết áp tụt xuống con số 0, nhưng khuôn mặt thẫn thờ của y bác sĩ, những đôi mắt tiếc nuối, thất vọng, buồn đau. Tôi lại ngừng. Chỉ cuối phóng sự, nụ cười của một cô gái bệnh nhân mong được về gặp chồng con và cảnh chiếc xe đẩy hai đứa bé sinh đôi làm cho tôi có chút niềm vui. Trong cái tử vẫn có cái sinh, trong cái mất mát vẫn có những đứa trẻ được cất tiếng khóc chào đời. Xem phim, người ta sẽ đau xót, bàng hoàng và thấy được những hi sinh, nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ trong việc giành lại sự sống cho những người sản phụ bị nhiễm dịch. Thiếu phương tiện, thiếu thuốc, thiếu nhân lực nhưng tất cả cố vượt qua vì sinh mệnh của những người khác. Tổ quản trị 12 người đã có 10 người phơi nhiễm, nhưng vẫn cố hoàn thành nhiệm vụ. Y tá, điều dưỡng nhiễm bệnh, vừa khoẻ lại đã tiếp tục công việc của mình. Họ xứng đáng được gọi là những chiến binh. Họ đã giúp những đứa trẻ ra đời trong giây phút nghiệt ngã nhất, họ cố gắng để người mẹ nhiễm bệnh và đứa con có thể được tiếp tục sống trong những giây phút tưởng là tuyệt vọng. Một phóng sự hay và sống động gây nhiều cảm xúc. Cám ơn ê kíp thực hiện phóng sự đầy ý nghĩa và nhiều cảm xúc này. Tuy vậy, có người cho rằng phóng sự Ranh giới không làm mờ mặt nhân vật, như vậy là thiếu nhân văn. Thật ra trong hoàn cảnh tế nhị như thế, ê kíp làm phim chắc hẳn có sự đồng ý của các người bệnh. Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cũng lưu ý trong phim 4 thai phụ quay cận mặt thì đều là những người còn tỉnh táo, vẫn ngồi được, nói chuyện với bác sĩ và họ đồng thuận với việc làm phim.

Nhiều bệnh nhân thậm chí vẫn tiếp tục giữ liên lạc với đạo diễn – người đã có nửa tháng trời làm việc miệt mài, vất vả bên các bệnh nhân, chia sẻ với họ những khoảnh khắc yếu lòng và cả niềm vui vô bờ.(Theo báo Tuổi Trẻ).

Lại thêm một tin không vui về con virus Vũ Hán. Hãng tin Bloomberg và tờ The Washington Post cho biết kết quả nghiên cứu đã cảnh báo nguy cơ tổn thương thận ở những người khỏi bệnh virus Vũ Hán. Theo một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí của Hiệp hội Thận học Mỹ, những người đã được điều trị khỏi sau khi mắc virus có nguy cơ gặp phải triệu chứng tổn thương thận, mặc dù những tổn thương này có thể không gây đau đớn và không có biểu hiện. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng tổn thương cơ quan lọc máu có thể xảy ra ở cả những người tự phục hồi tại nhà sau khi nhiễm virus và mức độ tổn thương sẽ tỷ lệ thuận với tình trạng mắc bệnh trước đó. Ngay cả những bệnh nhân không nhập viện điều trị, không có vấn đề về thận cũng có nguy cơ phát triển bệnh thận giai đoạn cuối cao hơn gấp 2 lần so với những người chưa từng mắc virus Vũ Hán. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng những bệnh nhân mắc virus không nhập viện có nguy cơ bị tổn thương thận cấp tính tăng 23% trong vòng 6 tháng – một tình trạng cản trở việc loại bỏ chất thải và chất độc ra khỏi máu. Đây là điểm mà các bệnh nhân nhiễm virus đã khỏi cần quan tâm. PGS, TS Trịnh Thị Diệu Thường, Trưởng khoa Y học cổ truyền – Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng hầu hết người sau khi chữa bệnh virus Vũ Hán sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng 12 tuần. Nhưng đối với một số người, các triệu chứng có thể kéo dài hơn. Các triệu chứng kéo dài sau khi khỏi bệnh thường gặp bao gồm: Ho kéo dài, đau họng, thay đổi khứu giác hoặc vị giác, mệt mỏi kéo dài, khó thở, giảm trí nhớ, mất tập trung, mất ngủ, đau đầu, đau ngực hoặc tức ngực, tim đập nhanh, chóng mặt, choáng váng, đau nhức các khớp, trầm cảm và lo âu, ù tai, rối loạn tiêu hoá, rối loạn thân nhiệt.. Nói tóm lại, sau khi thoát được con virus, người bệnh sẽ bị những di chứng không có lợi cho sức khoẻ. Điều này chứng tỏ virus này có sức tàn phá cơ thể rất ghê gớm nên những người sau khi nhiễm đã chữa hết bệnh cũng cần lưu ý những thông tin này.

Một điều đáng quan tâm nữa theo BS Trần Sĩ Tuấn, nguyên TBT báo Sức khỏe Đời sống, cho biết, ngoài các nguyên nhân gây tử vong như quá tải ở phòng ICU, thiếu nhân lực y tế, F0 điều trị tại nhà khi bệnh diễn biến nặng thì không được đưa đến bệnh viện kịp thời…còn một nguyên nhân gây nguy hiểm cho bệnh nhân là tình trạng F0 thiếu oxy máu thầm lặng, chiếm tỷ lệ 5% (ví dụ trong 100 ca dương tính có 5 ca thiếu oxy máu thầm lặng). F0 thiếu oxy máu thầm lặng là tình trạng bệnh nhân không có biểu hiện gì ra bên ngoài, trong khi đó virus âm thầm gây tổn thương phế nang phổi và âm thầm hình thành các cục máu đông ở động mạch phổi.

Do thời kì đầu, phổi mềm nên bệnh nhân không có biểu hiện khó thở kể cả những trường hợp lượng SpO2 còn 65% thì bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường. Nhưng khi bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng thì khó thở rất dữ dội, oxy bị đốt cháy nhanh SpO2 tụt xuống rất nhanh, chỉ sau vài giờ nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong. Rất nhiều những trường hợp tử vong tại nhà , tử vong trên xe cấp cứu và các tầng thấp đều do F0 thiếu oxy máu thầm lặng gây nên. Do vậy, khi có người nhiễm bệnh, việc theo dõi SpO2 phải là việc cần làm thường xuyên.

Để chuẩn bị cho việc giảm dần giãn cách, UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn về tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát trong thời gian giãn cách xã hội. Cho phép mở lại dịch vụ ăn uống, chỉ bán mang đi: Hoạt động từ 6h đến 18h theo phương thức “3 tại chỗ”. Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến. Thành phố cũng cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; Đội ngũ shipper hoạt động trong phạm vi 1 quận, huyện, TP Thủ Đức. Cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6h đến 21h hàng ngày để đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân.

Như vậy, dù chưa có thể đưa cuộc sống trở lại bình thường nhưng cũng đã hé cửa thăm dò để chờ khi thuận tiện để mở cửa. Dù sao đó cũng là những tín hiệu vui mở đầu cho một lối thoát cần thiết.

Ngày 8.9, thành phố cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng về việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân mắc virus Vũ Hán. Qua khảo sát, việc mua sắm thuốc, vật tự y tế; cũng như định mức sử dụng, chi phí điều trị bệnh nhân nhiễm virus giữa hệ thống y tế công lập và tư nhân rất khác biệt. Nếu chi trả theo mức chi phí phát sinh như tại cơ sở y tế công lập thì cơ sở y tế tư nhân không thể duy trì được. Để giải quyết vấn đề này, UBND TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ý kiến của Bộ Tài chính; sớm tổng hợp trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

TP.HCM đang chuẩn bị các chiến lược để trở lại “bình thường mới” với mũi tiến công quan trọng là Vắc-xin + Thuốc + Ý thức.

Những ngày qua, trên mạng xã hội cũng như trên báo chí đã phản ánh nhiều bức xúc của dân về việc gói hỗ trợ và tiền trợ cấp. Điển hình như phản ánh của người dân phố 5, khu phố 1, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân đã lên tiếng về việc cán bộ tổ dân phố chỉ phát mỗi nhà 15kg nhưng yêu cầu ký nhận 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ. Hay việc hơn 90% người dân tại khu vực 4/11, tổ 52, ấp Thới Tứ 2, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, chưa nhận được gói hỗ trợ nào, không liên hệ được các đường dây nóng. Cán bộ phường yêu cầu người dân phải có chứng nhận tiêm vaccine mũi 1 mới được nhận hỗ trợ. Hoặc chuyện Bệnh viện Xuyên Á Hóc Môn bắt buộc người bệnh virus Vũ Hán cam kết không sử dụng bảo hiểm xã hội khi vào cấp cứu. Trong một clip khác phát tán trên mạng, người ta thấy hai nhân viên của phường sẻ đôi tiền trợ cấp 1.500.000 đồng cho 2 hộ. Mỗi hộ chỉ được lãnh 750.000 đồng. Một kiểu hành xử không có trong quy định.

Nhìn chung, thành phố đã cố hết sức trong việc giúp dân qua cơn đói và hỗ trợ hộ nghèo. Suốt mấy chục năm qua, thành phố đã đóng góp cho trung ương số tiền không nhỏ. Thế nhưng trong cơn ngặt nghèo UBND TPHCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng, Bộ Tài chính, Bộ LĐ- TB&XH hỗ trợ khẩn cấp 28.000 tỷ đồng ngân sách và 142.000 tấn gạo cho người nghèo tại địa phương gặp khó khăn do đại dịch. Với số tiền gần 28.000 tỷ đồng, TPHCM dự kiến sẽ dùng để chi hỗ trợ cho trên 4,7 triệu người lao động và hộ nghèo tiền ăn, tiền thuê trọ. Trong đó, hỗ trợ lao động nghèo trong 98 ngày, mỗi người 50.000 đồng/ngày. Hỗ trợ hộ nghèo mỗi hộ 1,5 triệu đồng/tháng trong 2 tháng.

Thế nhưng, Bộ Tài chính cho rằng, đây là chính sách hỗ trợ đối tượng đặc thù của UBND TPHCM đề xuất, đã trình Thủ tướng và đề nghị thành phố chủ động sắp xếp ngân sách địa phương, các nguồn huy động khác để hỗ trợ cho người dân. Có nghĩa là thành phố nên tự lo chứ trung ương không đáp ứng. Cuối cùng cũng vớt vát cho được 71.104 tấn gạo. Số gạo này để hỗ trợ trong 1 tháng. Còn thời gian tới thì sao? Thành phố giờ đã khô máu rồi mà dân thì kêu, cần là cần lúc túng ngặt chứ bình thường thì thành phố nộp đến 82% của cải làm ra kia mà. Chơi thế thì buồn thật! Chơi thế thì chơi với ai? Lại nhớ bài thơ của Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm:

“Đắc thời, thân thích chen chân đến, Thất thế, hương lân ngoảnh mặt đi. Thớt có tanh tao, ruồi đậu đến, Ang không mật mỡ, kiến bò chi ? Đời nay những trọng người nhiều của, Lặng đến tay không, ai kẻ vì ?”

Xem trên mạng thấy có một bài phỏng vấn một bác sĩ người Việt đang hành nghề ở Mỹ. Vị bác sĩ này cho rằng Việt Nam đang rất quyết tâm chống dịch dù có nhiều biện pháp chưa đúng và không được lòng dân. Tuy nhiên theo ý của vị này, Việt Nam đã rất nhanh chóng tiếp thu và tận dụng những loại thuốc để cứu người trong cơn đại dịch. Ví dụ như nhập về và sử dụng ngay hai loại thuốc điều trị virus đắt đỏ, khó tiếp cận trên thế giới là thuốc Remdesivir và Molnupiravir. Thuốc Remdesivir dùng cho các ca nặng và Molnupiravir cho các bệnh nhân nhẹ, vừa điều trị tại nhà. Đó là một trong những phương cách hợp lý dù rất tốn kém để có thể sớm dập được dịch đang bùng phát. Lại nói về giấy phép đi đường. Cái giấy này đã khiến cho Sài Gòn lao đao, lúng túng và rối rắm. Giờ lại diễn ra y một kịch bản ở Hà Nội. Trong nguy nan, trong khó khăn mới thấy ai khôn, ai dại, ai tài, ai kém. Ở Đà Nẵng chính quyền ở đấy giải quyết chuyện này nhẹ bâng. Mở trang Web, dân có đủ điều kiện cứ nằm nhà điền vào, bộ phận nào, ban ngành nào liên quan sẽ căn cứ vào đó mà cấp giấy đi đường. Không xếp hàng, không chen lấn và rất khoa học, đúng với thời đại 4.0. Hay Cà Mau, một tỉnh nhỏ ở cùng trời, cuối đất sử dụng Zalo để đăng ký, gọn, nhẹ và nhanh chóng. Sao hai thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn không làm được thế? Người thì có dư, thiết bị cũng có đủ, sao không làm được mà cứ mãi chạy quanh tờ giấy thế! Quản lý kém, tư duy tồi hay vì lý do nào nữa?

Đang chờ mở tung cửa để không còn cảnh tù hãm, không còn cảnh kiếm miếng ăn trong biết bao khó khăn. Sài Gòn đang dần qua cơn bệnh, mong sẽ hồi phục nhanh để Sài Gòn vẫn nguyên vẹn Sài Gòn của trăm năm cũ.

9.9.2021

Comments are closed.