Nhật ký Sài Gòn lockdown (kỳ 26 – hết)

Đỗ Duy Ngọc

 

TRỞ VỀ VỚI MÁU, NƯỚC MẮT VÀ BUỒN TỦI

Cho đến hôm nay, từ khi cơn đại dịch bùng phát mạnh ở Sài Gòn và một số tỉnh phía Nam, người ta ước tính có khoảng gần triệu người đã rời bỏ Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Long An để trở về quê. Họ từ Cao Bằng, Lạng Sơn cho đến Bạc Liêu, Cà Mau. Nghĩa là từ muôn phương tụ lại và rồi quay đầu về cố hương trong cơn đại dịch. Họ đến với đôi tay trắng, mong có một cuộc sống khá hơn nhưng rồi trở về cũng trắng đôi bàn tay. Có người đã đến hơn chục năm, lấy vợ, sinh con đẻ cái ở đất này. Nhưng cũng có người vừa đến chưa đầy đôi ba tháng. Họ có nhiều hoàn cảnh nhưng cùng giống nhau ở một điểm là trải qua cơn dịch, họ không còn phương tiện sống, không còn công việc để kiếm cơm, không còn lối thoát và chọn giải pháp cuối cùng là trở về. Có người về trên chiếc xe gắn máy chở cả gia đình vợ chồng con cái với chút gia sản ít ỏi cột theo xe. Cũng có người trở về với chiếc xe đạp với con đường diệu vợi hàng trăm, hàng ngàn cây số. Cũng có người trở về bằng đôi chân trần, lếch thếch trên con đường cái quan với hành trang chỉ là chiếc ba lô nhỏ. Cũng có ba cha con trở về bằng chiếc xe kéo tự chế, con ngồi, cha kéo như một trò chơi để mong về mảnh đất còn xa hơn trăm cây số. Cũng có gia đình ba thế hệ cùng đi bộ về, bước chân không còn vững nhưng cố gắng rời rạc bước khi cơn giông và bầu trời đen kịt kéo về báo hiệu cơn mưa lớn. Trong đoàn người về quê tối 6.10, tại chốt kiểm soát của thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, đoạn giáp ranh với địa phận tỉnh Long An. Trạm CSGT thị trấn Tân Túc phát hiện bà Trần Thị Ớt 76 tuổi đi bộ đẩy chiếc xe nôi từ thành phố về Thoại Sơn, An Giang vì chồng tai biến trở nặng. Hình ảnh cụ bà lưng đã còng, chậm rãi đẩy chiếc xe chất đầy đồ đạc đi hàng trăm cây số khiến ai nhìn thấy cũng lặng người.

Tất cả đều chung hoàn cảnh là trong túi chẳng còn bao nhiêu tiền nữa. Bởi nếu còn khá tiền, họ sẽ cố ở lại để đợi chờ cơn dịch đi qua. Cả đoàn người về miền Trung, miền Bắc đi trong cơn mưa, những đôi mắt trẻ thơ ngơ ngác, những đôi mắt người lớn mệt mỏi, u buồn. Những chiếc áo mưa mỏng manh không che được cơn mưa lớn, tất cả ướt sũng vì nước mưa và khuôn mặt họ đầy nước mắt. Họ được dân địa phương tặng cho chén súp, chén cháo nóng giữa đêm, họ được chăm sóc như người thân và họ khóc vì cảm động.

Cặp vợ chồng chở nhau trên chiếc xe đạp, người vợ mang bầu đã đến tháng thứ tám, chỉ còn 100.000 đồng cho cuộc hành trình. Cả gia đình hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ sau khi trả những đồng tiền cuối cùng của mình cho việc xét nghiệm kiếm cái giấy đi đường chỉ còn lại 50.000 đồng. Cặp vợ chồng trẻ đi bộ về quê khi chẳng còn một đồng trong túi sau hai tháng ở gầm cầu vì bị đuổi ra khỏi nhà trọ do không còn tiền để đóng, người vợ đang mang thai, mấy hôm đi bộ nhiều nên có lẽ động thai, ra huyết. Chị mong đi đến được nhà cô chị để nhận được 200.000 đồng như lời hứa của cô chị, đi khám thai rồi tiếp tục đi bộ trên con đường quy hương. Không biết cặp vợ chồng trẻ này bao giờ mới được về nhà. Xem clip mà nước mắt cứ trào ra thương biết bao thân phận, thương quá cho nỗi đau, nỗi khổ của đồng bào mình. Cũng may trên con đường trở về, họ đã được nhiều người dân đùm bọc, giúp đỡ. Chỉ có dân giúp dân, lá lành đùm lá rách và cũng có cảnh lá rách đùm lá nát. Cặp vợ chồng đi xe đạp nhận 5 triệu đồng của một người qua đường mà cứ ngỡ trong mơ. Cặp vợ chồng trẻ được anh Khương Dừa trao tặng 5 triệu đồng với lời nhắn nhủ phải đi khám thai rồi tính gì thì tính. Cô gái mừng rơi nước mắt, khóc vì cảm xúc, khóc vì được giúp trong bế tắc và có lẽ cũng là giọt nước mắt tri ân vì đời vẫn còn người tốt.

Cuộc trở về không chỉ có giọt nước mắt mừng vì được có người giúp miếng ăn, chai nước, ít tiền hay phương tiện để đi được thêm một chặng đường. Mà còn những giọt nước mắt nghẹn ngào đau xót trước cơn hấp hối của con như nước mắt của người mẹ trên đỉnh đèo Hải Vân trong đêm mưa khi thấy con mình đã gần như ngưng thở vì đói, rét và gió gụi đường trường. “Trong tiếng động cơ khởi động ồn ào, một bà mẹ bất ngờ khóc thét khiến cả đoàn xe máy sắp xuất phát phải dừng lại. Đứa trẻ đã ngất xỉu trong lớp áo mưa. Bà mẹ trẻ bồng con sơ sinh lao thẳng về phía có các tình nguyện viên, cầu cứu.

Nhanh chóng bế đứa nhỏ khỏi vòng tay mẹ, một tình nguyện viên cũng là y tá của bệnh viện ôm đứa nhỏ chạy vào một quán nước trên đỉnh đèo. Các y tá, bác sĩ khẩn cấp sơ cứu.

Qua kiểm tra, nhóm tình nguyện nhận định cháu bé ngất xỉu do tụt đường huyết vì quá đói và mệt sau chặng đường dài.

Người mẹ quê tỉnh Nghệ An khóc kể lại rằng, trên đường đi cháu bé nôn ói, không ăn được gì. Khi đến đỉnh đèo Hải Vân thì hết nôn ói, chị mở chiếc áo mưa ra xem thì đứa trẻ đã lịm…”(trích báo). Tiếng kêu “cứu con tôi với” đầy nước mắt vang lên trong cảnh nhộn nhạo của cuộc di tản chứa nỗi tuyệt vọng và bi thương. Cũng may đứa bé được cứu sống kịp thời, nếu không cuộc trở về sẽ là cơn ác mộng theo mãi người mẹ trẻ. Nhưng cũng có người đã phải chết trước khi về được ngôi nhà, làng xóm thân yêu của mình. Hai mẹ con chết vì bị tai nạn giao thông khi vừa đến Quảng Nam. Một cặp vợ chồng bị xe cán khi đã đến ranh giới quê nhà. Người chồng chết ngay dưới bánh xe tải và người vợ đang thập tử nhất sinh trong bệnh viện. Và còn nhiều trường hợp nữa phải dừng lại giữa đường không được về với quê hương. Cuộc trở về không chỉ có nước mắt mà còn có cả máu, còn có cả sinh mạng của một số người. Nỗi đau này ai là người chịu trách nhiệm? Nếu đủ điều kiện để ở lại, chắc họ sẽ không làm cuộc phiêu lưu đầy giông bão để trở về. Và chắc họ sẽ không phải chết.

Vượt bao nhiêu khó khăn để trở về quê, có người phải bỏ mình trên con đường về. Nhưng buồn thay, họ lại bị lãnh đạo quê nhà từ chối. Ngay từ đầu khi có dịch ở trên thế giới, chính phủ đã thực hiện nhiều chuyến bay để chở những người con xa xứ ở Châu Âu, ở Nhật Bản, ở Ấn Độ trở về. Thế sao những người lao động nghèo ở trong nước lại không được trở về quê như họ mong ước. Họ bị rào kẽm gai, chốt chận chặn lại. Họ rớt nước mắt trong mưa, họ hò hét đến khản cổ, họ thắp nhang quỳ lạy giữa lộ. Rồi họ được về, nhưng lãnh đạo địa phương không muốn nhận. Họ lo giữ cái ghế của mình hơn là nỗi đau của đồng bào. Những người trở về không chỉ có nước mắt, máu mà còn có buồn tủi. Buồn vì họ trở thành kẻ xa lạ trên quê nhà của mình. Tủi vì họ không được chấp nhận. Khi người anh không nhận đứa em trong cơn nguy khốn của mình trở về thì là bất nghĩa. Khi lãnh đạo không nhận đồng bào của mình trong lúc khó khăn thì gọi là bất nhân. Làm lãnh đạo, làm con người mà bất nghĩa, bất nhân thì làm sao tạo được lòng tin. Lãnh đạo bất nhân, bất lực, bất tài chỉ khiến cho dân đã khổ càng thêm khổ. Dân buồn, dân tủi vì lãnh đạo quê nhà từ chối họ, họ trở thành người lạ ngay trên chính quê hương mình.

Trở về vì không còn chút gì trong tay để sống. Trở về với cái túi đã cạn sau bốn tháng không được làm việc. Trở về vì bế tắc không còn đường thoát. Thế mà lãnh đạo địa phương bắt phải trả tiền cho những xét nghiệm, trả phí cách ly một ngày 80.000 tiền ăn và 40.000 chi phí khác. Tiền đâu dân đóng? Các ông đang nghĩ gì vậy? Nếu còn tiền họ đâu có nghĩ đến chuyện trở về để làm phiền các ông? Các ông tàn nhẫn quá, bóp cổ, vét hết túi tiền của dân chăng? Xét theo luật, xét nghiệm và chữa trị cho người nhiễm virus là miễn phí, sao các ông lại tính chuyện bóp cổ dân nghèo? Bòn rút đến nước ấy thì tệ quá.

Những cuộc trở về với máu nước mắt và buồn tủi như thế vẫn đang diễn ra hàng ngày trên đất nước này. Bao giờ mới chấm dứt những cuộc di tản đau buồn đó. Và biết đến bao giờ dân nghèo mới bớt khổ đau? Thương quá đồng bào tôi ơi!

7.10.2021

 

Cũng đành về lại

(Viết cho đồng bào tôi ngày quy hương)

Cũng đành về lại quê nhà

Đi trong nước mắt ướt nhoà nỗi đau Con đằng trước vợ ngồi sau

Về trong giông bão trời màu tang thương Lấy vỉa hè tạm thay giường

Đêm không giấc ngủ con đường còn xa Con rét lạnh nắm tay cha

Trẻ khát sữa khóc oa oa giữa trời Về thôi áo rách tả tơi

Xin cơm thiên hạ rối bời ruột gan Đường về sống chết gian nan

Bao nhiêu thân phận nối hàng vượt qua Kiếp nghèo đeo đẳng không tha

Hành trang gói gọn chút quà biệt ly Cả gia tài chẳng có chi

Đằng sau túi xách trước ghì con thơ Về thôi vĩnh biệt cơn mơ

Mưa nhoè lệ chảy thẫn thờ mốt mai Đi đâu cũng kẻ lạc loài

Về thôi ở lại chờ hoài uổng công Giữa đường quỳ lạy thinh không

Khói bay man mác giữa đồng trắng đêm Lạy người giữa những gọng kềm Thương tàn lửa cháy chẳng mềm lòng ai Lạy buồn năm tháng trượt dài

Đời không lối thoát tàn phai lối về Đốt nhang xin trở lại quê

Mang theo tro cốt hẹn thề với cha Lạy xin được trở lại nhà

Không cơm ăn cháo có bà con thân Xa quê lăn lóc bụi trần

Ra đi tay trắng lúc cần trắng tay Đành về miệng đắng mắt cay Thân tàn túi rỗng phơi bày xác xơ Qua đèo bao nỗi bơ phờ

Khoác manh áo mỏng mịt mờ bước đi Về thôi dù chẳng còn chi

Niềm tin bỏ lại không gì quy hương Thôi về lại với ruộng nương.

Chịu cơm thiếu muối mảnh vườn hoang sơ Giữa làng còn một cột cờ

Cứ nhìn theo mãi mịt mờ tháng năm Về thôi kiếm một chỗ nằm.

7.10.2021

GIẾT 15 CON CHÓ CỦA NGƯỜI THỢ HỒ CHẠY VỀ QUÊ, TÀN NHẪN QUÁ!

Đọc báo thấy tin chính quyền tỉnh Cà Mau tiêu huỷ 15 con chó của một người dân làm thợ hồ từ Long An chạy xe máy về Cà Mau vì thất nghiệp, hết tiền nên đành về quê. Trên xe gắn máy của anh, ngoài một số đồ đạc ít ỏi còn có chở thêm đàn chó nhỏ.

Báo nhà nước đăng thế này: ”22h ngày 8-10, vợ chồng ông Phạm Minh Hùng (49 tuổi, làm thợ hồ ở tỉnh Long An) về quê của vợ chồng người em (em dâu của vợ ông Hùng ở ấp Kinh Đứng A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời) để tránh dịch, tất cả có 5 người, trong đó có 1 cháu nhỏ.

Khi về Cà Mau, 2 gia đình mang theo 15 con chó (4 chó lớn và 11 chó con). Về đến chốt kiểm soát dịch COVID-19 Quản Lộ Phụng Hiệp thì vợ chồng ông Hùng cho 2 con chó con. Sau đó vợ chồng ông được đưa về huyện Trần Văn Thời cách ly tập trung tại Trường THPT Khánh Hưng.

Theo Trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời, lúc 1h ngày 9-10, khi test nhanh sàng lọc thì vợ chồng ông Hùng dương tính với COVID-19. Đến chiều cùng ngày, kết quả xét nghiệm của CDC Cà Mau cũng xác định vợ chồng ông Hùng dương tính. Sau đó vợ chồng ông được đưa đi cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hồ Thiên Chúa – chủ tịch UBND xã Khánh Hưng – cho biết, sau khi vợ chồng ông Hùng được đưa đi cách ly điều trị, những người làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại địa phương có vận động vợ chồng ông Hùng cho tiêu hủy 13 con chó. Về lý do, quy trình, cách thức tiêu hủy 13 con chó, ông Chúa cho biết đang yêu cầu báo cáo lại.”

Một báo khác thì lại cho rằng: ““Động cơ của anh em là phục vụ cho công tác phòng, chống dịch nhưng làm hơi gấp. Qua xét nghiệm, những con chó này dương tính với một loại virus. Tôi đang trên đường đi xuống xã để nắm lại và xử lý vụ việc này. Theo báo cáo, số chó đã bị tiêu hủy hết”.

Anh Hùng, chủ đàn chó cho biết: “Mấy con lớn ăn nhiều, còn chó nhỏ ăn ít. Vợ chồng tôi nuôi chúng, thương chúng như con vậy. Khi vợ chồng tôi cách ly ở xã Khánh Hưng, mấy con chó nằm ngủ trước cửa phòng”.

Trước đó, hình ảnh đôi vợ chồng chở những chú chó trên xe máy chất lỉnh kỉnh đồ đạc để về quê tránh dịch được chia sẻ nhiều trên mạng. Theo clip, hình ảnh được chia sẻ, 15 chú chó ngồi ngoan ngoãn suốt chuyến đi.

Một người thợ hồ thất nghiệp đã bốn tháng nay, chắc chắn cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, có thể là phải xin cơm từng bữa. Thế nhưng anh vẫn giữ đàn chó, chia sẻ những miếng cơm hiếm hoi cho chúng. Điều này chứng tỏ anh rất thương yêu chúng, cũng như anh nói, vợ chồng anh thương chúng như con. Thương thế nên trên đường xa về quê, anh cũng cố gắng mang theo chúng dù đường xa và đồ đạc lỉnh kỉnh. Thế mà khi về đến nơi, vợ chồng anh bị cách ly và đàn chó bị đem đi tiêu huỷ. Đau lòng quá! Nhẫn tâm quá! Dù là chó, chúng cũng là những sinh mệnh. Đó là chưa kể loài chó là động vật có nghĩa, trung thành và gần gũi với con người. Người ta thường nói:”Con chẳng chê cha khó, chó chẳng chê chủ nghèo”. Đàn chó ở với anh Hùng là người chủ nghèo đang bế tắc trong sinh kế. Nhưng chủ và chó gắn bó thương yêu nhau như người trong một nhà. Cùng nhau suốt đoạn đường đi. Thế mà nỡ lòng nào giết chúng? Tàn nhẫn quá! Ác nhân quá! Rất nhiều người nuôi chó và yêu thương nó vô cùng. Thất lạc nó người ta khóc, người ta cuống cuồng đi tìm cho bằng được. Nuôi con chó đến già, chó chết đi nhà buồn như có tang. Người và chó luôn khăng khít, yêu thương. Và cũng từ đó, dư luận lên án bọn bắt chó, buôn chó, làm thịt và ăn thịt chó. Các anh là quan, dù là quan bé cũng là quan, sao lại tự đánh đồng mình với lũ bắt chó và giết chó?

Báo cũng đăng: Chính quyền Cà Mau lên tiếng vụ tiêu hủy 15 con chó theo chủ về quê: “Chủ chó tự bắt bỏ vô bao, đồng ý tiêu hủy trên tinh thần tự nguyện”. Tôi đọc và tôi không tin, không thể nào người chủ chó có thể can đảm và nhẫn tâm tự bắt chó vô bao, tự nguyện đem thiêu huỷ. Không bao giờ có hành động như thế đối với một người xem chó như con mình. Nói thế là nói láo, là dựng chuyện. Quý quan tỉnh lẻ nếu thèm thịt chó thì vào quán mà ăn, sao lại có hành vi tàn ác thế.

Lại nhớ chuyện Lão Hạc của nhà văn Nam Cao. Cái cảnh đành bán con Vàng đi với dòng nước mắt của Lão Hạc cho ta thấy tình cảm giữa người và chó nó sâu lắm, nó đậm lắm. Làm gì có chuyện thản nhiên tự nguyện bỏ đàn chó vào bao đem tiêu huỷ. Các quan chắc đe doạ, hét hò, doạ nạt dữ lắm khiến anh Hùng phải đồng ý lệnh quan với nỗi đau xé lòng.

Hỡi ôi! Đến những con chó con, đến cả đàn chó của người nghèo cũng không tha thì gọi đám sai nha ấy là gì nhỉ? Chị Dậu của nhà văn Ngô Tất Tố bán ổ chó để kiếm tiền đóng thuế cho chồng, đọc đã rơi nước mắt. Giờ giết cả đàn chó, có còn nước mắt để khóc nữa chăng? Tưởng cái thời khốn nạn đó đã qua đi rồi, ai ngờ giờ nó còn tàn nhẫn hơn, khốn kiếp hơn. Viện cớ chó nhiễm virus, xin hỏi đó là con virus tên gì, nguy hiểm thế nào mà phải vội vàng đem đi giết? Bằng chứng đâu, xét nghiệm đâu? Toàn là cái cớ không thể chứng minh. Một cái cớ để thịt mấy con chó tội nghiệp.

Không những con người bị giam hãm, đói khát trong thời dịch bệnh, mà đến con chó cũng không tha. Biết nói gì đây? Phật, Chúa, Thần linh cũng đành quay mặt đi để khỏi phải trả lời.

10.10.2021

LẠI CHUYỆN CHÓ

Tôi vừa nhận được cuộc điện thoại của một anh bạn người Pháp. Anh năm nay cũng đã 76 tuổi, anh gọi cho tôi từ Montpellier, thành phố lớn thứ 8 của nước Pháp. Anh chỉ yêu cầu tôi trả lời một câu hỏi thôi, đó là có thật chính quyền Việt Nam ở Cà Mau vừa giết 13 con chó, trong đó có 9 con chó con không? Tôi bảo, đúng thế, báo đã đăng. Anh ta khóc lớn trong điện thoại và cứ nhắc đi nhắc lại từ Terrible! Terrible! tức là khủng khiếp. Anh không tin chuyện đó là thật nên hỏi tôi để xác nhận. Tôi không nhớ là anh có nuôi chó không và anh có phải là người yêu thú vật không? Nhưng tôi hiểu, đối với người phương Tây, giết những con thú nuôi, đặc biệt là chó là một điều khủng khiếp, rất khủng khiếp. Anh chấm dứt câu chuyện bằng một câu: Tao không thể tin được. Chúng mày man rợ quá! Đúng, chính tôi cũng không thể tin người ta có thể làm được chuyện này. Đập vào đầu cho vỡ óc, toé máu ra ư? Hay đem nhấn nước cho ngộp thở mà chết? Cách nào cũng tàn nhẫn cả. Mà chúng có tội gì đâu? Chúng cũng là những sinh mệnh mà. Chúng lại là con thú gần gũi với con người, bạn của con người, gắn bó và trung thành bậc nhất. Sao lại viện cớ dịch bệnh mà giết chúng? Nếu giả sử chúng có virus dính vào thân thể, chỉ cần tắm với xà phòng hay khử khuẩn là xong. Mà chắc gì đã có việc đó. 13 con dính virus hết sao? Một cách xử lý quá cực đoan nếu không nói là ngu ngốc và tàn ác. Đàn chó đã theo chủ trên một đoạn đường dài, chia sẻ từng hạt cơm, miếng bánh với chủ. Chúng là người bạn, là những đứa con của vợ chồng người chủ nghèo đang về quê kiếm cơm trong những ngày khốn khó. Người ta đã nhân danh chống dịch để giết chết chúng. Người nắm quyền lực không theo luật pháp mà hành xử theo bản năng. Quản không được thì cấm, xử không xong thì giết. Đó là cách an toàn để giữ ghế. Nhưng họ không nghĩ giết chết cả một đàn chó sẽ làm rúng động mọi người kể cả dư luận, báo chí thế giới. Ra lệnh giết đàn chó là hành vi của những kẻ cạn nghĩ, thiếu lương tâm và cực đoan. Bắt nguồn từ bản năng khát máu.

Vợ chồng người chủ chắc hẳn sẽ rất đau buồn như những đứa con của mình bị người ta giết. Nỗi buồn này sẽ là vết thương khó lành trong tâm trí họ. Những ngày gian khó vừa qua, họ đã chia sẻ cho đàn chó những gì có được. Trên đường về, nhiều người muốn mua mà họ không nỡ bán dù họ đang rất cần tiền. Họ không nỡ bán con. Trời mưa, họ khoác cho chúng những tấm áo mưa và cùng chúng đi trong mưa. Người và vật sẻ chia những vất vả của cuộc hành trình.

Họ đã về đến nhà nhưng đàn chó không còn. Chúng đã chết tức tưởi. Giờ thì người ta nhận sai, người ta nhận lỗi nhưng đàn chó có sống lại được đâu? Đám sai nha không tim đó rồi cũng vẫn an thân, vẫn ngồi ghế cũ, chẳng có cái án nào dành cho chúng cả. Chúng cũng chẳng có chút cắn rứt nào. Nhưng chúng đang bị nguyền rủa của dư luận, của cộng đồng. Cứ hình dung những chú chó con mũm mĩm kia bị đánh toác đầu, bị nhấn vào hồ nước, con chó lớn bị đánh què chân, vỡ óc thì quá hãi hùng. Tôi không biết anh bạn Tây già của tôi sẽ nghĩ gì về người Việt của chúng ta, nhưng chắc chắn trong lòng anh sẽ nghĩ sao chúng mày ác quá! Đến con chó nhỏ cũng không tha.

10.10.2021

TẠI SAO TP. HCM CÓ SỐ NGƯỜI TỬ VONG VÌ DỊCH CAO ĐẾN THẾ?

Từ khi thành phố bùng phát dịch vào đầu tháng 5.2021, tôi cứ thắc mắc hoài về con số tử vong vì dịch bệnh. Con số người mắc bệnh ở thành phố cho đến nay là 416.665 người, nhưng con số tử vong đã lên đến trên 16.189. Trong khi đó ở Bình Dương số người nhiễm là 225.358 tức khoảng hơn một nửa Sài Gòn nhưng số người chết chỉ hơn 2.282 người. Nếu so sánh với thế giới như Mỹ có 44.900.000 người nhiễm và số người chết là 724.000 người. Ấn Độ có 34.100.000 nhiễm và chết 452.000 người, Brazil có 21.600.000 nhiễm và tử vong 603.000 người. Việt Nam có 861.000 người nhiễm và 21.131 tử vong. Toàn thế giới có 219.000.000 người nhiễm dịch và số tử vong là 4.550.000 người. Nếu lấy tỷ lệ số người chết trên con số người nhiễm bệnh, ta thấy rằng tỷ lệ ở thành phố HCM nằm trong số những nước có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới. Nếu chung ở Việt Nam con số đó là 2.5% thì riêng thành phố đã là gần gấp đôi.

Câu hỏi đặt ra là tại sao ở thành phố này tỷ lệ người chết quá cao như thế, trong khi đây là thành phố lớn, có nhiều bệnh viện, có đội ngũ y bác sĩ giỏi, có thiết bị y tế tốt hơn những tỉnh khác, không kể thành phố Hà Nội. Lại được tăng cường hơn 20.000 cán bộ y tế, bác sĩ, y tá, điều dưỡng từ Bắc vào. Trong những ngày cao điểm của dịch, con số người chết lên cao đến chóng mặt. Xác chết phải chứa trong những xe lạnh, lò thiêu quá tải phải xếp hàng chờ cả tuần lễ, trên báo chí cũng như mạng xã hội đều thấy hình ảnh của chết chóc và bi thương. Nhiều bác sĩ bị chấn thương tâm lý vì chứng kiến quá nhiều người chết mà bất lực vì không có phương tiện cũng như thiết bị, thuốc men để cứu bệnh nhân.

Ngay trong thời điểm đó, tôi đã từng đặt câu hỏi này và đi tìm nguyên nhân rồi mong có nhà khoa học, các nhà chuyên môn có câu trả lời thoả đáng. Thế nhưng không tìm thấy.

Cho đến ngày 12.10, tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã chia sẻ về những ngày tháng chống dịch khốc liệt, chưa từng có của thành phố tôi mới thấy được nguyên nhân về con số tử vong cao ngất ấy. Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên: thành phố đã áp dụng biện pháp khẩn cấp nhưng không tuyên bố “tình trạng khẩn cấp”. Và nhân dân lúc đó cũng chẳng biết tình hình thật sự như thế nào bởi những biện pháp, văn bản, chỉ thị quay liên tục, thay đổi liên tục đâu có hay là thành phố đã vào thời điểm khẩn cấp. Điều này cũng khiến cho một bộ phận nhân dân còn chủ quan nên việc ngăn chận dịch bệnh không hiệu quả. Đồng thời, cũng theo ông Nên: “Dù lúc đó TP có những lúc đưa ra chỉ tiêu xét nghiệm 500.000 mẫu/ngày, huy động hết lực lượng nhưng trả kết quả chỉ vài chục ngàn mẫu. Quyết định giãn cách để xét nghiệm phát hiện ca nhiễm ngăn chặn kịp thời nhưng lúc đó “vũ khí chiến đấu” không phù hợp”. Lúc đó chưa có thuốc điều trị, TP tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến để tập trung ca nhiễm COVID-19 (F0). Nhưng tập trung xong ngồi đó ngó, ai khỏe vượt qua, ai mệt thì đi nằm bệnh viện. Việc này tạo áp lực căng thẳng rất lớn, không biết làm gì. Giữ F0 lại ngăn chặn nguồn lây nhưng tập trung họ lại xong không biết làm gì.” Ông Nên đã nói thật, thể hiện sự lúng túng của nhà cầm quyền đưa đến hậu quả khốc liệt. Lúc đó, chủ trương cách ly tập trung cả F0 lẫn F1. Nhưng không có một biện pháp gì, không thuốc men, không được chăm sóc, thiếu thốn mọi phương tiện. Và quan trọng nhất là “tập trung mà không biết làm gì”. Kết quả là lùa vào tập trung như thế nên đưa đến lây nhiễm chéo, người F1 có thể không nhiễm bệnh nếu được ở nhà, nhưng vào tập trung nên lây nhiễm và cuối cùng trở thành người bệnh và tử vong. Người F0 dù không triệu chứng, cứ xét nghiệm thấy dương tính là đưa đi, vào nằm không có thuốc, thiếu chăm sóc, kiệt sức là đi luôn. Như ông Nên phát biểu là tập trung F0 lại mà không biết làm gì, ai khoẻ thì vượt qua, ai yếu thì chết, hên xui. Thế nên rất nhiều người chết oan. Đáng lẽ họ không phải chết nếu được nằm nhà, được chăm sóc tử tế, có thể cơn bệnh sẽ qua đi vì hơn 80% người nhiễm sẽ hết bệnh hoặc không triệu chứng nặng.

Như vậy, rõ ràng là ở thành phố này, tỷ lệ tử vong cao là vì các chủ trương, biện pháp chống và phòng dịch đã mắc sai lầm trầm trọng trong thời gian đầu. Cách ly tập trung biến khu cách ly thành ổ nhiễm. Xét nghiệm toàn diện không giữ được những biện pháp an toàn cũng trở thành nơi truyền dịch. Đưa tất cả vào bệnh viện, mở nhiều khu dã chiến mà lại không có thuốc men, thiếu máy móc, thiết bị, thiếu chăm sóc, cứ lùa vào nằm đấy thì cái chết đến là đương nhiên.

Phát biểu của Bí thư thành phố đã trả lời được nguyên nhân tỷ lệ tử vong ở thành phố cao như thế. Và như vậy, số người chết có lắm kẻ chết oan. Họ chết vì những chủ trương sai lầm của nhà nước, của thành phố. Đương nhiên, cho đến nay chẳng có ai lãnh trách nhiệm, chẳng có ai bị kết tội. Chỉ còn lại đó nỗi đau của mỗi gia đình có người tử vong trong cơn đại dịch. Chỉ còn đó hàng ngàn đứa trẻ mồ côi chẳng còn người thân. Chỉ còn đó những nỗi mất mát không có gì bù đắp được. Một bác sĩ ở bệnh viện dã chiến ở quận 7 đã kể rằng có gia đình nhiều người nhiễm bệnh, khi qua đời bác sĩ không biết báo cho ai vì tất cả đều đã chết, đau đớn thế đấy, bi thảm thế đấy vì những sai lầm không đáng có. Đã có gia đình chết cả 8 người trong một ngày. Và biết bao nhân mạng phải chấp nhận oan khiên. Nghiệp nào ở đây, nhân quả gì ở đây? Họ chết oan vì những chính sách sai lầm. Ai là kẻ phải nhận tội? Chẳng có ai cả. Và người chết đã thành tro bụi rồi. Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ còn lại nỗi đau cho mỗi gia đình. Có nhiều nhà cho đến nay vẫn chưa nhận được tro cốt của người thân. Gần 2 triệu người trở về quê giờ không biết làm gì để sống sau cuộc di tản rầm rộ và bi đát trở về vì cùng đường, đói khát và sợ hãi.

Ông Nên chia sẻ: “Đại dịch để lại nhiều đau thương, bài học xương máu rất quan trọng để chúng ta sẵn sàng ứng chiến với tình hình mới chưa biết sắp tới như thế nào. TP thực hiện biện pháp nào cũng cân nhắc, rất khó khăn, không có biện pháp nào nhỏ”.

Bây giờ, thành phố chủ trương “bình thường mới” nhưng nguy hiểm của dịch bệnh vẫn luôn rình rập. Nếu không có chủ trương đúng, nếu vẫn chống dịch bằng khẩu hiệu, nếu không có những chuẩn bị hợp lý, nếu dân thiếu cảnh giác, chủ quan, dịch cũng có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Thực tế của các nước quanh ta và cả trên thế giới đã cho thấy rõ điều đó. Chích đủ vaccine cũng chưa hẳn là không nhiễm bệnh và không tử vong. Virus vẫn còn đó, số người bị nhiễm hàng ngày vẫn còn đó, mong nhà nước sáng suốt kết hợp với những nhà khoa học, những đội ngũ chuyên môn có một chính sách, biện pháp hợp lý và khoa học để chúng ta không tái diễn những chết chóc không đáng có. Đừng nên thoả mãn và tự hào rằng đã chế ngự được đại dịch. Càng kiêu ngạo và tung hô, càng nhận lấy hậu quả khó lường. Hiện tại, mỗi nơi làm mỗi cách, nhiều tỉnh thành lại quá cực đoan, cũng không thiếu sự ngu dốt khiến đời sống, sinh hoạt của nhân dân vốn đã khó khăn lại càng khổ hơn. Chính sách không nhất quán từ trung ương xuống địa phương đang làm cho dân bất mãn, hết lòng tin. Tình hình này có giải quyết được không?

Sài Gòn 17.10.2021

MỤC LỤC

Sài gòn……………………………………………………………………………….. 5

Nằm yên đi thành phố của tôi ơi…………………………………………. 7

Viết trong ngày phong toả đầu tiên……………………………………… 9

Sài gòn ngày phong toả thứ hai –

Những đứa trẻ đường phố trong thời đại dịch…………………… 12

Sài gòn ngày phong toả thứ ba…………………………………………. 15

Sài gòn ngày phong toả thứ tư –

Nỗi lo còn đó…………………………………………………………………….. 18

Sài gòn ngày phong toả thứ năm –

Nói về những con số…………………………………………………………. 24

Sài gòn ngày phong toả thứ sáu –

Những chuyện linh tinh……………………………………………………. 29

Sài gòn ngày phong toả thứ bảy –

ngày buồn tênh………………………………………………………………… 34

Sài gòn ngày phong toả thứ tám –

Toàn chuyện không vui…………………………………………………….. 36

Sài gòn ngày phong toả thứ chín –

Những tấm lòng……………………………………………………………….. 39

Sài gòn ngày phong toả thứ mười…………………………………….. 44

Sài gòn ngày phong toả thứ mười một………………………………. 45

Sài gòn ngày phong toả thứ mười hai –

Chuyện ổ bánh mì và nỗi lo còn đó……………………………………. 50

Sài gòn ngày phong toả thứ mười ba –

Như một lời xin lỗi……………………………………………………………. 55

Sài gòn ngày phong toả thứ mười bốn –

Tuổi già và đại dịch…………………………………………………………… 59

Sài gòn ngày phong toả thứ mười lăm………………………………. 63

Sài gòn ngày phong toả thứ mười sáu –

Lạc quan để tồn tại???………………………………………………………. 68

Sài gòn ngày phong toả thứ mười bảy –

Chuyện linh tinh……………………………………………………………….. 75

Sài gòn ngày phong toả thứ mười tám………………………………. 79

Sài gòn ngày phong toả thứ mười chín –

Giới nghiêm và những chuyện khác………………………………….. 87

Sài gòn ngày phong toả thứ hai mươi –

Đau thương và nghĩa tình…………………………………………………. 94

Sài gòn ngày phong toả thứ hai mốt –

Chuyện shipper………………………………………………………………. 101

Sài gòn ngày phong toả thứ hai mươi hai –

Tang thương…………………………………………………………………… 106

Sài gòn ngày phong tỏa thứ hai mươi ba –

Những mảnh đời trong thời đại dịch……………………………….. 112

Sài gòn ngày phong tỏa thứ hai mươi bốn –

Lại chuyện vaccine………………………………………………………….. 119

Sài gòn ngày phong tỏa thứ hai mươi lăm –

Những chuyện linh tinh………………………………………………….. 126

Sài gòn ngày phong tỏa thứ hai mươi sáu –

Tâm lý mùa dịch…………………………………………………………….. 133

Sài gòn ngày phong tỏa thứ hai mươi bảy……………………….. 140

Sài gòn ngày phong tỏa thứ hai mươi tám………………………. 145

Sài gòn ngày phong tỏa thứ hai mươi chín. –

Tin vui và nỗi buồn mùa đại dịch…………………………………….. 154

Sài gòn ngày phong tỏa thứ ba mươi………………………………. 161

Sài gòn ngày phong tỏa thứ ba mươi mốt……………………….. 169

Sài gòn ngày phong tỏa thứ ba mươi hai…………………………. 174

Sài gòn ngày phong tỏa thứ ba mươi ba………………………….. 183

Sài gòn ngày phong tỏa thứ ba mươi bốn………………………… 191

Sài gòn ngày phong tỏa thứ ba mươi lăm……………………….. 196

Sài gòn ngày phong tỏa thứ ba mươi sáu……………………….. 201

Những đứa trẻ trong mùa đại dịch………………………………….. 201

Sài gòn ngày phong tỏa thứ ba mươi bảy………………………… 209

Sài gòn ngày phong tỏa thứ ba mươi tám……………………….. 214

Sài gòn ngày phong tỏa thứ ba mươi chín……………………….. 220

Sài gòn ngày phong tỏa thứ bốn mươi…………………………….. 228

Sài gòn ngày phong tỏa thứ bốn mươi mốt……………………… 233

Sài gòn ngày phong tỏa thứ bốn mươi hai……………………….. 239

Sài gòn ngày phong tỏa thứ bốn mươi ba………………………… 248

Sài gòn ngày phong tỏa thứ bốn mươi bốn……………………… 256

Sài gòn ngày phong tỏa thứ bốn mươi lăm……………………… 262

Sài gòn ngày phong tỏa thứ bốn mươi sáu………………………. 269

Sài gòn ngày phong tỏa thứ bốn mươi bảy……………………… 277

Sài gòn ngày phong tỏa thứ bốn mươi tám……………………… 283

Sài gòn ngày phong tỏa thứ bốn mươi chín……………………… 290

Sài gòn ngày phong tỏa thứ năm mươi……………………………. 297

Sài gòn ngày phong tỏa thứ năm mươi mốt…………………….. 303

Sài gòn ngày phong tỏa thứ năm mươi hai……………………… 309

Sài gòn ngày phong tỏa thứ năm mươi ba………………………. 317

Sài gòn ngày phong tỏa thứ năm mươi bốn…………………….. 324

Sài gòn ngày phong tỏa thứ năm mươi lăm…………………….. 331

Sài gòn ngày phong tỏa thứ năm mươi sáu……………………… 337

Sài gòn ngày phong tỏa thứ năm mươi bảy…………………….. 344

Sài gòn ngày phong tỏa thứ năm mươi tám…………………….. 348

Sài gòn ngày phong tỏa thứ năm mươi chín……………………. 356

Sài gòn ngày phong tỏa thứ sáu mươi……………………………… 364

Sài gòn ngày phong tỏa thứ sáu mươi mốt………………………. 370

Sài gòn ngày phong tỏa thứ sáu mươi hai……………………….. 378

Sài gòn ngày phong tỏa thứ sáu mươi ba………………………… 385

Sài gòn ngày phong tỏa thứ sáu mươi bốn………………………. 393

Sài gòn ngày phong tỏa thứ sáu mươi lăm………………………. 399

Sài gòn ngày phong tỏa thứ sáu mươi sáu……………………….. 408

Sài gòn ngày phong tỏa thứ sáu mươi bảy………………………. 418

Sài gòn ngày phong tỏa thứ sáu mươi tám………………………. 426

Sài gòn ngày phong tỏa thứ sáu mươi chín……………………… 432

Sài gòn ngày phong tỏa thứ bảy mươi…………………………….. 439

Sài gòn ngày phong tỏa thứ bảy mươi mốt –

Lan man lắm chuyện 1……………………………………………………. 445

Sài gòn ngày phong tỏa thứ bảy mươi hai –

Lan man lắm chuyện 2……………………………………………………. 450

Sài gòn ngày phong tỏa thứ bảy mươi ba –

Lan man lắm chuyện 3……………………………………………………. 457

Sài gòn ngày phong tỏa thứ bảy mươi bốn-

Lan man lắm chuyện 4……………………………………………………. 463

Sài gòn ngày phong tỏa thứ bảy mươi lăm –

Lan man lắm chuyện 5……………………………………………………. 469

Sài gòn ngày phong tỏa thứ bảy mươi sáu –

Lan man lắm chuyện 6……………………………………………………. 475

Sài gòn ngày phong tỏa thứ bảy mươi bảy –

Lan man lắm chuyện 7……………………………………………………. 481

Sài gòn ngày phong tỏa thứ bảy mươi tám –

Lan man lắm chuyện 8……………………………………………………. 489

Sài gòn ngày phong tỏa thứ bảy mươi chín –

Lan man lắm chuyện 9……………………………………………………. 495

Sài gòn ngày phong tỏa thứ tám mươi –

Lan man lắm chuyện 10…………………………………………………. 502

Sài gòn ngày phong tỏa thứ tám mươi mốt –

Lan man lắm chuyện 11…………………………………………………. 509

Sài gòn ngày phong tỏa thứ tám mươi hai –

Lan man lắm chuyện 12…………………………………………………. 516

Sài gòn ngày phong tỏa thứ tám mươi ba –

Lan man lắm chuyện 13…………………………………………………. 521

Sài gòn ngày phong tỏa cuối cùng………………………………….. 530

Sài gòn ngày đầu tiên giảm giãn cách……………………………… 537

Giảm giãn cách –

Sài gòn ngày giảm giãn cách thứ hai……………………………….. 545

Hội chứng về quê và khủng hoảng lòng tin……………………. 552

Trở về với máu, nước mắt và buồn tủi……………………………… 557

Cũng đành về lại…………………………………………………………….. 562

Giết 15 con chó của người thợ hồ chạy về quê,

tàn nhẫn quá!…………………………………………………………………. 564

Lại chuyện chó……………………………………………………………….. 568

Tại sao TP. HCM có số người tử vong

vì dịch cao đến thế?…………………………………………………………. 570

Comments are closed.